Bản án 231/2022/DS-PT về tranh chấp hợp đồng hợp tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 231/2022/DS-PT NGÀY 15/12/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Ngày 15 tháng 12 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 179/2022/TLPT-DS ngày 21 tháng 11 năm 2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 50/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 233/2022/QĐ-PT ngày 28 tháng 11 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Huỳnh Văn C, sinh năm 1957; Có mặt. Địa chỉ: xã N1, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

2. Bị đơn: Ông Trương Văn N, sinh năm 1969 và bà Lê Thị L, sinh năm 1970;

Đều có mặt.

Địa chỉ: xã N2, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Phạm Văn M, sinh năm 1948; Có mặt.

Địa chỉ: xã N1, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, tài liệu có tại hồ sơ và tại phiên tòa nguyên đơn ông Huỳnh Văn C trình bày:

Vào tháng 12 âm lịch năm 2019, ông Huỳnh Văn C (gọi tắt là ông C) cùng với ông Trương Văn N (gọi tắt là ông N) và ông Phạm Văn M (gọi tắt là ông M) có thỏa thuận hùn hạp với nhau nuôi sò giống tại vuông (bầu) của ông C tại ấp 3 Biển B, xã N1, huyện A, tỉnh Kiên Giang. Khi đó các bên thỏa thuận như sau: Ông C đầu tư vốn nuôi sò (trong đó ông M đóng góp 100.000.000 đồng, phần tiền ông M góp vốn do ông C bỏ ra) và chuẩn bị bầu nuôi sò, ông N có trách nhiệm thu mua sò giống về nuôi và chịu trách nhiệm về kỹ thuật nuôi sò, ông M phụ trách ghi chép sổ sách mua bán và canh giữ chăm sóc sò đến khi thu hoạch nếu có lời thì dựa trên số tiền vốn 100.000.000 đồng ông M hùn sẽ chia huê lợi cho ông M, phần còn lại ông C với ông N chia đôi, trường hợp bị lỗ thì ông C và vợ chồng ông N mỗi người chịu một nửa chi phí.

Đến ngày 13 và 14/12/2019 (âm lịch) ông C, ông N và ông M mua sò về thả vào bầu để nuôi sò giống. Sau hai ngày thả sò đến ngày 15/12/2019 (âm lịch) khi ông N ra thăm bầu sò thì phát hiện sò bị rong đè chết. Nhận thấy bầu nuôi sò không hiệu quả nên mọi người đã thống nhất thuê đất của ông Trương Văn T với diện tích 60 công đất tại xã T1, huyện A, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục nuôi sò giống.

Sau thời gian nuôi sò đến khi có sò giống để bán thì số lượng sò đã vớt lên bán được như sau: Ngày 13/3/2020 (âm lịch) vớt được 1.256 kg, ngày 14/3/2020 (âm lịch) vớt được 1.118 kg, ngày 16/3/2020 (âm lịch) vớt được 1.400 kg, ngày 17/3/2020 (âm lịch) vớt được 1.406 kg và ngày 18/3/2020 (âm lịch) vớt được 1.228 kg. Tổng lượng sò vớt để xuất bán trong 05 ngày là 6.438 kg và tiền bán sò giống hai ngày 13 và 14/3/2020 (âm lịch) tính giá sò là 100 đồng/con, các ngày 16,17,18/3/2020 (âm lịch) tính giá sò là 120 đồng/con và số tiền bán sò thu về được tổng cộng 447.856.000 đồng. Sau đó giữa ông C và ông N xảy ra bất đồng nên ông N và ông C đều bỏ bầu sò, ít ngày sau đó ông M bán mão hai bầu sò được 300.000.000 đồng.

Trong đơn khởi kiện ông C xác định số vốn đã đầu tư nuôi sò giống là 1.320.960.000 đồng, tại buổi đối chất ngày 06/4/2022 ông C, ông N và ông M cùng xác định số vốn đầu tư tổng cộng là 1.255.000.000 đồng, đến nay qua quá trình đối chiếu lại giữa các bên xác định tổng số tiền đầu tư là 1.241.400.000 đồng. Trong tổng số tiền đầu tư 1.241.400.000 đồng thì tiền đầu tư đổ sò giống cho bầu sò tại xã N1 là 185.706.000 đồng, tiền đầu tư các chi phí khác cho cả ba bầu sò hết 70.610.000 đồng, số tiền còn lại là tiền đầu tư nuôi sò giống cho các bầu sò tại xã T1.

