TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 130/2020/DS-PT NGÀY 20/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
Ngày 20 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 98/2020/TLPT - DS ngày 14 tháng 2 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh” Do Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DSST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.T, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử phúc thẩm số 156/QĐXXPT- DS ngày 24 tháng 4 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn:
1. Ông T.H.A, sinh năm 1945.
2. Bà N.T.H, sinh năm 1956.
Địa chỉ: Xóm 5, đội 3, thôn H.C, xã T.H, huyện T.T, thành phố Hà Nội.
Bà N.T.H ủy quyền cho ông T.H.A
Bị đơn:
1. Anh N.N.S, sinh năm 1975.
2. Chị N.T.T.T, sinh năm 1976.
Địa chỉ: Xóm 5, đội 3, thôn H.C, xã T.H, huyện T.T, thành phố Hà Nội.
3. Anh T.Q.D, sinh năm 1978.
4. Chị D.T.M.A, sinh năm 1984.
Địa chỉ: Xóm 5, đội 3, thôn H.C, xã T.H, huyện T.T, thành phố Hà Nội.
Chị D.T.M.A ủy quyền cho anh T.Q.D
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
Công ty CP sản xuất và thương mại A.T (nay là Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trang A.T); Địa chỉ: Thôn H.C, xã T.H, huyện T.T, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Bà N.T.T.T – Giám đốc.
Người kháng cáo: Anh N.N.S, chị N.T.T.T là bị đơn, Công ty TNHH sản xuất và thương mại T.A.T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 04/10/2018 và lời khai tại Tòa án, nguyên đơn là ông T.H.A và bà N.T.H trình bày:
Năm 2009, anh N.N.S, chị N.T.T.T có rủ con của ông, bà là anh T.Q.D cùng làm ăn, mở công ty. Do không có vốn nên nhờ vợ chồng ông, bà đứng ra bảo lãnh khoản nợ đối với Ngân hàng để lấy vốn kinh doanh cho công ty . Ngày 24/10/2009, ông H.A cùng bà Hký hợp đồng tín dụng trung, dài hạn số TĐN.CN.01.241009 với Ngân hàng TMCP A.C– Chi nhánh Hà Nội với tư cách bảo lãnh cho anh T.Q.D, vợ là D.T.M.A, anh N.N.S, vợ là N.T.T.T vay số vốn 2 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn này là toàn bộ quyền sử dụng thửa đất số 36 tờ bản đồ số 05, diện tích 504 m2 tại xã T.H, huyện T.T, Hà Nội mang tên T.H.A. Do làm ăn thua lỗ nên đầu tháng 4/2014 phía Ngân hàng TMCP A.C khởi kiện anh N.N.S, chị N.T.T.T, anh T.Q.D, chị D.T.M.A tại Tòa án nhân dân huyện T.T yêu cầu thanh toán số nợ gốc và nợ lãi với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Nhưng phía anh S, chị T không thực hiện nghĩa vụ như cam kết với Ngân hàng, nên có nhờ vợ chồng ông H.A, bà Hthực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ cho Ngân hàng. Hai vợ chồng ông H.A, bà Hđã trả dần cho Ngân hàng và đến tháng 10/2017, đã trả cho Ngân hàng số tiền 4.303.395.518đồng và giải chấp hợp đồng thế chấp tài sản.
Sau nhiều lần gặp gỡ với anh S, chị Tđể thống nhất việc anh S, chị Tsẽ thanh toán lại cho vợ chồng ông H.A, bà Hsố tiền đã chi trả Ngân hàng nhưng anh S, chị Tkhất lần và có dấu hiệu trốn tránh. Nay ông H.A, bà H đề nghị Tòa án buộc những người vay tiền thanh toán cho ông, bà số tiền 4.303.395.518đồng và tiền lãi theo mức lãi suất quá hạn quy định của Ngân hàng TMCP A.Ctừ ngày 31/10/2017 đến ngày 31/7/2019 khoản tiền lãi còn lại tính đến ngày xét xử vợ chồng ông H.A, bà H không yêu cầu.
Bị đơn:
- Chị N.T.T.T và anh N.N.S trình bày: Năm 2009, vợ chồng anh và anh T.Q.D có góp vốn làm ăn, anh D nói với vợ chồng anh là xuống bảo ông T.H.A là bố đẻ anh Dbảo lãnh cho mọi người vay vốn tại Ngân hàng để sản xuất xưởng phôi thép. Vợ chồng anh đồng ý mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông T.H.A để thế chấp Ngân hàng. Quá trình làm ăn thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán nên ông H.A đã thanh toán số tiền 4.303.395.581đồng cho Ngân hàng và giải chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông H.A. Nay quan điểm của vợ chồng anh là cả hai bên làm ăn chung và cả hai bên góp vốn đầu tư sản xuất chứ không phải vợ chồng anh vay riêng. Vợ chồng anh không đồng ý trả cả số tiền 4.303.395.581đồng, vì trong số tiền này có 2.000.000.000đồng là anh D góp vốn vào Công ty A.T để làm ăn. Số tiền còn lại là 2.303.395.581đồng phải được chia cho cả bốn người vay thì vợ chồng anh đồng ý trả tiền cho ông H.A, bà H.
