TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 57/2020/KDTM-PT NGÀY 25/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH TẾ
Ngày 25/5/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 68/2020/TLPT-KDTM ngày 26/02/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về việc “Tranh chấp hợp đồng kinh tế”.Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2019/KDTM-ST ngày 27/9/2019 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 133/2020/QĐ-PT ngày 28/4/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 158/2020/QĐ-PT ngày 11/5/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:
-Nguyên đơn: Công ty TNHH N Địa chỉ: Tầng X, số Y T, phường N, Quận Đ, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông V.V.C - Chủ tịch HĐTV và bà L.T.N.B - Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền:
1. Bà N.T.T; có mặt
2. Ông N.V.T; có mặt (Theo Giấy ủy quyền lập ngày 04/5/2020)
-Bị đơn: Công ty cổ phần S - C Địa chỉ: Số H đường N, phường T, quận T, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông T.N.H – Tổng giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền:
1.Ông N.M.H-Phó Tổng giám đốc; vắng mặt
2.Bà Đ.T.T.H; vắng mặt (Theo Giấy ủy quyền lập ngày 05/9/2019)
-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ngân hàng B Địa chỉ: Tháp B - X H, quận H, thành phố Hà Nội;
Người đại diện theo pháp luật: Ông P.Đ.T -Tổng giám đốc
Người đại diện theo ủy quyền:
1.Bà N.T.T.L - Trưởng phòng K Chi nhánh P; có mặt 2.Ông L.A.V - Phó Trưởng phòng K Chi nhánh P; có mặt 3.Ông N.A.V - Chuyên viên B; có mặt (Theo Văn bản ủy quyền lập ngày 25/5/2020)
- Công ty TNHH Đầu tư T Địa chỉ: Km X + Y QL1A HK, thị xã A, tỉnh B.
Người đại diện theo pháp luật: Ông N.T.T - Tổng giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền:
1.Ông N.T.K; vắng mặt
2. Ông B.Đ.T; có mặt (Theo Giấy ủy quyền lập ngày 28/4/2020)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và các lời khai, nguyên đơn và người đại diện của nguyên đơn trình bày:
Vào ngày 25/03/2015, Chi nhánh Nhựa đường Đ- Công ty TNHH N (Chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH N ) và Công ty cổ phần S - C ký kết Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 (sau đây gọi tắt là Hợp đồng 38) để thực hiện việc mua bán nhựa đường để thi công công trình giao thông dự án mở rộng QLA đoạn Km 1212 + 400 Km1264 với tổng khối lượng nhựa đường P 60/70 là 6.300.000 kg và đơn giá tùy từng thời điểm.
Căn cứ Khoản 3.1 Điều 3 Hợp đồng 38 quy định“Sau khi ký kết Hợp đồng, Bên B phải làm việc với Công ty TNHH Đầu tư T (Chủ đầu tư) và Ngân hàng B - Chi nhánh P ) để cùng Bên A ký Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng theo chuỗi liên kết gồm: Ngân hàng - Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà cung cấp vật liệu xây dựng (VLXD) nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của Bên B cho Bên A theo quy định tại hợp đồng này”.
Cùng ngày 25/03/2015 các bên bao gồm: Ngân hàng B - Chi nhánh P , Công ty TNHH Đầu tư T , Công ty cổ phần S – C và Công ty TNHH N đã ký kết Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng. Mục đích của Hợp đồng này nhằm đảm bảo việc thanh toán của Công ty cổ phần S – C đối với Công ty TNHH N .
Thực hiện Hợp đồng 38, Công ty TNHH N đã giao đủ hàng hóa, đúng chất lượng, đúng thời gian và đã xuất đủ hóa đơn theo hợp đồng. Tại khoản 3.3 của Hợp đồng 38, Công ty TNHH N và Công ty cổ phần S – C đã thỏa thuận: “Bên B thanh toán cho Bên A toàn bộ giá trị hóa đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn”, tuy nhiên Công ty cổ phần S – C đã chậm thực hiện việc thanh toán, đến nay vẫn chưa thanh toán số tiền mua hàng, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH N .