Trong đơn khởi kiện ông C xác định số tiền vốn đầu tư bị thua lỗ là 871.000.000 đồng nên yêu cầu ông N và bà L phải chịu ½ chi phí bị lỗ bằng số tiền 435.555.000 đồng. Đến ngày 06/7/2022 ông C rút yêu cầu khởi kiện đối với bà L, chỉ yêu cầu một mình ông N phải chịu trách nhiệm ½ chi phí thua lỗ trả cho ông C.

Trong quá trình giải quyết vụ án ông C đã xác định lại các khoản đã thu về sau khi kết thúc việc hùn hạp nuôi sò như sau: Tiền bán sò giống là 447.856.000 đồng, tiền ông M bán mão các bầu sò ở xã T1 sau khi ông C và ông N xảy ra mâu thuẫn và bỏ bầu là 300.000.000 đồng, tiền bán sò giống tại bầu ở Ấp 3 Biển B, xã N1 là 19.000.000 đồng, tổng cộng số tiền thu về được 766.856.000 đồng. Ông C xác định lại số tiền bị thua lỗ của cả ba bầu sò là 474.544.000 đồng.

Quá trình giải quyết vụ án ông C tự nguyện chịu trách nhiệm 50% thua lỗ tại bầu sò ở xã N1 và phần thua lỗ còn lại là 50% ông C yêu cầu cả ông C, ông N và ông M cùng chịu trách nhiệm chung theo tỷ lệ thỏa thuận phân chia lợi nhuận. Đối với các bầu sò ở tại xã T1 ông C thống nhất chịu trách nhiệm thua lỗ 54% (trong đó phần của ông C chịu 46% và phần của ông M 8%) và yêu cầu ông N chịu trách nhiệm thua lỗ 46% theo thỏa thuận về tỷ lệ phân chia lợi nhuận.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông C xác định bầu sò ở xã N1 bị thua lỗ là 190.242.666 đồng, khi thu bầu ông C chưa bàn bạc thống nhất với ông N và ông M nên qua sự động viên của Hội đồng xét xử ông C tự nguyện chịu toàn bộ chi phí thua lỗ và không tiếp tục yêu cầu ông N phải có trách nhiệm về phần thua lỗ tại bầu sò này. Đối với chi phí đầu tư bị thua lỗ tại hai bầu sò ở xã T1 ông C xác định bị thua lỗ 284.301.334 đồng.

Nay ông C có ý kiến tiếp tục chịu phần thua lỗ của ông C là 46% và của ông M là 8% theo thỏa thuận về tỷ lệ phân chia lợi nhuận, phần thua lỗ còn lại là 46% tương ứng số tiền là 130.778.614 đồng yêu cầu ông N phải có trách nhiệm trả cho ông C.

Ông C còn trình bày đối với phần vốn mà ông M hùn trong quá trình làm ăn chung giữa ông C và ông M đã tự giải quyết xong, không yêu cầu Tòa án xem xét. Ngoài ra ông C không còn yêu cầu nào khác.

* Bị đơn ông Trương Văn N trình bày:

Vào tháng 12 năm 2019 (âm lịch) ông C có rủ ông N hùn hạp để cùng nuôi sò giống. Nội dung thỏa thuận thì ông C sẽ bỏ vốn cho tới khi nào việc nuôi sò có lợi nhuận để chia và ông N không phải chịu trách nhiệm khi bị thua lỗ, khi có sò giống để bán ông C sẽ bao tiêu theo giá thị trường. Ngoài ra những nội dung thỏa thuận khác của các thành viên trong quá trình hùn hạp ông N cũng có ý kiến trình bày giống nội dung trình bày của ông C .

