Bản án về tranh chấp hợp đồng góp hụi số 06/2021/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THẠNH PHÚ, TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 06/2021/DS-ST NGÀY 02/02/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP HỤI

Trong các ngày 28 tháng 01 và ngày 02 tháng 02 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thạnh Phú xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 290/2020/TLST – DS ngày 10 tháng 11 năm 2020 về tranh chấp “hợp đồng góp hụi” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2021/QĐXXST–DS ngày 15 tháng 01 năm 2021 giữa các đương sự :

- Nguyên đơn: Chị Lê Thị D, sinh năm: 1978; địa chỉ: 114/4 ấp TB, xã TP, huyện P, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Lê Thị D: Ông Nguyễn Văn Th, sinh năm: 1954; địa chỉ: ấp HT, xã TH, huyện MCN, tỉnh Bến Tre theo văn bản Hợp đồng uỷ quyền ngày 23/11/2020 (có mặt).

- Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Kim T, sinh năm: 1966; địa chỉ: 95/4 ấp TB, xã TP, huyện P, tỉnh Bến Tre (có mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Văn H, sinh năm: 1968;

địa chỉ: 95/4 ấp TB, xã TP, huyện P, tỉnh Bến Tre (có Đơn xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện, bản khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa ông Nguyễn Văn Th - người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn chị Lê Thị D trình bày:

Chị D có tham gia chơi hụi do bà Nguyễn Thị Kim T là chủ hụi (đầu thảo).

Tất cả các dây hụi đều tính theo ngày, tháng, năm của âm lịch. Khi tham gia chơi hụi thì bà Thoa và các hụi viên trong đó có chị D đều thống nhất là chơi hụi có lãi. Bà Thoa làm chủ hụi thì hưởng tiền huê hồng (đầu thảo) được tính nếu hụi loại 1.000.000 đồng thì hưởng huê hồng 500.000 đồng/01tháng/01người hốt hụi, nếu hụi loại 500.000 đồng thì hưởng huê hồng 250.000 đồng/01tháng/01người hốt hụi. Theo thống nhất giữa bà Thoa và các hụi viên sau khi hụi viên kêu hụi và hốt hụi thì sau 05 ngày thì chủ hụi sẽ giao tiền cho các hụi viên.

Chị D tham gia các dây hụi như sau:

- Dây 1: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 15/02/2020, gồm 21 phần, tham gia 02 phần, đóng hụi được 04 tháng. Ngày 27/7/2020 bà Th tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà Th phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 02 phần x 04 tháng x 1.000.000 đồng = 4.000.000 đồng. Trước đây do nhầm lẫn nên chị D trình bày trong đơn khởi kiện chị D có ghi ngày mở hụi 15/02/2019 nhưng nay chị D xác định là ngày mở hụi ngày 15/02/2020.

- Dây 2: loại hụi 500.000 đồng mở hụi ngày 08/07/2018, gồm 30 phần, tham gia 02 phần,chị D đóng hụi được 23 tháng, tháng thứ 24 ngày 08/5/2020 thì chị D kêu hụi 300.000 đồng và hốt hụi, nhưng bà Th không giao tiền. Ngày 27/7/2020 bà Thoa tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà Thoa phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 02 phần x 23 tháng x 500.000 đồng = 23.000.000 đồng.Trước đây do nhầm lẫn nên trong đơn chị D ghi là chị D đã đóng hụi được 24 tháng tháng, nay xác định là 23 tháng.

- Dây 3: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 06/01/2019, gồm 29 phần, tham gia 02 phần chị D đóng hụi được 17 tháng, tháng thứ 18 ngày 06/5/2020 thì chị D kêu hụi 470.000 đồng và hốt hụi. Tiếp theo đến ngày 06/6/2020 chị D kêu hốt hụi của phần hụi còn lại, kêu hụi là 535.000 đồng và hốt hụi. Nhưng bà Thoa không giao tiền hụi cho chị D 02 dây hụi này. Ngày 27/7/2020 bà Thoa tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà Thoa phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 02 phần x 17 tháng x 1.000.000 đồng = 34.000.000 đồng.