Tại khoản 3.4 Hợp đồng 38, hai bên còn thỏa thuận: “Khi đến hạn thanh toán mà Bên B chưa thanh toán cho Bên A thì Bên A có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Ngân hàng B thanh toán vô điều kiện đối với các khoản tới hạn thanh toán”. Ngoài ra, theo cam kết của các bên tại khoản 2.3 Hợp đồng liên kết, Ngân hàng B cam kết: “Tiền vay của Nhà Thầu (tức Công ty cổ phần S - C) sẽ được Ngân hàng B chuyển trả trực tiếp cho Nhà cung cấp VLXD, tương ứng số tiền hàng nhựa đường đã cung cấp”. Như vậy, trong trường hợp Công ty cổ phần S – C không thanh toán cho Công ty TNHH N trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn thì Công ty TNHH N có quyền yêu cầu Ngân hàng B thanh toán vô điều kiện đối với các khoản nợ của Công ty cổ phần S - C.
Ngày 31/12/2016, Công ty cổ phần S – C và Công ty TNHH N đã ký Biên bản đối chiếu công nợ để xác nhận số tiền nợ gốc mua hàng là 8.352.556.100 đồng.
Kể từ thời điểm phát sinh công nợ đến nay dự án đã hoàn thành, Công ty cổ phần S – C vẫn không hợp tác, không chịu thanh toán dứt điểm công nợ cho Công ty TNHH N, cụ thể tính đến ngày 12/05/2017, Công ty cổ phần S – C vẫn còn phải thanh toán cho Công ty TNHH N số tiền nợ gốc là 7.452.556.100 đồng (Bảy tỷ, bốn trăm năm mươi hai triệu, năm trăm năm mươi sáu ngàn, một trăm đồng).
Ngoài ra, theo khoản 3.5 Điều 3 Hợp đồng 38, do Công ty cổ phần S – C vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chậm thời hạn thanh toán nên Công ty cổ phần S – C còn phải chịu trách nhiệm đối với lãi phát sinh do chậm thanh toán bằng 1.0%/tháng đối với số tiền chậm thanh toán tương ứng với thời gian quá hạn.
Việc Công ty cổ phần S – C không thanh toán nợ cho Công ty TNHH N là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty TNHH N, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty.
Vì vậy, Công ty TNHH N đề nghị Công ty cổ phần S – C thực hiện trách nhiệm thanh toán ngay cho Công ty TNHH N các khoản nợ sau:
-Nợ gốc chưa thanh toán theo Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 ngày 25/03/2015: 7.452.556.100 đồng.
-Lãi chậm thanh toán tạm tính (đến ngày 09/4/2018): 3.036.916.665 đồng. Tổng cộng: 10.489.472.765 đồng.
Trong trường hợp Công ty cổ phần S – C không thanh toán thì Ngân hàng B - Chi nhánh P phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ trên cho Công ty TNHH N.
Qua tìm hiểu được biết theo báo cáo của Công ty TNHH Đầu tư T là khả năng sau khi quyết toán xong, giá trị khối lượng thực hiện mà Công ty cổ phần S – C còn có khả năng được chủ đầu tư thanh toán là khoảng 19 tỷ đồng.
Do đó, Nguyên đơn đề xuất Công ty cổ phần S – C ủy quyền Công ty TNHH N được nhận khoản tiền đúng bằng khoản nợ Công ty cổ phần S – C còn nợ và Ngân hàng B có trách nhiệm làm các thủ tục cần thiết để giải ngân khoản tiền trên cho Công ty TNHH N .
Trong quá trình giải quyết vụ án đại diện nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện “Buộc Ngân hàng B phải thanh toán số nợ cho trên cho Công ty TNHH N”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện buộc:
Công ty cổ phần S – C phải thanh toán số nợ cả gốc và lãi tính đến ngày 27/9/2019 là 11.820.996.121 đồng (mười một tỷ, tám trăm hai mươi triệu, chín trăm chín mươi sáu nghìn, một trăm hai mốt đồng), trong đó tiền gốc là 7.452.556.100 đồng, tiền lãi là 4.368.440.021 đồng.
Trường hợp Công ty cổ phần S – C không thanh toán được buộc Ngân hàng B có nghĩa vụ thanh toán số tiền trên thay cho Công ty cổ phần S - C.
Bị đơn và người đại diện của bị đơn trình bày:
Ngày 25/3/2015, Công ty cổ phần S – C và Công ty TNHH N cùng Ngân hàng B - Chi nhánh P và Công ty TNHH Đầu tư T ký Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng. Theo nội dung của Hợp đồng này thì Ngân hàng B sẽ đứng ra làm đầu mối trung gian kết nối giữa Chủ đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư T), nhà thầu (Công ty cổ phần S - C ), nhà cung cấp vật liệu xây dựng (Công ty TNHH N ) trong việc thực hiện thi công công trình giao thông dự án mở rộng Quốc lộ A đoạn Km 1212 + 400 Km 1264. Trong hợp đồng này quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm cũng như cam kết của các bên trong việc thực hiện Hợp đồng.
