Bản án 03/2024/DS-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 03/2024/DS-PT NGÀY 12/01/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 12 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh D xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 73/2023/TLST-DS ngày 05/10/2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng vay tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 19/7/2023 của Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh D bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 80/2023/QĐ-PT ngày 22 tháng 11 năm 2023; thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa và các Quyết định hoãn phiên tòa, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Hoàng Thị M, sinh năm 1965; địa chỉ: KDC H, phường H, thị xã K, tỉnh D. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà M:

+ Anh Vũ Hữu H, sinh năm 1999; địa chỉ: Tổ B, khu M, phường C, thành phố C, tỉnh Quảng Ninh. Giấy ủy quyền ngày 28/11/2022. Có mặt.

+ Công ty L1; địa chỉ trụ sở: Số A, lô A, B, phường H, thành phố H, tỉnh Quảng Ninh. Người đại diện hợp pháp: Chị Quách Thị Quỳnh M1, sinh năm 1996 – Nhân viên nghiệp vụ (Văn bản cử số 0422/2023/CV-GV ngày 22/4/2023 của Công ty L1). Giấy ủy quyền của bà M ngày 15/4/2023. Có mặt.

2. Bị đơn: Chị Phạm Thị B (tên gọi khác: Phạm Thị L), sinh năm 1986;

địa chỉ: KDC A, phường H, thị xã K, tỉnh D. Vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Đinh Văn N, sinh năm 1964 (chồng bà M), địa chỉ: H, phường H, thị xã K, tỉnh D. Vắng mặt.

4. Người làm chứng:

- Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1967, địa chỉ: Thôn M, xã N, huyện N, tỉnh D. Vắng mặt.

- Anh Vũ Minh C (tên gọi khác: T1), sinh năm 1984, địa chỉ: KDC A, phường H, thị xã K, tỉnh D. Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Bá T2, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn A, xã Q, huyện N, tỉnh D. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 19/7/2023 của Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh D, vụ án có nội dung tóm tắt như sau:

Từ năm 2018, giữa bà Hoàng Thị M và chị Phạm Thị B có giao dịch mua, bán lá hành, lá mủa tươi và khô đóng bao. Việc mua bán không có hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói. Khi giao hàng cho chị B, bà M có ghi sổ của bà về số lượng hàng và số tiền. Có lần giao hàng xong thì chị B thanh toán một phần, còn thì nợ, có khi nợ cả số tiền của đợt hàng đó rồi sau mới trả dần. Đến ngày 04/6/2020, bà M và chị B chốt số tiền chị B còn nợ bà M, tổng là 502.477.000 đồng.

Khoảng tháng 6/2020, giữa bà M, chị B có mua lá hành khô, lá mủa khô từ kho của ông Nguyễn Bá T2 ở N, N là 350 bao, 15kg/bao, trừ 100 kg sau khi vệ sinh, trọng lượng còn là 5.150 kg, đơn giá là 120 triệu/tấn = 618.000.000 đồng.

Đến ngày 19/6/2020, chị B mua của bà M 128 bao lá hành khô x 17kg/bao = 2.176 kg – 65 kg (là % vệ sinh hao hụt) = 2.111kg x 115.000 đ/kg = 242.765.000 đồng.

Từ ngày 26/9/2020 đến ngày 04/12/2020, chị B mua lá hành tươi của bà M nhiều lần, tổng 23.850kg, đơn giá giao động từ 9.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Tổng số tiền chị B còn nợ bà M về mua lá hành, lá mủa tươi là 247.479.000 đồng.

Tổng số tiền chị B đã thanh toán trả cho bà M là 1.220.000.000 đồng.

