Bản án 27/2022/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng gia công hàng hóa và dịch vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 27/2022/KDTM-PT NGÀY 12/01/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GIA CÔNG HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ

Trong các ngày 06 và 12 tháng 01 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 65/2021/TLPT-KDTM ngày 22 tháng 10 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng gia công hàng hóa và dịch vụ”.

Do Bản án sơ thẩm số 278/2021/KDTM-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4534/2021/QĐPT-KDTM ngày 25 tháng 11 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 11696/QĐ-HPT ngày 21/12/2021, Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 228/2022/QĐ-PT ngày 06/01/2022, giữa:

1. Nguyên đơn: Công ty TNHH C Trụ sở: Số 23 - 25 - 27, Đường A, Khu dân cư B, xã P, huyện C, Thành phố Hố Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đ, sinh năm 1975, trú tại:

16/10 hẻm 16, đường D, khu phố 1, phường H, thành phố T, TPHCM; địa chỉ liên hệ: 54/23A Q, khu phố 5, phường T, thành phố T, TPHCM (theo Giấy ủy quyền số: 002/2021/CV-UQ ngày 16/11/2021) (Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt)

2. Bị đơn: Công ty Cổ phần D Trụ sở: Số 40, đường P, Phường V, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà N, sinh năm 1986; địa chỉ liên hệ: 441B H, phường V, Quận C, TPHCM (theo Giấy ủy quyền số: 10/2020 ngày 18/8/2020) – có mặt.

3. Người kháng cáo: Công ty Cổ phần D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

[1] Tóm tắt nội dung vụ án và quyết định của bản án sơ thẩm như sau:

Công ty TNHH C (sau đây gọi tắt là Công ty C) và Công ty Cổ phần D (sau đây gọi tắt là D) có thỏa thuận cung cấp, giao nhượng hàng hóa và khai thác chuỗi cửa hàng. Trong quá trình giao dịch D luôn luôn thanh toán tiền hàng trễ hạn.

Ngày 19/11/2015 giữa Công ty TNHH P, Công ty C do ông T đại diện và Công ty D do ông P đại diện có ký thỏa thuận giải quyết công nợ, tồn kho của các bên có liên quan. Tuy nhiên từ đó cho đến nay Công ty D luôn trốn tránh, cố tình không thực hiện nội dung thỏa thuận này.

Ngày 10/9/2018, Công ty C đã gửi thông báo số TB-CV/18 ngày 28/8/2018 về việc xác nhận, quyết toán và thanh toán nợ đến Công ty D. Cùng ngày 10/9/2018, Công ty C nhận được Thông báo số 06908B/TB/IFD/2018 ngày 23/8/2018 của Công ty D về việc đề nghị giải quyết chốt công nợ, hàng hóa, hóa đơn chứng từ và các vấn đề tồn đọng giữa các bên.

Ngày 20/12/2018, Công ty C đã gửi Thông báo số TB-CV/18-08 ngày 15/12/2018 về việc yêu cầu chốt số liệu thanh toán công nợ và các vấn đề khác liên quan đến cho Công ty D (Vi Bằng số 2367/218/VB-TPLQ.TĐ), theo đó Công ty C đồng ý số nợ và yêu cầu Công ty D thanh toán số tiền còn nợ là 1.607.065 đồng và lãi chậm thanh toán sau thời hạn 30 ngày thông báo, đối với số nợ các bên chưa thống nhất: 331.345.698 đồng, Công ty C đề nghị Công ty D tiếp tục đối chiếu và chốt lập các số liệu này. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo này nếu không nhận được thông báo và liên hệ hợp tác của Công ty D thì xem như Công ty D đã đồng ý số nợ này.

Cho đến nay Công ty D không có phản hồi nào về thông báo TB-CV/18-08 ngày 15/12/2018 của Công ty C, tính đến ngày 15/01/2019 Công ty D còn nợ Công ty C số tiền là 2.084.6178.245 đồng, trong đó nợ gốc là 1.939.179.763 và nợ lãi do chậm thanh toán là 145.438.482 đồng.

