TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 22/2020/KDTM-PT NGÀY 12/11/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ VỐN
Trong ngày 12 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 15A/2020/TLPT-KDTM ngày 27 tháng 7 năm 2020 về việc“Tranh chấp Hợp đồng Hợp tác đầu tư và Hợp đồng Hỗ trợ vốn”.
Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2019/KDTM-ST ngày 09 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2020/QĐ-PT ngày 27 tháng 9 năm 2020; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 36/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D (D) Địa chỉ: khu A, thị trấn L, huyện L, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Thanh Tr – Chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị A, sinh năm 1968 Địa chỉ: khu phố B, phường C, thành phố B, tỉnh Đồng Nai. (Văn bản ủy quyền ngày 30/3/2020).
- Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn C Địa chỉ: phường E, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ T – Chức danh: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty.
Người đại diện theo ủy quyền:
1. Bà Ngô Thị Tuyết H; Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
2. Bà Vũ Thị Kim Ng; Địa chỉ: số 8 T, quận H, Hà Nội.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Nguyễn Đình H – Luật sư thuộc Văn phòng luật sư H– Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
- Người kháng cáo: nguyên đơn là Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D (D) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn C.
(Bà A, bà H, bà Ng, Luật sư H - Có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo nội dung bản án sơ thẩm Đại diện nguyên đơn Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D trình bày:
Ngày 01/11/2010, Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D (viết tắt D) và Công ty trách nhiệm hữu hạn C (viết tắt Công ty C) ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư số 627B/2010/HTĐT, Phụ lục số 1 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 21 tháng 12 năm 2010; Phụ lục số 2 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 08 tháng 05 năm 2012; Phụ lục số 3 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 30 tháng 10 năm 2012, trong đó tập trung đền bù giải tỏa và thi công trước phần đường cấp phối và thi công hoàn chỉnh cầu trên phạm vi tuyến đường này nhằm mục đích phục vụ cho việc san lấp mặt bằng khoảng 91,7 ha. Triển khai thi công hạ tầng giao thông, điện, nước đưa dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã P vào khai thác trong giai đoạn 1, lợi nhuận của D được hưởng từ Công ty C như sau:
Mỗi một mét vuông (m2) đất nền thành phẩm (đã hoàn thành cơ sở hạ tầng) mà Công ty C bán ra thu từ khách hàng, D được hưởng lợi nhuận khoán gọn là 200.000 VNĐ/m2 (hai trăm ngàn đồng trên một mét vuông). Đồng thời giao sản phẩm cho Sàn D trực thuộc D trực tiếp bán cho khách hàng thì D được hưởng 5% trên tổng giá trị của hợp đồng.
Tổng số tiền D bỏ ra: Đầu tư theo nghĩa vụ D nêu trên và D là đơn vị được Công ty C chỉ định tổng thầu thi công tuyến đường L– P và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh dự án Khu dân cư, thương mại, dịch vụ do Công ty C làm chủ đầu tư, được Công ty C thanh toán cho D căn cứ theo bảng đối chiếu công nợ giữa các bên chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2012, gia hạn nhiều lần đến ngày 01/11/2014.
|
Năm 2011, giữa D và Công ty C ký kết các hợp đồng hỗ trợ vốn, cụ thể như sau:
Mục đích của khoản tiền hỗ trợ vốn: Thực hiện đầu tư và phát triển dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ 91,75 ha tại xã P, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Lãi suất đối với khoản tiền hỗ trợ vốn: là 0% (không phần trăm).
Tài sản đảm bảo: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sạch của dự án Khu dân cư Thương mại Dịch vụ 91,75 ha tại xã P, thành phố B, tỉnh Đồng Nai.
Ngày hết hạn hợp đồng: là 06 (sáu) tháng kể từ ngày ký hợp đồng và xin gia hạn trả nợ nhiều lần đến ngày 01/11/2014.
