Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH) số 246/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 246/2021/LĐ-PT NGÀY 22/03/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT

Vào các ngày 08, 15 và 22 tháng 3 năm 2021 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 65/2020/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 11 năm 2020 về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”.Do bản án lao động sơ thẩm số 30/2020/LĐ-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 667/2021/QĐPT-LĐ ngày 24 tháng 02 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đinh Xuân T, sinh năm 1958; Trú tại: ấp X, xã M, huyện O, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phan Văn Q, sinh năm 1968; Địa chỉ liên lạc: đường S, Phường I, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền ngày 19/3/2019) - Bị đơn: Công ty TNHH Một thành viên B. Trụ sở: ấp A, xã P, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người phụ trách lãnh đạo tạm thời của công ty: Bà Đoàn Thị Ánh Y – Phó Giám đốc (Theo Quyết định số 3289/QĐ-UBND ngày 10/9/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn R, sinh năm 1962 – Chức vụ: Trưởng phòng. Trú tại: ấp A, xã P, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền số 422/GUQ-CTBS ngày 04/12/2020) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư ông Phạm Văn Việt H – Công ty Luật hợp danh Danh và cộng sự thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ: đường Đ, Phường V, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Người kháng cáo: Công ty TNHH Một thành viên B, là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 19/3/2019 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Đinh Xuân T trình bày:

Ông Đinh Xuân T có ký hợp đồng không xác định thời hạn với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B (viết tắt là Công ty B) từ tháng 07/2006 với mức lương 5.731.200 đồng/tháng, vị trí công việc là tuần tra bảo vệ sản phẩm nông nghiệp. Ngày 17/8/2018, Công ty B ban hành thông báo số 341/TB-CTBS về việc nghỉ việc do hết tuổi lao động. Ngày 06/9/2018, Công ty B ban hành Quyết định số 379/QĐ-CTBS về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Đinh Xuân T kể từ ngày 08/9/2018. Quyết định căn cứ vào thông báo số 341 ngày 17/8/2018 của Công ty B về việc nghỉ việc do hết tuổi lao động. Tại thời điểm Công ty cho nghỉ việc, ông T đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội (Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông T là 11 năm 01 tháng) chưa đủ 20 năm để thuộc trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012. Đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty mà không có lý do chính đáng, không căn cứ theo quy định tại Điều 36, 37, và 38 của Bộ luật Lao động năm 2012. Theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động thì trường hợp này là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và phải bồi thường theo Điều 42 Bộ luật Lao động.

Vì vậy, ông Đinh Xuân T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty TNHH Một thành viên B bồi thường: Thu nhập do không được làm việc; trả lương theo khoản 1 Điều 42 từ tháng 9/2018 đến tháng 10/2019 là 14 tháng x 5.731.200 đồng = 80.236.400 đồng; bồi thường 02 tháng tiền lương 11.462.400 đồng; trả tiền Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (21%) từ tháng 9/2018 đến tháng 10/2019 là 16.849.000 đồng. Tổng cộng nguyên đơn yêu cầu bồi thường là 108.548.928 đồng.

Nếu Công ty TNHH Một thành viên B chấm dứt hợp đồng thì phải trả thêm 02 tháng tiền lương.

Ngày 24/7/2020, ông Đinh Xuân T làm đơn yêu cầu thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 19/3/2019 buộc Công ty B bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:

- Thu nhập do không được làm việc với số tháng tạm tính là 36 tháng từ tháng 9/2018 trên mức lương 5.731.200 đồng/tháng (mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp) X 36 tháng = 206.323.200 đồng.

- Bồi thường 02 tháng lương trong hợp đồng: 5.731.200 đồng/tháng X 2 tháng = 11.462.400 đồng.

- Trả tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế 20.5% X 36 tháng X 5.731.200 đồng = 42.296.256 đồng.

Tổng cộng 260.081.856 đồng.

Nguyên đơn có đơn yêu cầu bổ sung thêm đơn khởi kiện ngày 14/8/2020 yêu cầu Tòa án buộc Công ty B phải nhận ông Đinh Xuân T trở lại làm việc theo họp đồng giao kết.

Tài liệu chứng cứ mà nguyên đơn đã nộp tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình: Đơn khởi kiện, Giấy ủy quyền, Bản khai (bản chính); Sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân (bản sao); Công văn số 12968/SLĐTBXH- LĐ ngày 31/5/2016 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công văn số 29347/SLĐTBXH-LĐ ngày 06/9/2019 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công văn số 1829/LĐTBXH-LĐTL ngày 12/5/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bản án số 661/2017/LĐPT ngày 26/7/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Công văn số 320/CTBS-TCHC ngày 22/8/2019 (bản phô tô); Quyết định về việc chấm dứt HĐLĐ số 379/QĐ-CTBS ngày 06/9/2018, phiếu cung cấp thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công văn số 320/CTBS-TCHC ngày 22/8/2019, quá trình đóng bảo hiểm xã hội; sổ bảo hiểm xã hội (bản sao); Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 24/7/2020, Đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 14/8/2020 (bản chính).

Bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B trình bày:

Ngày 01/8/2007, Công ty B có ký hợp đồng lao động với ông Đinh Xuân T làm Bảo vệ tuần tra (đây là công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc ban hành danh mục ngành nghề công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm).

Ngày 17/8/2018, Công ty B thông báo số 341/TB-CTBS về việc nghỉ việc do hết tuổi lao động đối với ông Đinh Xuân T căn cứ vào Quyết định 915 ngày 30/7/1996; căn cứ khoản 3 Điều 166, khoản 1 Điều 167, khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012. Đến ngày 06/9/2018, ông T không có ý kiến gì nên Công ty B ban hành Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 379/QĐ-CTBS ngày 06/9/2018 cho ông T về hưu trước tuổi 5 năm.

Do ông T làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm nên 55 tuổi là hết tuổi lao động nhưng ông T không đủ năm đóng bảo hiểm xã hội nên Công ty B kéo dài tuổi lao động của ông T đến 60 tuổi cho nghỉ việc là đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của ông T là không có cơ sở nên bị đơn không đồng ý yêu cầu của ông T.

Tài liệu chứng cứ mà bị đơn đã nộp tại Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình: Giấy ủy quyền, Bản giải trình về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Đinh Xuân T (bản chính); Hợp đồng lao động, Thông báo về việc nghỉ việc do hết tuổi lao động; Quyết định 379 về việc chấm dứt hợp đồng lao động (bản phô tô).

Tòa án đã tiến hành mở phiên họp hòa giải nhiều lần nhưng các đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên phải đưa vụ án ra xét xử.

Tại phiên tòa sơ thẩm: Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Phan Văn Q yêu cầu: Buộc Công ty B bồi thường cho ông Đinh Xuân T tổng số tiền 188.523.415 đồng, bao gồm các khoản: 1/Thu nhập do không được làm việc từ tháng 9/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 28/9/2020) là 25 tháng và 20 ngày với số tiền: [143.280.000 đồng = (25 tháng * 5.731.200 đồng) + 4.408.615 đồng = (20 ngày * (5.731.200 đồng / 26 ngày))] = 147.688.615 đồng; 2/ Bồi thường 02 tháng lương trong hợp đồng: 5.731.200 đồng / tháng X 2 tháng = 11.462.400 đồng; 3/ Trả tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trực tiếp cho nguyên đơn: 29.372.400 đồng. Ngoài ra, buộc Công ty B phải nhận ông T trở lại làm việc theo hợp đồng giao kết.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn bà Trần Thị T1 trình bày: Bà thống nhất với ông Q về thời gian nghỉ việc của ông T từ ngày 08/9/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 28/9/2020) là 25 tháng và 20 ngày; Công ty B trả tiền lương vào ngày 10 đến ngày 15 hàng tháng, mỗi tuần được nghỉ một ngày, cách tính trả tiền lương theo ngày làm việc thực tế, không trả lương ngày nghỉ, ông T được chốt sổ bảo hiểm đến tháng 8/2018, và ông T được trả tiền lương tháng 9/2018 đến ngày 8/9/2018. Tuy nhiên, bà giữ nguyên ý kiến của bị đơn không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 30/2020/LĐ-ST ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện C đã quyết định:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ vào khoản 4, 10 Điều 36, Điều 41, khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động;

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 2; Điều 5; khoản 3 Điều 23; khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội;

Căn cứ vào Điều 12 và khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễm, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Điều 6, Điều 7, Điều 26, Điều 30, Điều 31 và Điều 32 của Luật Thi hành án dân sự (đã sửa đổi bổ sung năm 2014).

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần khởi kiện của nguyên đơn ông Đinh Xuân T đối với bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B.

- Tuyên bố Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B ban hành Quyết định số: 379/QĐ-CTBS ngày 06 tháng 9 năm 2018 là trái pháp luật.

- Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B nhận ông Đinh Xuân T trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết;

- Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B có nghĩa vụ bồi thường cho ông Đinh Xuân T tổng cộng số tiền 159.151.015đ (một trăm năm chín triệu một trăm năm mươi mốt nghìn không trăm mười lăm đồng), bao gồm: Tiền lương những ngày không làm việc: 147.688.615đ (một trăm bốn mươi bảy triệu sáu trăm tám mươi tám nghìn sáu trăm mười lăm đồng); bồi thường 02 tháng tiền lương: 11.462.400đ (mười một triệu bốn trăm sáu mươi hai nghìn bốn trăm đồng).

