TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 94/2024/KDTM-PT NGÀY 25/04/2024 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Trong các ngày 27 tháng 3 năm 2024 và ngày 25 tháng 4 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 131/2023/TLPT-KDTM ngày 18 tháng 10 năm 2023 về: “tranh chấp hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 76/2023/KDTM-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân Quận U bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1128/2024/QĐ-PT ngày 01 tháng 3 năm 2024 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần T; địa chỉ trụ sở: Tầng 5, Tòa nhà Đ, đường Đ, Phường K, Quận R, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Vũ Thanh H, sinh năm 1993; địa chỉ: Số 1041/9A đường Trần Xuân S, phường Tân H, Quận U, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 18/11/2021). (có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Thanh V – Luật sư của Công ty Luật TNHH N - thuộc Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh. (có mặt) Bị đơn: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X; địa chỉ trụ sở: Số 51 Đường Y, Khu phố E, Khu dân cư Tân Quy Đ, phường Tân P, Quận U, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Quang V, sinh năm 1983, địa chỉ: Lầu 1 Số 23 đường Lý Chính T, Phường Võ Thị S, Quận N, Tp. HCM, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 04/2022/GUQ-X ngày 02/3/2022 và ngày 06/02/2022). (có mặt) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Y; địa chỉ trụ sở: Tòa nhà HP, số 60 đường Nguyễn Văn T, phường Đa K, Quận A, Tp. Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Lê Vĩnh T, sinh năm 1981, địa chỉ: Số 364/14 Thoại Ngọc H, phường Phú T, quận P, Tp. Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền số 03/2023 ngày 17/3/2023). (có mặt) Người kháng cáo: Nguyên đơn, công ty Cổ phần T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm đã thể hiện:
Tại Đơn khởi kiện ngày 18/11/2021, các văn bản trình bày, ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn Công ty Cổ phần T, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Vũ Thanh Hải trình bày và yêu cầu:
Ngày 10/04/2016, Công ty Cổ phần T (sau đây gọi tắt là Công ty T) và Công ty TNHH Thương mại Dịch Vụ X (sau đây gọi tắt là Công ty X) ký kết Hợp đồng nguyên tắc vận chuyển hàng hóa số 2016/HW-SN/04195 (sau đây gọi tắt là hợp đồng). Nội dung hợp đồng hai bên thỏa thuận:
Công ty X đồng ý sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và Công ty T đồng ý cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
Hàng hóa vận chuyển là trái cây tươi. Theo Điều 2 của Hợp đồng: “Bên B (Công ty T) có trách nhiệm thu xếp phương tiện vận chuyển phù hợp cho hàng hóa theo pháp luật Việt Nam, Luật vận chuyển bằng đường hàng không (IATA), Luật vận chuyển bằng đường biển (FIATA).
Về giá cả và phương thức thanh toán; Điều 3 hợp đồng các bên thỏa thuận: Giá cước vận chuyển theo thỏa thuận từng lô hàng, được điều chỉnh tùy theo sự biến động của thị trường. Công ty X thanh toán tiền cước vận chuyển và chi phí liên quan (THC, phí chứng từ …) cho Công ty T trước khi một trong các điều kiện tín dụng bên dưới tới hạn: Thời gian tín dụng 30 ngày kể từ ngày phát hành hóa đơn; Hạn mức tín dụng 20.000 USD. Tỷ giá thanh toán là tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm xuất hóa đơn, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên: Công ty T có nghĩa vụ thu xếp hàng từ địa điểm đi đến địa điểm đến như thỏa thuận, có nghĩa vụ cung cấp bộ Vận đơn và giấy nhận hàng theo quy định, có trách nhiệm hoặc cùng với Công ty X khiếu nại bên thứ ba khi có tổn thất hoặc mất mát, hư hại về hàng hóa; Công ty X có nghĩa vụ cung cấp chính xác rõ ràng địa điểm giao nhận hàng, cung cấp chi tiết hàng hóa rõ ràng chính xác như tên hàng, khối lượng, trọng lượng, quy cách đóng gói, cung cấp đầy đủ cho Công ty T chứng từ kèm theo cho lô hàng như giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận đóng gói hoặc ràng buộc, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận hun trùng, giấy phép xuất hoặc nhập (hàng) của cơ quan có liên quan. Quá trình thực hiện hợp đồng, các bên có ký Phụ lục hợp đồng vào ngày 10/4/2016, ngày 30/11/2018 và ngày 09/3/2021 (sau đây gọi tắt là Phụ lục) bổ sung công ty thành viên của Công ty X, điều chỉnh thời gian thanh toán công nợ phát sinh trong tháng, hạn mức thanh toán (tín dụng).
Hợp đồng và các Phụ lục do ông Nguyễn Thiên L – Phó Giám đốc Công ty T ký kết (theo ủy quyền) với đại diện theo pháp luật của Công ty X bà Nguyễn Thị Liễu T. Hợp đồng được các bên thực hiện từ khi ký kết.