- Theo nguyên đơn bà M: Năm 2020, bà xuất bán cho ông Nguyễn Bá T2 khoảng 25 tấn hàng lá hành mủa khô. Do dịch bệnh, ông T2 không bán được hàng, ông T2 nhờ bà xem có ai mua thì giới thiệu cho ông T2. Cùng thời điểm, đầu tháng 6/2020, chị B có nhu cầu lấy thêm hàng, hàng trong kho của bà đã hết nên bà đã bảo chị B đến nhà ông T2 lấy hàng, bà chịu trách nhiệm thanh toán với ông T2 số hàng mà chị B lấy từ kho của ông T2, chị B chịu trách nhiệm thanh toán với bà trong thời hạn 1 tháng. Chị B đến nhà ông T2 lấy 350 bao hàng, đến ngày 17/6/2020, chị đến nhà bà chốt sổ. Theo đó, chị B đã lấy 350 bao lá hành sấy khô x 15kg/bao = 5.250kg trừ vệ sinh lại mất 100kg, còn lại là 5.150 kg x 120.000 đ/kg = 618.000.000 đồng. Số tiền này, chị B có trách nhiệm thanh toán cho bà, không liên quan đến ông T2. Khoảng 10 tháng sau (từ tháng 6/2020) khi lấy hàng 350 bao, ngày 11/4/2021 chị B cho rằng hàng xấu không bán được nên chở 2 xe tải hàng lá hành, mủa khô đến ép, chửi bới bà, vứt ở cổng nhà bà, bắt bà phải nhận số hàng chị B đó để trừ nợ. Buổi chiều trời mưa, bà phải nhờ người cho bao hàng vào trong sân nhà bà để tránh mưa. Tổng số 123 bao hàng chị B vứt trả bà không nhận, cũng không xác nhận. Bà nhờ ông T2 sang xem thì ông T2 xác định không phải hàng của ông T2 trước đây giao cho chị B vì lá hành mủa bị đổi mầu, thành màu vàng úa. Ông T2 nói ông đã mua bán đứt đoạn nên ông không quan tâm đến việc giữa bà và chị B.

Ngày 03/12/2020, chị B mua 71 bao lá hành hành khô x 16kg/bao = 1.136kg X 110.000 đồng/kg = 124.960.000 đồng.

Bà mua lá hành tươi của chị B: Khoảng tháng 1/2021, bà mua lá hành tươi của chị B tổng số tiền 67.806.000 đồng.

Ngoài ra, ngày 20/6/2020, chị B viết giấy vay tiền mặt, số tiền là 350.000.000 đồng. Hẹn bà 1 đến 2 tháng thì trả cả gốc và lãi 1%/tháng. Quá hạn, bà đã đòi nhiều lần nhưng chị B không trả.

Bà M xác định: Tổng số tiền hàng mà chị B mua của bà là 1.735.681.000 đồng, chị B đã trả 1.287.806.000 đồng (trong đó cộng cả tiền bà mua lá hành tươi của chị B), còn lại 447.875.000 đồng (tại biên bản lấy lời khai bà yêu cầu chị B trả tiền hàng là 497.875.000 đồng). Nay bà yêu cầu chị B trả tiền hàng là 447.875.000 đồng; trả nợ tiền vay là 350.000.000 đồng và tiền lãi đối với khoản tiền vay 350.000.000 đồng từ ngày 20/6/2020 đến nay, mức lãi suất là 9%/năm.

- Theo bị đơn – chị M trình bày: Trước ngày 05/6/2020, bà M nhiều lần nhắn tin, điện thoại cho chị nói rằng bà M đã bán hàng lá hành khô cho vợ chồng ông T2, bà S ở huyện N nhưng vẫn chưa lấy được tiền hàng, đã đòi nhiều lần nhưng vợ chồng ông T2 bà S không trả, vợ chồng ông T2 viện lý do chưa bán được hàng nên chây ì trong việc trả tiền; bà M nhờ chị giúp bằng cách là bà M lấy lại số hàng đã bán cho vợ chồng ông T2 và nhờ chị tiêu thụ hộ số hàng đó để đối trừ công nợ với vợ chồng ông T2. Vì bà M là bạn hàng nhiều năm nên chị đã đồng ý nhận lời, nhưng chị nói với bà M là phải cho chị xem hàng, nếu hàng còn đảm bảo thì chị mới tiêu thụ giúp được. Ngày 05/6/2020, bà M dẫn chị đến nhà vợ chồng ông T2, bà S ở xã Q, huyện N để xem hàng; khi đến thì chị bảo bà S dẫn chị đến kho để xem nhưng bà S bảo không cần, bà S cho người chở đến nhà 01 bao để cho chị xem, chị vẫn yêu cầu phải cho chị vào kho xem vì 01 bao không đủ cơ sở để đánh giá chất lượng hàng, bà S vẫn bảo không cần phải như vậy, tin nhau là chính; chị không đồng ý nên đã đi về. Sau đó bà M tiếp tục liên lạc với chị nhờ chị bán dần giúp, chị tin tưởng nên đã nhận lời bán giúp. Ngày 17/6/2020, chị cho xe đến lấy hàng về để kho ở thônM,xãN,huyệnN (là nhà con rể ông Nguyễn Văn T), ông T kiểm tra hàng thấy không đảm bảo chất lượng nên đã thông báo cho chị biết, chị liên hệ với bà M bảo hàng kém chất lượng nên không thể bán giúp bà M được, bà M năn nỉ nhờ chị bán giúp, bảo cháu cứ bán giúp, đã phải trả tiền cho dì ngay đâu, khi nào bán được mới phải trả tiền cho dì, vì cả nể nên chị đã đồng ý với đề nghị của bà M.

