TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 253/2023/KDTM-PT NGÀY 04/12/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 04/12/2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 203/TLPT-KDTM ngày 12/10/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 34/2023/KDTM-ST ngày 07/6/2023 của Tòa án nhân dân quận B, thành phố Hà Nội bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 734/2023/QĐXX-PT ngày 09/11/2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H.
Địa chỉ: Số 304 đường N, phường Đ, quận L, Hà Nội;
Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị H1 - Chức vụ: Giám đốc.
2. Bị đơn: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A.
Địa chỉ: Số 9 ngõ 43 T, phường Đ1, quận B, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Ngọc C - Chức vụ: Tổng Giám đốc.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo đơn khởi kiện và quá trình Toà án giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ngày 01/9/2017, Công ty TNHH Kim khí xây dựng thương mại thép H (gọi tắt là Công ty thép H), đại diện là ông Nguyễn Bình C1 – Giám đốc và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A (gọi tắt là Công ty A), đại diện là bà Nguyễn Thị Ngọc C - Giám đốc đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT về việc mua bán hàng hóa với nội dung: Công ty thép H cung cấp cho Công ty A các sản phẩm vật tư cơ khí để phục vụ thi công xây dựng các công trình của Công ty A. Sau khi ký hợp đồng trên, Công ty thép H đã bán cho Công ty A nhiều lần hàng hóa là sắt, thép các loại tại nhiều công trình khác nhau.
Ngày 24/11/2017, Công ty thép H và Công ty A do bà Nguyễn Thị Ngọc C đại diện theo pháp luật đã ký Biên bản đối chiếu công nợ (bút lục 21), với nội dung: Hai bên thống nhất chốt số liệu công nợ đến ngày 24/11/2017 như sau: “Công ty thép H đã bàn giao hàng hóa cho Công ty A, giá trị số hàng là 695.728.000 đồng. Công ty A còn phải trả cho Công ty thép H 695.728.000 đồng”.
Sau khi ký Biên bản đối chiếu công nợ nêu trên, ngày 21/6/2018, ông Hoàng Văn Công đại diện cho Công ty A đã trả cho Công ty thép H được số tiền 50.000.000 đồng (bút lục 16). Từ đó đến nay, Công ty A không trả thêm cho Công ty thép H được bất kỳ khoản tiền nào.
Bà Nguyễn Thị H2 đã được xem Biên bản ghi lời khai của Tòa án ghi lời khai của bà Nguyễn Thị Ngọc C ngày 09/12/2022. Bà H2 có ý kiến như sau: Bà H2 khẳng định bà Nguyễn Thị Ngọc C là Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A là người trực tiếp ký, đóng dấu vào Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT ngày 01/9/2017 và Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/11/2017 (bút lục 21), các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ ngày 26/9/2017 (bút lục 15), Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ ngày 25/10/2017 (bút lục 09), Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ ngày 02/11/2017 (bút lục 07), Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ ngày 07/11/2017 (bút lục 05), Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ ngày 08/11/2017 (bút lục 03). Các giấy tờ nêu trên, bà H2 đều chứng kiến việc ký giấy tờ của bà C. Hơn nữa, trong các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ nêu trên, bà H2 là người trực tiếp ký bên giao hàng với bà C để xác nhận số lượng hàng hóa đã giao và số tiền hàng. Bà C trực tiếp ký, đóng dấu Công ty A trước mặt bà H2.
Trên thực tế, do bà H2 quá tin tưởng bà C. Hơn nữa, bà C luôn là người gọi điện trực tiếp cho bà H2 để đặt hàng nên bà H2 đã giao hàng cho Công ty A. Có nhiều lần là giao hàng cho nhân viên của Công ty A là anh Nguyễn Văn H3 và anh Hoàng Văn Công đều là nhân viên của Công ty A. Hiện nay, bà H2 không biết anh H3 và anh Công ở đâu vì Công ty A nay không hoạt động nữa. Bà H2 có gọi điện nhưng anh H3 và anh Công không liên lạc được nên bà H2 không thể cung cấp thông tin địa chỉ của anh H3 và anh Công cho Tòa án được.
