TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 16/2022/DS-PT NGÀY 19/05/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC
Ngày 19 tháng 5 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 25/2021/TLPT - DS ngày 16/6/2021 về tranh chấp hợp đồng hợp tác. Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS - ST ngày 08 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 28/2021/QĐ-PT ngày 31 tháng 12 năm 2021 và các quyết định hoãn phiên tòa, thông báo thay đổi thời gian xét xử, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Bùi Ngọc T, sinh năm 1959
Bị đơn: Ông Đào Duy D, sinh năm 1961 Đều cư trú: Phố H, thị trấn P, huyện K, tỉnh Hải Dương.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1965 Nơi cư trú: Thôn V, xã K, huyện K, tỉnh Hải Dương.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Đào Duy D: Ông Đinh Ngọc P, sinh năm 1970; nơi cư trú: Số 30 L, phường L, thành phố H, tỉnh Hải Dương.
Người làm chứng: Ông Nguyễn Bùi H, sinh năm 1954 Nơi cư trú: Thôn Đ, xã H, huyện T, tỉnh Hải Dương. Người kháng cáo: Bị đơn ông Đào Duy D.
Ông T, ông L, ông P, ông H có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn là ông Bùi Ngọc T trình bày: Do ông Đào Duy D có nhận thầu khu vực bãi phía Tây chân cầu A thuộc thị trấn P, huyện K, tỉnh Hải Dương nên vào tháng 03/2008, ông cùng ông D và ông Nguyễn Văn L thỏa thuận với nhau cùng thành lập cơ sở đóng tàu. Sau khi thỏa thuận, ông L là người lập Biên bản họp ngày 08/3/2008 giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người, biên bản đã được ba ông cùng ký. Theo thỏa thuận trên thì ông có trách nhiệm san lấp mặt bằng đến ngày 15/5/2008 và cùng ông D chịu trách nhiệm thành lập Công ty đến ngày 15/5/2008 xong. Ông L làm Hợp đồng điện cho Công ty và chịu trách nhiệm lập dự toán, đơn hàng đóng tàu, kỹ thuật và nhân lực đóng tàu. Ngày 29/3/2008, ba ông lập “Bản cam kết góp vốn xây dựng cơ sở sửa chữa đóng mới phượng tiện tàu An Phú”, theo đó: Ông D cam kết góp tiền mặt để thực hiện dự án với số tiền dự kiến là 500.000.000 đồng (số tiền này chỉ thể hiện trên bản cam kết, ông D chưa đóng góp). Ông chịu trách nhiệm san lấp, làm cứng mặt bằng với số tiền dự kiến góp vốn là 400.000.000 đồng. Ông L chịu trách nhiệm kỹ thuật đóng tàu, vật tư, thiết bị máy móc, nhân lực. Ngoài nội dung phân công cụ thể nhiệm vụ của từng người, thì các bên còn thỏa thuận: Sau khi hoàn chỉnh thủ tục pháp lý đối với dự án thì mới tiến hành làm trạm biến áp, xây dựng nhà bảo vệ, nhà công nhân, kho, hàng rào bảo vệ (phần này thỏa thuận cùng làm chung). Sau khi làm xong mặt bằng và công trình cơ bản, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất thì sẽ quyết toán và tính cổ phần góp vốn của từng người. Trong quá trình làm, các bên cử người giám sát, nếu có vấn đề gì phát sinh thì cùng bàn bạc, thống nhất. Sau khi có thỏa thuận trên thì ông là người đầu tiên thực hiện công việc đã thoả thuận. Trong quá trình thi công thì có sự giám sát về tiến độ của cả ba người. Bà X là vợ ông D, được ông D cử giám sát, ký nhận vào sổ nhật trình thi công do ông quản lý. Phần mặt bằng ông thi công gồm hai phần việc đó là bơm cát làm mặt bằng của bãi, sau đó phần làm cứng mặt bằng thì ông hợp đồng với Xí nghiệp tư doanh vận tải H thi công. Toàn bộ số tiền thi công mặt bằng là 598.095.100 đồng do ông bỏ ra, gồm các khoản: Tiền bơm cát san lấp mặt bằng 206.890.000 đồng; tiền trả cho Xí nghiệp tư doanh vận tải H 371.466.100 đồng; chi phí cho một số công việc khác 19.739.000 đồng. Sau khi ông thi công xong phần mặt bằng theo thỏa thuận trên thì thời điểm đó, do ngành công nghiệp đóng tàu sa sút, không vay được tiền để thực hiện công việc đóng tàu nên dự án bị dừng lại, chưa đi vào hoạt động. Việc thỏa thuận trên chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa ba ông với nhau. Sau đó, thì ông D đã tự ý cho một số người thuê lại mặt bằng để làm bến cảng, chế biến và kinh doanh than mà không bàn bạc, trao đổi và thanh quyết toán với những người đã tham gia, đóng góp dự án đóng tàu. Do thỏa thuận về việc thành lâp cơ sở đóng tàu không thực hiện được, ông D là người quản lý, sử dụng khu vực bến bãi đã san lấp vào việc kinh doanh, ông đã nhiều lần yêu cầu ông D thanh toán số tiền ông đã bỏ ra làm mặt bằng nhưng ông D đều khất lần, không thanh toán nên năm 2018 ông đã 02 lần làm đơn đề nghị UBND thị trấn P, huyện K xem xét giải quyết và đã được UBND thị trấn P hòa giải nhưng không thành. Nay, ông khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông D phải thanh toán trả cho ông số tiền 598.095.100 đồng mà ông đã bỏ ra đầu tư nêu trên. Ông L cũng là người tham gia thoả thuận đầu tư, nhưng ông L không được hưởng lợi gì từ việc đầu tư của ông, nên ông tự nguyện không yêu cầu ông L phải trả số tiền ông đã đầu tư trên.
