Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 12/2022/KDTM-PT NGÀY 27/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 27 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2022/KDTM-PT ngày 15 tháng 3 năm 2022 về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 80/2022/QĐXX-PT ngày 04 tháng 5 năm 2022.

Do bản án số 02/2022/KDTM.ST ngày 10/01/2022 của TAND quận N, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm có kháng cáo, giữa các đương sự

*Nguyên đơn: Công ty TNHH vật liệu xây dựng Xi măng S Việt Nam. Trụ sở: Thôn C, xã T, huyện T, tỉnh Quảng Bình.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nopporn KeeraT – Tổng Giám đốc Địa chỉ liên hệ: Tầng B, Tòa nhà A, Lý Chính T, Phường B, Quận B, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: ông Phạm Duy Đ, sinh năm 1986 (Giấy ủy quyền ngày 30/01/2021). Có mặt Địa chỉ: Tầng c, Tòa nhà D, khu dân cư S, đường G, phường H, thành phố T, thành phố Hồ Chí Minh.

*Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn N Địa chỉ: Nguyễn Văn C, phường A, quận N, thành phố Cần Thơ.

Người đại diện theo pháp luật: ông Phan Phong N– Giám đốc (có mặt) Người đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Yến N, sinh năm 1981 (có mặt) Địa chỉ: Trương Đ, phường An C, quận N, thành phố Cần Thơ (Giấy ủy quyền ngày 04/5/2021).

* Người kháng cáo: Công ty TNHH N

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 30 tháng 01 năm 2021, Công ty TNHH vật liệu xây dựng Xi măng S Việt Nam (Công ty S Việt Nam) trình bày:

Ngày 11/11/2019, giữa Công ty N và Công ty S Việt Nam – Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (Starcemt) đã ký kết Hợp đồng mua bán xi măng số 1018005 HĐMBXM/2020/DIS (Hợp đồng). Theo đó, Starcemt sẽ cung cấp xi măng cho Công ty N theo đơn đặt hàng và Công ty N có trách nhiệm thanh toán 100% tiền hàng cho Công ty S Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận hàng (Điều 6.2 của Hợp đồng). Sau khi ký kết hợp đồng, hai bên tiến hành thực hiện nhiều giao dịch mua hàng và thanh toán tiền.

Tính đến ngày 09/12/2020 là ngày cuối cùng Công ty N mua hàng của Công ty S Việt Nam, Công ty N còn nợ số tiền 509.202.085 đồng.

Ngày 29/12/2020, Công ty N thanh toán được 50.000.000 đồng. Đến ngày 31/12/2020, Công ty S Việt Nam chiết khấu cho Công ty N số tiền 15.248.200 đồng. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2020 Công ty N còn nợ lại số tiền 443.953.885 đồng.

Công ty S Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Công ty N thanh toán toàn bộ số nợ, nhưng Công ty N không thực hiện mà cố tình kéo dài thời gian làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty S Việt Nam.

Nay yêu cầu Công ty N thanh toán số tiền 485.929.495 đồng (tiền gốc là 443.953.885 đồng, tiền lãi 6.459.299 đồng), tiền phạt vi phạm hợp đồng tại Điều 10.2 của Hợp đồng là 35.516.311 đồng (443.953.885 đồng x 8%).

Theo bản tự khai ngày 13/5/2021, phía bị đơn công ty TNHH N trình bày:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng (Hợp đồng mua bán xi măng số 1018005 HĐMBXM/2020/DIS), Công ty N thường xuyên đạt sản lượng cam kết. Tuy nhiên, trong 06 tháng cuối năm 2020, sản lượng không đạt do tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cũng do Công ty S chưa hỗ trợ kịp thời cho đối tác.

Trong tình hình đó, Công ty S ra thông báo chấm dứt hợp đồng đột ngột. Xét thấy việc chấm dứt hợp đồng của Công ty S là chưa phù hợp, Công ty N có ý kiến và đề nghị như sau:

- Về công nợ hai bên:

Thống nhất với khoản nợ gốc, Công ty N còn nợ 443.953.885 đồng;

Công ty S còn nợ Công ty N 03 chỉ vàng SJC (khuyến mãi).

