Bản án 02/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng công trình

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 02/2023/DS-PT NGÀY 28/11/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Ngày 28/11/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 03/2023/TLPT-KDTM ngày 03/10/2023 về “Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng công trình”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/KDTM-ST ngày 26/5/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 03/2023/QĐ-PT ngày 31/10/2023, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty B.

Địa chỉ: tầng 10, Toà nhà D, số 38A, Đại lộ L, phường Đ, thành phố T, tỉnh Thanh Hóa.

Người đại diện hợp pháp của Công ty B:

+ Bà Vũ Thị T, Trưởng ban kiểm soát của Công ty B.

+ Bà Trần Thu H, chuyên viên Phòng Tổ chức – Hành chính của Công ty B. Bà Vũ Thị T, bà Trần Thu H đều là người đại diện theo uỷ quyền (theo văn bản uỷ quyền ngày 28/11/2023). (Có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: ông Nguyễn Hữu T - Luật sư của Công ty Luật TNHH H, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: số 15 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. (Có mặt)

2. Bị đơn: Công ty A.

Địa chỉ: phố 9, phường Đ, thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Người đại diện hợp pháp của Công ty A:

+ Ông Nguyễn Xuân H, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty A.

+ Ông Dương Đình K, sinh năm 1958; địa chỉ: số 7A, đường D, phố D, phường T, quận H, thành phố Hà Nội.

Ông Dương Đình K và ông Nguyễn Xuân H đều là người đại diện theo uỷ quyền (theo văn bản uỷ quyền ngày 18/11/2023). (Có mặt)

3. Người kháng cáo: Công ty B (nguyên đơn) và Công ty A (bị đơn).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 10/4/2018 Công ty B (sau đây viết tắt là Công ty B – Bên B) có ký kết Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 1004/2018/HĐXD/TN-PVCTH (sau đây viết tắt là Hợp đồng số 1004) với Công ty A (sau đây viết tắt là Công ty A – Bên A), thuộc “Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 217 đoạn từ Km59+900- Km82+200, hạng mục: thi công xây dựng nền mặt đường và công trình thoát nước đoạn tuyến Km67+248,34-Km73+00”. Hợp đồng có giá trị 49.999.000.000 đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT). Ngày 02/7/2019, giữa hai bên tiếp tục ký Phụ lục bổ sung hợp đồng lần thứ nhất (số 01) về việc điều chỉnh giá hợp đồng, trong đó hai bên thống nhất hình thức hợp đồng là hợp đồng đơn giá điều chỉnh, giá hợp đồng của bên B sẽ bằng giá của bên A thanh toán với Chủ đầu tư (kể cả chi phí bù giá) và giảm trừ 5% chi phí quản lý của bên A.

Tại Điều 7.4 của hợp đồng có quy định về việc thanh toán như sau: thanh toán giai đoạn: bên A sẽ thanh toán cho bên B từng đợt theo tiến độ nghiệm thu/thanh toán của bên A với Chủ đầu tư. Mỗi đợt khối lượng hoàn thành của bên B được Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát (TVGS) nghiệm thu, bên A sẽ thanh toán cho bên B đến 95% giá trị hoàn thành sau khi trừ các khoản tạm ứng tương ứng. Thanh toán lần cuối: khi bên B hoàn thành toàn bộ các công việc theo hợp đồng được Chủ đầu tư và TVGS nghiệm thu, bên A sẽ thanh toán cho bên B đến 95% giá trị hoàn thành. Quyết toán: sau khi công trình chuyển sang nghĩa vụ bảo hành, hai bên tiến hành quyết toán hợp đồng. Bên A sẽ thanh toán cho bên B 100% giá trị còn lại sau khi bên A nhận được đầy đủ các hồ sơ theo quy định.

Phía Công ty B đã thực hiện nội dung công việc, đảm bảo thi công theo đúng bản vẽ kỹ thuật, đúng tiến độ và chất lượng công trình theo như yêu cầu của Chủ đầu tư cũng như trong hợp đồng đã ký kết.