Về phía Công ty cổ phần sản xuất và thương mại A.T, với tư cách là người đại diện, chị T không có ý kiến gì.
- Anh T.Q.D trình bày: Năm 2009, anh có tham gia cổ đông góp vốn thành lập Công ty cổ phần sản xuất và thương mại A.T với tỷ lệ góp vốn là 10%, chị T, Giám đốc, 50% và anh S là 40%. Trong quá trình thành lập Công ty vì không có vốn nên cổ đông của Công ty đã họp và vay vốn của Ngân hàng TMCP A.C– Chi nhánh Trần Đại Nghĩa số tiền 02 tỷ đồng, tài sản thế chấp là giá trị quyền sử dụng đất của ông T.H.A. Sau khi ký hợp đồng vay và giải ngân ngày 24/10/2009 anh đã giao lại toàn bộ số tiền cho chị N.T.T.T sử dụng chi tiêu mua đất tại địa chỉ 111 Nguyễn Thượng Hiền, huyện Ứng Hòa. Ngoài ra, nhiều lần anh còn đưa tiền cho chị Tmua phế liệu, nguyên vật liệu để sản xuất. Quá trình làm ăn, Công ty A.T mất khả năng thanh toán nên Ngân hàng yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Vợ chồng chị T, anh S đã nói với ông T.H.A đứng ra trả nợ thay và làm cam kết trả nợ cho ông H.A. Ngày 31/10/2017 ông T.H.A và bà N.T.H đã đứng ra thanh toán khoản nợ 4.303.395.581đồng cho Ngân hàng. Nay anh đề nghị các thành viên trong Công ty A.T cùng có trách nhiệm trả số tiền 4.303.395.581đồng và tiền lãi phát sinh cho ông H.A, bà H.
Chị D.T.M.A trình bày: Vì không có tiền mua đất làm xưởng, anh S, chị T mượn sổ đỏ khu đất ở của ông T.H.A và bà N.T.H để làm tài sản thế chấp vay Ngân hàng. Vì là con dâu của ông T.H.A và có tên trong sổ hộ khẩu, nên để hoàn thiện thủ tục vay vốn chị đã ký vào Hợp đồng tín dụng số TĐN.CN.01.24009 ngày 24/10/2009 tại Ngân hàng TMCP A.C cùng với anh S, chị Tvà anh D. Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty A.T, chỉ có chồng chị là anh T.Q.D tham gia, chị không tham gia và không phải là thành viên của Công ty A.T nên chị không có nghĩa vụ gì đối với khoản vay tại Hợp đồng tín dụng. Chị M.A đề nghị được vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DSST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.T, thành phố Hà Nội đã quyết định:
Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh của ông T.H.A, bà N.T.H.
Buộc chị N.T.T.T, anh N.N.S, anh T.Q.D phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 4.875.746.518đồng.
Nghĩa vụ của từng người như sau:
Buộc chị N.T.T.T phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 1.625.248.000đồng.
Buộc anh N.N.S phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 1.625.248.000đồng.
Buộc anh T.Q.D phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 1.625.248.000đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 11/10/2019 anh N.N.S, chị N.T.T.T, Công ty TNHH sản xuất và thương mại T.A.T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên toà Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định chị M.Akhông tham gia hoạt động làm ăn cùng nên nghĩa vụ trả lại khoản tiền bảo lãnh cho nguyên đơn được chia đều cho 3 cổ đông thuộc Công ty CP sản xuất và thương mại A.T là anh S, chị T, anh Dvà chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
Đối với khoản tiền lãi: Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc tính lãi suất của số tiền chậm thanh toán theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 6,7%/năm tính từ ngày 31/10/2017 đến ngày 31/10/2018 và 6,6%/năm tính từ ngày 11/11/2018 đến ngày 31/7/2019 là phù hợp với quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tuy nhiên có sự sai số trong việc tính số tiền này, cụ thể tổng số tiền lãi là 501.345.570đồng.
Tổng số tiền anh S, chị T và anh D phải trả cho nguyên đơn là 4. 303.395.518đồng + 501.345.570đồng = 4.804.741.518đồng. Nghĩa vụ của anh S, chị T và anh D là bằng nhau, mỗi người phải thanh tóan cho nguyên đơn là 1.601.588.000đồng.