Đồng thời gia hạn thêm 02 năm cho hợp đồng hợp tác đầu tư số 627B/2010/HTĐT. Trong các phụ lục hợp đồng hợp tác đầu tư đều thể hiện rõ nội dung cam kết: Nếu đến ngày 01/11/2014 Công ty C không trả được các khoản hỗ trợ vốn thì Công ty C sẽ trả bằng đất sạch hoàn thiện các tuyến đường chính và được san lấp đủ cốt nền với giá 1.330.000 đ/m2 bao gồm VAT và Công ty C cam kết dùng đất dự án thế chấp đảm bảo cho khoản vay là 264,7 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty C đã vi phạm hợp đồng, cụ thể như sau:
- Đến cuối năm 2012, tổng số tiền D đầu tư và chuyển khoản cho công ty C là 264,7 tỷ đồng và 500 triệu đồng vay bổ sung vốn lưu động cho Công ty C và Công ty C phải thế chấp bằng toàn bộ dự án C đảm bảo cho các khoản vay và đầu tư từ nguồn tài chính của D. Khi Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho C, phải bàn giao cho D trên thực tế. Tuy nhiên, đến nay Công ty C vẫn chưa bàn giao giấy chứng nhận giấy sử dụng đất để đảm bảo công nợ và thanh toán gốc và lãi cho D. Trong khi đó suốt hơn 08 năm qua D đã phải trả lãi cho các Ngân hàng An Bình, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Vietcombank xuyên suốt.
- Đến ngày 01/11/2014, hợp đồng hợp tác đầu tư số 627B/2010/HTĐT hết hạn, có nghĩa là Công ty C là phải bàn giao đất sạch, hoàn thiện tuyến đường Long Hưng – Phước Tân có mặt cắt là 60m và đường liên khu có chiều rộng là 30m thảm nhựa cho D, nhưng Công ty C không giao đất cho D theo cam kết.
- Số tiền 215.573.749.481đ D đã chuyển cho Công ty C để thực hiện dự án theo thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác đầu tư và hợp đồng hỗ trợ vốn, nhưng Công ty C lại sử dụng 119.000.000.000đ (Một trăm mười chín tỷ đồng) từ hợp đồng hỗ trợ vốn của D để thanh toán cho bà Lữ Thị Thanh X để nhận chuyển nhượng cổ phần của bà X, là vi phạm nội dung các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.
- Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 25/07/2016 giữa Công ty C và D, các bên thống nhất nội dung: Công ty C có trách nhiệm thanh toán cho D số tiền 264.692.122.526 đồng. Theo Biên bản họp ngày 26/07/2016, ông Đỗ T đề nghị bán đất để trả nợ và ưu tiên cho D mua lại đất dự án với giá 40USD (giá chưa VAT)/m2 , do cầu đường Long Hưng – Phước Tân chưa đầu tư hoàn thiện 60m thảm nhựa, xây cầu tuyến 30m chỉ đầu tư cấp phối và chưa san lấp mặt bằng đủ cost nền 4.3, tương đương 893.200 VND/m2 (tỷ giá hối đoái ngày 26/07/2016). Tuy nhiên khi đến hạn trả nợ, D đã nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu ông Đỗ T trả nợ như cam kết tại Biên bản ngày 26/7/2016 nhưng ông T luôn tìm cách lẫn tránh. Sau đó D đã 04 lần có văn bản các ngày 14/01/2017; 06/02/2017;
28/02/2017 và 13/3/2017 gởi đến Ông Đỗ T – Giám đốc Công ty C yêu cầu giải quyết dứt điểm công nợ cho D bằng hình thức giao đất dự án để D đầu tư hạ tầng đủ điều kiện chuyển nhượng thu nợ trả cho Ngân hàng. Tuy nhiên Công ty C cũng không trả nợ và không giao đất dự án cho D.
Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH C thực hiện trả nợ cho D với tổng số tiền nợ gốc là 261.660.847.526đ và tiền lãi tạm tính đến ngày 30/9/2019 là: 333.064.294.517đ, tiền trượt giá đất và cơ hội đầu tư của D là 689.417.746.091đ. Tổng cộng là 1.284.142.888.134đ.
Tại phiên tòa, D xin thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, theo đó xin rút yêu cầu khởi kiện đối với số tiền thiệt hại do trượt giá đất và cơ hội đầu tư là 689.417.746.091đ; bổ sung yêu cầu khởi kiện đối với phần lãi suất trong hạn và quá hạn tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm 23/4/2020 là 550.212.500.522 đồng.
Tổng cộng là 811.873.348.048 đồng và tiền lãi phát sinh cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật. Trong phần xét hỏi, D yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn thanh toán 261.660.847.526đ tiền gốc, về tiền lãi chậm trả đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
D không đồng ý với yêu cầu phản tố của Công ty C về yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 110 tỷ đồng.
Đại diện bị đơn Công ty TNHH C trình bày:
Công ty C thống nhất trình bày của nguyên đơn về việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư, các phụ lục hợp đồng, các hợp đồng hỗ trợ vốn và số tiền D đã bỏ ra theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 25/7/2016.
Đối với yêu cầu khởi kiện của D, Công ty C không đồng ý, bởi vì:
+ Thứ nhất, việc yêu cầu trả lại số tiền hỗ trợ vốn là không có cơ sở:
Hai bên đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư trong đó quy định trách nhiệm của mỗi bên. Quá trình hợp tác đầu tư, D có ký hợp đồng hỗ trợ vốn cho Công ty C để thực hiện dự án. Khi D đồng ý hỗ trợ vốn cho Công ty C thì D đã hiểu rõ nguồn trả nợ của C là lấy từ tiền bán đất đã hoàn thành cơ sở hạ tầng bán cho khách hàng, và Công ty C cũng xác định nguồn trả nợ là tiền bán đất. Trong hợp đồng hợp tác đầu tư ghi rõ số tiền D đầu tư vào dự án thì Công ty C sẽ thanh toán cho D sau khi bán đất nền thành phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, dự án này chưa hoàn thành theo tiến độ hợp tác đầu tư, chưa có đất nền thành phẩm để bán thu tiền trả nợ. Do đó, việc D kiện yêu cầu Công ty C phải trả cho D số tiền mà D đã hỗ trợ vốn cho C là không có căn cứ.
+ Thứ hai, tại Điều 3.2 Hợp đồng hợp tác đầu tư các bên đã thỏa thuận trách nhiệm, nghĩa vụ của D phải thực hiện việc đầu tư chi phí cho quá trình hoạt động của dự án gồm: đền bù giải tỏa, thi công, san lắp mặt bằng, triển khai thi công hạ tầng giao thông, điện, nước…Để thực hiện những công việc này thì D phải bỏ chi phí để thực hiện công việc, sau khi hoàn thành thì các bên mới được hưởng quyền lợi như thỏa thuận trong Hợp đồng. Tuy nhiên, số tiền D đã bỏ ra để đầu tư chỉ là một phần nhỏ không đủ chi phí để thực hiện dự án dẫn đến dự án kéo dài, chậm tiến độ và chưa hoàn thành nên không thể có đất nền thành phẩm để bán thu tiền. Như vậy, dự án chậm tiến độ là do lỗi của D, không thực hiện đúng nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng là đầu tư vốn để thi công thực hiện triển khai.
+ Thứ ba, số tiền 215.573.749.481 đồng là tiền hỗ trợ vốn chứ không phải là khoản vay có lãi nên không phải trả lãi suất.
+ Thứ tư, biên bản đối chiếu công nợ ngày 25/7/2016 chỉ là đối chiếu số liệu về mặt kế toán, không phải là biên bản thanh lý hợp đồng quy định quyền và nghĩa vụ các bên. Cuộc họp ngày 26/7/2016 là cuộc họp nội bộ của Công ty C, không có bất kỳ cam kết nghĩa vụ trả nợ nào.
