TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 126/2022/DS-PT NGÀY 21/07/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN
Ngày 21 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 98/2022/TLPT-DS ngày 01/6/2022 về việc “Tranh chấp hợp đồng giao khoán”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2022/DS-ST ngày 25/03/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 100/2022/QĐ-PT ngày 09 tháng 6 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 113/2022/QĐPT- DS ngày 08 tháng 7 năm 2022, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Duy T; địa chỉ: Thôn A, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có mặt;
- Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Lê Thị N, ông Vũ Minh T1; cùng địa chỉ: Thôn B, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, đều có mặt;
- Bị đơn: Công ty S; địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk;
- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Phồn V, ông Võ Khắc T2, ông Trần Văn Đ; cùng địa chỉ: Thôn T, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, đều có mặt;
- Người làm chứng: Ông Trần Văn T3 và bà Đào Thị H; địa chỉ: Thôn Q, xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin vắng mặt;
Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Duy T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện ngày 15/3/2021, đơn khởi kiện bổ sung ngày 09/8/2021, quá trình làm việc tại Toà án, tại phiên toà nguyên đơn ông Lê Duy T và người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn bà Lê Thị N, ông Vũ Minh T1 trình bày:
Năm 1992 được sự đồng ý của Giám đốc nông trường C do ông Vương M làm giám đốc đã đồng ý cho ông T sang nhượng một mảnh ruộng với diện tích 3773m2 tại thôn A, xã C, huyện E, tỉnh Đăk Lăk. Tại tờ bản đồ số 85 gồm 4 thửa đất số 14, 16, 19, 21. Từ năm 1992 đến năm 1998 diện tích đất này chỉ cấy được lúa một vụ trong năm.
Căn cứ vào hợp đồng giao nhận khoán đất để trồng cây hàng năm (khoán theo Nghị định 135/CP, hợp đồng số 224 mà ông T đã ký ngày 30/03/2008 với Công ty S cùng diện tích là 3773m2 trong đó: Đất trồng được lúa nước là 2700m2; đất dư 1073m2. Diện tích 1073m2 đất dư này có nghĩa là đất không sản xuất lúa nước được là những tảng đá cao gồ ghề làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, ảnh hưởng đến diện tích nhận khoán nên vào mùa khô năm 2009 và năm 2010 gia đình ông T đã thuê người đánh đá và chở đá đi. Ông T căn cứ vào Khoản 2 hợp đồng về quyền của bên nhận khoán “Chủ động sản xuất trên diện tích đất nhận khoán, được hưởng thành quả đầu tư trên đất nhận khoán theo hợp đồng và quyền sử dụng” để thực hiện nên ông T không báo cáo với công ty, khi ông T đánh đá thì cán bộ nông nghiệp của công ty có biết nhưng không có văn bản cũng như không có bất cứ ý kiến gì.
Căn cứ vào hợp đồng giao nhận khoán để sử dụng đất trồng cây hàng năm số 35/2/2011/HĐGNK ngày 10/08/2011 do Lê Anh Đ1 ký, ông T là người được chuyển tiếp sang Công ty cà phê S (sau đây gọi là Công ty S) đã tự ý đưa thêm 400m2 đất ruộng mà ông T đã khai phá, đánh đá vào trong hợp đồng giao nhận khoán giai đoạn 2011 - 2015 và kéo dài thêm 2 năm 2016 - 2017, đưa diện tích giao khoán của ông T năm 2008 từ 2700m2 lên 3100m2 trong giai đoạn từ 2011 - 2017. Như vậy, từ diện tích đất dư 1073m2 mà ông T đã khai phá và đánh đá công ty đã đưa vào hợp đồng giao khoán 400m2 cộng với 95m2 để làm mương lên tổng diện tích là 495m2, do đó diện tích đất dư ông T đã khai phá chỉ còn 578m2 để sử dụng. Khi Công ty S tự ý đưa 495m2 vào khoán và làm mương công ty không hề thanh toán cho ông T tiền đánh đá và chở đá đi.