Trên tinh thần nội dung của Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng, cũng trong ngày 25/03/2015, Công ty cổ phần S – C và Công ty TNHH N ký kết Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ - 2015 và các phụ lục của hợp đồng để thực hiện mua bán nhựa đường để thi công công trình giao thông dự án mở rộng Quốc lộ A đoạn Km 1212+ 400 Km 1264 với tổng khối lượng nhựa đường P 60/70 là đơn giá 6.300.000 kg và đơn giá tùy từng thời điểm.
Trong quá trình thi công, Công ty cổ phần S – C đã hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên do các nguyên nhân khách quan, có sự thay đổi trong chính sách nên Bộ giao thông vận tải chậm phê duyệt một số hạng mục dẫn đến việc chậm thanh toán theo hợp đồng: Công ty cổ phần S – C đã nhiều lần yêu cầu Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư T thực hiện thanh toán theo cam kết nhưng Chủ đầu tư lấy các lý do như thanh tra, kiểm toán để cố tình trì hoãn việc thanh toán dẫn đến việc Công ty cổ phần S – C chậm trễ thanh toán cho các bên.
Nay Công ty TNHH N khởi kiện yêu cầu thanh toán đối với việc thực hiện Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 là không đúng đối tượng vì: ngày 25/3/2015, Công ty TNHH N , Công ty cổ phần S – C cùng Ngân hàng B - Chi nhánh P và Công ty TNHH Đầu tư T ký Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng, Ngân hàng B đã cam kết bảo lãnh thanh toán cho Công ty cổ phần S – C trong việc thực hiện hợp đồng này. Điều 2 của hợp đồng “Cam kết của các bên:
2.1. Ngân hàng B ưu tiên cung cấp cho Chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp VLXD sử dụng bảo lãnh thanh toán (đối với người thụ hưởng bảo lãnh tương ứng là nhà thầu, nhà cung cấp VLXD) trước khi sử dụng vốn vay để thanh toán: (i) khối lượng XSCB hoàn thành, hoặc (ii) khối lượng VLXD dự trữ/ cung ứng phục vụ thi công xây lắp công trình xây dựng, phù hợp với tiến độ thi công xây lắp công trình, tiến độ thanh toán theo Hợp đồng thi công xây lắp số 04/2014/HĐXL, 06/2014/HĐXL, 07/2014/HĐXL ký giữa chủ đầu tư và nhà thầu và Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 ngày 25/3/2015 ký giữa Nhà thầu và nhà cung cấp VLXD”.
Theo quy định tại Điều 335 Bộ Luật Dân sự: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ...” Như vậy, căn cứ vào Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng ngày 25/3/2015, Ngân hàng B cam kết đồng ý thực hiện trách nhiệm bảo lãnh thanh toán đối với Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 ngày 25/3/2015 giữa Công ty TNHH N và Công ty cổ phần S - C. Trong trường hợp Công ty cổ phần S – C chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ thanh toán đối với Công ty TNHH N, Công ty TNHH N có quyền yêu cầu Ngân hàng B - Chi nhánh P thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán đối với Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 ngày 25/3/2015 giữa Công ty TNHH N và Công ty cổ phần S - C .
Công ty cổ phần S – C cho rằng Công ty TNHH N nhầm lẫn đối tượng khởi kiện, bị đơn là Ngân hàng B, Công ty cổ phần S – C có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Tòa án nhân dân quân Thanh Xuân xem xét và giải quyết.
Ngoài ra, Công ty cổ phần S – C giữ nguyên quan điểm nếu Công ty cổ phần S – C không trả được nợ cho Công ty TNHH N thì căn cứ hợp đồng 4 bên Ngân hàng B là bên phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ cho Công ty TNHH N.
-Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
-Ngân hàng B trình bày 1. Sơ lược diễn biến việc ký kết, thực hiện Hợp đồng liên kết 04 bên và vai trò của Ngân hàng B trong hợp đồng như sau:
- Ngày 25/3/2015, Công ty Cổ phần S - C và Công ty TNHH N - Chi nhánh Đ đã ký kết Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 (“Hợp đồng mua bán”) để thực hiện việc mua bán nhựa đường thi công công trình giao thông thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ A đoạn Km1212+400- Km 1264 đoạn qua tỉnh B - P theo hình thức BOT.
