TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 03/2023/KDTM-PT NGÀY 10/07/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 10 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 02/2023/TLPT - KDTM, ngày 03 tháng 4 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST, ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tuyên Quang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 02/2023/QĐ - PT, ngày 10 tháng 5 năm 2023, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty cổ phần công nghiệp T.
Địa chỉ: Số 276 đường T, phường T, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang.
Người đại theo pháp luật: Ông Tạ Quốc T, chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: - Ông Trần Minh Ph, chức vụ: Cán bộ.
Địa chỉ: Tổ dân phố 04, phường A, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
- Bà Nguyễn Thị M. Địa chỉ: Số nhà 57/10, phường Tr, quận Đ, thành phố Hà Nội (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
2. Bị đơn: Công ty TNHH đầu tư phát triển cơ khí H.
Địa chỉ: Số 42/9 Tr, khu phố 6, phường T, quận B, thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại theo pháp luật: Bà Đinh Thị Ng, chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Trung H.
Địa chỉ: Số 532/3/65 K, phường A, quận B, thành phố Hồ Chí Minh (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
3. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH đầu tư phát triển cơ khí H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Công ty cổ phần công nghiệp T trình bày:
Ngày 10/3/2015 Công ty cổ phần công nghiệp T (sau đây gọi tắt là Công ty T) ký hợp đồng cung cấp dây truyền gạch không nung với Công ty TNHH Đầu tư phát triển cơ khí H (sau đây gọi tắt là Công ty H), nội dung:
Công ty H bán cho Công ty T dây chuyên gạch không nung xi măng cốt liệu 20 viên/lần ép (kích thước viên gạch theo mẫu bản vẽ đính kèm và mẫu thực tế). Tổng giá trị hợp đồng là 4.158.000.000 đồng (Bốn tỷ, một trăm năm mươi tám triệu đồng), bên bán đã nhận 3.326.400.000 đồng (Ba tỷ, ba trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm nghìn đồng). Thời gian giao hàng 120 ngày, kể từ ngày nhận tiền đợt 1 từ bên mua, ngày nhận tiền của bên mua là ngày 23/4/2015. Nhưng đến thời điểm khởi kiện bên mua vẫn chưa nhận được hàng theo hợp đồng hai bên đã ký. Sau khi Công ty T chuyển tiền lần 1 đã yêu cầu Công ty H có chứng thư bảo lãnh Ngân hàng thanh toán nhưng Công ty H cố tình không thực hiện. Thực tế Công ty H không có năng lực để thực hiện hợp đồng đã ký. Công ty T đã nhiều lần yêu cầu Công ty H giao sản phẩm đúng hợp đồng nhưng Công ty H không giao được và khi giao sản phẩm không đúng nội dung hợp đồng. Khi phải sửa chữa sản phẩm thì cố tình cử nhân viên không có chuyên môn đến sửa chữa, thực tế nhân viên không thể thực hiện được nhằm lừa đối Công ty T.
Công ty đề nghị Tòa án buộc Công ty H hoàn trả tiền đã nhận của Công ty T số tiền 3.326.400.000đ (Ba tỷ, ba trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm nghìn đồng) cộng lãi phát sinh và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tại Đơn khởi kiện bổ sung ngày 04/4/2019, Công ty T yêu cầu thêm tiền lãi phát sinh 1.147.608.000đ (Lãi suất 9%/năm; tính từ ngày 13/5/2015 đến 04/3/2019) Tiền bồi thường thiệt hại: 300.000.000đồng. Tổng cộng: 4.774.008.000 đồng (Bốn tỷ, bẩy trăm bẩy mươi tư triệu, không trăm linh tám nghìn đồng).
Tại Biên bản làm việc ngày 04 tháng 02 năm 2020 Công ty T thừa nhận đã nhận của Công ty H số tiền 100.000.000 đồng tiền hỗ trợ tổn thất thiệt hại do dây chuyền gạch không nung không hoạt động đúng như hợp đồng đã ký và yêu cầu trừ vào số tiền thiệt hại và không có ý kiến gì về nội dung tính lãi phát sinh.
Tại đơn xin xét xử vắng mặt ngày 30 tháng 9 năm 2022 đại diện Công ty T đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng cứ hiện có trong hồ sơ và thực trạng diễn biến trong suốt quá trình giải quyết vụ án làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Tại bản trình bày ý kiến, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn Công ty H trình bày:
Ngày 10 tháng 3 năm 2015 Công ty T ký hợp đồng cung cấp dây chuyền gạch không nung với Công ty H.
Công ty H nghiêm túc chế tạo và đưa vào chạy thử cùng nhân viên Công ty T tại xưởng của Công ty T thành công theo đúng yêu cầu hợp đồng.
