TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 86/2021/LĐ-PT NGÀY 25/01/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Vào ngày 19 và 25 tháng 01 năm 2021 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 63/2020/TLPT-LĐ ngày 19 tháng 11 năm 2020 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.Do bản án lao động sơ thẩm số 13/2020/LĐ-ST ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6448/2020/QĐPT-LĐ ngày 21 tháng 12 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 246/2021/QĐPT-LĐ ngày 05/01/2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn K, sinh năm 1967. Trú tại: đường L, phường T, quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng - Thương mại T. Trụ sở giao dịch: đường M, phường B, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật của công ty: Ông Võ Văn E - Tổng Giám đốc. Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Hữu C, sinh năm 1985. Địa chỉ liên lạc: đường M, phường B, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền ngày 10/9/2020).
- Người kháng cáo: ông Nguyễn K, là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại Đơn khởi kiện đề ngày 05/8/2019, Đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung đề ngày 22/8/2019, các bản tự khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn – ông Nguyễn K trình bày:
Ngày 06/10/2017, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại T (sau đây gọi tắt là Công ty T) ban hành Quyết định thử việc số 161/2017/QĐTV - HCNS đối với ông Nguyễn K, chức vụ: Cán bộ an toàn chuyên trách của công ty, mức lương: 19.000.000 đồng/tháng, nơi làm việc: Tòa nhà T, địa chỉ: đường U, Phường O, quận N.
Ngày 11/12/2017, Công ty T và ông K ký hợp đồng lao động chính thức số 408/HĐLĐ – TV và Phụ lục hợp đồng lao động số 408/PLHĐ – TV.
- Mức lương chính hoặc tiền công: 4.020.000 đồng/tháng - Hưởng trợ cấp thu hút là: 6.940.000 đồng/tháng - Hưởng trợ cấp đắt đỏ là: 6.940.000 đồng/tháng - Hưởng trợ cấp đồng phục là 420.000 đồng/tháng - Hưởng phụ cấp tiền ăn giữa ca là: 680.000 đồng/tháng Tổng cộng thực nhận là 19.000.000 đồng/tháng.
Thời hạn hợp đồng là 01 năm từ ngày 11/12/2017 đến ngày 10/12/2018 Địa điểm làm việc: Các công trình Công ty T.
Công việc phải làm: Tùy theo yêu cầu của Trưởng bộ phận trong từng thời điểm cụ thể Thời gian làm việc: 08 giờ/ngày Từ ngày 11/12/2017 đến ngày 19/9/2018 ông K làm việc tại Tòa nhà T, tại đường U, Phường O, quận N và số đường M, phường B, Quận H.
Ngày 19/9/2018 ông Nguyễn Minh R là Giám đốc Nhân sự ký Quyết định số 157/2018/QĐĐC – TV điều chuyển ông K đến làm việc tại công trình: Khu nhà ở tại phường U, Quận V kể từ ngày 20/9/2018.
Ngày 27/9/2018 ông Mai Chí T1 là Chỉ huy trưởng công trình Khu nhà ở tại phường P, Quận I ra Chỉ thị số: 02/2018/CTCT – BCH về việc công tác an toàn trên công trường và phân công công việc cho ông K.
Ngày 01/10/2018 ông Lê Anh T2 là nhân viên An toàn lao động của công trình khu nhà ở tại phường P, Quận I lập lịch trực đêm và ngày Chủ Nhật, ông Mai Chí T1 phê duyệt buộc ông K phải thực hiện. Ngoài ra lịch trực tháng 09/2018 và tháng 10/2018 được lập trên hệ thống ERP (hệ thống nhân sự T) đã được ông Mai Chí T1 phê duyệt và Phòng Hành chính – nhân sự tiếp nhận.
Sau thời gian làm việc và tìm hiểu đây là công trình của nhà thầu Công ty TNHH xây dựng PB có địa chỉ tại: phường N1, thị xã Đ1, tỉnh B1.
Cũng trong thời gian này Phòng nhân sự của Công ty T đã chuyển toàn bộ hồ sơ cá nhân của ông K cho Công ty PB làm hồ sơ năng lực cung cấp cho Công ty bất động sản Dragon Villag Chủ đầu tư dự án, Quản lý dự án Apave và tư vấn giám sát Delta.
