TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 225/2022/KDTM-PT NGÀY 25/04/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC CHUYỂN NHƯỢNG PHẦN VỐN GÓP
Ngày 25 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 78/2022/TLPT-KDTM ngày 01 tháng 02 năm 2023 về việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng phần vốn góp giữa người chưa phải là thành viên công ty với thành viên công ty”.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1852/2022/KDTM-ST ngày 04 tháng 10 năm 2022 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 769/2023/QĐ-PT ngày 12 tháng 4 năm 2023, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Võ Thị Mai C, sinh năm 1962.
Địa chỉ: Phường P1, Quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt) Người đại diện theo ủy quyền: Bà NUQ1, sinh năm 1995 và bà NUQ2, sinh năm 1976. (Theo giấy ủy quyền ngày 23 tháng 03 năm 2022, số công chứng 5861, quyển số 03/2022 TP/CC-SCC/HĐGD tại Phòng Công chứng số 5) Cùng trú địa chỉ: Phường P2, Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)
Bị đơn: Ông Phan Thành Đ, sinh năm 1972.
Địa chỉ liên hệ: Phường P3, Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Công ty TNHH K (nay là Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch K) Địa chỉ: xã X1, huyện H1, tỉnh Bình Thuận.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà NUQ1, sinh năm 1995 và bà NUQ2, sinh năm 1976.
Cùng trú địa chỉ: Phường P2, Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt) (Theo giấy ủy quyền ngày 22 tháng 8 năm 2022)
2/ Liên hiệp Hợp tác xã B.
Địa chỉ: Phường P1, quận Q1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà NUQ2, sinh năm 1976.
trú địa chỉ: Phường P2, Quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt) (Theo Giấy ủy quyền ngày 22/8/2022)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 18 tháng 3 năm 2022, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn trình bày:
Bà Võ Thị Mai C là chủ sở hữu và đại diện cho đồng sở hữu là Liên hiệp Hợp tác xã B đối với số vốn góp tương ứng với 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH K (gọi tắt là công ty K) tương đương 8.000.000.000 đồng. Trong đó bà C chiếm 87% vốn điều lệ (tương đương 6.960.000.000 đồng), Liên hiệp Hợp tác xã B chiếm 13% (tương đương 1.040.000.000 đồng).
Ngày 22/01/2020, bà C đã thỏa thuận và ký kết hợp đồng đặt cọc cam kết chuyển nhượng toàn bộ phần cổ phần với vốn điều lệ trên của Công ty K sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để chuyển đổi loại hình Công ty TNHH K thành Công ty cổ phần cho ông Đ với số tiền đặt cọc là 1.000.000.000 đồng, giá chuyển nhượng là 150.000.000.000 đồng.
Theo hợp đồng này, tại điểm b,c, khoản 1.3, Điều 1 thì Bên A (bà C) có nghĩa vụ trong vòng 45 ngày các bên ký kết hợp đồng này và khoản đặt cọc được chuyển vào tài khoản của Bên A, Bên A phải hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật để nhận được bút phê của lãnh đạo tỉnh có thẩm quyền theo hướng đồng ý gia hạn, phục hồi Dự án trồng rừng được quyền tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật.
Trường hợp hết hạn 45 ngày quy định tại mục b nêu trên nhưng Bên A chưa hoàn tất được công việc đã cam kết, các bên thống nhất hướng xử lý như sau:
Nếu Bên B (ông Đ) nhận thấy sự việc tiến triển tích cực, Bên B sẽ đồng ý gia hạn thêm thời gian để cho bà C hoàn tất công việc nêu tại mục b và hỗ trợ thêm các chi phí (nếu có) để bà C hoàn tất công việc trên.
Và ngược lại, nếu lãnh đạo tỉnh có thẩm quyền phê duyệt bất lợi theo hướng tiếp tục thu hồi dự án trồng rừng mà các bên không có thỏa thuận khác trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo của Bên B, Bên A sẽ hoàn trả lại 01 lần toàn bộ khoản đặt cọc (điểm c (ii), khoản 1.3, điều l).Và đồng thời theo điểm b, khoản 2.2, Điều 2 thì ông Đ phải có nghĩa vụ phối hợp và hỗ trợ cho mục đích hoàn tất các công việc quy định tại Điều 1.4 của Hợp đồng này bao gồm hỗ trợ tất toán các khoản nợ, thanh lý tất cả các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp với các cá nhân khác và nhận lại toàn bộ bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Khu đất trồng rừng của Công ty K, thực hiện công việc cần thiết để chuyển đổi loại hình Công ty từ loại hình Công ty TNHH sang Công ty cổ phần và các vấn đề khác liên quan đến Công ty K.