Do vậy, việc D căn cứ vào các biên bản nói trên, yêu cầu Công ty C thực hiện cam kết trả nợ là không đúng.
Tại phiên tòa, Công ty C xin rút yêu cầu phản tố về việc yêu cầu D phải bồi thường cho Công ty C toàn bộ số tiền thiệt hại là 110.000.000.000 đồng.
Tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2019/KDTM-ST ngày 09 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa đã quyết định:
Căn cứ Điều 13, Điều 212 Luật doanh nghiệp năm 2014; Điều 424, Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 357, Điều 466, Điều 468, Điều 504, Điều 507, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D.
Buộc Công ty TNHH C phải thanh toán cho Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D số tiền 261.660.847.526đ (Hai trăm sáu mươi mốt tỷ, sáu trăm sáu mươi triệu, tám trăm bốn mươi bảy ngàn, năm trăm hai mươi sáu đồng) tiền gốc và 159.362.562.310 đồng (Một trăm năm mươi chín tỷ, ba trăm sáu mươi hai triệu, năm trăm sáu mươi hai ngàn, ba trăm mười đồng) (tiền lãi tạm tính đến ngày 09/6/2020). Tổng cộng là 421.023.409.836 đồng (Bốn trăm hai mươi mốt tỷ, không trăm hai mươi ba triệu, bốn trăm lẻ chín ngàn, tám trăm ba mươi sáu đồng). Công ty TNHH C còn phải chịu tiền lãi đối với số tiền nợ gốc 261.660.847.526 đồng theo mức lãi suất 10%/ năm, từ ngày 10/6/2020 cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Đình chỉ việc giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D đối với yêu cầu về tiền trượt giá đất và cơ hội đầu tư số tiền 689.417.746.091 đồng.
Đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của Công ty TNHH C về việc buộc Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D phải bồi thường cho Công ty TNHH C số tiền thiệt hại là 110.000.000.000 đồng.
Ngoài ra bản án còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 16/6/2020, Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm căn cứ vào Hợp đồng hợp tác đầu tư và hợp đồng góp vốn để buộc bị đơn trả khoản tiền thiệt hại do bị đơn chiếm dụng vốn qui ra trả bằng đất sạch theo thỏa thuận, đề nghị đưa bà Nguyễn Thị Diễm K và bà Lữ Thị Thanh X vào tham gia tố tụng hoặc đề nghị Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
Ngày 22/6/2020, bị đơn là Công ty TNHH C nộp đơn kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện bị đơn đề nghị hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày tại phiên tòa phúc thẩm:
Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, đánh giá không đúng bản chất mối quan hệ giao dịch đã diễn ra nên dẫn đến xác định sai mối quan hệ tranh chấp. Từ việc xác định quan hệ tranh chấp không chính xác đã không đưa 36 người có liên quan trong quá trình tham gia Hợp đồng 627B/2012 ngày 01/10/2010 làm phát sinh khoản tiền 46.087.098.045đ là vi phạm Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự. Tòa sơ thẩm cũng chưa thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến chứng từ thi công công trình, không thu thập Đăng ký kinh doanh, điều lệ của D thời điểm 02 bên ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Xác định thiếu người tham gia tố tụng là các xã viên thuộc Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D, không triệu tập làm việc đối với các cổ đông hiện hữu của Công ty TNHH C. Mặc dù bị đơn đã đưa ra những chứng cứ về việc Tòa án tỉnh Đồng Nai đang thụ lý giải quyết tranh chấp giữa các thành viên công ty với người quản lý công ty và cần đợi kết quả giải quyết của vụ án này thì mới có thể xác định trách nhiệm (nếu có)của Công ty TNHH C.