Tại biên bản thẩm định ngày 24/6/2021 xác định: Diện tích ông T cho rằng đã đánh đá có diện tích 1232m2 nhưng ông T chỉ khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết buộc Công ty S phải trả cho ông Lê Duy T chi phí công đánh đá với diện tích 1073m2 lúc đó là 70.000đ/m2 là: 1073m2 x 70.000đ/m2 = 75.110.000đ (Bảy mươi lăm triệu một trăm mười ngàn đồng), tiền lãi tính từ ngày 01/4/2009 đến ngày 01/4/2021 là 90.132.000 đồng (75.110.000 đồng x 10%/năm x 12 năm). Tổng số tiền là 165.242.000 đồng. Ngoài ra, ông T còn yêu cầu Công ty S trả cho ông T tiền lãi suất bình quân là 5.616.000 đồng; Tiền dự phòng mất việc làm là 1.680.820 đồng; Tiền khấu hao đồng ruộng là 7.402.800 đồng và các khoản thu chênh lệch cao hơn trong hợp đồng là 2.224.360 đồng.
Ngày 08/01/2022, ông Lê Duy T có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với các khoản tiền lãi suất bình quân là 5.616.000 đồng, tiền dự phòng mất việc làm là 1.680.820 đồng, tiền khấu hao đồng ruộng là 7.402.800 đồng và các khoản thu chênh lệch cao hơn trong hợp đồng là 2.224.360 đồng. Chỉ yêu cầu Toà án giải quyết buộc Công ty S phải trả cho ông Lê Duy T chi phí công đánh đá với diện tích 1073m2 lúc đó là 70.000đ/m2 là: 1073m2 x 70.000đ/m2 = 75.110.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu một trăm mười ngàn đồng), tiền lãi tính từ ngày 01/4/2009 đến ngày 01/4/2021 là 90.132.000 đồng (75.110.000 đồng x 10%/năm x 12 năm). Tổng số tiền là 165.242.000 đồng
* Tại bản tự khai ngày 04/4/2021 và quá trình làm việc tại Toà án, tại phiên toà đại diện theo uỷ quyền của bị đơn bà Nguyễn Thị Phồn V, ông Võ Khắc T2, ông Trần Văn Đ trình bày:
Năm 2008 thực hiện Hợp đồng số 224/2008/HĐ về việc giao nhận khoán sử dụng đất để trồng cây hàng năm đã ký giữa giám đốc Công ty cà phê S và ông Lê Duy T, diện tích giao khoán: 3.773 m2, trong đó đất trồng lúa nước 2.700 m2, đất dư 1.073m2. Nội dung hợp đồng khoán không ghi có diện tích đá hay thoả thuận trả tiền công tôn tạo như ông T trình bày. Tại thời điểm năm 2007 - 2010 do bản đồ giải thửa chưa chính thức, còn nhiều thửa đất còn bị trùng khớp nên diện đất 1073m2 công ty chưa đưa vào thu khoán đối với diện đất này.
Giai đoạn năm 2011- 2015, sau khi có bản đồ giải thửa toàn bộ diện tích đất dôi dư của công ty đưa vào khoán. Riêng hộ ông T công ty chỉ đưa được 400m2 vào khoán vì đưa cả 1073m2 vào khoán thì ông T không đồng ý.
Năm 2011 thực hiện Hợp đồng giao nhận khoán sử dụng đất để trồng cây hàng năm số 2011/HĐGNK ký ngày 10/8/2011 giữa giám đốc Công ty cà phê S và ông Lê Anh Đ1 với tổng diện tích 3.678 m2 (giảm so với khoán năm 2008 là 95 m2 do trừ diện tích làm mương) trong đó diện tích đưa vào khoán 3.100 m2, diện tích đất xâm lấn 578 m2, sản lượng nộp khoán 310 kg thóc khô/vụ tương ứng 620 kg thóc khô/năm (trong đó sản lượng diện tích đất xâm lấn 578 m2 x 30 kg/sào = 17kg, tương ứng 34 kg/năm và sản lượng thu khoán theo phương án là 293 kg/vụ, tương ứng 586 kg/năm). Giảm so với năm 2008 là 95 m2.
Căn cứ biên bản hội nghị công ty, biên bản họp hội nghị đội 9 thống nhất toàn bộ diện tích đất dôi dư này đưa vào khoán giai đoạn năm 2011 - 2015. Đối với diện tích xâm lấn từ năm 2011 trở về trước công ty không thu đối với diện tích xâm lấn, từ năm 2011 đến nay thì công ty có thu sản trên diện tích xâm lấn này, tuy nhiên sản lượng sản thấp hơn so với diện tích giao nhận khoán trước năm 2011. Từ ngữ “xâm lấn” có nghĩa là từ ngữ chung của công ty, đất này vẫn là đất của công ty chứ không phải từ xâm lấn này có nghĩa là đất do người dân khai hoang.
