Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán, gia công hàng hóa số 57/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 57/2021/KDTM-PT NGÀY 23/12/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN, GIA CÔNG HÀNG HÓA

Ngày 23 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 19/2021/TLPT- KDTM, ngày 08 tháng 3 năm 2021; về việc “tranh chấp hợp đồng mua bán, gia công hàng hóa”. Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2021/KDTM- ST, ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 1097/2021/QĐ-PT, ngày 25 tháng 5 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Global Brand Partners PTE LTD, địa chỉ: Số 01 Kim Seng Promenade #17-06 Great World City, East Tower, Singapore 237994. Người đại diện theo pháp luật: Sudeepto Datta, chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Anh Th, sinh năm 1984 hoặc ông Tăng Mạnh C, sinh năm 1993; địa chỉ: Phòng số 5, tầng 15, Tòa nhà Harec, 4A LH, phường TC, quận BĐ, Hà Nội; địa chỉ liên lạc hiện nay: Công ty Luật TNHH T&G, tầng 9, Tòa nhà Văn phòng Tổng Công ty 789 Bộ Quốc phòng, số 147 HQV, phường NĐ, quận CG, Thành phố Hà Nội (theo Giấy chỉ định đại diện được hợp pháp hóa lãnh sự tại Singapore số 066/10/2019 ngày 04/11/2019); ông C có mặt, bà Th vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Xuân L và ông Nguyễn Huy Th1 là Luật sư của Công ty Luật TNHH TG, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội; địa chỉ: Tầng 9, Tòa nhà Văn phòng Tổng Công ty 789 Bộ Quốc phòng, số 147 HQV, phường NĐ, quận CG, Thành phố Hà Nội; có mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH MTV TNP, trụ sở: Số 68 đường Trần Phú, tổ 96, khu phố 11, Khu dân cư CN, phường CN, thành phố TDM, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên hệ: Số 32/3 đường ĐT 743, khu phố BQ A, phường BC, thành phố TA, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ng, chức vụ: Giám đốc.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Đào Duy Hiền Ph, sinh năm 1983; địa chỉ: A2-04-06 Chung cư Sunview Town, đường GD, phường HBP, thành phố TĐ, Thành phố Hồ Chí Minh (theo Giấy ủy quyền 12/6/2020; có mặt).

Người làm chứng: Ông Nguyễn Thành Ch (tên thường gọi khi giao dịch là Trung hoặc David; địa chỉ: 44/2P ấp Thới Tứ 2, xã TTT, huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh; có mặt.

- Người kháng cáo: Global Brand Partners PTE LTD là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện được hợp pháp hóa lãnh sự ngày 04/11/2019 và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD (gọi tắt là: Nguyên đơn hoặc GBP) yêu cầu Tòa án giải quyết như sau:

1. Buộc bị đơn Công ty TNHH MTV TNP (gọi tắt là: Bị đơn hoặc TNP) thanh toán cho Nguyên đơn khoản nợ 45.521,96 USD liên quan đến thỏa thuận cho 5.676 đôi giày mang các nhãn hiệu Astral và Velocity cho kỳ Thu Đông 2017. Khoản nợ này thể hiện tại hóa đơn thuế số 20180006 ngày 29/8/2018 cho 2.015 đôi giày bị đơn chưa giao cho nguyên đơn;

2. Buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn khoản nợ: 102.291,55 USD là khoản tiền tạm ứng liên quan đến các đơn đặt hàng mùa Xuân Hè 2018 theo Hợp đồng khai phát mẫu và Sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP ký ngày 03/11/2017;

3. Buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi đối với các khoản nợ chậm trả tại yêu cầu số 1 và số 2 nêu trên với mức lãi suất bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ba ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tại Thành phố Hồ Chí Minh tại thời điểm xét xử sơ thẩm; thời gian tính lãi được tính từ thời điểm đến hạn thanh toán thể hiện trên mỗi hóa đơn tới thời điểm bị đơn thanh toán nợ và tiền lãi trên thực tế.

Về thỏa thuận của các bên: Ngày 10/6/2017, nguyên đơn đặt bị đơn gia công 2.808 đôi giày theo Đơn đặt hàng số SS17. Ngày 07/7/2017, bị đơn xuất Hóa đơn số TNP20170707 tương ứng với 2.808 đôi giày và cho xuất lô hàng nêu trên tới địa chỉ nguyên đơn cung cấp. Tuy nhiên, nguyên đơn phát hiện có 2.312 đôi giày bị khuyết điểm và không đạt tiêu chuẩn loại A. Toàn bộ số giày trên bị nhà phân phối West Coast, đối tác của nguyên đơn trả lại và buộc nguyên đơn bồi thường do chất lượng không đảm bảo. Sau khi phát hiện vấn đề chất lượng sản phẩm, nguyên đơn đã thông báo cho bị đơn và nhiều lần thảo luận để xử lý vấn đề lỗi. Cuối cùng, bị đơn thừa nhận lỗi và đồng ý với các điều khoản theo đề xuất của nguyên đơn nhằm giải quyết vấn đề chất lượng thông qua 01 thỏa thuận bổ sung như sau:

A. Bị đơn có trách nhiệm thu về toàn bộ giày đã gửi tới Summit (bao gồm giày lưu kho tại Los Angeles và giày bị khách hàng của Summit trả lại). Bị đơn sẽ cung cấp cho nguyên đơn một “Credit note” (để nguyên đơn có thể sử dụng để thanh toán cho các đơn đặt hàng với bị đơn);

B. Trong trường hợp Rack Room cũng muốn trả lại toàn bộ giày, nguyên đơn sẽ thanh toán cho bị đơn khoản tiền tương ứng với một số lượng nhỏ giày đã được gửi tới Rack Room vào ngày 01/11/2017;

C. Bị đơn phải trả cho nguyên đơn toàn bộ chi phí vận chuyển đối với số lượng giày lỗi (tổng số lượng giày đã giao trừ đi số lượng giày được chuyển tới Rack Room;

D. Bị đơn phải trả toàn bộ phí vận chuyển vào tháng 11 nếu Rack Room trả lại số lượng giày đã đặt;

E. Nguyên đơn chỉ đặt trước 65% cho đơn đặt hàng tiếp theo (do vấn đề về chất lượng) tương ứng với tiền vật liệu đã được mua bởi bị đơn. Bị đơn có trách nhiệm cung cấp báo cáo chi phí và các hóa đơn tương ứng cho nguyên đơn;

F. Bị đơn giảm giá 20% cho phần thanh toán còn lại cho đợt sản xuất tiếp theo (tức Đơn đặt hàng Thu Đông 2017) khi toàn bộ giày được đặt của đợt 2 được gửi đi vào đầu năm 2018.

Toàn bộ nội dung thỏa thuận bổ sung được thể hiện tại các thư điện tử trao đổi giữa nguyên đơn với bị đơn từ ngày 23/8/2017 đến ngày 29/8/2017. Quá trình đàm phán, thỏa thuận giao kết đều dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng, thống nhất ý chí của các bên và tuân thủ theo quy định tại các Điều 117, Điều 386, khoản 1 Điều 393, khoản 3 Điều 400 và Điều 401 của Bộ luật Dân sự về giao kết hợp đồng.

Đối với Đơn đặt hàng Thu Đông 2017: Nguyên đơn đặt hàng bị đơn sản xuất 5.676 đôi giày mang nhãn hiệu Astral và Velocity với giá 128.961,96 USD. Theo đó, bị đơn có trách nhiệm sản xuất giày theo quy cách, chất lượng, nguyên vật liệu do nguyên đơn chỉ định và chịu sự điều chỉnh của thỏa thuận liên quan đến các nội dung thanh toán. Ngày 14/8/2017, bị đơn xuất Hóa đơn số TNP20170814 báo giá cho nguyên đơn thể hiện: Tổng giá trị đơn hàng là 128.961,96 USD; số lượng: 5.676 đôi giày; tạm ứng: 83.825,27 USD. Trên tinh thần điểm C của Thỏa thuận, ngày 23/8/2017 nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn số tiền 60.354,14 USD, được tính bằng khoản tiền tạm ứng bù trừ đi phần nghĩa vụ thanh toán chi phí vận chuyển của Đơn đặt hàng SS17 tương đương 23.471,13 USD, cụ thể: 83.825,27 - 23.471,13 = 60.354,14 USD. Quá trình thực hiện, bị đơn tiếp tục vi phạm các nghĩa vụ như: Giao hàng chậm tiến độ và hàng không đạt tiêu chuẩn loại A. Sau nhiều lần thảo luận, hai bên đã thống nhất: Nguyên đơn cử người tiến hành kiểm tra chất lượng trực tiếp tại kho hàng bị đơn và nhận giày tiêu chuẩn loại B. Tính đến nay, bị đơn mới giao cho nguyên đơn 3.661 đôi giày và còn thiếu 2.015 đôi giày, trị giá 45.521,96 USD. Thể hiện tại Hóa đơn thuế số 20180006 ngày 29/8/2018.

Đối với Hợp đồng khai phát mẫu và Sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP- GBP: Nguyên đơn với bị đơn nhiều lần trao đổi, đàm phán để đi đến ký kết Hợp đồng. Ngày 03/11/2017, bà Kendra Le bên phía bị đơn gửi thư điện tử làm rõ một vài nội dung của Hợp đồng liên quan đến người có thẩm quyền ký hợp đồng. Dựa trên đề xuất từ phía bị đơn, cùng ngày bà Lily Teow đã thay mặt và thừa ủy quyền của nguyên đơn chuyển tới bị đơn Hợp đồng được ký tên và đóng dấu theo yêu cầu của bị đơn. Theo đó, nguyên đơn với bị đơn thống nhất các điều khoản như sau: Hàng hóa là giày, dép thương hiệu Beachbody, thành phẩm, bán thành phẩm; số lượng, quy cách là theo phiếu đóng gói chi tiết (packing list) và hóa đơn thương mại (invoice) của từng đợt giao hàng; giá mỗi sản phẩm được tính 100% CBD (150% CBD đối với giày mẫu) và sẽ được thể hiện trên hóa đơn thương mại; phương thức thanh toán là thanh toán trước 35% trong vòng 05 ngày làm việc, sau khi đơn đặt hàng được chấp thuận và 65% còn lại thanh toán trong vòng 05 ngày làm việc, trước khi xuất hàng và có phiếu đóng gói chi tiết; những thỏa thuận thanh toán khác nếu có sẽ được thảo luận theo tình huống cụ thể; về thời gian giao hàng: Đối với hàng mẫu là 60 ngày hoặc sớm hơn kể từ ngày cung cấp đủ thông tin mã hàng/đơn hàng; đối với đơn hàng sản xuất là 120 ngày hoặc sớm hơn kể từ ngày nhận đơn hàng. Trong các trường hợp đặc biệt, thời gian giao hàng có thể ngắn hơn; địa điểm giao hàng là tại xưởng của bị đơn; chuyển giao tư liệu khai phát: Bị đơn chuyển giao tư liệu khai phát cho nguyên đơn sau khi hoàn tất thanh toán chi phí khai phát theo hóa đơn; thời hạn hiệu lực là ngày 30/4/2018. Ngoài ra, nguyên đơn với bị đơn còn thống nhất các điều khoản liên quan đến chất lượng, cơ quan giải quyết tranh chấp và các điều khoản khác. Hợp đồng đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nội dung theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài”.