- Cùng ngày 25/3/2015, các bên gồm Ngân hàng B Chi nhánh P, Công ty TNHH Đầu tư T (Chủ đầu tư), Công ty TNHH N - Chi nhánh Đ (Nhà cung cấp VLXD) và Công ty Cổ phần S - C (Nhà thầu) đã ký Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng (“Hợp đồng liên kết 04 bên”). Theo Hợp đồng liên kết 04 bên, Ngân hàng B đứng ra làm đầu mối trung gian kết nối 04 nhà: Ngân hàng - Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà cung cấp VLXD; trung gian thanh toán bù trừ cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết (Điều 1 Hợp đồng).
- Kể từ ngày ký kết Hợp đồng liên kết 04 bên, Ngân hàng đã thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định tại Hợp đồng liên kết 04 bên. Khi các bên xảy ra tranh chấp, với tư cách là bên đầu mối trung gian, Ngân hàng B Chi nhánh P đã rất nhiều lần mời các bên họp để giải quyết nội dung liên quan đến Hợp đồng liên kết 04 bên.
- Ngân hàng cũng đã nhiều lần chủ động đôn đốc và trao đổi với các bên hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán Dự án để thanh toán cho các Nhà thầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư T chưa hoàn thành việc quyết toán đối với Dự án nên chưa có nguồn để thanh toán cho Công ty cổ phần S – C để Công ty cổ phần S – C thanh toán cho Công ty TNHH N.
2. Ý kiến của Ngân hàng B về yêu cầu của Công ty TNHH N (Nguyên đơn) - Việc Công ty TNHH N căn cứ vào Điều 2 Hợp đồng liên kết 04 bên để cho rằng Ngân hàng B là Bên bảo lãnh thanh toán là không đúng. Về nguyên tắc, quan hệ bảo lãnh phải được thể hiện dưới hình thức Ngân hàng B (với vai trò là Bên bảo lãnh) phát hành thư bảo lãnh gửi cho đơn vị thụ hưởng (với vai trò là Bên nhận bảo lãnh) cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho Bên được bảo lãnh khi Bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với Bên nhận bảo lãnh. Đồng thời, giữa Ngân hàng B và Bên được bảo lãnh phải có Hợp đồng cấp bảo lãnh. Thư bảo lãnh phải có các nội dung như: Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh; Nghĩa vụ bảo lãnh; Ngày hết hiệu lực và/hoặc trường hợp hết hiệu lực của bảo lãnh; điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; Hồ sơ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh... theo quy định tại Thông tư 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của Thống đốc NHNNVN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Trên thực tế, Điều 2 Hợp đồng liên kết 04 bên không bao gồm các nội dung này. Do vậy, không thể xem Hợp đồng liên kết 04 bên là bảo lãnh Ngân hàng.
- Điều 3 của Hợp đồng liên kết 04 bên quy định: “Ngân hàng B xem xét cấp tín dụng (bảo lãnh, cho vay) cho Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp VLXD theo quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước và khi Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp VLXD đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng nội bộ của Ngân hàng B” Tại khoản 2.1 của Hợp đồng liên kết 04 bên đã nêu rõ “Ngân hàng B ưu tiên cung cấp cho Chủ đầu tư, Nhà thầu, Nhà cung cấp VLXD sử dụng bảo lãnh thanh toán (với người thụ hưởng bảo lãnh tương ứng là Nhà thầu/ Nhà cung cấp VLXD) trước khi sử dụng vốn vay để thanh toán”. Tuy nhiên, Công ty cổ phần S – C đã không sử dụng sản phẩm bảo lãnh thanh toán để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của Hợp đồng mua bán; Ngân hàng B Chi nhánh P không phát hành bất kỳ Thư bảo lãnh thanh toán nào liên quan đến Hợp đồng mua bán này.
Tại khoản 2.3 của Hợp đồng liên kết 04 bên quy định “Tiền vay của Nhà thầu (Công ty cổ phần S - C) sẽ được Ngân hàng B chuyển trả trực tiếp cho Nhà cung cấp VLXD”. Tuy nhiên, Công ty cổ phần S – C không vay vốn tại Ngân hàng B Chi nhánh P trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng liên kết 04 bên cũng như Hợp đồng mua bán.
Trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng liên kết 04 bên, chỉ có Chủ đầu tư sử dụng sản phẩm tín dụng của Ngân hàng, còn Nhà thầu (Công ty cổ phần S - C) không sử dụng sản phẩm bảo lãnh và cho vay tại Ngân hàng B Chi nhánh P để đảm bảo nghĩa vụ hay thanh toán cho Công ty TNHH N theo Hợp đồng mua bán.
Vào thứ 2 hàng tuần, Chủ đầu tư, Nhà thầu và Nhà cung cấp vật liệu xây dựng cung cấp cho Ngân hàng biên bản đối chiếu xác nhận khối lượng, công nợ giữa các bên, từ đó Ngân hàng sẽ theo dõi và ưu tiên thanh toán trước cho Nhà cung cấp vật liệu xây dựng khi Nhà thầu được Chủ đầu tư thanh toán khối lượng hoặc Nhà thầu có nguồn tiền thanh toán trong tài khoản.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Ngân hàng B không tham gia ký các Biên bản xác nhận nghĩa vụ thanh toán này và Ngân hàng cũng không nhận được các chứng từ này từ Chủ đầu tư, Nhà thầu và Nhà cung cấp VLXD cho đến khi nhận được văn bản số 301/2017/CV-PLC.NĐ-TCKT ngày 05/9/2017 của Công ty TNHH N. Điều này cho thấy, Chủ đầu tư, Nhà thầu và Nhà cung cấp vật liệu xây dựng đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Đầu tư T, khả năng sau khi quyết toán xong, giá trị khối lượng thực hiện mà Công ty cổ phần S – C còn có khả năng được Chủ đầu tư thanh toán là khoảng 19 tỷ đồng. Do vậy, đề nghị Chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện việc quyết toán đối với Dự án, thanh toán cho Công ty cổ phần S – C để Công ty cổ phần S – C thanh toán cho Công ty TNHH N.
Từ những ý kiến phân tích nêu trên, Ngân hàng B nhận thấy việc Công ty TNHH N yêu cầu Toà án giải quyết buộc Ngân hàng B phải thực hiện nghĩa vụ thay cho Công ty cổ phần S – C đối với Công ty TNHH N trong trường hợp Công ty cổ phần S – C không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH N là không có cơ sở. Vì vậy, Ngân hàng B kính đề nghị Toà án xem xét bác bỏ toàn bộ yêu cầu khởi kiện không có căn cứ của Công ty TNHH N đối với Ngân hàng B.
Việc Công ty cổ phần S – C ủy quyền cho Công ty TNHH N thì Ngân hàng B có quan điểm đây là quan hệ dân sự riêng của hai bên, bên Ngân hàng B không có ý kiến gì. Nếu Công ty TNHH Đầu tư T muốn giải ngân theo hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty TNHH Đầu tư T và Ngân hàng B thì phải tuân thủ các quy định tại hợp đồng tín dụng đã ký, và các quy định pháp luật có liên quan.
- Công ty TNHH Đầu tư T trình bày:
Sau khi Công ty cổ phần S – C thi công xong gói thầu 4, 6, 7 thì chủ đầu tư và nhà thầu đã ký quyết toán giá trị 184 tỷ đồng. Tiền mà chủ đầu tư đã giải ngân cho Công ty cổ phần S – C năm 2015 là 168 tỷ đồng tương đương với 90% trị giá thực hiện và giữ lại 10% trong đó 5% là tiền bảo hành và 5% là để thực hiện quyết toán với Bộ Giao thông vận tải và xuất trình Hồ sơ quyết toán của 03 hợp đồng 4, 6, 7 giữa Công ty TNHH Đầu tư T và Công ty cổ phần S – C là 15.609.219.467 đồng. Công ty cổ phần S – C cũng đã xác nhận về số tiền này. Tuy nhiên giữa hai công ty còn chưa thống nhất về số tiền bảo hành và một số hạng mục khác.
Ngoài ra còn xuất trình - bản photo hồ sơ quyết toán sau thỏa thuận của Bộ giao thông vận tải Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QLA đoạn Km 1212 + 400 Km1264 tỉnh B và tỉnh P theo hình thưc hợp đồng BOT gói thầu 04 thi công xây dựng đoạn KM1230+ 700- KM 1239; bản pho to hồ sơ quyết toán sau thỏa thuận của Bộ giao thông vận tải Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QLA đoạn Km 1212 + 400 Km1265 tỉnh B và tỉnh P theo hình thức hợp đồng BOT gói thầu 06 thi công xây dựng đoạn KM 1230+ 00; Phân đoạn KM 1239 +00- Km 1240 +200 và KM 1247 +217.25- KM 1250+00; bản pho to hồ sơ quyết toán sau thỏa thuận của Bộ giao thông vận tải Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QLA đoạn Km 1212 + 400 Km1265 tỉnh B và tỉnh P theo hình thưc hợp đồng BOT gói thầu 07 thi công xây dựng đoạn KM 1230+ 00 - KM 1260.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2019/KDTM-ST ngày 27/9/2019 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đã xử:
I - Áp dụng: Khoản 1 Điều 30, điểm a khoản1 Điều 39, điểm a khoản 1 Điều 35; điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 266, Điều 271 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.
