TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 35/2018/DS-PT NGÀY 19/07/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN
Ngày 19-7-2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 28/2018/TLPT-DS, ngày 25-5-2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 05-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 43/2018/QĐ-PT, ngày 28-6-2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Hợp tác xã N; trụ sở: Bon K (thôn 3 cũ), xã Q, huyện Đ, tỉnh
Đắk Nông.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Bùi Thị H – Giám đốc – Có mặt. Địa chỉ: Thôn A, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
- Bị đơn: Chị Vũ Thị Thùy T - Có mặt.
Địa chỉ: Thôn 4, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Thanh H – Luật sư Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh H thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông – Có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn M - Có mặt. Địa chỉ: Thôn 4, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Thanh H– Luật sư Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh H thuộcĐoàn Luật sư tỉnh Đắk Nông – Có mặt.
- Người làm chứng:
Anh Mai Văn N – Vắng mặt; Anh Phạm Văn L – Vắng mặt;
Anh Dương Xuân C – Vắng mặt.
Cùng địa chỉ: Thôn L (thôn 11 cũ), xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
- Người kháng cáo: Bị đơn chị Vũ Thị Thùy T.
- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, tỉnh Đăk Nông kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện ngày 10-4-2017 và lời trình bày của người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn bà Bùi Thị H trình bày:
Ngày 25-7-2013, Hợp tác xã N và bà Vũ Thị Thùy T đã ký hợp đồng giao khoán vườn dâu số 01/HĐ-HTX. Theo hợp đồng thì Hợp tác xã N giao cho bà T nhận khoán vườn dâu diện tích 02 ha, địa điểm tại: sình L, thôn 11, xã Q, huyện Đ, thời hạn giao khoán 05 năm, kể từ ngày ký hợp đồng, giá thuê khoán 6.000.000 đồng/ha/năm. Hợp tác xã N không thu tiền đầu tư khai hoang, cây giống ban đầu, chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình, kỹ thuật cho bên bà T chăm sóc cây dâu, thu hoạch lá dâu, nuôi tằm, phòng trừ bệnh, lên né, thu hoạch kén. Thu mua kén cho bên bà T kịp thời theo giá cả thị trường; có quyền chấm dứt hợp đồng nếu bên bà T vi phạm các điều khoản trong hợp đồng đã ký và không hoàn trả lại các khoản chi phí mà bên bà T đã đầu tư.
Bên bà T được toàn quyền hưởng lợi những sản phẩm có trên diện tích vườn dâu được giao; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về chăm sóc cây dâu, thu hoạch lá dâu, nuôi tằm, phòng trừ bệnh hại, lên né, thu hoạch kén theo sự hướng dẫn của bên Hợp tác xã N; bán kém tằm cho bên Hợp tác xã N theo đúng giá cả thị trường và
phải trích lại 2.000đ/kg sản phẩm theo giá cả sau khi thoả thuận để nộp vào quỹ hoạt động của Hợp tác xã N; thanh toán hết một lần số tiền nhận giao khoán vườn dâu cho bên Hợp tác xã N sau khi hợp đồng được ký kết với tổng số tiền 6.000.000 đồng/ha/năm; không được tự ý xây dựng công trình kiên cố, đào ao hồ, sang nhượng lại diện tích đất và vườn dâu khi chưa nhận được sự đồng ý của bên Hợp tác xã N.
Tại thời điểm ký kết hợp đồng trên đất đã trồng cây dâu, có 01 căn nhà gỗ, diện tích khoảng 60m2, nền láng xi măng, mái lợp tôn Hợp tác xã N đã hóa giá bán cho bà T 30.000.000 đồng. Ngoài ra, bà T còn mua của Hợp tác xã N 01 khối ván gỗ thông giá 5.000.000 đồng, tổng cộng là 35.000.000 đồng, số tiền này bà T đã trả đầy đủ. Đối với số tiền giao khoán bà T đã trả được 32.000.000 đồng, còn lại 28.000.000 đồng hiện nay chưa trả.