Nay bà C cố tình nại ra việc bà C không ký vào Hợp đồng mua bán hàng hóa, Biên bản đối chiếu công nợ và các giấy giao nhận hàng mà dấu của Công ty A. Bà khẳng định việc bà C nói như này là hoàn toàn sai sự thật. Bà trực tiếp chứng kiến và xác nhận việc bà C trực tiếp ký tên, đóng dấu vào các giấy tờ như đã trình bày ở trên.
Bà H2 không đề nghị Tòa án giám định chữ ký, chữ viết của bà C vì việc này là không cần thiết. Bà C cố tình nại ra việc sai sự thật để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho Công ty thép H. Bà H2 đề nghị Tòa án đưa vụ án ra xét xử để đảm bảo quyền lợi của Công ty thép H.
Nay Công ty thép H khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty A phải thanh toán trả cho Công ty thép H số tiền còn nợ là 645.728.000 đồng. Công ty thép H không yêu cầu Công ty A phải trả tiền lãi.
2. Tại Biên bản ghi lời khai ngày 09/12/2022, Bị đơn - Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A do bà Nguyễn Thị Ngọc C đại diện theo pháp luật trình bày:
Bà thừa nhận con dấu đóng trong Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT ngày 11/9/2017 là dấu của Công ty A. Tuy nhiên chữ ký ở phía cuối của Hợp đồng phần Đại diện Bên A không phải do bà ký. Ai ký thì bà không biết và ai đóng dấu bà cũng không biết. Do thời gian đã lâu nên bà cũng không nhớ giữa Công ty A và Công ty thép H có thỏa thuận mua bán sắt thép hay không. Đối với Hợp đồng này đã hết hiệu lực từ ngày 13/5/2016.
Biên bản đối chiếu công nợ do Nguyên đơn xuất trình ở phía cuối văn bản phần đại diện Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A dấu đóng tại văn bản này đúng là dấu của Công ty A còn, chữ ký thì không phải của bà. Tất cả biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ do Nguyên đơn xuất trình cho Tòa án, phần đại diện bên nhận hàng dấu đóng tại các văn bản này đúng là dấu của Công ty A còn chữ ký thì không phải của bà. Trước đây, ông Hoàng Văn C và ông Nguyễn Văn H3 có làm ở Công ty A, hiện nay không còn làm ở Công ty A nữa. Hiện nay, ông H3 và ông Công đang cư trú sinh sống tại đâu thì tôi không biết nên bà không thể cung cấp thông tin địa chỉ của ông H3 và ông Công cho Tòa án được. Thực tế bà không nhận hàng của Công ty thép H nên bà không thừa nhận việc giao nhận sắt thép giữa Công ty thép H và Công ty A. Về phần chữ ký của bà trong các giấy tờ nêu trên bà có ý kiến như sau: Chữ ký thì không phải của bà, ai ký bà không biết. Do bà không ký Hợp đồng nguyên tắc, bà không nhận hàng và không ký Biên bản đối chiếu công nợ nên bà không thừa nhận khoản nợ với Công ty thép H. Đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Quá trình giải quyết vụ án, bà C chỉ đến Tòa án làm việc ngày 09/12/2022, tuy nhiên, sau khi làm việc bà C không ký biên bản và bỏ về. Tại Tòa án cấp sơ thẩm, bà C không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho lời khai của mình, cũng như không đến Tòa án là việc theo Giấy triệu tập của Tòa án.
3. Tại phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày ở trên và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Bị đơn vắng mặt không có ý kiến trình bày.
Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 34/2023/KDTM-ST ngày 07/6/2023 của Tòa án nhân dân quận B, Hà Nội quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H.
Buộc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A phải trả cho Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H tổng số tiền còn nợ là 645.728.000 đồng.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành xong bản án.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền thi hành án và kháng cáo theo quy định của pháp luật.
4. Sau khi xét xử sơ thẩm Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn có đơn kháng cáo và đề nghị hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 34/2023/KDTM-ST ngày 07/6/2023 của Tòa án nhân dân quận B, với lý do: Quyết định của bản án sơ thẩm không đúng thực tế khách quan.