Trên thực tế, nguyên đơn và bị đơn đã thực hiện Hợp đồng, cụ thể: Bị đơn tiếp tục nhận các Đơn đặt hàng số 171007032, 171007037, 171007005 (các Đơn đặt hàng mùa Xuân Hè 2018) từ nguyên đơn. Theo đó, ngày 07/12/2017 bị đơn xuất Hóa đơn số TNP20171207 cho nguyên đơn với tổng giá trị là 169.629,72 USD cho 8.028 đôi giày. Phía nguyên đơn, sau khi gửi các Đơn đặt hàng Xuân Hè 2018 đã thanh toán cho bị đơn số tiền cho các Đơn đặt hàng Xuân Hè 2018, như sau:

Nội dung thanh toán

Số tiền đã thanh toán (USD)

Biên lai thanh toán

35% deposit on 8.028 prs under PO for SS18

59.370,40

Bản sao Điện chuyển tiền ngày 06/3/2018

Upper tooling Surcharge

18.561,40

Bản sao Điện chuyển tiền ngày 22/3/2018

Cancelled materials

24.359,75

Bản sao Điện chuyển tiền ngày 01/6/2018

Tổng cộng 102.291,55 Mặc dù, bị đơn đã nhận tổng cộng 102.291,55 USD, nhưng cho đến nay bị đơn vẫn chưa giao cho nguyên đơn bất kỳ sản phẩm nào.

Về tiền lãi suất: Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 280 của Bộ luật Dân sự, Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005, bị đơn có nghĩa vụ trả tiền lãi trên nợ gốc theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả cho nguyên. Tổng số tiền lãi được tính bằng tổng số tiền lãi đối với mỗi khoản nợ phát sinh theo từng giao dịch giữa nguyên đơn với bị đơn theo công thức: Tiền lãi = Lãi suất * Giá trị khoản nợ * Thời gian chậm trả. Trong đó: Mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết tại Án lệ số 09/2016/AL, được thông qua ngày 17/10/2016;

Quá trình giải quyết tranh chấp trước khi khởi kiện: Nguyên đơn với bị đơn đã nhiều lần thương lượng, đàm phán để giải quyết vấn đề nợ giữa hai bên nhưng không thể giải quyết tranh chấp liên quan đến thỏa thuận và Hợp đồng, cụ thể: Nguyên đơn đã nhiều lần thông báo qua thư điện tử yêu cầu bị đơn giao hàng hoặc thanh toán tiền, nhưng bị đơn từ chối yêu cầu của nguyên đơn với hai lý do: Đối với 2.015 đôi giày còn thiếu, bị đơn cho rằng đã sản xuất đủ, nhưng nguyên đơn để lưu kho quá lâu không xuất, chất lượng hàng bị giảm sút nên bị đơn đã tự tiến hành tiêu hủy và không có nghĩa vụ phải hoàn trả số hàng này. Đối với các Đơn đặt hàng cho mùa Xuân Hè 2018, bị đơn cho rằng nguyên đơn không thanh toán đủ Đơn đặt hàng SS17 nên không tiến hành sản xuất cho đến khi hai bên giải quyết được vấn đề này. Ngày 11/12/2018, nguyên đơn thông qua đại diện pháp lý của mình tại Việt Nam là Công ty Luật TNHH T&G gửi Công văn số 3060/2018-TGVN yêu cầu bị đơn thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, bị đơn tiếp tục từ chối hợp tác. Việc bị đơn từ chối thanh toán khoản nợ cho nguyên đơn là không có căn cứ, bởi lẽ:

- Nguyên đơn chưa từng và cũng chưa bao giờ cho phép hoặc ủy quyền cho bị đơn tiến hành việc đánh giá chất lượng thành phẩm, nguyên vật liệu, nguyên đơn cũng chưa từng đồng ý cho phép bị đơn tiến hành tiêu hủy bất kỳ sản phẩm hay nguyên vật liệu nào. Trong mọi trường hợp, bị đơn có nghĩa vụ gia công và giao đúng số lượng, chất lượng hàng hóa theo thỏa thuận. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ, nguyên đơn bên đặt gia công có quyền nhận lại không chỉ toàn bộ sản phẩm gia công, mà còn nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng.

Việc bị đơn tự ý tiêu hủy thành phẩm, nguyên vật liệu, không giao đúng số lượng, chất lượng hàng hóa là không có căn cứ.

- Bị đơn có nghĩa vụ gia công sản phẩm theo các đơn đặt hàng và giao hàng đúng hạn, đúng số lượng, chất lượng tại địa điểm đã thoả thuận cho nguyên đơn. Đơn đặt hàng mùa Xuân Hè 2018 hình thành sau khi hai bên ký kết hợp đồng. Do đó, bị đơn có nghĩa vụ thực hiện đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, bao gồm nhưng không giới hạn bởi nghĩa vụ giao hàng. Không có bất kỳ nội dung, điều khoản nào trong Hợp đồng cho phép bên nhận gia công (bị đơn) được trì hoãn thực hiện nghĩa vụ giao hàng. Theo quy định tại Điều 292, khoản 2 Điều 310 và Điều 311 của Luật Thương mại 2005, nguyên đơn có quyền áp dụng các chế tài trong thương mại đối với bị đơn.

Tại Đơn khởi kiện bổ sung, nguyên đơn quy đổi đồng Đô la Mỹ thành tiền Việt Nam Đồng dựa trên tỷ giá Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ngày 29/10/2019 để yêu cầu bị đơn phải thanh toán như sau:

Yêu cầu bị đơn thanh toán cho nguyên đơn khoản nợ 45.521,96 USD, tương đương 1.053.560.200 VND liên quan đến thỏa thuận cho 5.676 đôi giày mang các nhãn hiệu Astral và Velocity cho kỳ Thu Đông 2017, được thể hiện tại Hóa đơn thuế số 20180006 ngày 29/8/2018 cho 2.015 đôi giày bị đơn chưa giao cho nguyên đơn;

Yêu cầu bị đơn thanh toán cho nguyên đơn khoản nợ 102.291,55 USD tương đương 2.352.705.600 VND là các khoản tiền tạm ứng liên quan đến các Đơn đặt hàng mùa Xuân Hè 2018 giữa nguyên đơn với bị đơn theo Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP ký ngày 03/11/2017.

Yêu cầu bị đơn thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi đối với các khoản nợ chậm trả theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 03 Ngân hàng gồm:

- Agribank: 6,8%/năm; Vietcombank: 7,5%/năm; Vietinbank: 7,35%/năm.

Mức lãi suất yêu cầu = 150% * (6,8% + 7.5% + 7.35%)/3 = 10.825%/năm.

Số tiền lãi tương ứng với yêu cầu số 1 là: Tiền lãi = 10,825% * 1.053.560.200 * 484/365 = 151.230.628 VND.

Số tiền lãi tương ứng với yêu cầu số 2 là: Tiền lãi = 10,825% * 2.352.705.600 * 691/365 = 482.148.338 VND.

Tổng số tiền lãi tạm tính đến ngày 26/12/2019 là 633.378.966 VND.

Tổng giá trị các khoản nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là:

1.053.560.200 + 2.352.705.600 + 633.378.966 = 4.039.644.766 VND.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, nguyên đơn cho rằng: Ngày 30/9/2020, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nguyên đơn được tiếp cận nội dung yêu cầu phản tố của bị đơn và các tài liệu nộp kèm theo. Nay nguyên đơn có ý kiến như sau:

- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự nguyên đơn cho rằng ngày 17/6/2020 Tòa mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhưng đến ngày 17/8/2020 bị đơn mới có đơn yêu cầu phản tố. Do đó, phản tố của bị đơn là không phù hợp, đề nghị Tòa án không xem xét yêu cầu phản tố quá hạn của bị đơn.

- Về nội dung yêu cầu phản tố của bị đơn, nguyên đơn có ý kiến:

Đơn đặt hàng SS17: Quá trình xuất lô hàng 2.808 đôi giày đi Hoa Kỳ, tại đơn phản tố và bản tự khai, bị đơn cho rằng lô hàng này đã được sản xuất xong đúng hạn và giao cho nguyên đơn ngày 07/7/2017. Tuy nhiên, bản thân nội dung các email bị đơn cung cấp tại phụ lục 3 kèm theo, cho thấy: Ngày 01/7/2017, nguyên đơn thông báo kế hoạch gửi hàng và yêu cầu bị đơn phối hợp với đơn vị vận chuyển của nhà phân phối để gửi hàng. Ngày 03/7/2017, đơn vị vận chuyển thông báo cho bị đơn kế hoạch xuất hàng vào tối ngày 04/7/2017; các bên cũng phối hợp với nhau nhằm xử lý các vấn đề về chứng từ của lô hàng, nhưng bị đơn vẫn chưa xác nhận thời gian xuất hàng theo yêu cầu của nguyên đơn. Ngày 04/7/2017, đơn vị vận chuyển thông báo địa điểm chuyển hàng dự kiến và yêu cầu bị đơn xác nhận lịch xuất hàng qua email gửi lúc 9 giờ 56 phút sáng. Tuy nhiên đến 08 giờ 15 phút tối, bị đơn mới thông báo các kiện hàng đã sẵn sàng để gửi cho lô hàng 2.808 đôi giày. Trước tình hình đó, đơn vị vận chuyển của nguyên đơn không thể đảm bảo giao hàng đúng hạn. Vì vậy, nguyên đơn chấp nhận đề xuất của bị đơn là gửi hàng qua đối tác chuyển phát nhanh UPS với mục tiêu tất cả hàng hóa được chuyển tới nhà phân phối vào ngày 10/7/2017. Ngày 07/7/2017, bị đơn xác nhận mới gửi được 969 đôi giày tới New Orleans (thiếu ba đôi so với báo cáo hàng đã gửi). Ngày 08/7/2017, bà Nga sử dụng email shipping@vmcvn.com xác nhận lô hàng đã gửi ngày 07/7/2017 sẽ được phát vào ngày 10/7/2017, bị đơn sẽ gửi nốt số giày còn lại của lô hàng trong ngày 08/7/2017 và yêu cầu nguyên đơn xác nhận. Mặc dù, bị đơn thông báo toàn bộ giày đã sẵn sàng để chuyển đi từ ngày 04/7/2017, nhưng trên thực tế bị đơn đã không xuất hàng đúng kế hoạch, làm cho đơn vị vận chuyển của nguyên đơn không thể đảm bảo thời gian chuyển hàng và buộc phải sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu về thời gian. Nguyên đơn không hề ép buộc hoặc gây áp lực buộc bị đơn chấp nhận các thỏa thuận xử lý hàng lỗi; việc chấp nhận thỏa thuận hoàn toàn dựa trên tinh thần bình đẳng, hợp tác giữa các bên và đặc biệt là ý chí của bị đơn; nếu các sản phẩm kém chất lượng không phải do lỗi của bị đơn trong quá trình sản xuất, thì bị đơn sẽ không bao giờ chấp nhận các điều kiện xử lý hàng lỗi. Toàn bộ số hàng lỗi bị trả về hiện vẫn được lưu tại kho của nguyên đơn tại Hoa Kỳ. Theo email đề ngày 25/8/2017 do bị đơn cung cấp, ngài Nicolas xác nhận bị đơn sẽ cử người tới kho của nguyên đơn tại Hoa Kỳ để kiểm đếm và nhận lại các sản phẩm lỗi; tuy nhiên, bị đơn vẫn không có kế hoạch nhận lại số hàng chứ không phải nguyên đơn không muốn trả lại. Nguyên đơn đề nghị gửi số hàng lỗi này về Việt Nam với điều kiện bị đơn chấp nhận thanh toán chi phí vận chuyển lô hàng ngược về Việt Nam, nhưng bị đơn không chấp nhận nên nguyên đơn đã và đang gánh chịu chi phí lưu kho đối với lô hàng trên từ đầu năm 2017 cho đến nay.