- Việc Công ty S chấm dứt hợp đồng mua bán:

Trong năm 2020, Công ty S liên tục thay đổi chính sách dành cho nhà phân phối, cắt giảm chiết khấu làm cho Công ty N không xoay trở kịp, phải thanh toán toàn bộ đơn hàng, đồng thời không tổ chức các chương trình khuyến mãi trong năm 2020. Trong khi năm 2020, là một năm cực kỳ khó khăn do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến việc không đạt sản lượng của Công ty N.

Ngày 11/12/2020, Công ty S ra thông báo chấm dứt hợp tác mà không có bất cứ biện pháp hỗ trợ nào, đã gây thiệt hại cho Công ty N như sau:

Không thu hồi được công nợ khách hàng;

Thiệt hại từ các khoản vay để thực hiện hợp đồng;

Lợi nhuận kế hoạch căn cứ hợp đồng phân phối bị ảnh hưởng.

- Đề nghị của Công ty N:

Gia hạn thanh toán đối với khoản nợ gốc, tiền lãi chậm trả được tính theo quy định pháp luật;

Bác yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty S;

Yêu cầu Công ty S bồi thường thiệt hại từ việc chấm dứt hợp đồng mua bán chưa hợp lý, dẫn đến thiệt hại cho Công ty N.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn giữ yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn thanh toán số nợ đến ngày 10/01/2022 là 519.170.620 đồng (Nợ gốc: 443.953.885 đồng, lãi 39.700.424 đồng; tiền phạt do vi phạm hợp đồng là 35.516.311 đồng). Phía bị đơn vắng mặt nên không có ý kiến.

Tại bản án số 02/2022/KDTM.ST ngày 10/01/2022 của TAND quận N, thành phố Cần Thơ tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn N phải thanh toán cho công ty TNHH vật liệu xây dựng Xi măng S Việt Nam tổng số tiền là 519.170.620 đồng (Gốc:

443.953.885 đồng, lãi: 39.700.424 đồng; tiền phạt do vi phạm hợp đồng - 8%:

35.516.311 đồng).

Trường hợp bị đơn chậm thanh thanh toán tiền hàng, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo qui định.

Ngày 24/01/2022 bị đơn kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn không đúng tố tụng, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét khoản lãi phạt vi phạm hợp đồng, đồng ý trả vốn nhưng khấu trừ vào số tiền thiệt hại, yêu cầu xem xét 03 chỉ vàng SJC khuyến mãi.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn thay đổi một phần nội dung kháng cáo: Đồng ý trả vốn, yêu cầu xem xét khoản lãi chậm trả và lãi phạt vi phạm hợp đồng. Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu.

Quan điểm của kiểm sát viên:

Về tố tụng: người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng theo qui định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa hai bên, hợp đồng 1018005 HĐMBXM/2020/DIS (Hợp đồng). Theo đó, Starcemt sẽ cung cấp xi măng cho Công ty trong quá trình thực hiện bị đơn có vi phạm theo các điều khoản thỏa thuận nêu trong hợp đồng về khối lượng hàng hóa, về thời hạn thanh toán, nên nguyên đơn kiện yêu cầu bị đơn thanh toán nợ và lãi phạt, lãi chậm thanh toán là có cơ sở. Bị đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lãi chậm trả và lãi phạt là không có căn cứ. Đề nghị bác kháng cáo của bị đơn, y án sơ thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thẩm quyền giải quyết và quan hệ pháp luật tranh chấp:

Công ty TNHH N - Trụ sở đặt tại quận N, thành phố Cần Thơ nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận N và đây là tranh chấp về Hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định tại Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về tố tụng: Phía bị đơn được tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 763 ngày 24/11/2021 vào ngày 01, 03/12/2021 nhưng vắng mặt, nên hoãn phiên tòa ngày 16/12/2021. Bị đơn được tống đạt (lần 2) Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 822 ngày 22/12/2021, người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH N có đơn xin hoãn phiên tòa xét xử vào ngày 10/01/2022 với lý do không chính đáng và không được phía nguyên đơn chấp nhận. Căn cứ khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn là đúng.

