Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 01/2022/KDTM-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN Ô, THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BẢN ÁN 01/2022/KDTM-ST NGÀY 19/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong ngày 19 tháng 01 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Ô, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 07/2020/TLST- KDTM ngày 08 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2021/QĐXXST-KDTM ngày 15 tháng 12 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 06/2021/QĐST- KDTM ngày 31 tháng 12 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H.

Đại diện theo pháp luật: Bà Trần Ngọc L – Chức vụ: Giám đốc.

Trụ sở chính: 68/14 Lữ G, phường 15, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Sỹ B, sinh năm 1996 (Giấy ủy quyền ngày 23/6/2020). Địa chỉ: Số 116A, Tầm Vu, phường H, quận N, thành phố Cần Thơ. (Có mặt)

2. Bị đơn: Công ty TNHH thủy sản Nam P.

Trụ sở: Lô 2.20B, khu công nghiệp T, phường P, quận Ô, thành phố Cần Thơ. Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Tấn T, sinh năm 1974 – Chức danh: Giám đốc. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 138 Tôn Đ, phường 10, quận 04, thành phố Hồ Chí Minh. Chỗ ở hiện tại: Số 115 Hồ Trung T, phường T, quận B, thành phố Cần Thơ. (Vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 23/7/2020 và quá trình giải quyết, nguyên đơn Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H (có ông Nguyễn Sỹ B đại diện theo uỷ quyền) trình bày:

Qua quan hệ kinh doanh, Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H (gọi tắt là Công ty Lê H) và Công ty TNHH thủy sản Nam P (gọi tắt là Công ty Nam P) có ký hợp đồng mua bán số 012/LH-NAPHU.12/2015 vào tháng 12/2015, với nội dung bên A đồng ý bán và bên B đồng ý mua phụ gia dùng trong chế biến thủy sản.

Bên A chấp nhận bán cho bên B các sản phẩm Aqua555 No.4 (Non Phosphate) với quy cách đóng gói 5kg/PE bag x 5bags/bao; Aqua666 (Mix Phosphate) với quy cách đóng gói 5kg/PE bag x 5bags/bao; Aqua99 (Non Phosphate) với quy cách đóng gói 5kg/PE bag x 5bags/bao; Chlorine dioxide 5% với quy cách đóng gói 25kg/can với giá cả từng loại hàng được hai bên thống nhất theo từng đơn hàng hoặc bằng giá bán đã được xác nhận theo từng thời điểm.

Hình thức thanh toán là chuyển khoản, bên A cho bên B gối đầu 01 hóa đơn nhưng không quá 30 ngày (sau khi hai bên đã xác nhận đơn đặt hàng) và không được vượt quá hạn mức 200.000.000 đồng cho mỗi hóa đơn phát sinh trong tháng. Bên B có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ số tiền theo hóa đơn đã xuất cho bên A đến khi đến hạn thanh toán 30 ngày.

Công ty Lê H đã giao đủ số lượng hàng hóa theo đơn đặt hàng, đúng thời hạn, đúng chất lượng, quy cách... và Công ty Nam P đã nhận đủ hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào về hàng hóa theo hợp đồng mua bán.

Theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2017 phía Công ty Nam P còn nợ Công ty Lê H số tiền nợ gốc là 355.223.000 đồng (Ba trăm năm mươi lăm triệu hai trăm hai mươi ba ngàn đồng).

Sau nhiều lần Công ty Lê H gọi hối thúc việc thanh toán công nợ thì phía Công ty Nam P trả được 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng).

Theo Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2019 thì Công ty Nam P còn nợ Công ty Lê H số tiền là 265.223.000 đồng (Hai trăm sáu mươi lăm triệu hai trăm hai mươi ba ngàn đồng).

Vì vậy, Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H yêu cầu Công ty TNHH thủy sản Nam P thanh toán số tiền nợ gốc là 265.223.000 đồng và khoản tiền lãi ước tính là 0.83%/tháng theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước do chậm thanh toán tính trên khoản nợ gốc từ ngày 31/12/2017 cho đến khi thanh toán dứt điểm toàn bộ khoản nợ trên (ước tính khoản lãi tính đến thời điểm nộp hồ sơ khởi kiện là 67.728.000 đồng).