Đơn đặt hàng Thu Đông 2017: Nguyên đơn đã thực hiện đúng thỏa thuận xử lý lỗi và chỉ trừ đi chi phí vận chuyển cho sự kiện Summit trị giá 23.510,32 USD. Tại nội dung đơn phản tố, bị đơn thừa nhận giá trị khoản tiền nêu trên. Tuy nhiên, bị đơn diễn giải thỏa thuận xử lý lỗi là hoàn toàn trái ngược với các chứng cứ do bị đơn cung cấp, cụ thể: Điểm B của thỏa thuận xử lý lỗi quy định: “GBP sẽ đợi đến ngày 01 tháng 11 để thanh toán VMC cho đơn đặt hàng nhỏ được chuyển đến Rack Room, trong trường hợp họ muốn trả lại tất cả giày”. Theo nội dung thư điện tử của ngài Nicolas ngày 25/8/2017, bị đơn thừa nhận “Killick đề cập rằng anh ta muốn được hoàn lại toàn bộ số giày từ sự kiện Summit. Điều đó đã được thỏa thuận với chúng tôi nhưng chúng tôi cũng cần đảm bảo giày của chúng tôi trong kho không bị thiếu hoặc bán đi như bạn đã nói. Hiện tại, bạn vẫn có trách nhiệm đảm bảo đúng số lượng giày trong kho của bạn để chúng tôi đến để đếm và xử lý”. Đây là chứng cứ xác định: Các bên đã thống nhất bị đơn có trách nhiệm hoàn lại toàn bộ tiền phí vận chuyển (bao gồm cả các loại thuế và lệ phí) cho lô hàng chuyển tới sự kiện Summit. Việc bị đơn cáo buộc nguyên đơn tự ý khấu trừ chi phí là hoàn toàn không có căn cứ.

Việc tiêu hủy lô hàng 5.676 đôi giày thuộc Đơn đặt hàng Thu Đông 2017: Bị đơn cho rằng nguyên đơn đã yêu cầu bị đơn tiêu hủy là thiếu căn cứ, cụ thể: Bị đơn cho rằng đã sản xuất xong 5.676 đôi giày và cho nguyên đơn đến kiểm tra vào ngày 08/01/2018. Tuy nhiên, tại phụ lục 8 kèm theo đơn phản tố thì nội dung email trao đổi giữa các bên ngày 08/01/2018, bị đơn thông báo cho nguyên đơn còn khoảng 2.500 đôi giày chưa được may, lịch sản xuất là hoàn thành đơn hàng trước ngày 22/01/2018, đồng thời đề xuất nguyên đơn đến kiểm tra vào các ngày 23, 24 và 25/01/2018. Cũng theo trình bày của bị đơn thì nguyên đơn hoàn toàn chưa tiến hành kiểm tra cũng như nhận lô hàng 5.676 đôi giày mà gửi tại kho của bị đơn. Lí do nguyên đơn chưa thể nhận lô hàng là do ảnh hưởng tiêu cực từ sau sự cố về chất lượng sản phẩm, khiến nguyên đơn mất thị trường xuất hàng. Liên quan đến nội dung tiêu hủy, nguyên đơn khẳng định nguyên đơn chưa từng và không bao giờ yêu cầu bị đơn hủy bỏ lô hàng này. Các Đơn đặt hàng Xuân Hè 2018: Tại nội dung đơn phản tố, bị đơn đã xác nhận không tiến hành sản xuất theo đơn đặt hàng dù đã nhận được các khoản thanh toán với số tiền 102.291,55 USD. Mặc dù, bị đơn lấy lí do không thực hiện nghĩa vụ là do nguyên đơn không xác nhận lại số lượng, mẫu mã, màu sắc, nhưng tại nội dung email ngày 12/4/2018, bà Andrea đã cung cấp lại các đơn đặt hàng với ngày xuất xưởng dự kiến và yêu cầu bị đơn xác nhận lại. Sự mâu thuẫn trong chính lập luận và chứng cứ do bị đơn cung cấp, cho thấy bị đơn cố tìm ra một lí do hợp lý cho việc chiếm dụng các khoản thanh toán của nguyên đơn. Do đó, nguyên đơn bác bỏ toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn thanh toán số tiền 28.129,56 USD.

* Tại Văn bản trình bày ý kiến và Đơn phản tố ngày 17/8/2020, bị đơn Công ty TNHH MTV TNP trình bày:

Đối với Đơn đặt hàng Thu Đông 2017: Ngày 31/3/2017, nguyên đơn đặt hàng cho bị đơn sản xuất số lượng hàng hóa là 8.496 đôi giày các loại, tổng giá trị đơn hàng là 193.232,16 USD. Phương thức giao hàng: Giao cho người vận chuyển tại nhà máy của bị đơn. Thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày xuất xưởng. Sau khi đặt hàng, các bên tiến hành các công việc chi tiết về thiết kế, màu sắc, xác nhận mẫu giày, giá cả, thời gian sản xuất, kế hoạch xuất hàng, phương thức vận chuyển... Riêng nguyên đơn phải làm việc với đơn vị cung cấp đế giày, miếng lót bên trong giày... để cung cấp cho bị đơn gia công sản xuất. Đồng thời, các bên xác nhận thời hạn sản xuất xong đơn hàng dự kiến là ngày 05/7/2017. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2017, bị đơn triển khai sản xuất theo mẫu giày đã được xác nhận bởi nguyên đơn. Đến khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2017, nguyên đơn mới có kế hoạch xuất 2.820 đôi giày đến sự kiện Summit và Rackroom Hoa Kỳ, nhưng chưa có địa chỉ cụ thể. Lô hàng 5.676 đôi giày còn lại cũng dự kiến vận chuyển đến Hoa Kỳ, nhưng chưa có thông tin về thời gian xuất hàng và địa điểm nhận hàng. Thậm chí đến ngày 05/7/2017, đại diện nguyên đơn tại Việt Nam vẫn chưa biết chính xác địa chỉ của sự kiện Summit và Rackroom (nơi nhận 2.808 đôi giày). Đến ngày 06/6/2017, nguyên đơn mới xác nhận địa chỉ cuối cùng cho bị đơn và bên dịch vụ vận chuyển để làm thủ tục liên quan đến việc giao nhận hàng. Ngày 07/7/2017, bị đơn giao cho nguyên đơn lô hàng đầu tiên với số lượng 2.808 đôi giày để nguyên đơn xuất đến Summit và Rackroom Hoa Kỳ (thực tế là 2.820 đôi giày, nhưng do 12 đôi không đáp ứng yêu cầu của nguyên đơn nên loại ra), trị giá lô hàng là 63.989,64 USD. Để hoàn thiện hồ sơ Hải quan theo đúng số hàng thực tế xuất đi, nguyên đơn mới đặt Đơn hàng SS17 đề ngày 10/6/2017 với số lượng 2.808 đôi giày các loại, trị giá 63.989,64 USD và bị đơn cũng xuất hóa đơn tương ứng cho nguyên đơn. Đồng thời, bị đơn vẫn tiếp tục sản xuất số lượng hàng còn lại là 5.676 đôi giày, thực tế số giày này vẫn được bị đơn sản xuất liên tục từ tháng 5 năm 2017, đã xong một số công đoạn nhưng chưa thành phẩm. Ngày 24/7/2017, bị đơn gửi chứng từ cho nguyên đơn để yêu cầu thanh toán tiền của lô hàng đã giao là 63.989,64 USD và thanh toán cho lô hàng còn lại 5.676 đôi giày là 128.961,96 USD, nhưng nguyên đơn không thanh toán. Sự việc kéo dài đến khoảng giữa tháng 8 năm 2017, nguyên đơn lấy lý do hàng bị lỗi để trì hoãn, không thanh toán tiền cho bị đơn. Việc cho rằng hàng bị lỗi chỉ là sự trao đổi giữa nhân viên của nguyên đơn tại Hoa Kỳ với nhân viên của nguyên đơn tại Việt Nam chứ hoàn toàn không có chứng cứ chứng minh. Mặc dù, không phải do lỗi của bị đơn nhưng bị đơn vẫn cố gắng hỗ trợ nguyên đơn khắc phục “sự cố”. Một số đôi giày lỗi, kém chất lượng là do xuất phát từ miếng lót trong giày và đế giày do nguyên đơn đặt đơn vị khác sản xuất chất lượng kém, không phải do bị đơn sản xuất. Vấn đề này, trong email bị đơn gửi cho nguyên đơn ngày 23/8/2017 đã chỉ ra những đôi giày kém chất lượng mà nguyên đơn đề cập không phải lỗi của bị đơn; tại email phản hồi ngày 24/8/2017, nguyên đơn cũng thừa nhận hàng kém chất lượng không phải do lỗi của bị đơn gây ra. Mặt khác, quá trình bị đơn sản xuất đều có sự giám sát chất lượng từ phía nguyên đơn, khi giao nhận hàng nguyên đơn đã tiến hành kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa tại kho của bị đơn đảm bảo đúng chất lượng mới tiến hành đóng gói và xuất hàng. Mặc dù, nguyên đơn hiểu rõ và xác định một số đôi giày kém chất lượng không phải do lỗi của bị đơn, nhưng nguyên đơn vẫn không thanh toán cho bị đơn, ngược lại nguyên đơn còn đưa ra các đề nghị để ép bị đơn phải chấp nhận như sau:

A. “TNP (bị đơn) sẽ thu hồi lại tất cả giày được vận chuyển đến Summit (trong kho ở LA của chúng tôi và được trả lại bởi tất cả các khách hàng ở Summit của Beachbody) TNP sẽ cung cấp Ghi chú tín dụng cho số tiền này. Lily / Vinnie / Jim sẽ cung cấp số cho tôi.

B. GBP (nguyên đơn) sẽ đợi đến ngày 01 tháng 11 để thanh toán cho TNP cho đơn đặt hàng nhỏ được chuyển đến Rack Room, trong trường hợp họ muốn trả lại tất cả giày. Lily / Vinnie / Jim sẽ cung cấp số cho tôi.

C. TNP phải trả GBP tất cả chi phí vận chuyển cho số giày bị lỗi (tổng số đã gửi đi trừ cho đơn đặt hàng của Rack Room) Lily / Vinnie / Jim cung cấp số cho tôi.

D. TNP sẽ thanh toán cho tất cả chi phí vận chuyển trong tháng 11 nếu đơn đặt hàng của Rack Room được trả lại.

E. GBP sẽ trả 65% đơn đặt hàng sản xuất thứ 2 (tạm dừng do sự cố bị lỗi hàng) đại diện cho chi phí nguyên vật liệu mà TNP đã mua. TNP phải cung cấp tất cả các chi phí vật liệu và hóa đơn cho việc này.

F. TNP phải giảm giá 20% cho khoản thanh toán cuối cùng của đơn hàng Sản xuất thứ 2 này khi được giao vào đầu năm 2018”.

Do bị đơn đã giao cho nguyên đơn 2.808 đôi giày và đã sản xuất xong hơn 3.000 đôi giày và 2.500 đôi giày đã xong một số công đoạn, nhưng nguyên đơn chưa thanh toán bất kỳ khoản nào cho bị đơn, nên bị đơn đành chấp nhận đề nghị của nguyên đơn đưa ra nhằm thu hồi lại một phần chi phí mà bị đơn đã bỏ ra, đồng thời cũng thể hiện sự thiện chí hợp tác, hỗ trợ nguyên đơn trong mọi hoàn cảnh. Điều đó không có nghĩa là bị đơn thừa nhận lỗi đối với các sản phẩm lỗi như nguyên đơn đề cập trong đơn khởi kiện.