Ngày 31/10/2018 ông Nguyễn Minh R, chức vụ: Giám đốc nhân sự ký Quyết định số 197/2018/QĐĐC – TV điều chuyển ông K đến làm việc tại công trình: Dự án chung cư cao tầng Phúc Bảo Minh kể từ ngày 01/11/2018, đây là công trình của Công ty T nhận thầu.
Ngày 04/12/2018 ông Nguyễn Đức C1 là nhân viên Công ty T gửi thông báo qua email cho ông K về việc hết hạn và chấm dứt hợp đồng lao động. Ngày 10/12/2018 theo yêu cầu của ông C1, ông K về văn phòng Công ty T được ông Nguyễn Xuân H1 là trưởng phòng Hành chính – nhân sự Công ty T giao Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông K kể từ ngày 11/12/2018. Ngày 15/01/2019 công ty có chi trả tiền làm ngoài giờ cho ông K là 8.184.231 đồng.
Trong quá trình làm việc tại Công ty T, ngày 12/11/2018 ông K có đi khám sức khỏe sau khi làm việc tại công trình Khu nhà ở tại phường P, Quận I thì sức khỏe bị giảm sút: mất 03 kg so với hồ sơ khám sức khỏe công ty ngày 09/10/2018 do Công ty T tổ chức khám; chỉ số huyết áp tăng 120/70 mmHg lên 120/80 mmHg; chỉ số mạch giảm từ 80 lần/phút còn 78 lần/phút. Theo giấy khám sức khỏe thì ông K làm trong môi trường nặng nhọc trên cao là không phù hợp.
Ngày 29/11/2018, ông K có làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động gửi cho công ty nhưng công ty không giải quyết.
Ngày 17/12/2018, ông K có làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động gửi đến Phòng Lao động thương binh và Xã hội Quận H. Ngày 25/12/2018 Phòng Lao động thương binh và Xã hội Quận H tổ chức buổi hòa giải nhưng không thành.
Không đồng ý với Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, ông K cho rằng Công ty T đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông K nên ông K khởi kiện Công ty T yêu cầu bồi thường các khoản sau:
1. Yêu cầu Công ty T phải nhận ông K trở lại làm việc theo công việc trong hợp đồng lao động.
2. Đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất ngiệp cho ông K theo mức lương 19.000.000 đồng/tháng kể từ ngày 11/12/2017. Từ ngày 11/12/2018 công ty phải đóng bảo hiểm cho ông K đầy đủ cho đến khi nhận ông K trở lại làm việc.
3. Thanh toán tiền lương những ngày ông K không được làm việc tính từ ngày 11/12/2018 đến ngày 05/8/2019 là 7 tháng 21 ngày, số tiền công ty phải trả là:
19.000.000 đồng x 7 + (19.000.000 đồng/26) x 21 = 133.000.000 + 15.346.153 = 148.346.153 đồng.
4. Bồi thường 02 (hai) tháng lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: 19.000.000 x 2 = 38.000.000 đồng.
5. Tiền tăng ca ngoài giờ tháng 9, 10, 11/2018 là 11.472.591 đồng.
6. Yêu cầu Công ty T bồi thường thiệt hại do ông K bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần số tiền là 69.500.000 đồng.
Tổng cộng, ông K yêu cầu Công ty T bồi thường số tiền là: 148.346.153 đồng + 38.000.000 đồng + 69.500.000 đồng = 267.318.774 đồng.
Bị đơn Công ty T do ông Nguyễn Hữu C đại diện có bản tự khai ngày 10/9/2020 như sau:
Công ty T có xác lập Hợp đồng lao động số 408/2017/HĐLĐ – TV ngày 11/12/2017 giữa Công ty T với ông Nguyễn K, hợp đồng xác định thời hạn 01 năm từ ngày 11/12/2017 đến ngày 10/12/2018, chức vụ: Cán bộ an toàn chuyên trách của công ty, địa điểm làm việc: Các công trình của Công ty T, công việc phải làm: tùy theo yêu cầu của Trưởng bộ phận trong từng thời điểm cụ thể. Đối với yêu cầu khởi kiện của ông K, Công ty T có ý kiến như sau:
Căn cứ hợp đồng lao động giữa Công ty T và ông K, căn cứ vào nhu cầu công việc, Công ty T đã ban hành Thông báo ngày 09/11/2018 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông K kể từ ngày 11/12/2018, thông báo này đã được gửi mail cho ông K vào ngày 10/11/2018 và ngày 10/12/2018 ông K đã nhận văn bản. Như vậy Công ty T đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông K chứ công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông K.
