TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NC, TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN SỐ 02/2022/KDTM-ST NGÀY 30/06/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN
Trong ngày 30/6/2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện NC, tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 01/2022/TLST-KDTM ngày 28 tháng 02 năm 2022; về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2022/QĐXXST-KDTM ngày 25/5/2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH S.
Địa chỉ: Khu công nghiệp xxx, phường M, thị xã P, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bang Suk H- Chức vụ: Tổng giám đốc.
Người được ủy quyền: Công ty Luật TNHH M.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đắc T - Chức vụ: Giám đốc Công ty.
Địa chỉ: Tầng 4, C16-NV5, ô số xx KĐT Hai bên đường L, xã L, huyện H, TP. Hà Nội.
2. Bị đơn: Công ty TNHH SY.
Địa chỉ: Thôn xx, xã T, huyện NC, tỉnh Thanh Hóa.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn D, sinh năm 1983 - Chức vụ: Giám đốc.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Sỹ B, Sinh năm 1978.
Địa chỉ: Thôn Thịnh Lạc, xã TN, huyện NC, tỉnh Thanh Hóa. Tại phiên tòa có mặt ông Nguyễn Đắc T là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, ông Lê Văn D là người đại diện theo pháp luật của bị đơn. Vắng mặt ông Phạm Sỹ B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện đề ngày 21/12/2021 và quá trình giải quyết, xét xử, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Đắc T trình bày:
Vào ngày 01/11/2019 giữa Công ty TNHH S(sau đây gọi tắt là Công ty S) và Công ty TNHH SY(Sau đây gọi tắt là công ty SY) có ký hợp đồng nguyên tắc cho nhà phân phối số: SHL-ASEAN-SOOYUN-01112019, nội dung: Công ty S sẽ bán cho Công ty SY dầu và mỡ bôi trơn theo tiêu chuẩn nhập khẩu và tiêu chuẩn sản xuất của Công ty S. Công ty SY có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty S số tiền theo hóa đơn trong vòng 15 ngày kể từ ngày cuối cùng của mỗi tháng. Nếu sau thời hạn trên mà Công ty SY chưa thanh toán được cho Công ty S thì phải phạt chậm trả là 0,3%/ngày. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2021 Công ty SY thanh toán đầy đủ đơn hàng cho Công ty S. Từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2021 Công ty SY không thanh toán các đơn hàng đã đặt cho Công ty S.
Đơn hàng Công ty SY mua từ ngày 02/6/2021 đến ngày 10/7/2021 là 345.440.000đ, Công ty SY đã thanh toán được 19.500.000đ. Sau khi đối trừ thì Công ty SY đã chuyển thừa 511.200đ (vào tháng 5/2021). Vì vậy, tính đến ngày 15/8/2021 Công ty SY còn nợ lại Công ty S là 325.432.800đ. Khi khởi kiện, Công ty S yêu cầu Công ty SY phải thanh cho Công ty S gồm: Tiền gốc 325.432.800đ, lãi chậm trả tạm tính từ ngày 15/8/2021 đến ngày 26/5/2022 là: 325.432.800đ x 20%/năm x 283 ngày = 50.464.374đ. Tổng gốc và lãi là 375.897.174đ và lãi phát sinh tiếp theo.
Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện là đề nghị Công ty TNHH SY phải trả nợ cho Công ty Công ty TNHH S tiền gốc 325.432.800đ, lãi chậm trả tạm tính đến ngày 26/5/2022 là 50.464.374đ. Tổng gốc và lãi là 375.897.174đ.