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông N cũng thống nhất xác định tổng chi phí nuôi sò giống hết 1.241.400.000 đồng nhưng ông N xác định chi phí đầu tư tại bầu sò ở ấp 3 Biển, xã N1 là 280.000.000 đồng và trong tổng chi phí nuôi sò 1.241.400.000 đồng thì có 70.610.000 đồng là tiền các khoản chi phí khác phục vụ cho việc nuôi sò giống ở cả ba bầu sò. Đối với khoản chi phí khác cho cả ba bầu sò là 70.610.000 đồng ông N thống nhất chia đều cho cả ba bầu.

Ông N xác định lượng sò giống đã vớt để bán trong 05 ngày (ngày 13, 14, 16, 17 và 18/3/2020 (âm lịch)) tổng số là 6.438 kg và tiền bán sò thu về theo giá thị trường là 752.740.000 đồng. Ông N cho rằng ông C mua sò trong bầu chung nhưng tự tính theo giá thấp hơn giá thị trường và chênh lệch với giá thị trường là 304.884.000 đồng là không đúng với thỏa thuận khi hùn hạp là giá sò tính giá thị trường. Ngoài tiền thu về từ việc bán sò giống ông N còn trình bày số tiền chung đã thu về còn có 300.000.000 đồng tiền bán mão hai bầu sò ở xã T1 và 19.000.000 đồng tiền bán 17 kg sò giống tại bầu sò ở xã N1. Tất cả tiền thu về trong quá trình làm ăn chung đều do ông C quản lý.

Ông N không đồng ý chịu trách nhiệm chi phí bị thua lỗ theo yêu cầu của ông C vì cho rằng trong quá trình hùn hạp làm ăn chung ông C thỏa thuận ông N không phải chịu lỗ, ông C luôn là người không thực hiện đúng các thỏa thuận chung như không tính giá sò theo giá thị trường mà ép bán với giá thấp, nhiều lần giao bầu cho ông N tự bán sò nhưng vẫn đến xúc sò để bán, ông C đặt ông N mua 02 tấn sò giống từ nơi khác để bán lại cho ông C nhưng khi mang sò về thì ông C không lấy mà ép ông N phải bán sò trong bầu với giá thấp hơn thị trường mới lấy số sò đặt mua và tự ý thu hoạch bầu sò ở xã N1 nhưng không thông báo cho ông N và ông M được biết.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Văn M trình bày:

Ông M thống nhất với lời trình bày của ông C và ông N về việc giữa các bên có hùn hạp nuôi sò giống. Nội dung việc hùn hạp ông C bỏ chi phí đầu tư trong đó ông M góp 100.000.000 đồng, ông N ra nhân công, ghe vỏ, phụ trách kỹ thuật nuôi sò, ông M ghi chép sổ sách, trông coi bầu sò và làm một số công việc lặt vặt theo yêu cầu của ông N và ông C. Lợi nhuận ông M được phân chia theo tỷ lệ góp vốn, số còn lại chia 2 cho ông C và ông N.

Ông M cho biết khi thỏa thuận làm ăn chung ông M không nghe ông C nói “lời ăn, lỗ chịu” nhưng ông xác định trong việc làm ăn chung dù không nói nhưng ai cũng tự hiểu việc đó.

Về chi phí đầu tư cho việc nuôi sò, qua đối chiếu sổ sách ông M thống nhất tổng số vốn đã đầu tư là 1.241.400.000 đồng trong đó tiền đầu tư đổ sò giống tại bầu nuôi sò ở ấp Ba Biển, xã N1 là 185.706.000 đồng, các chi phí khác cho việc nuôi sò của cả ba bầu sò là 70.610.000 đồng, do không phân chia cụ thể được cho từng bầu sò là bao nhiêu nên thống nhất tiền chi phí khác là 70.610.000 đồng được chia đều cho cả ba sầu sò. Tiền thu về ông M xác định đã thu về được như sau: 447.856.000 đồng (tiền bán sò giống 05 ngày) + 300.000.000 đồng (tiền bán mão hai bầu sò ở xã T1) + 19.000.000 đồng (tiền bán sò từ bầu ở xã N1).