Tòa sơ thẩm xác định các biên bản xác nhận số liệu về tiền, xem đây như một thỏa thuận thanh lý hợp đồng nhận nợ hết thời hạn không thanh toán thì phải chịu lãi là không có căn cứ pháp lý, không phù hợp với bản chất giao dịch đã được kết kết bằng Hợp đồng kinh tế. Mục đích toàn bộ khoản tiền 215 tỷ D chuyển cho công ty C đều thể hiện đây là khoản hỗ trợ để làm dự án, do đó khoản đầu tư vào dự án thì phải được giải quyết trên cơ sở hiệu quả của hoạt động dự án. Do hoạt động thực hiện dự án đang gặp khó khăn Công ty TNHH C phải gánh chịu hậu quả nặng nề không thể có lợi nhuận thanh toán cho D, lỗi này không phải do Công ty TNHH C.
Do đó đề nghị Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trả hồ sơ để cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên tòa phúc thẩm:
Tại phiên tòa phía bị đơn khẳng định: khi ký hợp đồng Hợp tác đầu tư (HĐHTĐT) và Hợp đồng Hỗ Trợ vốn (HĐHTV) với nguyên đơn, mặc dù trong HĐHTV thể hiện rõ khoản tiền hỗ trợ vốn có nghĩa là khoản vay tài sản, tuy nhiên phía công ty C lại cho rằng đây chỉ là một hình thức của HĐHTĐT chứ không phải là khoản vay. Trong quá trình tố tụng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét làm rõ HĐHTV thực chất có phải là khoản vay tài sản hay không. Mặt khác công ty C cho rằng; Trong tổng số tiền 215 tỷ mà D hỗ trợ vốn cho công ty C để thực hiện dự án, D đã sử dụng 19 tỷ đồng chuyển trực tiếp cho bà X, không thông qua công ty C. Khoản tiền này bà K khai là khoản tiền bà bỏ ra mua lại phần vốn góp của bà X. Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ khoản tiền này, các cổ đông của công ty C có đồng ý trả cho bà X để bà K mua lại phần vốn góp của bà X và buộc C phải chịu trách nhiệm hay không nên cần thiết phải đưa bà K, bà X vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án chưa triệt để, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, bỏ sót người tham gia tố tụng nên không cần thiết phải xem xét về phần nội dung của vụ án. Kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn là có cơ sở.
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự hủy toàn bộ bản án sơ thẩm giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa giải quyết lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn được thực hiện đúng qui định của pháp luật nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
[2] Theo đơn khởi kiện ngày 04/10/2018, đơn khởi kiện bổ sung ngày 01/10/2019, đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện, đơn phản tố và tại phiên toà sơ thẩm cả nguyên đơn và bị đơn đều xác định yêu cầu tranh chấp là hợp đồng hợp tác đầu tư. Nguyên đơn cho rằng các Hợp đồng hỗ trợ vốn trong đó có ghi nội dung vay tiền với lãi suất 0% là không đúng bản chất sự việc, bị ép ký hợp đồng hỗ trợ vốn, những khoản vay ghi trong hợp đồng hỗ trợ vốn là tiền thực hiện dự án theo Hợp đồng hợp tác đầu tư chứ không phải là khoản vay không lãi suất. Những khoản tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả theo nguyên đơn là xuất phát từ việc cùng hợp tác đầu tư cùng chia lợi nhuận.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định có hai quan hệ pháp luật tranh chấp cần giải quyết trong vụ án này là: Tranh chấp Hợp đồng hợp tác đầu tư và tranh chấp chấp hợp đồng hỗ trợ vốn (vay tài sản) là đúng. Tuy nhiên, khi giải quyết, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn tiền nợ gốc và tiền lãi phát sinh, không có nội dung nào thể hiện có giải quyết tranh chấp liên quan đến Hợp đồng hợp tác đầu tư mà chỉ nêu ở phần nhận định của bản án như sau: “Điều 1 Phụ lục số 3 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 30 tháng 10 năm 2012 thì thời hạn hợp đồng được các bên thỏa thuận gia hạn thêm 24 tháng, đến ngày 01/11/2014 là hết hạn hợp đồng (Bút lục 1857 đến 1882). Từ ngày 01/11/2014 đến nay giữa các bên không có thỏa thuận nào về việc tiếp tục hợp tác đầu tư. Như vậy, hợp đồng hợp tác đầu tư đã đương nhiên chấm dứt hiệu lực khi hết hạn hợp đồng”.
