Bản án 43/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng tín dụng 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 43/2023/DS-PT NGÀY 17/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 17 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng; xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2023/TLPT-DS ngày 13 tháng 01 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 75/2022/DS-ST ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 28/2023/QĐ-PT ngày 13/02/2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần A Địa chỉ: số B đường M, phường N, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn:

Ông Từ Tiến P – Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật.

Ông Lê Thanh H2 – Giám đốc phòng quản lý nợ là người đại diện theo ủy quyền.

Bà Lê Thị H1 – Nhân viên xử lý nợ là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 16/9/2022).

Ông Ngô Thanh C1 theo văn bản uỷ quyền số 124/UQ-QLN.23 ngày 01/02/2023.

2. Bị đơn: Ông Nguyễn Đức H, sinh năm: 1984. Địa chỉ: số X đường H, phường V, thành phố Đ, tỉnh Lâm Đồng.

(Ông Ngô Thanh C1 có mặt; ông Nguyễn Đức H vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo đơn khởi kiện và bản tự khai của người được nguyên đơn Ngân hàng thương mại cổ phần A ủy quyền trình bày:

Ngày 19/12/2018, ông Nguyễn Đức H ký hợp đồng cấp tín dụng số TDU.CN.246.191218 với Ngân hàng thương mại cổ phần A (viết tắt là Ngân hàng A), theo hợp đồng thỏa thuận thì ông H vay số tiền 250.000.000đ với thời gian vay là 60 tháng kể từ ngày bên được cấp tín dụng , ông H đã nhận tiền vay lần đầu với mục đích vay tiêu dùng tín chấp - Vay lẻ - Mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, lãi suất trong hạn: 10%/năm (tính theo dư nợ ban đầu) và 19,67%/năm tính theo dư nợ cho vay thực tế, lãi suất quá hạn: 150% lãi suất trong hạn, lãi suất phạt chậm trả: 10%/năm, được giải ngân một lần vào tài khoản thanh toán số 204341559 của ông Nguyễn Đức H mở tại Ngân hàng A. Sau khi ký hợp đồng, trong ngày 19/12/2018, Ngân hàng A đã chuyển số tiền vay 250.000.000đ trên qua tài khoản số 204341559 của ông Nguyễn Đức H mở tại Ngân hàng A. Theo thỏa thuận tại khoản 4.2 Điều 3 của hợp đồng thì kể từ tháng tiếp theo của hợp đồng (tháng 01/2019) mỗi tháng ông H phải trả số tiền trả góp hàng tháng = nợ gốc: thời hạn cho vay (tháng) + nợ gốc x Ls1 (%/năm): 12, cụ thể hàng tháng ông H phải trả: 6.250.000đ, (trong đó: gốc là 4.166.667đ và lãi là 2.083.333đ) và phải trả vào ngày 20 hàng tháng. Thực tế, ông H đã trả đúng hạn gốc và lãi hết kỳ thứ 9, lẽ ra ngày 20/10/2019 phải trả tiền gốc và lãi của kỳ thứ 10 như ng đến ngày 30/10/2019 ông H mới trả tiền kỳ thứ 10, sau đó đến ngày 20/02/2020 ông H trả số tiền gốc là 16.666.668đ và 2.874.502đ tiền lãi nên ông H chỉ mới trả tiền lãi đến hết ngày 20/11/2019, đối với nợ gốc thì ngày 21/11/2019 ông H còn nợ số tiền 208.333.330đ, từ ngày 20/02/2020 cho đến nay còn nợ 191.666.662đ tiền gốc.

