TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 3, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 08/2023/KDTM-ST NGÀY 08/05/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 08 tháng 5 năm 2023, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố H xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 66/TLST-KDTM ngày 05 tháng 10 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 18/2023/QĐXXST-KDTM ngày 10 tháng 4 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty X Trụ sở: Số xx, đường O, phường K, quận B, Thành phố H. Người đại diện hợp pháp của Nguyên đơn: Ông S, là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền. (Theo Giấy ủy quyền ngày 20/02/2023). (Xin xét xử vắng mặt) 2. Bị đơn: Công ty Y (Xin vắng mặt) Trụ sở: Số xx, đường T, phường V, quận E, tỉnh Đồng Nai. Người đại diện theo pháp luật: Ông N – Sinh năm 1978.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong Đơn khởi kiện đề ngày 09/12/2021, Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện đề ngày 30/8/2022, Đơn khởi kiện (sửa đổi, bổ sung) đề ngày 02/3/2023 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Công ty X có ông S là Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền trình bày:
Ngày 20/9/2019 và ngày 02/01/2020, Công ty X (gọi tắt là Công ty X) có ký hợp đồng nguyên tắc cho năm 2019 và năm 2020 với Công ty Y (gọi tắt là Công ty Y) với các nội dung như sau:
Bên A (bên bán): Công ty X. Bên B (Bên mua): Công ty Y.
Bên A bán cho Bên B gỗ thông xẻ nhập khẩu theo từng đơn hàng, theo phương thức nguyên container hoặc hàng lẻ bằng xe tải tại kho.
Phương thức thanh toán: Thanh toán toàn bộ số tiền hàng và thuế GTGT 10% trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên A giao hàng cho Bên B. Nếu sau 30 ngày Bên B chưa thanh toán hết tiền hàng và tiền thuế GTGT thì phải chịu lãi suất quá hạn bằng 0.1%/ngày nhưng không trễ quá 15 ngày.
Theo đó, Công ty X có giao và xuất hóa đơn theo từng đơn hàng cho Công ty Y. Trong năm 2019 có 05 hóa đơn, năm 2020 có 01 hóa đơn nhưng theo cam kết trong hợp đồng thì Công ty Y đã không tuân thủ điều kiện thanh toán như đã ký. Đến ngày 24/12/2020, Công ty Y mới thanh toán hết tiền hàng và tiền thuế cho những hóa đơn của năm 2019 và năm 2020.
Lãi suất phạt chậm thanh toán: lãi phạt 0.1%/ngày theo hợp đồng mua bán đã ký giữa Bên A và Bên B nhưng Bên A sẽ tính lãi suất chậm thanh toán đối với Bên B là 0.0375%/ngày, tương đương 13.5%/năm đối với số tiền còn nợ theo lãi suất vay ngân hàng tại thời điểm phát sinh công nợ (đính kèm bảng tính lãi phạt chậm thanh toán). Như vậy đến ngày 24/12/2020 số tiền lãi phạt chậm thanh toán đối với Công ty Y là 190.948.806 (Một trăm chín mươi triệu, chín trăm bốn mươi tám ngàn, tám trăm lẻ sáu) đồng, do mua hàng quá thời hạn không thanh toán theo Hợp đồng số 169/HĐKT-KD ngày 20/9/2019 và số 40/HĐKT-KD ngày 02/01/2020, hóa đơn bán hàng số 000377, 000378 ngày 29/11/2019; 000412, 000413, 000415 ngày 27/12/2019 và 000489 ngày 28/02/2020.