Ngày 22/12/2020, Dự án đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Theo Biên bản bàn giao, tiếp nhận công trình đưa vào sử dụng giữa đại diện Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án T), TVGS, nhà thầu thi công (Liên danh Công ty cổ phần T & Công ty A), Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông số 2 T, Công ty cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ I T, trong nội dung biên bản có ghi rõ:

“3. Các hạng mục công trình được bàn giao:

Gói thầu số 2.1: nâng cấp đoạn Km59+900-Km82+200 (HW217-P2-1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp mạng lưới giao thông GMS phía Bắc lần 2 (Quốc lộ 217) vay vốn ADB đã hoàn thành đúng theo hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được ngiệm thu theo đúng quy định. Bộ GTVT đã có văn bản số 1702/CQLXD-QLCD1 ngày 04/8/2020 chấp thuận công tác nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng.

V. KẾT LUẬN: Sở GTVT Thanh Hoá đồng ý tiếp nhận Gói thầu số 2.1: nâng cấp đoạn Km59+900-Km82+200 (HW217-P2-1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp mạng lưới giao thông GMS phía Bắc lần 2 (Quốc lộ 217) vay vốn ADB để thực hiện trách nhiệm của đơn vị quản lý, khai thác theo đúng thẩm quyền kể từ ngày 22/12/2020. Nhà thầu chịu trách nhiệm bảo hành công trình theo quy định. Thời gian bảo hành là 365 ngày kể từ ngày 22/12/2020”.

Như vậy, công trình đã hoàn thiện, được đưa vào sử dụng, bắt đầu thời gian bảo hành từ ngày 22/12/2020 nhưng phía Công ty A vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho Công ty B theo như hợp đồng đã ký kết.

Tại hồ sơ quyết toán A-B Hợp đồng số HW217-P2-1: nâng cấp cầu và đường (đoạn Km59+900-Km82+200) giữa Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án T và Nhà thầu Liên danh Công ty cổ phần T và Công ty A giá trị hạng mục công việc do Công ty A thực hiện là: 54.610.144.460 đồng.

Như vậy, khối lượng hoàn thành được Chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán và Công ty A xác nhận tại Công văn số 102/CV-TN ngày 31/12/2021 là:

51.842.911.000 đồng và giá trị này Chủ đầu tư đã thanh toán cho Công ty A. Tuy nhiên Công ty A mới thanh toán cho Công ty B số tiền 39.878.530.000 đồng.

Ngoài ra, tại khoản 11.1 Điều 11 của hợp đồng đã có quy định về phạt hợp đồng như sau: “Trường hợp bên A chậm thanh toán quá 21 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán thì sẽ phải chịu mức phạt chậm thanh toán theo lãi suất quá hạn của ngân hàng bên B cho số tiền chậm thanh toán tính từ thời điểm đến hạn thanh toán”. Như vậy, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, Công ty A còn phải thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán theo lãi suất quá hạn của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Thanh Hoá (Seabank Thanh Hoá), tính từ thời điểm công trình hoàn thiện và được nghiệm thu, đưa vào sử dụng ngày 22/12/2020.

Ngày 31/12/2021 Công ty A đã gửi văn bản số 102/CV - TN quyết toán giá trị khối lượng hoàn thành, giá trị công nợ gói thầu 217 gửi cho Công ty B, trong đó Công ty A xác định giá trị khối lượng quyết toán theo hợp đồng là:

51.842.911.000 đồng. Công ty A còn nợ Công ty B số tiền: 11.964.381.000 đồng. Công ty B đã nhiều lần gửi Công văn yêu cầu thanh toán nhưng Công ty A không hợp tác trong việc trao đổi, thanh toán tiền nợ.