Đối với yêu cầu của ông K về việc buộc Công ty T nhận ông K lại làm việc công ty không đồng ý vì Công ty T đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông K khi hết thời hạn hợp đồng, Công ty đã thực hiện đúng quy định pháp luật, hiện tại công ty không có nhu cầu nhận lại ông K làm việc nên không chấp nhận yêu cầu này của ông K.
Đối với yêu cầu của ông K về việc đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương 19.000.000 đồng/tháng từ ngày 11/12/2017 đến ngày 11/12/2018 công ty không đồng ý vì căn cứ vào Hợp đồng lao động giữa Công ty T và ông K thì mức lương chính và tiền công là 4.020.000 đồng/tháng. Do đó, Công ty T đã đóng bảo hiểm cho ông K theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với yêu cầu của ông K về việc bồi thường do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động công ty không đồng ý vì công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông K khi hết thời hạn của hợp đồng chứ công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông K.
Đối với yêu cầu của ông K về tiền tăng ca ngoài giờ, ông K làm việc tại công ty theo hợp đồng lao động, công ty đã thực hiện đúng quy định về tiền công, tiền lương cho ông K nên yêu cầu này của ông K là công ty không đồng ý.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, ông K cho rằng căn cứ Quyết định điều chuyển số 157/2018/QĐĐC – TV ngày 19/9/2018; Chỉ thị số 02/2018/CTCT – BCH công ty điều chuyển ông K đến làm việc cho Công ty TNHH XD PB tại công trình khu nhà ở tại phường P, Quận I là làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần của ông K nên phải bồi thường cho ông K số tiền 69.500.000 đồng. Công ty không đồng ý vì căn cứ vào Giấy khám sức khỏe của ông K có kết luận “Đủ sức khỏe”. Theo hợp đồng lao động thì công việc ông K phải làm “Tùy theo yêu cầu của Trưởng bộ phận trong từng thời điểm cụ thể”, địa điểm làm việc: “các công trình của Công ty T”. Do đó, việc điều chuyển công việc của ông K là hoàn toàn phù hợp với hợp đồng lao động và nội quy lao động của công ty.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
Nguyên đơn ông Nguyễn K thay đổi các yêu cầu khởi kiện như sau:
1. Rút yêu cầu Công ty T phải nhận ông K trở lại làm việc theo công việc trong hợp đồng lao động do hiện nay ông đã có việc làm.
2. Đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất ngiệp cho ông K theo mức lương 19.000.000 đồng/tháng kể từ ngày 11/12/2017 đến ngày 11/12/2018, như vậy công ty phải đóng thêm số tiền là 14.980.000 đồng, hoàn trả của ông K cho công ty là 14.380.800 đồng. Từ ngày 11/12/2018 công ty phải đóng bảo hiểm cho ông K đầy đủ cho đến ngày 23/9/2020, hoàn trả của ông K cho công ty là 32.920.000 đồng.
3. Bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái luật tính từ ngày 11/12/2018 đến ngày 23/9/2020 là 21 tháng 10 ngày, số tiền công ty phải trả là:
19.000.000 đồng x 21 + (19.000.000 đồng/26) x 10 = 399.000.000 + 7.307.693 = 407.038.462 đồng.
4. Bồi thường 02 (hai) tháng lương: 19.000.000 x 2 = 38.000.000 đồng.
5. Tiền tăng ca ngoài giờ tháng 9, 10, 11/2018 là 11.472.591 đồng.
6. Yêu cầu Công ty T bồi thường thiệt hại do ông K bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần số tiền là 69.500.000 đồng.
Tổng cộng, ông K yêu cầu Công ty T bồi thường số tiền là: (407.038.462 đồng + 38.000.000 đồng + 11.472.591 đồng + 69.500.000 đồng) – (14.380.800 đồng + 32.920.000) = 478.710.253 đồng.