Sau đó dây chuyền được chuyển ra công ty T đấu nối với các thiết bị do Công ty T cung cấp để vận hành. Trong thời gian chạy có một số sản phẩm bị vỡ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì đây là sản phẩm mới nên Công ty H đã rất cố gắng đề phối hợp với Công ty T nâng cao sản lượng và có đề nghị cung cấp thêm một máy gạch tương tự theo mô hình ép dung để tăng năng suất cho Công ty T nhưng Công ty T không đồng ý. Công ty H cho rằng đây là rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện cho cả bên mua và bán.
Hiện nay Công ty H đang gặp nhiều khó khăn về tài chính do máy ép gạch không nung gây ra nên không thể đáp ứng yêu cầu hoàn trả tiền Công ty T. Công ty đã vay mượn và đã chuyển cho Công ty T 100.000.000 đồng để giảm khó khăn cho bên mua.
Tại đơn xin xét xử vắng mặt và tài liệu kèm theo, Công ty H có ý kiến: Công ty H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty T, do Công ty T không hợp tác xử lý để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo mong muốn.
Trong quá trình giải quyết xử lý dây chuyền để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Công ty H đã tự nguyện hỗ trợ 100.000.000đồng cho Công ty T theo chuyển khoản ủy nhiệm chi từ tài khoản Công ty H đến tài khoản Công ty T ngày 15/3/2018. Tuy nhiên Công ty T vẫn không hợp tác giải quyết.
Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tuyên Quang thụ lý, xác minh, thu thập chứng cứ, hòa giải nhưng không thành và đã đưa vụ án ra xét xử. Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST, ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố T đã quyết định:
Căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 39; Điều 147; 217; 266; 267; 271; 273 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Căn cứ Điều 24; 34; 35; 37; 39, 40, 50, 51, 55 Luật thương mại; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án;
Xử: Chấp nhận nội dung khởi kiện của Công ty cổ phần công nghiệp T, buộc Công ty TNHH đầu tư và phát triển cơ khí H trả lại Công ty cổ phần công nghiệp T số tiền đã thanh toán trước là 3.326.400.000đ (Ba tỷ, ba trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm nghìn đồng).
Buộc Công ty H phải nhận lại dàn máy sản xuất gạch không nung, tình trạng như Biên bản đã lập ngày 11/11/2016 hiện nay đang được bảo quản và quản lý tại Công ty T.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, lãi suất chậm trả và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 07/11/2022 và ngày 14/11/2022, bị đơn Công ty H có đơn kháng cáo với nội dung:
- Tại phần nội dung vụ án “Sau khi Công ty T chuyển tiền lần 1 đã yêu cầu Công ty H có chứng thư bảo lãnh Ngân hàng thanh toán nhưng Công ty H cố tình không thực hiện” là không đúng. Vì sau khi Công ty T đã nhận được Chứng thư bảo lãnh Ngân hàng thanh toán số seri: BLUT.ANL.5439.170315, tham chiếu TCBS:194896139 ngày 17/3/2015 của Ngân hàng ACB TP.HCM từ công ty H thì công ty T mới chuyển tiền thanh toán lần 1 cho công ty H.
- Thời điểm giao hàng phát sinh do Công ty T có yêu cầu bổ sung thêm ngoài hợp đồng: Băng tải đầu vào mục số 1 và máy cấp khai tự động mục số 7 (Trong biên bản nghiệm thu bàn giao) hạn mục này chưa được thanh toán tiền.
- Theo hợp đồng đã ký (tại mục 6.2 Hợp đồng), Công ty T phải cung cấp nguyên liệu đầu vào là kích thước đá mi độ hạt nhỏ hơn 5mm…. Tuy nhiên, Công ty T đã cung cấp đá mi độ hạt lớn hơn 5mm, không đủ tiêu chuẩn làm cho viên gạch dễ vỡ sau khi ép, không đạt năng suất.
Xét thấy việc thực hiện hợp đồng không đạt kết quả như mong muốn của cả Công ty T và Công ty H là do lỗi của hai Công ty không hợp tác giải quyết, khắc phục sự cố. Vì vậy Công ty H yêu cầu TAND tỉnh Tuyên Quang xem xét, giải quyết lại bản án sơ thẩm theo hướng sửa một phần bản án, tuyên cả 2 công ty đều có lỗi trong quá trình thực hiện hợp đồng, mỗi bên chịu một phần trách nhiệm rủi ro, thiệt hại.
Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, tòa án đã triệu tập các đương sự nhưng các đương sự đều không đến tham gia phiên tòa và có đơn xin xét xử vắng mặt. Vì vậy, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự theo quy định tại Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty H là hợp lệ, trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.