Nguyên đơn đề nghị Toà án giải quyết: buộc Công ty A phải trả cho Công ty B tổng số tiền là: 16.533.381.429 đồng, trong đó: số tiền theo Hợp đồng số 1004 là 11.964.381.000 đồng, số tiền phạt theo hợp đồng tính từ thời điểm chậm thanh toán ngày 22/12/2020 đến ngày 26/5/2023 là: 11.964.381.000 đồng x 10,5% x 150% x 885 ngày = 4.569.000.429 đồng và tiền chậm thanh toán từ ngày 26/5/2023 đến khi Công ty A hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

Tại bản tự khai, trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Bị đơn thống nhất với lời khai của nguyên đơn về nội dung Hợp đồng số 1004 ngày 10/4/2018. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty A không đồng ý và không chấp nhận nghĩa vụ thanh toán cho Công ty B số tiền nợ là: 11.964.381.000 đồng với các lý do như sau:

Trong thời gian thực hiện hợp đồng, Công ty B đã có văn bản đề nghị thanh toán, giải quyết vướng mắc; đồng thời Công ty A cũng đã trả lời bằng văn bản và nhiều lần đề nghị, yêu cầu Công ty B đối chiếu công nợ, hai bên phải xác nhận vào công nợ nhưng Công ty B không hợp tác với Công ty A để đối chiếu công nợ, xác nhận công nợ là vi phạm những điều cam kết trong hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện và thi công công trình, theo Điều 7 của hợp đồng, Công ty A xác định đã thanh toán đúng theo tiến độ thi công, nghiệm thu công trình cho Công ty B với tổng số tiền là: 39.878.530.000 đồng.

Quá trình thực hiện mục 12.1 Điều 12 của hợp đồng, sau khi nhận được các văn bản của Công ty B, Công ty A đã có nhiều văn bản phúc đáp khắc phục vướng mắc và đề nghị, yêu cầu Công ty B phối hợp thực hiện đối chiếu công nợ và hai bên cùng xác nhận vào công nợ nhưng Công ty B không thực hiện.

Công ty A căn cứ vào mục 3 Điều 3 của Hợp đồng số 1004 mà hai bên đã ký xác định: “Trong trường hợp Bên A cung cấp xe máy, thiết bị cho Bên B phục vụ thi công công trình thì Bên A sẽ khấu trừ tiền thuê máy vào giá trị thanh toán hợp đồng theo Phụ lục 02 [Biểu giá thuê xe máy, thiết bị đính kèm hợp đồng này”. Vì vậy, Công ty A xác định giá trị các khoản đối trừ theo hợp đồng như sau:

Chi phí cho thuê xe, máy: 4.027.346.154 đồng; chi phí tiền lương lái xe, lái máy, kỹ thuật và quản lý xe, máy: 1.658.122.000 đồng; chi phí sửa chữa xe, máy: 446.018.500 đồng; chi phí dầu Diesel: 246.173.000 đồng; chi phí cho thuê cọc cừ: 138.571.000 đồng; chi phí đá cấp phối: 217.000.000 đồng; tiền đền bù khắc phục các hộ dân bị ảnh hưởng: 816.468.390 đồng; chi phí sửa chữa công trình trong thời gian bảo hành: 101.505.000 đồng; phạt 5% giá trị hợp đồng theo Công văn số 19 ngày 28/3/2020: 2.592.145.550 đồng; chênh ca máy theo Công văn số 55 ngày 29/12/2020: 3.393.705.846 đồng. Tổng cộng là 13.637.055.940 đồng.

Số tiền quyết toán mà Công ty B đã chấp nhận trong đơn khởi kiện theo Công văn 102/CV-TN ngày 31/12/2021 là: giá trị khối lượng quyết toán theo hợp đồng là 51.842.911.000 đồng; Công ty A đã thanh toán cho Công ty B là 39.878.530.000 đồng; còn lại 11.964.381.000 đồng. Công ty B đã thanh toán cho Công ty A tạm ứng thuê xe máy thiết bị là: 900.000.000 đồng. Đối chiếu với Công văn 102/CV-TN ngày 31/12/2021 của Công ty A (do hai bên chưa đối chiếu cụ thể): sau khi đối trừ, Công ty B phải hoàn trả cho Công ty A số tiền là 13.637.055.940 đồng - 11.964.381.000 đồng = 772.674.940 đồng.