- Điều 8; Điều 38; Điều 39; Điều 42; Điều 48, Điều 55; Điều 57; Điều 156 Luật doanh nghiệp 2005.
- Điều khoản 2 Điều 305, 428, 438 Bộ luật dân sự 2005. Điều 50; Điều 305; 306 Luật Thương mại; Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015
- Luật án phí và lệ phí Toà án; điểm e mục 1.4 phần II Mục A Nghị quyết 326/2016UBTVQH ngày 30/12/2016 và danh mục mức án phí lệ phí ban hành kèm theo.
- Điều 2, 6, 7, 7a, 9, 30 Luật Thi hành án dân sự, Xử:
1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty THHH Nhựa đường P đối với Công ty Cổ phần S - C.
2. Buộc Công ty Cổ phần S - C phải thanh toán cho Công ty TNHH N số tiền gồm:
-Nợ gốc chưa thanh toán theo Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 ngày 25/03/2015: 7.452.556.100 đồng ( Bảy tỷ, bốn trăm năm mươi hai triệu, năm trăm năm mươi sáu nghìn, một trăm đồng).
-Lãi chậm thanh toán tính đến ngày 27/9/2019 là: 4.368.440.021 đồng (Bốn tỷ, ba trăm sáu mươi tám triệu, bốn trăm bốn mươi bốn triệu, không trăm hai mốt đồng).
Tổng cộng: 11.820.996.121 đồng( Mười một tỷ, tám trăm hai mươi triệu, chín trăm chín mươi sáu nghìn, một trăm hai mươi mốt đồng) 3. Trường hợp Công ty Cổ phần S - C không trả nợ được thì Ngân hàng B phải có nghĩa vụ thanh toán trước số nợ trên cụ thể:
-Nợ gốc chưa thanh toán theo Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 ngày 25/03/2015: 7.452.556.100 đồng ( Bảy tỷ, bốn trăm năm mươi hai triệu, năm trăm năm mươi sáu nghìn, một trăm đồng).
-Lãi chậm thanh toán tính đến ngày 27/9/2019: 4.368.440.021 đồng (Bốn tỷ, ba trăm sáu mươi tám triệu, bốn trăm bốn mươi bốn triệu, không trăm hai mốt đồng) .
Tổng cộng: 11.820.996.121 đồng. 11.820.996.121 đồng( Mười một tỷ, tám trăm hai mươi triệu, chín trăm chín mươi sáu nghìn, một trăm hai mươi mốt đồng) Không chấp nhận đề nghị của Công ty Cổ phần S - C về việc buộc Ngân hàng B thực hiện trách nhiệm bảo lãnh.
Kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày người được Thi hành án có đơn xin thi hành án nếu người phải thi hành án chậm trả tiền thì còn phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả theo lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì nguời được thi hành án dân sự, ngời phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thi thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
4. Về án phí:
-Công ty cổ phần S - C phải chịu 119.820.996 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
-Trả lại Công ty THHH Nhựa đường P 60.000.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai số 08190 ngày 04/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân.
5. Về quyền kháng cáo:
-Án xử công khai sơ thẩm, các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
-Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật Tố Tụng dân sự.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, Ngân hàng B kháng cáo một phần bản án, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng ngân hàng B không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH N .
Tại phiên tòa hôm nay: Các bên đương sự không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gì mới. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của ngân hàng B. Ngân hàng B đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ngân hàng B. Công ty TNHH Đầu tư T đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm và không có ý kiến gì khác.
