TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CÀ MAU, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 01/2023/LĐ-ST NGÀY 03/02/2023 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN LƯƠNG
Trong các ngày 02, 03 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Cà Mau xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 03/2022/TLST- LĐ, ngày 05 tháng 10 năm 2022 tranh chấp về việc “đòi tiền lương”. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 01/2023/QĐXXST-LĐ ngày 04 tháng 01 năm 2023 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Phan Bích D. Sinh năm 1982 (có mặt) Nơi cư trú: Nhà trọ B, Kinh Xáng Phụng Hiệp, phường 6, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Bị đơn: Hợp tác xã Chế biến Gia súc C.
Trụ sở: Số 29/3, đường L, khóm 4, phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Chí N, chức vụ: Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền ông Công: Ông Lê Hiếu S, sinh năm 1965. Nơi cư trú: Số 29C/3, đường L, khóm 4, phường 4, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau (có mặt)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Lê Chí N (vắng mặt) Nơi cư trú: Số 218, đường Kinh Xáng Phụng Hiệp, khóm 1, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện của nguyên đơn và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án được bổ sung tại phiên tòa, nguyên đơn là bà Phan Bích D trình bày: Bà bắt đầu làm việc tại Hợp tác xã chế biến gia súc C (sau đây gọi tắt là Hợp tác xã) vào năm 2014, công việc là nhân viên kế toán. Đến ngày 01/01/2018 giữa bà và Hợp tác xã thỏa thuận ký hợp đồng lao động số 03, chức danh kế toán, loại hợp đồng không thời hạn, mức lương 4.000.000đ/tháng. Quá trình công tác bà luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc thì bà với Ban giám đốc Hợp tác xã có nhiều vấn đề bất đồng trong công tác. Mặc dù hợp đồng lao động thể hiện lương là 4.000.000đ/tháng nhưng hàng tháng lương thực lãnh của bà chỉ là 3.259.000đ. Mức lương này không đúng với mức lương vùng và mức lương mà bà đóng bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, từ tháng 7/2020 đến tháng 11/2021 Hợp tác xã không trả lương nên ngày 05/11/2021 bà làm đơn xin nghỉ việc. Tại nội dung đơn xin nghỉ việc này Giám đốc là ông Lê Chí Công có ký xác nhận là sẽ giải quyết tiền lương còn thiếu cho bà.
Đến ngày 01/12/2021 Hợp tác xã có Quyết định số: 03/QĐ-HTX về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Bà thống nhất không có ý kiến gì đối với Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động này của Hợp tác xã. Bà yêu cầu Hợp tác xã thanh toán số tiền đúng thực tế như trên Hợp đồng lao động đã thể hiện là 4.000.000đ/tháng. Bảo hiểm xã hội phải đóng hàng tháng là 441.000đ (10,5%/tháng). Tiền lương từ tháng 07/2020 đến tháng 11/2021 là 17 tháng x 4.000.000đ = 68.000.000đ, trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội là 7.491.120đ. Tổng số tiền lương bà yêu cầu là 60.508.880đ và tiền lãi phát sinh theo lãi suất Ngân hàng là 5.6%/năm tính từ thời điểm tháng 08/2020 đến 10/2022 là 7.624.119đ. Tổng số tiền yêu cầu là 67.850.624đ.
Khi tiến hành thủ tục xin thôi việc thì bà đã sắp xếp hồ sơ và tiến hành bàn giao cho kế toán mới. Tuy nhiên, giám đốc và kế toán mới yêu cầu bà phải sửa một vài số liệu trên báo cáo kế toán. Bà đã thực hiện xong theo yêu cầu nên phía Giám đốc mới đồng ý ký biên bản bàn giao ngày 20/02/2022. Việc Hợp tác xã cho rằng bà chưa hoàn thành và có sai sót trong việc bàn giao hồ sơ kế toán là không đúng. Đối với Biên bản đối chiếu xác nhận nợ với Công ty TNHH MTV Hồng Lâm thì đây không phải nhiệm vụ của bà, do phía Công ty Hồng Lâm cho rằng tại thời điểm trước đây có sai sót về số liệu còn nợ lại Công ty nên không đồng ý ký đối chiếu công nợ. Đối với tổng trị giá tài sản cố định của Hợp tác xã chưa khớp sổ sách phía bị đơn trình bày là không đúng. Thực tế số liệu đã khớp nhưng không ai kiểm tra. Nếu thực tế có việc này thì cơ quan thuế đã xử phạt phía Hợp tác xã. Về số liệu chưa khớp với Bảo hiểm xã hội, phía Hợp tác xã yêu cầu chia phần nợ bảo hiểm từng người thì bà đã liên hệ với phía Bảo hiểm xã hội là không thể thực hiện được.