Về nội dung vụ án: Bị đơn kháng cáo nhưng không xuất trình được tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo nên không có căn cứ chấp nhận. Xét, bản án của Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử là có căn cứ, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của Công ty H không được chấp nhận, nên Công ty H phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về thủ tục tố tụng:
Ngày 02/11/2022 bị đơn Công ty H nhận được Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST, ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 07/11/2022 và ngày 14/11/2022, bị đơn Công ty H có đơn kháng cáo đối với bản án nêu trên. Việc kháng cáo được thực hiện trong thời hạn luật định, nội dung kháng cáo và quyền kháng cáo phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó đơn kháng cáo của công ty H là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2]. Xét nội dung kháng cáo của Công ty H:
Hội đồng xét xử nhận thấy: Ngày 10/3/2015 Công ty H ký hợp đồng cung cấp dây chuyền gạch không nung số 100315/HĐMB/H-TH với Công ty T với nội dung: Công ty H bán cho Công ty T dây chuyền gạch không nung xi măng cốt liệu 20 viên/lần ép (kích thước viên gạch theo mẫu bản vẽ đính kèm và mẫu thực tế). Tổng giá trị hợp đồng là 4.158.000.000đồng (Bốn tỷ, một trăm năm mươi tám triệu đồng), phương thức thanh toán chia làm 3 đợt: Đợt 1: 30% giá trị hợp đồng sau khi ký hợp đồng; Đợt 2: 50% giá trị hợp đồng sau khi kiểm tra nghiệm thu lần 1 và thanh toán trước khi nhận hàng tại xưởng bên bán; Đợt 3: 20% giá trị hợp đồng trong vòng 7 ngày kể từ ngày được bên mua đồng ý nghiệm thu tại xưởng của bên mua và đưa vào sử dụng...Thời gian giao hàng 120 ngày, kể từ ngày nhận tiền đợt 1 từ bên mua. Địa điểm giao hàng và nghiệm thu sản phẩm lần 1 tại Công ty H, hỗ trợ lắp đặt tại xưởng bên mua và nghiệm thu lần 2 tại bên mua.
Thực hiện hợp đồng, ngày 17/03/2015 Công ty H đã mở Thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số BLUT.ANL.5439.170315, số tham chiếu TCBS: 194896139 tại Ngân hàng TMCP Á Châu - PGD An Lạc; ngày 23/4/2015, Công ty T đã thanh toán cho Công ty H số tiền đợt 1 là 30% giá trị hợp đồng thông qua Ủy nhiệm chi số 0311 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Tuyên Quang với số tiền là 1.247.400.000đ (Một tỷ, hai trăm bốn mươi bẩy triệu, bốn trăm nghìn đồng). Ngày 13/10/2015, tại xưởng Công ty H, hai bên đã tiến hành nghiệm thu lần 1 và bàn giao sản phẩm. Ngày 14/10/2015 Công ty T đã thanh toán cho Công ty H số tiền Đợt 2 là 50% giá trị hợp đồng thông qua Ủy nhiệm chi số UNC 08 tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Tuyên Quang Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với số tiền là 2.079.000.000đ (Hai tỷ, không trăm bẩy mươi chín triệu đồng). Tổng cộng 2 đợt Công ty T đã thanh toán cho Công ty H là 3.326.400.000đ (Ba tỷ, ba trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm nghìn đồng).
Ngày 27/10/2015 dây chuyền gạch không nung được vận chuyền và lắp đặt tại xưởng của Công ty T. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt, hiệu chỉnh thực tế tại hiện trường, dây chuyền còn tồn tại một số vấn đề, chưa hoàn thành lắp đặt, chưa đưa vào sử dụng được và đã được 2 bên thống nhất tại Biên bản làm việc tại hiện trường số 01/BBHT ngày 13/4/2016; biên bản làm việc số 01/BBLV ngày 20/10/2016; số 02/BBLV ngày 11/11/2016. Công ty H đã cử cán bộ kỹ thuật ra xử lý khắc phục sữa chữa máy móc để vận hành nhưng không được. Sau khi sự việc xảy ra, Công ty T đã liên tục gửi công văn cho Công ty H để cùng giải quyết, khắc phục sự việc, thể hiện tại các văn bản: Công văn số 46/CV-TH ngày 13/4/2016; số 02/CV-TH ngày 25/5/2016; số 03/2016/TH-CV ngày 07/6/2016; số 04/52/06/2016/TH-CV ngày 23/6/2016; số 05/53/10/2016/TH-CV ngày 11/10/2016; số 06/54/11/2016/TH-CV ngày 22/11/2016. Công ty H cũng đã thừa nhận lỗi của mình và lên phương án khắc phục hoàn thiện hệ thống sản xuất gạch không nung trong thời gian sớm nhất và đạt chất lượng tốt nhất, tại các công văn phản hồi số 01/H-TH/2016 ngày 26/5/2016; số 02/H-TH/2016 ngày 24/6/2016; số 03/H-TH/2016 ngày 15/10/2016. Tại công văn số 02/H-TH/2016 ngày 24/6/2016, Công ty H thừa nhận “… chậm nhất đến ngày 20/8/2016 dây chuyền sẽ được đưa vào sản xuất trở lại. Nếu đến thời gian đó dây chuyền chưa được đưa vào sản xuất chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên”. Tại Biên bản làm việc số 02/BBLV ngày 11/11/2016, hai bên thống nhất kết luận “Hiện tại cán bộ kỹ thuật phụ trách lắp đặt và chuyển giao công nghệ của Công ty H không thể khắc phục được các lỗi nêu trên. Công ty T yêu cầu Công ty H thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm theo hợp đồng số 100315/HĐMB/H-TH ngày 10/3/2015…”.