Về khoản tiền thực hiện hợp đồng bị đơn chưa thanh toán: Từ ngày 01/03/2021 đến ngày 31/03/2021, Công ty T đã thực hiện dịch vụ vận chuyển cho Công ty X (15 cont hàng) đến các địa điểm theo yêu cầu của Công ty X; Công ty T đã xuất hóa đơn cho Công ty X theo hợp đồng; Công ty X chưa thanh toán Công ty T tiền cước vận chuyển và chi phí liên quan là 1.073.089.898 đồng theo 32 hóa đơn; cụ thể như sau:
STT |
Hóa đơn |
Ngày hóa đơn |
File No. |
Vận đơn số |
Số tiền |
1 |
4473 |
01/03/2021 |
HWGSE21020054 |
OOLU2659432503 |
53,130,000 |
2 |
4474 |
01/03/2021 |
HWGSE21020054 |
OOLU2659432503 |
16,998,190 |
3 |
4892 |
05/03/2021 |
HWGSE21030502 |
OOLU2662120600 |
56,619,500 |
4 |
4893 |
05/03/2021 |
HWGSE21030502 |
OOLU2662120600 |
17,005,164 |
5 |
4894 |
05/03/2021 |
HWGSE21020047 |
OOLU2659433021 |
56,619,500 |
6 |
4895 |
05/03/2021 |
HWGSE21020047 |
OOLU2659433021 |
17,005,164 |
7 |
5174 |
09/03/2021 |
HWGSE21030658 |
OOLU2662120601 |
56,656,250 |
8 |
5175 |
09/03/2021 |
HWGSE21030658 |
OOLU2662120601 |
17,015,625 |
9 |
5569 |
12/03/2021 |
HWGSE21030417 |
912016Y5 |
74,048,000 |
10 |
5570 |
12/03/2021 |
HWGSE21030417 |
912016Y5 |
6,993,052 |
11 |
5604 |
13/03/2021 |
HWGSE21030977 |
OOLU2662904770 |
56,693,000 |
12 |
5605 |
13/03/2021 |
HWGSE21030977 |
OOLU2662904770 |
17,026,086 |
13 |
5606 |
13/03/2021 |
HWGSE21030043 |
OOLU2662872630 |
56,693,000 |
14 |
5607 |
13/03/2021 |
HWGSE21030043 |
OOLU2662872630 |
18,044,246 |
15 |
5608 |
13/03/2021 |
HWGSE21030044 |
OOLU2661457380 |
56,693,000 |
16 |
5609 |
13/03/2021 |
HWGSE21030044 |
OOLU2661457380 |
17,026,086 |
17 |
5712 |
15/03/2021 |
HWGSE21020047 |
OOLU2659433021 |
889,735 |
18 |
5713 |
15/03/2021 |
HWGSE21030658 |
OOLU2662120601 |
890,313 |
19 |
6469 |
22/03/2021 |
HWGSE21030052 |
OOLU2661457383 |
56,742,000 |
20 |
6470 |
22/03/2021 |
HWGSE21030052 |
OOLU2661457383 |
17,040,034 |
21 |
6471 |
22/03/2021 |
HWGSE21031042 |
OOLU2661577Y0 |
82,218,000 |
22 |
6472 |
22/03/2021 |
HWGSE21031042 |
OOLU2661577Y0 |
17,040,034 |
23 |
6891 |
25/03/2021 |
HWGSE21030045 |
OOLU2661457390 |
56,766,500 |
24 |
6892 |
25/03/2021 |
HWGSE21030045 |
OOLU2661457390 |
17,047,008 |
25 |
7068 |
26/03/2021 |
HWGSE21031042 |
OOLU2661577Y0 |
509,520 |
26 |
7193 |
29/03/2021 |
HWGSE21031489 |
912113214 |
74,160,000 |
27 |
7194 |
29/03/2021 |
HWGSE21031489 |
912113214 |
7,002,215 |
28 |
7689 |
31/03/2021 |
HWGSE21030052 |
OOLU2661457383 |
891,660 |
29 |
7690 |
31/03/2021 |
HWGSE21030046 |
OOLU2661458120 |
56,766,500 |
30 |
7691 |
31/03/2021 |
HWGSE21030046 |
OOLU2661458120 |
17,047,008 |
31 |
7692 |
31/03/2021 |
HWGSE21030058 |
OOLU2663818530 |
56,766,500 |
32 |
7693 |
31/03/2021 |
HWGSE21030058 |
OOLU2663818530 |
17,047,008 |
Tổng cộng |
1.073.089.898 |
Ngày 14/04/2021, Công ty T đã gửi email yêu cầu Công ty X xác nhận và thanh toán số tiền công nợ phát sinh từ thực hiện hợp đồng trong tháng 03/2021. Ngày 14/04/2021, Công ty X hồi đáp email cho Công ty T, xác nhận số tiền còn nợ, chưa thanh toán là chính xác. Công ty T đã yêu cầu Công ty X thanh toán nhưng đến nay Công ty X vẫn chưa thanh toán số tiền còn nợ trên.