Bị đơn trình bày:

Căn cứ trên quan hệ hợp tác kinh doanh giữa ông T và ông P trong khuôn khổ góp vốn vào Công ty D, ông T đã thu xếp để chuyển hàng hóa tồn kho nhãn hiệu Borani của Công ty C sang Công ty D để Công ty D kinh doanh mặt hàng này. Theo Thỏa thuận giải quyết 19/11/2015, ông T nhận lại hàng hóa nhãn hiệu Borani từ Công ty D, việc giải quyết công nợ giữa D và C sẽ được thực hiện trong tổng thể giải quyết giữa một bên là ông P - Công ty D và bên kia là ông T - Công ty C và các bên liên quan của ông T, nhằm giải quyết công nợ giữa các bên liên quan, và trên cơ sở đó chốt giá trị vốn còn lại của ông T trong Công ty D vào ngày 31/10/2015 để ông T rút vốn khỏi Công ty D.

Sau ngày 19/11/2015, trên tinh thần của bản Thỏa thuận giải quyết 19/11/2015, Công ty D đã hợp tác trả lại hàng hóa nhãn hiệu Borani cho phía ông T tiếp tục kinh doanh riêng. Sau đó, các nhân viên nghiệp vụ của Công ty D và C đã phối hợp chốt các nghiệp vụ, giao dịch liên quan. Trên cơ sở đó, phụ trách kế toán của Công ty D qua các thời kỳ đã nhiều lần liên hệ ông T với tư cách đại diện Công ty C và các bên có liên quan khác của ông T trong Thỏa thuận giải quyết 19/11/2015 để có thể chốt giá trị công nợ. Tuy nhiên, Công ty D đã không nhận được phản hồi tích cực của ông T trong suốt một thời gian dài. Vì vậy, bị đơn phản đối cáo buộc của Công ty C trong Đơn khởi kiện rằng “Công ty D luôn trốn tránh, cố tình không thực hiện” Thỏa thuận giải quyết 19/11/2015.

Về phía Công ty D, gần đây nhất, vào ngày 23/8/2018, Công ty D một lần nữa gửi Công văn số 070008A/TB/IFD2018 tới ông T phản hồi Thông báo ngày 30/6/2018 của ông T về vấn đề giá trị vốn của ông T tại Công ty D, và Công văn số 06908B/TB/IFD2018 gửi ông T một lần nữa yêu cầu Công ty C hợp tác làm rõ số liệu để chốt và giải quyết công nợ giữa các bên.

Về phía Công ty C, ngày 20/12/2018 Công ty C gửi thông báo yêu cầu Công ty D thanh toán nợ cho Công ty C số nợ gốc là 1.607.834.065 VNĐ. Công ty C đơn phương tuyên bố mặc định Công ty D đã chấp nhận số dư nợ này sau 30 ngày từ ngày thông báo.

Sau đó, theo Đơn khởi kiện, Công ty C yêu cầu Công ty D thanh toán một số dư nợ khác là 1.939.179.763 VNĐ.

Theo dõi suốt quá trình Công ty C tự thông báo công nợ sang Công ty D tại các thời điểm khác nhau, thì bị đơn nhận thấy dư nợ luôn biến động suốt từ thời điểm tháng 4/2016 (829.097.197 VNĐ), tới 20/12/2018 (1.607.834.065 VNĐ), tới công nợ trong Đơn khởi kiện (1.939.179.763 VNĐ). Điều đáng nói, ngoài việc các thông số của Công ty C về dư nợ là không nhất quán, các số liệu này còn không có căn cứ pháp lý. Ngoài ra, các số liệu này đều do Công ty C đơn phương đưa ra, không phải trên cơ sở chốt đối chiếu với Công ty D theo yêu cầu của Công ty D từ sau thời điểm 19/11/2015 đến nay.

Vì các lẽ trên, trước mắt Công ty D không chấp nhận giá trị công nợ mà Công ty C tự thông báo trong Thông báo ngày 20/12/2018 và trong Đơn khởi kiện. Bị đơn sẽ chỉ chấp nhận giá trị công nợ sau khi hai bên có đối chiếu chính thức và phù hợp với Thỏa thuận giải quyết 19/11/2015. Do đó, bị đơn đề nghị Tòa án các vấn đề sau:

1. Tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là Công ty C theo Thông báo thụ lý số: 668/2019/TLST-KDTM ngày 12/06/2019 của Tòa án nhân dân Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

2. Yêu cầu Nguyên đơn là Công ty C làm rõ từng khoản mục liên quan đến hàng hóa yêu cầu thanh toán tiền hàng cụ thể: về chủng loại, số lượng và đơn giá của hàng hóa trong Bảng đối chiếu công nợ mà nguyên đơn sử dụng để làm căn cứ khởi kiện thanh toán tiền hàng.