- Dây 4: loại hụi 500.000 đồng mở hụi ngày 05/12/2018, gồm 21 phần, tham gia 02 phần, chị D đóng hụi được 18 tháng, tháng thứ 19 ngày 05/7/2020 thì chị D kêu hụi 310.000 đồng và là người hốt hụi nhưng bà Thoa không giao tiền hụi. Đến ngày 27/7/2020 bà Thoa tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà Th phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 02 phần x 18 tháng x 500.000 đồng = 18.000.000 đồng.

- Dây 5: loại hụi 1.000.000 đồng, mở hụi ngày 25/8/2018, gồm 27 phần, tham gia 01 phần, chị D đóng hụi được 23 tháng, tháng thứ 24 ngày 25/6/2020 thì chị D kêu hụi 605.000 đồng và là người hốt hụi nhưng bà Thoa không giao tiền hụi. Đến ngày 27/7/2020 bà Th tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà Th phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 01 phần x 23 tháng x 1.000.000 đồng = 23.000.000 đồng.

- Dây 6: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 20/1/2019, gồm 22 phần, tham gia 01 phần, chị D đóng hụi được 17 tháng, tháng thứ 18 ngày 20/5/2020 thì chị D kêu hụi 480.000 đồng và là người hốt hụi nhưng bà T không giao tiền hụi. Đền ngày 27/7/2020 bà T tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà T phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 01 phần x 17 tháng x 1.000.000 đồng = 17.000.000 đồng.

- Dây 7: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 17/8/2019, gồm 26 phần, tham gia 01 phần, chị D đóng hụi được 10 tháng. Đến ngày 27/7/2020 bà T tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà T phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 01 phần x 10 tháng x 1.000.000 đồng = 10.000.000 đồng.

- Dây 8: loại hụi 500.000 đồng, mở hụi ngày 19/9/2019, gồm 22 phần, tham gia 02 phần, chị D đóng hụi được 09 tháng. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà T tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên chị D yêu cầu bà T phải trả cho chị D số tiền hụi được tính là 02 phần x 09 tháng x 500.000 đồng = 9.000.000 đồng.

Tổng số tiền chị D yêu cầu bà T giao trả cho tất cả các dây hụi là 142.000.000 đồng.

Đối với các dây hụi thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 như đã nêu ở trên mặc dù chị D có kêu hụi và là người hốt hụi vào tháng 5, 6, 7/2020 nhưng bà T không thực hiện nghĩa vụ gia tiền hụi sau đó mà đến ngày 27/7/2020 bà T tuyên bố úp hụi. Sau khi kêu và hốt hụi bà T không có tính toán số tiền hụi mà chị D được hốt ở mỗi dây hụi, bà T cũng không có đi thu tiền hụi của tất cả các hụi những hụi viên còn sống (hụi viên chưa trúng hụi) ở các dây hụi mà D kêu hốt hụi và bà T cũng không có giao tiền hụi cho chị D. Việc bà T trả cho chị D hai lần, lần đầu trả 14.000.000 đồng, trả tổng cộng số là 23.800.000 đồng nhưng không nói là giao tiền chị D hốt hụi mà chỉ nói là vì bị hụi viên giựt hụi nên trả dần cho chị D như thế. Chị D xác định bà T trả số tiền 23.800.000 đồng là trả vào số tiền hụi sống. Khi bà T tuyên bố ngừng hụi thì bà T có đề nghị trả cho chị D số tiền hụi thực đóng tính bình quân mỗi tháng là hụi không có lãi và mỗi tháng trả cho chị D 2.000.000 đồng nhưng chị D không đồng ý.

Khi bà T tuyên bố úp hụi thì chị D có nhiều lần yêu cầu trả tiền hụi thì bà T có trả cho chị D được 23.800.000 đồng và chị D có nợ tiền hụi chết của bà T là 4.000.000 đồng nên chị D đồng ý khấu trừ 02 số tiền này nên chị D chỉ yêu cầu bà T trả cho chị D 142.000.000 đồng - 23.800.000 đồng – 4.000.000 đồng =114.200.000 đồng.

