TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ TÂN UYÊN, TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 12/2022/KDTM-ST NGÀY 25/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 25 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 25/2022/TLST-KDTM ngày 05 tháng 4 năm 2022 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2022/QĐXXST-KDTM ngày 20 tháng 6 năm 2022, Quyết định hoãn phiên tòa số 16/2022/QĐST-KDTM ngày 07/7/2022, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty TNHH MTV Thương mại A; địa chỉ: Thửa đất số 1109, tờ bản đồ số 211, khu phố B, phường G, thành phố T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Thu P, sinh năm 1987; địa chỉ thường trú: 296/5/49 N, tổ 4, khu 3, phường P, thành phố M, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên lạc: C2-229 Chung cư Ehome 4, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 24/4/2022). Có mặt.
Bị đơn: Công ty TNHH K; địa chỉ: 47/4A KL, khu phố K, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp: Bà Giang Diệm L; địa chỉ: 137 đường 79, tổ 13, phường P, thành phố M, tỉnh Bình Dương; chức vụ: Giám đốc; là người đại diện theo pháp luật. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện, lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Ngày 02/11/2020, Công ty TNHH MTV Thương mại A (gọi tắt là Công ty A) có ký kết với Công ty TNHH K (gọi tắt là Công ty K) hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa số 0211/2020 với nội dung: Công ty A bán cho Công ty K hàng hóa là ván PB, MDF…với số lượng và quy cách được liệt kê chi tiết theo từng hóa đơn bán hàng, giá cả do các bên thương lượng theo từng đơn hàng.
Thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc nói trên, Công ty A đã bán cho Công ty K hàng hóa cụ thể như sau:
- Ván ép P2 9*1220*2440 (1700 tấm) (đơn vị m3; số lượng 45,545); số tiền:
241.388.500 đồng;
- Ván ép P2 12*1220*2440 (1205 tấm) (đơn vị m3; số lượng 48,5814); số tiền: 257.481.420 đồng;
- Ván ép P2 15*1220*2440 (970 tấm) (đơn vị m3; số lượng 50,0995); số tiền:
265.527.350 đồng.
- Cộng tiền hàng là: 764.397.270 đồng; tiền thuế GTGT: 76.439.727 đồng;
tổng cộng tiền thanh toán: 840.836.997 đồng (Theo hóa đơn giá trị gia tăng số 03 ngày 25/11/2020) - Ván ép P2 9*1220*2440 (3400 tấm) (đơn vị m3; số lượng 91,09); số tiền:
482.777.000 đồng;
- Ván ép P2 12*1220*2440 (1700 tấm) (đơn vị m3; số lượng 97,1628); số tiền: 514.962.840 đồng;
- Cộng tiền hàng là: 997.937.840 đồng; tiền thuế GTGT: 99.773.984 đồng;
tổng cộng tiền thanh toán: 1.097.513.824 đồng.
(Theo hóa đơn giá trị gia tăng số 04 ngày 29/12/2020) Tổng số tiền hàng hóa Công ty A bán cho Công ty K theo hai hóa đơn giá trị gia tăng là: 1.938.350.821 đồng Ngày 07/4/2021, các bên lập Bản cam kết về thời gian thanh toán tiền hàng, theo đó đã xác nhận công nợ đối với 02 hóa đơn trên và thỏa thuận về thời gian thanh toán, chia làm nhiều đợt như sau:
- Lần 1: chậm nhất ngày 15/4/2021 thanh toán tối thiểu 300.000.000 đồng; đồng; đồng;
- Lần 2: chậm nhất ngày 28/4/2021 thanh toán tối thiểu 600.000.000 - Lần 3: chậm nhất ngày 10/5/2021 thanh toán tối thiểu 500.000.000 - Lần 4: chậm nhất là ngày 30/5/2021 phải thanh toán xong toàn bộ công nợ còn lại.