3. Đối với các khoản nợ mà Công ty C cho rằng Công ty D đang còn nợ và đang có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn, nay Công ty D đề nghị nguyên đơn cung cấp đầy đủ chứng từ liên quan để chứng minh việc giao nhận hàng hóa mà nguyên đơn giao cho bị đơn, biên bản chốt giá giao hàng tại thời điểm giao nhận hàng hóa, và biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận hợp pháp giữa các bên để làm cơ sở yêu cầu thanh toán tiền hàng như bị đơn đang khởi kiện yêu cầu thanh toán tiền hàng.

4. Yêu cầu nguyên đơn giao hàng tương ứng với chủng loại, số lượng và đơn giá theo đơn khởi kiện.

5. Yêu cầu nguyên đơn thanh toán tiền hàng mà Công ty D đã giao trả lại cho C tương ứng 1,779 sản phẩm túi xách, bóp ví nam nữ với tổng giá trị tiền hàng 992,572,681 đồng (Chín trăm chín mươi hai triệu, năm trăm bảy mươi hai ngàn, sáu trăm tám mươi mốt đồng).

6. Yêu cầu nguyên đơn nhận lại hàng hóa thương hiệu Borani còn tồn kho (do Công ty C có thông báo cấm Công ty D bán hàng) và thanh toán tiền lưu kho và quản lý kho.

[2] Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/4/2021:

- Nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, đồng thời xác định lại yêu cầu khởi kiện như sau: Yêu cầu Tòa án buộc Công ty Cổ phần D (D) trả cho Công ty TNHH C số tiền 139.318.686 (Một trăm ba mươi chín triệu, ba trăm mười tám nghìn, sáu trăm tám mươi sáu) đồng; trong đó nợ gốc số tiền 115.857.535 (Một trăm mười lăm triệu tám trăm năm mươi bảy nghìn năm trăm ba mươi lăm) đồng và tiền lãi chậm thanh toán tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 23 tháng 4 năm 2021 tương ứng với thời gian chậm trả (do nguyên đơn chưa được tòa án cung cấp mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường nên nguyên đơn tạm tính theo mức lãi suất 9%/năm) số tiền 23.461.151 (Hai mươi ba triệu bốn trăm sáu mươi mốt nghìn một trăm năm mươi mốt) đồng. Yêu cầu trả một lần ngay khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. (đính kèm Bảng kê chi tiết các khoản Công ty Cổ phần D (D) phải trả cho Công ty TNHH C).

- Bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, đồng thời trình bày ý kiến tự bảo vệ như sau: Tòa án nhân dân Quận 3 xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp hợp đồng cung cấp hàng hóa dịch vụ” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH C và Bị đơn là Công ty Cổ phần D. Tuy nhiên theo hồ sơ vụ án thì giữa Công ty D và Công ty C tồn tại duy nhất 01 hợp đồng gia công độc quyền ngày 14/11/2014 với nội dung chủ yếu là Công ty D sẽ giao các đơn hàng để Công ty C gia công sản xuất các sản phẩm giày dép mang các nhãn hiệu độc quyền của mình như Pierre Cardin, Borani hay bất cứ sản phẩm nào khác. Chứng cứ này đã được Công ty D cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn không đưa ra bất cứ Hợp đồng nào dưới dạng cung cấp hàng hóa dịch vụ hay hợp đồng mua bán được ký kết giữa hai công ty thể hiện các bên có sự qua lại, mua bán giao thương với nhau. Mà từ đầu đến cuối chỉ tồn tại duy nhất 01 hợp đồng gia công như bị đơn vừa trình bày ở trên. Điều đó chứng minh một sự thật, không có sự tồn tại bất cứ hợp đồng cung cấp hàng hóa dịch vụ nào hay hợp đồng mua bán nào giữa Công ty C và Công ty D. Do đó cần xác định lại quan hệ tranh chấp trong vụ án này: là tranh chấp đòi nợ tiền hàng hay tranh chấp hợp đồng, nếu là tranh chấp hợp đồng thì là hợp đồng gì, để từ đó xác định thẩm quyền giải quyết thuộc về nơi nào, nơi các bên thực hiện hợp đồng hay nơi ký kết hợp đồng, hoặc có căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp như thế nào? Về yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn đã thể hiện sự bất nhất trong yêu cầu khởi kiện. Bị đơn có ý kiến về bảng kê của nguyên đơn lập ngày 28/3/2021 và như sau:

a. Đối với công nợ liên quan đến hàng hóa: Hàng hóa trả về tại Mục I (1+2) có tổng giá trị là 1.345.904.607 đồng và giá trị hàng Nguyên đơn ghi nhận giảm trừ, nhận về từ D (Mục D (D.1+D.2+D.3) và Mục E), có tổng giá trị 1.331.788.719 đồng. Chênh lệch công nợ giữa hàng C cho rằng mình xuất bán cho D và giá trị hàng hóa C thu về là 1.345.904.607 đồng - 1.331.788.719 đồng = 14.115.888 đồng.

Các con số này chứng minh cho các nội dung mà bị đơn đã trình bày trong đơn phản tố và bản trình bày ý kiến là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp, về bản chất vụ án này không phải là quan hệ mua bán hàng hóa mà bản chất thật sự là do ông T đưa hàng hóa do công ty ông làm chủ (Công ty C) vào công ty ông góp vốn 40% (Công ty D) để kinh doanh ông đưa vào kinh doanh. Khi các bên ngừng hợp tác thì ông T rút hàng hóa về và tính toán công nợ đã thu và đã bán ra để cân đối chi phí và công nợ của hai công ty.

Do đó, đối với mục hàng hóa này đề nghị Tòa án xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật về con số cấn trừ và cân đối giữa giá trị hàng xuất ra và giá trị hàng thu về theo hồ sơ vụ án do trong quá trình giải quyết vụ án Công ty bị đơn cũng nhiều lần đề nghị Nguyên đơn cung cấp đầy đủ chứng từ liên quan để chứng minh việc giao nhận hàng hóa mà Nguyên đơn giao cho bị đơn, biên bản chốt giá giao hàng tại thời điểm giao nhận hàng hóa, và biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận hợp pháp giữa các bên để làm cơ sở yêu cầu thanh toán tiền hàng như bị đơn đang khởi kiện yêu cầu thanh toán tiền hàng. Tuy nhiên, bị đơn vẫn không nhận được bất cứ chứng cứ nào liên quan theo yêu cầu của bị đơn.

b. Đối với công nợ liên quan đến các khoản chi phí, hoa hồng tại các mục II (II.1), IV (IV.1+IV.2), V (V.2), VI (VI.1+VI.2), VII và mục B (6+7+8):

Bị đơn không đồng ý với toàn bộ các khoản liệt kê nêu trên của nguyên đơn yêu cầu thanh toán bởi lẽ: đây là những khoản chi phí hết sức vô lý và không có căn cứ để chi trả, ví dụ như khoản tại mục II.1 cọc của 2 Hợp đồng, chi phí D kinh doanh lỗ.... đây là những khoản từ đâu mà có công ty bị đơn hoàn toàn không biết. Tuy nhiên nếu xét về bản chất đây là tiền cọc của Công ty C với Parkson trước đó thì Công ty C tự liên hệ làm việc với Parkson, còn nếu đã có thỏa thuận cấn trừ qua cho Công ty D thì yêu cầu nguyên đơn xuất trình thỏa thuận ba bên liên quan đến khoản đòi này. Đối với các khoản tại mục IV, mục V, mục VI và mục VII: Bị đơn có cùng ý kiến, không đồng ý với các khoản yêu cầu thanh toán công nợ này vì không có căn cứ, đề nghị nguyên đơn cung cấp chứng từ chứng minh cho từng khoản tại các mục trên kèm theo nhận nợ hoặc văn bản thỏa thuận 03 bên giữa Công ty C, Công ty D và đơn vị thứ ba để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu thanh toán các khoản nói trên là có căn cứ. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như trong quá trình làm việc trước đây bị đơn cũng đã loại trừ các chi phí này và yêu cầu cung cấp chứng từ nhưng nguyên đơn không đưa ra chứng từ nào mà vẫn ghi nhận đây là khoản công nợ và đòi bị đơn thanh toán là hoàn toàn vô lý và không có căn cứ để chấp nhận. Do đó bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn đối với các khoản chi phí nêu trên của nguyên đơn.