[3] Về nội dung tranh chấp:

Ngày 11/11/2019, Công ty N và Công ty S Việt Nam – Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh (Starcemt) và Công ty N ký kết Hợp đồng mua bán xi măng số 1018005 HĐMBXM/2020/DIS. Công ty N được chỉ định làm Nhà phân phối xi măng cho Starcemt tại khu vực tỉnh Hậu Giang.

Starcemt (Bên A) sẽ cung cấp xi măng loại STARPRO PCB50 và STARMAX PCB40 cho Công ty N (Bên B). Bên B cam kết sản lượng tiêu thụ tối thiểu là 660 tấn/tháng, chỉ tiêu sản lượng kế hoạch trong tháng 12/2019 và năm 2020 là 13.200 tấn.

Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 01/12/2019 cho đến hết ngày 31/12/2020.

Bên B sẽ thanh toán tiền hàng cho Bên A trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận hàng. Bên A đã giao hàng xong, nhưng Bên B không thanh toán tiền như đã cam kết tại Điều 6.2 của Hợp đồng. Bên A đã nhiều lần yêu cầu Bên B thanh toán tiền hàng, nhưng Bên B không thực hiện.

Đến ngày 11/12/2020, Starcemt gửi Văn bản số 004238/2020/Starcemt (V/v chấm dứt hợp tác với Công ty N): Trong 06 tháng liên tục từ tháng 06/2020 đến tháng 11/2020, Nhà phân phối N đã không thực hiện được sản lượng như đã cam kết trong Hợp đồng số 1018005 HĐMBXM/2020/DIS ngày 11/11/2019 (vi phạm Điều 8.1 của Hợp đồng). Do đó, Starcemt ngưng hợp tác với Nhà phân phối N từ ngày 01/01/2021 và buộc Công ty N phải thanh toán toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi, tiền phạt vi phạm tại Điều 10.2 Hợp đồng là phù hợp với quy định tại Điều 50, Điều 315, Điều 300, Điều 301, Điều 302, Điều 303 Luật thương mại quy định về nghĩa vụ thanh toán.

Tính đến ngày 09/12/2020, Bên B còn nợ Bên A số tiền 509.202.085 đồng. Ngày 29/12/2020, Bên B thanh toán được 50.000.000 đồng. Ngày 31/12/2020, Bên A chiết khấu cho Bên B 15.248.200 đồng, nên còn nợ số tiền 443.953.885 đồng. Tính từ ngày 23/12/2020 đến ngày 13/5/2021 Bên B còn nợ Bên A số tiền 494.151.082 đồng (Gốc: 443.953.885 đồng, lãi chậm trả: 14.680.886 đồng, tiền phạt do vi phạm hợp đồng: 35.516.311 đồng).

Tuy nhiên, mãi đến ngày 28/02/2021 Bên B mới gửi Văn bản cho Bên A, thừa nhận còn nợ Bên A số tiền 443.953.885 đồng, nhưng không thừa nhận vi phạm hợp đồng.

[4] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn tại phiên tòa cho rằng bị đơn không vi phạm hợp đồng nên không chấp nhận khoản lãi phạt và nguyên đơn có lỗi do đơn phương chấm dứt hợp đồng nên không đồng ý chịu khoản lãi trả chậm.

Đối với phần bị đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do nguyên đơn chấm dứt hợp đồng và khoản khuyến mãi do tại phiên tòa bị đơn không yêu cầu nên cấp phúc thẩm không xem xét.