Ngày 08/3/2020, bà C và ông Đ đã ký thêm phụ lục số 01 Hợp đồng đặt cọc đính kèm với Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 để gia hạn thêm 30 ngày cho bà C hoàn tất công việc.
Tuy nhiên, sau khi ông Đ giao số tiền 1.000.000.000 đồng đặt cọc trên, bà C đã liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để xin gia hạn phục hồi Dự án trồng rừng như thỏa thuận nhưng kết quả phê duyệt kéo dài và bất lợi theo hướng tiếp tục thu hồi dự án. Còn phía ông Đ sau khi giao tiền thì cũng không hỗ trợ cho bà C thêm chi phí nào khác hay bất kỳ công việc gì để cho bà C xin gia hạn dự án như cam kết.
Sau đó, ngày 26/3/2021 bà C đã gửi thư thông báo đề nghị hủy bỏ hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 nhưng ông Đ không có phản hồi gì. Ngày 10/9/2021 và ngày 20/9/2021 bà C tiếp tục gửi thông báo hủy bỏ Hợp đồng đặt cọc, các nghĩa vụ kèm theo và chuyện trả lại tiền đặt cọc trên cho ông Đ.
Ngày 20/9/2021 bà C đã chuyển cho ông Đ số tiền là 1.000.000.000 đồng liền đặt cọc theo hợp đồng ngày 22/01/2020. Ngày 24/9/2021 bà C tiếp tục chuyển số tiền là 1.000.000.000 đồng tiền hỗ trợ kèm theo thư đề nghị ngày 20/9/2021.
Tổng cộng bà C chuyển cho ông Đ số tiền là 2.000.000.000 đồng.
Ngày 24/9/2021, bà C nhận được Thông báo ghi ngày 21/9/2021 của ông Đ với nội dung không đồng ý chấm dứt hợp đồng và không đồng ý nhận lại số tiền đặt cọc trước đây và đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc trên. Mặc dù ông Đ có phúc đáp tuy nhiên ông Đ vẫn không hỗ trợ bất kỳ điều gì dẫn đến việc bà C có thể tiếp tục hợp đồng với ông Đ. Nên bà C đã chủ động trả lại cho ông Đ số tiền 1.000.000.000 đồng tiền nhận cọc của ông Đ và số tiền 1.000.000.000 đồng tiền phạt cọc theo hợp đồng, tổng cộng là 2.000.000.000 đồng, bằng hình thức chuyển khoản.
Do hợp đồng đặt cọc bà C không thể thực hiện nên bà C đề nghị Tòa án hủy toàn bộ Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và hủy Phụ lục số 01 Hợp đồng đặt cọc ngày 08/03/2020 đính kèm với Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ. Bà C không yêu cầu ông Đ hoàn trả lại số tiền 1.000.000.000 đồng tiền bà C nhận cọc của ông Đ và số tiền 1.000.000.000 đồng tiền phạt cọc theo hợp đồng, tổng cộng là 2.000.000.000 đồng bà C chuyển khoản cho ông Đ.
Nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn.
Trong quả trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn ông Phan Thanh Đông trình bày:
Nhằm tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án du lịch tại tỉnh Bình Thuận, qua tìm hiểu, ông Đ biết bà C là chủ sở hữu và đại diện hợp pháp của Công ty TNHH K được cấp quỹ đất khoảng 197 ha tại xã X2, huyện H2, tỉnh Bình Thuận phù hợp với mục đích đầu tư của ông Đ.
Bà C muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty K cho ông Đ, khi đó, ông Đ sẽ trở thành chủ sở hữu của Công ty K và được quyền đầu tư, phát triển dự án của công ty.
Theo như bà C cung cấp, Công ty K đang có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được như: dự án trồng rừng trên diện tích khoảng 197 ha tại xã X2, huyện H2, tỉnh Bình Thuận đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận thu hồi dự án, các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất 197 ha đang cầm cố cho người khác, công ty đang nợ thuế sử dụng đất nhiều năm, công ty chưa chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần,...