Theo nội dung hai bên thống nhất tại các điểm A, C, D, thì bị đơn có trách nhiệm: Thu hồi lại tất cả giày được vận chuyển đến Summit (trong kho ở LA của GBP và được trả lại bởi tất cả các khách hàng ở Summit của Beachbody. TNP phải trả GBP tất cả chi phí vận chuyển cho số giày bị lỗi (tổng số đã gửi đi trừ cho đơn đặt hàng của Rack Room) trong tháng 11 nếu đơn đặt hàng của Rack Room được trả lại. Nghĩa là bị đơn sẽ chờ nguyên đơn thu hồi lại các sản phẩm giày bị lỗi do khách hàng ở Summit và Rackroom trả lại để kiểm đếm số lượng (dự kiến là tháng 11 năm 2017), bị đơn cũng sẽ cử người thực hiện việc kiểm đếm tại kho của nguyên đơn ở Hoa Kỳ để xác định số lượng giày bị lỗi, lỗi có phải do bị đơn gây ra hay không và xác định chi phí vận chuyển tương ứng với số lượng giày bị lỗi.

Trong nội dung email ngày 25/8/2017, khẳng định giày đang trong sự quản lý của nguyên đơn, nguyên đơn có trách nhiệm bảo quản và bảo đảm rằng nguyên đơn không bán đi, bị đơn sẽ cử người đến kho của nguyên đơn để kiểm đếm, tính toán hàng bị trả lại và bị đơn cũng đề nghị nguyên đơn thanh toán 65% của lô hàng 5.676 đôi giày trước ngày 30/8/2017.

Đến ngày 30/8/2017, nguyên đơn thanh toán cho bị đơn số tiền 60.314,95 USD trong khoản 65% giá trị lô hàng 5.676 đôi giày, nguyên đơn còn nợ lại 23.510,32 USD. Thực tế số tiền 23.510,32 USD là do nguyên đơn tự tính toán và khấu trừ chi phí vận chuyển tương ứng của 2.148 đôi giày chuyển đến sự kiện Summit mà nguyên đơn cho là lỗi cộng với thuế dịch vụ chuyển hàng quốc tế và phí chuyển tiền khi chưa được sự đồng ý của bị đơn. Theo nội dung các bên thống nhất thì phí vận chuyển phải được tính toán dựa trên số lượng hàng bị lỗi mà bị đơn kiểm đếm, thu hồi và phải chờ đến tháng 11/2017. Thực tế, nguyên đơn chưa trả lại cho bị đơn bất kỳ đôi giày nào mà đã tự ý khấu trừ chi phí vận chuyển. Sau khi nhận được khoản thanh toán nhưng bị khấu trừ, bị đơn đã nhiều lần yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán đủ cho bị đơn 65% của lô hàng 5.676 đôi giày và lô hàng đầu tiên 2.808 đôi giày trước ngày 01/11/2017, nhưng nguyên đơn vẫn cố tình trì hoãn không thanh toán.

Cũng theo thỏa thuận của các bên vào ngày 23 và 24/8/2017, bị đơn phải giảm giá 20% cho khoản thanh toán cuối cùng của đơn hàng Sản xuất thứ 2 là 5.676 đôi giày khi được giao vào đầu năm 2018. Nghĩa là từ thời điểm ngày 23/8/2017 đến hết năm 2017, nguyên đơn không có kế hoạch xuất hàng mặc dù bị đơn đã sản xuất xong hơn 3.000 đôi giày trong tổng lô hàng nêu trên. Ngày 13 và 14/10/2017, nguyên đơn thông báo cho bị đơn về thời gian xuất lô hàng 5.676 đôi giày thuộc một phần trong Đơn đặt hàng số 170301017 phát hành ngày 31/3/2017 là ngày 10/01/2018; địa chỉ nhận hàng tại Hoa Kỳ. Ngày 04/01/2018, nguyên đơn xác nhận lại ngày nhận toàn bộ lô hàng là 10/01/2018. Ngày 05/01/2018, bị đơn xác nhận sẽ giao đủ số lượng lô hàng cho nguyên đơn vào ngày 10/01/2018 và thông báo nguyên đơn đến kiểm tra toàn bộ lô hàng 5.676 đôi giày tại xưởng của bị đơn vào ngày 08/01/2018. Đến ngày 10/01/2018, toàn bộ lô hàng 5.676 đôi giày đã được sản xuất xong, nhưng nguyên đơn thông báo hoãn nhận hàng, với lý do: Đối tác của nguyên đơn thay đổi lịch nhận hàng; đồng thời, yêu cầu bị đơn chờ nguyên đơn xác nhận lại thời gian nhận hàng và sau đó nguyên đơn không nhận hàng vì không có thị trường để xuất. Đến ngày 05/3/2018, nguyên đơn yêu cầu bị đơn xuất đi Hoa Kỳ cho nguyên đơn 576 đôi giày thuộc lô 5.676 đôi giày; thời gian dự kiến là ngày 17/3/2018. Tuy nhiên ngày 07/3/2018, nguyên đơn lại đề nghị bị đơn chờ xác nhận lại với Văn phòng ở Singapore để báo lại thời gian giao nhận, sau đó nguyên đơn thay đổi lịch trình vì không có đối tác để xuất hàng và mãi đến ngày 15/6/2018, nguyên đơn mới nhận 576 đôi giày. Số lượng giày còn lại, nguyên đơn không có kế hoạch xuất mà tiếp tục để lại kho của bị đơn.

Trong thời gian từ tháng 01/2018 đến đầu tháng 5/2018, bị đơn nhiều lần đề nghị nguyên đơn thanh toán 35% giá trị còn lại của lô hàng 5.676 đôi giày vì đã sản xuất xong và giao cho nguyên đơn tại kho của bị đơn, đồng thời thanh toán số tiền của lô hàng đầu tiên 2.808 đôi giày. Đến ngày 07/5/2018, nguyên đơn mới thanh toán cho bị đơn 35% của đơn hàng 5.676 đôi giày, tương đương 45.136,89 USD, nhưng được giảm 20% nên nguyên đơn chỉ phải thanh toán 36.089,39 USD. Số tiền 63.989,64 USD của lô hàng 2.808 đôi giày giao đợt 1 và số tiền 23.510,32 USD trong phần 65% của đơn hàng 5.676 đôi giày thì nguyên đơn vẫn chưa thanh toán. Việc nguyên đơn không có kế hoạch xuất hàng mà để ở kho bị đơn, mặc dù bị đơn nhiều lần hối thúc làm phát sinh rất nhiều chi phí liên quan. Do hàng đã sản xuất xong, nhưng lưu kho gần một năm nên chất lượng không còn như ban đầu, nguyên đơn đã đề nghị bị đơn tìm kiếm đối tác trong nước để bán giùm nhưng do là hàng gia công xuất khẩu, lại là hàng kinh doanh mẫu nên bị đơn không có đối tác để bán. Vì vậy, nguyên đơn đã đề nghị bị đơn cắt bỏ lô hàng 5.676 đôi giày nêu trên. Chứng cứ thể hiện là lời khai người làm chứng ông Nguyễn Thành Ch. Trong khi bị đơn đang cho người cắt bỏ lô hàng thì ngày 04/9/2018, nguyên đơn cho nhân viên đến kho của bị đơn lựa ra được 3.003 đôi giày để xuất đi nên bị đơn ngưng không cắt bỏ. Sau ngày 04/9/2018, nguyên đơn thường xuyên cho nhân viên đến lấy những đôi giày còn lại chưa cắt bỏ, nhưng bị đơn không thống kê số lượng bao nhiêu vì hàng là của nguyên đơn, nằm trong sự kiểm soát của nguyên đơn nên thuộc quyền định đoạt, quyết định của nguyên đơn; việc bị đơn cắt bỏ hơn 2.000 đôi giày là thực hiện giùm cho nguyên đơn, không tính toán bất kỳ chi phí liên quan nào như: chi phí nhân công, chi phí máy móc, thiết bị dùng cho việc cắt bỏ .v.v...

Đối với Đơn đặt hàng Xuân Hè 2018 theo Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP (viết tắt là đơn hàng SS18): Ngày 16/11/2017, nguyên đơn đặt đơn hàng cho mùa Xuân Hè 2018 với 3 đơn, gồm: Đơn đặt hàng ngày 03/10/2017, Đơn đặt hàng ngày 01/11/2017 và Đơn đặt hàng ngày 14/11/2017 với số lượng 8.028 đôi giày các loại; tổng trị giá đơn hàng là 169.629,72 USD. Theo quy định tại Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP thì nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho bị đơn 35% giá trị đơn hàng trong vòng 05 ngày làm việc, sau khi bị đơn đồng ý nhận đơn hàng. Ngoài ra, nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn toàn bộ chi phí khai phát bao gồm nguyên vật liệu, công cụ sản xuất (khuôn, dao, khuôn ấn, bàn ép, thêu, in...) vì đơn hàng đều có mã giày sản xuất dưới 10.000 đôi giày. Bị đơn nhiều lần đề nghị nguyên đơn thanh toán 35% giá trị đơn hàng nhưng đến ngày 06/3/2018, nguyên đơn mới thanh toán cho bị đơn 35% giá trị đơn hàng, tương đương 59.370,40 USD, tức là trì hoãn thanh toán chậm hơn 03 tháng so với quy định tại Hợp đồng. Sau khi nhận đơn hàng của nguyên đơn, bị đơn đã chuẩn bị công cụ, nguyên vật liệu... sẵn sàng cho việc sản xuất, nhưng ngày 27/02/2018 nguyên đơn gửi email thông báo thay đổi số lượng hàng giảm 3.780 đôi giày nên đơn hàng chỉ còn 4.248 đôi giày. Đến ngày 06/3/2018, nguyên đơn tiếp tục gửi yêu cầu thay đổi màu sắc, mẫu mã của số lượng giày còn lại. Ngày 21/3/2018, nguyên đơn thanh toán chi phí công cụ cho bị đơn số tiền 18.561,40 USD. Đến ngày 28/5/2018, nguyên đơn thanh toán thêm 24.346,35 USD chi phí nguyên vật liệu đối với phần đơn hàng bị hủy.

Sau khi được thanh toán 35% giá trị đơn hàng và chi phí nguyên vật liệu, bị đơn với nguyên đơn đã lên kế hoạch sản xuất đơn hàng, xác nhận ngày xuất xưởng, nhưng ngày 12/4/2018 nguyên đơn đề nghị bị đơn chờ nguyên đơn xác nhận lịch sản xuất sau khi nguyên đơn có lịch biểu thương mại hóa vì lúc này nguyên đơn vẫn chưa có lịch biểu thương mại hóa cụ thể. Từ đó đến nay, nguyên đơn không xác nhận lại số lượng, mẫu mã, màu sắc...như nguyên đơn đã thông báo nên bị đơn không thể tiến hành sản xuất. Do vậy, bị đơn đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vì các lý do:

- Lô hàng 2.808 đôi giày giao đợt 1: Bị đơn đã sản xuất và giao đúng thời hạn, đúng chất lượng và cung cấp đầy đủ chứng từ liên quan cho nguyên đơn, nhưng nguyên đơn chưa thanh toán và hiện còn nợ bị đơn số tiền 63.989,64 USD.

- Đối với yêu cầu buộc bị đơn thanh toán 45.521,96 USD của 2.015 đôi giày, nguyên đơn cho rằng bị đơn chưa giao trong lô hàng 5.676 đôi giày là không có căn cứ. Bởi lẽ, bị đơn đã sản xuất theo đúng tiến độ và kế hoạch, nhưng nguyên đơn liên tục thay đổi kế hoạch xuất hàng và để lưu tại kho của bị đơn hơn 01 năm, thay vì 03 tháng như kế hoạch ban đầu gây rất nhiều tổn thất cho bị đơn về chí phí kho bãi. Đối với lô hàng này, nguyên đơn còn nợ bị đơn số tiền 23.510,32 USD trong phần 65% của đơn hàng 5.676 đôi giày. Đây là khoản tiền mà nguyên đơn đã tự ý khấu trừ chi phí vận chuyển hàng đến sự kiện Summit và Rackroom trái với thỏa thuận.