Đối với yêu cầu của nguyên đơn về tính lãi chậm thanh toán đến thời điểm xét xử sơ thẩm; thấy rằng sau khi đối trừ Công ty B còn phải thanh toán cho Công ty A với số tiền là: 772.674.940 đồng, đề nghị Toà án xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/KDTM-ST ngày 26/5/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình đã quyết định: căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 96, khoản 1 Điều 147, Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 24, Điều 50 và Điều 306 Luật Thương mại năm 2005; khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xử:

chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn. Buộc Công ty A phải thanh toán cho Công ty B số tiền 5.637.376.456 đồng theo Hợp đồng số 1004. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty A phải trả số tiền 6.327.004.544 đồng và số tiền lãi chậm thanh toán 4.569.000.429 đồng. Ngoài ra, bản án còn tuyên án phí, quyền kháng cáo cho các bên đương sự; quyền, nghĩa vụ thi hành án.

Ngày 06/6/2023 Công ty B có đơn kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty B, buộc Công ty A phải trả cho Công ty B tổng số tiền là 16.533.381.429 đồng, trong đó: số tiền theo Hợp đồng số 1004 là 11.964.381.000 đồng; số tiền phạt tính từ thời điểm chậm thanh toán ngày 22/12/2020 đến ngày 26/5/2023 là: 11.964.381.000 đồng x 10,5% x 150% x 855 ngày = 4.569.000.429 đồng và tiền chậm thanh toán từ ngày 26/5/2023 đến khi Công ty A hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

Ngày 08/6/2023 Công ty A có đơn kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm với nội dung: Toà án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 5.637.376.456 đồng là không có căn cứ, sau khi đối trừ theo Điều 3 của hợp đồng, nguyên đơn còn nợ bị đơn số tiền 772.674.940 đồng. Công ty A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Tại phiên tòa:

- Người đại diện hợp pháp của Công ty B và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: nguyên đơn chỉ chấp nhận 03 khoản tiền được đối trừ khi quyết toán là số tiền thuê xe, máy là 1.507.520.000 đồng, khoản tiền thuê cọc cừ 138.571.000 đồng, khoản tiền đền bù cho các hộ dân 392.268.390 đồng, tổng cộng 2.038.359.390 đồng. Do đó, nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu kháng cáo đối với khoản tiền thuê cọc cừ 138.571.000 đồng và khoản tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân 392.268.390 đồng, các vấn đề khác vẫn giữ nguyên như nội dung kháng cáo.

- Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: bị đơn không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn. Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát như sau: trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: khoản 3 Điều 284, khoản 1 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đề nghị Hội đồng xét xử: đình chỉ một phần kháng cáo của Công ty B đối với số tiền mà Công ty A đã khắc phục đền bù thiệt hại của các hộ dân là 392.268.390 đồng và tiền thuê cọc cừ là 138.571.000 đồng. Không chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của Công ty B và kháng cáo của Công ty A. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 03/2023/KDTM-ST ngày 26/5/2023 của Toà án nhân dân thành phố N. Về án phí phúc thẩm: Công ty B và Công ty A, mỗi bên phải nộp 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

QUYẾT ĐỊNH

[1] Về tố tụng.

 [1.1] Đơn kháng cáo của Công ty B và Công ty A làm trong thời hạn pháp luật quy định và đúng hình thức, nội dung nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của Công ty B và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu kháng cáo đối với khoản tiền thuê cọc cừ 138.571.000 đồng và khoản tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân 392.268.390 đồng.