Do đó, bà C và ông Đ thống nhất lựa chọn hình thức đặt cọc có điều kiện để ông Đ có thể tham gia và hỗ trợ bà C giải quyết các khó khăn và vướng mắc nêu trên cũng như hỗ trợ bà C các thủ tục pháp lý liên quan, nhằm đủ điều kiện để bà C chuyển nhượng vốn tại Công ty K cho ông Đ.
Qua nhiều lần thương thảo và trao đổi, ngày 22/01/2020, ông Đ và bà C đồng ý ký kết Hợp đồng đặt cọc với các nội dung cơ bản như sau:
Bà C là chủ sở hữu và đại diện cho các đồng sở hữu đối với số vốn góp tương ứng 100% vốn điều lệ của Công ty K đồng ý nhận của ông Đ số tiền đặt cọc trị giá 1.000.000.000 đồng để đảm bảo thực hiện các công việc cụ thể như sau:
Hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật để chuyển đổi loại hình Công ty TNHH K thành Công ty cổ phần;
Thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty K theo các điều khoản và điều kiện quy định tại hợp đồng đặt cọc cho ông Đ và/hoặc bên thứ ba do ông Đ chỉ định, giá chuyển nhượng cổ phân không thay đổi là 150.000.000 000 dong;
Trong vòng 45 ngày kể từ ngày các bên ký kết Hợp đồng đặt cọc, bà C có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật để cơ quan nhà nước tỉnh Bình Thuận có thẩm quyền đồng ý gia hạn, phục hồi dự án trồng rừng, qua đó, Công ty K được quyền tiếp tục thực hiện dự án trồng rừng theo quy định pháp luật.
Đến ngày 08/03/2020, do chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc, bà C đề nghị và ông Đ đồng ý gia hạn thêm 30 ngày để bà C hoàn tất các nghĩa vụ theo thỏa thuận, do đó, các bên đã ký kết Phụ lục số 01 của Hợp đồng đặt cọc vào ngày 08/03/2020.
Sau khi ký kết Phụ lục số 01 nêu trên, ông Đ được biết Công ty K đã được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lập thủ tục đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng với diện tích khoảng 197 ha tại xã X2, huyện H2, tỉnh Bình Thuận theo văn bản số 1231/UBND-KGVXNV ngày 01 /04/2020.
Việc UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty K tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lập thủ tục đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng thay vì phục hồi dự án trồng rừng theo như thỏa thuận vẫn phù hợp với mục đích đầu tư ban đâu nên sau khi nhận được Văn bản số 1231, ông Đ đà đề nghị bà C tiến hành thực hiện các thủ tục để chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của Công ty K và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho ông Đ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, bà C yêu cầu tăng giá trị hợp đồng lên thành 240.000.000.000 đồng nhưng ông Đ không đồng ý.
Đến ngày 17/9/2021, ông Đ nhận được Thư thông báo đề ngày 10/9/2021 của bà C với nội dung: Bà C đề nghị hủy bỏ các thỏa thuận theo Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 đồng thời bà C sẽ chuyển trả lại cho ông Đ, số tiền đặt cọc trị giá 1.000.000.000 đồng.
Không đồng ý chấm dứt thực hiện hợp đồng nên ngày 22/9/2021, ông Đ đã gửi Thông báo đề ngày 21/9/2021 đến bà C với nội dung: Không đồng ý chấm dứt Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và nhận lại số tiền cọc trị giá 1.000.000.000 đồng theo đề xuất của bà C. Đề nghị bà C thực hiện Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020. Trong trường hợp có bất kỳ vướng mắc gì, hai bên cần phải tháo gỡ cho mục đích tiếp tục thực hiện hợp đồng, bà Võ Thị Mai C có thể đề xuất phương án để hai bên cùng thảo luận và thống nhất hướng giải quyết.
Ngày 23/9/2021, ông Đ tiếp tục nhận được Thư đề nghị đề ngày 20/9/2021 của bà C với nội dung: Bà C vẫn muốn chấm dứt thực hiện Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và chuyển thêm cho ông Đ số tiền 1.000.000.000 đồng xem như tiền đền bù hợp đồng đặt cọc.
