Bản án về tranh chấp giữa thành viên của công ty với công ty số 05/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 05/2018/KDTM-PT NGÀY 12/03/2018 VỀ TRANH CHẤP GIỮA THÀNH VIÊN CÔNG TY VỚI CÔNG TY

Ngày 12 Tháng 03 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 07/2017/TLPT-KDTM ngày 18/12/2017 về việc “Tranh chấp giữa thành viên của công ty với công ty”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 21 tháng 09 năm 2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07A/2018/QĐ-PT ngày 27 - 02 - 2018, giữa các đương sự:

1.Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư V.

Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: Ông Vũ Ngọc T, chức vụ: Tổng giám đốc Công ty.

Địa chỉ: phường K, Thành phố B, tỉnh Bắc Ninh.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Đỗ Thị Hằng N. Địa chỉ: thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Theo văn bản ủy quyền ngày 19/5/2017). Vắng mặt.

2 Bị đơn: Công ty cổ phần O.

Người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Ông Lê Thanh V, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty. Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Đặng Ngọc H. Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. (Theo văn bản ủy quyền ngày 23/6/2017). Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Lê Thanh V, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Địa chỉ: số 3 Đinh Tiên Hoàng, phường Tự An, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3.2. Ông Hồ Đ, chức vụ: Phó Chủ tịch hội đồng quản trị - Kế toán trưởng. Địa chỉ: Số 61/11 Lê Thị Riêng, phường Ea Tam, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3.3. Bà Phan Ngọc A, chức vụ: Thành viên Hội đồng quản trị - Trưởng phòng kinh doanh. Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3.4. Ông Vũ Hữu K, chức vụ: Thành viên Hội đồng quản trị - Quản đốc phân xưởng tổng kho tinh lọc mật. Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

5.5. Ông Nguyễn Kim G, chức vụ: Thành viên Hội đồng quản trị - Giám đốc chi nhánh tỉnh Bình Phước. Địa chỉ: phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Thanh V, ông Hồ Đ, bà Phan Ngọc A, ông Vũ Hữu K, ông Nguyễn Kim G: Ông Đặng Ngọc H. Địa chỉ: phường T, thành phố B,  tỉnh Đắk Lắk.  (Theo các văn bản ủy  quyền ngày 14/8/2017).

4. Người kháng cáo: Bị đơn, Công ty cổ phần O.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Đỗ Thị Hằng Nga trình bày:

Ngày 22/3/2017 Công ty cổ phần O (viết tắt là CTCP O) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (viết tắt là ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Công ty cổ phần đầu tư V (viết tắt là Công ty V) là cổ đông sở hữu 144.890 cổ phần (tương đương 30,45% vốn Điều lệ) của Công ty cổ phần O, nhận thấy việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ có một số sai phạm như sau:

Thứ nhất: Ngày 14/3/2017 Công ty V nhận được thông báo mời họp ĐHĐCĐ, trong nội dung thông báo mời họp, có ghi rõ mục 1 là thời gian họp vào ngày 22/3/2017 và tại mục 5 có ghi rõ: “Tài liệu đại hội được gửi trực tiếp tại Đại hội”. Như vậy không đáp ứng được quy định về việc gửi thông báo trước ít nhất 10 ngày. Đồng thời, cũng không cung cấp tài liệu (chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp, dự thảo Nghị quyết, phiếu biểu quyết,...) cho cổ đông trước khi tiến hành họp ĐHĐCĐ, hành vi này đã vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 24 Điều lệ CTCP O và khoản 3 Điều 139 Luật Doanh nghiệp.