Bị đơn là ông Đào Duy D trình bày: Do thời điểm năm 2008, ông nhận thầu của UBND thị trấn P khu bãi mà trước đó là nơi sản xuất gạch phía Tây chân cầu A, huyện K với hình thức nhận thầu từng năm. Sau khi nhận thầu thì ông đã tiến hành san lấp, kinh doanh vật liệu xây dựng. Năm 2008, ông T và ông L bàn bạc với ông thành lập cơ sở đóng tàu và các ông đã thỏa thuận bằng các văn bản có nội dung như ông T trình bày trên. Sau khi thỏa thuận, ông chưa góp tiền, các bên chỉ mới tiến hành thỏa thuận về việc thực hiện dự án, chưa hoàn tất thủ tục pháp lý để thành lập Công ty nên chưa được phép thực hiện việc triển khai dự án. Do chưa có sự bàn bạc cụ thể nhưng ông T đã tự ý triển khai làm phần công việc không có sự bàn bạc, thống nhất gì với ông và ông L. Quá trình làm mặt bằng ông T cũng không có hồ sơ thiết kế thi công và sau khi hoàn thành công việc cũng không có việc nghiệm thu của các bên tham gia thoả thuận. Khi ông nhận thầu diện tích đất bãi nơi thực hiện dự án đóng tàu thì ông đã tiến hành san lấp mặt bằng; khi triển khai thực hiện dự án đóng tàu thì phải ủi đất, làm lại mặt bằng thoải xuống phía sông. Tuy nhiên, sau khi không thực hiện được dự án, ông đã nhiều lần yêu cầu ông T phải san lấp, hoàn trả lại mặt bằng của bến bãi như cũ nhưng ông T nói với ông là do dự án bỏ, không làm nữa nên không san lấp lại mặt bằng. Việc ông yêu cầu ông T san lấp, hoàn trả lại mặt bằng như cũ cũng việc chấm dứt không tiếp tục thực hiện dự án nữa các bên cũng chỉ trao đổi bằng miệng, không có văn bản, giấy tờ gì. Sau đó, thì diện tích đất này bỏ không, không có ai sử dụng. Đến tháng 10/2009, ông trả lại đất cho UBND thị trấn P. Đến tháng 02/2010, ông lập dự án kinh doanh vật liệu xây dựng và chất đốt lấy tên đăng ký là “Hộ kinh doanh Đào Duy D” và được Chủ tịch UBND huyện K phê duyệt và giao đất. Sau đó, ông phải hỗ trợ địa phương đối với việc giao nhận diện tích đất bãi đó theo quy định của pháp luật. Sau khi được UBND huyện K giao diện tích đất trên để triển khai dự án thì ông đã phải cải tạo lại mặt bằng. Đến năm 2012, thì ông mới bắt đầu kinh doanh theo dự án đã được phê duyệt. Đến năm 2019, do việc kinh doanh không thuận lợi nên ông đã trả lại diện tích đất nêu trên cho UBND huyện K. Khi UBND huyện K thu hồi và giao cho người khác sử dụng thì bên tiếp nhận lại diện tích đất nêu trên có đền bù những tài sản trên đất cho ông là 1 tỷ đồng. Số tiền ông đầu tư vào khu vực bến bãi nêu trên là tài sản chung của ông và vợ ông. Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T. Yêu cầu ông T phải cung cấp hồ sơ thiết kế mặt bằng, hồ sơ nghiệm thu công trình đã thực hiện tại diện tích đất ông nhận thầu của UBND thị trấn P nêu trên và Hợp đồng thuê đất giữa ông và ông T để thực hiện dự án đóng tàu.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn L trình bày: Vào thời điểm các bên tham gia thoả thuận dự án sửa chữa, đóng mới tàu thuỷ tại khu vực phía Tây chân cầu A thì ông đang làm quản lý Công ty đóng tàu bên huyện T, thành phố H. Do ông T có đặt vấn đề thành lập cơ sở sửa chữa đóng tàu tại huyện K và giới thiệu ông D có mặt bằng, bến bãi đảm bảo điều kiện để thành lập cơ sở nên ông T, ông D và ông có vài lần gặp gỡ, bàn bạc và thống nhất việc thành lập cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện tàu thủy. Ông đã khảo sát, thấy khu vực đó đảm bảo cho việc đóng tàu