Khi giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Tòa án sơ thẩm chỉ căn cứ vào Biên bản đối chiếu công nợ ngày 25/7/2016 để xác định nghĩa vụ trả nợ toàn bộ số tiền vốn hợp tác đầu tư và số tiền vay như một khoản vay tài sản để xác định nợ gốc, tiền lãi phải trả, không dựa vào nội dung các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng hợp tác đầu tư để xác định tính hợp pháp, và xử lý hậu quả khi có tranh chấp hợp đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, cả đại diện nguyên đơn và bị đơn đều khẳng định cho đến nay chưa xác định được những khoản tiền nào đã đầu tư vào dự án, thực hiện những công việc cụ thể nào, tiến độ, khối lượng công việc tiếp theo phải hoàn thành theo thỏa thuận trong Hợp đồng hợp tác đầu tư.
[3] Hợp đồng hợp tác đầu tư số 627B/2010/HTĐT ký ngày 01/11/2010 và các Phụ lục số 1 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 21/12/2010; Phụ lục số 2 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 08/05/2012; Phụ lục số 3 sửa đổi, bổ sung Hợp đồng hợp tác đầu tư ngày 30/10/2012, thể hiện rõ khoản tiền nguyên đơn đầu tư để “đền bù giải tỏa và thi công trước phần đường cấp phối và thi công hoàn chỉnh cầu trên phạm vi tuyến đường này nhằm mục đích phục vụ cho việc san lấp mặt bằng khoảng 91,7 ha. Triển khai thi công hạ tầng giao thông, điện, nước đưa dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ tại xã Phước Tân vào khai thác trong giai đoạn 1”, và thỏa thuận lợi nhuận của D được hưởng từ Công ty C. Thực tế thực hiện hợp đồng, nguyên đơn đã chuyển tiền thành nhiều lần để cho bị đơn thực hiện các công việc đúng như mô tả trong Hợp đồng hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên, mỗi lần chuyển tiền các bên lại ký thêm với nhau một Hợp đồng hỗ trợ vốn, trong đó đều thỏa thuận thời hạn trả tiền, và mỗi khi đến thời hạn trả khoản tiền hỗ trợ vốn, bị đơn không trả được thì hai bên ký phụ lục kéo dài thời hạn trả tiền theo Hợp đồng hỗ trợ vốn và lại đồng thời ký kết phụ lục hợp đồng. Đồng thời kéo dài thời hạn thực hiện theo Hợp đồng hợp tác đầu tư 627B/2010/HTĐT. Như vậy, Hợp đồng hợp tác đầu tư và các phụ lục hợp đồng Hợp tác đầu tư có liên quan mật thiết đến Hợp đồng hỗ trợ vốn và phụ lục hợp đồng Hỗ trợ vốn. Nguyên đơn cho rằng Hợp đồng vay tài sản dưới hình thức Hợp đồng hỗ trợ vốn là hợp đồng ký không đúng bản chất cần phải được Tòa án xem xét giải quyết. Bị đơn cũng khẳng định các bên không ký kết và thực hiện hợp đồng vay tiền. Đây là những tình tiết không cần phải chứng minh theo qui định tại Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Tòa án cấp sơ thẩm xem xét yêu cầu đòi lại tiền, xem việc việc trả tiền này xuất phát từ giao dịch vay tài sản và giải quyết buộc bị đơn trả tiền vay, lãi phát sinh theo bản đối chiếu công nợ là trái với ý chí của các bên khi tham gia giao dịch cũng như trình bày của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm.