Đồng thời các bên cũng thỏa thuận: Nếu ở kỳ thanh toán nào chậm trễ thì sẽ phát sinh thêm phí tiền lãi là 0,3%/ngày/tổng số tiền của đợt thanh toán đó.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty K không thực hiện đúng cam kết, mà chỉ thanh toán cho Công ty A số tiền là: 900.000.000 đồng chia làm 4 đợt qua chuyển khoản ngân hàng (có sao kê ngân hàng kèm theo); còn nợ lại số tiền 1.038.350.821 đồng. Từ ngày 03/12/2021 đến ngày 06/12/2021, Công ty K mới thanh toán tiếp số tiền 500.836.997 đồng qua chuyển khoản ngân hàng (có sao kê ngân hàng).
Như vậy, Công ty K còn nợ Công ty A số tiền hàng là: 537.513.824 đồng. Sau nhiều lần yêu cầu, Công ty K vẫn không thanh toán cho Công ty A số tiền nợ còn lại. Do đó, Công ty A khởi kiện Công ty K với yêu cầu như sau:
Buộc Công ty K thanh toán số tiền nợ gốc là: 537.513.824 đồng và tiền lãi chậm thanh toán tính từ ngày 31/5/2021 với mức lãi suất 9% tháng theo thỏa thuận cam kết giữa hai bên, tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 08 tháng, tương đương số tiền 387.009.953 đồng. Tổng cộng là 924.523.777 đồng.
Ngày 29/06/2022, nguyên đơn Công ty A có đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện thay đổi mức lãi suất yêu cầu là 1%/tháng tính từ ngày 31/5/2021 đến ngày 01/7/2022 (13 tháng) là 537.513.824 đồng x 1%/tháng x 13 tháng = 69.876.797 đồng. Như vây, tổng số tiền gốc và lãi nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là 537.513.824 đồng + 69.876.797 đồng = 607.390.621 đồng.
Theo Công văn số 586/ĐKKD ngày 13/5/2022 của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương về việc cung cấp thông tin Công ty TNHH K thể hiện: Công ty TNHH K, mã số doanh nghiệp 3702754797 đăng ký lần đầu ngày 27/3/2019, đăng ký thay đổi lần 3 ngày 01/3/2002; địa chỉ trụ sở chính: Số 47/4A KL đường V, khu phố H, phường K, thị xã T, tỉnh Bình Dương; Người đại diện theo pháp luật: Bà Giang Diệm L, chứng minh nhân dân số 281341089, ngày cấp 14/6/2018, nơi cấp Công an Bình Dương; địa chỉ thường trú và địa chỉ liên lạc: 137 đường 79, tổ 13, khu 2, phường P, thành phố M, tỉnh Bình Dương; chức vụ: Giám đốc. Hiện tại, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chưa nhận hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ tạm ngừng hay giải thể của doanh nghiệp.
Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tống đạt, niêm yết Thông báo thụ lý, Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng Công ty K không có mặt làm việc, tham gia phiên họp, không có văn bản trình bày ý kiến về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án cũng đã niêm yết Quyết định xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa cho Công ty K để tham gia phiên tòa nhưng người đại diện hợp pháp của Công ty K đều vắng mặt, không có lý do.
Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về việc buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ gốc là 537.513.824 đồng và tiền lãi chậm thanh toán từ ngày 31/5/2021 (là ngày bị đơn vi phạm cam kết trả nợ theo Bản cam kết ngày 07/4/2021) đến ngày 01/7/2022 (không yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử sơ thẩm), tương đương số tiền:
537.513.824 đồng x 1%/tháng x 13 tháng = 69.876.797 đồng. Như vây, tổng số tiền gốc và lãi nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là 537.513.824 đồng + 69.876.797 đồng = 607.390.621 đồng. Nguyên đơn xác định tự nguyện yêu cầu tính lãi đến ngày 01/7/2022 để tròn 13 tháng, đồng thời xác định không rút một phần yêu cầu khởi kiện về số tiền lãi mà chỉ thay đổi yêu cầu khởi kiện về cách tính lãi suất (yêu cầu 01%/tháng thay vì 09%/tháng).
Phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa:
Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử vụ án, Thư ký phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đúng trình tự quy định của pháp luật. Đối với các đương sự: Trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, các đương sự đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật.