Chị D không đồng ý việc bà T đề nghị trả lại số tiền hụi thực tế mà chị D đã đóng cho từng dây hụi, số tiền hụi mà bà T đề nghị trả cho chị D là do bà T tự tính tiền hụi không có lãi, chị D không đồng ý. Khi ngừng hụi chị D và bà T có thống nhất lại các dây hụi mà chị D tham gia và bà T có ký tên xác nhận vào danh sách viết tay liệt kê các dây hụi mà chị D đã tham gia và chị D đã cung cấp văn bản này cung cấp cho Toà.

Việc mở hụi cho các hụi viên tham gia thì tổ chức khui hụi tại nơi bà T ở là số nhà 95/4 ấp Thạnh B, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Ông Trần Văn H là chồng bà T sống cùng địa chỉ với bà T, bà T làm chủ hụi hưởng huê hồng là dùng vào mục đích phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình bà T, bà T và ông H không có làm kinh tế riêng.

Đối với những phần hụi mà chị D đã kêu và là người hốt hụi nhưng do bà không có đi thu gom tiền hụi từ các hụi viên để giao tiền hụi cho chị D và sau đó bà đã tuyên bố úp hụi nên chị D không có yêu cầu xem xét việc chị D kêu và hốt hụi ở các dây hụi thứ 3, 4, 5, 6 là hụi chết.

Khi bà T tuyên bố ngừng hụi chị D có nhiều lần yêu cầu bà T trả tiền hụi nhưng bà T hứa hẹn trả dần chị D không đồng ý. Các dây hụi mà chị D tham gia đều là hụi có lãi nên việc bà T đề nghị trả tiền hụi thực đóng thì chị D không đồng ý.

Nay chị D yêu cầu bà T và ông H có trách nhiệm liên đới trả cho chị số tiền nợ hụi là 114.200.000 đồng. Chị D xin tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu tính tiền lãi chậm trả, không đồng ý yêu cầu trả dần mỗi tháng 1.000.000 đồng của bà T.

*Theo nội dung các Biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa bị đơn bà Nguyễn Thị Kim T trình bày:

Bà là chủ hụi (đầu thảo) từ năm 2016 cho đến nay. Chị Lê Thị D tham gia các dây hụi như sau:

- Dây 1: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 15/02/2020, gồm 21 phần, tham gia 02 phần, tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên D đóng hụi được 04 tháng, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 4.400.000 đồng.

- Dây 2: loại hụi 500.000 đồng mở hụi ngày 08/07/2018, gồm 30 phần, tham gia 02 phần, D đóng hụi được 23 tháng, tháng thứ 24 ngày 08/5/2020 thì D kêu hụi 300.000 đồng và hốt hụi, số tiền hụi mà bà phải giao cho D sau khi đã trừ tiền đầu thảo là 11.250.000 đồng. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên bà không giao tiền hụi cho D, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 13.000.000 đồng.

- Dây 3: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 06/01/2019, gồm 29 phần, tham gia 02 phần D đóng hụi được 17 tháng, tháng thứ 18 ngày 06/5/2020 thì D kêu hụi 470.000 đồng và hốt hụi, số tiền hụi mà bà phải giao cho D sau khi đã trừ tiền đầu thảo là 21.200.000 đồng. Do D tham gia 02 phần nên ngày 06/6/2020 D kêu thêm 01 phần hụi kêu hụi là 535.000 đồng và hốt hụi, số tiền hụi mà bà phải giao cho D sau khi đã trừ tiền đầu thảo là 21.150.000 đồng, Tổng số tiền hụi mà bà phải giao cho D đối với 02 phần hụi là 42.350.000 đồng. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên bà không giao tiền hụi cho D, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 18.000.000 đồng.

- Dây 4: loại hụi 500.000 đồng mở hụi ngày 05/12/2018, gồm 21 phần, tham gia 02 phần, D đóng hụi được 18 tháng, tháng thứ 19 ngày 05/7/2020 thì D kêu hụi 310.000 đồng và hốt hụi, số tiền hụi mà bà phải giao cho D sau khi đã trừ tiền đầu thảo là 8.940.000 đồng. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên bà không giao tiền hụi cho D, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 12.000.000 đồng.