Nay, Ngân hàng thương mại cổ phần A xác định đối với số tiền nợ từ ngày 21/11/2019 đến ngày 17/5/2020 là nợ trong hạn, từ ngày 18/5/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm là nợ quá hạn. Do đó, Ngân hàng A yêu cầu ông H thanh toán số tiền 360.784.804đ, cụ thể như sau:

- Tiền nợ gốc: 191.666.662đ;

- Tiền lãi trong hạn là 12.265.982đ; Thời gian từ ngày 21/11/2019 đến ngày 17/5/2020 x số nợ gốc ban đầu là 250.000.000đ x 10%/năm - Tiền lãi quá hạn là 141.896.817đ: [kỳ thanh toán tháng 03/2020 (ngày 21/3/2020 đến 17/5/2020) x 4.166.667đ x 150% x 19,67%] + [kỳ thanh toán tháng 04/2020 (ngày 21/4/2020 đến 17/5/2020) x 4.166.667đ x 150% x 19,67%] + [thời gian từ ngày 18/5/2020 đến ngày 17/11/2022 (ngày xét xử sơ thẩm) x 191.666.662đ (nợ gốc) x 150% x 19,67%].

- Tiền lãi phạt chậm trả là 14.955.343đ: từ ngày 21/12/2019 đến ngày 17/11/2022 (ngày xét xử sơ thẩm) x 10%/năm x số tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn.

Trong quá trình giải quyết vụ án: mặc dù Tòa án đã tiền hành tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng nhưng bị đơn ông Nguyễn Đức H không đến Tòa làm việc.

Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không tiến hành hòa giải được.

Tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 75/2022/DS-ST ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng thương mại cổ phần A đối với ông Nguyễn Đức H.

Buộc ông Nguyễn Đức H phải thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần A số tiền là 311.640.615đ, trong đó nợ gốc là 191.666.662đ, nợ lãi trong hạn 9.729.165đ, lãi chậm trả lãi 2.432.291đ, nợ lãi quá hạn 107.812.497đ tính đến ngày 17/11/2022.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng thương mại cổ phần A số tiền 49.144.189đ.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và trách nhiệm thi hành án của các bên đương sự.

Ngày 30/11/2022 Ngân hàng A kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện Ngân hàng A.

Tại phiên tòa, Nguyên đơn Ngân hàng A giữ nguyên kháng và đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng A.

Bị đơn không kháng cáo và vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng nêu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại giai đoạn phúc thẩm cũng như phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự. Không chấp nhận kháng cáo Ngân hàng A, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: bị đơn ông Nguyễn Đức H đã được Tòa án tống đạt hợp lệ các các văn bản tố tụng nhưng ông H vẫn vắng mặt. Căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt ông H là đúng quy định của pháp luật.

[2] Về quan hệ tranh chấp: Ngân hàng thương mại cổ phần A và ông Nguyễn Đức H ký hợp đồng cấp tín dụng số TDU.CN.246.191218 ngày 19/12/2018. Do ông H vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên các bên phát sinh tranh chấp. Toà án cấp sơ thẩm xác định quan hệ là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” là có căn cứ.

[3] Xét kháng cáo của Ngân hàng A:

Theo hợp đồng tín dụng số TDU.CN.246.191218 ngày 19/12/2018 giữa Ngân hàng A và ông H, các bên thỏa thuận cụ thể như sau: Số tiền vay là 250.000.000đ; Thời hạn vay: 60 tháng kể từ ngày bên vay nhận tiền; Mục đích vay: Tiêu dùng tín chấp - Vay lẻ - Mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình; Phương thức: trả gốc và lãi định kỳ vào ngày 20 hàng tháng; Lãi suất trong hạn: lãi suất tính theo dư nợ ban đầu: 10,00%/năm (LS1) hoặc lãi suất tính theo dư nợ cho vay thực tế là 19,67%/năm (LS2); Lãi suất quá hạn: 19,67%/năm tính theo dư nợ cho vay thực tế, lãi suất quá hạn: 150% lãi suất trong hạn và lãi suất phạt chậm trả lãi: 10%/năm.