- Đối với yêu cầu liên quan đến Đơn hàng SS18: Khoản chi phí khai phát gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí công cụ theo như thỏa thuận trong Hợp đồng và thỏa thuận của các bên thì nguyên đơn phải gánh chịu trong quá trình xử lý việc hủy bỏ, thay đổi đơn hàng. Bị đơn không có nghĩa vụ phải hoàn trả lại. Tính đến nay, nguyên đơn còn nợ bị đơn tổng số tiền là 87.499,96 USD. Nếu bị đơn phải hoàn trả khoản tiền 35% giá trị đơn hàng 8.028 đôi giày, tương đương 59.370,40 USD thì cũng nhỏ hơn khoản nợ mà nguyên đơn còn nợ bị đơn.

- Đối với yêu cầu tính lãi chậm thanh toán: Như trình bày trên, hiện nay nguyên đơn vẫn còn nợ bị đơn nên việc nguyên đơn yêu cầu tính lãi là không có căn cứ. Mặt khác, theo thỏa thuận của các bên về giá cả và đồng tiền thanh toán là USD, nhưng nguyên đơn lấy lãi suất bình quân của đồng tiền thanh toán là VNĐ để tính lãi là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Do đó, bị đơn có đơn phản tố yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn số tiền 28.129,56 USD tương đương số tiền 648.667.653 đồng.

Người làm chứng ông Nguyễn Thành Ch xác định: Ông là người được ông Killick thuê làm Giám đốc chất lượng và kỹ thuật cho nguyên đơn Global Brand Partners tại Việt Nam trong quá trình giao dịch với bị đơn. Trong quá trình giao dịch, ông Ch lấy tên là Trung hoặc David, giữa ông Ch với nguyên đơn và bị đơn không có mâu thuẫn gì với nhau. Trong quá trình làm việc cho nguyên đơn, ông Ch là người trực tiếp kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất xưởng, đóng gói; hàng đạt chất lượng phải được ông Ch kiểm tra, ký duyệt mới cho xuất đi các nước. Lô hàng 5.676 đôi giày bị đơn đã sản xuất xong, nhưng do nguyên đơn để lâu không xuất nên chất lượng giảm; sau cuộc họp trực tiếp với ông Killick, theo yêu cầu của ông Killick thì ông Ch là người trực tiếp kiểm tra để loại ra những đôi giày không đạt chất lượng mang đi hủy bằng cách chặt bỏ, không cho xuất đi. Do muốn giữ mối quan hệ với bị đơn, nguyên đơn đặt bị đơn 03 đơn đặt hàng Xuân Hè 2018 với số lượng 8.028 đôi giày, nhưng thực tế là đơn hàng ảo vì sau đó liên tục giảm số lượng.

Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2021/KDTM-ST ngày 22/01/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 144, 147, 235, 264, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 6, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ các Điều 10, 12 và 14 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005; các Điều 180, 181, 182, 292, 306, 308, điểm a khoản 4 Điều 312, Điều 314 của Luật Thương mại 2005; các Điều 117, 119, 280, 388, khoản 4 Điều 400, Điều 401, 405, 410, 411, 413 và điểm a khoản 2 Điều 683 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài”.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD đối với bị đơn Công ty TNHH MTV TNP, như sau:

1.1. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH MTV TNP về việc đồng ý trả lại cho Global Brand Partners PTE LTD khoản tiền 35% giá trị đơn hàng theo Hợp đồng khai phát mẫu - Sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP và 03 Đơn đặt hàng số 171007005 ngày 03/10/2017, số 171007032 ngày 01/11/2017 và số 171007037 ngày 14/11/2017 là 59.370,40 USD, tương đương 1.375.315.316 đồng.

1.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Global Brand Partners PTE LTD về việc buộc Công ty TNHH MTV TNP phải thanh toán 45.521,96 USD giá trị của 2.015 đôi giày và 42.921,15 USD (trong đó: Chi phí công cụ là 18.561,40 USD và chi phí nguyên vật liệu của 3.238 đôi giày là 24.359,75 USD theo Hóa đơn thương mại số NP20180507 ngày 07/5/2018), tổng cộng là: 88.443,11 USD, tương đương số tiền 2.048.784.643 đồng.

1.3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Global Brand Partners PTE LTD về việc buộc Công ty TNHH MTV TNP trả lãi suất chậm trả cho đến ngày xét xử sơ thẩm, theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình là 10.825%/năm đối với các khoản nợ với số tiền 1.026.279.550 đồng.

2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH MTV TNP đối với nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD.

Buộc Global Brand Partners PTE LTD phải thanh toán cho Công ty TNHH MTV TNP 63.989,64 USD giá trị của lô hàng 2.808 đôi giày đã nhận và 23.510,32 USD còn nợ trong phần 65% của lô hàng 5.676 đôi giày; tổng cộng là 87.499,96 USD tương đương số tiền 2.026.936.573 đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn quyết định về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm; về lãi suất, quyền và nghĩa vụ trong thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 05 tháng 02 năm 2021 ông Tăng Mạnh C người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Căn cứ và yêu cầu kháng cáo: Người kháng cáo có căn cứ cho rằng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá một cách khách quan và toàn diện các chứng cứ được giao nộp, với lời khai của người làm chứng tại phiên tòa, dẫn đến việc đưa ra các nhận định chưa chính xác với sự thật khách quan của vụ việc. Vì vậy, người kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn; Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Xem xét lại án phí sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Ông Tăng Mạnh C đại diện hợp pháp của nguyên đơn có kháng cáo, trình bày: Giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, do: Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chưa đánh giá một cách toàn diện các chứng cứ được giao nộp và nội dung lời khai của nhân chứng tại phiên tòa sơ thẩm. Quyết định của bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn buộc nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn số tiền 63.989,64 USD giá trị lô hàng 2.808 đôi giày đã nhận và 23.510,032USD còn nợ trong phần 65% của lô hàng 5.676 đôi giày là không có căn cứ pháp luật, trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

- Người làm chứng ông Ch, trình bày: Ông Ch là người đại diện của nguyên đơn tại Việt Nam, quá trình thực hiện hợp đồng giữa nguyên đơn và bị đơn thì khâu kiểm tra chấp lượng hàng gia công, cho xuất hàng là thuộc thẩm quyền của ông Ch, do nguyên đơn giao, ông Ch đã thực hiện đúng việc kiểm tra chất lượng hàng hóa và đồng ý nhận hàng nên sau khi giao hàng thì trách nhiệm của bị đơn không còn, ông Ch bảo lưu lời trình bày tại cấp sơ thẩm.

- Luật sư Lê Xuân L, trình bày: Tòa cấp sơ thẩm nhận định sai lầm trong đánh giá chứng cứ, do trách nhiệm giao hàng, địa chỉ giao hàng là tại kho của bị đơn, việc nguyên đơn thay đổi địa điểm giao hàng là không ảnh hưởng đến trách nhiệm của bị đơn, vì đơn vị vận chuyển hàng có trách nhiệm nhận hàng từ kho của bị đơn sau đó giao đến địa chỉ theo yêu cầu của nguyên đơn. Nên việc Tòa sơ thẩm cho rằng lỗi của nguyên đơn là thay đổi địa chỉ giao hàng là không đúng.

- Luật sư Nguyễn Huy Th1, trình bày: Thống nhất với Luật sư Lộc và bổ sung:

+ Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là không có căn cứ, do bị đơn không có thay đổi địa chỉ và Tòa sơ thẩm đã tống đạt văn bản tố tụng cho bị đơn, sau đó đã tổ chức phiên hợp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải biên bản đã lập xong thì bị đơn mới có yêu cầu phản tố nên theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì bị đơn không có quyền phản tố nhưng cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận xem xét yêu cầu phản tố của bị đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là không đúng pháp luật.

+ Nội dung trình bày của người làm chứng ông Ch là không khách quan, do ông Ch có mâu thuẫn với nguyên đơn là bị nguyên đơn cảnh cáo trong quá trình làm đại diện cho nguyên đơn và ông Ch trình bày có kết luận cho rằng nguyên đơn có lỗi trong thực hiện hợp đồng là không đúng theo tư cách của người làm chứng. Nên trình bày của ông Ch là không đáng tin cậy.

Vì thế, Luật sư L, Th1 đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Đại diện bị đơn ông Ph, trình bày: Thời gian giao hàng đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên đơn, vì biết được thời gian và địa điểm giao hàng thì bị đơn mới có thời gian chuẩn bị; lời khai của ông Ch người làm chứng là hoàn toàn khách quan, đúng sự thật, Luật sư không có quyền phủ nhận cho rằng lời trình bày của ông Ch là không khách quan...Ông Phú bảo lưu lời trình bày của mình theo nội dung án sơ thẩm, do đó đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.

- Đại diện viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án, từ khi thụ lý đến thời điểm hiện nay thấy rằng Thẩm phán; Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, không có vi phạm.

Đối với kháng cáo của nguyên đơn: Qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai người làm chứng và diễn biến tại phiên tòa, có căn cứ xác định: Việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán 45.521,96 USD vì cho rằng bị đơn giao thiếu 2.015 đôi giày trong tổng số 5.676 đôi giày là không có căn cứ, vì số giày trên bị đơn hủy theo yêu cầu của nguyên đơn; đối với yêu cầu trả 102.291,50 USD nhận thấy: Theo thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP thì chi phí công cụ và nguyên vật liệu với số tiền 42.721,10 USD nguyên đơn phải chịu; đối với khoản tiền 35% giá trị đơn hàng 8.028 đôi giày tương đương 59.570,40 USD, tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn yêu cầu đình chỉ việc thực hiện hợp đồng, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền trên là có căn cứ; về yêu cầu trả lãi chậm thanh toán của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận. Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn trả số tiền 87.499,96 USD và đồng ý khấu trừ vào số tiền 59.570,40 USD nên buộc nguyên đơn phải trả cho bị đơn số tiền 28.129,56 USD là có căn cứ chấp nhận. Do quyết định của Tòa cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thể hiện tại hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét toàn diện các chứng cứ; ý kiến trình bày của các đương sự; căn cứ vào kết quả tranh tụng và phát biểu của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Theo văn bản ủy quyền của nguyên đơn được hợp pháp hóa lãnh sự ngày 04/11/2019 thì nguyên đơn ủy quyền cho ông Tăng Mạnh C và bà Nguyễn Thị Anh Th được tham gia tố tụng tại Tòa án các cấp và có quyền kháng cáo. Nên việc ông Tăng Mạnh C đại diện nguyên đơn kháng cáo là đúng nội dung ủy quyền. Tòa sơ thẩm xét xử và tuyên án ngày 22/01/2021 đến ngày 05/02/2021 ông Tăng Mạnh C có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Nên kháng cáo của ông Tăng Mạnh C là hợp lệ được xem xét tại cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

[2] Theo đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung thì nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán các khoản nợ: 45.521,96 USD, tương đương số tiền 1.053.560.200 đồng của 2.015 đôi giày mà bị đơn chưa giao cho nguyên đơn trong thỏa thuận của 5.676 đôi giày mang nhãn hiệu Astral và Velocity cho kỳ Thu Đông 2017 theo Hóa đơn thuế số 20180006 ngày 29/8/2018 (BL194) và 102.291,55 USD tương đương số tiền 2.352.705.600 đồng là các khoản tiền tạm ứng liên quan đến các Đơn đặt hàng mùa Xuân Hè 2018 theo Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP ngày 27/10/2017. Đồng thời, bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của 03 Ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm) là 10,825%/năm từ thời điểm đến hạn thanh toán tới thời điểm thanh toán các khoản nợ trên với số tiền 633.378.966 VND. Tổng cộng bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền:

1.053.560.200 + 2.352.705.600 + 633.378.966 = 4.039.644.766 VND.