Bị đơn Công ty T có người đại diện theo ủy quyền phát biểu ý kiến không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông K, công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông K nên không có các nghĩa vụ đối với các yêu cầu của ông K. Công ty cũng không đồng ý với yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe mà ông K yêu cầu.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 13/2020/LĐ-ST ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử:
Căn cứ vào:
- Điểm a khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Điều 22; Điều 25; Điều 36; Điều 47; Điều 202 Bộ luật lao động;
- Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội;
- Điểm a và điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTV-QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Luật Thi hành án dân sự; Xử:
1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông K về việc buộc Công ty T phải nhận ông K trở lại làm việc theo công việc trong hợp đồng lao động.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất ngiệp cho ông K theo mức lương 19.000.000 đồng/tháng kể từ ngày 11/12/2017 đến ngày 11/12/2018, công ty phải đóng thêm số tiền là 14.980.000 đồng, hoàn trả của ông K cho công ty là 14.380.800 đồng. Từ ngày 11/12/2018 công ty phải đóng bảo hiểm cho ông K đầy đủ cho đến ngày 23/9/2020, hoàn trả của ông K cho công ty là 32.920.000 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải bồi thường cho ông K do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tiền lương tính từ ngày 11/12/2018 đến ngày 23/9/2020 là 21 tháng 10 ngày số tiền là 407.038.462 đồng.
4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải bồi thường cho ông K do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật 02 (hai) tháng lương số tiền là 38.000.000 đồng.
5. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải thanh toán tiền tăng ca ngoài giờ tháng 9, 10, 11/2018 số tiền là 11.472.591 đồng.
6. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải bồi thường thiệt hại do ông K bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần số tiền là 69.500.000 đồng.
Tổng cộng, số tiền ông Nguyễn K không được chấp nhận là: (407.038.462 đồng + 38.000.000 đồng + 11.472.591 đồng + 69.500.000 đồng) – (14.380.800 đồng + 32.920.000) = 478.710.253 đồng.
7. Về án phí lao động sơ thẩm: Ông Nguyễn K và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại T không phải chịu án phí.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo và quyền thi hành án của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định, ngày 04/10/2020 nguyên đơn ông Nguyễn K có đơn kháng cáo không đồng ý quyết định của bản án sơ thẩm về các lý do sau đây: Án sơ thẩm giải quyết tranh chấp không đúng, có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự, yêu cầu xét xử lại vụ án buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn theo công văn số 4754/LĐ-TBXH-LDTL ngày 02/12/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cụ thể như sau:
+ Bồi thường tiền lương và phụ cấp trên 1 tháng là 17.900.000 đồng/tháng x 21 tháng + (17.900.000 đồng: 26 ngày) x 10 = 382.784.615 đồng.
+ Bồi thường tiền lương 02 tháng theo luật: 17.900.000 đồng/tháng x 2 tháng = 35.800.000 đồng.
+ Tiền trả công lao động làm ngoài giờ: 11.472.591 đồng. Tổng số tiền phải bồi thường là 430.057.206 đồng.
Ngoài ra, ông Nguyễn K còn kháng cáo yêu cầu xem xét lại tư cách tham gia tố tụng tại Tòa án của ông Nguyễn Xuân Hải tham gia phát biểu ý kiến tại phiên tòa nhưng không được Tòa án triệu tập. Đồng thời, làm rõ việc người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vào phòng nghị án khi Hội đồng xét xử sơ thẩm đang nghị án; nội dung gặp gỡ, trao đổi giữa họ ra sao chưa được làm rõ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn K xác định lại yêu cầu kháng cáo và có bổ sung là:
1/ Sau khi xét xử sơ thẩm, bản án không được tống đạt hợp lệ cho đương sự; theo hướng dẫn của thư ký Tòa án, nguyên đơn phải ký vào biên bản giao nhận tống đạt bản án nhưng thực tế đến nay vẫn chưa nhận được bản án của Tòa án Quận H, tước đi quyền kháng cáo của đương sự về nội dung bản án.
2/ Tòa sơ thẩm tiến hành thẩm vấn đối với ông Nguyễn Xuân H1 (thuộc công ty bị đơn) nhưng không xác định tư cách tham gia tố tụng của ông H1 là gì trong phiên tòa dẫn đến việc đánh giá chứng cứ không đầy đủ và khách quan.
3/ Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn tự ý vào phòng nghị án khi Hội đồng xét xử sơ thẩm đang tiến hành nghị án. Nội dung trao đổi giữa họ ra sao, thời gian gặp gỡ thế nào, chưa được thẩm tra làm rõ. Đây là trường hợp vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự, phải được làm rõ.
