Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 645/2021/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 645/2021/LĐ-PT NGÀY 29/11/2021 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong ngày 29/11/2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 25/2021/LĐPT ngày 21/6/2021 về việc: “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.Do bản án lao động sơ thẩm số 438/2021/LĐ-ST ngày 12/4/2021 của Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 4042/2021/QĐ-PT ngày 01/11/2021 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông N; sinh năm 1974 Địa chỉ: 1122/28 đường Q, Phường T, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt);

2. Bị đơn: Công ty TNHH T;

Địa chỉ: 95/2/16 đường B, Phường M, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; Người đại diện hợp pháp là ông L – là người đại diện theo ủy quyền (văn bản ủy quyền ngày 15/01/2020) (có mặt);

3. Người làm chứng:

3.1. Bà D; địa chỉ: 45/1 đường M, Phường T, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn đề nghị vắng mặt);

3.2. Bà B; địa chỉ: Căn hộ số A7.15, Chung cư số 4, đường P, Phường M, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn đề nghị vắng mặt);

3.3. Bà A; địa chỉ: Căn hộ số 1050, Chung cư số 4, đường P, Phường M, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn đề nghị vắng mặt);

3.4. Bà H; địa chỉ: 95/2/16 đường B, Phường M, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (có đơn đề nghị vắng mặt);

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 30 tháng 5 năm 2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông N trình bày và yêu cầu: Ngày 08/5/2019 Công ty TNHH T (Sau đây viết tắt là Công ty T) ký hợp đồng thử việc với ông N theo hợp đồng số 05/2019/HĐLĐ-TG, thời gian thử việc từ ngày 08/5/2019 đến ngày 08/7/2019. Cùng ngày, giữa ông N và công ty T ký tiếp hợp đồng lao động số 02/2019/HĐLĐ-TG, hợp đồng có thời hạn là một năm, từ ngày 08/5/2019 đến ngày 08/5/2020. Mức lương ông N được hưởng là 30.000.000 (Ba mươi triệu) đồng/tháng, chức danh: Kế toán trưởng.

Ngày 27/5/2019, công ty T yêu cầu ông N dừng công việc mà không đưa ra lý do chính đáng. Nên ông đã có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh. Nay ông N yêu cầu công ty T phải tiếp tục nhận ông trở lại làm việc; Thanh toán tiền lương từ ngày 08/5/2019 đến ngày 26/5/2019 là 18.461.000 đồng; Thanh toán tiền lương trong khoảng thời gian ông không được làm việc tại công ty từ ngày 27/5/2019 đến nay. Ngoài ra, ông không còn bất cứ yêu cầu nào khác.

Bị đơn là công ty T quyền cho ông L trình bày:

Ngày 08/5/2019, công ty có ký hợp đồng thử việc với ông N, thời gian thử việc là hai tháng từ ngày 08/5/2019 đến ngày 08/7/2019. Sau khi làm việc được 4 ngày, ông N trình bày có nhu cầu gia hạn bên tín dụng nên đề nghị công ty giúp đỡ ký hợp đồng lao động, công ty đã đồng ý. Sau khi chấm dứt hợp đồng thử việc với ông N, công ty đã yêu cầu ông N trả lại hợp đồng này nhưng ông N không đồng ý. Do trong thời gian thử việc, ông N làm việc thất thường, không chấm công và tự ý ra ngoài, không đảm bảo quy trình làm việc và công việc đảm nhiệm, nên ngày 25/5/2019, công ty đã có cuộc họp để đưa ra ý kiến về việc công ty không tiếp tục thử việc đối với ông N. Nay, công ty đồng ý trả tiền lương từ ngày 08/5/2019 đến ngày 26/5/2019 là 18.461.000 đồng. Còn các yêu cầu khác của ông N thì công ty không đồng ý.

Người làm chứng: Bà D, bà B, bà A, bà H trình bày: Các bà là nhân viên của công ty T. Từ ngày 27/5/2019 đến nay ông N không làm việc tại công ty.

Tại phiên Tòa sơ thẩm, ông N yêu cầu công ty thanh toán tiền lương từ ngày 08/5/2019 đến ngày 26/5/2019 là 18.461.000 đồng; Thanh toán tiền lương trong khoảng thời gian ông không được làm việc tại công ty từ ngày 27/5/019 đến ngày Tòa án xét xử và bổ sung yêu cầu khởi kiện về việc bị đơn phải trả tiền lãi đối với số tiền này theo mức lãi suất do N hàng nhà nước quy định; Công ty phải hoàn trả cho ông N chi phí giám định chữ ký. Ông N rút lại yêu cầu về việc công ty phải nhận ông trở lại làm việc.