Tổng số hàng chị đã lấy bán hộ là 350 bao, 15kg/bao, trừ 100 kg sau khi vệ sinh, trọng lượng còn là 5.150 kg, đơn giá là 120 triệu/tấn = 618.000.000 đồng. Ngày 19/6/2020, chị lấy tiếp 128 bao, 17kg/bao, trừ 65 kg hàng sau vệ sinh, trọng lượng còn là 2.111 kg, đơn giá 115 triệu đồng/tấn = 245.765.000 đồng.

Khoảng những tháng cuối năm 2020, vì hàng của bà M lấy từ kho vợ chồng ông T2 không đảm bảo chất lượng, khách hàng phàn nàn nên chị đã nhiều lần trao đổi với bà M, nhưng bà M vẫn nài nỉ chị cố gắng tiêu thụ giúp, vì bà nói không có kho chứa nên cứ để đấy và chưa yêu cầu chị phải trả tiền ngay. Bà M bảo là ở nhà còn hàng đẹp hơn nên chị đồng ý lấy, bà M cho chở đến chị nhận 128 bao hàng = 245.765.000 (như đã ghi ở trên). Số hàng chị lấy từ nhà ông T2 chị đã cố gắng tiêu thụ cho đơn vị ở miền N, nhưng vì hàng không đảm bảo nên bị trả lại. Chị lại trao đổi với bà M về việc hàng bị khách hàng trả lại và bảo sẽ chở trả lại cho dì, bà M đã đồng ý. Chính vì vậy, ngày 11/4/2021 chị đã cho xe chở về nhà bà M ở K trả lại cho bà M 3.487kg hành lá sấy khô, bà M đã nhận số hàng này sau đó bà M đã cất vào kho của nhà bà M. Đối với số hàng còn lại, chị cũng đã tiêu thụ và bị khách hàng trả lại, nhưng ở thời điểm bà M đã có thái độ không hài lòng về việc chị không giúp bà M nên chị không trả lại được cho bà M, chị đành chấp nhận. Đối với lời trình bày trong đơn trình báo của ông T2 có trong hồ sơ là không khách quan, không đúng về nội dung kể cả mốc thời gian lấy hàng, chị xác định là ông T2 bịa đặt. Số hàng hành lá chị đã trả lại cho bà M có giá trị là: 3.487kg x 120.000.000 đồng/tấn = 418.440.000 đồng. Tiền thuê xe vận chuyển đi là 9.600.000 đồng; tiền xe vận chuyển về là 14.000.000 đồng, tiền công nhân vệ sinh hàng là 5.600.000 đồng. Tổng là 447.640.000 đồng.

- Đối với 71 bao hành lá sấy khô, trọng lượng 1.136kg, đơn giá 110.000 đồng/kg = 124.960.000 đồng, bà M kê chị lấy ngày 03/12/2020. Do sổ sách theo dõi của chị bị thất lạc, chưa tìm lại được và thời gian lâu chị không nhớ có mua của bà M hay không, xem sổ của bà M thì không phải chữ ký của chị và lại ghi chèn thời gian, tuy là ngày 03/12 nhưng lại trước ngày 4/6. Do đó, chị đề nghị bà M cung cấp tài liệu chứng minh về nội dung này.