Đề nghị sửa án sơ thẩm về số tiền lãi phải trả và số tiền theo nghĩa vụ của từng người và tiền án phí sơ thẩm của mỗi người như phân tích ở trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 11/2014/QĐCNTT-DS ngày 24/9/2014 của Tòa án nhân dân huyện T.T, Hà Nội đã quyết định: Anh N.N.S, chị N.T.T.T, anh T.Q.D và chị D.T.M.A có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng TMCP A.Ckhoản tiền nợ theo Hợp đồng tín dụng số TĐN.CN.01.24009 ngày 24/10/2009 tổng số tiền gốc và lãi là 6.548.012.695đồng trong thời hạn từ tháng 10/2014 đến tháng 8/2017. Trường hợp anh S, chị T, anh D, chị M.A không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì Ngân hàng TMCP A.Ccó quyền xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại Thửa đất số 36 tờ bản đồ số 05, diện tích 504m2 địa chỉ tại xã T.H, huyện T.T, Hà Nội. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông T.H.A.
Do anh S, chị T, anh Dvà chị M.Akhông thực hiện được nghĩa vụ thanh toán với Ngân hàng TMCP A.Cnên ông T.H.A và bà N.T.H đã thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh. Theo các Giấy nộp tiền và Phiếu thu tiền vay mà ông H.A cung cấp cho Tòa án thể hiện đây là số tiền ông H.A nộp cho Ngân hàng TMCP A.C để chi trả khoản vay của Hợp đồng tín dụng nêu trên. Tại Công văn số 01270719-TĐN.19 ngày 10/8/2019 của Ngân hàng TMCP A.C cho biết: Tài sản nêu trên của ông T.H.A được giải chấp ngày 31/10/2017 sau khi ông T.H.A thanh toán số tiền 4.303.395.581đồng cho các món vay của anh T.Q.D, chị D.T.M.A, anh N.N.S, chị N.T.T.T.
Xét Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất ngày 22/10/2009 và Phụ lục hợp đồng thế chấp ngày 07/6/2010 các bên ký kết có đủ năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện, được công chứng là phù hợp quy định pháp luật. Tại Điều 2 của Hợp đồng thế chấp và phụ lục hợp đồng có quy định: “Tổng giá trị nghĩa vụ được bảo đảm đối với các khoản nợ gốc và số tiền cấp tín dụng tại một thời điểm không vượt quá 7.064.000.000đồng”. Ngày 31/10/2017 ông H.A và bà H thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh, thanh toán trả cho Ngân hàng TMCP A.Csố tiền 4.303.395.581đồng là trong phạm vi bảo lãnh. Do đó, yêu cầu khởi kiện của ông H.A và bà H về việc yêu cầu người được bảo lãnh là anh S, chị T, anh D và chị M.Aphải thanh toán trả ông bà số tiền 4.303.395.581đồng và khoản tiền lãi phát sinh đối với số tiền 4.303.395.581đồng kể từ ngày 31/10/2017 là phù hợp với quy định tại Điều 367 của Bộ luật Dân sự 2005 (nay là Điều 340 của Bộ luật Dân sự 2015) và Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 nên được chấp nhận.
Chị M.Atrình bày: Chị là vợ anh D, có cùng hộ khẩu gia đình với ông H.A nên chị có ký hợp đồng tín dụng và các khế ước theo quy định của Ngân hàng. Tuy nhiên, chị không tham gia kinh doanh và không sử dụng vốn vay nên chị không có nghĩa vụ gì đối với khoản vay theo Hợp đồng tín dụng số TĐN.CN.01.24009 ngày 24/10/2009 tại Ngân hàng TMCP Á Châu.
Chị T, anh S trình bày: Vợ chồng chị thành lập Công ty A.T, cùng góp vốn để cùng làm ăn với anh Dvới tỷ lệ góp vốn như sau: Chị là giám đốc góp 50%, anh S góp 40%, anh Dgóp 10%. Chị M.Akhông tham gia hoạt động của Công ty A.T, không sử dụng tiền vay của Ngân hàng TMCP Á Châu. Quá trình làm ăn của Công ty A.T không có hiệu quả nên bị thua lỗ, mất khả năng chi trả. Việc góp vốn làm ăn thua lỗ thì các bên tự chịu, trong số tiền 4.303.395.581 đồng thì anh Dphải trả số tiền góp vốn vào Công ty A.T là 2.000.000.000đồng , số tiền còn lại là 2.303.395.581đồng phải được chia cho cả bốn người vay.