Quá trình thực hiện hợp đồng, bà T đã vi phạm không chăm sóc vườn dâu để vườn dâu bị chết, không bán kén cho hợp tác xã, chỉ bán duy nhất một lần vào năm 2013, không trả đủ tiền nhận khoán. Do đó, Hợp tác xã N khởi kiện yêu cầu được chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, buộc bà T phải tháo dỡ nhà, giao trả lại vườn dâu nhận khoán diện tích 02 ha; buộc bà T phải bồi thường thiệt hại do để vườn dâu bị chết 30.000.000 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 14-8-2017 bà Bùi Thị H đã rút yêu cầu khởi kiện buộc bà T bồi thường 30.000.000 đồng.
- Bị đơn bà Vũ Thị Thùy Ttrình bày:
Bà T thừa nhận vào ngày 25-7-2013, giữa bà và Hợp tác xã N đã ký hợp đồng giao khoán vườn dâu như bà Bùi Thị H trình bày là đúng. Sau khi ký hợp đồng bà T đã trả đủ 60.000.000 đồng, bà H trực tiếp nhận nhưng không lập phiếu thu tiền. Đối với căn nhà gỗ bà T đã trả đủ 35.000.000 đồng hiện nay không có tranh chấp.
Tại thời điểm giao nhận diện tích vườn dâu giao khoán bên Hợp tác xã N không đo đạc đất thực địa, không xác định được diện tích đất đã trồng dâu và diện tích đất chưa trồng. Thực tế, diện tích đất chỉ có được 01 ha, trong đó có 04 sào đã trồng dâu nhưng cây rất xấu, còn lại là đất trống sau này bà T mới trồng. Hợp tác xã N khởi kiện cho rằng do bà T vi phạm hợp đồng không chăm sóc vườn dâu để vườn dâu bị chết, không bán kén cho Hợp tác xã N, không trả đủ tiền nhận khoán để yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, buộc bà T phải tháo dỡ nhà, giao lại vườn dâu nhận khoán diện tích 02 ha là không có căn cứ. Bởi vì, trong quá trình thực hiện hợp đồng Hợp tác xã N không cung cấp giống tằm, không thu mua kén. Nguyên nhân vườn dâu bị chết do tháng 7-2016 Hợp tác xã N đổ đất chặn mương nước làm ngập úng vườn dâu, chứ không phải do bà T không chăm sóc. Do đó, bà T không chấp nhận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Ngày 20-10-2017, bà T có đơn phản tố yêu cầu Hợp tác xã N phải trả lại 30.000.000 đồng tiền thuê khoán, tiền lãi suất trong 04 năm là 20.000.000 đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại do cây dâu bị chết là 20.000.000 đồng, tổng cộng 70.000.000 đồng. Ngày 20-10-2017, Toà án thông báo cho bà T nộp tiền tạm ứng án phí, đã tống đật trực tiếp cho bà T nhưng hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bà T không nộp tiền tạm ứng án phí nên Toà án không xem xét giải quyết.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn M trình bày:
Giữa ông và bà T có quan hệ vợ chồng, sống chung với nhau trên 20 năm nhưng không đăng ký kết hôn. Ông thừa nhận toàn bộ lời khai của bà T trong quá trình giải quyết vụ án là đúng, ông đồng ý với quan điểm của bà T và không có yêu cầu gì thêm.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 05-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ đã Quyết định:
1. Chấp nhận đơn khởi kiện của Hợp tác xã N.
Hủy bỏ hợp đồng thuê khoán vườn dâu được xác lập giữa Hợp tác xã N và bà Vũ Thị Thùy T ngày 25-7-2013.