Đến ngày 20/6/2020, chị đến nhà bà M trả cho bà M 50.000.000 đồng tiền hàng nợ trong tổng nợ là 502.477.000 đồng đã chốt ngày 04/6/2020 được nêu ở trên; khi đó bà M có bảo chị ghi sổ bà M tổng hợp các lần lấy hàng bán giúp bà M và tiền hàng chị còn nợ, thời điểm này chị chỉ mới vận chuyển hàng của bà M từ kho của nhà ông T2 về kho của chị cũng ở N, chứ chưa bán được nên số liệu ghi trong sổ bà M là theo thực tế số hàng đã lấy, kể cả số tiền 150.000.000 đồng ghi “tạm ứng cô S” cũng là ghi theo ý muốn của bà M, bà M nói ghi như vậy để chồng bà M đỡ cằn nhằn về việc bán hàng chịu cho vợ chồng ông T2, đồng thời bà M bảo số tiền này ghi vào đây còn dì chuyển sang cộng vào số tiền dì đã cho cháu vay, chị đã ghi theo ý muốn của bà M; Ngay sau đó, chị ghi sổ vay của bà M số tiền 350.000.000 đồng; Thực tế, ngày 20/6/2020 không có việc bà M đưa cho chị số tiền 350.000.000 đồng, mà trước đó chị đã vay 200.000.000 đồng không có giấy tờ của bà M.

Lá hành tươi chị bán cho bà M: Tháng 12/2020 và trong tháng 01/2021, chị đã nhiều lần bán hàng hành lá tươi cho bà M. Cũng như việc bà M bán hàng cho chị, vì là chỗ quen biết và tin tưởng nhau, nên việc chị bán hàng hành lá tươi cho bà M cũng chỉ được thể hiện bằng thỏa thuận miệng, chị chỉ ghi sổ của chị để theo dõi, tổng giá trị tiền hàng chị đã bán cho bà M là 87.700.000 đồng. Bà M cho rằng mua hàng của chị giá trị là 67.806.000 đồng là chưa đúng, còn thiếu lần mua ngày 21/12/2020, trị giá = 19.894.000 đồng.

Việc chị trả tiền mua hàng cho bà M: Quá trình làm việc, đối chiếu sổ sách, sao kê chị thống nhất, sau ngày chốt nợ 04/6/2020 đến ngày 24/4/2023 chị đã trả bà M tổng số tiền là 1.220.000.000 đồng.

Do đó, chị không chấp nhận số tiền bà M kiện đòi chị (không bao gồm tiền vay) là 497.875.000 đồng. Chị xác định số tiền chị còn nợ bà M sau khi đã đối trừ tiền bà M mua hàng của chị là 144.581.000 đồng.

- Người làm chứng ông T2 trình bày: Ông và bà M đã nhiều năm (từ năm 2000) giao dịch mua bán lá hành mủa khô, không có hợp đồng mua bán bằng văn bản.

Việc thanh toán giữa 2 bên bằng tiền mặt, có lần giao hàng thì nợ, có lần thì trả tiền ngay, có lần thì trả một phần, nợ 1 phần. Năm 2020, lúc đó đang dịch covid 19, ngày 05/6/2020 thì ông có nói với bà M là hàng lấy của bà nhưng không bán được, bà xem có ai mua thì bán hộ, sau đó bà M đưa chị B đến, số lượng khoảng hơn 5 tấn hàng (đựng trong khoảng 350 bao hàng), chị B đã xem hàng, lấy mẫu mang về và đồng ý lấy hàng và cho xe tải đến bốc hàng, không có việc chị B chê hàng xấu, kém chất lượng. Ông nói rõ là chỉ thanh toán với bà M, còn chị B thanh toán với bà M thế nào thì ông không biết. Thực tế ông chưa thanh toán hết đợt tiền hàng mua của bà M, do đó bà M có trách nhiệm lấy tiền từ chị B, chứ chị B không phải trả tiền ông. Ông mua hàng của bà M là 120.000.000 đồng/tấn, nên khi bà M lấy để bán cũng vẫn giá 120 triệu đồng/tấn. Đối với đơn trình báo đề ngày 12/4/2021, Tòa án cho ông xem, đúng là đơn ông viết. Ngày 11/4/2021 ông nhận được điện thoại của bà M về việc chị B trả lại hàng, ngay hôm sau, ngày 12/4/2021 ông đã trực tiếp sang nhà bà M xem hàng mà chị B vứt ở nhà bà M, ông đã xem và xác định hàng chị B trả lại bà M không phải là hàng của ông đã giao cho chị B, vì kích cỡ thái không đều, phoi, rác còn nhiều và còn lẫn lá dài quá kích cỡ. Trong khi hàng của ông đặt bà M là đã qua sàng và qua máy phân tách nên kích cỡ thái rất đều (thái 3 ly, sau sấy còn hơn 2 ly), hàng đảm bảo đúng chất lượng, không có tạp chất, hàng không còn phoi và lá dài.