- Dây 5: loại hụi 1.000.000 đồng, mở hụi ngày 25/8/2018, gồm 27 phần, tham gia 01 phần, D đóng hụi được 23 tháng, tháng thứ 24 ngày 25/6/2020 thì D kêu hụi 605.000 đồng và hốt hụi, số tiền hụi mà bà phải giao cho D sau khi đã trừ tiền đầu thảo là 23.685.000 đồng. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên bà chưa giao tiền hụi cho D, số tiền thực tế D đã đóng hụi là11.920.000 đồng.

- Dây 6: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 20/1/2019, gồm 22 phần, tham gia 01 phần, D đóng hụi được 17 tháng, tháng thứ 18 ngày 20/5/2020 thì D kêu hụi 480.000 đồng và hốt hụi, số tiền hụi mà bà phải giao cho D sau khi đã trừ tiền đầu thảo là 18.680.000 đồng. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên bà không giao tiền hụi cho D, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 9.120.000 đồng.

- Dây 7: loại hụi 1.000.000 đồng mở hụi ngày 17/8/2019, gồm 26 phần, tham gia 01 phần. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên D đóng hụi được 10 tháng, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 5.900.000 đồng.

- Dây 8: loại hụi 500.000 đồng, mở hụi ngày 19/9/2019, gồm 22 phần, tham gia 02 phần. Tuy nhiên ngày 27/7/2020 bà tuyên bố ngừng hụi (úp hụi) nên D đóng hụi được 09 tháng, số tiền thực tế D đã đóng hụi là 6.100.000 đồng.

Tất cả các dây hụi đều tính theo ngày tháng năm của âm lịch. Khi tham gia chơi hụi thì bà và các hụi viên đều thống nhất là chơi hụi có lãi. Bà làm chủ hụi thì hưởng tiền huê hồng (đầu thảo) được tính nếu hụi loại 1.000.000 đồng thì hưởng huê hồng 500.000 đồng/01tháng/01phần hốt hụi, nếu hụi loại 500.000 đồng thì hưởng huê hồng 250.000 đồng/01 tháng/01phần hốt hụi. Theo thống nhất giữa bà và các hụi viên sau khi hụi viên kêu hụi và hốt hụi thì sau 05 ngày thì chủ hụi sẽ giao tiền cho các hụi viên.

