Bản án về tranh chấp hợp đồng dân sự số 28/2021/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 28/2021/DS-ST NGÀY 30/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Ngày 30 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 162/2020/TLST-DS ngày 23 tháng 11 năm 2020 về “Tranh chấp hợp đồng dân sự” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 59/2021/QĐXXST-DS ngày 09 tháng 9 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty A. Địa chỉ: Xã TH, huyện TT, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật của Công ty A: Ông Đào Việt D. Chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Lê Thị L, sinh năm 1979. Địa chỉ: Phường MĐ, quận NTL, thành phố Hà Nội. Vắng mặt (Bà Lê Thị L có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1987. Địa chỉ: Khối YT, phường QD, thị xã HM, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Văn Đức T, sinh năm 1987. Địa chỉ trước khi xuất cảnh: Khối YT, phường QD, thị xã HM, tỉnh Nghệ An. Hiện đang ở nước ngoài. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ý kiến của nguyên đơn Công ty A:

Ngày 20/02/2019, Trung tâm đào tạo và hợp tác A và ông Văn Đức T, bà Nguyễn Thị T đã ký Vi bằng số 345/2019/VB-TPLTĐ tại Văn phòng thừa phát lại TĐ. Trong đó, bà Nguyễn Thị T là người bảo lãnh cho thực tập sinh Văn Đức T có cam kết: Nếu trong thời hạn 03 (ba) năm, ông Văn Đức T được phái đi Nhật Bản làm việc theo sự sắp xếp và tư vấn, giám sát của Trung tâm đào tạo và hợp tác A mà ông Văn Đức T vi phạm các cam kết với Công ty hoặc nơi làm việc tại Nhật Bản như bỏ trốn, phạm pháp…dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín và thỏa thuận giữa Công ty và Nhật Bản thì tôi có trách nhiệm bồi thường cho Công ty 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) trong vòng 05 ngày kể từ khi có thông tin về việc vi phạm của thực tập sinh do phía Nhật Bản thông báo.

Ngày 17/6/2020, Nghiệp đoàn hợp tác A đã có thông báo về việc ông Văn Đức T có hành vi bỏ trốn tại nơi làm việc ở Nhật Bản. Nguyên đơn đã nhiều lần liên hệ và trao đổi với gia đình bà T để yêu cầu bà T thực hiện nhiệm vụ trong vi bằng, đồng thời đã có công văn số 228/2020/CV ngày 22/6/2020 về việc yêu cầu bà T thực hiện đúng cam kết trong Vi bằng số 345/2019/VB-TPLTĐ lập ngày 20/02/2019 nhưng không nhận được hồi đáp từ phía bà T. Ngày 27/6/2020, tại nhà bà T làm việc với đại diện theo ủy quyền của Công ty, bà T đã cam kết hiện nay ông T đã trốn khỏi nơi làm việc của công ty là vi phạm, nếu trong vòng 01 tháng ông T không quay lại nơi làm việc thì gia đình phải nộp phạt theo vi bằng đã ký. Do bà Nguyễn Thị T không thực hiện theo cam kết nên nguyên đơn làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, giải quyết buộc người bảo lãnh là bà Nguyễn Thị T phải trả cho Công ty A số tiền 300.000.000 (ba trăm triệu đồng), tiền lãi suất và bồi thường toàn bộ thiết hại thực tế cho công ty do hành vi vi phạm của ông Văn Đức T gây ra theo cam kết tại Vi bằng số 345/2019/VB-TPLTĐ do Văn phòng thừa phát lại TĐ lập ngày 20/02/2019.

Quá trình giải quyết vụ án bà Lê Thị L người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn rút yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế cho công ty do hành vi vi phạm của ông Văn Đức T gây ra và tiền lãi suất theo quy định. Nguyên đơn chỉ yêu cầu bà Nguyễn Thị T bồi thường số tiền 300.000.000 đồng. Tuy nhiên sau khi xem xét điều kiện hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị T, nguyên đơn Công ty A đồng ý giảm cho bà T 100.000.000 đồng, còn lại số tiền 200.000.000 đồng buộc bà Nguyễn Thị T phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Ý kiến của bị đơn bà Nguyễn Thị T:

Bà Nguyễn Thị T và ông Văn Đức T là vợ chồng, kết hôn với nhau năm 2011. Năm 2019, ông Văn Đức T có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản nên ngày 20/02/2019, bà T và ông T đã ký “Văn bản cam kết” ngày 20/02/2019 và lập Vi bằng số 345/2019/VB-TPLTĐ ngày 20/02/2019 với Trung tâm đào tạo và hợp tác A. Để đảm bảo cho ông Văn Đức T đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, bà T ký văn bản cam kết bảo lãnh nói trên. Trước khi ký các văn bản nói trên, ông T được đào tạo học nghề, học tiếng trước khi đi Nhật Bản từ khoảng tháng 6, 7/2018 cho đến tháng 3/2019. Sau khi ký kết các văn bản nêu trên thì khoảng tháng 3/2019 ông T được xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Sau khi sang Nhật Bản thì ông T được Công ty ở Nhật Bản bố trí công việc và có thu nhập, hàng tháng có gửi tiền về cho bà T dao động từ khoảng 12.000.000 đồng/tháng đến 18.000.000 đồng/tháng, chuyển tiền về qua tài khoản Ngân hàng của mẹ chồng là bà Lê Thị Th, địa chỉ: khối YT, phường QD, thị xã HM, tỉnh Nghệ An. Sau đó một thời gian thì Công ty A có cử bà Lê Thị L đến nhà làm việc với bà T và thông báo cho bà T được biết việc ông T đã bỏ ra khỏi nơi làm việc tại Công ty tại Nhật Bản và đã ra ngoài làm việc. Từ khi ông T bỏ ra ngoài làm việc thì không gửi tiền về cho gia đình và không liên hệ gì với gia đình nên bà T không biết được địa chỉ sinh sống hiện nay tại Nhật Bản của ông T.

Việc bà Nguyễn Thị T ký “Văn bản cam kết” ngày 20/02/2019 và lập Vi bằng số 345/2019/VB-TPLTĐ ngày 20/02/2019 với Trung tâm đào tạo và hợp tác A là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc, chữ ký, chữ viết ký trong 02 văn bản này là của bà T.

Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bà Nguyễn Thị T bồi thường số tiền 300.000.000 đồng, do điều kiện của gia đình hiện nay rất khó khăn, bà Nguyễn Thị T đề nghị nguyên đơn xem xét giảm mức đề nghị bồi thường và cho thêm thời gian để vay mượn tiền trả nợ cho nguyên đơn.

Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Văn Đức T:

Do ông Văn Đức T đã bỏ đi khỏi nơi làm việc theo hợp đồng ban đầu nên hiện tại nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ của ông Văn Đức T cho Tòa án. Tại công văn số 19382/A08(P5) của Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đã xác định ông Văn Đức T đã xuất cảnh ngày 14/3/2019, hiện chưa có thông tin nhập cảnh về nước. Tòa án đã yêu cầu bị đơn cung cấp địa chỉ của ông Văn Đức T nhưng bị đơn không cung cấp được.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến: Nguyên đơn, người thân của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không cung cấp được địa chỉ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh Văn Đức T ở nước ngoài, do Tòa án đã thụ lý nên căn cứ điểm b khoản 6 Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại tạm ứng án phí, đơn khởi kiện cùng các tài liệu liên quan cho nguyên đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu đã được xem xét tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, ý kiến của đương sự có mặt tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (bồi thường thay) cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư liên tịch số: 01/2010/TTLT- TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC ngày 18/5/2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ lao động Thương binh và xã hội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tòa án nhân dân” thì nội dung khởi kiện trên là một loại tranh chấp dân sự, do đó Hội đồng xét xử xác định đây là vụ kiện tranh chấp hợp đồng dân sự theo khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về thẩm quyền: Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an xác nhận ông Văn Đức T có nhiều lần xuất nhập cảnh, lần gần đây nhất là ngày 14/3/2019 qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, hiện nay chưa có thông tin nhập cảnh trở lại. Do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Văn Đức T đang ở nước ngoài. Căn cứ vào khoản 3 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

[3] Về tố tụng: Ông Văn Đức T đã bỏ đi khỏi nơi làm việc theo hợp đồng ban đầu nên nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ cho Tòa án. Tòa án đã yêu cầu bị đơn (vợ ông Văn Đức T) cung cấp địa chỉ của ông Văn Đức T nhưng bị đơn không cung cấp được. Như vậy, ông Văn Đức T thay đổi địa chỉ, nơi làm việc nhưng không thông báo cho nguyên đơn về nơi cư trú, làm việc mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật dân sự nên được coi là cố tình dấu địa chỉ, vì vậy, Hội đồng xét xử vụ án theo thủ tục chung.

Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Tòa án đã quyết định mở phiên tòa lần thứ nhất vào hồi 07 giờ 30 ngày 22/3/3021 nhưng bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt không có lý do nên Tòa án đã hoãn phiên tòa lần thứ nhất. Sau khi hoãn phiên tòa lần thứ nhất, Tòa án đã gửi quyết định hoãn phiên tòa và thông báo thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa lần thứ 2 và nhiều lần tiếp theo cho các đương sự, tuy nhiên bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt không có lý do; người được nguyên đơn ủy quyền có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định định tại Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[4] Về nội dung:

[4.1] Ngày 10/8/2018, ông Văn Đức T ký hợp đồng thực tập kỹ thuật ở Nhật Bản với Công ty A, thời gian làm việc tại Nhật Bản là 36 tháng.