- Người làm chứng ông Nguyễn Văn T trình bày: Ông và bà M là khách hàng, mua hàng lá hành, lá mủa sấy khô. Với chị B cũng là khách hàng, ông cũng có mua hàng của chị B. Ông chưa bao giờ chở hàng lá hành cho chị B. Tuy nhiên chị B và con rể ông là S1 làm chung lò sấy lá hành khô, được khoảng 1 năm chị B không làm nữa, bán lại lò cho con rể ông. Chị B vẫn gửi hàng ở kho của con rể ông (kho hàng lạnh). Ông không nhớ ngày tháng năm nào, khi ông lên kho nhà con rể chơi, ông thấy xe hàng chở về kho, ông hỏi con rể ông là hàng này của ai, con có mua không, con rể ông trả lời là hàng của chị B gửi. Ông xem hàng, thấy xấu, thì ông có gọi điện cho chị B bảo hàng xấu thế này thì bán làm sao được, thì chị B bảo đây là hàng cháu bán hộ. Còn hàng này chị B chở ở đâu về thì ông không biết.

- Người làm chứng anh Vũ Minh C (tên gọi khác: T1) trình bày: Anh ở cùng làng với chị B, bà M, không có họ hàng với 2 người này. Bà M và chị B làm ăn với nhau về việc mua bán lá hành sấy khô, thỉnh thoảng anh có chở hàng cho họ. Ngày 03/12/2020 anh chở 71 bao lá hành khô cho chị B, chở lên khu vực cây xăng mới ở Q,huyệnN, vì dịch bệnh covid 19 không vào trong thịtrấn N để giao hàng được nên chị B cho lái xe ra đón nhận hàng ở khu vực cây xăng.

Có người ra nhận, anh gọi điện cho chị B bảo có giao hàng cho họ không, chị B bảo có. Sau đó, người đó lái xe tải của anh vào trong thị trấn N, anh ngồi chờ, khoảng 40 phút sau, họ mang xe ra trả. Chị B báo đã nhận được hàng, bà M cũng báo là chị B đã nhận được hàng. Sau đó về anh mới ký sổ bà M. Anh xác định chữ ký trong sổ phô tô do bà M cung cấp cho Tòa án, ghi ngày “3/12 lá khô 71 bao x 16 = 1136x 110 = 124.960.000 T1 chở cho L” đúng là chữ ký của anh. Cước xe chở 71 bao này là chị B trả tiền mặt, không có giấy tờ gì ghi việc thanh toán. Việc anh giao hàng cho chị B 71 bao ở khu vực N không có văn bản giấy tờ gì, chỉ bà M và chị B xác nhận chị B đã nhận hàng. Anh cũng ít khi chở hàng cho chị B. Anh không có căn cứ gì về việc chở hàng cho chị B 71 bao và chị B trả tiền cước xe cho anh để nộp cho Toà án.

- Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 19/7/2023, Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh D: Áp dụng khoản 3 Điều 26, 35, 39, 147, 227, 228, 235, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 280, 430, 440, 351, 357, 463, 466, 468 Bộ luật dân sự 2015; Nghị quyết số: 01/2019/HD-TP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao hướng dẫn về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà M.

Buộc chị Phạ m Thị B phải thanh toán trả bà Hoàn g Th ị M tổng số tiền là 700.332.000 đồng (Bảy trăm triệu ba trăm ba mươi hai nghìn đồng).Trong đó, tiền hàng 322.915.000 đồng, tiền vay 350.000.000 đồng và tiền lãi của số tiền vay là 27.417.000 đồng.