từ 3.000 tấn trở xuống. Hiện trạng khi khảo sát thì rất hoang vu và trũng, có 02 cái ao tương đối to. Phần phía sát chân cầu A về phía Tây thì đã có mặt bằng khoảng 50m, khi đó đang trồng sắn dây thì không thể thực hiện đóng tàu mà phải mở rộng về hướng Tây mới đảm bảo. Chính vì vậy ông với ông D và ông T mới bàn bạc để san lấp, làm cứng mặt bằng khu bãi phía Tây để đảm bảo phục vụ cho việc đóng tàu. Vào thời điểm đó, khu bến bãi ông D không có đường dẫn vào, sau này khi san lấp, làm cứng thì ông T mới làm đường dẫn vào khu bến bãi. Việc các bên lập văn bản thỏa thuận ngày 08/3/2008 và ngày 29/3/2008 thống nhất như ông T trình bày nêu trên. Ông T là người đầu tiên thực hiện công việc theo thỏa thuận, thuê tàu bơm cát để san lấp mặt bằng và thuê đơn vị thi công là Xí nghiệp tư doanh vận tải H tiến hành rải đá cấp phối, lu lèn mặt bằng cứng, đắp bờ vùng quanh bãi cát và làm con đường dẫn từ bãi mặt bằng lên đầu nối vào đường nhựa chân cầu A. Quá trình ông T thực hiện công việc, do thời điểm đó ông bận rất nhiều công việc nên đã giao cho ông T làm. Còn về phía ông D đã cử vợ là bà X để nhận số lượng nguyên vật liệu, máy móc thi công. Khi ông T thi công thì mỗi khi anh em gặp nhau thì ông T có thông báo bằng miệng cho ông và ông D biết. Vì ông D là chủ bến bãi trên, nếu như không được sự đồng ý của ông D thì đơn vị thi công, tàu bơm cát không thể vào làm việc được. Sau khi ông T thực hiện san lấp mặt bằng thì do ngành nghề đóng tàu khủng hoảng nên dự án dừng lại như lời khai của ông T và ông D nêu trên. Các bên cũng chưa quyết toán và tính phần vốn góp với nhau. Theo thỏa thuận, thì ông chỉ chịu trách nhiệm về kỹ thuật, vật tư đóng tàu chứ không chịu trách nhiệm đóng góp vốn ban đầu vì dự án chưa được cấp phép. Sau khi dự án không được thực hiện thì ông T và ông đã nhiều lần gặp ông D để bàn bạc giải quyết vấn đề kinh phí đã đầu tư vào dự án nhưng ông D không hợp tác. Sau khi dự án đóng tàu dừng lại thì năm 2009 ông D là người trực tiếp sử dụng khu bến bãi mà ông T đã đầu tư san lấp, làm cứng mặt bằng để phục vụ hoạt động kinh doanh, ông D hưởng lợi từ giá trị mặt bằng do ông T đã đầu tư nên ông D phải có trách nhiệm trả số tiền ông T đã đầu tư theo thỏa thuận.
* Bà Nguyễn Thị X là vợ ông D trình bày: Ông T là người trực tiếp thuê và trả công cho bà để bà ra khu vực bãi phía Tây chân cầu A do vợ chồng bà được UBND thị trấn giao thầu để làm. Khi có tàu bơm cát, máy móc thi công và giao vật liệu thì bà là người kiểm tra số lượng và ký xác nhận vào sổ của ông T. Bà chỉ làm thuê cho ông T và ông T trả công cho bà. Trước đó bà và ông T đã nhiều năm làm chung bến bãi tại khu vực bến phà A. Việc bà làm cho ông T không liên quan gì đến việc ông D làm chung với ông T, ông L. Khu vực bến bãi đó trước trồng sắn dây, khi có tàu bơm cát thì bà đứng ở khu vực bến của bà ở bến phà đếm số tàu bơm cát, sau đó thì ký xác nhận. Sau một thời gian thì bà có ra khu vực bến đó thì đã bơm cát san lấp gần đầy. Ông T san lấp mặt bằng thì có bơm cát cao hơn mặt bãi một chút để làm đường vào. Sau khi không làm dự án đóng tàu nữa thì gia đình bà cho ông H ở H, Thanh Hà mượn lại khu vực bến bãi, khi đó ông H mới làm đường cao như hiện nay. Khu vực bến bãi đó là tài sản của vợ chồng bà, còn cụ thể việc đầu tư, kinh doanh như thế nào thì do chồng bà không bàn bạc, trao đổi nên bà không nắm được.