Xét Hợp đồng tín dụng; Khế ước nhận nợ, Hợp đồng thế chấp đều thể hiện bên được cấp tín dụng, bên vay là các cá nhân (anh S, chị T, anh D, chị M.A) chứ không phải Công ty A.T. Vì vậy anh S, chị T, anh D, chị M.A phải có nghĩa vụ trả lại cho ông H.A và bà H số tiền 4.303.395.581đồng ông bà đã đứng ra bảo lãnh trả cho Ngân hàng và tiền lãi phát sinh của số tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, chị M.A không sử dụng số tiền vay của Ngân hàng, không phải là thành viên của Công ty A.T, không tham gia hoạt động làm ăn chung nên nghĩa vụ trả lại khoản tiền bảo lãnh và tiền lãi phát sinh cho ông H.A và bà Hđược chia đều cho 3 người là anh S, chị Tvà anh D. Do đó, không chấp nhận kháng cáo anh S, chị T, Công ty TNHH sản xuất và thương mại T. A.T.
Đối với khoản tiền lãi:
Nguyên đơn yêu cầu trả khoản tiền lãi của số tiền 4.303.395.581đồng theo mức lãi suất quá hạn quy định của Ngân hàng TMCP A.Ctừ ngày 31/10/2017 đến ngày 31/7/2019, khoản tiền lãi còn lại tính đến ngày xét xử ông H.A, bà H không yêu cầu.
Tòa án cấp sơ thẩm tính lãi suất của số tiền 4.303.395.581đồng theo mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 6,7%/năm tính từ ngày 31/10/2017 đến ngày 31/10/2018 và 6,6%/năm tính từ ngày 11/11/2018 đến ngày 31/7/2019 và buộc anh S, chị Tvà anh Dphải trả cho nguyên đơn khoản tiền lãi là 572.351.000đồng.
Xét thấy, theo quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 thì mức lãi suất chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là 10%/năm . Do đó, anh S, chị Tvà anh Dphải trả cho ông H.A, bà Hkhoản tiền lãi từ ngày 31/10/2017 đến ngày 31/7/2019 (21 tháng) là: 4.303.395.581đồng x 10%năm x 21 tháng = 753.094.226đồng Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H.A khai việc tính lãi suất của Tòa án cấp sơ thẩm là chưa phù hợp, làm thiệt hại cho gia đình ông, tuy nhiên ông đồng ý với bản án sơ thẩm. Do đó giữ nguyên bản án sơ thẩm: Anh S, chị T và anh D phải trả cho nguyên đơn khoản tiền lãi là 572.351.000đồng.
Như vậy, tổng số tiền anh S, chị Tvà anh D phải có trách nhiệm trả cho ông H.A, bà H là : 4.303.395.581đồng + 572.351.000đồng = 4.875.746.581đồng Phần nghĩa vụ trả nợ của anh S, chị T, anh D là như nhau, mỗi người phải trả cho ông H.A, bà H số tiền là 1.625.248.000đồng.
Từ những nhận định trên, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo anh S, chị T, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trang A.T. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DSST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.T, thành phố Hà Nội.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phù hợp một phần với nhận định của Hội đồng xét xử.
Về án phí : Chị T, anh S, Công ty TNHH sản xuất và thương mại T.A.T, mỗi người phải chịu 300.000đồng án phí phúc thẩm, được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng:
- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự
- Điều 335, 336, 340, khoản 1 Điều 342, Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự;
- Điều 26, 27, 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.
Xử: Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2019/DSST ngày 30/9/2019 của Tòa án nhân dân huyện T.T, thành phố Hà Nội. Cụ thể như sau:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh của ông T.H.A, bà N.T.H.
Buộc chị N.T.T.T, anh N.N.S, anh T.Q.D phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 4.875.746.518đồng. Nghĩa vụ của từng người như sau:
Buộc chị N.T.T.T phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 1.625.248.000đồng (Một tỷ, sáu trăm hai mươi lăm triệu, hai trăm bốn mươi tám nghìn đồng).
Buộc anh N.N.S phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 1.625.248.000đồng (Một tỷ, sáu trăm hai mươi lăm triệu, hai trăm bốn mươi tám nghìn đồng).
Buộc anh T.Q.D phải trả cho ông T.H.A, bà N.T.H số tiền 1.625.248.000đồng (Một tỷ, sáu trăm hai mươi lăm triệu, hai trăm bốn mươi tám nghìn đồng).
2. Về án phí:
Chị N.T.T.T, anh N.N.S, anh T.Q.D mỗi người phải chịu 60.757.000đồng án phí dân sự sơ thẩm (Sáu mươi triệu, bẩy trăm năm mươi bẩy nghìn đồng).
Chị N.T.T.T, anh N.N.S, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trang A.T (do chị N.T.T.T đại diện), mỗi người phải chịu 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí phúc thẩm, được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0006260, 0006261 và 0006262 ngày 31/10/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.T, Hà Nội.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh số 130/2020/DS-PT
Số hiệu: | 130/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/05/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về