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 12/11/2020, bị đơn Công ty TNHH thủy sản Nam P (có ông Nguyễn Tấn H đại diện theo ủy quyền) trình bày:

Ông là Phó giám đốc Công ty TNHH thủy sản Nam P. Ngày 12/10/2020 ông được cử đại diện theo ủy quyền của giám đốc công ty, chỉ tham gia giải quyết vụ án vào ngày 26/10/2020 nên ông có viết bản tự khai thể hiện ý kiến như sau: Công ty TNHH thủy sản Nam P và Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H đã từng có giao dịch thương mại với nhau từ năm 2015. Trong suốt quá trình đó hai bên đã trao đổi thương mại và thanh toán theo đúng các nội dung đã cam kết trong hợp đồng. Đến năm 2019, do tình hình kinh doanh của công ty gặp khó khăn nên việc thanh toán cho công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H bị chậm trễ. Công ty đã có thiện chí đàm phán chốt công nợ và sắp xếp cân đối để khắc phục theo hướng tích lũy trả dần nhưng Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H đã không chấp nhận đồng hành và chia sẻ cùng công ty. Công ty xác định rõ việc thanh toán khoản công nợ cho Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H là trách nhiệm phải thực hiện, nhưng đứng trước tình hình kinh doanh khó khăn của công ty, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh. Công ty rất mong có sự chia sẻ từ Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H tạo điều kiện để chúng tôi khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, phục hồi thương mại. Công ty sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ thanh toán.

Công ty TNHH thủy sản Nam P đồng ý trả số tiền nợ gốc là 265.223.000 đồng cho Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H. Đối với yêu cầu trả khoản tiền lãi ước tính là 0,83%/tháng do chậm thanh toán tính trên khoản nợ gốc từ ngày 31/12/2017 cho đến khi thanh toán dứt điểm toàn bộ khoản nợ trên thì Công ty TNHH thủy sản Nam P đang khó khăn, không có khả năng thanh toán nên xin bỏ yêu cầu tính lãi trên số nợ gốc.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã tiến hành thủ tục tống đạt, thông báo, niêm yết các Thông báo thụ lý vụ án, Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, giấy triệu tập đương sự hợp lệ đối với bị đơn để tham gia tố tụng tại Tòa án nhưng bị đơn vắng mặt nhiều lần không có lý do. Do đó, vụ án thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được nên Tòa án chỉ tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải theo quy định tại Điều 207, Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự và vụ án được đưa ra xét xử công khai.

Tại phiên tòa, - Đại diện nguyên đơn yêu cầu Công ty TNHH thủy sản Nam P phải thanh toán cho số tiền nợ gốc là 265.223.000 đồng (Hai trăm sáu mươi lăm triệu hai trăm hai mươi ba ngàn đồng) và yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 0,77%/tháng tính từ ngày 01/02/2020 đến ngày 19/01/2022 như sau: 265.223.000 đồng x 23 tháng 18 ngày x 0,77%/tháng = 48.196.323 đồng (Bốn mươi tám triệu một trăm chín mươi sáu ngàn ba trăm hai mươi ba đồng).

- Bị đơn vắng mặt không rõ lý do.

- Ý kiến của Kiểm sát viên: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa: thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; Những người tham gia tố tụng: Đối với nguyên đơn đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, đối với bị đơn quá trình giải quyết vụ án chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;

Về nội dung: Yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật: Theo đơn khởi kiện và các chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện, nguyên đơn và bị đơn có giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Quá trình giao dịch, nguyên đơn cho rằng bị đơn không thực hiện theo đúng thỏa thuận và có đơn khởi kiện nên quan hệ pháp luật được xác định là “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về thủ tục tố tụng: Bị đơn đã được tống đạt, triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai mà không rõ lý do nên Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung vụ án: Xét giao dịch dân sự:

Quá trình giải quyết vụ an, nguyên đơn và phía bị đơn cùng thống nhất: Vào năm 2015, giữa nguyên đơn và bị đơn có thỏa thuận mua bán phụ gia dùng trong chế biến thủy sản theo Hợp đồng mua bán số 012/LH-NAPHU.12/2015, trong đó: Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H (gọi tắt là Công ty Lê H) là bên bán, phía Công ty TNHH thủy sản Nam P (gọi tắt là Công ty Nam P) là bên mua, việc mua bán được thực hiện nhiều lần (đã giao nhận hàng hóa như thỏa thuận) và có xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

Đây là cơ sở khẳng định giữa nguyên đơn và bị đơn có thiết lập giao dịch dân sự về hợp đồng mua bán tài sản theo quy định tại Điều 430 và Khoản 1 Điều 431 Bộ luật dân sự là sự thật. Giao dịch này đã được cả hai bên thống nhất thừa nhận nên là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Xét yêu cầu của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

- Về nợ gốc:

Theo nguyên đơn, quá trình thực hiện giao dịch: đến ngày 31/12/2019, nguyên đơn và bị đơn thống nhất lập biên bản đối chiếu công nợ với số tiền là 265.223.000 đồng, nhưng phía bị đơn không thực hiện việc trả nợ nên nguyên đơn khởi kiện. Tuy nhiên tại phiên tòa, nguyên đơn yêu cầu giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Còn phía bị đơn quá trình giải quyết có trình bày: thừa nhận có mua bán và nhận hàng hóa là phụ gia dùng trong chế biến thủy sản theo Hợp đồng mua bán số 012/LH-NAPHU.12/2015 với nguyên đơn và đồng ý trả số tiền nợ gốc còn lại là 265.223.000 đồng; do kinh doanh khó khăn, không có khả năng thanh toán nên xin không tính lãi trên số tiền nợ gốc.

Theo đó, tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng việc mua bán được thực hiện sau khi ký Hợp đồng mua bán số 012/LH-NAPHU.12/2015 ngày 01/12/2015.

Công ty Lê H đã giao đủ số lượng hàng hóa và có xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2017 Công ty Nam P nợ Công ty Lê H số tiền nợ gốc là 355.223.000 đồng. Ngày 24/5/2018 Công ty Nam P trả số tiền 20.000.000 đồng nên hai bên có lập Biên bản đối chiếu công nợ ngày 24/5/2018, Công ty Nam P còn nợ Công ty Lê H số tiền nợ gốc là 335.223.000 đồng. Theo Sao kê tài khoản ngày 01/10/2018 thể hiện Công ty Nam P có chuyển trả tiền hóa chất cho Công ty Lê H được 50.000.000 đồng, sau đó tiếp tục trả tiền mặt được 20.000.000 đồng. Tổng cộng Công ty Nam P đã trả cho Công ty Lê H số tiền là 90.000.000 đồng. Hai bên đã lập Biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2019, Công ty Nam P còn nợ Công ty Lê H số tiền nợ gốc là 265.223.000 đồng.

Do đó, từ sự thống nhất thừa nhận của các đương sự về tổng nợ và số tiền đã trả tương ứng là cơ sở xác định số nợ gốc là: 265.223.000 đồng(1). Theo đó, phía bị đơn có trách nhiệm trả số tiền nợ gốc này.

Từ sự thừa nhận của nguyên/bị đơn về số tiền thực xuất phát từ giao dịch mua bán dựa trên cơ sở là Hợp đồng mua bán số 012/LH-NAPHU.12/2015, các Biên bản đối chiếu công nợ và các hóa đơn giá trị gia tăng (chứng cứ khởi kiện của nguyên đơn) nên cần xem xét trong tổng thể các tình tiết vụ án để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự.

