Bản án 01/2023/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

TÒA ÁN NHÂN DÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

BẢN ÁN 01/2023/KDTM-PT NGÀY 18/09/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Trong các ngày 15/9/2023 và ngày 18/9/2023 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 02/2023/TLPT- KDTM ngày 21/6/2023 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 21/4/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 02/2023/QĐ-PT ngày 16/8/2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N; địa chỉ:

số nhà 252, đường T, phố B, phường N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt) 2. Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H; địa chỉ: thôn P, xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

Người đại diện theo pháp luật: ông Đỗ Văn S, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty.

Người đại diện theo uỷ quyền: bà Đàm Thị T, sinh năm 1976; địa chỉ: số nhà 08, ngõ 499, đường H, P, xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình (văn bản uỷ quyền ngày 18/11/2022). (Có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Đàm Thị T, sinh năm 1976;

địa chỉ: số nhà 08, ngõ 499, đường H, P, xã N, thành phố N, tỉnh Ninh Bình. (Có mặt)

4. Người kháng cáo: bà Đàm Thị T là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N (sau đây viết tắt là Doanh nghiệp N) trình bày:

Ngày 02/7/2019 Doanh nghiệp N (bên bán) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H, sau đây viết tắt là Công ty H (bên mua) đã ký Hợp đồng kinh tế số 25/HĐKT-NH về việc cung cấp ống nhựa và phụ kiện cho công trình cấp nước sạch tại xã Y, thành phố T, tỉnh Ninh Bình (sau đây viết tắt là hợp đồng kinh tế số 25/2019). Quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán là Doanh nghiệp N đã cấp đầy đủ hàng hoá như thoả thuận trong hợp đồng cũng như theo yêu cầu của bên mua. Sau khi nhận hàng đầy đủ, bên mua không thanh toán đầy đủ số tiền theo đúng nội dung thoả thuận trong hợp đồng trị giá 6.773.451.900 đồng. Đến ngày 22/3/2022, Công ty H đã thanh toán cho Doanh nghiệp N số tiền 1.350.000.000 đồng. Số tiền còn lại là 324.848.861 đồng đến nay Công ty H chưa thanh toán. Như vậy, Công ty H còn nợ Doanh nghiệp N số tiền nợ gốc là 324.848.861 đồng, tiền lãi tính đến ngày 21/4/2022 là 560.453.536 đồng.

Doanh nghiệp N đề nghị Toà án buộc Công ty H thanh toán hết số tiền hàng còn nợ gốc là 324.848.861 đồng và tiền lãi phát sinh từ ngày 05/7/2019 đến ngày 10/9/2022 là 623.310.006 đồng. Công ty H có trách nhiệm trả cho Doanh nghiệp N cả gốc và lãi đến ngày 10/9/2022 là 948.158.867 đồng và lãi phát sinh từ ngày 11/9/2022 đến khi Công ty H trả hết số tiền nợ cho Doanh nghiệp N theo hợp đồng kinh tế số 25/2019 hai bên đã ký kết.

Trong quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H trình bày:

Ngày 25/8/2019, Doanh nghiệp N và Công ty H đã ký hợp đồng kinh tế số 25/2019. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty H đã thực hiện đúng quy định như thoả thuận, thống nhất trong hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký.

Theo hợp đồng kinh tế số 25/2019, hai bên đã ký ngày 25/9/2019 tại Điều 3 quy định về phương thức thanh toán: hình thức thanh toán là chuyển khoản; hồ sơ thanh toán: trong vòng 10 ngày kể từ ngày giao hàng, bên A có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ thanh toán cho bên B; hồ sơ gồm: hoá đơn VAT 10%, chứng chỉ chất lượng. Sau thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ thanh, quyết toán, bên B chuyển khoản thanh toán trong vòng 20 ngày, kể từ ngày bên B nhận được hồ sơ thanh quyết toán đầy đủ. Bên B có trách nhiệm thanh toán hết giá trị hoá đơn đã xuất hàng từng ngày, từng đợt. Tuy nhiên, bên A không thực hiện đúng như những lần xuất hàng và những điều cam kết trong hợp đồng và thực tế đến nay hồ sơ thanh toán bên A chưa cung cấp đầy đủ về: hoá đơn VAT 10% trong các đợt xuất hàng và chứng chỉ chất lượng cho bên B. Do vậy, bên B không thể thanh toán đầy đủ số tiền bằng chuyển khoản cho bên A với số tiền thanh toán theo thoả thuận hợp đồng.