Tại phiên tòa vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nhận xét và đề nghị:
- Vế tố tụng: Tòa án cấp phúc thẩm đã tiến hành đúng các thủ tục tố tụng. Các đương sự chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm theo hướng: Trong trường hợp Công ty cổ phần S - C không trả nợ được cho Công ty TNHH N thì Ngân hàng B phải tự động trích tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng B đối với tài khoản của Công ty cổ phần S - C hoặc tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư T để trả nợ cho Công ty TNHH N đối với các khoản phải thanh toán trong hợp đồng mua bán nhựa đường được ký kết giữa Công ty TNHH N và Công ty cổ phần S – C. Trong trường hợp Công ty cổ phần S - C và Công ty TNHH Đầu tư T không có khả năng thanh toán thì Ngân hàng B phải thanh toán cho Công ty TNHH N .
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu do các bên đương sự cung cấp và Tòa án thu thập được trong quá trình tiến hành tố tụng, sau khi đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] - Về tố tụng:
- Đơn kháng cáo của Ngân hàng B được nộp trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ.
- Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:
Tranh chấp giữa Công ty TNHH N và Công ty cổ phần S - C phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa số 38 ngày 25/3/2015 và Hợp đồng liên kết bốn bên ngày 25/3/2015 được các chủ thể có đầy đủ tư cách pháp nhân tham gia ký kết đều nhằm mục đích lợi nhuận. Đồng thời, bị đơn Công ty cổ phần S - C có địa chỉ trụ sở tại Số H đường N, phường T, quận T, thành phố Hà Nội, nên Toà án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội thụ lý, giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo trình tự sơ thẩm là đúng thẩm quyền.
[2] - Về nội dung vụ án:
[2.1] Nợ gốc:
Ngày 25/03/2015, Công ty TNHH N và Công ty cổ phần S – C ký kết Hợp đồng mua bán nhựa đường số 38/HĐ-2015 để thực hiện công trình giao thông Dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1A đoạn km 1212+400 đến km 1265.
Sau đó, cùng ngày 25/03/2015 bốn bên bao gồm: Ngân hàng B, Công ty TNHH Đầu tư T , Công ty cổ phần S - C và Công ty TNHH N đã ký kết Hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng với mục đích đảm bảo việc thanh toán tiền mua hàng của Công ty cổ phần S - C đối với Công ty TNHH N .
Thực hiện Hợp đồng số 38/HĐ-2015, Công ty TNHH N đã giao đủ hàng hóa, đúng chất lượng, đúng thời gian và đã xuất đủ hóa đơn theo hợp đồng. Công ty cổ phần S - C cũng đã thanh toán một phần tiền hàng.
Ngày 30/10/2017, Công ty cổ phần S - C và Công ty TNHH N đã lập Biên bản đối chiếu công nợ xác nhận Công ty cổ phần S - C còn nợ lại Công ty Nhựa đường P là 7.452.556.100 đồng.
Án sơ thẩm xác nhận Công ty cổ phần S - C còn nợ Công ty TNHH N số tiền gốc 7.452.556.100 đồng là có căn cứ.
[2.2] Nghĩa vụ chậm thanh toán:
Căn cứ khoản 3.3, khoản 3.5 Điều 3 của Hợp đồng 38 giữa Công ty cổ phần S - C với Công ty TNHH N đã thỏa thuận: “Bên B thanh toán cho bên A toàn bộ trị giá hóa đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn…” và “Trường hợp thanh toán chậm hơn thời hạn đã thỏa thuận thì bên B phải thanh toán cho bên A lãi suất chậm trả bằng 1%/tháng của số tiền chưa thanh toán đối với thời gian quá hạn…”. Xét sự thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật Thương mại, nên án sơ thẩm tính lãi suất sau 30 ngày kể từ ngày Công ty TNHH Nhựa đường P phát hành hóa đơn đến ngày 27/9/2019 với số tiền lãi 4.368.440.021 đồng là có căn cứ nên giữ nguyên.
[2.3] Xét nội dung kháng cáo:
Căn cứ vào hợp đồng liên kết triển khai sản phẩm tài trợ công trình xây dựng được bốn bên ký ngày 25/3/2015, tại Điều 2 quy định: “-Tiền vay của Chủ đầu tư sẽ được ngân hàng B chuyển trả trực tiếp cho Nhà thầu, Nhà cung cấp VLXD, tương ứng số tiền mà các Chủ thể được nhận trên cơ sở Biên bản xác nhận thanh toán giữa Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà cung cấp VLXD hoặc Biên bản đối chiếu công nợ giữa Nhà thầu - Nhà cung cấp VLXD hoặc hồ sơ thanh toán của nhà cung cấp VLXD…”; “- Tiền vay của Nhà thầu sẽ được ngân hàng B chuyển trả trực tiếp cho Nhà cung cấp VLXD, tương ứng số tiền hàng nhựa đường đã cung cấp trên cơ sở các hồ sơ do nhà cung cấp VLXD phát hành…” Án sơ thẩm quyết định: Trường hợp Công ty cổ phần S - C không trả nợ được thì Ngân hàng B phải có nghĩa vụ thanh toán trước số nợ trên cho Công ty TNHH N là chưa đúng với nội dung của hợp đồng liên kết bốn bên.