Ngoài ra, Bản án còn quyết định về khoản lãi đối với khoản tiền chậm trả, thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 01/8/2023, nguyên đơn bà Hoàng Thị M kháng cáo một phần bản án sơ thẩm với nội dung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng chấp nhận yêu cầu chị B thanh toán số tiền hàng ngày 03/12/2020: 71 bao (lá hành, mủa sấy khô) x 16kg/bao x 110.000 đồng/bao = 124.960.000 đồng.

Ngày 31/7/2023, bị đơn chị Phạm Thị B kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết chấp nhận số hàng 3.487kg (lá hành, mủa sấy khô) đã trả lại cho bà M ngày 11/4/2021 để đối trừ số tiền phải trả bà M.

Tại Biên bản lấy lời khai tại cấp phúc thẩm ngày 17/11/2023, chị B (L) thừa nhận có mua của bà M 71 bao hàng ngày 03/12/2020 chưa thanh toán, tuy nhiên chị B chỉ chấp nhận trả số tiền như vi bằng bà M đã giao nộp cho Tòa án là 113.600.000 đồng. Chị B chấp nhận trả chị M số tiền 113.600.000đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo đề nghị HĐXX căn cứ vào vi bằng đã giao nộp cho Tòa án, lời trình bày của chị B ngày 17.11.2023 để chấp nhận kháng cáo của bà M.

Chị B đã được Tòa án triệu tập hợp lệ 03 lần vào các ngày 28/12/2023;

09/01/2024 và 12/01/2024. Tại phiên tòa, chị B vắng mặt không có lý do.

Đại diện VKSND tỉnh D phát biểu quan điểm: Từ khi thụ lý vụ án, trong quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự tham gia phiên tòa tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng; về hướng giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296, Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ xét xử đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn Phạm Thị B (Phạm Thị L). Đối với kháng cáo của bà M: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự xử chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Hoàng Thị M; Sửa Bản án sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 19/7/2023, Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh D theo hướng buộc chị B phải thanh toán cho bà M 71 bao hàng (lá hành, mủa sấy khô) có giá trị là 113.600.000đ. Tổng số tiền chị B phải thanh toán cho bà M là 813.932.000đ. Về án phí: Tịch thu sung quỹ nhà nước tiền tạm ứng án phí của chị Phạm Thị B; Trả lại bà M tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

1.1. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 273 BLTTDS xác định kháng cáo của bà Hoàng Thị M và chị Phạm Thị B là hợp lệ và được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

1.2. Bị đơn chị B kháng cáo đã được Tòa án triệu tập hợp lệ 03 lần vào các ngày 28/12/2023; 09/01/2024 và 12/01/2024. Tại phiên tòa, chị B vắng mặt không có lý do. Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296, Điều 312 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ xét xử đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn Phạm Thị B (Phạm Thị L).

[2] Về nội dung:

Giữa bà M và chị B có thỏa thuận mua bán lá hành, lá mủa (kể cả lá thái sấy khô và lá tươi) với nhau nhiều năm, việc giao dịch giữa các bên không có hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thông qua lời nói.

[3] Đối với việc mua bán lá hành, mủa sấy khô của bà M:

[3.1] Nội dung thứ nhất: Ngày 04/6/2020, hai bên thống nhất chốt số tiền, theo đó chị B còn nợ bà M số tiền là 502.477.000 đồng. Quá trình chuẩn bị xét xử hai bên đều thống nhất số tiền trên nên xác định chị B còn nợ bà M số tiền 502.477.000 đồng. Các bên không kháng cáo số tiền này nên Hội đồng xét xử không xét.