[4] Cần phải tách bạch xem xét, đánh giá hai hợp đồng một lúc và xác định tính pháp lý của cả hai hợp đồng này. Nếu xác định Hợp đồng hỗ trợ vốn là giả tạo hay bị cưỡng ép khi giao kết như nguyên đơn trình bày thì việc giải quyết khoản tiền nguyên đơn yêu cầu phải được xem xét dưới góc độ phân tích bản chất của Hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hỗ trợ vốn là giả tạo phải bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc một phần đối với phần bị vô hiệu theo qui định tài Điều 124 hoặc Điều 127 của Bộ luật dân sự. Nếu không có hợp đồng nào vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả pháp lý của cả hai hợp đồng nêu trên bằng cách xem xet các thỏa thuận của các bên trong hai hợp đồng này khi xảy ra tranh chấp mới đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và ý kiến đề nghị của bị đơn. Đồng thời, khi xem xét tính hợp pháp của hợp đồng hợp tác đầu tư và hợp đồng hỗ trợ vốn, nếu hợp đồng nào vô hiệu thì những thỏa thuận sau ngày 01/11/2014 liên quan đến hợp đồng vô hiệu đó trong đó có thỏa thuận trong Bản đối chiếu công nợ và trong các cuộc họp giữa hai bên cũng sẽ bị vô hiệu theo hợp đồng giao kết ban đầu.
[5] Cả nguyên đơn và bị đơn đều xác định nguyên đơn phải được hưởng lợi từ việc đầu tư vào dự án theo Hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký kết. Theo hợp đồng hợp tác đầu tư thì cả hai bên được hưởng lợi nhuận theo Điều 6, trong đó D được hưởng lợi nhuận khoán gọn 200.000đ/1m2, đồng thời giao thành phẩm cho sàn D trực tiếp bán cho khách hàng hưởng 5% trên tổng giá trị của hợp đồng. Trong hợp đồng hỗ trợ vốn và các cuộc họp giữa hai bên thì xuất hiện hai thỏa thuận mới đó là: Tiền hỗ trợ vốn là tiền vay và nguyên đơn được hưởng đất sạch tương ứng với số tiền vay, trong trường hợp phải trả lại vốn góp thì tài sản đảm bảo là đất dự án sẽ được trả bằng đất sạch dự án là 1.330.000đ.m2. Như vậy, cần phải làm rõ mục đích đầu tư theo Hợp đồng hợp tác đầu tư có bị thay đổi không khi ký Hợp đồng hỗ trợ vốn, cách tính toán phân chia lợi nhuận có bị thỏa thuận thay đổi không, các bên có thực hiện hiện Hợp đồng hợp tác đầu tư trên thực tế hay không, ý nghĩa của việc ký các phụ lục của Hợp đồng hợp tác đầu tư song song với việc ký kết Hợp đồng hỗ trợ vốn, nội dung nào trong hợp đồng Hỗ trợ vốn bị vô hiệu, nội dung nào trong hợp đồng Hỗ trợ vốn kế thừa hoặc thỏa thuận thay đổi, bổ sung điều khoản của Hợp đồng hợp tác đầu tư cần phải được làm rõ. Hợp đồng nào là thật, hợp đồng nào là giả, và khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết trên cơ sở hợp đồng nào. Sự vô lý trong việc nguyên đơn đi thế chấp tài sản của mình để vay tiền của ba Ngân hàng Ngân hàng An Bình, Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Vietcombank với lãi suất cao để cho bị đơn vay với lãi suất 0% cũng cần phải được thu thập chứng cứ để làm rõ.
[6] Yêu cầu của nguyên đơn là đòi lại tiền vốn góp và lãi, nhưng xuất phát từ quan hệ tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư. Nên phải xem xét tính hợp pháp, nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao dịch và lỗi dẫn đến Hợp đồng hợp tác đầu tư không thực hiện được mới có căn cứ xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có căn cứ hay không.