Tại phiên tòa, bà thay đổi yêu cầu thanh toán tiền lương còn nợ là 60.508.880đ và tiền lãi phát sinh theo lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam là 4.9%/năm tính từ thời điểm tháng 01/12/2021 đến 01/02/2023 (14 tháng) là 3.459.000đ.
Tại các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án được bổ sung tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Phan Hiếu S trình bày: Hợp tác xã thừa nhận có ký hợp đồng lao động với bà Phan Bích D và chấm dứt hợp đồng lao động như bà D trình bày. Công việc bà D tiếp nhận tại Hợp tác xã là nhân viên phụ trách công tác kế toán. Quá trình làm việc tại Hợp tác xã thì ngày 05/11/2021 bà D làm đơn xin nghỉ việc và được Ban giám đốc thống nhất nên ngày 01/12/2021 Hợp tác xã có Quyết định số: 03/QĐ-HTX về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà D. Tại thời điểm chấm dứt hợp đồng thì các bên có tiến hành bàn giao công việc. Tuy nhiên, tại thời điểm đó do thời gian gấp nên chưa kiểm tra và phát hiện những sai sót trong công việc của bà D. Hợp tác xã có mời bà D phối hợp để khắc phục nhưng bà D không hợp tác. Hợp tác xã đã đóng bảo hiểm đầy đủ và đã chốt sổ bảo hiểm xong cho bà D.
Nay Hợp tác xã xác định còn nợ bà D lương thực lãnh từ tháng 7/2020 đến tháng 11/2021 (sau khi trừ số tiền đóng bảo hiểm là 441.000đ/tháng) với tổng số tiền là 51.708.880đ. Trong đó: Từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2021 mỗi tháng 3.259.000đ. Đối với tháng 9/2021 và tháng 10/2021 là 1.409.000đ, lý do thời điểm này Hợp tác xã ngưng hoạt động theo Văn bản của UBND thành phố Cà Mau để phòng chống dịch Covid-19 đúng 15 ngày nên chỉ trả lương 15 ngày Hợp tác xã mở cửa hoạt động. Lương tháng 11/2021 là 3.264.880đ.
Việc Hợp tác xã chưa thanh toán lương cho bà D là vì bà D chưa hoàn thành hồ sơ bàn giao kế toán, khắc phục những sai sót theo đúng Luật kế toán hiện hành. Những sai sót như: Chưa có Biên bản đối chiếu xác nhận nợ với Công ty TNHH MTV Hồng Lâm từ tháng 01/2021 đến tháng 11/2021; Tổng trị giá tài sản cố định của Hợp tác xã chưa khớp sổ sách; Bảo hiểm xã hội chưa thống nhất về số liệu, không tách lãi và nợ từng đối tượng là bao nhiêu. Sau khi bà D khắc phục những sai sót trên thì Hợp tác xã sẽ thanh toán ngay tiền lương còn nợ là 51.708.880đ, Hợp tác xã không đồng ý trả tiền lãi số tiền nợ lương theo yêu cầu của bà D.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và nội dung giải quyết vụ án:
Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án là đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Đối với việc giải quyết vụ án: Đề nghị chấp nhận yêu cầu nguyên đơn về việc buộc Hợp tác xã trả lương còn nợ là 60.508.880đ, không chấp nhận yêu cầu nguyên đơn đối với yêu cầu lãi phát sinh. Về án phí: Các đương sự phải chịu theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Chí C có ý kiến yêu cầu Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án vắng mặt đương sự theo quy định tại Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Về quan hệ tranh chấp: Bà Phan Bích D khởi kiện yêu cầu Hợp tác xã chế biến gia súc Cà Mau trả lương còn nợ từ tháng 07/2020 đến tháng 11/2021 là 60.508.880đ và tiền lãi chậm trả lương từ tháng 12/2021 đến tháng 02/2023 nên tranh chấp giữa các đương sự được xác định là tranh chấp đòi tiền lương thuộc thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 32 và Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Về thời hiệu giải quyết vụ án: Bà D xác định sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với Hợp tác xã vào ngày 01/12/2021 thì Hợp tác xã còn nợ lương bà từ tháng 07/2020 đến 11/2021 chưa thanh toán nên ngày 26/9/2022 bà gửi đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu. Do đó thời hiệu giải quyết của vụ án vẫn còn đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 202 Bộ luật lao động.
[4] Tại đơn khởi kiện, bản tự khai bà D yêu cầu Hợp tác xã trả lương từ tháng 07/2020 đến tháng 11/2021 là 60.508.880đ và tiền lãi phát sinh theo lãi suất Ngân hàng là 5.6%/năm tính từ thời điểm tháng 08/2020 đến 10/2022 là 7.624.119đ. Tại phiên tòa, bà D thay đổi yêu cầu khởi kiện đối với tiền lãi phát sinh. Cụ thể bà yêu cầu tiền lãi theo lãi suất Ngân hàng là 4.9%/năm tính từ thời điểm ngày 01/12/2021 đến ngày 01/02/2023 (14 tháng). Việc bà D thay đổi yêu cầu khởi kiện xét thấy không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên được chấp nhận xem xét để giải quyết.