Xét thấy, người đại diện hợp pháp của Công ty B rút một phần yêu cầu kháng cáo là hoàn toàn tự nguyện. Căn cứ khoản 3 Điều 284, khoản 3 Điều 298 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút một phần yêu cầu kháng cáo của người đại diện hợp pháp của Công ty B, đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần đối với yêu cầu kháng cáo của Công ty B về vấn đề nêu trên.

[1.3] Về phạm vi xét xử phúc thẩm: căn cứ vào nội dung kháng cáo của Công ty B và nội dung kháng cáo của Công ty A, Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[1.4] Về xác định quan hệ tranh chấp: Toà án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp theo khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự là có cơ sở. Tuy nhiên, căn cứ vào yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn, nội dung vụ án, cần xác định cụ thể quan hệ tranh chấp trong vụ án này theo điểm b khoản 2 Điều 140 Luật Xây dựng, khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự là “Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng công trình”.

[2] Về yêu cầu kháng cáo của Công ty B.

[2.1] Hợp đồng số 1004 ngày 10/4/2018 có nội dung chính: Công ty B nhận thực hiện việc thi công xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 217 đoạn từ Km67+248,34-Km73+00 thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 217 đoạn từ Km59+900-Km82+200 theo đúng bản vẽ thiết kế được Chủ đầu tư phê duyệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ, giá cả, an toàn và các thoả thuận khác trong hợp đồng. Khối lượng và phạm vi công việc được mô tả trong hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Phụ lục 01 [Biểu khối lượng hợp đồng] kèm theo hợp đồng. Về giá hợp đồng là 49.999.000.000 đồng (đã bao gồm 10% thuế VAT).

Xét thấy việc thỏa thuận giao kết hợp đồng là tự nguyện và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của các bên. Hợp đồng giữa Công ty A và Công ty B được giao kết bởi những người có thẩm quyền, mục đích và nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên đã phát sinh hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện quyền nghĩa vụ theo cam kết, thỏa thuận tại hợp đồng là phù hợp với quy định tại Điều 138, Điều 139, Điều 140, Điều 141 của Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2016).

Về quá trình thực hiện Hợp đồng số 1004:

Tại Phụ lục bổ sung hợp đồng lần thứ nhất (số 01) ngày 02/7/2019 giữa Công ty A và Công ty B có nội dung: sửa đổi nội dung mục 7.1, hình thức hợp đồng: hợp đồng đơn giá cố định được thay thế thành hợp đồng đơn giá điều chỉnh. Giá hợp đồng của bên B sẽ bằng giá của bên A thanh toán với Chủ đầu tư (kể cả chi phí bù giá) và giảm trừ 5% chi phí quản lý của bên A.

Căn cứ hồ sơ quyết toán A-B Hợp đồng số HW217-P2-1: nâng cấp cầu và đường (đoạn Km59+900 - Km82+200) giữa Chủ đầu tư: Ban quản lý dự án T và Nhà thầu: Liên danh Công ty cổ phần T và Công ty A giá trị hạng mục công việc do Công ty A thực hiện là: 54.571.485.460 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận giá hợp đồng của Bên B sẽ bằng giá của Bên A thanh toán với Chủ đầu tư (kể cả chi phí bù giá) và giảm trừ 5% chi phí quản lý của Bên A là 51.842.911.000 đồng; phía Công ty A đã thanh toán cho Công ty B là 39.878.530.000 đồng. Tại phiên toà, phía Công ty B thừa nhận 02 khoản tiền được đối trừ khi quyết toán là khoản tiền thuê cọc cừ 138.571.000 đồng và khoản tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân 392.268.390 đồng. Căn cứ khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự, các tình tiết nêu trên là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

Hiện nay, Công ty A và Công ty B chưa thống nhất được một số chi phí và số tiền khấu trừ vào giá trị thanh toán hợp đồng. Hội đồng xét xử xét thấy:

Theo Điều 3 của Hợp đồng số 1004 thể hiện: “…Trong trường hợp Bên A cung cấp xe máy, thiết bị cho Bên B phục vụ thi công công trình thì Bên A sẽ khấu trừ tiền thuê máy vào giá trị thanh toán Hợp đồng theo Phụ lục 02 [Biểu giá thuê xe máy, thiết bị] đính kèm Hợp đồng này. Trường hợp bên A cấp vật tư cho bên B phục vụ thi công công trình thì bên B sẽ thanh toán tiền vật tư cho bên A theo giá thị trường, khối lượng được xác nhận bởi hai bên tại công trường”.

Tại điểm b khoản 5.6 Điều 4 của Hợp đồng số 1004 quy định: “…Nếu bên B không sửa chữa được các sai sót hay hư hỏng vào ngày đã được thông báo, bên A có thể tự tiến hành công việc hoặc thuê người khác sửa chữa và bên B phải chịu mọi chi phí…”.

Theo mục ghi chú của Phụ lục 02 đính kèm Hợp đồng số 1004 quy định: “Đơn giá trên không bao gồm tiền lương lái xe, thợ vận hành và các thuế, phí. Bên thuê phải chịu các chi phí về tiêu hao nhiên liệu, điện năng và dầu mỡ phụ; chi phí sửa chữa nhỏ (nhỏ hơn hoặc bằng 10 triệu đồng/01 chi tiết sửa chữa đối với ô tô và máy công trình; lốp; chi phí tham gia giao thông của ô tô, máy công trình; và một số chi phí khác…”.

Căn cứ Điều 144, Điều 147 Luật Xây dựng, đối chiếu thoả thuận giữa hai bên thể hiện trong Hợp đồng số 1004, Công ty B phải chịu các chi phí sau: chi phí thuê cọc cừ: 138.571.000 đồng; chi phí khắc phục đền bù thiệt hại của các hộ dân trong quá trình thi công (sau khi trừ số tiền Công ty bảo hiểm đã chi trả): 392.268.390 đồng; nguyên đơn thuê xe, máy thi công (có xác nhận của phía Công ty B về xe, máy của Công ty A phục vụ thi công tại công trình - bút lục số 2029) tính theo biểu giá thuê là 4.027.346.154 đồng, đối trừ số tiền nguyên đơn đã trả trước tiền thuê xe, máy là 900.000.000 đồng, số tiền còn lại là: 4.027.346.154 đồng - 900.000.000 đồng = 3.127.346.154 đồng; tiền lương lái xe, lái máy, kỹ thuật và quản lý xe, máy là 1.658.122.000 đồng; chi phí sửa chữa xe, máy: 446.018.500 đồng; chi phí dầu diesel là 246.173.500 đồng; chi phí đá cấp phối là 217.000.000 đồng; chi phí sửa chữa, bảo hành công trình: 101.505.000 đồng. Tổng cộng: 6.327.004.544 đồng.

Công ty A được quyền khấu trừ các khoản chi phí nêu trên vào giá trị thanh toán hợp đồng. Như vậy, Toà án cấp sơ thẩm đã xác định số tiền Công ty A phải trả cho Công ty B là 11.964.381.000 đồng - 6.327.004.544 đồng = 5.637.376.456 đồng là đúng pháp luật.

Tại phiên toà, phía nguyên đơn chỉ chấp nhận 03 khoản tiền được đối trừ khi quyết toán là số tiền thuê xe, máy là 1.507.520.000 đồng, khoản tiền thuê cọc cừ 138.571.000 đồng, khoản tiền đền bù cho các hộ dân 392.268.390 đồng, tổng cộng 2.038.359.390 đồng là chưa chính xác về tổng chi phí bên bị đơn được khấu trừ vào giá trị thanh toán hợp đồng.