Bà Vũ Thị Thùy T và ông Nguyễn Văn M có trách nhiệm trả lại diện tích đất vườn dâu cho Hợp tác xã N theo hợp đồng được xác lập ngày 25-7-2013 có diện tích 19.030,0m2 (trên đất có 5.932,2m2 cây dâu trồng năm 2013; 01 cây mít), tứ cận: phía Đông giáp đường đất dài 99,42m; phía Tây giáp Hợp tác xã N dài 41,24m; phía Nam giáp đường đất (bên kia là đất ông X) và ông K dài 400,31m; phía Bắc giáp đất hộ ông Y dài 295,93m, thuộc thửa đất số 15, tờ bản đồ số 75, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 965907, tọa lạc tại: thôn 11 (nay là thôn L, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông), có sơ đồ kèm theo.
Buộc bà T, ông Hùng tháo dỡ nhà trên đất nhận thuê khoán của Hợp tác xã N, cụ thể: 01 căn nhà gỗ vách ván, mái lợp tôn, không trần, nền láng xi măng, tường xây lửng 11,5m x 4m = 46m2, có diện tích xây dựng 85,1m2; 01 nhà kho vách ván, mái lợp tôn thiếc, không trần, nền lát gỗ, có diện tích xây dựng 3,4m x 2,5m = 8,5m2; 01 nhà kho vách ván, mái lợp tôn thiếc, không trần, nền láng xi măng, có diện tích xây dựng 3,4m x 4,85m = 16,32m2; 01 nhà kho vách ván, mái lợp tôn, nền đất, có diện tích xây dựng 7,40m x 4m = 29,6m2 (nhà ở và nhà kho liền kề nhau), có tổng diện tích xây dựng 139,52m2.
2. Đình chỉ xét xử, giải quyết yêu cầu buộc bà Vũ Thị Thùy T bồi thường số tiền 30.000.000 đồng của Hợp tác xã N.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí; chi phí đo đạc, xem xét thẩm định tại chỗ, định giá và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 18-3-2018 bị đơn bà Vũ Thị Thùy T làm đơn kháng
cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án buộc Hợp tác xã N phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình bà gồm vật kiến trúc, giá trị vườn cây, các trang thiệt bị, kỹ thuật chăn nuôi làm kén tằm theo kết quả xem xét thẩm định của Toà án cấp sơ thẩm.
Ngày 19-3-2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ ban hành Quyết định kháng nghị số: 151/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Nông giữ nguyên quyết định kháng nghị. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn cho rằng, Toà án cấp sơ thẩm xác định lỗi dẫn đến hợp đồng bị huỷ bỏ là do lỗi của bà T không chăm sóc vườn dâu, không bán kén tằm cho Hợp tác xã N và không trả đủ tiền hợp đồng nhận khoán là không có căn cứ vì các lý do: Bà H không có chuyên môn gì về quy trình kỹ thuật chăm sóc dâu, thu hoạch, nuôi tằm, phòng trừ bệnh hại, lên né và thu hoạch kén do đó không thể hướng dẫn cho bà T thực hiện được. Việc thu mua kén là do Hợp tác xã N không mua nên bà T phải bán ra ngoài; bà H cũng không cung cấp được chứng từ về việc thu mua kén; bảng kê mua háng là do Hợp tác xã N tự lập không có chữ ký của người bán kén, không có giá trị pháp lý. Đối với số tiền nhận giao khoán vườn dâu bà T đã nộp đầy đủ, bà H có ký vào sổ của bà T. Bà H là chủ nhiệm Hợp tác xã N nhưng khi thu tiền của bà T không ghi phiếu thu tiền là sai nguyên tắc tài chính.
Về thủ tục tố tụng: Toà án cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật, tuyên huỷ hợp đồng là không đúng, khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận. Toà án cấp sơ thẩm không giải quyết hậu quả của việc huỷ hợp đồng là không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 425 của Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị Thùy T, huỷ bản án sơ thẩm số 03/2018/DS-ST ngày 05-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến:
- Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.
- Về nội dung: Sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, xét thấy hợp đồng giao khoán vườn dâu lập ngày 25-7-2013 đến ngày xét xử phúc thẩm là đã gần hết thời hạn hợp đồng, quá trình giải quyết và tại phiên toà phúc thẩm bà T cũng đồng ý chấm dứt hợp đồng. Do đó cần chấm dứt hợp đồng giao khoán giữa hợp tác xã với bà T là phù hợp.