Công ty X yêu cầu Tòa buộc Công ty Y phải thanh toán toàn bộ số tiền lãi nêu trên làm một lần ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tại phiên tòa:
- Nguyên đơn Công ty X có ông S là Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Bị đơn Công ty Y có ông N là người đại diện theo pháp luật xin vắng mặt.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận X phát biểu ý kiến: Quá trình giải quyết, thu thập chứng cứ và tại phiên tòa Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Về nội dung giải quyết vụ án, nhận thấy: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty X là có cơ sở để chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về tố tụng:
[1.1]. Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn Công ty X khởi kiện bị đơn Công ty Y phải trả tiền lãi phạt do chậm thanh toán căn cứ theo Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 169/HĐKT-KD ngày 20/9/2019 và số 40/HĐKT- KD ngày 02/01/2020 mà hai bên đã ký kết. Vụ án này có tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận nên đây là vụ án “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” được quy định tại Điều 24 của Luật Thương mại năm 2005 và khoản 1 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[1.2.]. Về thẩm quyền: Tại Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 169/HĐKT-KD ngày 20/9/2019 và Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 40/HĐKT-KD ngày 02/01/2020 thể hiện: “Trường hợp không giải quyết được sẽ đưa ra Tòa án nhân dân Quận X, TP. H xử lý”. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận X.
[1.3]. Về thủ tục xét xử vắng mặt:
[1.3.1]. Tại Đơn đề nghị xét xử vắng mặt ngày 05/5/2023, nguyên đơn Công ty X có ông S là Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền xin vắng mặt tại phiên xét xử và xác định: “Vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu Bị đơn phải thanh toán số tiền lãi phạt chậm thanh toán là 190.948.806 (Một trăm chín mươi triệu, chín trăm bốn mươi tám ngàn, tám trăm lẻ sáu) đồng với lãi suất phạt 13.5%/năm đối với số tiền còn nợ gốc phát sinh từ ngày 29/12/2019 đến thời điểm thanh toán nợ gốc đợt cuối cùng là ngày 24/12/2020. Và yêu cầu Tòa buộc Bị đơn phải thanh toán tiền lãi phạt chậm thanh toán làm 01 (một) lần ngày khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật”. Căn cứ vào khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án giải quyết vắng mặt Nguyên đơn.
[1.3.2]. Tại Đơn xin vắng mặt ngày 14/3/2023, bị đơn Công ty Y có ông N là người đại diện theo pháp luật xác nhận đã nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án số 66 ngày 05/10/2022 và Thông báo (bổ sung) về việc thụ lý vụ án số 66.1 ngày 03/3/2023; Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải số 66.1 ngày 03/3/2023. Ông Sơn xác nhận:“Công ty Y có mua bán với Công ty X năm 2019, 2020. Vì dịch bệnh Covid 19, Công ty đã trả chậm do ngưng hoạt động không xuất hàng được. Ông có điện thoại xin trả hàng tháng 300.000.000 (Ba trăm triệu) đồng và đến 24/12/2020 đã thanh toán hết công nợ. Ông không nhận được sự phản hồi nào từ phía Công ty X. Do đó, Công ty ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty X. Vì bận công việc không tới Tòa án được nên ông xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.” Căn cứ vào khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án giải quyết vắng mặt Bị đơn.
[3]. Về yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn:
Quá trình Tòa án hòa giải, thu thập tài liệu chứng cứ, các đương sự cùng thống nhất các tình tiết sau: Giữa Nguyên đơn và Bị đơn có ký kết Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 169/HĐKT-KD ngày 20/9/2019 và Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 40/HĐKT-KD ngày 02/01/2020. Ngày 24/12/2020, Bị đơn đã thanh toán hết công nợ của hai hợp đồng nói trên cho Nguyên đơn. Nguyên đơn cũng đã xác nhận đúng như vậy. Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử xét thấy các tình tiết này là sự thật và không cần phải chứng minh.
Tại Đơn khởi kiện đề ngày 09/12/2021, Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện đề ngày 30/8/2022, Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện đề ngày 02/3/2023, cũng như các lời khai trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn thanh toán số tiền lãi do chậm thanh toán công nợ còn lại với mức lãi suất quá hạn tại thời điểm chậm thanh toán là 13.5%/năm.
Căn cứ Công văn số 992/CNTPHCM-TH ngày 06/3/2023 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thành phố H thì mức lãi suất nợ quá hạn (đối với khách hàng là doanh nghiệp) là: 150% lãi suất cho vay trong hạn, tức 150% x 9.5%/năm = 14.25%/năm.