Với nội dung tranh chấp nêu trên Tòa án cấp sơ thâm đã tuyên án:

Áp dụng Điều 25, Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2012; khoản 2 Điều 244, Điều 147, Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự,

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông N.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Xuất nhập khẩu T phải trả cho ông N tiền lương trong thời gian thử việc từ ngày 08/5/2019 đến ngày 26/5/2019, theo hợp đồng thử việc số 05/2019/HĐLĐ-TG ngày 08/5/2019, là 18.461.000 (mười tám triệu, bốn trăm sáu mươi mốt ngàn) đồng.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông N về việc buộc công ty T phải trả tiền lương trong thời gian ông N không được làm việc, từ ngày 27/5/2019 đến nay.

3. Không xem xét đối với yêu cầu của ông N về việc yêu cầu công ty T phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán tiền lương, theo lãi suất do N hàng nhà nước quy định, do vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

4. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông N về việc công ty T phải nhận ông N trở lại làm việc.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm thi hành án, chi phí tố tụng, án phí, quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Ngày 26/4/2021 nguyên đơn nộp đơn kháng cáo một phần bản án và đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả tiền lương trong những ngày không được làm việc và trả liển lãi trên số tiền lương chậm trả, tổng cộng là 427.096.649đ:

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn trình bày yêu cầu kháng cáo: Vào ngày 08/5/2019 giữa ông và công ty T có ký hợp đồng thử việc, nhưng sau đó không rõ vì sao Công ty đưa cho ông ký hợp đồng lao động có thời hạn 01 năm, ông cho rằng Công ty đã bằng hành động của mình lập hợp đồng lao động mới là đương nhiên hủy bỏ hợp đồng thử việc. Do đó việc công ty T chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái pháp luật, ông giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn phải cho ông số tiền lương trong những ngày không được làm việc và tiền lãi trên số tiền lương chậm trả.

Nguyên đơn trình bày ý kiến về yêu cầu kháng cáo của bị đơn: Ông N vào làm việc tại Công ty T thông qua môi giới tại trang Web vieclam24h.vn, do không rõ về khả năng của ông N nên Công ty chỉ ký hợp đồng thử việc với ông N. Sau 4 ngày làm việc ông N nhắn tin xin ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhằm mục đích gia hạn hợp đồng tín dụng, ông đã nhắn tin hỏi ý kiến Giám đốc và được sự đồng ý của Giám đốc ông mới soạn thảo hợp đồng lao động thời hạn 1 năm với ông N. Các chứng cứ liên hệ giữa hai bên ông đã cung cấp cho Tòa. Vì vậy, Công ty Trường Gang đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Về hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự nằm trong hạn luật định nên hợp lệ. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Về nội dung: Sau khi phân tích những tình tiết khách quan của vụ án, căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa sau khi phân tích, đánh giá về kháng cáo, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, đối chiếu những căn cứ pháp luật, Hội đồng xét xử Phúc thẩm nhận định:

[1] Bản án sơ thẩm số 438/2021/LĐ-ST được tuyên vào ngày 12/4/2021, ngày 26/4/2019 nguyên đơn kháng cáo vì vậy đơn kháng cáo của nguyên đơn nằm trong thời hạn luật định, nguyên đơn được miễn đóng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm do đó Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.

[2] Nguyên đơn kháng cáo, vì cho rằng hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm của ông là có hiệu lực, ông đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của ông về việc buộc công ty T phải trả tiền lương cho ông trong những ngày không được làm việc và thanh toán thêm tiền lãi trên số tiền lương chậm trả. Vì vậy Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét xác định ông N đang làm việc cho công ty Ttheo hợp đồng lao động nào thì mới có cơ sở khẳng định việc chấm dứt quan hệ lao động giữa đôi bên là đúng hay sai.