- Ngày 17/8/2020, bị đơn có đơn phản tố cho rằng: Hiện nay, nguyên đơn còn nợ bị đơn số tiền 87.499,96 USD, nếu trừ khoản tiền 35% giá trị đơn hàng 8.028 đôi giày mà nguyên đơn đã thanh toán, tương đương 59.370,40 USD thì nguyên đơn vẫn còn nợ bị đơn số tiền 28.129,56 USD. Do đó, bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn 28.129,56 USD tương đương số tiền 648.667.653 đồng. Xét, Đơn phản tố của bị đơn, nhận thấy: Ngày 17/6/2020, người đại diện hợp pháp của bị đơn được Tòa án cho tiếp cận, công khai chứng cứ do nguyên đơn cung cấp, nhưng đến ngày 17/8/2020 bị đơn mới cung cấp các tài liệu, chứng cứ và có đơn phản tố là quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, yêu cầu phản tố của bị đơn có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng mua bán, gia công hàng hóa và thanh toán giữa hai bên, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự; mặt khác, nguyên đơn có lỗi trong việc không cung cấp chính xác địa chỉ của bị đơn nên đến ngày 03/6/2020, bị đơn mới nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án dẫn đến việc phản tố quá hạn; bên cạnh đó nếu cho rằng bị đơn phản tố quá hạn theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự và Tòa sơ thẩm trả lại đơn phản tố thì bị đơn có quyền yêu cầu khởi kiện bằng vụ án khác và Tòa sơ thẩm cũng phải thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, khi đã thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn thì khi đó Tòa sơ thẩm cũng phải căn cứ khoản 1 Điều 42 Bộ luật tố tụng dân sự để nhập 02 vụ án thành một vụ án để giải quyết đúng pháp luật và nhanh chóng. Do đó, Tòa án cần chấp nhận Đơn phản tố của bị đơn để việc giải quyết cùng vụ án được chính xác, nhanh chóng là có căn cứ, đúng pháp luật.

- Về nội dung:

Đối với kháng cáo của nguyên đơn, xét:

[1] Xét quá trình giao kết hợp đồng, nhận thấy: Hai bên đương sự đều thống nhất quá trình đặt hàng và trao đổi đều thực hiện qua email. Theo nội dung các email thể hiện: Từ ngày 25/3 đến ngày 29/3/2017, nguyên đơn với bị đơn trao đổi email với nhau về chủ đề “mua giày và mua vớ”. Ngày 31/3/2017, nguyên đơn có Đơn đặt hàng số PO 170307027 để đặt bị đơn sản xuất số lượng hàng hóa là 8.496 đôi giày các loại, tổng giá trị đơn hàng là 193.232,16 USD; “Điều khoản thanh toán: Net 30 ngày”; địa điểm nhận hàng tại kho của bị đơn (BL407). Chứng cứ thể hiện tại nội dung email ngày 18/7/2017, nguyên đơn xác nhận: “Đây là 1 phần của PO 170307027 đã được giao hàng ngày 7 và 8 của tháng 7 thông qua UPS đến Summit và Rackroom cho 2.820 đôi. PO 170307027 là cho 8.496 – 2.820 (trước đó) = còn lại 5.676” (BL464). Theo nội dung email trao đổi từ ngày 25/4 đến ngày 27/4/2017, hai bên thống nhất kế hoạch sản xuất như sau: Từ ngày 30/4 đến ngày 16/6 là 45 ngày để đặt hàng và chuẩn bị nguyên vật liệu; ngày 16/6 bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt; ngày 05/7 là hoàn tất đơn hàng. Thời hạn thanh toán: 30 ngày kể từ ngày xuất xưởng; phương thức giao hàng: “Bằng đường hàng không”, nguyên đơn xác định: “Chúng tôi sẽ sử dụng Đại lý/đối tác tại Việt Nam là Global Star Logistics Co.LTD, địa chỉ: Tầng 9, Tòa nhà VCCI, 171 Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam” (BL410, 414). Theo nội dung Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP ngày 27/10/2017 giữa nguyên đơn (bên A) với bị đơn (bên B) thì hai bên xác định: “Phương thức giao/xuất hàng: FCA - giao hàng cho người vận chuyển; giao/xuất hàng theo đợt: Theo đơn hàng của bên A, và có xác nhận của bên A và bên B”; địa điểm giao/xuất hàng: Tại xưởng của bên B: Số 32/3, đường ĐT 743, khu phố BQ, p BC, TX. TA, T. Bình Dương” (BL528, 529). Căn cứ quy định tại các Điều 10, 12 và 14 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 về “Hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu” “được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”; “Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết” và có giá trị làm chứng cứ.

Do đó, các emai trao đổi giữa hai bên được xem là chứng cứ chứng minh mối quan hệ giao dịch mua bán và gia công hàng hóa giữa hai bên.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn và quá trình thực hiện hợp đồng, nhận thấy: Ngày 01/7/2017, nguyên đơn và bị đơn thống nhất: “Đối với đợt gửi hàng đầu tiên cho lô hàng 2.820 đôi, vui lòng thực hiện theo yêu cầu của David bên dưới để gửi riêng cho khách hàng Summit (đánh dấu vàng) và khách hàng Rackroom (đánh dấu đỏ); ...gửi hàng đợt 1: 2.820 đôi (khách hàng Summit & Rackroom) gửi đến USA; gửi hàng đợt 2: 5.580 đôi gửi đến USA, 96 đôi gửi đến Singapore”, nhưng không xác định cụ thể thời gian xuất hàng và địa điểm nhận hàng (BL421). Đến 09 giờ 56 phút sáng ngày 04/7/2017, đại diện nguyên đơn tại Việt Nam mới xác định địa chỉ nơi nhận 2.808 đôi giày (do có 12 đôi không đáp ứng yêu cầu nên nguyên đơn loại ra) sẽ chia thành 02 đơn hàng, gửi bằng đường hàng không thông qua UPS đến Summit theo địa chỉ MSY - Sân bay Quốc tế Louis Armstrong New Orleans và gửi đến Rackroom theo địa chỉ LAX - Sân bay Los Angles (BL425, 426). Tuy nhiên, đến 10 giờ 59 phút ngày 05/7/2017 thì nguyên đơn lại thay đổi địa chỉ, nhưng không xác định được chính xác địa chỉ nơi nhận hàng, cụ thể: “Địa chỉ của Summit là ở New Orleans. Và ở Rackroom là một nhà kho riêng. Tôi đang hỏi địa chỉ và thông tin chính xác cho các lô hàng gửi qua UPS” (BL429). Đến ngày 08/7/2017, nguyên đơn mới xác nhận địa chỉ nhận hàng tại Rackroom là nhà kho của Rackroom tại Atlanta (BL430). Cho thấy, quá trình giao nhận hàng nguyên đơn là người có lỗi trong việc chuyển hàng chậm, do liên tục thay đổi địa chỉ nơi nhận hàng. Trước đó, để hoàn thiện hồ sơ hải quan theo đúng số lượng hàng xuất đi, nguyên đơn lập Đơn đặt hàng số SS17 đề ngày 10/6/2017 với số lượng 2.808 đôi giày các loại, trị giá 63.989,64 USD (BL448), thay vì số lượng lô hàng theo thỏa thuận ban đầu là 2.820 đôi giày và bị đơn đã xuất Hóa đơn thương mại số TNP20170707 ngày 07/7/2017, Hóa đơn thương mại chi tiết cho nguyên đơn với số lượng giày và giá trị tương ứng (BL451). Ngày 31/7/2017, nguyên đơn đã nhận được các hóa đơn thương mại nêu trên (BL466), nhưng nguyên đơn không thanh toán số tiền trên cho bị đơn là vi phạm nghĩa vụ thanh toán tại Đơn đặt hàng số PO 170307027 ngày 31/3/2017.

[3] Theo thỏa thuận thì ngoài việc thanh toán khoản tiền đã nêu tại mục [2] trên, nguyên đơn còn phải thanh toán cho bị đơn 65% giá trị của lô hàng 5.676 đôi giày còn lại theo đơn đặt hàng, tương ứng 128.961,96 USD nhưng nguyên đơn không thanh toán (Chứng cứ thể hiện tại Email trao đổi từ ngày 13/7/2017 đến 31/7/2017). Đến tháng 8 năm 2017, nhân viên của nguyên đơn tại Hoa Kỳ trao đổi với nhân viên của nguyên đơn tại Việt Nam cho rằng: Hàng bị lỗi và đưa ra các yêu cầu buộc bị đơn phải chấp nhận như sau:

A. “VMC (tức bị đơn) sẽ thu hồi lại tất cả giày được vận chuyển đến Summit (trong kho ở LA của chúng tôi và được trả lại bởi tất cả các khách hàng ở Summit của Beachbody) VMC sẽ cung cấp Ghi chú tín dụng cho số tiền này. Lily/Vinnie/Jim sẽ cung cấp số cho tôi.

B. GBP (tức nguyên đơn) sẽ đợi đến ngày 01 tháng 11 để thanh toán VMC cho đơn đặt hàng nhỏ được chuyển đến Rack Room, trong trường hợp họ muốn trả lại tất cả giày. Lily/Vinnie/Jim sẽ cung cấp số cho tôi.

C. VMC phải trả GBP tất cả chi phí vận chuyển cho số giày bị lỗi (tổng số đã gửi đi trừ cho đơn đặt hàng của Rack Room) Lily/Vinnie/Jim cung cấp số cho tôi.

D. VMC sẽ thanh toán cho tất cả chi phí vận chuyển trong tháng 11 nếu đơn đặt hàng của Rack Room được trả lại.

E. GBP sẽ trả 65% đơn đặt hàng sản xuất thứ 2 (tạm dừng do sự cố bị lỗi hàng) đại diện cho chi phí nguyên vật liệu mà VMC đã mua. VMC phải cung cấp tất cả các chi phí vật liệu và hóa đơn cho việc này.

F. VMC phải giảm giá 20% cho khoản thanh toán cuối cùng của đơn hàng Sản xuất thứ 2 này khi được giao vào đầu năm 2018” (BL477).