Ông Đ xác nhận đã nhận số tiền 1.000.000.000 đồng do bà C chuyển vào tài khoản của ông Đ vào ngày 20/9/2021 và số tiền 1.000.000.000 đồng do bà C chuyển vào ngày 24/9/2021. Ông Đ xác định không vi phạm Hợp đồng đặt cọc nên đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời ông Đ yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa án giải quyết:
Buộc bà Võ Thị Mai C tiếp tục phải thực hiện các thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan- Công ty TNHH K (nay là Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch K) có người đại diện theo ủy quyền là bà NUQ1 và bà NUQ2 trình bày:
Công ty TNHH K đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, và không đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn. Công ty TNHH K đã thay đổi thành Công ty Cổ phần Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch K theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần số 3400373033 đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 10 tháng 8 năm 2022.
Vừa qua, Bà Võ Thị Mai C (trước đây là đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH K) đã khởi kiện ông Phan Thành Đ tại Tòa án để yêu cầu hủy toàn bộ Hợp đồng Đặt cọc ngày 22/01/2020 về việc cam kết chuyển nhượng toàn bộ phần cố phần của Công ty TNHH K sau khi Công ty TNHH K hoàn thành các thủ tục pháp lý chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phần và hủy phụ lục số 01 Hợp đồng đặt cọc ngày 08/03/2020 đính kèm với Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ. Sau đó, Công ty TNHH K chuyển đổi thành Công Ty cổ Phần Đầu Tư Thương Mại Dịch Vụ Du Lịch K (Đại diện theo pháp luật là ông Phạm Trần Quốc Trung).
Đối với vụ kiện tranh chấp trên giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ, Công Ty cổ Phần Đầu Tư Thương Mại Dịch Vụ Du Lịch K không có ý kiến gì đối với tranh chấp này vì bà Võ Thị Mai C đã cam kết chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật đối với mọi hoạt động của Công ty TNHH K trước khi chuyển nhượng cho thành viên khác.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Liên hiệp Hợp tác xã B trình bày:
Công ty TNHH K theo GCNĐKKD số: 4804000003, cấp ngày 12/09/2003 gồm 2 thành viên góp vốn là:
- Liên Hiệp HTX B (đại diện Bà: Phan Lệ Hạnh) với vốn góp 1.040.000.000 đồng, chiếm tỷ lệ 13% vốn điều lệ.
- Bà Võ Thị Mai C với vốn góp 6.960.000.000 đồng, chiếm tỳ lệ 87% vốn điều lệ.
Ngày 10/12/2002, Liên hiệp Hợp Tác Xã B đã tiến hành Họp Hội Đồng Quản trị và ra Nghị Quyết số 01/NQ/HĐQT bổ nhiệm Bà Võ Thị Mai C làm Tổng giám đốc. Ngày 11/12/2002, Liên Hiệp Hợp tác Xã B ký Quyết định số 01/QĐ-BT về việc bổ nhiệm Bà C làm Tổng giám đốc. Theo mục 5.b Điều 18 của Điều lệ Liên Hiệp Hợp Tác Xã B có quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám Đốc là: “Đại diện cho Liên Hiệp hợp tác xã B trước cơ quan nhà nước, Tòa án, với bên thứ ba về tất cả những vấn để có liên quan đến hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã Bến thành trong khuôn khổ điều lệ này”. Điều lệ này đã được Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận theo Quyết định số 4160/QĐ-UB ngày 10/10/2002. Như vậy, từ ngày 11/12/2002 đến nay bà Võ Thị Mai C là Tổng Giám Đốc - đại diện theo pháp luật của Liên Hiệp Hợp tác xã B.
Sau đó, Liên Hiệp HTX B có nhu cầu chuyển nhượng vốn góp của mình nên ủy quyền cho bà C làm đại diện thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trên.
Ngày 22/01/2020, Bà C đã đại diện và thỏa thuận, ký kết Hợp đồng đặt cọc cam kết chuyển nhượng toàn bộ phần cổ phần với vốn điều lệ trên của Công ty TNHH K sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để chuyển đổi loại hình Công ty TNHH K thành Công ty cổ phần cho ông Đ với số tiền đặt cọc là 1.000.000.000 đồng, giá chuyển nhượng là 150.000.000.000 đồng.