[3.1] Xét yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A về số tiền nợ gốc thấy rằng: Sau khi ký hợp đồng, ngày 19/12/2018 ông H đã nhận số tiền 250.000.000đ, thời gian đầu ông H thực hiện việc trả nợ gốc, lãi theo kỳ đúng thỏa thuận nhưng sau đó không tiếp tục trả nợ, đến nay ông H còn nợ lãi từ ngày 21/11/2019 với số tiền gốc là 208.333.330đ, đến ngày 20/02/2020 trả còn 191.666.662đ tiền gốc. Vì vậy, cần chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng ACB và buộc ông H trả số tiền nợ gốc 191.666.662đ là đúng quy định.

[3.2] Đối với yêu cầu về số tiền lãi trong hạn: Ngân hàng A yêu cầu lãi trong hạn tính trên nợ gốc ban đầu là 250.000.000đ, từ ngày 21/11/2019 đến ngày 17/5/2020, lãi suất 10% là 12.265.982đ. Xét thấy, theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng; Căn cứ Điều 8 Nghị Quyết 01/HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Theo các văn bản pháp luật nêu trên quy định chỉ tính lãi trên nợ gốc chứ không tính lãi trên nợ gốc ban đầu như yêu cầu của Ngân hàng A.

Về thời gian trả lãi trong hạn: Ngân hàng A cho rằng tuy ngày 20/02/2020 ông H đã nợ gốc còn 191.666.662đ nhưng chỉ thực hiện nghĩa vụ lãi đến ngày 20/11/2019 nên từ ngày 21/11/2019 ông H vi phạm nghĩa vụ thanh toán lãi, đồng thời xác định từ ngày 21/11/2019 đến ngày 17/5/2020 là lãi trong hạn, từ ngày 18/7/2020 đến nay quá hạn. Xét thấy, tại thời điểm ngày 21/11/2019 số tiền gốc còn nợ là 208.333.330đ, từ ngày 20/02/2020 số tiền gốc ông H còn nợ là 191.666.662đ. Do đó, cần buộc ông H trả tiền lãi trong hạn từ ngày 21/11/2019 đến ngày 17/5/2020 tương ứng với số tiền gốc còn nợ. Do đó, lãi trong hạn: [(208.333.330đ (nợ gốc) x 02 tháng 29 ngày (từ ngày 21/11/2019 đến ngày 20/02/202) x 10%/năm) + (191.666.662đ (nợ gốc) x 02 tháng 26 ngày (từ ngày 21/2/2020 đến ngày 17/5/2020) x 10%/năm)] = 9.729.165đ. Do Ngân hàng A yêu cầu lãi trong hạn là 12.265.982đ nên không chấp nhận một phần yêu cầu của Ngân hàng A đối với số tiền lãi trong hạn là 2.536.817đ (12.265.982đ - 9.729.165đ).

[3.3] Đối với yêu cầu lãi suất quá hạn: Ngân hàng A yêu cầu lãi quá hạn của kỳ thanh toán tháng 03/2020, tháng 04/2020 và từ ngày 18/5/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm với lãi suất 29,51% (19,67% x 150%) với tổng số tiền là 141.896.717đ.

Xét thấy, Ngân hàng A xác định nợ quá hạn được tính từ ngày 18/5/2020 nên cần tính lãi quá hạn từ ngày 18/5/2020.

Đối với lãi suất: Tại điểm c khoản 4 Điều 13 của Thông tư số 39/2016/TT- NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng; Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị Quyết số 01/HĐTP ngày 11/01/2019 của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Đối với hợp đồng tín dụng đang tranh chấp, thời hạn vay là 60 tháng nên đây là khoản vay trung hạn. Đối chiếu với điều luật trên, tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng theo lãi suất cho vay không vượt quá mức lãi suất cơ bản cộng các biên độ là 1,25%/tháng (0,75%/tháng + 0,5%/tháng) là 15%/năm. Do lãi suất các bên thỏa thuận lãi suất theo dư nợ cho vay thực tế là 19,67%/năm là vượt quy định pháp luật cho phép nên điều chỉnh lại lãi suất là 15%/năm. Do vậy, lãi quá hạn: (191.666.662đ (nợ gốc) x 30 tháng (ngày 18/5/2020 đến ngày 17/11/2022) x 150% x 15%/năm) = 107.812.497đ. Do Ngân hàng A yêu cầu lãi quá hạn là 141.896.817đ nên không chấp nhận một phần yêu cầu về số tiền lãi quá hạn là 34.084.320đ (141.896.817đ - 107.812.497đ).