Căn cứ Công văn số 936/CV-QLN.23 ngày 10/3/2023 của Ngân hàng TMCP Á Châu thì mức lãi suất nợ quá hạn (đối với khách hàng là doanh nghiệp) là: 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn, tức 150% x 8.5%/năm = 12.75%/năm.
Căn cứ Công văn số 893/TB-BIDV.HCM ngày 20/3/2023 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thành phố H thì mức lãi suất nợ quá hạn (đối với khách hàng là doanh nghiệp) là: 150% lãi suất cho vay trong hạn, là 15.45%/năm.
Như vậy, lãi suất trung bình trên thị trường của ba Ngân hàng Thương mại là: 14.25%/năm + 12.75%/năm + 15.45%/năm= 14.15%/năm.
Do đó, Nguyên đơn yêu cầu lãi suất chậm thanh toán là 13.5%/năm là có lợi cho Bị đơn, nghĩ nên chấp nhận.
Tại Điều I. Tên hàng – Quy cách – Số lượng – Đơn giá của Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 169/HĐKT-KD ngày 20/9/2019 có quy định:
“…- Phiếu xuất hàng của mỗi lô hàng trong năm 2019 là một bộ phận của hợp đồng mua bán này,… Số lượng, đơn giá và tổng giá trị thanh toán sẽ được thể hiện trên từng Hóa đơn GTGT bán hàng cụ thể. Hóa đơn GTGT được lập phù hợp với Phiếu xuất hàng nêu trên.” Căn cứ Bảng kê chi tiết quá trình thanh toán của Bị đơn qua tài khoản Ngân hàng của Nguyên đơn và Bảng tính lãi chậm thanh toán của Nguyên đơn thể hiện số tiền lãi chậm thanh toán từ 29/12/2019 cho đến ngày 24/12/2020 được tính trên số ngày chậm thanh toán của từng hóa đơn giá trị gia tăng, cụ thể như sau:
Tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000377 ngày 29/11/2019 thể hiện: Nguyên đơn bán cho Bị đơn 50,27m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 5.812.500 đồng/m3, thành tiền là 292.194.375 đồng. Tổng giá trị thanh toán sau khi cộng 10% thuế GTGT là 321.413.813 đồng. Ngày 01/9/2020, Bị đơn thanh toán toàn bộ số tiền cho Nguyên đơn, quá hạn 214 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 25.793.458 đồng.
Tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000378 ngày 29/11/2019 thể hiện: Nguyên đơn bán cho Bị đơn 68,422m3 + 3,63m3 + 6,089m3 + 1,239m3 = 79,38m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 6.047.600 đồng/m3, thành tiền là 480.058.487 đồng. Tổng giá trị thanh toán sau khi cộng 10% thuế GTGT là 528.064.336 đồng. Ngày 24/7/2020, Bị đơn thanh toán cho Nguyên đơn số tiền 228.064.336 đồng, quá hạn 177 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 15.137.770 đồng; Ngày 18/8/2020, Bị đơn thanh toán cho Nguyên đơn số tiền 300.000.000 đồng, quá hạn 202 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 22.725.000 đồng.
Tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000412 ngày 27/12/2019 thể hiện: Nguyên đơn bán cho Bị đơn 17,158m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 5.463.750 đồng/m3, thành tiền là 93.747.023 đồng và 34,649m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 5.688.900 đồng/m3, thành tiền là 197.114.696 đồng.
Tổng giá trị thanh toán sau khi cộng 10% thuế GTGT là 319.947.891 đồng. Ngày 30/11/2020, Bị đơn thanh toán toàn bộ số tiền cho Nguyên đơn, quá hạn 278 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 33.354.568 đồng.
Tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000413 ngày 27/12/2019 thể hiện: Nguyên đơn bán cho Bị đơn 49,432m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 6.037.200 đồng/m3, thành tiền là 298.430.870 đồng. Tổng giá trị thanh toán sau khi cộng 10% thuế GTGT là 328.273.957 đồng. Ngày 01/10/2020, Bị đơn thanh toán toàn bộ số tiền cho Nguyên đơn, quá hạn 218 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 26.836.396 đồng.
Tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000415 ngày 27/12/2019 thể hiện: Nguyên đơn bán cho Bị đơn 42,439m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 6.037.200 đồng/m3, thành tiền là 256.212.731 đồng. Tổng giá trị thanh toán sau khi cộng 10% thuế GTGT là 281.834.004 đồng. Ngày 05/11/2020, Bị đơn thanh toán toàn bộ số tiền cho Nguyên đơn, quá hạn 253 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 26.739.001 đồng.
Tại Hóa đơn giá trị gia tăng số 0000489 ngày 28/02/2020 thể hiện: Nguyên đơn bán cho Bị đơn 11,715m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 6.067.100 đồng/m3, thành tiền là 71.076.077 đồng; 10,735m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 5.833.750 đồng/m3, thành tiền là 62.625.306 đồng; 3,21m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 5.367.050 đồng/m3, thành tiền là 17.228.231 đồng; 3,014m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu, với đơn giá 5.367.050 đồng/m3, thành tiền là 16.176.289 đồng; 39,411m3 gỗ thông xẻ nhập khẩu với đơn giá 6.061.900 đồng/m3, thành tiền là 238.905.541 đồng. Tổng giá trị thanh toán sau khi cộng 10% thuế GTGT là 446.612.588 đồng. Ngày 24/12/2020, Bị đơn thanh toán toàn bộ số tiền cho Nguyên đơn, quá hạn 241 ngày, tiền lãi chậm thanh toán là 40.362.613 đồng.
Tại Điều III. Phương thức thanh toán của Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 169/HĐKT-KD ngày 20/9/2019 và Hợp đồng mua bán gỗ thông xẻ nhập khẩu số 40/HĐKT-KD ngày 02/01/2020 do hai bên thỏa thuận, có quy định: “Bên A và bên B cùng thống nhất các điều khoản của hợp đồng qua bản fax hoặc email. Khi đó bên B thanh toán hết tiền hàng và tiền thuế (GTGT) cho bên A bằng chuyển khoản trong vòng 30 (Ba mươi) ngày tính từ ngày bên A giao đủ hàng cho Bên B. Sau 30 (Ba mươi) ngày nếu Bên B chưa thanh toán đúng hạn theo hợp đồng thì bên B phải chịu lãi suất phạt 0,1% cho 01 (một) ngày thanh toán trễ đối với số tiền còn nợ. Sau 45 (Bốn mươi lăm) ngày, tính từ ngày giao hàng nếu bên B vẫn chưa thanh toán hết số tiền còn nợ cho bên A thì bên A sẽ tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định tại Điều IV.” Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu của Nguyên đơn về việc yêu cầu Bị đơn phải thanh toán làm một lần số tiền lãi từ 29/12/2019 cho đến ngày 24/12/2020 là 190.948.806 (Một trăm chín mươi triệu, chín trăm bốn mươi tám ngàn, tám trăm lẻ sáu) đồng ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, là có cơ sở để chấp nhận.
[4]. Về án phí dân sự sơ thẩm: Do toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn được chấp nhận nên Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
Vì các lẽ nêu trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 228, Điều 266, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Áp dụng Điều 24, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005;
- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án (ban hành kèm theo);
- Áp dụng Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Tuyên xử:
1/. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty X: Buộc Công ty Y phải trả làm một lần cho Công ty X số tiền 190.948.806 (Một trăm chín mươi triệu, chín trăm bốn mươi tám ngàn, tám trăm lẻ sáu) đồng ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày Công ty X có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Y chậm thi hành án số tiền nêu trên thì hàng tháng Công ty Y còn phải chịu tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.
2/. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn Công ty Y phải chịu số tiền án phí là 9.547.440 (Chín triệu, năm trăm bốn mươi bảy ngàn, bốn trăm bốn mươi) đồng.
Trả lại cho Công ty X số tiền 10.389.356 (Mười triệu, ba trăm tám mươi chín ngàn, ba trăm năm mươi sáu) đồng là tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0007615 ngày 04/10/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận X, Thành phố H.
3/. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày được tống đạt bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 08/2023/KDTM-ST về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 08/2023/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 3 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 08/05/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về