* UBND thị trấn P, huyện K cung cấp: Thời điểm năm 2008, UBND thị trấn P có cho ông D thuê diện tích đất phía Tây cầu A. Trước đó, do khu vực này cho các chủ lò gạch thuê để khai thác đất, đóng gạch đất nung nên mặt bằng có nhiều thùng vũng. Việc thỏa thuận thành lập cơ sở đóng tàu giữa ông T, ông D và ông L như thế nào thì địa phương không nắm được. Chỉ biết năm 2008, có việc bãi đất được phun cát làm mặt bằng để làm cơ sở đóng tàu nhưng sau đó dự án không tiếp tục thực hiện nữa. Đến tháng 8/2009, ông D thanh lý hợp đồng thuê bãi đất với UBND thị trấn P vì lý do UBND thị trấn P không có thẩm quyền cho thuê đất nông nghiệp. UBND thị trấn P có hướng dẫn ông D nếu có nhu cầu sử dụng tiếp diện tích đất bãi trên thì liên hệ với UBND huyện K lập dự án thuê đất theo đúng thẩm quyền. Ngày 21/5/2010, UBND huyện K ban hành Quyết định số 789/QĐ-UBND về việc chuyển mục đích sử dụng đất để cho ông D thuê xây dựng cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng và chất đốt với diện tích 15.042 m2, sau đó cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với toàn bộ diện tích đất trên cho ông D với thời hạn sử dụng 30 năm (đến ngày 21/5/2040). Ngày 10/7/2019, ông D bán toàn bộ tài sản gắn liền với đất cho thuê cho bà Vũ Hồng Th trong đó có phần diện tích đất đã san lấp mặt bằng năm 2008 nêu trên.
* Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện K cung cấp: Ngày 15/8/2009, UBND huyện K chấp thuận dự án xây dựng cơ sở kinh doanh vật liệu và chất đốt tại thị trấn P của ông D. Đến ngày 21/5/2010, UBND huyện K chuyển mục đích sử dụng đất để ông D thuê xây dựng cơ sở kinh doanh với diện tích 15.042 m2 với thời hạn 30 năm. Đến ngày 10/7/2019, ông D có đơn xin trả lại diện tích đất thuê và chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất cho bà Vũ Hồng Th.
* Người làm chứng là ông Nguyễn Bùi H trình bày: Năm 2008, ông T có liên hệ với Xí nghiệp tư doanh vận tải H để ký hợp đồng thi công nền khu vực bãi phía Tây chân cầu A. Ông T có nói với ông là thành lập Công ty đề đóng tàu và làm than. Trước khi ký Hợp đồng thì ông T có yêu cầu Xí nghiệp tư doanh vận tải H báo giá vật liệu thi công và giá máy móc thi công công trình để trao đổi với những người làm cùng ông T. Sau khi ông T thống nhất nội dung công việc và đơn giá thì ngày 09/4/2008 Xí nghiệp tư doanh vận tải H và ông T ký Hợp đồng kinh tế số 23/08/HĐKTHL. Theo đó, Xí nghiệp tư doanh vận tải H tiến hành san lấp, làm cứng mặt bằng khu bãi và làm đường dẫn từ bãi lên chân cầu An Thái. Nguyên vật liệu gồm cát, đá san lấp do ông T mua của Xí nghiệp H, tàu thủy của Xí nghiệp tư doanh vận tải H vận chuyển đến nơi san lấp. Khối lượng vật liệu thì đo đạc thực tế ngay trên tàu sau đó mới bơm cát và vận chuyển lên bãi để thi công. Máy móc, phương tiện tính theo giờ. Việc giám sát khối lượng vật liệu và thời gian làm việc thì ông T và người giám sát trực tiếp đo và ghi vào Sổ nhật trình. Khi ký Hợp đồng thì ông T nói là đã nhận được hợp đồng đóng tàu nên cần thi công gấp, nếu thuê thiết kế mặt bằng thi công thì sẽ mất rất nhiều thời gian nên ông T yêu cầu thi công trực tiếp trên mặt bằng và sau khi thi công xong thì cũng không lập hồ sơ nghiệm thu công trình mà thỏa thuận nghiệm thu thực tế sau khi đã hoàn tất các hạng mục theo Hợp đồng đã ký. Xí nghiệp tư doanh vận tải H thi công đến ngày 30/6/2008 thì xong các nội dung công việc như theo Hợp đồng đã ký kết. Ngày 04/7/2008, Xí nghiệp tư doanh vận tải H và ông T lập biên bản đối chiếu khối lượng, công nợ với tổng giá trị công việc đã thực hiện là 371.466.100 đồng. Ngoài hợp đồng đã ký thì Xí nghiệp tư doanh vận tải H còn bán cát san nền (cát đen) cho ông T tổng là 400 m3 với số tiền 61.200.000 đồng. Khoản tiền mua cát này ông T đã trả cho Xí nghiệp tư doanh vận tải H theo các tàu cát. Trong suốt quá trình ông T thi công san lấp mặt bằng đều thuê máy xúc, máy ủi, xe ôtô vận chuyển cát của Xí nghiệp tư doanh vận tải H. Toàn bộ tiền thuê xe, máy móc này đều đã được tính trong biên bản đối chiếu công nợ ngày 04/7/2008.