Về nội dung: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty A đối với bị đơn Công ty K là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng:
[1.1] Về quan hệ pháp luật: Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền nợ theo Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa, đây là tranh chấp giữa hai chủ thể kinh doanh là thương nhân và đều nhằm mục đích lợi nhuận nên quan hệ pháp luật là tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng mua bán hàng hóa.
[1.2] Về thẩm quyền: Theo hợp đồng mua bán đã giao kết, các bên không thỏa thuận chọn Tòa án. Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 35 và điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi bị đơn có trụ sở. Bị đơn có địa chỉ trụ sở tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
[1.3] Về sự có mặt của đương sự: Bị đơn Công ty K đã được Tòa án tống đạt, niêm yết Quyết định xét xử, Quyết định hoãn phiên tòa và Giấy triệu tập tham gia phiên tòa hợp lệ nhưng người đại diện hợp pháp của bị đơn vắng mặt không có lý do. Đây là phiên tòa mở lần thứ 2. Do đó, Tòa án căn cứ quy địng tại khoản 3 Điều 228 và điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng hình sự tiến hành xét xử vụ án vắng mặt bị đơn.
[2] Nội dung tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền hàng còn nợ theo Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa ngày 02/11/2020 và Bản cam kết ngày 07/4/2021, hóa đơn giá trị gia tăng ngày 25/11/2020 và Hóa đơn giá trị gia tăng ngày 29/12/2020 giữa Công ty A và Công ty K; bao gồm tiền nợ gốc và tiền lãi chậm thanh toán từ ngày 31/5/2021 đến ngày 01/7/2022 với mức lãi suất là 01%/tháng. Bị đơn không có ý kiến trình bày và vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng.
[3] Xét hiệu lực pháp luật của Hợp đồng đã giao kết: Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa ngày 02/11/2020 giữa nguyên đơn Công ty A và bị đơn Công ty K có hình thức và nội dung phù hợp với quy định của Luật Thương mại về hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng được các bên giao kết tự nguyện, các chủ thể tham gia ký kết có đầy đủ năng lực trách nhiệm dân sự, hình thức bằng văn bản phù hợp với quy định tại Điều 24 của Luật Thương mại. Do đó, hợp đồng phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm ký kết và có hiệu lực ràng buộc trách nhiệm đối với các bên tham gia, được pháp luật công nhận và bảo vệ.
[4] Xét đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ngày 29/6/2022, nguyên đơn Công ty TNHH A có đơn sửa đổi đơn khởi kiện với nội dung thay đổi mức lãi suất yêu cầu đối với bị đơn từ 9%/tháng (0,3%/ngày) xuống còn 1%/tháng; thời gian tính lãi từ ngày 31/5/2021 đến ngày 01/7/2022. Xét thấy, việc thay đổi cách tính lãi suất của nguyên đơn là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu, phù hợp với quy định pháp luật và có lợi cho bị đơn nên được Tòa án chấp nhận.