Vì các lý do trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại vụ án nhẳm đảm bảo tính khách quan công bằng. Về các nội dung kháng cáo còn lại về nội dung như đã nêu trong đơn, ông Nguyễn K cùng đề nghị xử hủy để giải quyết lại từ đầu.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm như sau:
- Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn được làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét. Thẩm phán, các thành viên hội đồng xét xử, thư ký Tòa án và các đương sự trong vụ án đã chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về thủ tục tố tụng, đơn xin xét xử vắng mặt của bị đơn có lý do được chấp nhận, kháng cáo hợp lệ nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
- Về nội dung giải quyết: ông Nguyễn K được nhận vào Công ty T theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm, được trả lương, tiền làm thêm ngoài giờ theo đúng thỏa thuận. Kháng cáo của nguyên đơn cho rằng bị đơn đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho việc chấm dứt này là không có căn cứ pháp lý để chấp nhận, mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về thủ tục tố tụng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng để hủy án xét xử lại nhưng cấp sơ thẩm cần lưu ý rút kinh nghiệm. Vì các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
I/ Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn K và được bổ sung tại phiên tòa là hợp lệ theo quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn được miễn nộp tạm ứng án phí kháng cáo nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
II/ Về nội dung giải quyết phúc thẩm vụ án:
Xem xét yêu cầu kháng cáo và bổ sung yêu cầu kháng cáo của bị đơn tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:
[1] Ông Nguyễn K được nhận vào Công ty TNHH Xây dựng Thương mại T (gọi tắt là Công ty T) với bản hợp đồng lao động ký ngày 11/12/2017, phụ lục hợp đồng số 408/PL-HĐLĐ ký cùng ngày với tổng lương thực nhận hàng tháng là 19.000.000 đồng. Thời hạn hợp đồng là 12 tháng, địa điểm làm việc: Tùy theo yêu cầu của trưởng bộ phận, thời gian làm việc là 8 giờ /ngày, thời hạn hợp đồng tính từ 11/12/2017 đến 10/12/2018.
Ngày 04/12/2018 ông Nguyễn Đức Cương là nhân viên công ty thông báo qua email cho ông K biết về việc hết hạn và chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 11/12/2018; công ty đã giải quyết quyền lợi cho ông Nguyễn K theo thời gian công việc và trả tiền công lao động làm ngoài giờ là 8.184.231 đồng.
Tuy nhiên, trước đó vào ngày 29/11/2018 ông Nguyễn K có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan, bộ phận liên quan để đòi tiền lương và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với quá trình làm việc của ông tại công ty.
[2] Xem xét nội dung sự việc tranh chấp và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn K tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
[2.1] Ông Nguyễn K làm việc tại đơn vị của bị đơn với bản hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng và đã chấm dứt thời hạn làm việc đúng theo thỏa thuận về việc làm. Nay ông K cho rằng: Công ty T đã chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường thiệt hại như trường hợp đơn phương trái pháp luật là không có căn cứ pháp lý để chấp nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông K nêu nội dung kháng cáo về phần tố tụng như sau: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự như yêu cầu nguyên đơn ký nhận khống vào văn bản tố tụng của Tòa án về việc tống đạt, giao nhận bản án khi Tòa án phát hành nhưng thực tế nguyên đơn không nhận được bản án sơ thẩm làm ảnh hưởng quyền kháng cáo của đương sự.
- Yêu cầu xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyễn Xuân Hải tại phiên tòa sơ thẩm vì ông này được mời tham gia thẩm vấn nhưng không xác định tư cách tham gia tố tụng trong bản án.
- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn tự ý đi vào phòng nghị án khi Hội đồng xét xử sơ thẩm đang nghị án, nội dung trao đổi giữa họ ra sao, hậu quả thế nào không được điều tra làm rõ.