- Tại bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông Lê Văn D trình bày: Vào tháng 11/2019 Công ty SY có ký hợp đồng với Công ty S mua bán dầu nhớt. Thời gian đầu Công ty S thực hiện đúng hợp đồng, đến tháng 7/2021 Công ty S lại vi phạm hợp đồng ngừng bán dầu nhớt cho Công ty SY làm ảnh hưởng và thiệt hại đến Công ty SY. Cụ thể thiệt hại tôi sẽ có văn bản gửi Tòa án vào ngày làm việc tiếp theo khi Tòa án triệu tập. Vì vậy Công ty SY chưa thanh toán cho Công ty S số tiền 325.432.800đ (tính đến ngày 15/7/2021). Nay Công ty S yêu cầu Công ty SY phải thanh toán số tiền gốc 325.432.800đ. Tôi yêu cầu Công ty S phải quyết xong các vấn đề thiệt hại cho Công ty SY, sau khi đối trừ còn lại bao nhiêu Công ty SY sẽ thanh toán cho Công ty S. Đối với khoản tiền tiền lãi mà Công ty S yêu cầu Công ty SY không chấp nhận, tuy nhiên ông Dũng thừa nhận trong hợp đồng nguyên tắc có đề cập đến lãi chậm trả. Ngày 28/4/2022 Công ty SY đã có văn bản gửi phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư tỉnh Thanh Hóa xin tạm dừng hoạt động.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo pháp luật của Công ty SY thừa nhận chưa thanh toán số tiền đã mua hàng của Công ty S là 325.432.800đ. Tuy nhiên do Công ty S vi phạm cam kết làm thiệt hại cho Công ty SY, vì vậy ông chỉ đồng ý thanh toán cho Công ty S sau khi được bồi thường thiệt hại do Công ty S gây ra cho công ty của ông. Đối với số lãi Công ty S yêu cầu ông không đồng ý thanh toán.
- Tại bản tự khai đề ngày 19/4/2022 và quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Sỹ B trình bày: Tháng 11/2019, Công ty SY và Công ty S ký hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán dầu nhớt, lúc này ông đang là Giám đốc công ty SY nhưng đến ngày 11/3/2022 ông Phạm Sỹ B đã làm thủ tục bàn giao Công ty cùng các khoản nợ cho ông Lê Văn D trước đây là phó Giám đốc Công ty SY. Ông Dũng đã nhận và sẽ có trách nhiệm thanh toán lại khoản nợ cho Công ty S.
Ngày 27/5/2022 Tòa án nhân dân huyện NC, tỉnh Thanh Hóa tiến hành xác minh tại Phòng Đăng ký kinh doanh Sở kết hoạch và đầu tư Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin: Công ty TNHH một thành viên Soo Yun Việt Nam đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 19/9/2018, thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ nhất ngày 11/3/2022 người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn D, chức vụ giám đốc.
Công ty TNHH SY đã tạm ngừng kinh doanh từ ngày 10/5/2022, lý do tạm ngừng: Do công ty làm ăn thua lỗ.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện NC tại phiên tòa sơ thẩm:
+ Về tố tụng:
Việc tuân theo pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, xác định tư cách tố tụng của các đương sự. Việc thực hiện các thủ tục tố tụng như xác minh thu thập chứng cứ, ban hành và giao các văn bản tố tụng đều đúng và đầy đủ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa: Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng và đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Về việc tuân theo pháp luật của các đương sự: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện không đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Bị đơn có yêu cầu đối với nguyên đơn, đã được Thẩm phán giải thích quyền và nghĩa vụ của mình về quyền phản tố theo quy định của pháp luật nhưng bị đơn vẫn không có đơn phản tố.
Tại phiên tòa sơ thẩm vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được tống đạt hợp lệ 2 lần nhưng vẫn vắng mặt. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 227 và 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để xét xử vắng mặt là đúng quy định của pháp luật.
+ Về nội dung: Ngày 01/11/2019 giữa Công ty S và Công ty SY có ký hợp đồng nguyên tắc cho nhà phân phối số: SHL-ASEAN-SOOYUN- 01112019, nội dung: Công ty S sẽ bán cho Công ty SY dầu và mỡ bôi trơn theo tiêu chuẩn nhập khẩu và tiêu chuẩn sản xuất của Công ty S. Công ty SY có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty S số tiền theo hóa đơn trong vòng 15 ngày kể từ ngày cuối cùng của mỗi tháng. Nếu sau thời hạn trên mà Công ty SY chưa thanh toán được cho Công ty S thì phải phạt chậm trả là 0,3%/ngày.
Quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên có vướng mắc dẫn đến việc Công ty S không tiếp tục giao hàng cho Công ty SY và Công ty SY cho rằng việc dừng giao hàng dẫn đến thiệt hại cho Công ty SY nên không thanh toán số tiền đang còn nợ khi Công ty S chưa bồi thường thiệt hại.
Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán đã giải thích, hướng dẫn cho Công ty SY làm đơn phản tố, tuy nhiên bị đơn là Công ty SY không có đơn phản tố đối với nguyên đơn nên đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét yêu cầu của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn bồi thường thiệt hại, dành quyền khởi kiện cho công ty SY bằng vụ kiện dân sự khác.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền mua hàng còn nợ là: Tiền gốc 325.432.800đ, lãi chậm trả tạm tính từ ngày 15/8/2021 đến ngày 30/6/2022 là: 325.432.800đ x 20%/năm x 320 ngày = 57.062.189đ. Tổng gốc và lãi là 382.494.989đ và lãi phát sinh tiếp theo cho đến khi thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ. Đại diện Viện kiếm sát nhân dân huyện NC, tỉnh Thanh Hóa thấy rằng:
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn thừa nhận đến thời điểm hiện tại, Công ty SY còn nợ số tiền hàng chưa thanh toán cho Công ty S là 325.432.800đ. Vì vậy có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán số tiền gốc là 325.432.800đ cho nguyên đơn.
Đối với việc nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán là 20%/năm thấy rằng: Trong hợp đồng nguyên tắc, hai bên thỏa thuận mức phạt chậm trả 0,3%/ngày, đây là mức phạt chậm trả, không phải là lãi suất. Mức phạt này là quá cao so với quy định, vi phạm quy định của pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải chịu mức lãi chậm thanh toán là 20%/năm thấy rằng: Hai bên thỏa thuận về mức phạt chậm thanh toán, không phải là lãi suất chậm thanh toán. Mức phạt này vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, căn cứ vào Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự phải chịu trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là 10%/năm.
Đối với yêu cầu của bị đơn về việc chỉ thanh toán cho nguyên đơn sau khi đã bồi thường thiệt hại thấy rằng: Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn có quyền phản tố, đã được Thẩm phán giải thích quyền và nghĩa vụ của mình nhưng không thực hiện. Vì vậy đây là yêu cầu độc lập, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của bị đơn. Bị đơn có quyền khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác theo quy định của pháp luật.
Về án phí: Đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định và buộc nguyên đơn phải chịu án phí tương ứng với số tiền không được chấp nhận.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Xác định quan hệ pháp luật: Ngày 01/11/2019 giữa Công ty Svà Công ty TNHH SY có ký hợp đồng nguyên tắc cho nhà phân phối số: SHL- ASEAN-SOOYUN-01112019, nội dung: Công ty S sẽ bán cho Công ty SY dầu và mỡ bôi trơn theo tiêu chuẩn nhập khẩu và tiêu chuẩn sản xuất của Công ty S.
Sau khi ký kết hợp đồng, Công ty S đã thực hiện hợp đồng, Công ty SY đã nhận hàng hóa và có văn bản đối chiếu và xác nhận công nợ nhưng không thanh toán theo thỏa thuận. Ngày 25/02/2022, Công ty S khởi kiện Công ty SY tại Tòa án. Do đó xác định đây là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định tại Điều 430 của Bộ luật Dân sự.
[1.2] Về thẩm quyền giải quyết vụ án và việc vắng mặt của đương sự tai phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn là Công ty S khởi kiện Công ty SY là hai tổ chức có đăng ký kinh doanh, hai bên giao kết hợp đồng đều nhằm mục đích lợi nhuận; Công ty SY có địa chỉ trụ sở chính tại: xã TN, huyện NC, tỉnh Thanh Hóa nên Tòa án nhân huyện NC, tỉnh Thanh Hóa thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Ngày 09/6/2022, Tòa án đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuy nhiên tại phiên tòa vắng mặt nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì vậy phải hoãn phiên tòa.
Tại phiên tòa sơ thẩm vắng mặt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Sỹ B, tuy nhiên ông Phạm Sỹ B đã được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 vẫn vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng. Vì vậy căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để xét xử vắng mặt ông Bình là đúng quy định của pháp luật.
Bị đơn là công ty SY có yêu cầu đối với nguyên đơn là Công ty S bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, đã được Thẩm phán giải thích quyền và nghĩa vụ của mình về quyền phản tố theo quy định của pháp luật nhưng bị đơn vẫn không có đơn phản tố. Vì vậy, không được xem xét giải quyết trong cùng vụ án.