[2.2] Đối với yêu cầu kháng cáo buộc Công ty A phải trả cho Công ty B số tiền phạt là 4.569.000.429 đồng và tiền chậm thanh toán từ ngày 26/5/2023 đến khi Công ty A hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Hội đồng xét xử xét thấy:

Tại khoản 1 Điều 146 Luật Xây dựng quy định: thưởng, phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng.

Tại điểm b khoản 7.4 Điều 7 của Hợp đồng số 1004 thể hiện: bên A sẽ thanh toán cho bên B 100% giá trị còn lại sau khi bên A nhận được đầy đủ hồ sơ gồm: công văn đề nghị thanh toán của nhà thầu; bản quyết toán của bên A và Nhà thầu (Quyết toán A-B); bảo lãnh bảo hành công trình. Hoá đơn thuế GTGT (nếu có).

Tuy nhiên, hai bên đương sự chưa thống nhất đối chiếu công nợ, chưa xuất hoá đơn thuế GTGT của số tiền bị đơn còn phải thanh toán cho bên nguyên đơn là 5.637.376.456 đồng theo quy định của pháp luật, Công ty A chưa nhận được đầy đủ hồ sơ khi quyết toán theo điểm b khoản 7.4 Điều 7 của hợp đồng. Do đó yêu cầu kháng cáo của Công ty B về việc buộc Công ty A phải trả cho Công ty B số tiền phạt theo khoản 1 Điều 11 của hợp đồng 4.569.000.429 đồng và tiền chậm thanh toán từ ngày 26/5/2023 đến khi Công ty A hoàn thành nghĩa vụ trả nợ không được Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.

[3] Về yêu cầu kháng cáo của Công ty A.

Công ty A phải thanh toán cho Công ty B số tiền 5.637.376.456 đồng sau khi đã khấu trừ một số chi phí vào giá trị thanh toán hợp đồng như nhận định tại mục [2.1].

Đối với số tiền Công ty A đề nghị khấu trừ phạt 5% giá trị ghi trong hợp đồng theo Công văn số 19/TB-TN ngày 28/3/2020 là 2.592.145.550 đồng và khấu trừ chênh ca máy theo Công văn số 55/CV-CT ngày 29/12/2020 là 3.393.705.846 đồng nhưng Công ty A không có tài liệu chứng cứ, chứng minh nên Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận 02 khoản tiền này là có căn cứ.

[4] Tại phiên toà, phía nguyên đơn, bị đơn đều không xuất trình được tài liệu, chứng cứ mới nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

Toà án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào sự thoả thuận của hai bên đương sự theo Hợp đồng số 1004 để giải quyết vụ án. Tuy Toà án cấp sơ thẩm không áp dụng luật chuyên ngành (Luật Xây dựng) để giải quyết vụ án là thiếu sót, nhưng không làm thay đổi bản chất việc giải quyết nội dung của vụ án. Toà án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề nêu trên.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, yêu cầu kháng cáo của bị đơn; giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

[5] Về án phí dân sự phúc thẩm: do yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, của bị đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn, bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào: khoản 1 Điều 308, khoản 3 Điều 284, khoản 3 Điều 298, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm một phần đối với yêu cầu kháng cáo của Công ty B về khoản tiền thuê cọc cừ là 138.571.000 đồng và khoản tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân trong quá trình thi công là 392.268.390 đồng, tổng cộng là 530.839.390 đồng (Năm trăm ba mươi triệu tám trăm ba mươi chín nghìn ba trăm chín mươi đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty B.

3. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Công ty A.

4. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2023/KDTM-ST ngày 26/5/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

5. Về án phí dân sự phúc thẩm:

- Công ty B phải chịu 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo Biên lai số AA/2021/0001111 ngày 15/6/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh Ninh Bình; Công ty B đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

- Công ty A phải chịu 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo Biên lai số AA/2021/0001115 ngày 20/6/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh Ninh Bình; Công ty A đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 28/11/2023).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

69
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng công trình

Số hiệu:02/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/11/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;