[5] Theo nội dung hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày 31/10/2021. Quá trình thực hiện hợp đồng, nguyên đơn Công ty A thực hiện đúng thỏa thuận, giao đầy đủ hàng hóa theo yêu cầu của bị đơn Công ty K và đã xuất 02 hóa đơn giá trị gia tăng: Hóa đơn ngày 25/11/2020 số tiền 840.836.997 đồng và Hóa đơn ngày 29/12/2020 số tiền là 1.097.513.824 đồng. Tổng số tiền hàng bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn theo 02 hóa đơn là 1.938.350.821 đồng. Số tiền hàng này đã được bị đơn xác nhận tại Bản cam kết ngày 07/4/2021. Theo Điều 3 của Hợp đồng mua bán thể hiện: “Phương thức thanh toán theo hai bên thỏa thuận là 30 ngày sau khi giao hàng. Bên B (bên mua) chuyển khoản vào ngân hàng do bên A (bên bán) chỉ định,…”. Tuy nhiên, sau khi nguyên đơn giao hàng và xuất hóa đơn 02 đợt thì bị đơn vẫn chưa thanh toán tiền cho nguyên đơn. Ngày 10/3/2021, bị đơn mới thanh toán cho nguyên đơn 200.000.000 đồng qua chuyển khoản ngân hàng (có bản sao kê kèm theo). Ngày 07/4/2021, bị đơn lập Bản cam kết xác nhận số tiền còn nợ nguyên đơn và đề nghị thời hạn thanh toán cho nguyên đơn thành 04 đợt trong đó lần cuối cùng ngày 30/5/2021 trả dứt nợ. Tuy nhiên, bị đơn không thực hiện đúng cam kết về thời gian. Cụ thể, tổng số tiền bị đơn thanh toán cho nguyên đơn từ ngày 10/3/2021 đến ngày 31/3/2021 là 900.000.000 đồng (qua chuyển khoản), còn lại số tiền 1.038.350.821 đồng. Đến ngày 03/12/2021 và ngày 06/12/2021, bị đơn mới thanh toán tiếp số tiền 500.836.997 đồng qua chuyển khoản ngân hàng. Như vậy, căn cứ Điều 50 Luật Thương mại thì bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Do đó, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán tiền công nợ còn thiếu với số tiền nợ gốc 537.513.824 đồng đồng là có căn cứ chấp nhận.
[6] Về yêu cầu tính lãi do chậm thanh toán: Căn cứ Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Căn cứ kết quả khảo sát lãi suất nợ quá hạn của 03 ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – Phòng giao dịch Tân Uyên, Ngân hàng An Bình – Chi nhánh Tân Uyên và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh Tân Uyên) trên địa bàn thị xã Tân Uyên xác định là 15,05%/năm (tức là 1,25%/tháng). Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu tính lãi suất chậm thanh toán với mức lãi suất 1%/tháng là phù hợp với quy định pháp luật nên được chấp nhận.
Theo thỏa thuận giữa các bên tại Bản cam kết ngày 07/4/2021, thì bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi tương ứng với mỗi đợt chậm thanh toán, trong đó đợt cuối cùng là ngày 30/5/2021. Tuy nhiên, bị đơn không thực hiện đúng cam kết đã ký. Do đó, nguyên đơn có quyền yêu cầu tính lãi chậm thanh toán đối với bị đơn từ thời điểm chậm thanh toán. Nguyên đơn tự nguyện yêu cầu tính lãi từ ngày 31/5/2021 đến ngày 01/7/2022 là tròn 13 tháng. Xét đây là ý chí tự nguyện của nguyên đơn, phù hợp với quy định pháp luật và có lợi cho bị đơn nên Tòa án chấp nhận. Như vậy, số tiền lãi bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn từ ngày 31/5/2021 đến ngày 01/7/2022 (13 tháng) là: 537.513.824 đồng x 1%/tháng x 13 tháng = 69.876.797 đồng.
[7] Từ những phân tích trên có cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn số tiền chưa thanh toán theo Hợp đồng đã ký là 537.513.824 đồng và tiền lãi do chậm thanh toán đến ngày 01/7/2022 (13 tháng) với mức lãi xuất 1%/tháng tương đương số tiền 69.876.797 đồng. Như vây, tổng số tiền gốc và lãi bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là 537.513.824 đồng + 69.876.797 đồng = 607.390.621 đồng.
[8] Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.
[9] Về án phí: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 266, Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 24, Điều 50, Điều 55, Điều 306 của Luật Thương mại;
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH MTV Thương mại A với bị đơn Công ty TNHH K về việc “Tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa”.
2. Buộc Công ty TNHH K phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 607.390.621 đồng (Sáu trăm lẻ bảy triệu ba trăm chín mươi nghìn sáu trăm hai mươi mốt đồng), bao gồm: Tiền hàng chưa thanh toán là 537.513.824 đồng và tiền lãi chậm thanh toán là 69.876.797 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
3. Về án phí sơ thẩm:
- Bị đơn Công ty TNHH K phải chịu 28.296.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
- Nguyên đơn Công ty TNHH MTV Thương mại A được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 19.868.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0005841 ngày 31/3/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/2022/KDTM-ST
Số hiệu: | 12/2022/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Tân Uyên - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/07/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về