Ông T đã thanh toán cho Xí nghiệp tư doanh vận tải H 187.987.000 đồng, số tiền còn nợ là 183.479.100 đồng. Ông không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với khoản nợ của ông T trong vụ án này. Trước khi thi công thì ông có đến khảo sát hiện trạng, vào thời điểm đó thì khu vực bãi của ông D có một phần nền đất bằng phẳng để tập kết máy móc và làm lán ở, diện tích còn lại không bằng phẳng do trước đó lấy đất đóng gạch, còn lại các hố sâu thì thả cá, khu vực còn lại trồng sắn dây. Con đường dẫn xuống khu vực bãi cũ là từ bến phà cũ đi theo men chân đê. Khi thi công thì ông T đã đề nghị Xí nghiệp tư doanh vận tải H làm con đường dẫn mới từ khu vực bãi lên chân cầu A chiều ngang khoảng 8 m, chiều dài khoảng 300 m; thi công kiên cố bằng hình thức đổ cát đen, lu lèn rồi thi công lớp đá cộn phía trên. Khi ông đến thi công thì chỉ có một số khu vực rải gạch vỡ, hoàn toàn không có khu vực nào trải đá.
Tại bản án số 01/2021/DS - ST ngày 08/4/2021, Tòa án nhân dân huyện Kim Thành đã căn cứ khoản 2 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 274, 278, 280, 351, 357, 385, 398 của Bộ luật dân sự; Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí. Điều 26 Luật thi hành án dân sự. Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Ngọc T. Buộc ông Đào Duy D và bà Nguyễn Thị X phải thực hiện nghĩa vụ trả cho ông Bùi Ngọc T và bà Nguyễn Thị L số tiền 598.095.100 đồng. Ngoài ra, bản án còn tuyên về quyền yêu cầu thi hành án, án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo.
Ngày 15/4/2021, ông D kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm với các lý do: (1). Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của vụ án là kiện đòi tài sản là không đúng dẫn đến việc áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết không đúng; (2).Việc đánh giá chứng cứ và nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm không khách quan, không xem xét cụ thể số tiền mà ông T khởi kiện gồm những khoản nào, căn cứ để chứng minh; (3). Việc thỏa thuận góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở đóng tàu là của ba người, gồm ông, ông T và ông L. Việc không tiếp tục thực hiện dự án là rủi ro chung không thể buộc ông phải chịu toàn bộ được; (4) Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bà X (vợ ông D) cùng phải chịu nghĩa vụ trả tiền cho ông T là không đúng vì bà X không tham gia thỏa thuận cùng ông T, ông D và ông L.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Ông T xin rút và không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với một số khoản tiền gồm: Tiền luật thanh tra; tiền kê tủ điện chống lũ + dây thép; tiền thuê thợ điện kiểm tra đường cáp; tiền thuê thợ điện chuyển đồng hồ; tiền thuê thợ bắc lại cột điện bị gãy; tiền làm thủ tục thành lập Công ty; tiền mua túi đựng mực dấu; tiền mua lễ, tiền tiếp khách; tiền chi mở tài khoản Công ty và chi lẻ. Tổng = 8.965.000 đồng. Đối với các khoản tiền khác ông giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Trường hợp, nếu Tòa án xác định số tiền ông đã đầu tư làm mặt bằng là rủi ro trong việc hợp tác đầu tư giữa ông, ông D và ông L thì ông tự nguyện không yêu cầu ông L phải chịu trách nhiệm trả ông tiền đã đầu tư.
Người đại diện theo ủy quyền của ông D giữ nguyên toàn bộ nội dung và căn cứ kháng cáo như nêu trên. Đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để tiến hành xem xét thẩm định, xác định cụ thể việc san lấp mặt bằng của ông T.
