Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 01/2022/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN SỐ 01/2022/KDTM-PT NGÀY 17/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong ngày 17 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử công khai vụ án thụ lý số 01/2021/TLPT-KDTM ngày 17/6 /2021, về việc "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa ".

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST, ngày 29/03/2021 của Toà án nhân dân huyện Bắc Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 03 /2021/QĐ-PT, ngày 26 tháng 10 năm 2021; Thông báo mở lại phiên tòa số 07/2021/TB-KDTM, ngày 29/12/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn T;

Địa chỉ: Khu công nghiệp LT, xã TA, huyện LT, tỉnh Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền:

1. Bà Nguyễn Thị Diễm K, sinh 1997, có mặt 2. Bà Lê Thị Như Q, sinh 1997, vắng mặt Địa chỉ: Đều ở tầng 10, Tòa nhà P, 51 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 TP. Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Võ Thiện H, Công ty luật TNHH A.

Địa chỉ: Tầng 10, Tòa nhà P, 51 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 TP. Hồ Chí Minh có mặt Bị đơn: Công ty Cổ phần TN Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Xuân K, sinh năm 1961 – Chức vụ: Trưởng Ban pháp chế Công ty Cổ phần TN, có mặt Địa chỉ: Khu phố BS, thị trấn LS, huyện BB, tỉnh Bình Thuận.

Người kháng cáo: Công ty Cổ phần TN.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo hồ sơ án sơ thẩm, nội dung vụ án như sau:

Đại diện hợp pháp của Nguyên đơn-Công ty trách nhiệm hữu hạn T, ông Nguyễn Văn H trình bày: Công ty trách nhiệm hữu hạn T và Công ty Cổ phần TN có ký các hợp đồng thương mại sau:

- Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa số CT/TN/2019-01 ngày 01/01/2019.

- Hợp đồng mua bán hàng hóa số CT/TN/2019-01 ngày 25/3/2019.

- Hợp đồng nguyên tắc mua bán hàng hóa số CT/TN2/2019-01 ngày 10/4/2019. Tại các hợp đồng nói trên, các bên đã thỏa thuận về việc mua bán hàng hóa, cụ thể là mực in, men, bi nghiền và các nguyên liệu sản xuất gạch men khác, việc mua bán giữa các bên sẽ được xác lập theo đơn hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hai bên có thỏa thuận thời hạn thanh toán, phạt vi phạm hợp đồng và tính lãi do chậm thanh toán.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, dù Công ty trách nhiệm hữu hạn T đã giao hàng hóa theo nội dung đã thỏa thuận nhưng Công ty TN lại liên tục chậm thanh toán. Công ty trách nhiệm hữu hạn T đã nhiều lần đề nghị thanh toán nhưng đến trước ngày khởi kiện (18/8/2020) Công ty TN vẫn chưa thanh toán xong số tiền 9.310.082.452 đồng.

Do đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn T yêu cầu Công ty TN phải trả số tiền còn nợ, số tiền phạt vi phạm và tiền lãi chậm thanh toán. Trong quá trình giải quyết vụ án, Công ty TN đã thanh toán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T tổng cộng 450.000.000đồng.

Vì vậy, nay Công ty trách nhiệm hữu hạn T yêu cầu: Thanh toán nợ gốc là 8.860.082.452 đồng; tiền lãi chậm thanh toán (theo mức lãi là 0,04%/ngày) tạm tính đến ngày 22/3/2021 là 1.335.795.964 đồng. Kể từ sau ngày 22/3/2021 cho đến trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, Công ty trách nhiệm hữu hạn T không yêu cầu Công ty TN trả tiền lãi chậm thanh toán. Nhưng kể từ khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà Công ty TN chưa thanh toán hết số tiền phải thi hành án thì phải chịu tiền lãi chậm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chậm thanh toán.

- Buộc Công ty TN thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận tại các hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, việc thỏa thuận phạt vi phạm tại các hợp đồng đã ký kết vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, nên Công ty yêu cầu Công ty TN thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (9.310.082.452 đồng) là 744.806.596 đồng.