Nên sửa lại phần này của án sơ thẩm theo hướng: Trong trường hợp Công ty cổ phần S - C chưa thanh toán cho Công ty TNHH N thì Ngân hàng B được quyền trích từ tài khoản của Công ty cổ phần S - C hoặc tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư T phục vụ dự án mở rộng nâng cấp QL A đoạn Km 1212+400 đến Km 1265 mở tại Ngân hàng B để chuyển trả trực tiếp cho Công ty TNHH N số tiền 11.820.996.121 đồng.
Trường hợp Công ty cổ phần S - C và Công ty TNHH Đầu tư T không còn tiền hoặc không đủ tiền trong tài khoản thì Ngân hàng B phải thanh toán số tiền 11.820.996.121 đồng cho Công ty TNHH N. Trong trường hợp này, Công ty cổ phần S - C hoặc Công ty TNHH Đầu tư T phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng B số tiền bằng số tiền mà Ngân hàng B đã thanh toán cho Công ty TNHH N.
Do sửa án sơ thẩm, nên Ngân hàng B không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.
Từ những nhận định trên.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Áp dụng Điều 30; Điều 37; Điều 38; Điều 39; Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015
Áp dụng Điều 357; Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015
Áp dụng Điều 305; Điều 428; Điều 438 Bộ luật Dân sự năm 2005
Áp dụng Điều 50; Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.
Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
Sửa một phần bản án sơ thẩm số 12/2019/KDTM-ST ngày 27/9/2019 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội và xử như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty THHH Nhựa đường P đối với Công ty cổ phần S - C
2. Buộc Công ty cổ phần S - C phải thanh toán cho Công ty TNHH N số tiền gồm:
-Nợ gốc: 7.452.556.100 đồng (Bảy tỷ, bốn trăm năm mươi hai triệu, năm trăm năm mươi sáu nghìn, một trăm đồng).
-Nợ lãi: 4.368.440.021 đồng (Bốn tỷ, ba trăm sáu mươi tám triệu, bốn trăm bốn mươi nghìn, không trăm hai mươi mốt đồng) .
Tổng cộng là: 11.820.996.121 đồng (Mười một tỷ, tám trăm hai mươi triệu, chín trăm chín mươi sáu nghìn, một trăm hai mươi mốt đồng)
3. Trong trường hợp Công ty cổ phần S - C chưa thanh toán cho Công ty TNHH N thì Ngân hàng B được quyền trích từ tài khoản của Công ty cổ phần S - C hoặc tài khoản của Công ty TNHH Đầu tư T phục vụ dự án mở rộng nâng cấp QL A đoạn Km 1212+400 đến Km 1265 mở tại Ngân hàng B để chuyển trả trực tiếp cho Công ty TNHH N số tiền 11.820.996.121 đồng.
Trường hợp Công ty cổ phần S - C và Công ty TNHH Đầu tư T không còn tiền hoặc không đủ tiền trong tài khoản thì Ngân hàng B phải thanh toán số tiền 11.820.996.121 đồng cho Công ty TNHH N. Trong trường hợp này, Công ty cổ phần S - C hoặc Công ty TNHH Đầu tư T phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng B số tiền bằng số tiền mà Ngân hàng B đã thanh toán cho Công ty TNHH N .
4. Kể từ ngày người được thi hành án nộp đơn yêu cầu xin thi hành án nếu bên phải thi hành án chưa thanh toán thì phải chịu tiền lãi của số tiền chưa thanh toán theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự;
Thời hiệu thi hành án được thi thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
5. Về án phí sơ thẩm: Công ty cổ phần S - C phải chịu 119.820.996 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Trả lại Công ty TNHH Nhựa đường P số tiền 60.000.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai số 8190 ngày 04/12/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
6. Về án phí phúc thẩm: Trả lại Ngân hàng B số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm (đã nộp) theo biên lai số 6451 ngày 21/10/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng kinh tế số 57/2020/KDTM-PT
Số hiệu: | 57/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/05/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về