Công ty T khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc Công ty X phải thanh toán số tiền công nợ chưa thanh toán phát sinh từ thực hiện hợp đồng là 1.073.089.898 đồng. Do Công ty X vi phạm thời hạn thanh toán nên phải chịu tiền lãi do chậm thanh toán, theo mức lãi suất cho vay trung bình trên thị trường của các ngân hàng thương mại tại thời điểm xét xử là 12,4%/năm (1,03%/tháng); thời gian tính lãi từ ngày 01/05/2021 đến ngày 01/07/2023 là 26 tháng: (1.073.089.898đ x 1,03% x 26 tháng) = 287.373.474 đồng.
Tổng cộng số tiền Công ty X phải trả là: (1.073.089.898 đồng + 287.373.474 đồng) = 1.360.463.372 đồng. Yêu cầu trả làm một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Đối với yêu cầu phản tố của Công ty X: Công ty T phải bồi thường thiệt hại toàn bộ giá trị lô hàng và các chi phí thiệt hại liên quan của lô hàng trái cây tươi xuất đi ngày 10/11/2020 bị hư hỏng toàn bộ phải tiêu hủy là 34.913 USD (theo tỷ giá ngày 21/7/2023 của Ngân hàng V 23.810 VNĐ/01 USD) là 831.278.530 đồng. Công ty T không đồng ý với yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty X.
Vì, Hợp đồng ký kết, thực hiện giữa Công ty T và Công ty X là hợp đồng nguyên tắc. Trong lô hàng xuất đi ngày 10/11/2020 này, Công ty Y đã phát hành Vận đơn số CPIHCM221103 ngày 10/11/2020 cho Công ty X; Công ty X đã chấp nhận Vận đơn số CPIHCM221103 và chuyển cho G để nhận hàng. Như vậy, trách nhiệm của Công ty T đã chuyển sang cho Công ty Y kể từ ngày 10/11/2020 (là ngày phát hành Vận đơn số CPIHCM221103 cho Công ty X).
Căn cứ vào khoản 1 Điều 146, Điều 148 Bộ luật Hàng hải thì Vận đơn số CPIHCM221103 là hợp đồng vận chuyển có giá trị ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa ba bên gồm người gửi hàng Công ty X, người nhận hàng G và người vận chuyển là Công ty Y.
Việc hàng hóa bị hỏng là do Hãng tàu cung cấp vỏ container (sau đây viết tắt là cont) không đạt nên bị hư hỏng phải thay thế tại cảng chuyển tải, dẫn đến thời gian vận chuyển hàng kéo dài làm hàng hóa bị hư hỏng khi được vận chuyển đến nơi. Do đó thiệt hại xảy ra đối với lô hàng phát sinh từ Vận đơn số CPIHCM221103 ngày 10/11/2020 thì Công ty X phải yêu cầu Công ty Y bồi thường chứ không phải là Công ty T. Khi nhận được thông tin từ Công ty X về lô hàng bị hư hỏng toàn bộ, Công ty T đã cùng với Công ty X khiếu nại với Công ty Y theo đúng nghĩa vụ của mình quy định tại Điều 4.3 của Hợp đồng nguyên tắc số 2016/HW-SN/04195 ngày 10/4/2016.
Tại Đơn phản tố ngày 03/3/2022, các văn bản trình bày, ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X, người đại diện hợp pháp của bị đơn bà Vũ Thị Thu Lý và ông Nguyễn Quang Vũ trình bày và yêu cầu:
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X (sau đây viết tắt là Công ty X) và Công ty Cổ phần T (viết tắt là Công ty T) có ký và thực hiện Hợp đồng nguyên tắc vận chuyển hàng hóa số 2016/HW-SN/04195 ngày 10/04/2016; các bên thỏa thuận: Công ty X đồng ý sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và Công ty T đồng ý cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa như nguyên đơn trình bày.
Bị đơn xác nhận số tiền dịch vụ vận chuyển hàng hóa và chi phí liên quan theo hợp đồng chưa thanh toán cho nguyên đơn từ ngày 01/03/2021 đến 31/03/2021 là 1.073.089.898 đồng (phát sinh từ 32 Hóa đơn) như đại diện nguyên đơn trình bày. Phía Công ty X chưa thanh toán số tiền này vì phía Công ty T chưa bồi thường các thiệt hại do cont hàng trái cây tươi Công ty X giao Công ty T thực hiện dịch vụ vận chuyển theo hợp đồng từ cảng C, Tp. HCM đến cảng H, Qatar ngày 04/11/2020 bị hư hỏng toàn bộ phải tiêu hủy. Quá trình thực hiện dịch vụ vận chuyển lô (cont) hàng này, Công ty T đã vi phạm hợp đồng, không đảm bảo điều kiện vận chuyển, không thông báo kịp thời cho Công ty X, thời gian vận chuyển kéo dài làm toàn bộ lô hàng trái cây tươi bị hư hỏng toàn bộ, gây thiệt hại cho Công ty X. Ngày 12/5/2021, ngày 17/5/2021, ngày 28/5/2021 Công ty X đã có văn bản yêu cầu Công ty T phải bồi thường thiệt hại của lô hàng (gồm giá trị lô hàng và các chi phí thiệt hại phát sinh là 34.913 USD) nhưng đến nay Công ty T vẫn chưa bồi thường.