Liên hiệp Hợp tác xã B đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà C là: yêu cầu hủy Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 về việc cam kết chuyển nhượng toàn bộ phần cổ phần của Công ty TNHH K sau khi Công ty TNHH K hoàn thành các thủ tục pháp lý chuyển đổi loại hình sang công ty cổ phần và hủy phụ lục số 01 Hợp đồng đặt cọc ngày 08/03/2020 giữa bà C và ông Đ.
Liên hiệp hợp tác xã B không đồng ý với nội dung phản tố của ông Phan Thành Đ với các lý do sau:
Thứ nhất, bà C đồng ý với ý kiến của ông Đ là giao dịch đặt cọc ngày 22/01/2020 liên quan đến chuyển nhượng vốn trong Công ty K là giao dịch có điều kiện. Tuy nhiên, điều kiện để phát sinh giao dịch đã không xảy ra, trong khi thỏa thuận giữa ông Đ, bà C là phương án xin cấp phép phục hồi dự án trồng rừng, nhưng UBND tỉnh Bình Thuận chỉ có văn bản cho khảo sát để lập một dự án khác chứ không cho phục hồi dự án trồng rừng. Như vậy, giao dịch có điều kiện không xảy ra theo thỏa thuận thì giao dịch này không thể phát sinh.
Thứ hai, ông Đ cho rằng ông có quyền chấp nhận điều kiện xảy ra thay đổi như trên là nghĩa vụ mà bà C đã thực hiện được thay thế theo quy định tại Điều 286 Bộ luật Dân sự, để mong muốn được tiếp tục hợp đồng đặt cọc. Như đã trình bày là giao dịch đã không thể phát sinh do điều kiện không xảy ra theo thỏa thuận, tuy nhiên bà C vẫn muốn tiếp tục cộng tác với ông Đ nên có mong muốn thỏa thuận tăng giá chuyển nhượng vốn tương ứng với giá trị dự án mới (dự án khu du lịch nghỉ dưỡng) nhưng ông Đ lại cho rằng bà C vi phạm thỏa thuận.
Thứ ba, khi bà C cố gắng thực hiện nghĩa vụ để điều kiện được cấp phép phục hồi dự án trồng rừng thì ông Đ không thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ, hợp tác là hành vi cản trở điều kiện làm phát sinh giao dịch đặt cọc tiến đến ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn trong công ty K. Cụ thể là trong khoản điều 1.4 của Hợp đồng đặt cọc, ông Đ đã không thực hiện đúng cam kết tại điểm b điều 2.2 và đưa ra yêu cầu vô lý ép buộc Liên hiệp Hợp tác xã B phải ủy quyền toàn bộ 13% phần vốn góp của Liên hiệp Hợp tác xã B để ông Đ được toàn quyền chuyển nhượng, cho tặng và buộc Liên hiệp Hợp tác xã B phải giao con dấu cho ông Đ.
Trong cam kết giữa các bên cũng đã ghi rõ tại điểm b điều 2.1 “Sau khi bên A hoàn tất các công việc quy định tại mục b điều 1.3 nêu trên nhưng bên A từ chối chuyển nhượng toàn bộ cổ phần chuyển nhượng cho bên B theo các điều kiện quy định tại Điều 1.4 của Hợp đồng này, Bên A có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bên B khoản đặt cọc và toàn bộ chi phí hợp lý mà Bên B đã hỗ trợ cho Bên A (khoản tiền Bên B đã chuyển Bên A) và 01 khoản tiền bằng khoản tiền Bên B đã chuyển Bên A”. Và bà C đã hoàn trả tiền cọc 1 tỷ cho ông Đ cộng với 1 tỷ đồng bằng với khoản tiền mà ông Đ đã chuyển cho bà C theo cam kết tại điểm b Điều 2.1 của Hợp đồng đặt cọc.
Từ đó, có thể thấy rằng giao dịch dân sự có điều kiện đã không xảy ra nên giao dịch không phát sinh. Bà C gửi rất nhiều thông báo đến ông Đ nhưng không được hợp tác, cũng như không có phương án mới đối với đề nghị giao kết tăng giá của bà C. Căn cứ thỏa thuận và quy định pháp luật về cọc, bà C đã trả lại tiền cọc cho ông Đ đồng thời chịu phạt cọc là hoàn toàn phù hợp.