Thứ hai: Điều lệ CTCP O (được thông qua ngày 02/02/2016) có nhiều điểm trái với Luật Doanh nghiệp 2014. Do đó việc Đại hội đồng cổ đông CTCP O căn cứ vào quy định tại Điều lệ để thông qua các nội dung biểu quyết tại Đại hội là trái quy định của Luật Doanh nghiệp, gây tổn hại đến quyền và lợi ích của các cổ đông cụ thể: Tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp quy định 6 nội dung bắt buộc phải có Hội đồng cổ đông, đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành thì Nghị quyết ĐHĐCĐ mới được thông qua, bao gồm nội dung: “Loại cổ phần và tổng số cổ phần từng loại” (điểm a), không như trong Điều lệ của CTCP O quy định tỷ lệ thông qua là trên 51% tổng số cổ phần. Bên cạnh đó, trong chính Điều lệ CTCP O cũng đã có sự mâu thuẫn không nhất quán về tỷ lệ cổ đông sở hữu đại diện để thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ (lúc thì quy định 51% lúc thì trên 50% tổng số cổ phần của Công ty). Cả hai tỷ lệ sở hữu đại diện cho tổng số cổ phần của Công ty (50% hay 51%) để thông qua Nghị quyết cổ đông theo Điều 20 khoản 3 và Điều 26 khoản 1, khoản 2 đều sai so với Điều 144 Luật Doanh nghiệp. Như vậy, việc biểu quyết thông qua nội dung tờ trình 01/TTr-HĐQT về kế hoạch phương án phát hành cổ phiếu ESOP (phương án phát hành cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt) dựa trên Điều lệ là sai so với quy định của Luật Doanh nghiệp, đã vi phạm nghiêm trọng thể thức ra quyết định của ĐHĐCĐ thường niên 2016.

Thêm một vấn đề sai phạm tại nội dung tờ trình 01/Ttr-HĐQT về kế hoạch phương án phát hành cổ phiếu ESOP: Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật Doanh nghiệp ĐHĐCĐ họp thường niên mỗi năm 1 lần để thảo luận và thông qua các nội dung về quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán. Tuy nhiên tại tờ trình thì Hội đồng quản trị CTCP O đã trình ĐHĐCĐ thường niên 2016 với phương án phát hành cổ phần cho cán bộ chủ chốt của Công ty trong thời gian 5 năm từ 2017-2022 với tổng số cổ phần chiếm 30% vốn Điều lệ. Điều này là vượt quá thẩm quyền quyết định của ĐHĐCĐ thường niên 2016, gây thiệt hại trực tiếp và nghiêm trọng cho những cổ đông bên ngoài không tham gia vào bộ máy quản trị, điều hành Công ty.

Thứ ba: Vấn đề sai phạm liên quan đến việc kiểm phiếu biểu quyết tại Đại hội. Sau khi ban kiểm phiếu phổ biến quy chế biểu quyết và hướng dẫn cách thức biểu quyết, Đại hội tiến hành bỏ phiếu biếu quyết thông qua tờ trình về phương án tăng vốn. Khi ban kiểm phiếu làm việc (thành phần ban kiểm phiếu có bà Lương Thị H là đại diện cho Công ty V), đã phát hiện có 36 phiếu biếu quyết trong tổng 82 phiếu biểu quyết các cổ đông không ký tên và ghi họ tên vào phiếu biểu quyết, theo quy chế biểu quyết thì những phiếu biểu quyết trên là không hợp lệ.

Tại Đại hội, đại diện theo ủy quyền của Công ty V (ông Ngô Đức V) đã cảnh báo về việc các cổ đông nếu không ký tên vào các phiếu biểu quyết thì sẽ có tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong việc tráo đổi phiếu biểu quyết “không ký tên thì làm sao biết được ai đã ký thật” và đi ngược với quy chế biếu quyết tại Đại hội. Tuy nhiên ông Lê Thanh V vẫn khẳng định không ký tên cũng không sao và theo chỉ đạo của ông Lê Thanh V, đa số thành viên Ban kiểm phiếu (3 trên 4 thành viên ban kiểm phiếu) đã gộp 36 phiếu biểu quyết không ký tên của các cổ đông trên vào nhóm phiếu biểu quyết đồng ý, hợp lệ. Điều này làm sai lệch kết quả biểu quyết về nội dung thông qua tờ trình.

Căn cứ khoản 2 Điều 36 Thông tư 162/2015/TT-BTC hướng dẫn về việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu. Việc Ban tổ chức ĐHĐCĐ nói chung, HĐQT và Ban kiểm phiếu nói riêng không thực hiện tách phiếu của những người có quyền lợi liên quan (cán bộ chủ chốt của Công ty) trong đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động phát hành trong Công ty là trái với quy định tại khoản 2, Điều 36 Thông tư 162/2015/TT-BTC, đã làm sai lệch hoàn toàn kết quả của việc biểu quyết thông qua phương án tăng vốn theo tờ trình số 01. Gây thiệt hại nghiêm trọng cho cổ đông thiểu số, cổ đông không phải người lao động của Công ty.