[7] Tính pháp lý và sự tồn tại của dự án cũng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh, làm rõ. Tất cả quyền và nghĩa vụ phát sinh trong các hợp đồng hợp tác hay hợp đồng hỗ trợ vốn đều dựa vào lợi ích từ 91,7ha đất làm dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (một phần) cho Công ty trách nhiệm hữu hạn C (sau đây gọi là Công ty C). Cần xác minh làm rõ quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tính pháp lý trong việc cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tính khả thi của dự án khu đô thị mới có căn cứ giải quyết hậu quả của các hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
[8] Trong tổng số tiền nguyên đơn chuyển cho bị đơn để tiến hành thực hiện đền bù khi thu hồi đất và giải phóng mặt bằng của dự án C, bị đơn đã sử dụng 149 tỷ đồng để trả nợ cho cá nhân khác. Ông T có dùng 149 tỷ đồng tiền hổ trợ vốn của Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D (sau đây gọi là D) vào dự án C để trả nợ cá nhân cho bà Lữ Thị Thanh X, nhưng ông T lại khai trong đó có 19 tỷ đồng là tiền của bà K mua vốn góp của bà X, trình bày của ông T mâu thuẫn với trình bày của bà K. Bà K cho rằng, số tiền 19 tỷ đồng chuyển cho bà X là tiền của riêng bà nhờ do D chuyển hộ cho bà X để mua vốn góp không liên quan đến khoản tiền góp vốn của D cho Công ty C.
[9] Như vậy, cần phải đưa bà K, bà X vào tham gia tố tụng để xác định tính hợp pháp của việc sử dụng số tiền này. Xác minh làm rõ động cơ, mục đích của ý chí của các đương sự liên quan đến khoản chi này gồm hai đại diện theo pháp luật của nguyên đơn, bị đơn và bà X, bà K, nhất là ý chí của nguyên đơn có đồng ý dùng tiền cho cá nhân ông T, bà K mua vốn góp hay không để xác định có hay không sự thay đổi thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng góp vốn của hai Công ty. Đồng thời tính toán lỗi của các bên khi sử dụng số tiền không đúng mục đích thỏa thuận trong hợp đồng khi giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đổng hợp tác kinh doanh.
[10] Những vấn đề nêu trên không thể khắc phục được tại phiên tòa phúc thẩm, cần hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa giải quyết lại.
[11] Chi phí tố tụng và án phí sơ thẩm sẽ được xử lý khi Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa giải quyết lại vụ án Nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000đ theo biên lai thu tiền số 9532 ngày 22/6/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa cho Công ty TNHH C, hoàn trả trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000đ theo biên lai thu tiền số 9469 ngày 18/6/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa cho Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D.
[12] Quan điểm của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: có một phần phù hợp với kết quả tranh tụng tại phiên tòa nên chấp nhận. Quan điểm về giải quyết vụ án của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai phù hợp với kết quả tranh tụng tại phiên tòa nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là và bị đơn.
1. Hủy toàn bộ bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2019/KDTM-ST ngày 09 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa, giao hồ sơ vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn, hợp đồng hỗ trợ vốn” giữa nguyên đơn là Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn C cho Tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
2. Chi phí tố tụng và án phí sơ thẩm sẽ được quyết định khi Tòa án nhân dân Thành phố Biên Hòa giải quyết lại vụ án.
3. Nguyên đơn và bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000đ theo biên lai thu tiền số 9532 ngày 22/6/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa cho Công ty TNHH C, hoàn trả trả số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 2.000.000đ theo biên lai thu tiền số 9469 ngày 18/6/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa cho Liên hiệp hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp D.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư và hỗ trợ vốn số 22/2020/KDTM-PT
Số hiệu: | 22/2020/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 12/11/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về