Cụ thể, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lô hàng trái cây tươi diễn ra như sau: Ngày 04/11/2020 Công ty X đã giao lô hàng đến cảng đi theo chỉ định của Công ty T để Công ty T thực hiện dịch vụ vận chuyển từ cảng C, Tp. HCM đến cảng H, Qatar. Hàng đã được Công ty X sắp xếp vào cont, thực hiện thủ tục thông quan (số bill: CBIHCM 221103, số cont: SNHU8013638, số Seal: NH-236825); các chứng từ liên quan Công ty X đã chuyển cho Công ty T theo yêu cầu; Công ty T gửi biên nhận hàng hóa. Theo các email trao đổi, Công ty X yêu cầu Công ty T thực hiện dịch vụ vận chuyển lô hàng trái cây tươi, số lượng: 01x40RH, nhiệt độ: +5C, 25CBM/h, cảng chất hàng Hồ Chí Minh, cảng dỡ hàng H, ngày khởi hành dự kiến ngày 04/11/2020, ngày đến dự kiến 28/11/2020, lưu ý Công ty Y. Theo email lúc 5:56 CH ngày 30/10/2020 gởi Công ty X, Công ty T xác nhận: Thời hạn cắt máng (Cut off time) 08:00 SA ngày 04/11/2020, thời hạn nộp chi tiết vận đơn 13:00 CH ngày 03/11/2020. Tuy nhiên cont hàng nằm ở cảng C đến ngày 10/11/2020 mới xếp dỡ lên tàu vận chuyển.
Ngày 08/12/2020 Công ty X nhận được thông báo của Công ty T là phải thay đổi cont chứa hàng hóa (từ cont SNHU801363 sang cont KKFUY17580), lý do thay cont là thiết bị lạnh của cont bị hư. Ngày 14/12/2020 thì Công ty T tiếp tục thông báo việc thay đổi cont/seal đề nghị cho liên hệ người nhận hàng để hãng tàu lấy lại vận đơn gốc và cho in vận đơn lại ở nơi đến cho lô hàng đổi cont/seal. Ngày 21/12/2020 Công ty T thông báo tàu vận chuyển sẽ đến cảng H, Qatar vào ngày 26/12/2020. Khi cont hàng đến cảng H, Qatar thì đã bị hư hỏng toàn bộ buộc phải tiêu hủy. Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty T đã vi phạm hợp đồng, không theo dõi để đảm bảo điều kiện vận chuyển, không thông báo kịp thời cho Công ty X, thời gian vận chuyển kéo dài làm toàn bộ lô hàng trái cây tươi bị hư hỏng, gây thiệt hại cho Công ty X.
Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”; căn cứ quy định pháp luật trên, cũng như hợp đồng các bên ký kết thực hiện; thì trách nhiệm thực hiện công việc theo hợp đồng của Công ty T, Công ty T thu tiền và các chi phí liên quan từ Công ty X; do đó, Công ty T cho rằng đã chuyển giao trách nhiệm vận chuyển lô hàng của Công ty X cho Công ty Y với lý do Công ty Y xuất vận đơn để thoái thác trách nhiệm là không đúng.
Do toàn bộ hàng hóa vận chuyển bị hư hỏng, ngày 31/12/2020 Công ty X mời Công ty giám định O để giám định nguyên nhân hư hỏng lô hàng vận chuyển và thông báo cho các bên liên quan biết tham gia. Ngày 07/01/2021 Công ty giám định có kết quả giám định, kết luận: “Cả hai vận đơn đều ghi rõ thông gió 25CBM/H, nhưng cont KKFUY17580 nó đã được đóng lại; hàng hóa được vận chuyển từ ngày 10/11/2020 nhưng đến cảng H ngày 26/12/2020 là sau 45 ngày; hàng hóa tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn trong cont ban đầu, việc thiết lập hệ thống thông gió trên cont thứ hai hoặc sự chậm trễ trong việc vận chuyển có thể gây ra hư hỏng.” Công ty X yêu cầu Công ty T phải bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh do lô hàng trái cây tươi vận chuyển bị hư hỏng; vì theo hợp đồng, quá trình thực hiện hợp đồng và các văn bản (email), các chứng từ liên quan khác; thì Công ty T luôn thể hiện và khẳng định là đơn vị chịu trách nhiệm và thực hiện cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa; đồng thời Công ty X cũng chỉ ký kết, thực hiện, thanh toán hợp đồng này với Công ty T. Do đó, Công ty T phải chịu trách nhiệm đối với những nghĩa vụ, thiệt hại phát sinh từ hợp đồng này; đại diện Công ty T cho rằng trách nhiệm vận chuyển lô hàng trên của Công ty T đã chuyển sang cho Công ty Y là viện dẫn hoàn toàn không phù hợp quy định pháp luật; là sự chối bỏ trách nhiệm và trái pháp luật.