Tổng cộng, yêu cầu Công ty TN thanh toán số tiền (tạm tính đến ngày 01/12/2020) là: 10.940.685.012 đồng một lần ngay khi Bản án/Quyết định có hiệu lực pháp luật (Theo các Hợp đồng CT/TN/2019-01 ngày 01/01/2019, CT/TN/2019- 01 ngày 25/3/2019, CT/TN2/2019-01 kèm Phụ lục 1 Hợp đồng nguyên tắc số AN/TN2/2019 ngày 10/4/2019).

Đại diện hợp pháp của bị đơn-Công ty Cổ phần TN, ông Nguyễn Xuân K trình bày:

Thống nhất với ý kiến trình bày của đại diện nguyên đơn là hiện nay Công ty Cổ phần TN còn nợ tiền mua bán hàng hóa của Công ty trách nhiệm hữu hạn T số tiền 8.860.082.452 đồng. Nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn T khởi kiện, Công ty TN đồng ý trả nhưng xin được trả dần vì Công ty TN đang gặp khó khăn về tài chính do tình hình dịch bệnh Covid-19, vả lại Công ty TN với Công ty trách nhiệm hữu hạn T là chỗ làm ăn lâu năm. Vì vậy, Công ty TN rất mong Công ty trách nhiệm hữu hạn T đồng ý.

Mặt khác, trong các hợp đồng đã ký kết Công ty trách nhiệm hữu hạn T và Công ty TN đã thỏa thuận về việc phạt vi phạm trái với quy định của pháp luật nên vô hiệu. Vì vậy, TNorrecid Việt Nam yêu cầu Công ty TN thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng 744.806.596 đồng là không có có căn cứ.

Đối với yêu cầu tính tiền lãi chậm thanh toán thì đề nghị tính theo mức lãi suất thấp nhất của Ngân hàng Nhà nước quy định trên số tiền chưa thanh toán theo Hợp đồng số CT/TN/2019-01 ngày 25/3/2019, số tiền còn lại là số tiền ngoài hợp đồng nên không có căn cứ để tính lãi. Vì vậy, Công ty trách nhiệm hữu hạn T yêu cầu thanh toán tiền lãi chậm thanh toán 1.335.795.964 đồng, Công ty TN không đồng ý và đề nghị xem xét theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc Công ty TN chậm thanh toán tiền mua bán hàng hóa cũng có một phần lỗi của Công ty trách nhiệm hữu hạn T, bởi các lý do sau:

- Giá của hàng hóa mà Công ty trách nhiệm hữu hạn T cung cấp cho Công ty TN là quá cao.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn T biết Công ty TN chậm thanh toán tiền hàng theo Hợp đồng số CT/TN/2019-01 ngày 25/3/2019 nhưng vẫn tiếp tục cung cấp hàng hóa theo các Hợp đồng số CT/TN/2019-01 ngày 01/01/2019, CT/TN2/2019-01 kèm Phụ lục 1 Hợp đồng nguyên tắc số AN/TN2/2019 ngày 10/4/2019.

Vì vậy, Công ty TN đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cả Công ty trách nhiệm hữu hạn T và Công ty TN.

Ngoài ra, việc Tòa án ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 13-11-2020 là không phù hợp, vì tại quyết định này không nêu rõ phong tỏa số tiền cụ thể bao nhiêu. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bỏ Quyết định số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 13-11-2020.

Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST, ngày 29/3/2021 Toà án nhân dân huyện Bắc Bình đã xử:

Căn cứ vào:

Khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Điều 24, Điều 50, Điều 55, Điều 306, khoản 3 Điều 317, Điều 319 Luật Thương mại năm 2005;

Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Án lệ số 09/2016/AL;

Khoản 2 Điều 19 Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn T: Buộc Công ty Cổ phần TN phải thanh toán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T tiền mua hàng còn nợ 8.860.082.452 đồng (Tám tỷ, tám trăm sáu mươi triệu, không trăm tám mươi hai nghìn, bốn trăm năm mươi hai đồng), tiền phạt vi phạm hợp đồng 744.806.596 đồng (Bảy trăm bốn mươi bốn triệu, tám trăm lẻ sáu nghìn, năm trăm chín mươi sáu đồng) và tiền lãi chậm thanh toán 1.235.611.267 đồng (Một tỷ, hai trăm ba mươi lăm triệu, sáu trăm mười một nghìn, hai trăm sáu mươi bảy đồng).

2. Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 13-11-2020 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình. Giải tỏa số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) đã nộp vào tài khoản tiền gửi số 4809-201003441 mở tại Agribank Chi nhánh Bắc Bình - Bình Thuận. Việc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và giải tỏa tài khoản tiền gửi có hiệu lực thi hành ngay.

3. Về án phí:

- Buộc Công ty Cổ phần TN phải chịu 118.840.500 đồng (Một trăm mười tám triệu,tám trăm bốn mươi nghìn, năm trăm đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Hoàn trả lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T 58.919.000 đồng (Năm mươi tám triệu, chín trăm mười chín nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0006476 ngày 21/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Bình.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong số tiền còn phải thi hành án thì phải chịu thêm khoản tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian và số tiền còn phải thi hành.

Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 09/4/2021, Công ty Cổ phần TN kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về lãi suất và phạt vi phạm hợp đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

- Đại diện nguyên đơn và Luật sư của nguyên đơn đề nghị hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm theo bảng chi tiết công nợ ngày 17/01/2022 của nguyên đơn gửi cho hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến và đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn; áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa án sơ thẩm: Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn 8.660.082.452 đồng tiền hàng chưa thanh toán, 1.186.104.833 đồng tiền lãi và 708.806.596 đồng tiền phạt do vi phạm hợp đồng. Về án phí đề nghị hội đồng xét xử giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, sau khi nghe các bên tranh luận và lời phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Xét kháng cáo của Công ty Cổ phần TN (sau đây gọi tắt là Bị đơn);

Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về thủ tục tố tụng:

- Trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, cả nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn T (sau đây gọi tắt là Nguyên đơn);với bị đơn đều thống nhất đến ngày nguyên đơn làm đơn khởi kiện bị đơn còn nợ nguyên đơn 9.310.082.452 đồng của 03 hợp đồng kinh tế: số CT/TN/2019-01 ngày 01/01/2019, số CT/TN/2019-01 ngày 25/3/2019 và số CT/TN2/2019-01 ngày 10/4/2019 - Khi Tòa án cấp sơ thẩm đang thụ lý giải quyết vụ án thì bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn 450.000.000 đồng.

- Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn đã thay đổi yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu bị đơn thanh toán 8.860.082.452 đồng nợ gốc còn lại. Điều đó chứng tỏ nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu khởi kiện.

- Đáng lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải căn cứ Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền 450.000.000 đồng.

- Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự để đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng;

Tuy nhiên, xét thấy vi phạm này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự và có thể khắc phục được, nên không cần thiết phải hủy án sơ thẩm. Chỉ cần rút kinh nghiệm với Tòa án cấp sơ thẩm là đủ. [2] Về nội dung:

Tại Điều 6 của các hợp đồng hai bên có thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng.

Theo Điều 307 Luật Thương mại quy định về quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại như sau:

“1.....

2. Trường hợp có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác khác“.

Như vậy, việc nguyên đơn yêu cầu áp dụng cả hai chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại bằng việc trả lãi chậm thanh toán là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[2.1] Về phạt vi phạm:

Theo Điều 301 Luật Thương mại quy định:“Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm“ - Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 301 Luật Thương mại để tính mức phạt vi phạm hợp đồng bằng 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là đúng quy định.

Tuy nhiên, do số tiền vi phạm đến thời điểm xét xử sơ thẩm chỉ còn 8.860.082.452 đồng, nên tiền phạt sẽ là 8.860.082.452 đồng x 8% = 708.806.596 đồng.

[2. 2] Về bồi thường thiệt hại: Hội đồng xét xử xét thấy:

-         Theo Điều 306 Luật Thương mại quy định về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau:

“Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả...“ Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào mức lãi suất trung bình của 03 Ngân hàng thương mại tại thời điểm xét xử sơ thẩm 13,4%/năm = 0,037%/ngày, là đúng quy định của pháp luật.

- Về số tiền và thời gian tính lãi:

+ Như đã phân tích ở trên, tính đến ngày xét xử sơ thẩm bị đơn còn nợ nguyên đơn 8.860.082.452 đồng. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lấy số liệu cũ 9.310.082.452 đồng để tính lãi là không đúng.