Việc mở hụi cho các hụi viên tham gia thì tổ chức khui hụi tại nơi bà ờ là số nhà 95/4 ấp Thạnh B, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Ông Trần Văn H là chồng bà sống chung với nhau đã 35 năm, bà có đăng ký kết hôn tại UBND xã Tân Phong, hiện bà còn giữ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nhưng bà không nhớ rõ bà đăng ký kết hôn năm nào. Chồng bà là Trần Văn Hùng sinh sống cùng địa chỉ với bà, ông H có biết việc bà làm chủ hụi nhưng không đồng ý cho bà làm chủ hụi, nhiều lần rầy la bà. Những lúc bà đi khám bệnh không có nhà thì cũng có 01 hoặc 02 lần gì đó ông H có nhận dùm tiền hụi của một vài hụi viên đóng hụi cho bà còn sau đó thì ông H không đồng ý nhận dùm bà nữa. Ngoài ra ông H cũng không tham gia gì trong việc bà mở hụi, thu gom tiền hụi hay nhận tiền hụi của các hụi viên đóng hụi. Số tiền huê hồng (đầu thảo) mà bà nhận được từ việc làm chủ hụi thì bà không sử dụng gì trong gia đình mà bà sử dụng toàn bộ tiền huê hồng để trị bệnh cho cá nhân bà. Từ trước khoảng tháng 05, 6/2020 cho đến thời điểm bà tuyên bố úp hụi vào tháng 7/2020 thì có nhiều hụi viên không chịu đóng tiền hụi cho bà nên bà không có tiền giao cho các hụi biên đã hốt hụi mà bà chỉ có thu tiền hụi của những hụi viên đã hốt hụi (hụi chết), chứ bà không thu tiền hụi của những hụi viên còn sống (chưa hốt hụi) nên từ đó bà không giao tiền hụi đối với những phần hụi mà chị D đã kêu và hốt hụi vào tháng 5, 6, 7/2020. Và cũng vì các hụi viên cho rằng có nhiều hụi viên khác không đóng hụi nên mặc dù chị D đã kêu và là người hốt hụi nhưng bà không gom hụi và giao tiền hụi cho chị D. Nay bà thừa nhận bà cũng không yêu cầu tính tiền hụi mà chị D đã kêu hốt hụi ở các dây hụi vào tháng 5, 6, 7/2020 mà chỉ đề nghị trả tiền hụi thực tế mà chị D đã đóng ở các dây hụi thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6. Ngày 27/7/2020 bà tuyên bố úp hụi vì không có khả năng gồng hụi. Sau khi úp hụi thì bà đề nghị với D xin trả tiền hụi không có lãi, mỗi tháng trả l2.000.000 đồng nhưng D không đồng ý. Bà có ký tên xác nhận các dây hụi mà D tham gia, văn bản mà D cung cấp cho Toà ngày 18/11/2020 bà đã xem qua và thừa nhận đây là chữ ký của bà. Bà có trả cho D số tiền hụi là 23.800.000 đồng gồm: trước khi úp hụi trả 14.000.000 đồng, sau khi úp hụi trả nhiều lần là 9.800.000 đồng. Và đồng ý khấu trừ số tiền hụi chết của các dây hụi khác mà D nợ bà là 4.000.000 đồng, như vậy bà xác định bà đã trả được một phần tiền hụi cho D là 27.800.000 đồng.

Việc bà có trình bày số tiền thực đóng của mỗi dây hụi mà chị D tham gia, bà tính được như vậy là do bà nhớ được số tiền mà mỗi tháng các hụi viên kêu hụi để hốt rồi trừ với từng loại hụi 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng thì sẽ ra số tiền hụi thực đóng của từng tháng rối nhân lên số tháng hụi đã kêu hốt hụi cho đến ngày bà úp hụi sẽ ra số tiền hụi thực đóng. Đồng thời do khi bà tuyên bố úp hụi thì các hụi viên khác có tham gia cùng với chị D tự tính và đồng ý cho bà trả số tiền hụi thực tế đã đóng này nên bà lấy đó làm cơ sở tính số tiền thực tế mà chị D đã đóng hụi cho bà để bà đề nghị giao trả cho chị D. Khi giao hụi cho hụi viên hốt hụi của từng tháng thì bà không có giao giấy tờ hay văn bản gì về việc hốt hụi, bà có lập sổ hụi danh sách của các hụi viên mỗi tháng hụi viên nào kêu hốt được hụi thì bà gạt tên hụi viên đó chứ cũng không ghi vào sổ hụi số tiền cụ thể hụi viên đó đã kêu hốt hụi, sổ này bà tự giữ tự theo dõi các hụi viên không có ký tên xác nhận. Việc thu tiền của các hụi viên thì được tính trên cơ sở số tiền hụi viên đã kêu hốt hụi trừ đi loại hụi đã mở thì bà thông báo miệng với các hụi viên còn lại số tiền hụi phải đóng của từng tháng chứ không ghi chép gì.

Ngày mở hụi, loại hụi đã tham gia, số phần hụi và các dây hụi mà chị D đã tham gia cũng như số tháng thực tế đã đóng tiền hụi, ngày úp hụi bà và chị D đã thống nhất với nhau. Khi tham gia hụi là hụi có lãi tuy nhiên chị D đề nghị bà trả tiền hụi có lãi nhưng bà đề nghị xin được trả tiền hụi không có lãi là trả tiền hụi thực tế đã đóng vì có nhiều hụi viên không đóng hụi cho bà dẫn đến việc bà gặp khó khăn về kinh tế nên không có khả năng để trả tiền hụi có lãi theo yêu cầu của chị D được. Nếu tính số tiền hụi có lãi thì số tiền chị D kiện bà trả tiền hụi cho từng dây hụi là đúng.