Qua diễn biến và lịch trình tàu như trên, nhận thấy Công ty T đã vi phạm về thời gian đã thông báo về thời gian đi và đến lô hàng của Công ty X, vi phạm về việc không thông báo kịp thời những sự kiện xảy ra như: Thiết bị lạnh của cont bị hư hỏng, phải chuyển toàn bộ lô hàng vận chuyển xuống cảng chuyển tải để thay Cont vận chuyển, … để Công ty X có thể kịp thời hướng dẫn việc sắp xếp hàng hóa, điều kiện nhiệt độ và những tiêu chuẩn khác để hàng hóa không bị hư hỏng. Như vậy, Công ty T đã vi phạm các quy định pháp luật về nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 517 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ: 1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác…4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.…”; vi phạm khoản 2 Điều 2 và khoản 3 Điều 4 của Hợp đồng nguyên tắc vận chuyển hàng hóa số: 2016/HW-SN/04195 ngày 10/04/2016: “Bên B có trách nhiệm thu xếp phương tiện vận chuyển phù hợp cho hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luật vận chuyển bằng đường hàng không (IATA), Luật vận chuyển bằng đường biển (FIATA).” Các vi phạm của Công ty T đã gây thiệt hại cho Công ty X như sau:
- Giá trị toàn bộ lô hàng bị thiệt hại (theo hợp đồng) là 22.720 USD (theo tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng V ngày 21/7/2023 là 23.810 đồng/01 USD) là 540.963.200 đồng;
- Thiệt hại do chi phí liên quan xử lý, tiêu hủy lô hàng theo yêu cầu của Chính phủ Qatar là 4.241 USD (theo tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng V ngày 21/7/2023 là 23.810 đồng/01 USD) là 100.978.210 đồng. Số tiền này Công ty X đã bị G (đối tác, bên nhận hàng) cấn trừ vào giá trị lô hàng IV927 ngày 23/11/2020 là (18.542 USD – 4.241 USD = 14.301 USD) theo bảng sao kê tài khoản ngân hàng.
- Thiệt hại do Công ty X phải bồi thường 35% giá trị lô hàng là 7.952 USD cho G (theo tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng V ngày 21/7/2023 là 23.810 đồng/01 USSD) là 189.337.120 đồng (số tiền này được cấn trừ vào 02 lô hàng theo hợp đồng INV 689 là 3.285 USD và hợp đồng INV 768 là 4.625 USD theo bảng sao kê ngân hàng).
Tổng cộng các khoản thiệt hại mà Công ty X phải gánh chịu là (540.963.200 đồng + 100.978.210 đồng + 189.337.120 đồng) = 831.278.530 đồng.
Do đó, Công ty X yêu cầu phản tố, yêu cầu Tòa án buộc Công ty T phải bồi thường các khoản thiệt hại trên cho Công ty X.
Căn cứ Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”; Điều 319 Luật Thương mại năm 2005 quy định “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm….”, nên yêu cầu phản tố của công ty X còn trong thời hiệu khởi kiện.
Tại Bản tự khai ngày 04/4/2023, các lời trình bày trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Y, người đại diện hợp pháp có ông Lê Vĩnh T trình bày:
Đầu tháng 11/2020, Công ty T có book 01 container (cont) 40RH của Công ty Y vận chuyển hàng hóa là trái cây tươi đi từ cảng C, Thành phố Hồ Chí Minh tới cảng H, Qatar. Công ty T đã thanh toán tiền cước vận chuyển và các chi phí liên quan cho Công ty Y.
Công ty Y đã giao cont rỗng tại bãi theo yêu cầu của Công ty T và tiếp nhận cont tại cảng (đã xếp hàng) và các chứng từ liên quan đến lô hàng vận chuyển từ Công ty T, công ty cũng đã phát hành Vận đơn theo các thông tin do Công ty T cung cấp (người gởi hàng, người nhận hàng, loại hàng hóa, cảng đến …).
Theo kế hoạch, tàu chạy ngày 06/11/2020; sau đó do chuyến tàu bị trễ nên cont nằm ở cảng C chờ đến ngày 10/11/2020 mới được xếp lên tàu khởi hành. Ngày 14/11/2020 tàu đến cảng P, Malaysia; do tàu đến trễ nên không thể nối chuyến như dự kiến, cont được bốc lên cảng P để chờ tàu nối ngày 05/12/2020. Thời điểm này, thị trường vận tải hàng hóa bằng đường biển đang khủng hoảng tàu nối, nên cont phải nằm chờ đến ngày 05/12/2020 mới có chỗ tàu nối.
Trong khi cont hàng đang nằm chờ tàu nối ở cảng P, Malaysya; tối ngày 25/11/2020 thiết bị lạnh của cont báo sự cố; cảng và đại lý hãng tàu Ca đã tháo niêm và chuyển đổi hàng sang cont khác.
Ngày 05/12/2020 cont mới được xếp lên tàu đi tiếp tới cảng T.