[3.4] Đối với lãi chậm trả lãi: Theo quy định tại điểm 4 Điều 13 của Thông tư số: 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng và tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị Quyết số: 01/HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Xét thấy, theo các quy định nêu trên, lãi chậm trả được tính mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn là: 9.729.165đ (lãi trong hạn) x 10%/năm x 30 tháng (ngày 18/5/2020 đến ngày xét xử là ngày 17/11/2022) = 2.432.291đ. Do vậy, không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng đối với lãi chậm trả lãi là: 12.523.052đ (14.955.343đ - 2.432.291đ).

[4] Tòa án cấp sơ thẩm đã xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng A buộc ông H phải thanh toán cho Ngân hàng A số tiền 311.640.615đ gồm: 191.666.662đ (nợ gốc) + 9.729.165đ (lãi trong hạn) + 107.812.497đ (lãi quá hạn) + 2.432.291đ (lãi chậm trả lãi).

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện Ngân hàng A buộc ông H phải thanh toán cho Ngân hàng A số tiền 49.144.189đ gồm: 2.536.817đ (lãi trong hạn không được chấp nhận) + 34.084.320đ (lãi quá hạn không được chấp nhận) + 12.523.052đ (lãi chậm trả lãi không được chấp nhận) = 49.144.189đ.

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Đà Lạt đã tuyên ở trên là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Việc nguyên đơn Ngân hàng A kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới để làm thay đổi nội dung vụ án, nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng A.

Từ những phân tích trên, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Ngân hàng A. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5] Về án phí: Ông H phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên số tiền phải thanh toán cho Ngân hàng số tiền 311.640.615đ là 15.582.031đ.

Ngân hàng A phải chịu án phí trên số tiền không được chấp nhận 49.144.189đ là 2.457.210đ. Do kháng cáo không được chấp nhận nên Ngân hàng A phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

- Căn cứ Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Ngân hàng thương mại cổ phần A Giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Đà Lạt.

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng thương mại cổ phần A đối với ông Nguyễn Đức H.

Buộc ông Nguyễn Đức H phải thanh toán cho Ngân hàng thương mại cổ phần A số tiền là 311.640.615đ (Ba trăm mười một triệu sáu trăm bốn mươi nghìn sáu trăm mười lăm đồng), trong đó nợ gốc là 191.666.662đ, nợ lãi trong hạn 9.729.165đ, lãi chậm trả lãi 2.432.291đ, nợ lãi quá hạn 107.812.497đ tính đến ngày 17/11/2022.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng thương mại cổ phần A với số tiền 49.144.189đ (Bốn mươi chín triệu một trăm bốn mươi bốn nghìn một trăm tám mươi chín đồng).

3. Về án phí: Ông Nguyễn Đức H phải chịu 15.582.031đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ngân hàng thương mại cổ phần A phải chịu 2.457.210đ tiền án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp 5.576.462đ theo biên lai thu số 0029982 ngày 03/11/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh và số tiền tạm ứng án phí đã nộp 300.000đ theo biên lai thu số 0011256 ngày 14/12/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Đà Lạt. Ngân hàng thương mại cổ phần A được nhận lại số tiền tạm ứng án phí còn thừa là 3.119.252đ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự .

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

479
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 43/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng tín dụng 

Số hiệu:43/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lâm Đồng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;