Khoản 3 Điều 146 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải được gửi đến tất cả cổ đông trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc họp; việc gửi biên bản kiểm phiếu có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của Công ty (nếu có)”. Tuy nhiên đến nay Công ty V vẫn chưa nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, biên bản kiểm phiếu. Vì vậy Công ty V khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết gồm:

- Hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của Công ty cổ phần O do trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ không thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 147 Luật Doanh nghiệp.

- Vô hiệu hóa một phần Điều lệ Công ty cổ phần O do trái quy định của Luật doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu sửa Điều lệ đúng với quy định pháp luật hiện hành. (Điều 20, Điều 26 Điều lệ Công ty cổ phần O).

- Buộc ông Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Thanh V và các thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần O liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nguyên đơn các chi phí đi lại, ăn ở tham gia tố tụng và chi phí luật sư tổng cộng: 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng).

- Bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016- 2020 do đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ quản lý, cố ý làm trái quy định pháp luật doanh nghiệp.

- Yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dừng ngay việc phát hành cố phần để tăng vốn theo tờ trình số 01/TTr - HĐQT cho Công ty cổ phần O

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Đối với yêu cầu: “Hủy bỏ toàn bộ Nghị quyết của Đại hội đằng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của CTCP O” của Công ty V là không có căn cứ bởi lẽ: HĐQT Công ty cổ phần O đã gửi giấy mời, gửi email đến các cổ đông, đồng thời công khai thông tin về phiên họp Đại hội đồng cổ đông lên website của Công ty để mời tất cả các cổ đông của Công ty tham gia phiên họp ĐHĐCD thường niên năm 2017. Phiên họp ĐHĐCĐ đã có 99.65% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần O tham gia trong đó có các đại diện của Công ty V. Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được ban hành khi đạt được 68% số cổ phần biểu quyết đồng ý thông qua.

Việc Công ty O gửi giấy mời thiếu 01 ngày so với quy định không làm ảnh hưởng đến nội dung cuộc họp, đến quyền và lợi ích của Công ty V.

Việc biểu quyết: Phiếu biếu quyết đã được Công ty in đầy đủ thông tin của mỗi cổ đông có quyền biểu quyết và các cổ đông này khi biểu quyết thì đánh dấu vào ô đồng ý hoặc không đồng ý. Việc một số phiếu biếu quyết không có chữ ký của cổ đông biểu quyết là hoàn toàn bình thường và các cổ đông này cũng không thắc mắc hay khiếu nại gì đến kết quả biểu quyết.

Như vậy thủ tục triệu tập cuộc họp, diễn biến phiên họp, việc biểu quyết và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần O đã được thực hiên đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của Công ty.

Về yêu cầu “Vô hiệu hóa một phần Điều lệ của Công ty cổ phần O” của Công ty V: Điều lệ của Công ty cổ phần O đã được đăng ký chính thức tại Sở kết hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Lắk, tuân thủ đầy đủ các quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ phải được ĐHĐCĐ thông qua bằng hình thức biểu quyết. Đối với yêu cầu sửa đổi Điều lệ của Công ty V là không có căn cứ.

Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty V thì thiệt hại của Công ty V nếu có không phải do lỗi của HĐQT nên HĐQT không có nghĩa vụ phải bồi thường.

Đối với yêu cầu Bãi nhiệm các thành viên HĐQT Công ty cổ phần O nhiệm kỳ 2016-2020 của Công ty V thì Công ty V phải gửi yêu cầu miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đến ĐHĐCĐ để ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua. Nguyên đơn phải chỉ ra ai trong Hội đồng quản trị là người vi phạm. Vi phạm những vấn đề gì. Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT phải được ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua trên cơ sở quy định của Điều lệ Công ty và của Luật Doanh nghiệp.

Đối với việc gửi biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và biên bản kiểm phiếu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp ĐHĐCĐ thì phía Công ty O đã đăng toàn bộ thông tin trên lên trang thông tin điện tử của Công ty. Đồng thời đã gửi bằng văn bản cho các cổ đông theo quy định.