Sau khi xảy ra sự việc, ngày 08/12/2020 phía Công ty Y đã thông báo với Công ty T, về việc cont SNHU801363 hư thiết bị lạnh và đổi cont.
Ngày 15/12/2020 tàu cập cảng T, cont được bốc lên cảng; đến ngày 19/12/2020 cont hàng được xếp lên tàu nối đi tiếp tới cảng S, Qatar; ngày 22/12/2020 cont hàng vận chuyển đến cảng H, Qatar.
Ngày 28/12/2020, đại lý hãng tàu Ca (hãng tàu nhận vận chuyển cont hàng và cũng là hãng tàu mà Công ty Y làm đại lý) tại cảng H là D Agency thực hiện giám định chất lượng cont hàng.
Ngày 28/12/2020, Tổ chức giám định Insight Marine Survey thực hiện giám định cont hàng, sau đó có kết quả Báo cáo giám định ngày 30/12/2020; theo báo cáo hàng hóa trong cont vận chuyển đã hư hỏng hoàn toàn, nguyên nhân do “Hàng hóa tổn thất do tình trạng hàng hóa trước khi đóng hàng”.
Công ty Y đã thông báo kết quả giám định cho Công ty T; ngày 30/12/2020 Công ty T gửi đơn khiếu nại về hư hỏng hàng vận chuyển do vận chuyển chậm, Công ty Y (đại lý của hãng tàu Ca) đã tiếp nhận đơn khiếu nại và chuyển giao vụ việc cho Văn phòng chính của hãng tàu Ca tại Pakistan giải quyết. Đầu tháng 01/2021, Văn phòng Hãng tàu tại Pakistan thông báo không chấp nhận khiếu nại của Công ty T, với các lý do như sau:
- Hãng tàu không có trách nhiệm cam kết thời gian vận chuyển chính xác (thể hiện ở mặt sau vận đơn đường biển).
- Hàng hóa hư hỏng do tình trạng hàng hóa trước khi đóng hàng, không phải do hành vi của người vận chuyển của hãng tàu.
Đối với kết luận giám định (do người nhận hàng tại cảng H, Qatar thực hiện), phía Văn phòng hãng tàu không chấp nhận và tự thực hiện việc kiểm định chất lượng hàng hóa cập cảng H, Qatar.
Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu phản tố bị đơn trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa đại diện Công ty Y không có ý kiến.
Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn giữ nguyên lời yêu cầu khởi kiện đồng thời yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét áp dụng thời hiệu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Hàng hải năm 2015 đình chỉ xét xử yêu cầu phản tố của phía bị đơn; đại diện bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố. Luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận đề nghị áp dụng thời hiệu đối với yêu cầu phản tố của bị đơn, không chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa, các bên đương sự thống nhất trình bày:
- Thực hiện Hợp đồng đã ký kết, Công ty T đã đặt Công ty Y 01 cont 40RH vận chuyển hàng hóa là trái cây tươi đi từ cảng C, Tp. HCM đến cảng H, Qatar;
- Các thông tin trên Vận đơn do Công ty X cung cấp cho Công ty T và Công ty T cung cấp cho Công ty Y;
- Công ty Y đã cung cấp bộ Vận đơn (gồm 03 bản chính và 03 bản photocopy) cho Công ty T; Công ty T đã chuyển cho Công ty X;
- Công ty T đã thanh toán cước vận chuyển và chi phí liên quan cho Công ty Y.
- Các bên không mua bảo hiểm rủi ro cho lô hàng.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 76/2023/KDTM-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân Quận U đã tuyên như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần T: Buộc bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X phải thanh toán số tiền dịch vụ vận chuyển hàng hóa chưa thanh toán theo 32 hóa đơn (gồm cước vận chuyển, các chi phí liên quan) là 1.073.089.898 (một tỷ, không trăm bảy mươi ba triệu, không trăm tám mươi chín ngàn, tám trăm chín mươi tám) đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là 287.373.474 đồng (hai trăm tám mươi bảy triệu, ba trăm bảy mươi ba ngàn, bốn trăm bảy mươi bốn) đồng. Tổng cộng số tiền phải trả là:
1.073.089.898 đồng + 287.373.474 đồng = 1.360.463.372 đồng (một tỷ, ba trăm sáu mươi triệu, bốn trăm sáu mươi ba ngàn, ba trăm bảy mươi hai) đồng.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X: Buộc nguyên đơn Công ty Cổ phần T phải bồi thường thiệt hại cho Công ty X với số tiền là 831.278.530 (tám trăm ba mươi mốt triệu, hai trăm bảy mươi tám ngàn, năm trăm ba mươi) đồng.
3. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án: Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án: Của Công ty Cổ phần T (đối với khoản tiền Công ty X phải trả cho Công ty T), của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X (đối với khoản tiền Công ty T phải trả cho Công ty X) cho đến khi thi hành án xong khoản tiền phải trả cho nhau; Công ty Cổ phần T, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành, tương ứng với thời gian chậm thi hành, theo mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 07/8/2023, nguyên đơn là Công ty Cổ phần T có đơn kháng cáo một phần, đề nghị sửa bản án sơ thẩm với những nội dung sau:
- Yêu cầu được chấp nhận tính lãi kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (không phải từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án);
- Yêu cầu không chấp nhận đơn phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Đại diện nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và rút một phần yêu cầu kháng cáo về phần tính lãi kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, nội dung kháng cáo còn lại giữ nguyên. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Qua kiểm sát vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án, Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn, cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa hôm nay, phiên tòa tiến hành đúng trình tự pháp luật Tố tụng dân sự.
Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý cũng như tại phiên tòa hôm nay các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Việc rút một phần kháng cáo của nguyên đơn là đúng quy định pháp luật nên đề nghị đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo đã rút. Nội dung kháng cáo còn lại không có căn cứ để chấp nhận. Đề nghị hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; nghe ý kiến của các đương sự; ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về nội dung kháng cáo:
[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đã rút kháng cáo đối với phần yêu cầu tính lãi từ thời điểm tuyên án sơ thẩm, Hội đồng xét xử xét thấy việc rút một phần kháng cáo của nguyên đơn là phù hợp quy định pháp luật tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng dân sự. Căn cứ khoản 3 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phần kháng cáo này của nguyên đơn.
Tuy nhiên, để có cách hiểu thống nhất và việc thi hành án được chính xác, cần ghi nhận cách tính lãi cụ thể như sau:
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại.
[1.2] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn đối với phần yêu cầu phản tố của bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy như sau:
Nguyên đơn cho rằng Hợp đồng nguyên tắc ký giữa công ty T và công ty X theo đó, công ty T là bên cung cấp dịch vụ vận chuyển. Theo quy định tại Điều 4 của Hợp đồng thì công ty T không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho hàng hóa bị hư hỏng của công ty X mà công ty T chỉ có trách nhiệm cùng công ty X khiếu nại bên thứ 3. Trong trường hợp này, ngay khi xảy ra sự cố làm hư hỏng toàn bộ hàng hóa, công ty T đã kịp thời cùng với công ty X khiếu nại công ty Y là đơn vị vận chuyển. Theo quy định khoản 1 Điều 146 và Điều 148 Bộ luật Hàng hải thì vận đơn số CPIHCM221103 là hợp đồng vận chuyển có giá trị ràng buộc quyền và nghĩa vụ giữa ba bên gồm người gửi hàng là công ty X, người nhận hàng là G và người vận chuyển là công ty Y. Công ty X có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải khởi kiện đối với công ty Y. Hội đồng xét xử xem xét ý kiến này của nguyên đơn:
Tại phiên tòa phúc thẩm và quá trình giải quyết sơ thẩm, phía bị đơn đều xác định yêu cầu công ty T bồi thường thiệt hại dựa trên Hợp đồng nguyên tắc vận chuyển hàng hóa số 2016/HW-SN/04195 ngày 10/4/2016. Việc công ty X quyết định khởi kiện công ty nào căn cứ trên quan hệ hợp đồng nào là quyền của công ty X được quy định tại khoản 2 Điều 200, khoản 1 Điều 4, Điều 186, khoản 1 Điều 188 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã xem xét Hợp đồng nguyên tắc để giải quyết yêu cầu của công ty X là có căn cứ. Mặt dù Điều 4 Hợp đồng nguyên tắc như công ty T đã viện dẫn chỉ quy định trách nhiệm cùng bên A (công ty X) khiếu nại bên thứ 3 khi có tổn thất, hoặc mất mát, hư hại về hàng hóa; nhưng mục 6.2 Điều 6 Hợp đồng các bên thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng thì “Trong trường hợp bất khả kháng, nếu có thiệt hại về hàng hóa vận chuyển thì bên B (công ty T) không phải bồi thường cho bên A (công ty X)”. Như vậy, các bên đã thỏa thuận rõ công ty T chỉ được miễn trừ bồi thường khi có thiệt hại về hàng hóa xảy ra khi rơi vào trường hợp bất khả kháng.
Tại khoản 7.3 Điều 7 Hợp đồng cũng quy định “Ngoài các điều khoản đã quy định trong hợp đồng này, những vấn đề phát sinh mà chưa được nêu trong hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005”.