Ông L xác định việc thỏa thuận đầu tư xây dựng cơ sở đóng tàu là thỏa thuận cá nhân giữa ông, ông T và ông D. Việc không tiếp tục thực hiện dự án là do khách quan chứ không có lỗi của ai. Tuy nhiên, các bên cũng chưa thống nhất được với nhau về việc chia sẻ đối với chi phí mà ông T đã đầu tư trên bãi đất. Sau khi ông T đầu tư làm mặt bằng thì ông D được hưởng lợi từ việc sử dụng và bán lại mặt bằng có phần san lấp đó nên phải chịu trách nhiệm với ông T. Ông đồng ý với việc ông T không yêu cầu ông phải chịu trách nhiệm và trả ông T tiền đã đầu tư.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận một phần kháng cáo của ông D, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành. Ông D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Ông D kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định nên được xác định là kháng cáo hợp lệ.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn:
[2.1] Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Xem xét “Biên bản giao nhiệm vụ” ngày 08/3/2008, “Bản cam kết góp vốn xây dựng cơ sở sữa chữa đóng mới phương tiện tàu thủy A” ngày 29/3/2008 và lời khai thống nhất của ông T, ông D và ông L, thấy rằng: Ông T, ông D và ông L thỏa thuận với tư cách cá nhận với nhau về việc cùng đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng tàu trên diện tích đất mà ông D đang đấu thầu của UBND thị trấn P. Tại thời điểm năm 2008, pháp luật không có quy phạm cụ thể điều chỉnh về giao dịch dân sự nêu trên. Tuy nhiên, tại mục 8 Chương XVI Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về “Hợp đồng hợp tác” có quy định hình thức, nội dung phù hợp thỏa thuận nêu trên của ông T, ông D và ông L. Trên cơ sở thỏa thuận đó, ông T đã thực hiện việc san lấp và làm mặt bằng cơ sở đóng tàu. Nay, ông T khởi kiện yêu cầu giải quyết đối với số tiền ông đã bỏ ra đầu tư theo thỏa thuận, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Kiện đòi tài sản” là chưa đúng. Hội đồng xét xử xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp đối với vụ án là “Tranh chấp hợp đồng hợp tác” để áp dụng pháp luật giải quyết vụ án cho đúng, đảm bảo quyền và lợi ích cho các đương sự.
[2.2] Về xác định tư cách đương sự: Ông T, ông D và ông L là những người tham gia thỏa thuận hợp tác với tư cách cá nhân. Do vậy, việc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu khởi kiện của ông T chỉ liên quan đến những người trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng hợp tác như nhận định ở phần trên. Nay, Hội đồng xét xử, không xác định bà L (vợ ông T) và bà X (vợ ông D) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
[2.3] Xem xét việc đầu tư của ông T thì thấy rằng:
Ông T, L đều xác định tại thời điểm các ông thỏa thuận góp vốn đầu tư thì hiện trạng bãi đất của gia đình ông D không bằng phẳng, có nhiều thùng vũng nên trong thỏa thuận mới giao việc cho ông T làm mặt bằng. Lời khai của ông T, ông L phù hợp với kết quả cung cấp thông tin của UBND thị trấn P về hiện trạng bãi đất giao cho gia đình ông D đấu thầu năm 2008 và lời khai của người làm chứng là ông Nguyễn Bùi H là Giám đốc Xí nghiệp tư doanh vận tải H là người được ông T thuê thi công phần cứng của mặt bằng. Do vậy, việc ông T đã đầu tư làm mặt bằng của dự án xây dựng cơ sở, sửa chữa đóng mới tàu thủy theo thỏa thuận giữa ba ông nêu trên là có thật.
Phần mặt bằng ông T thực hiện diễn ra từ năm 2008, cho đến nay đã có nhiều biến động về hiện trạng và có sự thay đổi về chủ sử dụng đất nên việc tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ để xác định cụ thể sẽ không khả thi. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị này của người đại diện của ông D tại phiên tòa.
Về giá trị đầu tư của ông T:
Tại cấp sơ thẩm ông T xác định số tiền ông đầu tư làm mặt bằng là 598.095.100 đồng, bao gồm tiềm bơm cát 206.890.000 đồng; tiền thuê nhân công, thuê xe 19.73.000 đồng; tiền theo hợp đồng với Xí nghiệp tư doanh vận tải H 371.466.000 đồng. Căn cứ để chứng minh cho việc ông đã chi số tiền trên là 02 bảng ông T tự kê trên cơ sở tổng hợp Sổ nhật trình những phần có xác nhận của bà X là vợ ông D và Biên bản đối chiếu khối lượng, công nợ lập ngày 04/7/2008 giữa ông T và Xí nghiệp tư doanh vận tải H. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T rút yêu cầu đối với một số khoản tiền đã chi gồm: Tiền luật thanh tra; tiền kê tủ điện chống lũ + dây thép; tiền thuê thợ điện kiểm tra đường cáp; tiền thuê thợ điện chuyển đồng hồ; tiền thuê thợ bắc lại cột điện bị gãy; tiền làm thủ tục thành lập Công ty; tiền mua túi đựng mực dấu; tiền mua lễ, tiền tiếp khách; tiền chi mở tài khoản Công ty và chi lẻ; tổng = 8.965.000 đồng. Xét việc rút yêu cầu đối với các khoản chi này của ông T là tự nguyện nên cần được chấp nhận.