Từ những phân tích trên cho thấy, HĐQT đã tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về Điều lệ Công ty trong việc tổ chức ĐHĐCĐ, ban hành các nghị quyết Đại hội đồng cổ đông cũng như việc thực hiện các nghị quyết của ĐHĐCĐ. Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Công ty cổ phần O đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người quản lý Công ty trong công tác quản trị Doanh nghiệp được quy định tại Điều 160 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty. Đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Thanh V, ông Hồ Đ, bà Phan Ngọc A, ông Vũ Hữu K, ông Nguyễn Kim G trình bày: Hội đồng quản trị Công ty O đã thực hiện đúng, đầy đủ các quy dịnh của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều lệ của Công ty trong tất cả mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như công tác quản trị doanh nghiệp. Mọi chủ trương chính sách của Công ty đã được đa số cổ phiếu có quyền biểu quyết bỏ phiếu thông qua (tất cả trên 68% biểu quyết thông qua). Mọi thông tin liên quan đến vấn đề tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh Hội đồng quản trị Công ty đã thông báo công khai trên website của Công ty và gửi đến các cổ đông. Tất cả vì mục tiêu đưa Công ty cổ phần O ngày càng phát triển vững mạnh. Như vậy, Hội đồng quản trị và các thành viên đã thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, về phía Công ty V chưa chỉ ra được sai phạm trong cách quản lý của các thành viên Hội đồng quản trị, chưa chứng minh được những thiệt hại mà các thành viên Hội đồng quản trị gây ra cho Công ty V, vì vậy yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường là hoàn toàn không có căn cứ. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 21 tháng 09 năm 2017 và Quyết định sửa chữa, bổ sung số 01/QĐ-SCBSBA ngày 09-10-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết định:

Căn cứ khoản 4 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 37; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 139; Điều 143; khoản 1 Điều 144; khoản 1 Điều 147; Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Căn cứ Điều 24, Điều 27; Điều 33 Điều lệ tổ chức và hoạt động Công ty cổ phần O và khoản 2 Điều 36 Thông tư 162/2015/TT-BTC ngày 26/10/2015 của Bộ tài chính hướng dẫn việc chào bán phát hành thêm cổ phiếu;

Tuyên xử: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư V - Hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của Công ty cổ phần O.

Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư V về việc:

+ Yêu cầu vô hiệu hóa một phần Điều lệ đồng thời yêu cầu sửa Điều lệ (Điều 20, Điều 26 Điều lệ Công ty cổ phần O);

+ Bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016-2020;

+ Buộc ông Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Thanh V và các thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần O liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nguyên đơn các chi phí đi lại, ăn ở tham gia tố tụng và chi phí luật sư tổng cộng: 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng).

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư V về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dừng ngay việc phát hành cổ phần để tăng vốn theo tờ trình số 01/TTr-HĐQT cho Công ty cổ phần O.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quy định về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 03-10-2017, Công ty Cổ phần O có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm công nhận toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22-03-20017 của Công ty Cổ phần O.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên toà, ý kiến của kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Mặc dù được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Công ty V vắng mặt tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cấp cao tại Đà Nẵng và đại diện bị đơn Công ty cổ phần O đề nghị xét xử vắng mặt nguyên đơn, căn cứ khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

Xét kháng cáo của Công ty cổ phần O đề nghị xem xét sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, với lý do Công ty đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông đúng quy định, nên toàn bộ

Ngị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22-03-2017 của Công ty cổ phần O là hợp pháp cần công nhận, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[1] Tại Khoản 1 và khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp quy định: “Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải gửi thông báo mời họp đến tất cả các cổ đông trong Danh sách cổ đông có quyền dự họp chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn.” “Thông báo mời họp phải được gửi kèm theo các tài liệu sau đây: a) Chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp; b) Phiếu biểu quyết; c) Mẫu chỉ định đại diện theo ủy quyền dự họp.”.

[2] Tại Khoản 1 Điều 24 Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Công ty cổ phần O nhiệm kỳ V (Năm 2016-2020) bổ sung, sửa đổi ngày 02-02-2016 quy định thể thức triệu tập và tiến hành các Đại hội cổ đông như sau: “Thông báo triệu tập đại hội cổ đông phải được gửi bằng thư cho các cổ đông có cổ phiếu ghi danh trước 10 ngày và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo triệu tập Đại hội cổ đông phải kèm theo dự thảo chương trình nghị sự ...”…

[3] Công ty cổ phần Đầu tư V là cổ đông sở hữu 144.890 cổ phần (tương đương 30,45% vốn Điều lệ) của Công ty cổ phần O. Khi tiến hành Đại hội đồng cổ đông vào ngày 22-3-2017, Công ty cổ phần O lại gửi thư mời vào ngày 13-3- 2017 và không gửi kèm các tài liệu liên quan đến chương trình Đại hội cổ đông cho Công ty cổ phần Đầu tư V là thực hiện không đúng quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty cổ phần O. Tại Khoản 1 Điều 147 Luật doanh nghiệp quy định cổ đông có quyền yêu cầu hủy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông khi: “Trình tự và thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định pháp luật của luật này và Điều lệ công ty…”, do đó Công ty cổ phần Đầu tư V yêu cầu hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22-03-20017 của Công ty cổ phần O là có căn cứ.