Đối với diện tích 1073m2 sau khi trừ đi 95m2 đất kênh mương, còn lại là 978m2 ông Lê Duy T vẫn nộp sản đầy đủ từ năm 2011 cho đến hết năm 2016 và không có ý kiến gì đối với phần diện tích này.
Phụ lục hợp đồng giao nhận khoán sử dụng đất để trồng cây hàng năm số 35/2/2016/PLHĐ ngày 01/4/2016 đã ký giữa giám đốc Công ty cà phê S và ông Lê Duy T (có giấy chuyển nhượng kèm theo) theo đó giữ nguyên hiệu lực của Điều 1, Điều 2, khoản 2, khoản 3 của Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 của Hợp đồng số 35/2/2011/HĐGNK ký ngày 10/8/2011.
Theo đơn khởi kiện của ông T trình bày, năm 1992 ông có sang nhượng 01 mảnh ruộng với diện tích 3.773 m2, tại thôn A, xã C (được sự đồng ý của Giám đốc nông trường cà phê S do ông Vương M ký) tại tờ bản đồ số 85, gồm có 04 thửa đất số 14; 16; 19; 21. Việc ông Lê Duy T nêu tại thời điểm năm 1992 với diện tích 3.773 m2 tại tờ bản đồ số 85 gồm có 04 thửa đất số 14; 16; 19, 21 là không có căn cứ, vì tại thời điểm đó Công ty chưa có bản đồ giải thửa. Phương án khoán giai đoạn 2007- 2010, do bản đồ giải thửa lúc đó chưa rõ ràng, cho nên công ty chỉ thu khoán đối với ông T là 2700m2.
Thực hiện phương án giao nhận khoán giai đoạn 2011 - 2015 Công ty căn cứ bản đồ giải thửa năm 2009, căn cứ Biên bản Hội nghị người lao động năm 2010 và trích Nghị quyết họp công nhân và người lao động tại Đội 9 có nội dung: Diện tích đất dôi dư của các hộ nhận khoán đưa vào khoán giai đoạn 2011 - 2015, biểu quyết nhất trí 98%. Diện tích dôi dư này trước kia Công ty không thu sản, nay đưa vào khoán để thu bắt đầu từ giai đoạn 2011 - 2015. Trường hợp gia đình ông T Công ty chỉ đưa vào khoán 400m2 trong tổng số 1.073 m2 đất dôi dư.
Nay ông Lê Duy T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Ea Kar giải quyết buộc Công ty S phải trả lại 165.242.000 đồng tiền công đánh đá của diện tích lúa mà gia đình ông tự khai phá là không có căn cứ nên Công ty S không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Duy T.
Ngày 06/8/2021, Công ty S có đơn phản tố, yêu cầu ông Lê Duy T phải trả cho công ty số tiền nợ sản phẩm, tính thành tiền là 4.257.800 đồng nhưng ngày 22/12/2021 Công ty đã làm đơn rút đơn phản tố.
* Tại bản tự khai ngày 08/8/2021; tại phiên toà bà H trình bày:
Vào mùa khô năm 2009 và năm 2010, ông T có thuê vợ chồng ông T3, bà H đánh đá đi thuộc lô 7 mà ông T đang canh tác, với diện tích 1073m2 x 70.000đồng/m2 = 75.110.000 đồng. Số tiền này ông T đã thanh toán đủ cho vợ chồng ông T3, bà H.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2022/DS-ST ngày 25/03/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
- Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 217, khoản 2 Điều 218, khoản 2 Điều 219 BLTTDS.
- Căn cứ Điều 6, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Duy T về việc: Yêu cầu buộc Công ty S phải trả cho ông Lê Duy T chi phí công đánh đá là 75.110.000 đồng và tiền lãi là 90.132.000 đồng. Tổng số tiền là 165.242.000 đồng.
2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn ông Lê Duy T và yêu cầu phản tố của Công ty S.
Tại phiên tòa, nguyên đơn ông Lê Duy T vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Qua phân tích đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự, đại diện Viện kiểm sát cho rằng kháng cáo của ông Lê Duy T là không có căn cứ nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm: Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Duy T và giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2022/DSST ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn trong hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nên vụ án được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về nội dung: Xét đơn kháng cáo của ông Lê Duy T về việc đề nghị Công ty S trả cho ông số tiền 75.110.000 đồng tiền chi phí đánh đá và 90.132.000 đồng tiền lãi suất, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Công ty S được chuyển từ Công ty cà phê S theo Quyết định số 1887/QĐ- ĐMDN ngày 27/4/2010 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất vào mục đích kinh doanh sản xuất cà phê, sản xuất lúa và áp dụng cơ chế khoán vườn cây và đất cho người lao động sản xuất.