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng, các bên không có yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như vụ án dân sự không có giá ngạch, nhưng Toà án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là không đúng pháp luật.
- Về bồi thường thiệt hại: Do các bên đương sự không có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên Toà án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết là có căn cứ.
- Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Do các bên đều có lỗi dẫn đến hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn, nên mỗi bên phải chịu ½ tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Do đó, đề nghị Hội đồng xét căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, chấp nhận một phần quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, không chấp nhận kháng cáo của bà Vũ Thị Thùy T. Sửa bản án sơ thẩm số 03/2018/DS-ST ngày 05-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ về phần án phí dân sự sơ thẩm và xử lý tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ theo hướng như đã phân tích ở trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xét yêu cầu kháng cáo của chị Vũ Thị Thùy T, Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1]. Quá trình giải quyết, nguyên đơn cho rằng bà T đã vi phạm hợp đồng, không bán kén cho Hợp tác xã N, nội dung này đã được bà T thừa nhận bà chỉ bán kén cho hợp tác xã 01 lần (BL 202-204). Sau đó, bà tiếp tục bán nhưng Hợp tác xã N không mua, nhưng bà T không có chứng cứ gì chứng minh. Hợp tác xã N đã cung cấp bảng kê thu mua hàng hoá từ năm 2012 đến năm 2015 thể hiện bà T không bán kén cho hợp tác xã. Do đó, cấp sơ thẩm nhận định bà T đã vi phạm không bán kén cho Hợp tác xã N là có căn cứ.
[2]. Đối với số tiền nhận giao khoán vườn dâu bà T cho rằng đã nộp đủ 60.000.000 đồng cho bà H, khi nộp không lập phiếu thu nên không có chứng cứ gì chứng minh, lời khai của bà T cũng không được bà H thừa nhận. Quá trình giải quyết, bà H chỉ thừa nhận có nhận của bà T 32.000.000 đồng, do bà H trực tiếp nhận không lập phiếu thu tiền. Do bà T không cung cấp được chứng cứ gì chứng minh bà đã giao đủ tiền nhận khoán vườn dâu, nên Toà án giải quyết vụ án dân sự theo những chứng cứ đã được thu thập được có trong hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 91 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[3]. Do bà T vi phạm hợp đồng, ngày 17-9-2015 và ngày 15-12-2015, Hợp tác xã N đã thông báo về việc chấm dứt hợp đồng giao khoán vườn dâu đối với hộ bà T và một số hộ khác (BL 67, 68). Quá trình giải quyết, bà T thừa nhận đã nhận được thông báo nhưng bà không chấp nhận chấm dứt hợp đồng vì bà không vi phạm hợp đồng (BL 76). Đơn khởi kiện Hợp tác xã N cho rằng bà T vi phạm hợp đồng nên yêu cầu Toà án chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm lại áp dụng Điều 425 của Bộ luật dân sự tuyên huỷ hợp đồng là không đúng. Lẽ ra phải áp dụng khoản 4 Điều 424, Điều 416 của Bộ luật dân sự để tuyên chấm dứt hợp đồng giao khoán mới phù hợp.