[4] Mặt khác, tại Khoản 2 Điều 36 Thông tư 162/2015/TT-BTC ngày 26- 10-2015 của Bộ tài chính quy định về tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty có nội dung: “Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua chương trình lựa chọn và kế hoạch phát hành cho người lao động. Những người có quyền lợi liên quan đến đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty không được tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động”. Như vậy kết quả bỏ phiếu tại biên bản Đại hội đồng cổ đông ngày 22-3-2017 của Công ty cổ phần O về nội dung cổ phiếu chào bán cho cán bộ chủ chốt không khách quan, bởi lẽ đối tượng được lựa chọn phân phối cổ phiếu cũng là đối tượng biểu quyết qua bỏ phiếu, là vi phạm Khoản 2 Điều 36 Thông tư 162/2015 TT- BTC ngày 26-10-2015 của Bộ tài chính.

[5] Công ty cổ phần O cho rằng căn cứ Khoản 2 Điều 148 Luật doanh nghiệp thì các nội dung khác tại Đại hội đồng cổ đông ngày 22-3-2017 với biểu quyết 100% cổ đông tham gia là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết đó không được thực hiện đúng như quy định là không có cơ sở. Bởi lẽ, Công ty cổ phần O đã vi phạm về trình tự, thủ tục triệu tập Đại hội đồng cổ đông theo Khoản 1 và khoản 3 Điều 139 Luật doanh nghiệp, không phải là trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết và vấn đề này là căn cứ để Công ty cổ phần Đầu tư V yêu cầu hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22-03-2017 của Công ty cổ phần O theo Khoản 1 Điều 147 Luật doanh nghiệp.

Với phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy kháng cáo của Công ty cổ phần O là không có căn cứ chấp nhận. Công ty cổ phần O phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Bởi các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần O. Giữ nguyên bản án kinh doanh thương sơ thẩm số 02/2017/DS-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc “Tranh chấp giữa thành viên của công ty với công ty”, giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Đầu tư V với bị đơn là Công ty cổ phần O.

2. Căn cứ khoản 4 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 37; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 1, khoản 3 Điều 139; Điều 143; khoản 1 Điều 144; khoản 1 Điều 147; Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2014;

Căn cứ Điều 24, Điều 27; Điều 33 Điều lệ tổ chức và hoạt động Công ty cổ phần O và khoản 2 Điều 36 Thông tư 162/2015/TT-BTC ngày 26/10/2015 của Bộ tài chính hướng dẫn việc chào bán phát hành thêm cổ phiếu;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần đầu tư V - Hủy toàn bộ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 ngày 22/3/2017 của Công ty cổ phần O.

Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư V về việc:

+ Yêu cầu vô hiệu hóa một phần Điều lệ đồng thời yêu cầu sửa Điều lệ (Điều 20, Điều 26 Điều lệ Công ty cổ phần O);

+ Bãi nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm, nhiệm kỳ 2016-2020;

+ Buộc ông Chủ tịch Hội đồng quản trị - Lê Thanh V và các thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần O liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên nguyên đơn các chi phí đi lại, ăn ở tham gia tố tụng và chi phí luật sư tổng cộng: 60.000.000đ (Sáu mươi triệu đồng).

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư V về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là dừng ngay việc phát hành cổ phần để tăng vốn theo tờ trình số 01/TTr-HĐQT cho Công ty cổ phần O.

3. Về án phí: Công ty cổ phần Đầu tư V phải chịu 3.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm, được khấu trừ số tiền 3.000.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/2016/0001187 ngày 22-5-2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk. Công ty cổ phần O phải chịu 3.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

Công ty cổ phần O phải chịu 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được khấu trừ số tiền 2.000.000 đồng đã nộp tại biên lai thu số AA/2017/0001379 ngày 18-10-2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Các đương sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

4326
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp giữa thành viên của công ty với công ty số 05/2018/KDTM-PT

Số hiệu:05/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;