Đối với khoản tại mục B: Hoa hồng 28.851.988 đồng, bị đơn không đồng ý với khoản này vì Công ty C trong quan hệ làm ăn với Công ty D là đơn vị gia công hàng hóa không có thuê mướn dịch vụ để phát sinh hưởng hoa hồng ở bất cứ đơn hàng nào. Do đó trong trường hợp Công ty C yêu cầu được hưởng hoa hồng đối với 03 đơn hàng tại mục B.6,7,8 thì đề nghị cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu này: cụ thể cung cấp hợp đồng mua bán hàng hóa thành công đối với 03 đơn hàng trên, cung cấp thỏa thuận trích hoa hồng từ Công ty D đối với 03 đơn hàng này và văn bản ghi nhận công việc dịch vụ đã thực hiện hoàn tất để làm căn cứ yêu cầu được trích thưởng hoa hồng đối với số tiền này. Tuy nhiên phía nguyên đơn cũng không cung cấp được bất cứ chứng cứ nào chứng minh cho yêu cầu trích hoa hồng đối với mục này để có căn cứ đòi tiền từ Công ty D. Do đó bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn đối với khoản chi phí hoa hồng nêu trên.

Đối với yêu cầu trả lãi: Công ty D cũng không chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền lãi chậm trả (tiền lãi chậm trả là 22.592.219 đồng) vì không có tiền nợ gốc nào tồn tại thì không có căn cứ yêu cầu tính lãi.

Đối với hóa đơn GTGT mà C đã xuất cho Công ty D: Bị đơn đề nghị Công ty C thu hồi và hủy các hóa đơn đã xuất cho bị đơn.

Chính vì những lẽ trên, kính đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 278/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân Quận 3 đã tuyên xử:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016).

Căn cứ vào Điều 74, khoản 1 Điều 85 Điều 306 Luật Thương mại.

Căn cứ khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Tuyên xử :

1/- Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH C.

Buộc Công ty Cổ phần D có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty TNHH C tổng số tiền gốc và lãi là: 139.318.686 (Một trăm ba mươi chín triệu, ba trăm mười tám nghìn, sáu trăm tám mươi sáu) đồng; trong đó nợ gốc số tiền 115.857.535 (Một trăm mười lăm triệu tám trăm năm mươi bảy nghìn năm trăm ba mươi lăm) và số tiền nợ lãi là 23.461.151 (Hai mươi ba triệu bốn trăm sáu mươi mốt nghìn một trăm năm mươi mốt).

Thực hiện việc trả tiền ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày đến hạn thi hành án và Công ty TNHH C có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty Cổ phần D không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì Công ty Cổ phần D còn phải chịu thêm tiền lãi theo lãi suất theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại.

2/- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 6.965.934 đồng (Sáu triệu chín trăm sáu mươi lăm ngàn chín trăm ba mươi bốn đồng).

Nguyên đơn được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã tạm nộp là 36.555.305 (Ba mươi sáu triệu năm trăm năm mươi lăm ngàn ba trăm lẽ năm đồng) theo biên lai thu số 0014358 ngày 12/6/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 3.

Ngoài ra, bản án còn quyết định về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 26/5/2021, Công ty Cổ phần D kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt, đồng thời trình bày tại đơn yêu cầu xét xử vắng mặt như sau: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bị đơn trình bày tại phiên tòa, đề nghị thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo như sau:

- Rút yêu cầu kháng cáo về thủ tục tố tụng của bản án sơ thẩm.