Theo ông M trình bày vào ngày 13 và 14/3/2020 (âm lịch) vớt được (1.256 kg + 1.118 kg = 2.374 kg) sò giống loại 700 con đến 800 con/kg. Tại thời điểm này loại sò 700 con đến 800 con/kg giá trên thị trường là 140.000 đồng/kg ông C cũng đặt mua sò của ông N thu mua từ nguồn khác mang về bán lại cũng tính giá là 140.000 đồng/kg nhưng ông C chỉ tính giá 100 đồng/con khi vớt từ trong bầu chung là chưa đúng với giá sò trên thị trường, tuy nhiên giá sò này các bên thống nhất tính 100 đồng/con nên ghi chép sổ sách là giá 100 đồng/con. Còn 03 ngày sau ngày 16, 17 và 18/3/2020 (âm lịch) các bên cùng thống nhất tính giá 120 đồng/con loại sò 700con/kg đến 800 con/kg. Về số lượng sò vớt trong 05 ngày đúng theo số liệu các bên ghi chép là 6.438 kg.

Về nguyên nhân dẫn đến việc các bên xảy ra mâu thuẫn và chấm dứt việc hùn hạp theo ông M trình bày do quá trình làm ăn chung khi mua sò ông C không thực hiện việc mua sò theo giá thị trường như đã thỏa thuận dẫn đến cự cãi, đối với 02 bầu sò ở xã T1 sau ngày 18/3/2020 (âm lịch) sau khi ông C và ông N có bất đồng về giá bán sò giống thì các bên thống nhất giao cho ông N và ông C mỗi người một bầu sò để tự bán và tiền nộp về chung nhưng con rể ông C lại vào bầu sò đã giao cho ông N để vớt sò dẫn đến việc ông N tức giận rồi điện thoại giao bầu sò lại cho ông C nhưng ông C cũng không nhận và ông C cũng bỏ bầu sò. Sau khi ông C và ông N bỏ bầu sò thì một mình ông M đứng ra trông, giữ bầu sò được ít hôm thấy tình hình không thể tiếp tục giữ được bầu vì trộm cắp nên ông M đã bán mão hai bầu sò cho người khác được 300.000.000 đồng. Số tiền 300.000.00 đồng ông M đã giao lại cho ông C giữ.

Ông M có ý kiến thống nhất chịu trách nhiệm thua lỗ cùng với ông C và ông N, tuy nhiên trước đây ông C có thỏa thuận phần thua lỗ của ông M do ông C chịu thay nên đến nay phần thua lỗ lẽ ra ông M phải chịu tương ứng với tỷ lệ góp vốn do ông C có trách nhiệm chịu thay ông M.

Về phần vốn góp của ông M, giữa ông C và ông M đã tự giải quyết xong nên không có yêu cầu gì.

* Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 50/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Văn C.

Buộc ông Trương Văn N phải chịu trách nhiệm thua lỗ trong hợp đồng hợp tác (nuôi sò giống) và thanh toán trả cho ông Huỳnh Văn C số tiền 130.778.614 đồng.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện đối với bị đơn Lê Thị L do ông Huỳnh Văn C rút yêu cầu khởi kiện đối với bà Lê Thị L.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và thông báo quyền kháng cáo cho các bên đương sự theo quy định.

* Ngày 20/9/2022, bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L kháng cáo với nội dung: Yêu cầu công nhận phần thoả thuận miệng giữa ông C và ông N nội dung ông C xuất vốn, ông N xuất vỏ máy và công, nếu có lỗ thì ông N không hoàn vốn, còn sò giống ông C lấy lại tính theo giá thị trường bên ngoài, nên không đồng ý trả cho ông C số tiền 130.778.614 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L không đồng ý trả cho nguyên đơn ông Huỳnh Văn C số tiền 130.778.614 đồng.

- Nguyên đơn ông Huỳnh Văn C yêu cầu không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Văn M không có ý kiến yêu cầu gì.

- Phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và những người tham gia tố tụng trong vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm nghị án tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 50/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và công bố công khai tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến tranh luận của đương sự và phát biểu của vị đại viện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét nội dung kháng cáo của bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L nên không đồng ý trả cho nguyên đơn ông Huỳnh Văn C số tiền 130.778.614 đồng.