Ngoài ra, do trước đây Liên hiệp Hợp tác xã B đã ủy quyền cho bà C đại diện thay mặt Liên hiệp Hợp tác xã B thực hiện việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trên, nên Liên hiệp Hợp tác xã B cũng không có ý kiến gì về việc chuyển nhượng cổ phần của bà C và ông Đ theo Hợp đồng Đặt cọc ngày 22/01/2020 và Phụ lục số 01 của hợp đồng đặt cọc ngày 08/03/2020.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1852/2022/KDTM-ST ngày 04 tháng 10 năm 2022, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Võ Thị Mai C về việc yêu cầu hủy Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và Phụ lục số 01 của hợp đồng đặt cọc ngày 08/03/2020 giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông Phan Thành Đ về việc buộc bà Võ Thị Mai C phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và không chấp nhận yêu cầu của ông Phan Thành Đ về việc buộc bà Võ Thị Mai C phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần K theo các điều khoản và điều kiện quy định tại hợp đồng đặt cọc cho ông Phan Thành Đ.
cáo.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng Ngày 04/10/2022, bị đơn ông Phan Thành Đ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị đơn ông Phan Thành Đ giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Đ sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên Hợp đồng đặt cọc và buộc bà C phải thực hiện đúng các cam kết ghi trong Hợp đồng đặt cọc.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Phan Thành Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
* Về tố tụng:
[1] Đơn kháng cáo của bị đơn ông Phan Thành Đ là trong hạn luật định, hợp lệ nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
* Về nội dung:
[2] Tại tòa án cấp sơ thẩm cũng như tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn và bị đơn đều thống nhất trình bày nội dung: Ngày 22/01/2020, bà C và ông Đ có ký kết Hợp đồng đặt cọc để sau khi bên bà C hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để chuyển đổi loại hình Công ty TNHH K thành Công ty cổ phần, bên bà C đồng ý chuyển nhượng và bên ông Đ đồng ý nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần chiếm tỷ lệ 100% vốn điều lệ của công ty K, qua đó bên ông Đ được toàn quyền đầu tư, phát triển các dự án và điều hành, quản lý công ty K. Giá chuyển nhượng là 150.000.000.000 đồng, ông Đ đã đặt cọc cho bà C số tiền 1.000.000.000 đồng. Thời hạn thực hiện là 45 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng đặt cọc. Thỏa Thuận nếu bên bà C vi phạm thì trả lại 1.000.000.000đ cọc, phạt 1.000.000.000đ và toàn bộ chi phí bên ông Đ đã bỏ ra hỗ trợ cho bên bà C. Hết thời hạn 45 ngày bên bà C không thể thực hiện các cam kết nên hai bên đã thỏa thuận và ký Phụ lục số 01 ngày 08/3/2020 gia hạn thêm 30 ngày nữa, hết thời hạn gia hạn nhưng bên bà C vẫn không thể thực hiện được nên bà C đã tự nguyện chuyển khoản trả lại cho ông Đ 1.000.000.000đ tiền đặt cọc và 1.000.000.000đ tiền bồi thường (phạt cọc). Xét, lời thừa nhận của các đương sự nêu trên là phù hợp với các điều khoản hai bên đã thỏa thuận, ký kết trong Hợp đồng đặt cọc ngày 22 tháng 01 năm 2020 (Bút lục 29, 30, 31, 32) và Phụ lục số 01 ngày 08/3/2020 (Bút lục 26, 27). Căn cứ vào khoản 2 Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì các tình tiết trên được các đương sự thừa nhận là sự thật không phải chứng minh.