Đối với khoản tiền bơm cát, thuê nhân công, thuê xe: Quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án đã yêu cầu ông T làm rõ, đối chiếu với việc ghi chép của ông T trong Sổ nhật trình mà ông T đã giao nộp. Các khoản chi này có xác nhận của bà X là vợ ông D. Tại cấp sơ thẩm, bà X thừa nhận bà có ký xác nhận vào Sổ nhật trình đối với các khoản chi theo yêu cầu khởi kiện của ông T, nhưng bà ký xác nhận là do ông T thuê bà làm, bà không liên quan đến việc thỏa thuận của ba ông. Tuy nhiên, bà X không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc bà làm thuê cho ông T; ông T, ông L và ông H đều xác định việc bà X theo dõi, ký xác nhận vào Sổ nhật trình của ông T là do ông D cử. Do vậy, có căn cứ xác định việc bà X ký xác nhận vào Sổ nhật trình của ông T là do ông D cử bà X tham gia giám sát, làm cơ sở cho việc quyết toán vốn góp sau này, phù hợp với nội dung bản cam kết ngày 29/3/2008. Ông H là Giám đốc Xí nghiệp tư doanh vận tải H xác định, ngoài công việc mà Xí nghiệp của ông thi công theo Hợp đồng với ông T thì Xí nghiệp tư doanh vận tải H còn bán cát đen san lấp cho ông T để làm cốt nền trước khi thi công phần mặt bằng cứng. Ngoài hợp đồng thi công, ông T còn mua của Xí nghiệp của ông 09 tàu cát loại 400 m3 với tổng số tiền 61.200.000 đồng. Khoản tiền này ông T đã thanh toán cho Xí nghiệp của ông theo tàu. Trong quá trình thi công thì toàn bộ tiền thuê máy xúc, máy ủi, thuê xe vận chuyển cát đều đã được hai bên liệt kê và đối chiếu trong Biên bản đối chiếu công nợ. Do vậy, các khoản chi thuê máy xúc đắp bờ vây bơm cát từ ngày 27 đến ngày 31/3/2008 = 3.690.000 đồng; chi thuê máy ủi để ủi các đồng đắp chân đê từ ngày 25 đến ngày 29/4/2008 = 1.410.000 đồng; chi thuê xe chuyển cát chân lò gạch = 1.480.000 đồng; chi thuê xe ngày 15/5/2008 = 280.000 đồng; tổng = 6.860.000 đồng mà ông T tự kê ngoài Biên bản đối chiếu công nợ với Xí nghiệp tư doanh vận tải H không có căn cứ chấp nhận.
Đối với số tiền 371.466.100 đồng theo Biên bản đối chiếu khối lượng, công nợ ngày 04/7/2008 với Xí nghiệp tư doanh vận tải H: Ông D cho rằng việc ông T thi công là do ông T tự làm, không có hồ sơ, không có nghiệm thu nên không chấp nhận các khoản chi này của ông T. Hội đồng xét xử thấy rằng: Tuy ngoài biên bản đối chiếu trên ông T không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho các khoản chi trên nhưng ông L là người cũng tham gia đầu tư xác nhận ông thường xuyên đến công trường, xác định thời điểm đối chiếu công nợ trên thì ông và ông D được ông T cho xem và đều thừa nhận, không phản đối gì. Lời khai của ông T và ông L phù hợp với lời khai của người làm chứng là ông H nên có cơ sở chấp nhận khoản tiền chi của ông T tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 04/7/2008 nêu trên là có thật, có căn cứ chấp nhận.
Như vậy, sau khi đối trừ các khoản tiền mà ông T đã rút tại phiên tòa phúc thẩm và khoản tiền của Xí nghiệp tư doanh vận tải H mà ông T kê ngoài Biên bản đối chiếu công nợ ngày 04/7/2008 như nhận định ở trên, xác định số tiền ông T đã chi để thi công mặt bằng là 582.270.100 đồng.