Thi hành ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thi hành tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

2. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B chi trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những tháng không làm việc: 29.372.400đ (hai mươi chín triệu ba trăm bảy mươi hai nghìn bốn trăm đồng).

Buộc ông Đinh Xuân T và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B phải thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động không được làm việc từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2020, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B phải đóng các khoản lãi chậm trả theo quy định của Cơ quan Bảo hiểm xã hội.

3. Về án phí lao động sơ thẩm:

Ông Đinh Xuân T được miễn nộp tiền án phí lao động sơ thẩm;

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên B phải nộp số tiền 4.774.530đ (Bốn triệu bảy trăm bảy mươi bốn nghìn năm trăm ba mươi đồng).

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền thi hành án của các đương sự.

Ngày 13/10/2020 người đại diện theo pháp luật của bị đơn là Công ty TNHH Một thành viên B có đơn kháng cáo không đồng ý quyết định của bản án sơ thẩm, yêu cầu được xét xử lại để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi bên đương sự.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn có kháng cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xin thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện theo các nội dung sau đây:

1) Yêu cầu bị đơn phải bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đến thời điểm kết thúc phiên tòa sơ thẩm với số tiền đã được Tòa sơ thẩm ấn định bằng 159.151.015 đồng.

2) Không yêu cầu bị đơn phải nhận trở lại làm việc theo bản hợp đồng lao động đã kí và đồng ý kết thúc việc làm tại công ty sau khi Tòa sơ thẩm đã giải quyết xong.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm như sau:

- Về tố tụng: Thẩm phán, các thành viên Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án và các đương sự trong vụ án đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Vụ án được giải quyết phúc thẩm trong thời hạn luật định.

- Đề xuất về đường lối giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát có nhận xét: Bản án sơ thẩm đã giải quyết đúng nội dung tranh chấp, kháng cáo của bị đơn không có căn cứ để chấp nhận, đề nghị Tòa phúc thẩm giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Bổ sung trình bày kháng cáo tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đề nghị: Trường hợp Hội đồng xét xử phiên tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn đồng ý hỗ trợ cho ông Đinh Xuân T số tiền 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng) ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu phúc thẩm hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Một thành viên B làm trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ phù hợp với quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về nội dung giải quyết phúc thẩm vụ án:

[2.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phạm vi ủy quyền, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể: Chỉ yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tính đến ngày kết thúc phiên tòa sơ thẩm (ngày 29/9/2020). Đồng thời không yêu cầu bị đơn nhận ông T trở lại làm việc theo Hợp đồng lao động đã ký kể từ khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm.

Xét sự tự nguyện trên là ý chí của nguyên đơn, không trái quy định của pháp luật và có lợi cho bị đơn có kháng cáo nên được chấp nhận. Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với các yêu cầu khởi kiện vừa rút tại phiên tòa phúc thẩm.

[2.2] Xem xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Ông Đinh Xuân T vào làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên B (tên tắt là Công ty B) theo bản hợp đồng lao động không xác định thời hạn ký ngày 01/08/2007, công việc được phân công là Tuần tra bảo vệ, mức lương được nhận hàng tháng là 5.731.200 đồng. Ông T làm việc liên tục đến ngày 17/08/2018 thì Công ty B ban hành Thông báo số 341/TBCTBS về việc nghỉ việc do hết tuổi lao động. Đến ngày 06/09/2018 Công ty B ban hành Quyết định số 379/QĐ-CTBS về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T vì hết tuổi lao động kể từ ngày 08/09/2018. Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty B chấm dứt việc làm tại công ty, ông Đinh Xuân T mới tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại đơn vị được 11 năm 01 tháng, chưa đủ 20 năm nộp bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ về lao động sau khi nghỉ việc. Vì thế ông T khởi kiện tại Tòa án yêu cầu Công ty B phải nhận ông trở lại Công ty làm việc theo hợp đồng lao động đã kí cho đến khi đủ thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội (đủ 20 năm làm việc).

Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn Công ty TNHH Một thành viên B có người đại diện theo ủy quyền phát biểu ý kiến cho rằng: Ngành nghề, công việc mà ông T được phân công là Tuần tra bảo vệ. Theo Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/07/1996 của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội thì đây là ngành nghề thuộc danh mục công việc nặng nhọc - độc hại - nguy hiểm.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 166, Khoản 1 Điều 167 và Khoản 1 Điều 187 Bộ Luật lao động năm 2012 thì đối với ngành nghề công việc này ông T được nghỉ hưu khi tròn 55 tuổi (được nghỉ hưu trước tuổi là 05 năm). Tuy nhiên, đến đủ tròn 60 tuổi Công ty B mới ban hành quyết định cho nghỉ hưu vì hết tuổi lao động, bị đơn hoàn toàn không có lỗi trong trường hợp này; Đồng thời, sau khi nghỉ việc vì hết tuổi lao động, Công ty B đã giải quyết đầy đủ chế độ chính sách cho ông T.