Quá trình tố tụng tại Tòa án và tại phiên tòa cả hai bên đương sự đều thừa nhận, ngày 30/03/2008, ông Lê Duy T ký hợp đồng nhận khoán đất với Công ty S, theo hợp đồng giao khoán sử dụng đất để trồng cây hàng năm số 224/2008/HĐ với diện tích là 3773m2, trong đó: Đất trồng được lúa nước là 2700m2, đất dư 1073m2. Định mức thu khoán 280kg thóc khô/vụ, các bên ký kết hợp đồng trên cơ sở tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, không vi phạm pháp luật và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông T cho rằng diện tích đất dư 1073m2 là những tảng đá cao gồ lên không thể trồng được lúa nước. Do vậy, vào mùa khô năm 2009 và năm 2010 gia đình ông T đã thuê đánh đá và chở đá đi. Tuy nhiên, việc ông T tự thuê người đánh đá không báo cho Công ty S biết, giữa ông T và Công ty S cũng không có phụ lục hợp đồng nào về việc tôn tạo diện tích đất dư này, cũng như phải trả tiền công cho việc tôn tạo đất được giao khoán. Về phía Công ty S cho rằng diện tích đất dư 1073m2 không phải là những tảng đá cao gồ lên như ông T trình bày mà là đất trồng được lúa nước, ông T cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình là có căn cứ. Mặt khác, việc thực hiện phương án giao nhận khoán giai đoạn 2011 - 2015 Công ty căn cứ bản đồ giải thửa năm 2009, căn cứ Biên bản Hội nghị người lao động năm 2010 và trích Nghị quyết họp công nhân và người lao động tại Đội 9 có nội dung: Diện tích đất dôi dư của các hộ nhận khoán đưa vào khoán giai đoạn 2011 - 2015, biểu quyết nhất trí 98%. Diện tích dôi dư này trước kia Công ty không thu sản, nay đưa vào khoán để thu bắt đầu từ giai đoạn 2011 - 2015, ông T vẫn nộp sản lượng đầy đủ và cũng không có ý kiến gì. Tại cấp phúc thẩm ông T cũng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh cho yêu cầu của ông T là có căn cứ. Do vậy, ông T yêu cầu Công ty S phải trả cho ông tiền công chi phí đánh đá với số tiền 75.110.000 đồng và 90.132.000 đồng tiền lãi suất là không có cơ sở để xem xét.
[3]. Số biên lai thu tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm của ông Lê Duy T là số AA/2021/0005258, ngày 07/4/2021 nhưng bản án sơ thẩm tuyên số biên lai là AA/2019/0005963, ngày 24/12/2019 là có sự nhầm lẫn. Vì vậy, cần điều chỉnh lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho đúng.
Từ những phân tích trên xét thấy kháng cáo của ông Lê Duy T là không có căn cứ để chấp nhận, cần giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2022/DS-ST ngày 25/03/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
[4]Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông Lê Duy T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Không chấp nhận kháng cáo của ông Lê Duy T.
Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2022/DS-ST ngày 25/03/2022 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
[2]. Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 157, điểm c khoản 2 Điều 217, khoản 2 Điều 218, khoản 2 Điều 219, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 6, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án, tuyên xử:
1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Duy T về việc: Yêu cầu buộc Công ty S phải trả cho ông Lê Duy T chi phí công đánh đá là 75.110.000 đồng và tiền lãi là 90.132.000 đồng. Tổng số tiền là 165.242.000 đồng 2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn ông Lê Duy T và yêu cầu phản tố của Công ty S.
[3]. Về chi phí tố tụng: Ông Lê Duy T phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ là 850.000 đồng.
[4]. Về án phí:
[4.1]Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Lê Duy T phải chịu 8.262.100 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, được khấu trừ vào 2.245.240 đồng ông T đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0005258, ngày 07/4/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện E. Ông T còn phải nộp tiếp 6.016.860 đồng tiền án phí.
Trả lại cho Công ty S số tiền 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm phản tố đã nộp.
[4.2].Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lê Duy T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm mà ông Lê Duy T đã nộp theo biên lai thu số AA/2021/0006039 ngày 18/04/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện E, tỉnh Đăk Lăk.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng giao khoán số 126/2022/DS-PT
Số hiệu: | 126/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/07/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về