Tuy nhiên, nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ để chứng minh bị đơn sản xuất hàng kém chất lượng. Do đó, lúc 01 giờ 32 phút chiều ngày 23/8/2017, người đại diện hợp pháp của bị đơn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Ng gửi email phản hồi đề nghị của phía nguyên đơn, đã xác định: Những đôi giày kém chất lượng mà nguyên đơn đề cập không phải do lỗi của bị đơn, tuy nhiên bị đơn vẫn chấp nhận các yêu cầu nêu tại điểm A, B, C, D mà nguyên đơn đưa ra và “đồng ý giảm giá 20% cho phần còn lại của khoản thanh toán 35% của đơn hàng sản xuất thứ hai” (BL478-481); tại email phản hồi ngày 23/8/2017, nguyên đơn cũng xác định: “Tôi đã không bắt buộc VMC phải chịu trách nhiệm về việc này. Bộ phận phát triển Việt Nam chúng tôi có trách nhiệm giám sát việc này cùng với nhà cung cấp lót giày. Bộ phận phát triển và kiểm soát chất lượng Việt Nam của chúng tôi đã thất bại trong việc nắm bắt vấn đề này...Một lần nữa, đây không phải là vấn đề của VMC. Tôi coi đây là một thất bại của GBP...” (BL479). Theo thống nhất tại các điểm A, C, D, thì bị đơn có trách nhiệm: “Thu hồi lại tất cả giày được vận chuyển đến Summit (trong kho ở LA của GBP và được trả lại bởi tất cả các khách hàng ở Summit của Beachbody. VMC phải trả GBP tất cả chi phí vận chuyển cho số giày bị lỗi (tổng số đã gửi đi trừ cho đơn đặt hàng của Rack Room) trong tháng 11 nếu Đơn đặt hàng của Rack Room được trả lại”. Do đó, không có căn cứ xác định giày bị lỗi là do bị đơn gây ra. Tuy nhiên, theo thỏa thuận trên thì bị đơn phải chờ nguyên đơn thu hồi các đôi giày bị lỗi do khách hàng ở Summit và Rackroom trả lại trong tháng 11 năm 2017 và bị đơn sẽ cử người đến kho của nguyên đơn tại Hoa Kỳ để thực hiện việc kiểm đếm, xác định số lượng giày bị lỗi có phải do bị đơn gây ra hay không và xác định chi phí vận chuyển tương ứng với số lượng giày bị lỗi mà bị đơn phải gánh chịu; nguyên đơn phải có trách nhiệm bảo quản và không bán đi các sản phẩm trên để bị đơn kiểm đếm, tính toán hàng trả lại. Ngày 14/8/2017, bị đơn xuất Hóa đơn thương mại số TNP20170814 đối với 65% giá trị nguyên vật liệu của lô hàng 5.676 đôi giày cho nguyên đơn với số tiền 83.825,27 USD (BL243). Nhưng đến ngày 29/8/2017 nguyên đơn tự khấu trừ 23.471,13 USD chi phí vận chuyển 2.148 đôi giày đến Summit theo Hóa đơn thuế, dịch vụ chuyển hàng quốc tế mà nguyên đơn cho rằng bị đơn phải chịu nên chỉ chuyển thanh toán cho bị đơn 60.354,14 USD giá trị nguyên vật liệu của lô hàng 5.676 đôi giày (BL248), thực tế bị đơn chỉ nhận được 60.314,96 USD do khi chuyển tiền nguyên đơn tự khấu trừ 39,19 USD chi phí ngân hàng (BL196); do bị đơn chỉ nhận được số tiền 60.314,95 USD vào ngày 30/8/2017. Vì vậy, ngày 30/8/2017 bị đơn gửi email cho nguyên đơn, xác định: Đồng ý cho nguyên đơn khấu trừ 23.510,32 USD (23.471,13 USD + 39,19 USD), nhưng “nếu việc tính toán kết thúc vào ngày 01/11 với số lượng nhỏ hơn 2.148 đôi giày” thì nguyên đơn phải trả lại cho bị đơn (BL485); tuy nhiên, cho đến nay hai bên đương sự vẫn chưa gặp nhau để tiến hành kiểm đếm, tính toán số lượng giày bị đơn phải thu hồi theo thỏa thuận tại điểm A, trong khi đến nay nguyên đơn cũng không có chứng cứ chứng minh lô hàng 2.148 đôi giày chuyển đến Summit bị trả lại và nguyên nhân giày bị trả lại là do lỗi của bị đơn. Bên cạnh đó, theo thỏa thuận giữa hai bên tại Điều 3 của Hợp đồng thì “phí ngân hàng của bên A sẽ do bên A trả, của bên B sẽ do bên B trả”. Việc nguyên đơn tự khấu trừ 39,19 USD không thanh toán khi chưa được sự đồng ý của bị đơn là không có căn cứ, trái với thỏa thuận nêu trên của hai bên.

[4] Đối với việc giao nhận lô hàng 5.676 đôi giày còn lại, nhận thấy: Ngày 24/10/2017, nguyên đơn gửi email thông báo Đơn đặt hàng số PO 170307027 ngày 31/3/2017 còn lại 5.676 đôi giày và xác định: “Số lượng hàng còn lại của các mùa FW17 là ngày 10/01/2018, do đó bên anh không cần phải vội vã sản xuất lô hàng này. Sẽ tiết kiệm thời gian cho nhà máy bên anh khi sắp xếp các mẫu FW18 để còn kịp chỉ tiêu của ngày 24/11” (BL497). Ngày 04/01/2018, nguyên đơn gửi email thông báo thời gian chuyển toàn bộ lô hàng 5.676 đôi giày là ngày 10/01/2018; ngày 05/01/2018, bị đơn thông báo cho nguyên đơn đến nơi bị đơn “để tiến hành kiểm tra toàn bộ bắt đầu từ thứ hai tới, ngày 08/01”, đồng thời gửi kèm theo hóa đơn cho 35% giá trị còn lại của Đơn hàng FW17 (BL498); đến ngày 08/01/2018, bị đơn xác định: “Đã hoàn thành một số đơn hàng, vui lòng sắp xếp thời gian đến kiểm tra” (BL499). Nhưng đến ngày 10/01/2018, nguyên đơn lại gửi email thông báo “lô hàng này sẽ bị hoãn chuyển ra nước ngoài thay vì tới Mỹ” (BL500) nên ngày 11/01/2018 bị đơn đã có ý kiến phản hồi: “Lô hàng cứ liên tục hoãn đi hoãn lại rồi các vị lại yêu cầu chúng tôi sản xuất, xong lại hoãn…hãy cho chúng tôi chỉ dẫn khi nào thì các vị sẽ nhận lô hàng này” (BL501). Cho thấy, lô hàng 5.676 đôi giày còn lại đã được bị đơn sản xuất xong, nhưng nguyên đơn không đến kiểm hàng để xuất, liên tục trì hoãn thời gian nhận hàng. Mãi đến ngày 05/3/2018, nguyên đơn mới gửi email thông báo cho bị đơn chuyển 576 đôi giày trong lô hàng 5.676 đôi giày, thời gian dự kiến là ngày 17/3/2018 nhưng không xác định nơi nhận hàng; đến ngày 07/3/2018, nguyên đơn lại gửi email đề nghị bị đơn chờ kết quả xác nhận lại với bên Văn phòng Singapore về thời gian giao nhận (Theo các Tờ khai hàng hóa xuất khẩu thì đến ngày 15/6/2018, nguyên đơn mới tiến hành chuyển 576 đôi giày trong số trên đến Los Angeles (BL511, 515-520). Do số lượng giày đã sản xuất xong, nhưng nguyên đơn không kiểm tra để xuất nên ngày 12/4/2018, bị đơn tiếp tục gửi email cho nguyên đơn yêu cầu: “Sản xuất mã hàng FW17 sản phẩm giày hoàn thiện đã hoàn tất và vẫn được cho vào kho. Nhóm chúng tôi muốn biết khi nào Công ty TNP của chúng tôi có thể giao giày…Bạn có thể vui lòng cho chúng tôi thời gian có thể bắt đầu việc kiểm tra” (BL626); đồng thời, yêu cầu nguyên đơn thanh toán 35% giá trị còn lại của lô hàng 5.676 đôi giày và thanh toán tiền của lô hàng 2.808 đôi giày đã nhận. Đến ngày 07/5/2018, nguyên đơn thanh toán 35% giá trị của lô hàng 5.676 đôi giày, tương đương 45.136,69 USD theo Hóa đơn thương mại số TNP20170814 ngày 14/8/2017, nhưng được giảm 20% theo điểm F của thỏa thuận nên nguyên đơn chỉ thanh toán 36.089,39 USD, số tiền 63.989,64 USD của lô hàng 2.808 đôi giày và số tiền 23.510,32 USD trong phần 65% của lô hàng 5.676 đôi giày nguyên đơn vẫn không thanh toán. Số lượng giày còn lại, nguyên đơn không có kế hoạch xuất mà vẫn để tại kho của bị đơn gần 01 năm.

[5] Xét thấy, theo thỏa thuận giữa hai bên thì việc giao nhận hàng được thực hiện tại kho của bị đơn; căn cứ nội dung các email đã trích dẫn tại mục [4] trên, có căn cứ xác định: Từ ngày 08/01/2018, bị đơn đã sản xuất đủ số lượng hàng 5.676 đôi giày và nhiều lần yêu cầu nguyên đơn đến kho của bị đơn kiểm tra nhận hàng, nhưng nguyên đơn nhiều lần trì hoãn, không cho người đến kiểm tra hàng để xuất mà để tại kho của bị đơn; theo nội dung email ngày 18 và 27/9/2018 (BL322, 323), thể hiện: Ngày 27/9/2018, nguyên đơn đã xuất “số lượng 3.003 đôi FW17 đã xuất ra khỏi TNP, sau khi tách 52 đôi đi Nhật thì còn 2.951 đôi” “xuất đi một nước nào đó” nên lời trình bày của người đại diện hợp pháp cho bị đơn là có căn cứ. Bởi lẽ, theo nội dung email bà Nga gửi cho ông Killick ngày 16/10/2018, thể hiện: “Như cuộc họp vừa rồi với ông và Team của ông hôm thứ sáu tuần rồi, tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:

1/ Hiện tại TNP đã thông báo ngưng ko tiếp tục khai phát mùa mới của GBB do đã khai phát nhiều lần nhưng ko có đơn hàng, chi phí khai phát cao dẫn đến lỗ lã nên TNP ko tiếp tục khai phát mẫu mới của GBB (GBP).

2/ Ngoài vấn đề khai phát thì hiện tại TNP cũng yêu cầu GBB phối hợp xử lí gấp vấn đề sản xuất như sau:

A/ Đơn hàng sản xuất của mùa FW17: Lô hàng xuất đợt đầu tổng cộng 2.808 Prs, công nợ như file đính kèm, cộng thêm chi phí xuất UPS của lô hàng đó, GBB đã tự ý khấu trừ khi trả TNP công nợ khác, yêu cầu GBB nhanh chóng xử lí cho TNP. Số còn lại ko xuất hàng của BB trong lô hàng FW17 xuất cho đợt 2 bên GBB đễ quá lâu ko xuất, sau đó GBB có cho người đến kiểm tra lại chất lượng, lựa chọn lại những đôi giày đạt để xuất, ngoài những số lượng BB cắt bỏ hiện vẫn còn một số tồn tại kho TNP, nếu GBB ko nhanh chóng xử lí, TNP sẽ cắt bỏ.

B/ Đơn hàng sản xuất FW18: Số lượng GBB sau khi xuống đơn và hủy đơn, một số nguyên vật liệu GBB đã trả tiền thì GBB có thể nhận lại, ngoại trừ vải mút do dán kết hợp đã lâu biến vàng đã hủy. Số đơn hàng còn lại bên TNP sẽ sản xuất sau khi bên GBB giải quyết thỏa đáng cho TNP về việc thanh toán lô hàng FW17 xuất đợt 1…. Đề nghị GBB sắp xếp xử lí gấp những vấn đề này trong tháng 10 này” (BL329).

Cho thấy, việc nguyên đơn cho rằng bị đơn chưa giao cho nguyên đơn 2.015 đôi giày trong lô hàng 5.676 đôi giày, tương đương 45.521,96 USD và nguyên đơn không đề nghị bị đơn cắt bỏ giày là không có căn cứ; chứng cứ thể hiện tại nội dung các email và lời khai người làm chứng là ông Nguyễn Thành Ch (Trung hoặc David) tại phiên tòa sơ thẩm (BL 714, 715). Do đó, việc bị đơn phản tố yêu cầu nguyên đơn phải thanh toán số tiền 63.989,64 USD của lô hàng 2.808 đôi giày đã giao và số tiền 23.510,32 USD trong phần 65% của lô hàng 5.676 đôi giày còn lại của đơn hàng PO 170307027 ngày 31/3/2017, tổng cộng là 87.499,96 USD là có căn cứ nên Tòa sơ thẩm chấp nhận là đúng, việc bị đơn không yêu cầu nguyên đơn trả tiền lãi do chậm thanh toán theo quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 là tự nguyện nên Tòa sơ thẩm không xem xét cũng là đúng pháp luật.