[3] Theo lời trình bày của các đương sự tại phiên tòa và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì, vào ngày 08/5/2019 Công ty T và ông N có ký 02 hợp đồng lao động gồm: Hợp đồng thử việc số 05/2019/HĐLĐ-TG, thời gian thử việc từ ngày 08/5/2019 đến ngày 08/7/2019 và Hợp đồng lao động số 02/2019/HĐLĐ-TG, hợp đồng có thời hạn là một năm, từ ngày 08/5/2019 đến ngày 08/5/2020. Như vậy, cùng một ngày giữa đôi bên có ký 02 hợp đồng lao động. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn cho rằng sau khi ký hợp đồng thử việc, không rõ lý do nào mà công ty T lại đề nghị ông ký thêm hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm. Lời khai của nguyên đơn thiếu tính hợp lý bởi lẽ giữa ông N và ban lãnh đạo Công ty là không quen biết, Công ty không rõ năng lực làm việc của ông N như thế nào, nên việc ký hợp đồng thử việc là phù hợp với ý chí nguyện vọng của đôi bên. Mặt khác việc ký thêm hợp đồng lao động thứ hai có thời hạn 01 năm với ông N chỉ có thể thông qua thương lương, thỏa thuận chứ không phải là hành động đơn phương của một bên như nguyên đơn trình bày.

[4] Xét, các chứng cứ mà công ty T cung cấp: Tại nội dung tin nhắn của ông N gửi cho ông L ngày 11/5/2019 thể hiện “..., hôm nay N vô làn được 4 ngày rồi, với chức vụ kế toán trưởng, N muốn xin cái hợp đồng để gia hạn bên tín dụng, cái này cty cung cấp được pk (không) L”. Cùng ngày ông Linh gởi tin nhắn cho ông T Giám đốc Công ty “anh N muốn ký hợp đồng chính thức để làm thủ tục vay tài chính theo lương như đã thỏa thuận”, ông T gởi tin nhắn lại “ok” (đồng ý). Từ các chứng cứ nêu trên có thể thấy hợp đồng lao động số 02/2019/HĐLĐ-TG ngày 08/5/2019, thực chất là một hợp đồng giả tạo, mục đích giúp ông N được vay tiền N hàng, nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa đôi bên trong quan hệ lao động.

[5] Từ nhận định trên, có thể thấy ông N tham gia lao động tại công ty T xuất phát từ hợp đồng thử việc số 05/2019/HĐLĐ-TG ngày 08/5/2019. Theo khoản 2 Điều 29 Bộ luật lao đồng năm 2012 thì “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận”. Chính vì vậy, công ty T cho ông N nghỉ việc trong thời gian thử việc là không trái pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông N về việc buộc công ty T phải trả tiền lương trong thời gian ông N không được làm việc, từ ngày 27/5/2019 đến nay là có cơ sở.

[6] Tại phiên Tòa sơ thẩm, nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán tiền lương, theo lãi suất do N hàng nhà nước quy định. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 1 Điều 244 BLTT DS xác định yêu cầu của nguyên đơn là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu, nên không xem xét là đúng.

[7] Do các yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận, các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo nghĩ nên, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí: nguyên đơn được miễn án phí lao động phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về mức thu, miễn giảm, thu, nộp và quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi bổ sung năm 2014;

Tuyên xử:

Giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm số 438/LĐ-ST ngày 12/4/2021 của Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của ông N.

Công ty T phải trả cho ông N tiền lương trong thời gian thử việc từ ngày 08/5/2019 đến ngày 26/5/2019, theo hợp đồng thử việc số 05/2019/HĐLĐ-TG ngày 08/5/2019, là 18.461.000 (mười tám triệu, bốn trăm sáu mươi mốt ngàn) đồng.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông N về việc buộc công ty T phải trả tiền lương trong thời gian ông N không được làm việc, từ ngày 27/5/2019 đến nay.

3. Không xem xét đối với yêu cầu của ông N về việc yêu cầu công ty T phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán tiền lương, theo lãi suất do N hàng nhà nước quy định, do vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

4. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông N về việc công ty T phải nhận ông N trở lại làm việc.

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án đối với bị đơn cho đến khi thi hành án xong, bị đơn còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

5. Công ty T phải hoàn trả cho ông N chi phí giám định tổng cộng là 3.405.000 (ba triệu bốn trăm lẻ năm ngàn) đồng. Tiền chi phí giám định lại là 4.800.000 (bốn triệu tám trăm ngàn) đồng, công ty T tự chịu.

6. Về án phí lao động sơ thẩm: Ông N phải chịu án phí lao động sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận, nhưng thuộc trường hợp miễn nộp toàn bộ tiền án phí;

Công ty T phải chịu án phí lao động sơ thẩm là: 553.830 (năm trăm năm mươi ba ngàn tám trăm ba mươi) đồng.

7. Ông N không phải chịu án phí lao động Phúc thẩm.

8. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2014, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự và Điều 7a, 7b Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

9. Bản án lao động phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay sau khi tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

331
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 645/2021/LĐ-PT

Số hiệu:645/2021/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 29/11/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;