[5] Về nội dung vụ án:
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, nguyên đơn và đại diện bị đơn đều xác định, hiện nay các bên không có tranh chấp về Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 03/QĐ-HTX ngày 01/12/2021 của Hợp tác xã chế biến gia súc Cà Mau đối với bà Phan Bích D. Các bên cũng thống nhất Hợp tác xã còn nợ lương bà D từ tháng 07/2020 đến 11/2021 là 17 tháng lương. Vấn đề tranh chấp còn lại giữa các đương sự là mức lương phải trả hàng tháng, cụ thể bà D yêu cầu trả theo mức lương thỏa thuận tại hợp đồng là 4.000.000đ/tháng, tổng cộng là 60.508.880đ, Hợp tác xã chỉ đồng ý mức lương theo bảng lương do bà D lập trong thời gian còn làm việc tại Hợp tác xã với số tiền tổng cộng là 51.708.880đ, đồng thời Hợp tác xã chỉ trả lương cho bà D khi bà hoàn thành hồ sơ bàn giao kế toán.
[5.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu thanh toán tiền lương từ 07/2020 đến 11/2021 với tổng số tiền là 60.508.880đ thấy rằng: Ngày 01/01/2018, Hợp tác xã chế biến gia súc Cà Mau với bà Phan Bích D có ký kết hợp đồng lao động số 03, loại hợp đồng không thời hạn, mức lương thỏa thuận 4.000.000đ/tháng, chức danh chuyên môn là kế toán. Quá trình làm việc tại Hợp tác xã thực tế lương bà D thực lãnh hàng tháng sau khi trừ đóng bảo hiểm xã hội là 3.259.000đ. Hiện Hợp tác xã chỉ đồng ý thanh toán lương trên mức lương thực lãnh này. Lý do phía đại diện Hợp tác xã cho rằng bà D là kế toán, bảng lương là do bà D lập nên căn cứ vào mức lương này làm cơ sở trả lương cho bà D. Tại phiên tòa, bà D lý giải việc bảng lương do bà lập mức lương thấp hơn so với mức lương thỏa thuận hợp đồng là do khi bà lập bảng lương trình giám đốc ký thì mức lương trả cho nhân viên không căn cứ vào hợp đồng lao động mà do giám đốc quyết định.
Hội đồng xét xử xét thấy, hợp đồng lao động ký kết ngày 01/01/2018 giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật nên có giá trị pháp lý làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án. Theo hợp đồng lao động thì bà D làm việc tại Hợp tác xã với chức danh là kế toán và mức lương thỏa thuận giữa Hợp tác xã với bà D là 4.000.000đ/tháng.
Nay bà D yêu cầu Hợp tác xã thanh toán lương nợ từ tháng 07/2020 đến tháng 11/2021 (17 tháng) với mức lương là 4.000.000đ/tháng. Trên cơ sở quy định của Nghị định số 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại Cà Mau (vùng II) đối với lao động đã qua đào tạo nghề thì mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm năm 2020, 2021 sẽ là 4.194.400đ/tháng. Tại khoản 2 Điều 90 của Bộ luật lao động quy định “mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng”. Như vậy, bà D thuộc trường hợp là lao động đã qua học nghề và ở thời điểm năm 2020, 2021 thì thỏa thuận mức lương giữa bà D với Hợp tác xã đã không còn phù hợp với quy định của Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà D xác định chỉ yêu cầu mức lương theo hợp đồng là 4.000.000đ/tháng, trên cơ sở phạm vi giải quyết vụ án, đồng thời yêu cầu này của bà D có lợi cho bị đơn nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu của bà D đối với việc yêu cầu mức lương 4.000.000đ/tháng làm cơ sở cho việc xem xét tính lương.
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, phía bị đơn xác định chỉ đồng ý thanh toán lương cho bà D sau khi bà D hoàn thành hồ sơ bàn giao kế toán, khắc phục những sai sót như: Chưa có Biên bản đối chiếu xác nhận nợ với Công ty TNHH MTV Hồng Lâm từ tháng 01/2021 đến tháng 11/2021; Tổng trị giá tài sản cố định của Hợp tác xã chưa khớp sổ sách; Bảo hiểm xã hội chưa thống nhất về số liệu, không tách lãi và nợ từng đối tượng là bao nhiêu. Đối với bà D xác định bà đã phối hợp thực hiện bàn giao công việc và đã có biên bản bàn giao ngày 20/02/2022 có xác nhận của giám đốc. Hội đồng xét xử xét thấy đây là việc bàn giao hồ sơ kế toán như phía đại diện bị đơn trình bày không thuộc trường hợp chậm trả lương người lao động. Việc phía Hợp tác xã nợ lương bà D thực tế là có thật. Về nguyên tắc, phía người sử dụng lao động phải thanh toán lương cho người sử dụng lao động đúng hạn. Thực tế phía Hợp tác xã đã nợ lương bà D từ tháng 07/2020 đến tháng 11/2021 nên việc bà D khởi kiện yêu cầu Hợp tác xã thanh toán tiền lương còn nợ là có cơ sở chấp nhận.