Ngày 20/02/2019, Trung tâm đào tạo và hợp tác nhân lực quốc tế TQC- chi nhánh Công ty A cùng với ông Văn Đức T và bà Nguyễn Thị T đã cùng nhau lập “Văn bản cam kết”, trong đó có nội dung ông Văn Đức T cam kết: “Tôi cam kết không bỏ trốn tại sân bay, tại nơi làm việc tại Nhật Bản. Nếu trong thời gian 03(ba) năm, tôi được phái sinh đi Nhật Bản làm việc theo sự sắp xếp và tư vấn, giám sát của Trung tâm đào tạo và hợp tác A mà tôi vi phạm các cam kết với công ty hoặc nơi làm việc tại Nhật Bản như bỏ trốn, phạm pháp… thì tôi tự nguyện chịu phạt số tiền 300.000.000 đồng (Bằng chữ: ba trăm triệu đồng chẵn) và bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế của công ty trong vòng thời gian 05 (năm) ngày kể từ ngày có căn cứ xác nhận sự kiện vi phạm…Trong trường hợp nếu tôi không thể bồi thường hoặc Trung tâm đào tạo và hợp tác A - chi nhánh Công ty A không thể liên lạc được với tôi để yêu cầu bồi thường thì công ty có quyền yêu cầu vợ của tôi là bà Nguyễn Thị T thực hiện nghĩa vụ chịu phạt thay tôi số tiền 300.000.000 đồng và bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế…” và bà Nguyễn Thị T cũng cam kết với nội dung: “Nếu trong thời gian 03 (ba)năm thực tập sinh Văn Đức T được phái sinh đi Nhật Bản làm việc theo sự sắp xếp và tư vấn, giám sát của Trung tâm đào tạo và hợp tác A - chi nhánh Công ty A mà ông Văn Đức T là chồng tôi vi phạm các cam kết với công ty hoặc nơi làm việc tại Nhật Bản như bỏ trốn, phạm pháp…thì tôi tự nguyện chịu nộp phạt số tiền là 300.000.000 đồng và bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế của công ty trong vòng 05 (năm) ngày …”.

Văn bản cam kết đã được các bên tự nguyện yêu cầu lập Vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại TĐ, có địa chỉ tại Phường TH, Quận CG, Thành phố Hà Nội và đã được thừa phát lại lập vi bằng số 345/2019/VB-TPLTĐ ngày 20/2/2019.

Ngày 17/6/2020, Nghiệp đoàn hợp tác A (nơi ông T làm việc tại Nhật Bản) đã có thông báo về việc ông Văn Đức T có hành vi bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Nhật Bản.

[4.2] Xét thấy việc ông Văn Đức T, bà Nguyễn Thị T và Công Công ty A lập văn bản cam kết với nhau trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, nội dung cam kết không trái pháp luật. Theo đó bà Nguyễn Thị T cam kết nếu ông Văn Đức T (chồng bà T) bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Nhật Bản thì bà T phải bồi thường cho Công ty A số tiền 300.000.000 đồng; việc thỏa thuận đã được lập vi bằng tại Văn phòng thừa phát lại TĐ; trình tự lập vi bằng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi làm việc ông Văn Đức T đã trốn khỏi nơi đã ký kết hợp đồng lao động. Ngày 27/6/2020, đại diện theo ủy quyền của Công ty A làm việc với bà Nguyễn Thị T tại nhà bà T và bà T đã thừa nhận việc ông Văn Đức T trốn khỏi nơi làm việc là vi phạm cam kết trong vi bằng và đồng ý nộp phạt theo vi bằng. Vì vậy, Công ty A khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị T phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho Công ty số tiền đã cam kết là có căn cứ được chấp nhận.

Quá trình giải quyết vụ án bà Lê Thị L người đại diện theo ủy quyền yêu cầu bà Nguyễn Thị T bồi thường số tiền 300.000.000 đồng, tuy nhiên sau khi xem xét điều kiện hoàn cảnh gia đình bà T, Công ty A đồng ý giảm cho bà T 100.000.000 đồng, còn lại số tiền 200.000.000 đồng buộc bà Nguyễn Thị T phải chịu trách nhiệm bồi thường. Xét thấy đây là sự tự nguyện và quyền định đoạt của đương sự nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Đối với yêu cầu bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế cho công ty do hành vi vi phạm của ông Văn Đức T gây ra và tiền lãi suất, quá trình giải quyết vụ án Công ty A không yêu cầu bà Nguyễn Thị T bồi trường thiệt hại thực tế và tiền lãi suất. Những yêu cầu này nằm trong yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong cùng vụ án, không phải là yêu cầu độc lập, do nguyên đơn không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[3] Về án phí: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn bà Nguyễn Thị T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 37; các Điều 227; Điều 273; Điều 479 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 335; Điều 336; Điều 339; Điều 342; Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A. Buộc bà Nguyễn Thị T phải bồi thường cho Công ty A số tiền 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

2. Án phí dân sự sơ thẩm: Buộc bị đơn bà Nguyễn Thị T phải chịu 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) án phí dân sự sơ thẩm;

Trả lại cho Công ty A số tiền 7.500.000 đồng (bảy triệu năm trăm nghìn đồng) đã nộp tạm ứng án phí tại Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2020/0000201 ngày 19/11/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An.

3. Nguyên đơn, bị đơn vắng mặt có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong hạn 01 tháng kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết hợp lệ./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

348
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp hợp đồng dân sự số 28/2021/DS-ST

Số hiệu:28/2021/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;