[2] Về nội dung:
Ngày 01/11/2019 giữa Công ty S và Công ty SY có ký hợp đồng nguyên tắc cho nhà phân phối số: SHL-ASEAN-SOOYUN-01112019, nội dung: Công ty S sẽ bán cho Công ty SY dầu và mỡ bôi trơn theo tiêu chuẩn nhập khẩu và tiêu chuẩn sản xuất của Công ty S. Công ty SY có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty S số tiền theo hóa đơn trong vòng 15 ngày kể từ ngày cuối cùng của mỗi tháng. Nếu sau thời hạn trên mà Công ty SY chưa thanh toán được cho Công ty S thì phải phạt chậm trả là 0,3%/ngày.
Quá trình thực hiện hợp đồng, trong thời gian từ ngày 02/6/2021 đến ngày 10/7/2021 Công ty S đã giao số lượng hàng hóa tương đương với số tiền 345.440.000đ, Công ty SY đã thanh toán được 19.500.000đ. Sau khi đối trừ thì Công ty SY đã chuyển thừa 511.200đ (vào tháng 5/2021). Vì vậy, tính đến ngày 15/8/2021 Công ty SY còn nợ lại Công ty S là 325.432.800đ.
Vì vậy, Công ty S khởi kiện yêu cầu Công ty SY phải thanh cho Công ty S gồm: Tiền gốc 325.432.800đ lãi chậm trả tạm tính từ ngày 15/8/2021 đến ngày xét xử (30/6/2022) là: 325.432.800đ x 20%/năm x 320 ngày = 57.062.189đ. Tổng gốc và lãi là 382.494.989đ và lãi phát sinh tiếp theo cho đến khi thanh toán hết toàn bộ số nợ.
Bị đơn là công ty SY trình bày: Vào tháng 11/2019 Công ty SY có ký hợp đồng với Công ty S mua bán dầu nhớt. Thời gian đầu Công ty S thực hiện đúng hợp đồng, đến tháng 7/2021 Công ty S vi phạm hợp đồng ngừng bán dầu nhớt cho Công ty SY làm ảnh hưởng và thiệt hại đến Công ty SY. Vì vậy Công ty SY chưa thanh toán cho Công ty S số tiền 325.432.800đ (tính đến ngày 15/7/2021). Nay Công ty S yêu cầu Công ty SY phải thanh toán số tiền gốc 325.432.800đ. Công ty SY yêu cầu Công ty S phải giải quyết xong các vấn đề thiệt hại cho Công ty SY, sau khi đối trừ còn lại bao nhiêu Công ty SY sẽ thanh toán cho Công ty S. Đối với khoản tiền tiền lãi mà Công ty S yêu cầu Công ty SY không chấp nhận, tuy nhiên trong hợp đồng có đề cập đến lãi.
2.1. Xét yêu cầu của hai bên đương sự về số tiền gốc còn nợ thấy rằng: Công ty S và Công ty SY có giao kết hợp đồng kinh tế với nhau, quá trình thực hiện hợp đồng từ ngày 02/6/2021 đến ngày 10/7/2021, Công ty S đã giao số lượng hàng hóa tương đương với số tiền 345.440.000đ, Công ty SY đã thanh toán được 19.500.000đ. Sau khi đối trừ thì Công ty SY đã chuyển thừa 511.200đ. Vì vậy, Công ty SY còn nợ lại Công ty S là 325.432.800đ (Ba trăm hai mươi lăm triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn tám trăm đồng). Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty SY thừa nhận chưa thanh toán số tiền 325.432.800đ (Ba trăm hai mươi lăm triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn tám trăm đồng) cho Công ty S.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập. Vì vậy có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán số tiền mua hàng còn nợ là 325.432.800đ (Ba trăm hai mươi lăm triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn tám trăm đồng).
Đối với yêu cầu của bị đơn về việc nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng, không giao hàng cho bị đơn dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho bị đơn và yêu cầu nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn có quyền phản tố, đã được Thẩm phán giải thích quyền và nghĩa vụ của mình nhưng không thực hiện. Vì vậy đây là yêu cầu độc lập, bị đơn có quyền khởi kiện bằng vụ kiện dân sự khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Xét yêu cầu của hai bên đương sự về số tiền lãi chậm trả:
* Đối với yêu cầu của bị đơn về việc không chấp nhận trả lãi chậm trả: Trong hợp đồng giao kết giữa hai bên, các bên đã thỏa thuận về việc chịu phạt chậm thanh toán, tại phiên tòa sơ thẩm bị đơn cũng thừa nhận có giao kết này, vì vậy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bị đơn.