Như vậy, tổng số tiền lương phía Hợp tác xã còn nợ bà D là 4.000.000đ x 17 tháng = 68.000.000đ. Bà D đồng ý trừ số tiền đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 07/2020 đến 11/2021 theo như văn bản cung cấp thông tin ngày 08/12/2022 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau xác định là 7.487.004đ. Tổng số tiền lương bà yêu cầu được chấp nhận là 68.000.000đ – 7.487.004đ = 60.512.996đ (làm tròn số là 60.513.000đ).
[5.2] Đối với số tiền nợ lương bà D vào tháng 09 và 10/2021, phía Hợp tác xã cho rằng do ngưng hoạt động theo văn bản của UBND thành phố Cà Mau để phòng chống dịch Covid-19 đúng 15 ngày nên chỉ trả lương 15 ngày Hợp tác xã mở cửa hoạt động. Xét thấy, Hợp tác xã có ngưng hoạt động theo văn bản của UBND thành phố Cà Mau. Tuy nhiên, tại hợp đồng lao động thể hiện lương được trả hàng tháng và cũng không thỏa thuận trường hợp tạm ngưng hoạt động thì được hưởng mức lương bao nhiêu. Đồng thời, tại điều lệ hoạt động của Hợp tác xã cũng không nêu cụ thể vấn đề này. Ngay khi có văn bản tạm ngưng hoạt động của UBND thành phố Cà Mau, phía Hợp tác xã và người lao động cũng không có văn bản, tài liệu nào thể hiện có sự thỏa thuận về việc trừ lương này do đó việc Hợp tác xã trừ 50% tiền lương của bà D đối với tháng 09 và 10/2021 là không có cơ sở chấp nhận.
[5.3] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu thanh toán tiền lãi phát sinh từ ngày 01/12/2021 đến ngày 01/02/2023 theo lãi suất Ngân hàng là 4.9%/năm, thấy rằng: Tại Đơn xin nghỉ việc đề ngày 05/11/2021 của bà D, đại diện phía Hợp tác xã là ông Lê Chí Công đã xác nhận sẽ giải quyết lương cho bà D. Ngày 01/12/2021, Hợp tác xã ra Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà D. Như vậy, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phía bị đơn vẫn không thanh toán lương cho bà D do đó bà D yêu cầu Hợp tác xã thanh toán lãi chậm trả lương tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động là ngày 01/12/2021 đến ngày 01/02/2023 (01 năm 02 tháng) là có cơ sở chấp nhận.
Đối với mức lãi suất bà D yêu cầu là 4.9%/tháng nhận thấy, tại khoán 4 Điều 97 Bộ luật lao động quy định: “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”. Mức lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng tại Ngân hàng mở tài khoản trả lương, thanh toán là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ở thời điểm bà D yêu cầu là 4.9%/năm.
Như vậy, số tiền lãi bà D yêu cầu được chấp nhận là 60.512.996đ x 01 năm 02 tháng x 4.9 %/năm = 3.459.000đ.
[5.4] Như vậy, tổng số bà D yêu cầu Hợp tác xã được chấp nhận là 60.513.000đ + 3.459.000đ = 63.972.000đ.
[6] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 32, 35 và 39 Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ Điều 90, 91, 97 của Bộ Luật lao động năm 2019;
Căn cứ các Điều 3, 5 của Nghị định 90/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động;
Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án.
1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phan Bích D.
Buộc Hợp tác xã chế biến gia súc C có nghĩa vụ trả cho bà Phan Bích D tổng số tiền là 63.972.000đồng (Sáu mươi ba triệu chín trăm bảy mươi hai nghìn đồng).
Kể từ ngày bà D có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Hợp tác xã chế biến gia súc Cà Mau không thi hành xong khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
2/ Án phí lao động: Bà Phan Bích D không phải chịu. Hợp tác xã chế biến gia súc C phải chịu án phí 1.919.000đồng (chưa nộp). Bà D được miễn dự nộp tạm ứng án phí nên không đặt ra việc hoàn lại.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn 15 kể từ ngày được giao bản án hoặc niêm yết bản án theo quy định.
Bản án 01/2023/LĐ-ST về tranh chấp đòi tiền lương
Số hiệu: | 01/2023/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Cà Mau - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 03/02/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về