[3.2] Nội dung thứ hai: Khoảng tháng 6/2020, giữa bà M, chị B có mua lá hành khô, lúa mủa khô từ kho của ông Nguyễn Bá T2 ở N, N là 350 bao, 15kg/bao, trừ 100 kg sau khi vệ sinh, trọng lượng còn là 5.150 kg, đơn giá là 120 triệu/tấn = 618.000.000 đồng. Theo chị Bảng số hàng này là bà M nhờ chị bán hộ, chị đã bán được một phần, do hàng xấu chị không bán được nên còn 3.487kg chị đem trả lại bà M. Bà M không nhận và xác định đã bán, chị B đã mua và buộc chị phải thanh toán trả bà số tiền 618.000.000 đồng. Xét thấy, hai bên hợp đồng mua bán với nhau chỉ bằng lời nói, chị B đã nhận hàng, không có căn cứ về thỏa thuận nếu không bán được hàng thì trả lại. Sau khi chị B nhận 350 bao hàng, đến ngày 17/6/2020 chị B đã ghi sổ bà M chốt nợ 5 chuyến x 70 bao/1 xe = 350 bao x 15kg/bao = 5.250 kg – 100 kg vệ sinh hàng = 5.150 kg x 120.000 đồng/kg = 618.000.000 đồng. Các bên còn thống nhất trừ trọng lượng hàng sau vệ sinh; đơn giá chị B mua là 120.000 đồng/kg và chị B khai bán cho khách hàng cũng 120.000 đồng/kg trong khi đó các bên không thỏa thuận tiền cước vận chuyển, tiền vệ sinh lại hàng … ai chịu, chi phí đối trừ cụ thể nếu bán được hàng như thế nào. Sau ngày 20/6/2020 còn nhiều lần chị B mua hàng của bà M, bà M mua hàng của chị B nhưng không có căn cứ việc các bên thống nhất trả và nhận lại hàng. Như vậy việc chị B cho rằng 350 bao hàng trên chị chỉ bán hộ bà M là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định hai bên đã mua đứt bán đoạn, bà M không chấp nhận số hàng chị B trả nên cần xác định số hàng này chị B đã mua và phải có trách nhiệm thanh toán cho bà M. Phù hợp với nội dung ngày 20/6/2020, chị B chốt nợ 1.363.242.000 đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, chị B có đơn kháng về nội dung này, tuy nhiên chị B nhiều lần vắng mặt tại phiên tòa không có lý do, nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm và không xem xét đối với kháng cáo của chị B.

[3.3] Nội dung thứ ba: Ngày 19/6/2020 chị B lại mua tiếp 128 bao x 17kg/bao = 2.176 kg – 65kg vệ sinh = 2.111 kg x 115.000 đồng/kg = 242.765.000 đồng. Các bên không kháng cáo số tiền này nên Hội đồng xét xử không xét.

[3.3] Nội dung thứ tư: Đối với 71 bao hành lá sấy khô trọng lượng là 1.136kg, với giá 110.000đ/kg, thành tiền là 124.960.000 đồng. Bản án sơ thẩm nhận định do bà M không cung cấp được căn cứ cho yêu cầu nên khi nào bà M có căn cứ sẽ giải quyết bằng vụ án khác là không phù hợp mà phải tuyên không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện này của bà M. Tại cấp phúc thẩm, bà M xuất trình vi bằng xác nhận giao dịch nêu trên. Chị B có lời khai thừa nhận do trước đây bị mất sổ thanh toán nên không kiểm tra lại được giao dịch trên nên không chấp nhận, tại cấp phúc thẩm, chị thừa nhận về việc nhận 71 bao hàng ngày 03/12/2020, giá trị = 71 bao x 16/kg/bao x 100.000 đồng/kg = 113.600.000 đồng. Do đó, cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M về việc yêu cầu chị B thanh toán trả 71 bao hàng ngày 03/12/2020, theo giá hai bên thỏa thuận là 113.600.000 đồng. Kháng cáo của bà M về nội dung này có căn cứ chấp nhận.

[3.4] Nội dung thứ năm: Đối với số tiền bà M bán lá hành tươi cho chị B, bà M và chị B thống nhất chị B nợ bà M 247.479.000 đồng. Các bên không kháng cáo số tiền này.

Như vậy tổng số tiền bà M bán lá hành, lá mủa cho chị B là: 502.477.000 đồng + 618.000.000 đồng + 242.765.000 đồng + 247.479.000 đồng + 113.600.000 đồng = 1.724.321.000 đồng.

[3.5] Nội dung thứ sáu: Đối với số lá hành tươi chị B bán cho bà M: Chị B xác định số tiền bà M mua lá hành tươi của chị là 87.700.000 đồng, bà M thừa nhận số tiền mua lá hành tươi của chị B là 67.806.000 đồng. Chị B kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc bà M phải thanh toán là 87.700.000 đồng. Tuy nhiên chị B nhiều lần vắng mặt tại phiên tòa không có lý do, nên Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm và không xem xét đối với kháng cáo của chị B.