Điều 5 của hợp đồng kinh tế số 25/2019 ghi trách nhiệm của bên A: đảm bảo cung cấp hàng hoá đúng tiến độ, chủng loại và chất lượng vật liệu theo yêu cầu. Hàng hoá khi giao phải có giấy chứng nhận chất lượng của Nhà máy và phù hợp với tiêu chuẩn dự án. Giao hàng đầy đủ, đúng chủng loại, quy cách chất lượng mà bên B yêu cầu và theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Bên A đã vi phạm quy định tại Điều 3, Điều 5 của hợp đồng. Công ty H đã thanh toán cho Doanh nghiệp N số tiền là 1.522.000.000 đồng vào ngày 26/11/2021, nhưng chiều ngày 26/11/2021 Doanh nghiệp N mang trả lại số tiền 170.000.000 đồng. Tuy nhiên, tiền thuế VAT 10% Công ty H chưa thanh toán vì Doanh nghiệp N không thực hiện đúng Điều 3 của hợp đồng.

Mặt khác, hàng hoá mà bên Doanh nghiệp N cung cấp là ống HDPE. Đối với hàng hoá này thì khi bên A giao cho bên B thì không đảm bảo chất lượng như thoả thuận trong hợp đồng hai bên đã ký. Công ty H đã yêu cầu làm rõ sự việc và thực hiện đổi trả lại hàng nhưng phía Doanh nghiệp N không thực hiện. Do vậy, Công ty H không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Doanh nghiệp N.

Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đàm Thị T trình bày:

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty H đã thực hiện đúng như hợp đồng. Doanh nghiệp N thực hiện không đúng hợp đồng như: cấp ống không đúng như đã ký kết, không có chứng chỉ hàng hoá, không xuất hoá đơn VAT, trong thời gian đó Doanh nghiệp N đã trả tiền mặt và chuyển khoản là 1.522.000.000 đồng và bên Công ty không lấy hoá đơn giá trị gia tăng vì Doanh nghiệp N không xuất hoá đơn. Đến ngày 26/11/2021, bên Doanh nghiệp N đã trả lại số tiền là 170.000.000 đồng. Bà T không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của Doanh nghiệp N.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 21/4/2023 Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình đã quyết định:

Căn cứ Điều 430, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 30, Điều 35, Điều 147, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 42, Điều 50 Luật Thương mại; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và xử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức V đối với Công ty H. Buộc Công ty H phải trả cho Doanh nghiệp N số tiền 668.094.359 đồng (Sáu trăm sáu tám triệu không trăm chín tư nghìn ba trăm năm chín đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo, quyền thoả thuận, yêu cầu, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Ngày 28/4/2023 bà Đàm Thị T là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ Bản án sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 21/4/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình và xét xử lại vụ án theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Doanh nghiệp N là buộc Công ty H phải trả tổng số tiền 668.094.359 đồng, trong đó số tiền gốc là 324.848.861 đồng và nợ lãi là 343.295.498 đồng.

Tại phiên toà phúc thẩm:

Ông Nguyễn Đức V không đồng ý yêu cầu kháng cáo của bà Đàm Thị T.