Như đã phân tích ở trên, lập luận của công ty T cho rằng căn cứ Luật Hàng Hải thì vận đơn là Hợp đồng vận chuyển và công ty X có quyền căn cứ vận đơn để khởi kiện đơn vị vận chuyển là công ty Y đòi bồi thường thiệt hại là không sai và phù hợp với quy định của Bộ luật Hàng Hải. Nhưng việc công ty X căn cứ Hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa công ty X và công ty T để khởi kiện yêu cầu công ty T bồi thường thiệt hại là có căn cứ pháp luật như đã phân tích ở trên về quyền khởi kiện và cũng phù hợp với sự thỏa thuận của các bên tại khoản 7.3 Điều 7 Hợp đồng. Hợp đồng nguyên tắc số 2016/HW-SN/04195 ngày 10/4/2016 được các bên ký kết phù hợp với giấy đăng ký kinh doanh và hoàn toàn tự nguyện nên là hợp đồng hợp pháp và là căn cứ phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của công ty X đối với công ty T như sau:
Công ty X yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm các khoản:
1. Giá trị hàng hóa bị thiệt hại 22.720 đô la Mỹ tương đương 539.600.000 đồng;
2. Phí tiêu hủy hàng hóa 15.478,00QR Quatar tương đương 4.241 đô la Mỹ, tương đương 100.723.750 đồng;
3. Giá trị bồi thường lô hàng cho bên thứ ba là công ty G là 7.952 đô la Mỹ tương đương 188.860.000 đồng.
Các khoản thiệt hại này đã được liệt kê bằng hóa đơn chứng từ, bảng sao kê ngân hàng và cũng đã được thể hiện tại Vi bằng các trang 58, 59, 62, 64. Vì vậy, Hội đồng cấp sơ thẩm căn cứ thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng nguyên tắc, căn cứ Điều 74, 302 Luật Thương mại năm 2005 và các Điều 513, 517, 588 Bộ luật Dân sự năm 2015 chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là đúng quy định pháp luật. Kháng cáo của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm:
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hội đồng xét xử đình chỉ phần một phần yêu cầu kháng cáo đã rút của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên chấp nhận.
[3] Về án phí:
Do không chấp nhận kháng cáo nên người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 1 Điều 4, Điều 186, khoản 1 Điều 188, khoản 2 Điều 200, khoản 3 Điều 289, khoản 3 Điều 298, khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Điều 74, Điều 302, Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và các Điều 513, 517, 588 Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Căn cứ Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Không chấp nhận kháng cáo của công ty Cổ phần T. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 76/2023/KDTM-ST ngày 27/7/2023 của Tòa án nhân dân Quận U.
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần T: Buộc bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X phải thanh toán số tiền dịch vụ vận chuyển hàng hóa chưa thanh toán theo 32 hóa đơn (gồm cước vận chuyển, các chi phí liên quan) là 1.073.089.898 (một tỷ, không trăm bảy mươi ba triệu, không trăm tám mươi chín ngàn, tám trăm chín mươi tám) đồng và tiền lãi do chậm thanh toán là 287.373.474 đồng (hai trăm tám mươi bảy triệu, ba trăm bảy mươi ba ngàn, bốn trăm bảy mươi bốn) đồng. Tổng cộng số tiền phải trả là: 1.073.089.898 đồng + 287.373.474 đồng = 1.360.463.372 đồng (một tỷ, ba trăm sáu mươi triệu, bốn trăm sáu mươi ba ngàn, ba trăm bảy mươi hai) đồng.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X: Buộc nguyên đơn Công ty Cổ phần T phải bồi thường thiệt hại cho Công ty X với số tiền là 831.278.530 (tám trăm ba mươi mốt triệu, hai trăm bảy mươi tám ngàn, năm trăm ba mươi) đồng.
3. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án: Của Công ty Cổ phần T (đối với khoản tiền Công ty X phải trả cho Công ty T), của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X (đối với khoản tiền Công ty T phải trả cho Công ty X) cho đến khi thi hành án xong khoản tiền phải trả cho nhau; Công ty Cổ phần T, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X còn phải trả lãi đối với số tiền chậm thi hành, tương ứng với thời gian chậm thi hành, theo mức lãi suất quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
4. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
4.1. Nguyên đơn Công ty Cổ phần T phải chịu tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 36.938.356 (ba mươi sáu triệu, chín trăm ba mươi tám ngàn, ba trăm năm mươi sáu) đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 23.078.226 (hai mươi ba triệu, không trăm bảy mươi tám ngàn, hai trăm hai mươi sáu) đồng mà nguyên đơn Công ty T đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0013899 ngày 14/01/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận U. Như vậy, Công ty T còn phải nộp tiếp số tiền án phí 13.860.130 (mười ba triệu, tám trăm sáu mươi ngàn, một trăm ba mươi) đồng.
4.2. Bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ X phải nộp án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 52.813.901 (năm mươi hai triệu, tám trăm mười ba ngàn, chín trăm lẻ môt) đồng, nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 17.850.502 (mười bảy triệu, tám trăm năm chục ngàn, năm trăm lẻ hai) đồng mà bị đơn Công ty X đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2021/0014105 ngày 09/3/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận U. Như vậy, Công ty X còn phải nộp tiếp số tiền án phí 34.963.399 (ba mươi bốn triệu, chín trăm sáu mươi ba ngàn, ba trăm chín mươi chín) đồng.
5. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty cổ phần T phải chịu án phí phúc thẩm nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0037157 ngày 22/8/2023 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận U. Công ty Cổ phần T đã nộp đủ án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng dịch vụ vận chuyển hàng hóa và yêu cầu bồi thường thiệt hại số 94/2024/KDTM-PT
Số hiệu: | 94/2024/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/04/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về