Ngoài đơn kháng cáo, người kháng cáo không cung cấp tài liệu, chứng cứ nào khác.
5. Tại Tòa án cấp phúc thẩm:
Tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay, Công ty thép H vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và Công ty A giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
* Công ty A trình bày các nội dung kháng cáo như sau:
Bà Nguyễn Thị Ngọc C, là đại diện theo Công ty A giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và các ý kiến trình bày tại đơn kháng cáo. Bà C cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ đơn phương hồ sơ của nguyên đơn để giải quyết vụ án là không phản ánh sự thật khách quan. Tuy nhiên, bà C cũng thừa nhận giữa Công ty A và Công ty thép H có việc mua bán sắt thép để phục vụ các công trình của Công ty A, trong đó có công trình xây dựng đình tại Thôn Phú Đa. Tuy nhiên do thời gian đã lâu, Công ty không còn các tài liệu để kiểm tra xác minh nên bà C không nhớ cụ thể việc thanh toán và chốt nợ giữa hai Công ty. Vì vậy, bà C đề nghị Hội đồng xét xử kiểm tra đối chiếu các biên bản công nợ do nguyên đơn cung cấp.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Bà C có cung cấp cho Tòa án bản phôtô sổ ghi chép của ông Nguyễn Văn H3, nhân viên Công ty A có nội dung ngày 16/10/2019, Công ty A có giao lại cho Công ty thép H số lượng thép là: 1. Thép Việt Mỹ phi 20: 40 cây; 2. Thép Việt Mỹ phi 16: 83 cây. Sổ có ký nhận của các bên và xác nhận của đại diện chính quyền thôn Phú Đa, trong đó bên Công ty thép H do bà Nguyễn Thị H2. Số cây thép trên có trị giá là 40.311.000 đồng (tính theo giá bán của Công ty thép H cho Công ty A) * Công ty thép H (nguyên đơn) trình bày như sau:
Bà Nguyễn Thị H2, đại diện theo pháp luật của Công ty thép H trình bày giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bà H2 khẳng định bà Nguyễn Thị Ngọc C là người đã làm việc và ký vào các Biên bản giao nhận hàng, biên bản đối chiếu công nợ và Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT về việc mua bán hàng hóa. Việc bà C trình bày là bà C không phải là người ký vào các giấy tờ này là không đúng nhằm cố tình trách nhiệm trả nợ. Bà Nguyễn Thị H2 yêu cầu Công ty A phải thanh toán số tiền mua thép và vật liệu xây dựng còn nợ theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/11/2017 (bút lục 21), sau khi trừ đi số tiền 50.000.000 đồng đã thanh toán là 645.728.000 đồng.
Ngày 16/10/2019, bà H2 thừa nhận có nhận lại một số lượng thép từ công trình tại Thôn Phú Đa nhưng là thép còn thừa, không sử dụng. Bà không đồng ý hoàn lại tiền cho Công ty A.
Các đương sự thống nhất xác nhận ngoài các tài liệu chứng cứ đã nộp cho Tòa án ra thì không còn tài liệu chứng cứ nào khác để nộp cho Tòa án và đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
7. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trình bày quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án:
- Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, mở phiên tòa và tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, đương sự đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ xét thấy việc ký kết hợp đồng giữa hai bên là tự nguyện, đã được xác định bằng chữ ký và con dấu của những người có thẩm quyền. Hợp đồng đã được các bên tự nguyện thực hiện và không có tranh chấp cho đến khi thanh toán hợp đồng, chốt nợ giữa hai bên nên được xác định là hợp pháp. Có có sở xác định Công ty A còn nợ Công ty H số tiền mua bán hàng hóa là 645.728.000 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định buộc Công ty A phải có trách nhiệm trả cho Công ty H số tiền mua bán hàng hóa còn nợ là 645.728.000 đồng là có căn cứ. Tuy nhiên, có căn cứ xác định ngày 16/10/2019, Công ty A có giao lại cho Công ty thép H số lượng thép là: 1. Thép Việt Mỹ phi 20: 40 cây; 2. Thép Việt Mỹ phi 16: 83 cây, trị giá là 40.311.000 đồng nên cần đối trừ số tiền với số tiền mua hàng, Công ty A còn phải thanh toán số tiền là 605.417.000 đồng.