Bà Đàm Thị T giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến như sau: Về tố tụng: Hội đồng xét xử, Thư ký trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm cũng như tại phiên toà phúc thẩm đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quyết định không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Đàm Thị T. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 21/4/2023 Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình. Về án phí dân sự phúc thẩm: người kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm; căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: đơn kháng cáo của bà Đàm Thị T là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm trong thời hạn pháp luật quy định và đúng hình thức, nội dung nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Đối với yêu cầu kháng cáo của bà Đàm Thị T là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

Năm 2019 Doanh nghiệp N và Công ty H ký kết Hợp đồng kinh tế số 25/2019 về việc cung cấp ống nhựa và phụ kiện cho công trình cấp nước sạch, giá trị của hàng hoá theo hợp đồng đã ký kết là 6.773.451.900 đồng. Hợp đồng được giao kết bởi những người có thẩm quyền, mục đích và nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên đã phát sinh hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện quyền nghĩa vụ theo cam kết, thỏa thuận tại hợp đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Doanh nghiệp N đã giao đầy đủ hàng hoá là ống nước và phụ kiện cho Công ty H, thể hiện tại các biên bản giao hàng có chữ ký của bên giao, bên nhận.

Công ty H trình bày hàng hoá Doanh nghiệp N cung cấp cho Công ty không đảm bảo chất lượng như đã cam kết, khi giao hàng có đoạn ống bị bọt.

Trong quá trình giải quyết vụ án Công ty H không có yêu cầu phản tố, cũng không cung cấp tài liệu chứng cứ đối với việc đoạn ống bị hỏng. Điều 1 của Hợp đồng kinh tế số 25/2019 cũng ghi nhận “hàng hoá xuất bán không đổi trả lại”. Như vậy, việc thực hiện nghĩa vụ giao hàng của Doanh nghiệp N theo đúng hợp đồng.

Ngày 30/12/2019 Doanh nghiệp N và Công ty H đã lập Biên bản đối chiếu công nợ, hai bên thống nhất tổng số tiền Công ty H còn nợ Doanh nghiệp N tính đến ngày 30/3/2020 là 1.674.848.861 đồng và thống nhất về vấn đề “bên mua có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ giá trị nợ là 1.674.848.861 đồng cho bên bán mà không kèm theo điều kiện nào”.

Tại Biên bản đối chất ngày 21/11/2022 người đại diện hợp pháp của Công ty H (bà Đàm Thị T) đã thừa nhận Công ty H đã trả được số tiền 1.350.000.000 đồng, còn nợ nguyên đơn số tiền 324.848.861 đồng. Căn cứ khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Toà án cấp sơ thẩm đã xác định Công ty H phải thanh toán cho Doanh nghiệp N số tiền gốc còn lại 324.848.861 đồng (làm tròn 324.849.000 đồng) là đúng pháp luật.

Do Công ty H thực hiện không đúng cam kết như trong hợp đồng nên Doanh nghiệp N đã khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Công ty H phải hoàn trả số tiền hàng đã nhận, tiền lãi phát sinh do chậm thanh toán là có căn cứ theo đúng quy định tại Điều 50, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2019).

Căn cứ vào phạm vi yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tính tiền lãi phát sinh của số tiền bị đơn còn nợ, không yêu cầu tính lãi phạt 0,05% giá trị thanh toán chậm. Tại phiên toà, phía nguyên đơn xác định do số tiền nợ gốc chưa thanh toán phát sinh sau ngày chốt công nợ nên Chủ Doanh nghiệp N nêu cụ thể thời điểm yêu cầu tính lãi kể từ ngày 01/9/2020 (sau thời điểm chốt công nợ ngày 30/12/2019) là phù hợp, có lợi cho bị đơn, không yêu cầu tính lãi từ ngày 05/7/2019 như đã nêu trong đơn khởi kiện nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Do đó, căn cứ Điều 306 Luật Thương mại, Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao và Án lệ số 09/2016/AL (được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 07/10/2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), cần buộc bị đơn trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường của 3 Ngân hàng (lãi suất nợ quá hạn đối với khoản cho vay ngắn hạn thông thường đối với doanh nghiệp) tại thời điểm xét xử sơ thẩm để tính tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật.

Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi suất quá hạn trung bình của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh thành phố N, Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Ninh Bình, Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh Ninh Bình lần lượt là (15%/năm + 11,7%/năm + 15%/năm) : 3 = 13,9%/năm.

Thời điểm tính lãi kể từ ngày 01/9/2020 đến ngày xét xử sơ thẩm 21/4/2023 là 31 tháng 20 ngày.

324.849.000 đồng x 13,9%/năm : 12 tháng x 31 tháng = 116.647.861 đồng.

324.849.000 đồng x 13,9%/năm : 12 tháng : 30 ngày x 20 ngày = 2.508.556 đồng.

Tổng tiền lãi: 119.156.417 đồng, làm tròn 119.156.000 đồng.

Tổng số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn cả gốc và lãi phát sinh là: 324.849.000 đồng + 119.156.000 đồng = 444.005.000 đồng.

Ngoài ra, Công ty H trả tiền gốc và lãi cho Doanh nghiệp N thuộc trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong hợp đồng mà các bên không thỏa thuận về việc trả lãi thì bản án phải quyết định: kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại quyết định: kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thoả thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thoả thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, là không đúng quy định.

[3] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bà Đàm Thị T là người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn, đồng thời là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Doanh nghiệp N.

Quá trình giải quyết vụ án tại Toà án cấp phúc thẩm đã phát sinh tình tiết mới về việc Chủ Doanh nghiệp N yêu cầu tính lãi sau thời điểm chốt công nợ ngày 30/12/2019 là phù hợp, có lợi cho bị đơn. Mặt khác, Doanh nghiệp tư nhân N khởi kiện thì cần xác định nguyên đơn là ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (được sửa đổi, bổ sung năm 2022). Tuy nhiên, Toà án cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn là ông Nguyễn Đức V – sinh năm 1960, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân N là chưa chính xác. Do đó, Hội đồng xét xử sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 21/4/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình về cách tuyên án cho rõ ràng, chính xác, thuận tiện trong quá trình thi hành án.

[4] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

Nguyên đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật đối với số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn 444.005.000 đồng, cụ thể:

20.000.000 đồng + (4% x 44.005.000 đồng) = 21.760.200 đồng, làm tròn 21.760.000 đồng.

[5]. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

Do sửa một phần bản án sơ thẩm nên người kháng cáo không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 147, Điều 148, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 50, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017, năm 2019); khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/KDTM-ST ngày 21/4/2023 của Toà án nhân dân thành phố N, tỉnh Ninh Bình, cụ thể như sau:

1.1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H.

Buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H phải thanh toán cho ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N số tiền 444.005.000 đồng (Bốn trăm bốn mươi bốn triệu không trăm linh năm nghìn đồng), trong đó số tiền nợ gốc là 324.849.000 đồng (Ba trăm hai mươi bốn triệu tám trăm bốn mươi chín nghìn đồng), số tiền lãi phát sinh là 119.156.000 đồng (Một trăm mười chín triệu một trăm năm mươi sáu nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

1.2. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H phải nộp 21.760.000 đồng (Hai mươi một triệu bảy trăm sáu mươi nghìn đồng) tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N không phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn trả cho Ông Nguyễn Đức V - Chủ Doanh nghiệp tư nhân N 20.200.000 đồng (Hai mươi triệu hai trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đã nộp theo Biên lai số AA/2021/0000929 ngày 10/10/2022 của Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

2. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H và bà Đàm Thị T không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Hoàn trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xây dựng và thương mại H 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số AA/2021/0001085 ngày 11/5/2023 của Chi Cục Thi hành án dân sự thành phố N, tỉnh Ninh Bình.

3.Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 18/9/2023). 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

95
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 01/2023/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá

Số hiệu:01/2023/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Bình
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 18/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;