[4]. Đối với nội dung vườn dâu bị chết: Quá trình giải quyết, đại diện Hợp tác xã N cho rằng do bà T vi phạm hợp đồng không chăm sóc vườn dâu để vườn dâu bị chết, gây thiệt hại cho Hợp tác xã N; còn bà T lại cho rằng vườn dâu bị chết là do Hợp tác xã N đắp suối nước để làm chuồng heo dẫn đến vườn dâu bị ngập nước (BL 76, 144). Hội đồng xét xử xét thấy, Toà án cấp sơ thẩm có thiếu sót trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ, không xem xét làm rõ ngoài thực địa có việc Hợp tác xã N đắp suối nước làm vườn dâu bị ngập dẫn đến cây dâu bị chết hay không, để làm căn cứ xác định nguyên nhân cây dâu bị chết là do lỗi của Hợp tác xã N hay do lỗi của bà T không chăm sóc cây đúng quy trình như lời khai của bà H. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm bà T thừa nhận năm 2016 vườn dâu bị úng do bị ngấm nước, đào lên khoảng 20cm là đất bị ứ nước phía dưới, nên cây dâu không phát triển được, bà T cũng chấp nhận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Hợp tác xã N. Quá trình giải quyết các bên đương sự không có yêu cầu bồi thường thiệt hại, nên việc thiếu sót trên cũng không ảnh hưởng đến việc chấm dứt hợp đồng đối với các bên. Mặt khác, từ khi xẩy ra tranh chấp bà T cũng không chăm sóc vườn dâu, năm 2015 Hợp tác xã N đã có thông báo về việc chấm dứt hợp đồng, thanh lý hợp đồng gửi cho bà T nhưng bà không có ý kiến gì, đến nay hợp đồng cũng đã gần hết thời hạn, do đó cần chấm dứt hợp đồng giao khoán vườn dâu giữa Hợp tác xã N với bà Vũ Thị Thùy T là phù hợp.
[5]. Đối với yêu cầu kháng cáo của bà T về việc buộc Hợp tác xã N phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình bà gồm vật kiến trúc, giá trị vườn cây, các trang thiệt bị, kỹ thuật chăn nuôi làm kén tằm. Hội đồng xét xử xét thấy, quá trình giải quyết ngày 20-10-2017, bà T có đơn phản tố yêu cầu Hợp tác xã N phải trả lại 30.000.000 đồng tiền thuê khoán (vì diện tích đất chỉ có 01 ha nhưng bà đã nộp 02 ha là 60.000.000 đồng và tiền lãi suất trong 04 năm là 20.000.000 đồng và yêu cầu bồi thường 20.000.000 đồng thiệt hại do cây dâu bị chết, tổng cộng là 70.000.000 đồng. Ngày 20-10-2017, Toà án nhân dân huyện Đ thông báo cho bà T nộp tiền tạm ứng án phí, đã tống đạt trực tiếp cho bà T nhưng hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bà T không nộp tiền tạm ứng án phí, nên Toà án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết là phù hợp pháp luật. Bà T có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thiệt thiệt hại do vi phạm hợp đồng giao khoán bằng vụ án dân sự khác.
[6]. Bà T cho rằng Hợp tác xã N không đầu tư cây giống, không hề được hướng dẫn kỹ thuật. Hội đồng xét xử xét thấy, trong nội dung hợp đồng ghi rõ bên A cho bên B nhận giao khoán vườn dâu, như vậy tại thời điểm ký hợp đồng thì Hợp tác xã N đã trồng dâu. Lời khai của ông Dương Xuân C, ông Phạm Văn L là người cùng hợp đồng nhận khoán vườn dâu của Hợp tác xã N, vườn dâu nhận khoán của ông C và ông L liền kề với vườn dâu của bà T đều xác định năm 2012 bà H đã trồng dâu trên toàn bộ diện tích đất, đến năm 2013 bà T mới nhận khoán. Vì vậy, Hợp tác xã N không đầu tư cây giống cho bà là đúng. Việc hướng dẫn kỹ thuật đã được bà T thừa nhận có được Hợp tác xã N hướng dẫn quy đình kỹ thuật chăm sóc cây dâu (BL 202).
[7]. Về diện tích vườn dâu nhận khoán theo bà T chỉ có 01 ha, nhưng kết quả đo đạc thể hiện diện tích 19.030m2. Do đó, lời khai của bà T là không có căn cứ.
[8]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Đây là tranh chấp về hợp đồng, các bên không yêu cầu bồi thường thiệt hại, thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch. Toà án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải chịu án phí dân sự có giá ngạch là không đúng theo quy định tại Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016.
[9]. Xét quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông tại phiên tòa về việc sửa bản án sơ thẩm là có căn cứ; quan điểm đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tại phiên toà đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xét xử lại là không phù hợp.