Hội đồng xét xử xét thấy:

[1.1] Về nội dung hợp đồng hợp tác giữa các đương sự:

Cuối năm 2019 giữa ông C, ông N và ông M có thỏa thuận cùng hùn hạp nuôi sò giống mục đích để thu và phân chia lợi nhuận sau khi thu hoạch sò giống. Mặc dù việc hùn hạp làm ăn chung các bên không lập thành văn bản nhưng về cơ bản nội dung hợp đồng các đương sự đã thống nhất như sau: Ông C là người bỏ mọi chi phí đầu tư nuôi sò giống (trong đó ông M tham gia góp vốn 100.000.000 đồng), ông N là người chịu trách nhiệm xuất ghe, vỏ, nhân công đi thu mua sò giống về nuôi và chịu trách nhiệm về kỹ thuật nuôi sò giống, ông M góp vốn 100.000.000 đồng và phụ trách ghi chép sổ sách thu chi, trông coi bầu sò và làm các công việc lặt vặt khác theo yêu cầu của ông C và ông N. Khi có sò thu hoạch, tiền bán sò sẽ trừ các chi phí đầu tư, phần lợi nhuận sẽ chia cho ông M theo tỷ lệ góp vốn và số còn lại sẽ chia hai cho ông C và ông N. Ông C là người bao tiêu mua sò giống sau khi có sò vớt để bán và giá bán sò tính theo giá thị trường.

Trong quá trình giải quyết vụ án ông C cho rằng, khi hùn hạp các bên thỏa thuận lời ăn lỗ chịu, ông N cho rằng ông C nói sẽ đầu tư vốn tiếp tục cho tới khi nào có lời và ông N không phải chịu trách nhiệm khi thua lỗ, còn ông M cho rằng khi thỏa thuận hùn hạp ông M không nghe ông C nói “lời ăn lỗ chịu” nhưng xác định khi làm ăn chung thì ai cũng phải tự hiểu về việc lời ăn lỗ chịu.

[1.2] Chi phí đầu tư trong hợp đồng hợp tác:

Ông C, ông N và ông M thống nhất xác định tổng chi phí đầu tư trong quá trình làm ăn chung hết 1.241.400.000 đồng, trong đó ông M góp vốn 100.000.000 đồng, số còn lại do ông C bỏ ra.

Như vậy tính trên tổng chi phí đầu tư nuôi sò giống thì tỷ lệ góp vốn của ông M tương ứng 8%. Theo thỏa thuận giữa các bên khi có lợi nhuận thì ông M sẽ được hưởng lợi theo tỷ lệ góp vốn 8% số còn lại chia hai cho ông C và ông N nên ông C và ông N mỗi ông sẽ được hưởng 46% lợi nhuận theo thỏa thuận.

[1.3] Về số tiền thu về từ hợp đồng hợp tác:

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay ông C xác định số tiền đã thu về được tổng cộng 766.856.000 đồng (gồm tiền bán sò giống trong 05 ngày 13,14,16,17,18/3Al/ 2020 là 447.856.000 đồng, tiền bán mão hai bầu sò tại xã T1 là 300.000.000 đồng, tiền bán sò giống ở bầu tại xã N1 là 19.000.000 đồng), ông C xác định số tiền bị thua lỗ chung còn lại là 474.544.000 đồng. Ông N không thống nhất với số tiền bán sò giống do ông C kê khai, nhưng trong quá trình thực hiện giá sò đều có sự thống nhất của các thành viên, có đủ căn cứ xác định số tiền bán sò trong 05 ngày đã thu về là 447.856.000 đồng.

Số tiền đã thu về trong quá trình hùn hạp làm ăn chung của các bên gồm các khoản sau: (447.856.000 đồng (Tiền bán sò giống) + 300.000.000 đồng (tiền bán mão 02 bầu sò ở xã T1) + 19.000.000 đồng (tiền bán sò ở bầu sò ở xã N1) = 766.856.000 đồng.