+ Xét thấy: Từ ngày 25 tháng 10 năm 2019 đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, nguyên đơn đã xuất 52 hóa đơn bán hàng ở nhiều thời gian khác nhau cho bị đơn; nên thời gian tính lãi của từng hóa đơn cũng khác nhau, tổng tiền lãi mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn đến ngày 22/3/2021 (ngày nguyên đơn kết nợ) của số tiền 8.860.082.452 đồng theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường sẽ là 1.186.104.833 đồng, như bảng chi tiết công nợ ngày 17/01/2022 mà nguyên đơn đã nộp cho hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm.

- Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn đã trả thêm cho nguyên đơn 200.000.000 đồng; như vậy đến thời điểm xét xử phúc thẩm thì bị đơn còn nợ nguyên đơn 8.660.082.452 đồng tiền hàng chưa thanh toán.

- Kể từ sau ngày 22/3/2021 cho đến trước khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nguyên đơn không yêu cầu bị đơn trả tiền lãi chậm thanh toán. Xét thấy đây là sự tự nguyện của nguyên đơn, nguyên đơn không kháng cáo nên hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

- Xét việc bị đơn cho rằng căn cứ vào Hợp đồng mua bán hàng hóa số CT/TN/2019-01 ngày 25/3/2019, thì bị đơn chỉ đồng ý trả lãi của số tiền 3.784.364.625 đồng là nợ trong hợp đồng; còn số tiền 5.075.717.827 đồng là nợ ngoài hợp đồng; Hội đồng xét xử xét thấy:

+ Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện bị đơn cho rằng các Hợp đồng mà phía nguyên đơn ký với bị đơn chỉ có giá trị 01 năm sau đó các bên sẽ ký lại hợp đồng. Mặc dù thời hạn hợp đồng kinh tế: số CT/TN/2019-01 ngày 01/01/2019 và số CT/TN2/2019-01 ngày 10/4/2019 đã hết, nhưng 02 bên nguyên đơn và bị đơn vẫn thực hiện việc mua bán hàng hóa và các bên cũng không có thỏa thuận nào thay đổi, hủy bỏ các thỏa thuận trước đó. Như vậy, hình thức của hợp đồng thay đổi từ hợp đồng giấy sang hợp đồng miệng; nên mặc nhiên được hiểu là các thỏa thuận trước đó vẫn còn giá trị đối với 02 bên.

+ Nên, việc bị đơn cho rằng căn cứ vào Hợp đồng mua bán hàng hóa số CT/TN/2019-01 ngày 25/3/2019, thì bị đơn chỉ đồng ý trả lãi của số tiền 3.784.364.625 đồng là nợ trong hợp đồng; còn số tiền 5.075.717.827 đồng là nợ ngoài hợp đồng, là không có căn cứ.

[3] Do đó, kháng cáo của bị đơn được chấp nhận một phần. Bản án sơ thẩm vì vậy sẽ bị sửa như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tại phiên tòa phúc thẩm.

[4] Do sửa án sơ thẩm, nên án phí cũng phải sửa cho phù hợp. Người kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[5] Các phần khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Sửa một phần bản án sơ thẩm.

1. Căn cứ Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với số tiền 450.000.000 đồng mà bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn.

2, Căn cứ Điều 300, 301, 306, 307 Luật Thương mại; Khoản 1 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn T - Buộc Công ty Cổ phần TN phải trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T tổng cộng 10.554.993.881 đồng; trong đó có 8.660.082.452 đồng tiền hàng, 708.806.596 đồng tiền phạt vi phạm hợp đồng và 1.186.104.833 đồng tiền lãi chậm thanh toán.

- Buộc Công ty Cổ phần TN phải chịu 118.754.993 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

- Hoàn trả lại cho Công ty trách nhiệm hữu hạn T 58.919.000 đồng (Năm mươi tám triệu, chín trăm mười chín nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0006476 ngày 21/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Bình.

- Công ty Cổ phần TN không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm; nhưng được hoàn trả 2.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0001112 ngày 29/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bắc Bình cho Công ty Cổ phần TN.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án); kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (đối với tiền hàng chưa thanh thanh tóan có 8.660.082.452 đồng và tiền lãi chậm thực hiện hợp đồng 1.186.104.833 đồng) Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7,7a,7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

778
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa số 01/2022/KDTM-PT

Số hiệu:01/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 17/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;