[4.1] Đối với khoản lãi phạt vi phạm hợp đồng: các lý do mà bên B cho rằng không đạt sản lượng đề ra là do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19; do Bên A cắt giảm khuyến mãi và thay đổi chính sách liên tục làm cho Nhà phân phối không thể xoay trở kịp; Starcemt vi phạm hợp đồng, chào bán mặt hàng xi măng vào thị trường đã bảo hộ cho Nhà phân phối và thông báo cho khách hàng là cắt hợp đồng với Công ty N, làm ảnh hưởng đến uy tín và việc thu hồi nợ của bên B ; thực tế bên B không vi phạm hợp đồng, nên không đồng ý phạt vi phạm hợp đồng. Nhưng bên B không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho các lý do nại ra. Tại phiên tòa bên B thừa nhận từ tháng 7/2020 đến tháng 11/2020 không đạt sản lượng theo hợp đồng, bên A thừa nhận không có văn bản trao đổi gì trước khi thông báo ngưng hợp đồng với bên B lẽ ra hai bên phải bàn bạc trao đổi trước khi chấm dứt hợp đồng. Như vậy, xét về lỗi cả hai bên đều có lỗi.

Tuy nhiên thực tế giai đoạn từ cuối tháng 3/2020 dịch covid đã bùng phát kéo dài, đến tháng 7/2020 dịch bệnh covid liên tục xảy ra nhiều nơi, phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động chung cho các doanh nghiệp. Tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận thời điểm Covid bùng phát cao điểm từ tháng 3 năm 2020 và những tháng tiếp theo, từ đó phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà phân phối trong đó có công ty N, như vậy xác định lỗi trong trường hợp này của N cũng có yếu tố khách quan tác động, do đó cũng cần xem xét phần lãi phạt vi phạm hợp đồng cho phía bị đơn.Vì vậy yêu cầu kháng cáo của N đối với yêu cầu không tính lãi phạt vi phạm hợp đồng là có cở sở để xét chấp nhận.

[4.2] Đối với khoản lãi chậm trả 39.700.424 đồng, là không có căn cứ, bởi lẽ bị đơn nhận hàng chưa thanh toán tiền vi phạm tại Điều 10.2 của hợp đồng nên không có cơ sở để xem xét, do vậy không có cở sở để xét yêu cầu này của N.

Như vậy tính đến ngày 10/01/2022 (ngày xét xử sơ thẩm), Bên B còn nợ Bên A số tiền 483.654.309 đồng (Gốc: 443.953.885 đồng, lãi: 39.700.424 đồng). Cần buộc bị đơn phải thanh toán số tiền này cho nguyên.

Trường hợp bị đơn chậm thanh toán nợ, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả - theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại. Thời điểm tính lãi tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm.

Quan điểm đề nghị của kiểm sát viên phù hợp với một phần nhận định của hội đồng xét xử về lãi chậm trả, nên chấp nhận.

[5] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải nộp án phí theo qui định. Nguyên đơn được nhận lại 11.718.500 đồng (theo Biên lai thu số 003765 ngày 17/3/2021).

[6]Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, nên bị đơn không phải nộp án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ:

- Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016

Tuyên xử:

- Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn N.

- Về nội dung: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn N.

Sửa một phần bản án sơ thẩm về lãi phạt vi phạm hợp đồng.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn N phải thanh toán cho Công ty TNHH vật liệu xây dựng Xi măng S Việt Nam tổng số tiền là 483.654.309 đồng (Bốn trăm tám mươi ba triệu, sáu trăm năm mươi bốn ngàn, ba trăm lẻ chín đồng). Trong đó tiền gốc 443.953.885 đồng, lãi chậm trả 39.700.424 đồng.

Trường hợp bị đơn chậm thanh thanh toán nợ, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn phải nộp 23.346.172 đồng (hai mươi ba triệu, ba trăm bốn mươi sáu ngàn, một trăm bảy mươi hai đồng). Nguyên đơn được nhận lại 11.718.500 đồng (Mười một triệu, bảy trăm mười tám ngàn, năm trăm đồng) theo Biên lai thu số 003765 ngày 17/3/2021 của Chi cục thi hành án dân sự quận N, thành phố Cần Thơ.

Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Bị đơn không phải chịu, nên được nhận lại số tiền 2.000.000đồng tại biên lai thu số 0001606 ngày 08/02/2022 của chi cục thi hành án dân sự quận N, thành phố Cần Thơ.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, Tuyên án ngày 27/7/2022 Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự và Điều 7a Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

283
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 12/2022/KDTM-PT

Số hiệu:12/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cần Thơ
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 27/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;