- Đề nghị Hội đồng xét xử xác định và làm rõ quan hệ tranh chấp là chuyển giao hàng hóa theo hình thức ký gửi mua bán để từ đó chấp nhận yêu cầu cấn trừ công nợ của bị đơn. Đối chiếu “Bảng kê chi tiết các khoản Công ty D phải trả cho Công ty C”, bị đơn xác nhận số liệu của 3 mục như sau:

Mục I. Hàng hóa (1+2): 1.345.904.607 đồng Mục D. Giảm trừ công nợ sau khi CV nhận hàng trả về từ D (D.1+D.2+D.3): 456,229,079 đồng, Mục E. Túi, ví nhận về từ D theo giá bán của D: 875.559,640 đồng.

Cấn trừ các số liệu về giá trị hàng hóa nguyên đơn đã giao cho bị đơn và số liệu hàng hóa nguyên đơn đã rút về thì số tiền chênh lệch mà Công ty D phải trả cho Công ty C là 1.345.904.607 đồng (mục I) - 1.331.788.719 đồng (mục D và E) = 14.115.888 đồng. Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận số tiền mà bị đơn còn phải trả cho Công ty C là 14.115.888 đồng và không chấp nhận tiền lãi theo yêu cầu nguyên đơn vì không có cơ sở tính lãi. Đồng thời Công ty C có nghĩa vụ phải xuất hóa đơn đối với số tiền này cho Công ty D hạch toán thuế.

- Các mục còn lại trong bảng kê chi tiết thì bị đơn không chấp nhận do nguyên đơn không đưa ra được căn cứ để yêu cầu bị đơn thanh toán. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với các khoản chi phí thuê mặt bằng, hoa hồng tại các mục II (II.1), IV (IV.1+IV.2), V (V.2), VI (VI.1+VI.2), VII và mục B (6+7+8) của Bảng kê ngày 23/3/2021, cụ thể số tiền gốc 101.741.647 đồng và tiền lãi 23.461.151 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:

- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Về nội dung: Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm nhận định quan hệ tranh chấp hợp đồng gia công và dịch vụ là chưa đúng. Các bảng tổng hợp quyết toán không phải là biên bản xác nhận công nợ giữa các bên nên cấp sơ thẩm căn cứ vào các bảng quyết toán này để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa đủ căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn thừa nhận các mục I, mục D và mục E trong “Bảng kê chi tiết các khoản Công ty D phải trả cho Công ty C” ngày 23/4/2021, được xem là tình tiết mới. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 278/2021/KDTM-ST ngày 23/4/2021 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận 3 giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn là Công ty Cổ phần D, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

Căn cứ vào đơn khởi kiện ngày 15/5/2019 của nguyên đơn thì Công ty C khởi kiện Công ty Cổ phần D về việc đòi tiền hàng còn nợ xuất phát từ thỏa thuận cung cấp giao nhượng hàng hóa và chuỗi cửa hàng giữa hai công ty, là hoạt động phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại. Bị đơn có địa chỉ tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nên Tòa án nhân dân Quận 3 thụ lý giải quyết là đúng quy định của pháp luật.

Bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm nên thẩm quyền giải quyết thuộc thẩm quyền của Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ theo Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nguyên đơn có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn – người kháng cáo có mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Do nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn giao nộp tại cấp sơ thẩm cùng lời trình bày của người kháng cáo tại phiên tòa để xem xét giải quyết.

[2]. Về nội dung:

Tại phiên tòa bị đơn thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo. Xét thấy yêu cầu của bị đơn là tự nguyện và không trái quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Căn cứ yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận định:

[2.1] Xét về quan hệ tranh chấp: Tại đơn khởi kiện ngày 15/5/2019, bản tự khai ngày 08/7/2019, biên bản hòa giải ngày 24/10/2019, nguyên đơn xác định giữa Công ty C và Công ty D có thỏa thuận cung cấp, giao nhượng hàng hóa và khai thác chuỗi cửa hàng. Nguyên đơn đã cung cấp các chứng cứ như: Thỏa thuận ngày 19/11/2015 về việc thỏa thuận giải quyết công nợ + tồn kho D + CV + P1, Thông báo về việc đề nghị giải quyết chốt công nợ, hàng hóa, hóa đơn chứng từ và các vấn đề còn tồn đọng giữa các bên ngày 23/8/2018, Thông báo về việc yêu cầu xác nhận, quyết toán và thanh toán nợ ngày 28/8/2018, Thông báo về việc chốt số liệu và yêu cầu thanh toán nợ cho Công ty TNHH C và các vấn đề liên quan ngày 15/12/2018.

