Bản án về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu số 22/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

 BẢN ÁN 22/2021/DS-PT NGÀY 26/08/2021  VỀ TRANH CHẤP ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG  ĐẤT, YÊU CẦU TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN Sử DỤNG ĐẤT VÔ HIỆU VÀ GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ CủA HỢP ĐÒNG VÔ HIỆU

Ngày 26 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 13/2021/TLPT-DS ngày 10 tháng 3 năm 2021 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Do bản án Dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2021 của  Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/2021/QĐPT-DS ngày 10 tháng 6  năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Ngô Thị Ph, sinh năm 1955; Địa chỉ: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt”  Người đại diện theo ủy quyền: Anh V.X.Th, sinh năm 1975; Địa chỉ: th.H.T, x.H.T, h.K.C, tỉnh Hưng Yên (Văn bản ủy quyền ngày 09 tháng 7 năm 2019); “vắng mặt” 

- Bị đơn: 1. Ông Đỗ Đình B, sinh năm 1964; “vắng mặt”  2. Bà Ngô Thị T, sinh năm 1969; “vắng mặt”  Đều địa chỉ: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Chị Đ.Th.L, sinh năm 1979; Địa chỉ: thôn H.T, xã H.T, huyện K.C, tỉnh  Hưng Yên “vắng mặt” 

2. Anh Đ.Đ.Đ, sinh năm 1982; Địa chỉ: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên; “vắng mặt” 

3. Chị Đ.Th.X, sinh năm 1992; Địa chỉ: thôn Ng.H, xã Ng.L, huyện V.X, tỉnh  Hà Giang; “vắng mặt”

4. Ông L.Th.T1, sinh năm 1965; “vắng mặt” 

5. Bà Đ.Th.T3, sinh năm 1965; “vắng mặt”  Đều địa chỉ: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên;

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, chị Đ.Th.X: Anh V.X.Th, sinh năm 1975; Địa chỉ: thôn Hàm Tử, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên (Văn bản ủy quyền ngày 23 tháng 7 năm 2019); “vắng mặt” 

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X: Ông Ng.H.Th, Luật sư Văn phòng luật sư T.Th thuộc Đoàn luật sư thành phố H.N; “vắng mặt” 

- Người làm chứng:

1. Anh Đ.H.T, sinh năm 1980; “vắng mặt” 

2. Ông Ng.V.T, sinh năm 1959; “vắng mặt” 

3. Bà Đ.Th.X (tên gọi khác là H), sinh năm 1960; “vắng mặt” 

4. Anh Đ.Đ.T, sinh năm 1980; “vắng mặt” 

5. Ông Đ.Tr.N, sinh năm 1956; “vắng mặt” 

Đều địa chỉ: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện ngày 10 tháng 10 năm 2019 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn nguyên đơn Bà Ngô Thị Ph và người đại diện theo ủy quyền Anh V.X.Th trình bày:

Bà Ngô Thị Ph và ông Đ.Đ.Đ, chết ngày 03 tháng 3 năm 2019 có 05 con là chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, anh Đ.Đ.Đ (chết năm 2004, không có vợ con), anh Đ.Đ.Đ (chết năm 2007, không có vợ con), và chị Đ.Th.X. Năm 1993, hộ gia đình ông Đ.Đ.Đ và Bà Ngô Thị Ph có 5 nhân khẩu được chia đất nông nghiệp là bà Ph, anh Đ, anh Đ1, anh Đ2, chị L còn ông Đ3 và chị X không được chia ruộng vì ông Đ3 là công nhân viên nhà nước về hưu, đang làm an ninh tại xã, và chị X không kê khai nhận ruộng để tránh bị phạt do sinh nhiều con. Đất nông nghiệp hộ gia đình được chia gồm thửa đất số 26/39 tờ bản đồ số 11, diện tích 360m2; thửa đất số 23/4 tờ bản đồ số 09, diện tích  630m2; thửa đất số 25/8 tờ bản đồ số 11, diện tích 180 m2 và thửa đất số 25/21 tờ bản  đồ số 11, diện tích 1.800 m2. Tổng diện tích là 1.350m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 636QSDD/7 cho hộ gia đình ông Đ.Đ.Đ3.