Dây hụi thứ 2 còn 05 hụi viên sống (chưa hốt hụi) trong đó có bà Lê Kim Đính (ghi trong giấy hụi là 2 Bé); dây hụi thứ 3 còn 11 hụi viên sống (chưa hốt hụi) trong đó có anh Nguyễn Thanh Bình (ghi trong giấy hụi là vợ Bình bán cháo), dây hụi thứ 5 và thứ 6 mỗi dây còn 04 hụi viên sống (chưa hốt hụi) mỗi dây đều có Ngô Thị Thắm (ghi trong giấy hụi là vợ Út Lượm).

Đối với những dây hụi mà chị D kêu hụi và hốt hụi vào tháng 5,6,7/2020 bà không có giao tiền hụi mà chị D hốt được vì khi tuyên bố úp hụi thì bà không có đi thu tiền hụi của những hụi viên còn sống, chỉ gom tiền hụi chết của những hụi viên đã hốt hụi trước đó vì các hụi viên còn sống nói úp hụi rồi thì họ không đóng hụi nữa nên việc kêu hụi và hốt hụi của chị D coi như không có hiệu lực.

Đối với những phần hụi mà chị D đã kêu và là người hốt hụi nhưng do bà không có đi thu gom tiền hụi từ các hụi viên để giao tiền hụi cho chị D và sau đó bà đã tuyên bố úp hụi nên bà không tính các phần hụi mà chị D đã kêu hốt hụi là hụi chết mà chỉ tính số tiền thực tế chị D đã có đóng hụi của những tháng trước đó làm cở sở cho việc bà trả lại tiền hụi thực tế mà chị D đã góp hụi. Bà cũng không có yêu cầu xem xét việc chị D kêu và hốt hụi ở các dây hụi thứ 3, 4, 5, 6 là hụi chết.

Nay qua yêu cầu khởi kiện của chị D thì bà không đồng ý trả số tiền hụi là 114.200.000 đồng và tiền lãi chậm trả. Bà yêu cầu được trả số tiền hụi không có lãi cho chị D là 80.440.000 khấu trừ số tiền đã trả là 27.800.000 đồng bà còn phải trả là 52.640.000 đồng, xin trả dần mỗi tháng 1.000.000 đồng.

* Theo nội dung Biên bản lấy lời khai, Đơn xin xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn H trình bày:

Ông và bà Nguyễn Thị Kim T là vợ chồng hợp pháp, có đăng ký kết hôn sống chung với nhau đã 35 năm qua tại nơi cư trú 95/4 ấp Thạnh B, xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú tỉnh, Bến Tre. Khi còn khoẻ mạnh thì ông và bà T cùng làm cùng ăn cùng hưởng. Nhưng những năm gần đây ông bị bệnh nên kinh tế gia đình phụ thuộc vào các con, ông không lao động nặng được; còn bà T cũng có bệnh trong người bà T chơi hụi lấy tiền tự lo trị bệnh, có khi còn xin thêm các con. Việc bà T làm đầu thảo (chủ hụi) mở hụi cho các hụi viên tại nhà ông đã không đồng ý nhiều lần khuyên nhủ nhưng bà T vẫn cứ làm. Ông không tham gia chơi hụi, cũng không phụ giúp gì trong việc bà T làm chủ hụi, ai kêu ai hốt ông cũng không biết. Tiền lời từ việc chơi hụi ông không sử dụng. Nay chị Lê Thị D khởi kiện buộc ông và bà T phải có nghĩa vụ liên đới trả tiền hụi cho chị D thì ông không đồng ý, chị D và bà T tự chơi hụi với nhau thì tự giải quyết ông không có trách nhiệm gì.

Do điều kiện sức khoẻ nên tôi xin được vắng mặt trong suốt quá trình toà án giải quyết vụ án hoà giả, xét xử và các lần mời khác của toà để giải quyết vụ án. Việc ông xin vắng mặt là hoàn toàn tự nguyện không bị ai ép buộc.