Từ những ý kiến trên, hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
Việc ông Nguyễn K ký trước vào biên bản giao nhận bản án có phần trách nhiệm của nguyên đơn, bởi lẽ khi phát hiện trường hợp có tác động ký nhận không đúng này, ông K có quyền khiếu nại đến lãnh đạo Tòa án nơi xét xử để có biện pháp xử lý. Việc đồng tình của nguyên đơn trong trường hợp này không hoàn toàn thuộc lỗi về cơ quan tiến hành tố tụng. Vì thế, kháng cáo của ông K về nội dung này cần phê bình nhắc nhở về quy trình nghiệp vụ tố tụng, không nhất thiết phải hủy án như yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
[2.2] Kiểm tra bút ký phiên tòa sơ thẩm lập lúc 14 giờ ngày 23/9/2020 tại Tòa án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (được đánh số bút lục 176 đến 181) thấy rằng khi giải quyết tranh chấp lao động: ông Nguyễn Xuân H1 (trưởng bộ phận nhân sự của bị đơn) không thể hiện lời khai của ông tại phiên tòa sơ thẩm. Như vậy, lời khai của ông Nguyễn Xuân H1 (nếu có) cũng chỉ mang tính chất tham khảo diễn giải rõ sự việc chứ không xem là chứng cứ có giá trị chứng minh để giải quyết tranh chấp. Tòa sơ thẩm không có lỗi trong trường hợp này, cho nên yêu cầu xin hủy án về nội dung trên không được chấp nhận.
[2.3] Trường hợp người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có mặt tại phòng nghị án khi Hội đồng xét xử sơ thẩm đang tiến hành nghị án. Xét thấy khi phát hiện ra trường hợp trên, ông Nguyễn K phải thông báo ngay đến lãnh đạo cơ quan xét xử để tiến hành lập biên bản xử lý. Nay ông K đưa ra bằng chứng trên để yêu cầu hủy án nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ cụ thể để chứng minh Hội đồng xét xử sơ thẩm có tiêu cực trong quá trình nghị án hoặc không vô tư khách quan khi làm nhiệm vụ nên không có căn cứ để xem xét chấp nhận, vì thế yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về nội dung hủy án sơ thẩm không được chấp nhận.
Từ phân tích và nhận định trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn K; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm như đề nghị của Kiểm sát viên – Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.
Án phí lao động phúc thẩm: nguyên đơn được miễn nộp. Bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Áp dụng Điều 22, Điều 25, Điều 36, Điều 47 và Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012;
Áp dụng Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội;
Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.
Áp dụng Luật Thi hành án dân sự. Tuyên xử:
I/ Đơn kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn K làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự thủ tục phúc thẩm.
II/ Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo và bổ sung kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn K được đưa ra tại cấp phúc thẩm. Giữ nguyên quyết định của bản án lao động sơ thẩm số 13/2020/LĐ-ST ngày 23 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông K về việc buộc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại T phải nhận ông K trở lại làm việc theo công việc trong hợp đồng lao động.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất ngiệp cho ông K theo mức lương 19.000.000 đồng/tháng kể từ ngày 11/12/2017 đến ngày 11/12/2018, công ty phải đóng thêm số tiền là 14.980.000 đồng, hoàn trả của ông K cho công ty là 14.380.800 đồng. Từ ngày 11/12/2018 công ty phải đóng bảo hiểm cho ông K đầy đủ cho đến ngày 23/9/2020, hoàn trả của ông K cho công ty là 32.920.000 đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải bồi thường thiệt hại cho ông K do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tiền lương tính từ ngày 11/12/2018 đến ngày 23/9/2020 là 21 tháng 10 ngày số tiền là 407.038.462 đồng.
4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải bồi thường cho ông K do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật 02 (hai) tháng lương số tiền là 38.000.000 đồng.
5. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải thanh toán tiền tăng ca ngoài giờ tháng 9, 10, 11/2018 số tiền là 11.472.591 đồng.
6. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn K về việc buộc Công ty T phải bồi thường thiệt hại do ông K bị tổn hại về sức khỏe và tinh thần số tiền là 69.500.000 đồng.
Tổng cộng, số tiền ông Nguyễn K không được chấp nhận là: (407.038.462 đồng + 38.000.000 đồng + 11.472.591 đồng + 69.500.000 đồng) – (14.380.800 đồng + 32.920.000) = 478.710.253 đồng.
7. Về án phí lao động sơ thẩm: Ông Nguyễn K được miễn nộp toàn bộ. Công ty TNHH Xây dựng Thương mại T không phải chịu án phí.
III/ Án phí lao động phúc thẩm: Ông Nguyễn K được miễn nộp. Công ty TNHH Xây dựng Thương mại T không phải chịu án phí.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 86/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 86/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 25/01/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về