[4] Về thanh toán: Bà M, chị B thống nhất, chị B đã thanh toán bằng tiền mặt, chuyển khoản là 1.220.000.000 đồng, đối trừ số tiền lá hành tươi bà M còn nợ chị B là 67.806.000 đồng, cần buộc chị B trả bà M tiền hàng là 1.724.321.000 đồng – 1.220.000.000 đồng – 67.806.000 đồng = 436.515.000 đồng, bà M không yêu cầu tính lãi nên không xem xét.

[5] Đối với số tiền vay: Ngày 20/6/2020, chị B ký xác nhận vay bà M 350.000.000 đồng, trong đó các bên có thừa nhận 150.000.000 đồng chuyển từ tiền hàng sang tiền vay, như vậy xác định chị B vay bà M 350.000.000 đồng là đúng. Trong hợp đồng không xác định thời hạn trả, tại phiên tòa các bên xác định khi vay có thỏa thuận lãi nhưng không thống nhất mức lãi suất. Do đó, xác định đây là Hợp đồng vay không có kỳ hạn và có lãi. Nay bà M đòi trả gốc và yêu cầu chị B trả lãi 10%/năm là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, bà M không cung cấp được căn cứ đã yêu cầu chị B trả tiền từ ngày nào mà lại yêu cầu tính lãi từ khi vay 20/6/2020 đến nay là không có căn cứ. Theo quy định tại Điều 469 Bộ luật dân sự và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán số 01/2019/ NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, thì tính thời gian báo trước hợp lý là sau khi bà M khởi kiện, Tòa án đã giao Thông báo thụ lý cho chị B ngày 6/7/2022, tính tối đa 3 tháng, đến ngày 7/10/2022, chị B chưa trả hết cho bà M thì tính lãi trên số tiền chưa thanh toán (350.000.000 đồng). Như vậy, cần buộc chị B phải trả bà M số tiền vay là 350.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 7/10/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm 19/7/2023 là 9 tháng 12 ngày = 27.417.000 đồng (đã làm tròn). Phần tiền lãi nguyên đơn yêu cầu không được chấp nhận là 107.740.500 đồng - 27.417.000 đồng = 80.323.500 đồng. Nội dung này các đương sự không kháng cáo nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà M. Sửa một phần bản án sơ thẩm.

[6] Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm Hội đồng xét xử tính lại án phí dân sự sơ thẩm. Về án phí phúc thẩm: Tịch thu sung quỹ Nhà nước tiền tạm ứng án phí của chị Phạm Thị B; Trả lại bà M tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 296, Điều 312 và khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

1. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị đơn chị Phạm Thị B.

2. Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Hoàng Thị M.

3. Sửa Bản án sơ thẩm số 08/2023/DS-ST ngày 19/7/2023, Tòa án nhân dân thị xã K, tỉnh D.

Căn cứ khoản 3 Điều 26, 35, 39, 147, 148, 227, 228, 235, 271, 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 280, 430, 440, 351, 357, 463, 466, 468 Bộ luật dân sự 2015; Nghị quyết số: 01/2019/HD-TP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao hướng dẫn về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị quyết 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà M. Xác định chị B còn nợ bà M số tiền hàng 436.515.000 đồng; số tiền vay 350.000.000 đồng và tiền lãi của số tiền vay là 27.417.000 đồng. Tổng 813.932.000đ.

Buộc chị Phạm Thị B phải thanh toán trả bà Hoàng Thị M tổng số tiền là 813.932.000 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án (tiền hàng và tiền vay gốc) theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

4. Về án phí:

Buộc chị B phải chịu 36.418.000đ (làm tròn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bà M phải chịu án phí đối với phần tiền lãi không được chấp nhận là 4.016.000 (làm tròn). Đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 20.000.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2020/0001339 ngày 23/6/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã K, tỉnh D phát hành, trả lại bà M 15.984.000 đồng. Trả lại bà M số tiền 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai số AA/2021/0004632 ngày 04/8/2023 tại Chi Cục thi hành án dân sự thị xã K.

Tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm của chị B theo biên lai số AA/2021/0004635 ngày 08/8/2023 tại Chi Cục thi hành án dân sự thị xã K.

4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 12/01/202

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

98
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 03/2024/DS-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:03/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;