Về yêu cầu tình lãi do chậm thanh toán: Tại Đơn khởi kiện đề ngày 21/3/2022, Công ty thép H có đề nghị Công ty A phải thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty H không yêu cầu phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.
Căn cứ phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty A, sửa một phần bản án sơ thẩm.
Về án phí: các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Xét về thủ tục kháng cáo:
Ngày 07/7/2023, Toà án nhân dân quận B nhận được đơn kháng cáo của Công ty A đối với Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 34/2023/KDTM-ST ngày 07/6/2023 của Toà án nhân dân quận B. Đơn kháng cáo do người đại diện theo pháp luật của Công ty ký. Đơn kháng cáo và biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm làm và nộp trong thời hạn luật định nên kháng cáo được chấp nhận. Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết là đúng thẩm quyền.
Về người tham gia tố tụng: Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng của Tòa án cho các đương sự trong vụ án. Tại phiên tòa hôm nay, các đương sự có mặt theo Giấy triệu tập nên Tòa án tiến hành xét xử vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2].Về nội dung kháng cáo:
Thứ nhất, Công ty A kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tống đạt văn bản tố tụng và bản án, dẫn đến việc Công ty A không nhận được bản án sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ đơn phương hồ sơ của nguyên đơn để giải quyết vụ án, coi nhẹ các đơn đề nghị của Công ty A, tự ghi biên bản lời khai của bà C ngày 09/12/2022 là không phản ánh sự thật khách quan.
Qua kiểm tra hồ sơ vụ án nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho Công ty A. Các văn bản tố tụng được tống đạt cho ông Vũ Ngọc Linh, là Nhân viên Công ty A do ông Linh được Công ty A ủy quyền nhận văn bản tố tụng (theo Giấy ủy quyền ngày 20/11/2022 – bút lục 64). Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã tiến hành tống đạt bằng hình thức niêm yết các văn bản tố tụng cho Công ty A theo địa chỉ trụ sở của Công ty và người đại diện theo pháp luật (bút lục 96, 106-110, 113 -116, 135-139, 156-160).
Tại buổi làm việc tại Tòa án cấp sơ thẩm ngày 09/12/2022, bà Nguyễn Thị Ngọc C – Đại diện theo pháp luật của Công ty A có đến trình bày ý kiến nhưng không ký biên bản làm việc (bút lục 69). Tại Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 18/4/2023, mặc dù đã nhận được thông báo nhưng Công ty A không đến. Sau phiên họp, Tòa án cấp sơ thẩm đã có thông báo kết quả phiên họp cho các đương sự vắng mặt (bút lục 103).
Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty A vắng mặt lần thứ hai không có lý do nên Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt bị đơn là đúng quy định của pháp luật.
Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã gửi Thông báo thụ lý vụ án và Giấy triệu tập Công ty A, đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Ngọc C nhưng Công ty A không đến Tòa án làm việc và không cung cấp tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cho nội dung kháng cáo.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho các đương sự, đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án đến khi xét xử. Công ty A không đến Tòa án làm việc và không cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, là từ bỏ quyền được tự bảo vệ của mình. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án để giải quyết là đúng quy định của pháp luật. Do đó, kháng cáo của Công ty A cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án là không đúng.
Thứ hai, Công ty A kháng cáo cho rằng bà Nguyễn Thị Ngọc C không ký vào Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT về việc Mua bán hàng hóa và Biên bản đối chiếu công nợ và các Biên bản giao nhận hàng; kết luận của bản án sơ thẩm không đúng thực tế khách quan mặc dù Công ty A đã trình bày cụ thể nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét.