[3] Đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng phần vốn góp giữa người chưa phải là thành viên công ty với thành viên công ty”, các thỏa thuận ghi trong Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và Phụ lục số 01 ngày 08/03/2020 giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ là phù hợp với quy định tại các Điều 385, 398, 401, 403 của Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng cam kết. Nhưng khi hết thời hạn 45 ngày thực hiện thỏa thuận trong Hợp đồng đặt cọc thì bên bà C không thể thực hiện, sau đó bên ông Đ đã đồng ý ký Phụ lục số 01 ngày 08/3/2020, gia hạn cho bà C thêm 30 ngày nữa, nhưng hết thời hạn gia hạn này bên bà C vẫn không thể thực hiện được nên ngày 26/3/2021 bà C đã gửi Thông báo đề nghị hủy bỏ hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020, ông Đ không có phản hồi gì. Ngày 10/9/2021 và ngày 20/9/2021 bà C tiếp tục gửi Thông báo đề nghị hủy bỏ Hợp đồng đặt cọc. Ngày 20/9/2021, bà C đã chuyển cho ông Đ số tiền là 1.000.000.000 đồng tiền đặt cọc theo hợp đồng ngày 22/01/2020. Ngày 24/9/2021, bà C nhận được Thông báo ghi ngày 21/9/2021 của ông Đ với nội dung không đồng ý chấm dứt hợp đồng và không đồng ý nhận lại số tiền đặt cọc trước đây, đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc trên. Ngày 24/9/2021 Bà C tiếp tục chuyển số tiền 1.000.000.000 đồng tiền hỗ trợ bồi thường. Xét thấy, việc bà C đơn phương chấm dứt hợp đồng đã thông báo bằng văn bản trước cho ông Đ là phù hợp với quy định tại Điều 428 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Như vậy, bên bà C là người có lỗi dẫn đến các thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc không được thực hiện, nên bà C phải trả lại cho ông Đ số tiền 1.000.000.000đ đặt cọc và phải chịu số tiền 1.000.000.000đ phạt cọc theo thỏa thuận tại Điều 2 của Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và theo quy định tại Khoản 2 Điều 328; Điều 419 và Khoản 4 Điều 428 của Bộ luật dân sự năm 2015.
[5] Tuy nhiên, số tiền 1.000.000.000đ đặt cọc bà C đã tự nguyện chuyển trả vào số tài khoản 82274469 của ông Đ mở tại Ngân hàng ACB vào ngày 20/9/2021 (Bút lục 37, 38) và số tiền 1.000.000.000đ phạt cọc bà C cũng đã tự nguyện chuyển trả vào số tài khoản 82274469 của ông Đ mở tại Ngân hàng ACB vào ngày 24/9/2021 (Bút lục 37, 38). Như vậy, bà C đã tự nguyện trả lại số tiền cọc đã nhận và chịu phạt cọc theo đúng cam kết trong hợp đồng đặt cọc.
[6] Tại Điều 2 của Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 hai bên có thỏa thuận bên A (Bà C) ngoài việc hoàn trả số tiền đặt cọc, tiền bồi thường (phạt cọc) thì bên A còn phải hoàn trả cho bên B toàn bộ chi phí hợp lý mà bên ông Đ đã hỗ trợ cho bên bà C. Tuy nhiên tại cấp sơ thẩm cũng như tại cấp phúc thẩm ông Đ không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc có đưa cho bà C khoản tiền, chi phí hợp lý nào khác nên lời trình bày của ông Đ không có căn cứ chấp nhận.
[7] Từ những nhận định trên, xét thấy việc Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Võ Thị Mai C, hủy Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và Phụ lục số 01 của hợp đồng đặt cọc ngày 08/03/2020 giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông Phan Thành Đ về việc buộc bà Võ Thị Mai C phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và không chấp nhận yêu cầu của ông Phan Thành Đ về việc buộc bà Võ Thị Mai C phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần K cho ông Phan Thành Đ là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
[8] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phan Thành Đ là có căn cứ chấp nhận.
[9] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên của ông Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
[10] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Phan Thành Đ.
Giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1852/2022/KDTM- ST ngày 04 tháng 10 năm 2022 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Căn cứ khoản 2 Điều 328; Điều 385; Điều 398; Điều 401; Điều 403 và khoản 4 Điều 428 của Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội.
Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Võ Thị Mai C.
1. Tuyên hủy Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và Phụ lục số 01 ngày 08/03/2020 giữa bà Võ Thị Mai C và ông Phan Thành Đ.
2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông Phan Thành Đ về việc buộc bà Võ Thị Mai C phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng đặt cọc ngày 22/01/2020 và không chấp nhận yêu cầu của ông Phan Thành Đ về việc buộc bà Võ Thị Mai C phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty cổ phần K theo các điều khoản và điều kiện quy định tại hợp đồng đặt cọc cho ông Phan Thành Đ.
3. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Bị đơn ông Phan Thành Đ phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) nhưng được cấn trừ vào số tiền 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 0003191 ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 225/2022/KDTM-PT về tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng phần vốn góp
Số hiệu: | 225/2022/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/04/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về