[2.4] Về yêu cầu đòi thanh toán số tiền đầu tư của ông T:
Như đã nhận định ở trên, việc ông T, ông D và ông L thỏa thuận với nhau để thành lập cơ sở sữa chữa đóng mới phương tiện tàu thủy A là hợp đồng hợp tác theo Điều 504 Bộ luật dân sự. Trong hợp đồng giữa các ông nêu rõ phần đầu tư của từng người. Theo thỏa thuận trên thì ông T đã đầu tư làm phần mặt bằng trị giá 582.270.100 đồng. Cả ba ông đều xác định sau khi ông T làm xong phần mặt bằng thì cơ sở đóng tàu chưa đi vào hoạt động, chưa có lợi nhuận. Tài liệu thu thập tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm thể hiện, trong thời gian ông T thi công mặt bằng thì Công ty TNHH K được thành lập do ông T làm Giám đốc. Tuy nhiên, Công ty TNHH K đã được giải thể ngày 22/10/2010. Giá trị mặt bằng ông T đã đầu tư chưa được xác định là tài sản của Công ty. Việc thỏa thuận đầu tư của các ông không tiếp tục được triển khai, hoạt động là do điều kiện khách quan, cả ba cùng thống nhất, không ai có lỗi. Do vậy, xác định số tiền ông T đã bỏ ra để đầu tư san lấp mặt bằng là rủi ro chung trong việc hợp tác của ba ông. Tuy nhiên, sau đó các bên cũng chưa thống nhất được với nhau để giải quyết đối với phần ông T đã đầu tư. Khi thỏa thuận hợp tác, các ông cũng không nêu rõ trách nhiệm của từng người và hậu quả của việc không tiếp tục dự án khi đã có sự đầu tư. Do vậy, ông T, ông D và ông L cùng phải chịu trách nhiệm chung đối với rủi ro này. Hội đồng xét xử xác định trách nhiệm của từng người như sau: Ông T là người trực tiếp đầu tư làm mặt bằng, sau khi các bên không tiếp tục thực hiện dự án cũng không yêu cầu giải quyết tranh chấp ngay, sau này biết rõ việc gia đình ông D sử dụng mặt bằng cho một dự án khác cũng không có ý kiến gì, mãi đến năm 2018 mới làm đơn yêu cầu UBND thị trấn P can thiệp giải quyết dẫn đến hiện trạng có sự thay đổi nhất định. Do vậy, ông T phải chịu 40% rủi ro, tương ứng với số tiền 232.908.000 đồng. Năm 2009, ông D trả lại đất đã đấu thầu cho UBND thị trấn P. Tuy nhiên, sau đó năm 2010 ông được UBND huyện K chuyển đổi mục đích sử dụng và cho thuê trả tiền hàng năm. UBND thị trấn P cung cấp thông tin tuy có việc thay đổi chủ thể cho thuê đất nhưng thực tế ông D vẫn là người trực tiếp quản lý và sử dụng đất để kinh doanh trong một thời gian dài; thời điểm được UBND huyện K cho thuê đất (năm 2010) thì mặt bằng đất đã được san lấp năm từ năm 2008. Đến năm 2019, ông D đã bán tài sản gắn liền với diện tích đất thuê nêu trên trong đó có diện tích san lấp mặt bằng trong dự án (15.042,0 m2), không trao đổi, bàn bạc gì với ông T và ông L. Do vậy, xác định ông D được hưởng lợi từ việc đầu tư của ông T nên phải chịu 50% rủi ro, tương ứng với số tiền 291.135.000 đồng. Ông L là một trong các bên tham gia hợp đồng hợp tác, bản thân ông L chưa đầu tư tài sản vào dự án và chưa được hưởng lợi gì. Tuy nhiên, như nhận định ở trên, đây là hoạt động đầu tư chung nên Hội đồng xét xử xác định ông L phải chịu 10% rủi ro, tương ứng với số tiền 58.227.000 đồng là phù hợp. Tại phiên tòa ông T không yêu cầu ông L phải trả tiền cho ông trong trường hợp ông L phải chịu trách nhiệm. Xét ý kiến của ông T là tự nguyện nên được chấp nhận, ông L không phải trả tiền cho ông T.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của ông D, sửa bản án sơ thẩm, buộc ông D phải trả ông T số tiền 291.135.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của ông T về việc không yêu cầu ông L phải trả ông số tiền 58.227.000 đồng.
[3] Về án phí: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Ông D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 14.556.750 đồng.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của ông Đào Duy D. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2021/DS-ST ngày 08/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Căn cứ khoản 3 Điều 26, Điều 147, Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 117, Điều 504, Điều 505, Điều 509, Điều 512, Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự; Điều 26 Luật thi hành án dân sự; Luật phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:
[1]. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Bùi Ngọc T. Buộc ông Đào Duy D phải trả ông Bùi Ngọc T số tiền 291.135.000 đồng.
[2]. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Bùi Ngọc T về việc không yêu cầu ông Nguyễn Văn L phải trả ông số tiền 58.227.000 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3]. Về án phí: Ông Đào Duy D phải chịu 14.556.750 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại ông Đào Duy D số tiền 300.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số AA/2018/0001744 ngày 29/4/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
[4]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác số 16/2022/DS-PT
Số hiệu: | 16/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/05/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về