Nội dung được nêu trong các thông báo trên đều thể hiện mối quan hệ mà hai đại diện theo pháp luật của công ty thỏa thuận là góp vốn và hợp tác kinh doanh phát triển thương hiệu Borani bằng mô hình kinh doanh song hành thương hiệu Borani – Piere Cardin tại các trung tâm thương mại. Do quá trình hợp tác không thành công nên các bên thống nhất thỏa thuận giải quyết công nợ và tồn kho bằng thỏa thuận ngày 19/11/2015. Bị đơn xác nhận hai công ty có hợp tác thông qua việc ông T đưa hàng hóa nhãn hiệu Borani của Công ty C sang cho Công ty D kinh doanh, là hình thức ký gửi bán hàng hóa. Như vậy, căn cứ vào lời trình bày của bị đơn và các chứng cứ có trong hồ sơ thì việc Công ty C giao hàng hóa cho Công ty D kinh doanh là sự thỏa thuận góp vốn, hợp tác, ký gửi hàng hóa kinh doanh giữa hai đại diện theo pháp luật của công ty là ông T và ông P. Điều này đã được thể hiện tại thỏa thuận ngày 19/11/2015.

Ngoài ra, các bên còn có thỏa thuận gia công bằng Hợp đồng gia công ngày 14/11/2014 với các bên tham gia là Công ty TNHH C, Công ty cổ phần D và Công ty TNHH P nhưng trong quá trình giải quyết, nguyên đơn không xác định yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phát sinh từ hợp đồng gia công nêu trên. Tòa án sơ thẩm cũng chưa xác định khoản công nợ nào trong yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn xuất phát từ hợp đồng gia công nhưng lại nhận định quan hệ tranh chấp là tranh chấp hợp đồng gia công và dịch vụ là chưa chính xác. Vì vậy cần phải thu thập thêm chứng cứ để xác định đúng quan hệ tranh chấp.

[2.2] Xét về số liệu công nợ: Nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt và chấp nhận số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn theo “Bảng kê chi tiết ngày 23/4/2021 về các khoản Công ty D phải trả cho Công ty C” là 139.318.686 (Một trăm ba mươi chín triệu, ba trăm mười tám nghìn, sáu trăm tám mươi sáu) đồng; trong đó nợ gốc số tiền 115.857.535 (Một trăm mười lăm triệu tám trăm năm mươi bảy nghìn năm trăm ba mươi lăm) đồng và tiền lãi chậm thanh toán tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm ngày 23 tháng 4 năm 2021 tương ứng với thời gian chậm trả là 23.461.151 (Hai mươi ba triệu bốn trăm sáu mươi mốt nghìn một trăm năm mươi mốt) đồng.

Bị đơn không đồng ý số liệu công nợ theo bảng kê của nguyên đơn, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi đối chiếu Bảng kê chi tiết ngày 23/4/2021 của nguyên đơn, bị đơn thừa nhận mục I. Hàng hóa (1+2): 1.345.904.607 đồng, mục D. Giảm trừ công nợ sau khi CV nhận hàng trả về từ D (D.1+D.2+D.3):

456,229,079 đồng và mục E. Túi, ví nhận về từ D theo giá bán của D: 875.559,640 đồng. Các số liệu công nợ về các khoản chi phí, hoa hồng tại các mục II (II.1), IV (IV.1+IV.2), V (V.2), VI (VI.1+VI.2), VII và mục B (6+7+8) thì bị đơn không đồng ý và tiếp tục kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Tại bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân Quận 3 căn cứ vào các bảng Tổng hợp quyết toán công nợ ID – cập nhật ngày 20/10/2015, Tổng hợp quyết toán công nợ D – cập nhật ngày 20/7/2018 (Theo 20/10/2015), Phụ lục 2: Tổng hợp quyết toán công nợ D và P1 (Theo số liệu 20/10/2015) để xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn và buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn nợ gốc và lãi phát sinh theo bảng kê chi tiết ngày 23/4/2021 là 139.318.686 đồng. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy các tài liệu chứng cứ nêu trên chưa đủ căn cứ để Tòa án sơ thẩm xác định bị đơn còn nợ nguyên đơn. Trong các chứng cứ nguyên đơn cung cấp thì không có văn bản, tài liệu nào thể hiện việc nguyên đơn và bị đơn đã đối chiếu số liệu công nợ hoặc có văn bản xác nhận công nợ. Tất cả các bảng tổng hợp quyết toán nêu trên chưa được người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền khác của các bên công ty xác nhận nên không thể làm căn cứ cho rằng bị đơn nợ nguyên đơn. Ngoài ra, Toà án sơ thẩm chưa làm rõ nghĩa vụ đối trừ giữa nguyên đơn và bị đơn.