[10]. Từ phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Vũ Thị Thùy T và một phần Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ. Sửa bản án sơ thẩm số 03/2018/DS-ST ngày 05-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ về phần án phí dân sự sơ thẩm.
[11]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bà Vũ Thị Thùy T được chấp nhận một phần, nên bà T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho bà T 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308; áp dụng khoản 3 Điều 26; điểm g khoản 1 Điều 40; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 158; khoản 1 Điều 165; Điều 217 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 424; Điều 426; Điều 501; Điều 510, Điều 511 của Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 1 Điều 27; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Vũ Thị Thùy T và một phần Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ.
Sửa bản án sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 05-3-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Hợp tác xã N đối với bà Vũ Thị Thùy T. Chấm dứt hợp đồng thuê khoán vườn dâu giữa Hợp tác xã N với bà Vũ Thị Thùy T xác lập ngày 25-7-2013.
Buộc bà Vũ Thị Thùy T và ông Nguyễn Văn M phải trả lại cho Hợp tác xã N diện tích đất vườn dâu là 19.030,0m2 (trong đó có 5.932,2m2 đất đã trồng cây dâu năm 2013; 01 cây mít), tứ cận cụ thể:
- Phía Đông giáp đường đất dài 99,42m;
- Phía Tây giáp Hợp tác xã N dài 41,24m;
- Phía Nam giáp đường đất (bên kia là đất ông X) và ông K dài 400,31m;
- Phía Bắc giáp đất hộ ông Y dài 295,93m.
Diện tích đất trên thuộc thửa đất số 15, tờ bản đồ số 75, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 965907, cấp ngày 03-11-2015 cho Hợp tác xã N. Đất tọa lạc tại: thôn 11, xã Q, huyện Đ (nay là thôn L, xã Q, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông), có sơ đồ kèm theo.
Buộc bà Vũ Thị Thùy T và ông Nguyễn Văn M phải tháo dỡ căn nhà xây dựng trên diện tích đất 19.030,0m2 nhận khoán của Hợp tác xã N, cụ thể: 01 căn nhà gỗ vách ván, mái lợp tôn, không trần, nền láng xi măng, tường xây lửng 11,5m x 4m = 46m2, có diện tích xây dựng 85,1m2; 01 nhà kho vách ván, mái lợp tôn thiếc, không trần, nền lát gỗ, có diện tích xây dựng 3,4m x 2,5m = 8,5m2; 01 nhà kho vách ván, mái lợp tôn thiếc, không trần, nền láng xi măng, có diện tích xây dựng 3,4m x 4,85m = 16,32m2; 01 nhà kho vách ván, mái lợp tôn, nền đất, có diện tích xây dựng 7,40m x 4m = 29,6m2 (nhà ở và nhà kho liền kề nhau), có tổng diện tích xây dựng 139,52m2.
2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của Hợp tác xã N về yêu cầu bà Vũ Thị Thùy T phải bồi thường thiệt hại cho Hợp tác xã N số tiền 30.000.000 đồng.
3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Vũ Thị Thùy T phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng).
Hoàn trả cho Hợp tác xã N 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0003099 ngày 27-4-2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Bà Vũ Thị Thùy T phải chịu 8.254.937 đồng (tám triệu hai trăm năm mươi tư nghìn chín trăm ba mươi bảy đồng), do Hợp tác xã N đã nộp tạm ứng trước, nên bà T phải trả cho Hợp tác xã N số tiền 8.254.937 đồng (tám triệu hai trăm năm mươi tư nghìn chín trăm ba mươi bảy đồng).
5. Về án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả cho bà Vũ Thị Thùy T 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm bà T đã nộp theo biên số 0002134 ngày 22-3-2018, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b, và 9 Luậtthi hành án dân sự. Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án
Bản án về tranh chấp hợp đồng thuê khoán tài sản số 35/2018/DS-PT
Số hiệu: | 35/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/07/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về