- Về lãi suất:

Xét mức lãi suất, Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại Điều 306 Luật thương mại quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Đối chiếu với trường hợp cụ thể, cho thấy: Do khi thiết lập giao dịch, hai bên thỏa thuận có lập thành văn bản, không có thỏa thuận về lãi suất chậm trả, có lập biên bản đối chiếu công nợ nhưng chỉ ghi nhận nợ gốc còn lại không đề cập đến lãi suất chậm thanh toán nên thời điểm tính lãi suất chậm thanh toán được lấy mốc từ ngày đối chiếu công nợ chứ không phải từ mốc vi phạm.

Quá trình giải quyết, nguyên đơn và bị đơn không thống nhất về lãi suất (nếu có) nên trong trường hợp có vi phạm thì mức lãi suất áp dụng theo quy định tại Điều 306 Luật thương mại trên.

Tại phiên tòa, nguyên đơn cho rằng: Theo hình thức thanh toán thỏa thuận trong hợp đồng nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền lãi trên số tiền chậm trả với thời gian tính lãi là từ ngày 01/02/2020 đến thời điểm xét xử 19/01/2022 (23 tháng 18 ngày) với mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 0,77%/tháng.

Xét thấy: Tại thời điểm xét xử sơ thẩm (ngày 19/01/2022 là thời điểm xác định phải thanh toán) thì lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường được xác định từ 03 Ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam) theo quy định tại Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định cả pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, cụ thể là: (9%/năm + 7%/năm + 12%/năm)/ 3 = 9,33%/năm = 0,77%/tháng.

Cho nên, số tiền lãi nguyên đơn được chấp nhận tương ứng với mốc thời gian trả nợ là: 265.223.000 đồng x 23 tháng 18 ngày (từ ngày 01/02/2020 đến 19/01/2022) x 0,77%/tháng = 48.196.323 đồng(2).

=> Tổng số tiền nợ gốc và lãi là: (1) + (2) = 265.223.000 đồng + 48.196.323 đồng = 313.419.323 đồng.

Như vậy, tổng số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn là: 313.419.323 đồng (Ba trăm mười ba triệu bốn trăm mười chín ngàn ba trăm hai mươi ba đồng).

Về trách nhiệm thanh toán:

Theo các tài liệu chứng cứ thể hiện và theo nguyên đơn cho rằng: Bị đơn hiện chưa đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giải thể tại Phòng đăng ký kinh doanh. Quá trình giao dịch từ việc thỏa thuận mua bán đến giao nhận hàng hóa và giải quyết tại Tòa án, phía bị đơn đều có đại diện, đều biết rõ và hứa hẹn trả nợ nhưng phía bị đơn không thực hiện nghĩa vụ và không đến Tòa án tham gia tố tụng nên yêu cầu bị đơn trả nợ gốc và lãi.

Từ những phân tích trên, thấy rằng: Lời khai của nguyên đơn phù hợp với nội dung chứng cứ phân tích, điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế giao dịch. Xét đề nghị của Kiểm sát viên là phù hợp. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại tổng số tiền nợ gốc và lãi nêu trên là có cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận toàn bộ nên bị đơn phải chịu án phí có giá ngạch đối với nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn được nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 3 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35; Điều 92; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 266; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 24 và 306 Luật thương mại năm 2005;

- Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định cả pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Tuyên xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH đầu tư và thương mại Lê H.

Buộc bị đơn Công ty TNHH thủy sản Nam P trả cho nguyên đơn số tiền là 313.419.323 đồng (Ba trăm mười ba triệu bốn trăm mười chín ngàn ba trăm hai mươi ba đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị đơn phải nộp số tiền 15.670.966 đồng (Mười lăm triệu sáu trăm bảy mươi ngàn chín trăm sáu mươi sáu đồng) tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô.

Nguyên đơn được nhận lại số tiền 9.130.000 đồng (Chín triệu một trăm ba mươi ngàn đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí số 011211 ngày 02/10/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô.

- Về quyền kháng cáo: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án. Đối với đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án đươc thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn


939
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 01/2022/KDTM-ST

Số hiệu:01/2022/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Ô Môn - Cần Thơ
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 19/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;