Để khắc phục hậu quả, ngày 23/02/2017, Công ty H có đề nghị cung cấp thêm một máy ép rung sản xuất gạch không nung bê tông cốt liệu (20 viên/lần ép) dựa trên tổng giá trị còn lại của hợp đồng nhưng Công ty T không đồng ý. Ngày 15/03/2018, Công ty H đã vay mượn và đã chuyển cho Công ty T 100.000.000 đồng để giảm khó khăn cho bên mua.
Như vậy, Công ty H đã không thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng, vi phạm điều 2 về thời gian giao hàng, quy cách và chất lượng theo Điều 1 của hợp đồng nên Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc Công ty H phải thanh toán cho công ty T số tiền đã thanh toán trước 3.326.400.000đ (Ba tỷ ba trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm nghìn đồng) là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Đối với nội dung kháng cáo của bị đơn về nội dung “Sau khi Công ty T chuyển tiền lần 1 đã yêu cầu Công ty H có chứng thư bảo lãnh Ngân hàng thanh toán nhưng Công ty H cố tình không thực hiện”: Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngày 17/03/2015 Công ty H đã mở Thư bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước số BLUT.ANL.5439.170315, số tham chiếu TCBS: 194896139 tại Ngân hàng TMCP Á Châu - PGD An Lạc; ngày 23/4/2015, Công ty T đã thanh toán cho Công ty H số tiền Đợt 1 là 30% giá trị hợp đồng thông qua Ủy nhiệm chi số 0311 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Tuyên Quang với số tiền là 1.247.400.000đ (Một tỷ, hai trăm bốn mươi bẩy triệu, bốn trăm nghìn đồng). Thư bảo lãnh này cũng đã hết hiệu lực sau khi Công ty T ký biên bản nghiệm thu lần 1 tại xưởng bên bán ngày 13/10/2015 theo quy định tại Điều 4 của Hợp đồng số 100315/HĐMB/H-TH ngày 10/3/2015.
Đối với nội dung: “Thời điểm giao hàng phát sinh do Công ty T có yêu cầu bổ sung thêm ngoài hợp đồng: Băng tải đầu vào mục số 1 và máy cấp khay tự động mục số 7 (Trong biên bản nghiệm thu bàn giao) hạn mục này chưa được thanh toán tiền”. Hội đồng xét xử thấy rằng nội dung này không nằm trong phạm vi số tiền Công ty T đã thanh toán trước 3.326.400.000đ (Ba tỷ ba trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm nghìn đồng) nên không xem xét giải quyết.
Đối với nội dung “Theo hợp đồng đã ký (tại mục 6.2 Hợp đồng), Công ty T phải cung cấp nguyên liệu đầu vào là kích thước đá mi độ hạt nhỏ hơn 5mm….Tuy nhiên, Công ty T đã cung cấp đá mi độ hạt lớn hơn 5mm, không đủ tiêu chuẩn làm cho viên gạch dễ vỡ sau khi ép, không đạt năng suất” nội dung này không được thể hiện trong các Biên bản làm việc tại hiện trường số 01/BBHT ngày 13/4/2016, biên bản làm việc số 01/BBLV ngày 20/10/2016, số 02/BBLV ngày 11/11/2016 nên không có cơ sở xem xét giải quyết.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy việc kháng cáo của Công ty H là không có căn cứ pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của Công ty H, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T như đề nghị của Đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp pháp luật.
[3]. Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty H không được chấp nhận nên phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 238; khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH đầu tư và phát triển cơ khí H, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13/2022/KDTM-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Tuyên Quang.
2. Về án phí phúc thẩm: Công ty TNHH đầu tư và phát triển cơ khí H phải chịu 2.000.000đ (Hai triệu đồng) án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) tại biên lai thu số 0000574 ngày 23/11/2022 và biên lai thu số 0000879 ngày 21/6/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T, tỉnh Tuyên Quang. Công ty TNHH đầu tư và phát triển cơ khí H đã nộp đủ án phí phúc thẩm.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 10/7/2023)./.
Bản án 03/2023/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 03/2023/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tuyên Quang |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 10/07/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về