Cấn trừ số tiền đã thu về trên tổng số tiền đã đầu tư thì xác định được số tiền làm ăn chung bị thua lỗ là: (1.241.400.000 đồng – 766.856.000 đồng = 474.544.000 đồng).

Ông C tự nguyện chịu toàn bộ phần thua lỗ từ bầu sò ở xã N1, tổng chi phí đầu tư tại bầu sò ở xã N1 gồm: 185.706.000 đồng (tiền đổ sò giống) + 70.610.000/3 (tiền chi phí khác) = 209.242.666 đồng. Bầu sò này đã thu về được 19.000.000 đồng tiền bán sò, cấn trừ số tiền đã thu về thì bầu sò ở xã N1 bị thua lỗ là 190.242.666 đồng.

Sau khi cấn trừ thua lỗ tại bầu sò ở xã N1 thì phần thua lỗ của hai bầu sò ở xã T1 là: 474.544.000 đồng (tổng thua lỗ của cả 03 bầu sò) – 190.242.666 đồng (phần thua lỗ của bầu sò ở xã N1) = 284.301.334 đồng (phần thua lỗ tại 02 bầu sò ở xã T1).

[1.4] Phần thua lỗ của hai bầu sò ở xã T1 mà ông C, ông N và ông M đều có trách nhiệm chung là 284.301.334 đồng, phân chia trách nhiệm theo tỷ lệ phân chia lợi nhuận thì:

Phần thua lỗ ông M phải chịu là: 284.301.334 đồng x 8% = 22.744.106 đồng. Phần thua lỗ ông C và ông N mỗi người phải chịu là: (284.301.334 đồng – 22.930.720 đồng) : 2 = 130.778.614 đồng.

Do ông C chịu trách nhiệm phần thua lỗ thay cho ông M nên tổng cộng ông C chịu trách nhiệm thua lỗ tại 2 bầu sò ở xã T1 là (130.778.614 đồng + 22.744.106 đồng = 153.522.720 đồng).

Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Huỳnh Văn C buộc ông N có trách nhiệm chịu thua lỗ thanh toán trả cho ông C số tiền là 130.778.614 đồng theo quy định tại các Điều 504 và Điều 509 của Bộ luật dân sự năm 2015 là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật.

Từ những căn cứ nhận định trên, trong thảo luận nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận ý kiến của kiểm sát viên, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 50/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.

[2] Về án phí:

2.1 Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc bị đơn ông Trương Văn N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền là 6.538.930 đồng.

Hoàn trả cho nguyên đơn ông Huỳnh Văn C số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 10.711.000 đồng theo biên lai thu số 0006995 ngày 02/11/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang.

2.2 Án phí dân sự phúc thẩm: Buộc bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0004948 ngày 21/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang. Ông N, bà L còn phải nộp số tiền 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 50/2022/DS-ST ngày 07 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.

Áp dụng Điều 504, Điều 509, Điều 510 và Điều 512 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông ông Huỳnh Văn C về việc “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” đối với bị đơn ông Trương Văn N, bà Lê Thị L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phạm Văn M.

1.1. Buộc bị đơn ông Trương Văn N trả cho nguyên đơn ông Huỳnh Văn C số tiền thua lỗ trong hợp đồng hợp tác (nuôi sò giống) là 130.778.614 đồng (làm tròn là 130.779.000 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án). Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

1.2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Huỳnh Văn C về việc nguyên đơn ông Huỳnh Văn C yêu cầu đối với bị đơn Lê Thị L.

2. Về án phí:

2.1. Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc bị đơn ông Trương Văn N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền là 6.538.930 đồng.

Hoàn trả cho nguyên đơn ông Huỳnh Văn C số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 10.711.000 đồng theo biên lai thu số 0006995 ngày 02/11/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang.

2.2 Án phí dân sự phúc thẩm:

Buộc bị đơn ông Trương Văn N và bà Lê Thị L mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0004948 ngày 21/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang. Ông N, bà L còn phải nộp số tiền 300.000 đồng.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

19
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 231/2022/DS-PT về tranh chấp hợp đồng hợp tác

Số hiệu:231/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/12/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;