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

- Về trình tự, thủ tục: Thẩm phán và Hội đồng xét xử sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên về việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát chậm hơn so với quy định.

- Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng:

Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

- Về nội dung: qua các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, xét thấy hợp đồng góp hụi được xác lập trên cơ sở tự nguyện, không trái pháp luật đạo đức xã hội nên được pháp luật thừa nhận. Quá trình thực hiện hợp đồng các đương sự thống nhất về số dây hụi, số tháng góp hụi, thời gian mở hụi, hụi có lãi, số tiền hụi bà T đã khấu trừ với chị D. Đối với chị D yêu cầu trả tiền hụi có lãi, bà T yêu cầu trả tiền hụi thực tế đã góp hụi. Nhận thấy khi thỏa thuận hợp đồng góp hụi các bên đều thừa nhận tất cả các dây hụi đều là hụi có lãi, bà T cũng thừa nhận nếu tính hụi có lãi thì chị D khởi kiện số tiền 114.200.000 đồng là đúng. Do đây là hụi có lãi, bà T đơn phương tuyên bố ngừng hụi là vi phạm hợp đồng góp hụi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hụi viên nên chị D khởi kiện bà T là có căn cứ chấp nhận. Bà T yêu cầu được trả số tiền thực tế chị D đã đóng hụi, lời trình bày của bà T là không có cơ sở vì khi giao kết hợp đồng góp hụi bà T thừa nhận là hụi có lãi, hàng tháng khi hụi viên hốt hụi bà thu tiền đầu thảo. Do đó bà T phải có nghĩa vụ trả tiền hụi có lãi cho chị D là phù hợp.

Về trách nhiệm liên đới trả nợ của ông Trần Văn H (chồng bà T): bà T và ông H là vợ chồng hợp pháp, hiện vẫn đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân, ông bà không có thỏa thuận làm kinh tế riêng. Mặt khác việc bà T làm chủ hụi thu tiền đầu thảo nhằm mục đích chữa bệnh cho bà cũng được xem là phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Do đó cần buộc ông H có trách nhiệm liên đới với bà T trả nợ cho chị D là phù hợp. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà T và ông H có nghĩa vụ liên đới trả cho chị Lê Thị D số tiền nợ hụi 114.200.000 đồng. Đồng thời đề nghị đình chỉ yêu cầu khởi kiện của chị D về yêu cầu tính tiền lãi chậm trả.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: căn cứ vào đơn khởi kiện của nguyên đơn chị Lê Thị D yêu cầu bị đơn bà Nguyễn Thị Kim T trả tiền nợ hụi nên xác định đây là tranh chấp “hợp đồng góp hụi” theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Bị đơn bà Phạm Thị Kim T có nơi cư trú tại xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre nên theo điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Thạnh Phú.

[2] Về tố tụng: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn H có yêu cầu xét xử vắng mặt.Vì vậy căn cứ khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông H.

[3] Về nội dung vụ án: Hợp đồng góp hụi giữa chị D và bà T được xác lập trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng không bên nào bị lừa dối hoặc bị ép buộc và không vi phạm quy định tại Điều 122, Điều 479 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 117, Điều 471 của Bộ luật Dân sự năm 2015 nên được xem là hợp đồng hợp pháp.

Do vậy làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên nên các bên phải có trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận đã cam kết.