[6] Đối với đơn đặt hàng Xuân Hè 2018 theo Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP (Đơn hàng SS18): Ngày 03/10/2017, nguyên đơn có Đơn đặt hàng số 171007005 với số lượng 660 đôi giày, ngày xuất xưởng là 03/02/2018, trị giá lô hàng là 13.726,08 USD (BL532). Ngày 27/10/2017, nguyên đơn gửi Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP- GBP cho bị đơn với điều khoản thanh toán tại Điều 3 là: “Bên A sẽ thanh toán trước 35% trong vòng 05 ngày làm việc sau khi bên B đồng ý nhận đơn hàng của bên A, 65% còn lại thanh toán 05 ngày làm việc trước khi bên B xuất hàng và bên B cung cấp phiếu đóng gói chi tiết”; và theo Điều 5 thì “Bên A sẽ trực tiếp làm việc với nhà cung ứng về vấn đề chi phí và thanh toán đối với khuôn đế, và những khuôn quan trọng sử dụng cho bộ vị trên mặt giày” (BL262, 263). Mặc dù, hợp đồng không có chữ ký của bị đơn, nhưng qua nội dung email trao đổi ngày 16/10/2018, có căn cứ xác định hai bên đã chấp nhận giao kết hợp đồng. Ngày 01/11/2017, nguyên đơn tiếp tục có Đơn đặt hàng số 171007032 với số lượng 7.080 đôi giày, ngày xuất xưởng là 03/02/2018, trị giá lô hàng là 149.798,40 USD (BL535-538). Đến ngày 14/11/2017, nguyên đơn tiếp tục có Đơn đặt hàng số 171007037 với số lượng 288 đôi giày, ngày xuất xưởng vẫn xác định là 03/02/2018, trị giá lô hàng là 6.105,24 USD (BL544). Tổng số lượng của 03 đơn đặt hàng là 8.028 đôi giày các loại, ngày xuất xưởng là 03/02/2018, tổng giá trị đơn hàng là 169.629,72 USD. Theo Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu thì sau khi bị đơn đồng ý nhận đơn hàng, nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán cho bị đơn 35% giá trị đơn hàng trong vòng 05 ngày làm việc; ngoài ra, nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn toàn bộ chi phí khai phát bao gồm nguyên vật liệu, công cụ sản xuất (khuôn, dao, khuôn ấn, bàn ép, thêu, in...). Ngày 07/12/2017, bị đơn xuất Hóa đơn thương mại số TNP20171207 đề nghị nguyên đơn thanh toán 35% giá trị đơn hàng, tương đương 59.370,40 USD (BL183), nhưng nguyên đơn trì hoãn đến ngày 06/3/2018 mới thanh toán (BL206). Trước đó, ngày 27/02/2018, nguyên đơn gửi email thông báo giảm số lượng là 3.780 đôi giày nên đơn hàng chỉ còn 4.248 đôi giày. Ngày 06/3/2018, nguyên đơn tiếp tục gửi thông báo thay đổi màu sắc, mẫu mã và giảm số lượng xuống còn 3.238 đôi giày (BL598). Ngày 22/3/2018, nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn tiền chi phí công cụ là 18.561,40 USD (BL204); đến ngày 01/6/2018, nguyên đơn thanh toán thêm 24.359,75 USD tiền chi phí nguyên vật liệu của 3.238 đôi giày theo Hóa đơn thương mại số NP20180507 ngày 07/5/2018 (BL210, 611); tổng cộng nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn 42.921,15 USD tiền chi phí công cụ và nguyên vật liệu; đây là khoản tiền mà nguyên đơn phải có trách nhiệm thanh toán cho bị đơn theo Hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu. Để thực hiện hợp đồng khai phát mẫu và sản xuất xuất khẩu bị đơn đã mua công cụ, nguyên vật liệu và lên kế hoạch sản xuất Đơn hàng SS18 theo ngày xuất xưởng do nguyên đơn đề nghị ban đầu là ngày 03/02/2018; tuy nhiên, sau đó nguyên đơn liên tục thay đổi ngày xuất xưởng và đề nghị bị đơn chờ nguyên đơn xác nhận lịch sản xuất sau khi có “Lịch biểu thương mại hóa” (vì thời điểm giao kết nguyên đơn chưa có lịch biểu thương mại hóa) nên bị đơn phải tạm ngừng thực hiện hợp đồng. Cho đến nay, nguyên đơn không xác nhận cho bị đơn về lịch sản xuất, số lượng, mẫu mã, màu sắc giày...nên việc bị đơn không tiến hành sản xuất theo đơn đặt hàng là lỗi của nguyên đơn. Thực tế, theo trình bày của ông David (ông Trung) đại diện nguyên đơn thì đơn hàng xuân hè 2018 là đơn hàng ảo, chưa có khách hàng nên sau đó giảm dần...(BL 714). Do đó, ngày 16/10/2018 người đại diện theo pháp luật của bị đơn đã gửi email cho nguyên đơn thông báo ngưng không sản xuất theo hợp đồng là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 413 của Bộ luật Dân sự và khoản 6 Điều 292, Điều 312 của Luật Thương nại 2005. Đối với khoản tiền 35% giá trị đơn hàng 8.028 đôi giày, tương đương 59.370,40 USD mà nguyên đơn đã thanh toán cho bị đơn theo Hóa đơn thương mại số TNP20171207 ngày 07/12/2017, theo đơn phản tố cũng như quá trình giải quyết vụ án, người đại diện hợp pháp của bị đơn đồng ý trả lại cho nguyên đơn và đồng ý khấu trừ vào số tiền mà nguyên đơn còn nợ bị đơn là hoàn toàn tự nguyện nên Tòa sơ thẩm chấp nhận là có căn cứ.

[7] Đối với yêu cầu tính lãi chậm thanh toán của nguyên đơn, nhận thấy: Hai bên đương sự thỏa thuận phương thức thanh toán bằng ngoại tệ Đô la Mỹ (USD), việc nguyên đơn quy đổi ra Việt Nam Đồng để yêu cầu tính lãi chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn là không có cơ sở. Mặt khác, khoản tiền 35% giá trị đơn hàng, tương đương 59.370,40 USD là khoản tiền nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn theo hợp đồng đã ký và theo như phân tích ở khoản [6] trên, nguyên đơn là bên có lỗi vi phạm hợp đồng (chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán; liên tục thay đổi lịch sản xuất, ngày xuất xưởng, số lượng, mẫu mã, màu sắc v.v...) nên bị đơn không thể sản xuất và không có lỗi. Vì vậy, việc nguyên đơn yêu cầu áp dụng Điều 306 của Luật Thương nại 2005 để buộc bị đơn phải trả lãi chậm thanh toán là không có căn cứ. Đối với các công cụ và nguyên vật liệu mà nguyên đơn đã thanh toán 42.921,15 USD, do nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải trả lại nên Tòa sơ thẩm không xem xét. Là đúng.

[8] Từ những phân tích và lập luận nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn; chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tại cấp phúc thẩm không có căn cứ nào mới làn thay đổi nội dung vụ án. Vì thế, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm của đại diện Viện kiểm sát; không chấp nhận đề nghị của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.

[9] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo là nguyên đơn phải chịu án phí phúc thẩm là 2.000.000 đồng. Phần án phí của nguyên đơn được khấu trừ từ 2.000.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0044900 ngày 09/02/2021 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308; các Điều 147, 148, 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Căn cứ khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 144, 147, 235, 264, 266, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 6, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Căn cứ các Điều 10, 12 và 14 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005; các Điều 180, 181, 182, 292, 306, 308, điểm a khoản 4 Điều 312, Điều 314 của Luật Thương mại 2005; các Điều 117, 119, 280, 388, khoản 4 Điều 400, Điều 401, 405, 410, 411, 413 và điểm a khoản 2 Điều 683 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài”.

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD; Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 02/2021/KDTM-ST ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD đối với bị đơn Công ty TNHH MTV TNP, như sau:

2.1. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH MTV TNP về việc đồng ý trả lại cho Global Brand Partners PTE LTD khoản tiền 35% giá trị đơn hàng theo Hợp đồng khai phát mẫu - Sản xuất xuất khẩu số 27102017/TNP-GBP và 03 Đơn đặt hàng số 171007005 ngày 03/10/2017, số 171007032 ngày 01/11/2017 và số 171007037 ngày 14/11/2017 là 59.370,40 USD, tương đương 1.375.315.316 (một tỷ, bay trăm bảy mươi lăm triệu, ba trăm mười lăm ngàn, ba trăm mười sáu) đồng.

2.2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Global Brand Partners PTE LTD về việc buộc Công ty TNHH MTV TNP phải thanh toán 45.521,96 USD giá trị của 2.015 đôi giày và 42.921,15 USD (trong đó: Chi phí công cụ là 18.561,40 USD và chi phí nguyên vật liệu của 3.238 đôi giày là 24.359,75 USD theo Hóa đơn thương mại số NP20180507 ngày 07/5/2018), tổng cộng là: 88.443,11 USD, tương đương số tiền 2.048.784.643 (hai tỷ, không trăm bốn mươi tám triệu, bảy trăm tám mươi bốn ngàn, sáu trăm bốn mươi ba) đồng.

2.3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Global Brand Partners PTE LTD về việc buộc Công ty TNHH MTV TNP trả lãi suất chậm trả cho đến ngày xét xử sơ thẩm, theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình là 10.825%/năm đối với các khoản nợ với số tiền 1.026.279.550 (một tỷ, không trăm hai mươi sáu triệu, hai trăm bảy mươi chín ngàn, năm trăm năm mươi) đồng.

3. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH MTV TNP đối với nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD.

Buộc Global Brand Partners PTE LTD phải thanh toán cho Công ty TNHH MTV TNP 63.989,64 USD giá trị của lô hàng 2.808 đôi giày đã nhận và 23.510,32 USD còn nợ trong phần 65% của lô hàng 5.676 đôi giày; tổng cộng là 87.499,96 USD tương đương số tiền 2.026.936.573 (hai tỷ, không trăm hai mươi sáu triệu, chín trăm ba mươi sáu ngàn, năm trăm bảy ba) đồng.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thanh toán số tiền trên thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

4. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

- Nguyên đơn Global Brand Partners PTE LTD phải chịu 93.501.283 đồng đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận và 72.538.731 đồng đối với yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận; tổng cộng là 166.040.014 đồng, được khấu trừ vào số tiền 56.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0044503 ngày 08/01/2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, Global Brand Partners PTE LTD còn phải nộp số tiền 110.040.014 (một trăm mười triệu, không trăm bốn chục ngàn, không trăm mười bốn) đồng.

- Bị đơn Công ty TNHH MTV TNP phải chịu 53.259.459 đồng, được khấu trừ vào số tiền 12.486.500 đồng tạm ứng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2016/0044704 ngày 25/8/2020 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH MTV TNP còn phải nộp số tiền 40.772.959 (Bốn chục triệu, bảy trăm bảy mươi hai ngàn, chín trăm năm mươi chín) đồng.

5. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Global Brand Partners PTE LTD phải chịu 2.000.000 (hai triệu) đồng được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0044900 ngày 09/02/2021 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương. Nguyên đơn không phải nộp thêm.

6. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

7. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1079
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng mua bán, gia công hàng hóa số 57/2021/KDTM-PT

Số hiệu:57/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 23/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;