* Đối với việc nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải trả tiền lãi đối với số tiền chậm thanh toán là 20%/năm:
Trong hợp đồng nguyên tắc, hai bên thỏa thuận mức phạt chậm trả 0,3%/ngày. Mức phạt này tương đương 9%/tháng hoặc 109,5%/năm, trong khi đó, mức phạt vi phạm theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại: không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm và Điều 468 của Bộ luật Dân sự là không quá 10%/năm. Do đó mức phạt này là quá cao so với quy định của Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự, vi phạm quy định của pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải chịu mức lãi chậm thanh toán là 20%/năm thấy rằng: Khi các bên giao kết, không thỏa thuận lãi chậm trả mà thỏa thuận mức phạt chậm thanh toán, trong khi đó theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và Điều 468 của Bộ luật Dân sự về mức lãi xuất khi có tranh chấp, đối chiếu với hợp đồng nguyên tắc đã giao kết thì thỏa thuận về mức phạt chậm thanh toán đã vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại.
Vì vậy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với mức lãi suất chậm thanh toán là 20%, căn cứ vào Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự chấp nhận nghĩa vụ chịu trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là 10%/năm tương ứng với thời gian chậm thanh toán.
Vì vậy, số tiền phải chịu do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền được chấp nhận là: 325.432.800đ * 10%/năm * 320 ngày = 28.531.095đ (Hai mươi tám triệu năm trăm ba mươi mốt nghìn không trăm chín mươi lăm đồng).
Số tiền Công ty SY yêu cầu không được chấp nhận là: 57.062.189đ - 28.531.095đ = 28.531.094đ (Hai mươi tám triệu năm trăm ba mươi mốt nghìn không trăm chín mươi tư đồng).
[4] Về án phí: Công ty SY phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Công ty S không được chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên phải chịu án phí tương ứng với số tiền không được chấp nhận. Trả lại cho Công ty S số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại Chi Cục thi hành án dân sự huyện NC, tỉnh Thanh Hóa sau khi trừ đi án phí phải nộp.
Vì những lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2, khoản 8 Điều 3; Điều 24; Điều 50; Điều 301; Điều 306 của Luật Thương mại; Điều 430; Điều 440; Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự; Điều 30; Điều 35; Điều 39; khoản 4 Điều 147; khoản 2 Điều 227;
khoản 3 Điều 228; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 24, khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn là Công ty TNHH SY, địa chỉ: Thôn xx, xã T, huyện NC, tỉnh Thanh Hóa phải trả cho Công ty TNHH S, địa chỉ: Khu công nghiệp M, phường M, thị xã P, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu số tiền 353.963.895đ (Ba trăm năm mươi ba triệu chín trăm sáu mươi ba nghìn tám trăm chín mươi lăm đồng).
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền tự nguyện thi hành án, thoả thuận thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 luật thi hành án dân sự.
2. Về án phí: Công ty TNHH SY phải chịu 17.698.194 đồng (Mười bảy triệu sáu trăm chín mươi tám nghìn một trăm chín mươi tư đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Công ty TNHH S phải chịu 1.426.554 đồng (Một triệu bốn trăm hai mươi sáu nghìn năm trăm năm mươi bốn đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Trả lại cho Công ty TNHH S số tiền 7.573.446đ (Bảy triệu năm trăm bảy mươi ba nghìn bốn trăm bốn mươi sáu đồng) đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2021/0006814 ngày 25/02/2022 của Chi cục THADS huyện NC, tỉnh Thanh Hóa.
3. Quyền kháng cáo: Án xử sơ thẩm có mặt người đại diện của nguyên đơn, người đại diện của bị đơn, vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn, bị đơn có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được giao hoặc niêm yết.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán số 02/2022/KDTM-ST
Số hiệu: | 02/2022/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Nông Cống - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 30/06/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về