[4] Về nghĩa vụ trả tiền hụi: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa chị D, người đại diện hợp pháp của chị D và bà T đều thống nhất với nhau về số dây hụi, số tháng góp hụi, thời gian mở hụi, các dây hụi đều là hụi có lãi, số tiền hụi bà T đã khấu trừ với chị D. Đồng thời, đối với những phần hụi mà chị D đã kêu và là người hốt hụi nhưng do bà T không có đi thu gom tiền hụi từ các hụi viên để giao tiền hụi cho chị D và sau đó bà T đã tuyên bố úp hụi; chị D và bà T cũng không có yêu cầu xem xét việc chị D kêu và hốt hụi ở các dây hụi thứ 3, 4, 5, 6 là hụi chết nên không xem xét xác định những phần hụi mà chị D kêu và hốt hụi ở các dây thứ 3, 4, 5, 6 là hụi chết; chị D và bà T cũng thống nhất chỉ xác định những tháng mà chị D đã đóng tiền hụi làm cơ sở cho việc bà T trả tiền hụi cho chị D nên đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh đối với các đương sự theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Tuy nhiên đối với chị D yêu cầu trả tiền hụi có lãi, bà T yêu cầu trả tiền hụi thực tế đã góp hụi. Hội đồng xét xử thấy rằng khi tham gia hợp đồng góp hụi các bên đều thừa nhận tất cả các dây hụi đều là hụi có lãi, bà T cũng thừa nhận nếu tính hụi có lãi thì chị D khởi kiện bà T số tiền 114.200.000 đồng là đúng. Do đây là hụi có lãi, bà T tự ý tuyên bố ngừng hụi là vi phạm hợp đồng góp hụi, có lỗi trong việc thực hiện nghĩa vụ của chủ hụi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hụi viên, chị D không vi phạm nghĩa vụ của hụi viên nên chị D khởi kiện bà T là có căn cứ chấp nhận. Bà T yêu cầu được trả số tiền thực tế chị D đã đóng hụi và xin trả dần nhưng không được chị D đồng ý cho nên lời trình bày của bà T là không có cơ sở chấp nhận. Bởi lẽ khi giao kết hợp đồng góp hụi bà T thừa nhận tất cả các dây hụi đều là loại hụi hụi có lãi, hàng tháng khi hụi viên hốt hụi bà đều thu tiền đầu thảo. Do đó bà T phải có nghĩa vụ trả tiền hụi có lãi 114.200.000 đồng cho chị D là phù hợp.

[5] Về trách nhiệm liên đới trả nợ của ông Trần Văn H (chồng bà T): Xét thấy bà T và ông H là vợ chồng hợp pháp, có thực hiện việc đăng ký kết hôn từ năm 1996 và hiện vẫn đang tồn tại mối quan hệ hôn nhân. Bà T trình bày bà và H không có thỏa thuận làm kinh tế riêng. Mặt khác việc bà T làm chủ hụi thu tiền đầu thảo nhằm mục đích chữa bệnh cho bà cũng được xem là phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình và vì vậy cần buộc ông H có trách nhiệm liên đới với bà T trả số tiền nợ hụi 114.200.000 đồng cho chị D là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 20 và Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình.

[6] Việc chị D rút yêu cầu khởi kiện đối với bà T và ông H về yêu cầu tính tiền lãi chậm trả, xét đây là sự tự nguyện của chị D nên cần đình chỉ yêu cầu này là phù hợp.

[7] Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bà T và ông H phải nộp án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, Điều 39, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 147, Điều 217, khoản 2 Điều 244, Điều 117, khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự;

Căn cứ các Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005; Nghị định 144/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường;

Căn cứ các Điều 471, 357, 468 Bộ luật Dân sự 2015; Nghị định 19/2019/NĐ- CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường; Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Lê Thị D đối với bị đơn bà Nguyễn Thị Kim T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn H.

Buộc bà Nguyễn Thị Kim T và ông Trần Văn H có trách nhiệm liên đới trả cho chị Lê Thị D số tiền nợ hụi 114.200.000 đồng.

Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Lê Thị D đối với Nguyễn Thị Kim T và ông Trần Văn H về yêu cầu tính tiền lãi chậm trả.

Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, có đơn yêu cầu của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

2. Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch:

Bà Nguyễn Thị Kim T và ông Trần Văn H có trách nhiệm liên đới chịu 5.710.000 đồng.

Chị Lê Thị D được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Phú hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.979.000 đồng theo biên lai thu số 0003316 ngày 10/11/2020.

3. Các đương sự có mặt tại phiên toà được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ 4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

245
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng góp hụi số 06/2021/DS-ST

Số hiệu:06/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thạnh Phú - Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;