Với lí do trên bị đơn đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngoài trình bày trên, tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn Công ty TNHH Một thành viên B còn xuất trình bổ sung chứng cứ là các phiếu thanh toán tiền bồi dưỡng độc hại trong 6 tháng liền kề kể từ tháng 02/2018 đến tháng 08/2018 của công ty có chữ ký xác nhận đã nhận tiền của ông Đinh Xuân T, các tài liệu chứng cứ trên chưa được Tòa án cấp sơ thẩm thu thập.

Như vậy, ngoài tiền lương hàng tháng được nhận theo hợp đồng lao động, ông T còn được nhận tiền bồi dưỡng độc hại hàng tháng đối với công việc mình đang đảm nhận là “Bảo vệ tuần tra, được xếp vào mục thuộc danh mục ngành nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” (kèm theo quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ Lao Động Thương Bình và Xã Hội) Đối với việc sử dụng người lao động cao tuổi trong trường hợp này, theo công văn trả lời cho ông Phan Văn Q là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn có số 12968/SLĐTBXH_LĐ ngày 31/5/2016 Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có nêu tại đoạn 2 như sau: “Theo qui định tại Khoản 1 Điều 167 BLLĐ (2012) và Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐCP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì: Người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ quan khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn lao động hoặc giao kết hợp đồng mới. Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.” Đồng thời, Khoản 3 Điều 167 Bộ luật Lao động quy định: “Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.”. Do công việc của ông T đang thực hiện theo hợp đồng lao động là công việc độc hại, khi ông T 60 tuổi trở thành người cao tuổi, người sử dụng lao động không thể tiếp tục sử dụng ông T làm tiếp công việc này. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động là thực hiện theo quy định của pháp luật, do đó không được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Căn cứ quy định tại Điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015 về “Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng” thì: “1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”, trong trường hợp này người sử dụng lao động không phải bồi thường.

Xét trong trường hợp cụ thể này, do không còn nhu cầu sử dụng lao động, công ty đã ban hành quyết định chấm dứt việc làm đối với ông T khi hết tuổi lao động là đúng quy định, phù hợp với hướng dẫn trên. Từ các nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ pháp lý để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cũng như đề xuất quan điểm giải quyết phúc thẩm vụ án của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn sửa bản án lao động sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phạm vi ủy quyền, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn đồng ý hỗ trợ cho ông Đinh Xuân T số tiền 40.000.000 đồng sau khi kết thúc việc làm tại công ty. Xét sự hỗ trợ trên là tự nguyện, không trái quy định của pháp luật và có lợi cho nguyên đơn nên được ghi nhận. Số tiền này sẽ do hai bên trực tiếp giao nhận với nhau hoặc thông qua cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.

[2.3] Án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn được miễn nộp. Bị đơn không phải chịu. Hoàn lại cho bị đơn số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2019/0084824 ngày 15/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2.4] Án phí lao động sơ thẩm: Các bên đương sự không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng Khoản 4 Điều 10, Điều 34, Điều 36, Điều 41, Khoản 1 Điều 42, Khoản 1 Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2012.

Căn cứ Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 23; Khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ giải quyết vụ án đối với các yêu cầu nguyên đơn đã tự nguyện rút tại phiên tòa bao gồm:

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật từ thời điểm kết thúc phiên tòa sơ thẩm đến khi ông Đinh Xuân T được nhận trở lại làm việc.

- Không yêu cầu nhận trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã kí, chấm dứt việc làm kể từ ngày kết thúc phiên tòa sơ thẩm.

2. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc đòi bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Nguyên đơn ông Đinh Xuân T chấm dứt việc làm tại Công ty TNHH Một thành viên B kể từ ngày 08/09/2018.

Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn Công ty TNHH Một thành viên B hỗ trợ cho ông Đinh Xuân T số tiền 40.000.000 đồng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty. Số tiền này được hai bên tự giao nhận với nhau hoặc thông qua cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Án phí lao động sơ thẩm: Các bên đương sự không phải chịu.

Án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn được miễn nộp. Bị đơn không phải chịu. Hoàn lại cho bị đơn số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo Biên lai thu số AA/2019/0084824 ngày 15/10/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

420
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH) số 246/2021/LĐ-PT

Số hiệu:246/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 22/03/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;