Xét thấy, - Công ty H, đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị H2 có lời khai khẳng định:
Ngày 01/9/2017, Công ty TNHH Kim khí xây dựng thương mại thép H và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT về việc mua bán hàng hóa với nội dung: Công ty thép H cung cấp cho Công ty A các sản phẩm vật tư cơ khí để phục vụ thi công xây dựng các công trình của Công ty A. Sau khi ký hợp đồng trên, Công ty thép H đã bán cho Công ty A nhiều lần hàng hóa là sắt, thép các loại tại nhiều công trình khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Ngọc C là Giám đốc Công ty A là người trực tiếp ký, đóng dấu vào Hợp đồng, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/11/2017 và các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ. Các giấy tờ nêu trên, bà H2 đều chứng kiến việc ký giấy tờ của bà C. Hơn nữa, trong các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ nêu trên, bà H2 là người trực tiếp ký bên giao hàng với bà C để xác nhận số lượng hàng hóa đã giao và số tiền hàng. Bà C trực tiếp ký, đóng dấu Công ty A trước mặt bà H2.
Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/11/2017 có nội dung: “Hai bên thống nhất chốt số liệu công nợ đến ngày 24/11/2017 như sau: Công ty H đã bàn giao hàng hóa cho Công ty A, giá trị số hàng là 695.728.000 đồng. Công ty A còn phải trả cho Công ty H 695.728.000 đồng”. Sau khi ký Biên bản đối chiếu công nợ, ngày 21/6/2018, ông Hoàng Văn Công đại diện cho Công ty A đã trả cho Công ty H số tiền 50.000.000 đồng. Từ đó đến nay, Công ty A không trả thêm cho Công ty H được bất kỳ khoản tiền nào.
Để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình, Công ty H đã cung cấp bản gốc Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT ngày 01/9/2017, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/11/2017 và các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ. Tại Hợp đồng và các biên bản đối chiếu công nợ có chữ ký của bà Nguyễn Thị Ngọc C và đóng dấu của Công ty A.
- Bà Nguyễn Thị Ngọc C trình bày là không ký vào Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT ngày 01/9/2017, Biên bản đối chiếu công nợ và các Biên bản giao nhận hàng. Bà C xác nhận dấu đóng trên các văn bản này là của Công ty A, còn chữ ký không phải của bà. Tuy nhiên, bà C không yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết và cũng không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh cho lời khai nêu trên nên không có cơ sở để chấp nhận. Mặt khác, bà C trình bày là không ký nhưng sau đó lại có trình bày là tất cả các giấy tờ nếu Công ty A có ký thì đều ký trước, chưa được giao hàng. Lời khai trên là mâu thuẫn, cố nại ra việc không ký kết Hợp đồng và các biên bản nhận nợ để cố tình trốn tránh nghĩa vụ thanh toán.
- Tại mặt sau trang cuối của Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG- TT ngày 01/9/2017 có nội dung bà Nguyễn Thị Ngọc C trực tiếp ghi: “Báo cáo ông bà H2: 1. Công nợ của các vật tư thép Công ty A thực sự đang rất khó khăn về thanh toán. Cho nên xin phép ông bà cho phép tôi từ 25/4 – 30/6/2018 giải quyết thanh toán trả ông bà”. Nội dung trên thể hiện bà C xác nhận có việc Công ty A nợ tiền mua vật tư thép với vợ chồng bà H2.
- Tại các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ và các biên giao giao nhận hàng có chữ ký bên nhận hàng là ông Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn H3, đồng thời có biên bản có chữ ký của bà Nguyễn Thị Ngọc C và đóng dấu công ty. Bà C xác nhận ông Nguyễn Văn Công và Nguyễn Văn H3 trước đây có làm tại Công ty A. Hiện nay, không làm ở công ty nữa. Tại cấp sơ thẩm và cũng như đơn kháng cáo, bà C trình bày là sẽ liên lạc để cung cấp lời khai của ông Nguyễn Văn Công và ông Nguyễn Văn H3, nhưng đến thời điểm hiện nay bà C không cung cấp được.
Như vậy, có đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ngày 01/9/2017, Công ty H và Công ty A có ký Hợp đồng nguyên tắc số 1105/2017/HĐNT/TG-TT và có việc ký đối chiếu công nợ các Biên bản giao nhận kiêm giấy nhận nợ giữa hai Công ty.
* Về số tiền nợ phải thanh toán:
Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/11/2017 thể hiện, Công ty thép H và Công ty A đã thống nhất chốt số công nợ đến ngày 24/11/2017 là 695.728.000 đồng.