Tại Phụ lục 2: Tổng hợp quyết toán công nợ D và P1 (Theo số liệu 20/10/2015) và “Bảng kê chi tiết ngày 23/4/2021 về các khoản Công ty D phải trả cho Công ty C” có liệt kê các khoản như “Borani STP – cọc của 2 hợp đồng CV + Tâm – Parkson trừ do D kinh doanh lỗ, Borani Hùng Vương – cọc HĐ ĐTHT – Parkson trừ do kinh doanh lỗ từ tháng 12/2014 (mục II)”; “D nhận tiền quyết toán của CV trước 12/2014 từ Parkson không thông báo”, “Chi phí mặt bằng còn phân bổ- D nhận mặt bằng (Robin Hà Nội, Borani Cantavil, Borani Trường Sơn); “Chi phí đặt cọc còn lại Parkson và Robin phải trả CV nhưng chưa chốt được vì D giữ quyền kinh doanh”, “Chi phí chi hộ các cửa hang từ 12/2014 đến tháng 7/2015”. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu đòi các khoản nợ này nhưng không cung cấp được những chứng cứ liên quan cần thiết như hóa đơn, hợp đồng thuê gian hàng tại trung tâm thương mại… Mặc dù trong suốt quá trình giải quyết vụ án, bị đơn yêu cầu nguyên đơn chứng minh nhưng trong hồ sơ không thể hiện nguyên đơn đã giao nộp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu này. Ngoài ra, nguyên đơn cũng không chứng minh được cơ sở cho khoản nợ hoa hồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn đã thừa nhận số liệu của các mục I: Hàng hóa, mục D: Giảm trừ công nợ sau khi Chính Việt nhận hàng trả về từ D và mục E: Túi, ví nhận về từ D theo giá bán của D nên các khoản này được Hội đồng xét xử công nhận và không phải xét lại. Tuy nhiên đối với các khoản chi phí mặt bằng, hoa hồng thì cần phải xác định giữa nguyên đơn và bị đơn có sự thỏa thuận về việc thuê hay chuyển nhượng mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thương mại hay không; chi phí hoa hồng xuất phát từ quan hệ hợp đồng nào hoặc từ sự thỏa thuận nào khác của nguyên đơn và bị đơn. Từ đó mới có căn cứ để xem xét chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của các đương sự. Tòa án sơ thẩm chưa yêu cầu nguyên đơn chứng minh đầy đủ cho các yêu cầu này nhưng lại chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là còn thiếu sót trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ.

Từ những phân tích như trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải thu thập thêm chứng cứ nhưng không thể bổ sung tại phiên tòa do nguyên đơn vắng mặt. Ngoài ra, bị đơn bổ sung thêm chứng cứ mới tại phiên tòa để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo, xét thấy đây là tình tiết mới để làm cơ sở giải quyết vụ án nhưng nguyên đơn không được biết do vắng mặt. Vì vậy để đảm bảo cho quyền lợi của các đương sự trong vụ án, Hội đồng xét xử chấp nhận ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Quận 3, giao hồ sơ về Tòa án nhân dân Quận 3 để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

[3]. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do kháng cáo của Công ty Cổ phần D được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, căn cứ theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng Điều 30, Điều 38, Điều 148, Điều 241, khoản 2 Điều 244, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

[1] Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn.

Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 278/2021/KDTM-ST ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Tòa án nhân dân Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận 3 giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[2] Về án phí: Công ty Cổ phần D không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả cho Công ty Cổ phần D số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 (Hai triệu) đồng theo Biên lai thu số AA/2019/0033204 ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 3.

Nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

56
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 27/2022/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng gia công hàng hóa và dịch vụ

Số hiệu:27/2022/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/01/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;