Người đại diện của Công ty H xác nhận, sau khi ký Biên bản đối chiếu công nợ nêu trên, ngày 21/6/2018, ông Hoàng Văn C, nhân viên Công ty A đã trả cho Công ty H số tiền 50.000.000 đồng. Từ đó đến nay, Công ty A không trả thêm cho Công ty H được bất kỳ khoản tiền nào. Như vậy, có có sở xác định Công ty A còn nợ Công ty H số tiền mua bán hàng hóa là 645.728.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà C có cung cấp cho Tòa án bản phôtô sổ ghi chép của ông Nguyễn Văn H3, nhân viên Công ty A có nội dung: Ngày 16/10/2019, Công ty A có giao lại cho Công ty thép H số lượng thép là: 1. Thép Việt Mỹ phi 20: 40 cây; 2. Thép Việt Mỹ phi 16: 83 cây. Nếu tính theo giá bán của Công ty thép H cho Công ty A thì Số cây thép trên có trị giá là 40.311.000 đồng. Bà H2 thừa nhận có việc nhận lại số thép trên nhưng là thép không sử dụng đến và bà không đồng ý hoàn lại tiền.
Xét thấy: Ngày 16/10/2019, tại Công trình xây dựng đình tại thôn Phú Đa, Công ty A có giao lại cho Công ty thép H số lượng thép là: 1. Thép Việt Mỹ phi 20: 40 cây; 2. Thép Việt Mỹ phi 16: 83 cây. Sổ có ký nhận của các bên và xác nhận của đại diện chính quyền thôn Phú Đa, trong đó bên Công ty thép H là bà Nguyễn Thị H2. Do đó, có cở sở xác định Công ty thép H, trực tiếp là bà H2 đã nhận lại số lượng 123 cây thép nêu trên nên yêu cầu của Công ty A đề nghị phải hoàn lại số tiền đã thanh toán là có căn cứ. Theo bảng giá thép mà Công ty thép H bán cho Công ty A, thì 123 cây thép nêu trên có trị giá là 40.311.000 đồng. Như vậy, đối trừ với số tiền phải hoàn lại trên, Công ty A phải có trách nhiệm trả cho Công ty H số tiền mua bán hàng hóa còn nợ là:
645.728.000 đồng - 40.311.000 đồng = 605.417.000 đồng.
* Về yêu cầu tình lãi do chậm thanh toán:
Tại Đơn khởi kiện đề ngày 21/3/2022, Công ty thép H có đề nghị Công ty A phải thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty H không yêu cầu phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không quyết định đình chỉ xét xử đối với yêu cầu thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.
Căn cứ phân tích trên, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty A, sửa một phần bản án sơ thẩm.
Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên Công ty A không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015;
- Căn cứ Khoản 1 điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Khoản 1 Điều 147; Điều 271; Điều 273; Điều 278; Điều 280, khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 24, Điều 50, Điều 55 Luật thương mại 2017;
- Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A; sửa bản án sơ thẩm. Xử:
[1]. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H.
[2] Buộc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và phát triển A phải trả cho Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H tổng số tiền còn nợ là 605.417.000 đồng (Sáu trăm linh lăm triệu bốn trăm mười bảy nghìn đồng).
[3]. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu thanh toán số tiền phạt chậm thanh toán của Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H.
[4]. Về án phí:
* Án phí dân sự sơ thẩm:
- Công ty CP xuất nhập khẩu và phát triển A phải chịu 28.216.680 đồng (Hai mươi tám triệu hai trăm mười sáu nghìn sáu trăm tám mươi đồng).
- Hoàn trả cho Công ty TNHH kim khí xây dựng thương mại thép H số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 16.700.000 đồng (Mười sáu triệu bẩy trăm nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0002634 ngày 03/11/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội.
* Án phí dân sự phúc thẩm:
Hoàn trả Công ty CP xuất nhập khẩu và phát triển A tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) (đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0008033 ngày 18/7/2023 tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận B, thành phố Hà Nội).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 cho đến khi thi hành xong bản án.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thi thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
[5]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 253/2023/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 253/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 04/12/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về