Năm 2004 vợ chồng bà Ph cho vợ chồng Bà Ngô Thị T và Ông Đỗ Đình B thầu diện tích 180m2 (05 miếng) có số thửa 25/8 tờ bản đồ số 11, tại khu Vườn Cam. Thời hạn thuê 05 năm, tổng giá tiền thuê đất cho cả 5 năm là 875.000 đồng, vợ chồng ông B bà T đã trả đủ số tiền thuê đất.

Khi hết thời hạn thuê thầu, bà Ph yêu cầu trả ruộng nhưng bà T, ông B bảo là  ông Đ3 đã cho thuê thêm mấy năm nữa, đồng thời ông Đ3 cũng cho thuê thêm thửa  25/21 tờ bản đồ số 11 diện tích 180m2 cũng tại khu Vườn Cam. Đến giữa năm 2013 bà Ph và chị X đến nhà để đòi ruộng thì bà T, ông B vẫn bảo là còn mấy năm nữa mới hết hạn, khi nào hết hạn thì sẽ trả lại ruộng.

Tháng 03 năm 2019 khi ông Đ3 mất, chị Loan và anh Đoài xuống hỏi thì bà T, ông B lại nói ông Đ3 đã bán thẳng cho bà T, ông B hai thửa ruộng trên. Khi bà Ph và anh Đoài xuống hỏi bà T, ông B đã đưa cho xem Giấy mua bán ruộng giữa ông Đ3 và ông B, bà T nên anh Đoài đã dùng điện thoại để chụp lại, in ra và bà Ph đã giao nộp cho Tòa án.

Trên thửa đất số 25/8 tờ bản đồ số 11 diện tích 180m2 và thửa số 25/21 tờ bản đồ số 11 diện tích 180m2 của gia đình bà Ph vẫn do ông B, bà T đang canh tác, nhưng bà không biết đã trồng gì trên đất.

Do nhiều lần bà và các con đòi lại ruộng nhưng bà T ông B không trả lại và UBND xã Tứ Dân nhiều lần hòa giải nhưng không thành nên bà khởi kiện yêu cầu bà T và ông B trả lại cho bà và các con (Chị Loan, chị X, anh Đoài) hai thửa đất nông nghiệp số 25/8, tờ bản đồ số 11 diện tích 180m2 và số 25/21, tờ bản đồ số 11 diện tích  180m2 tại khu Vườn Cam vì hai thửa đất này là được cấp cho hộ gia đình nhà bà Ph không phải cho một mình ông Đ3. Do không biết Giấy mua bán đất giữa ông Đ3 và ông B, bà T là thật hay giả, nên bà đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng chuyển  nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp ngày 08/10/2012 giữa ông Đ3 và ông B, bà T  vì ông Đ3 không được chia đất nông nghiệp nhưng đã tự ý chuyển nhượng đất không  được sự đồng ý thống nhất của bà và các con do đó bà không phải chịu trách nhiệm về số tiền 60.000.000 đồng ghi trong giấy trong trường hợp Tòa án hủy hợp đồng.

Đối với các cây trồng, công trình trên đất thì đề nghị ông bà phải di dời đi để trả lại mặt bằng cho gia đình bà Ph. Từ khi ông bà làm ruộng cho đến nay thì không hề có việc vượt lập mặt đất ruộng lên mà vẫn như cũ nên bà Ph và gia đình không nhất trí nếu như Tòa án buộc phải bà Ph phải thanh toán tiền công vượt lập cho ông B, bà T.

Bị đơn Bà Ngô Thị T, và Ông Đỗ Đình B trình bày:

Ông bà có thỏa thuận thuê thầu của ông Đ3 360m2 đất nông nghiệp ở khu vườn Cam với giá thuê thầu là khoảng 180.000 đồng đến 200.000 đồng/một sào/một năm. Hai bên không làm văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng, thời hạn cho thuê thầu là 5 năm một chương. Tiền thuê thầu ông bà trả luôn một chương cho ông Đ3. Việc thuê thầu này chỉ có ông bà và ông Đ3 thỏa thuận với nhau, khi đó các con và vợ ông Đ3 đều đi vắng không có ở nhà. Ông Đ3 có nói là ông Đ3 là chủ gia đình, ông Đ3 có toàn quyền quyết định việc cho thuê thầu ruộng này, do vậy ông bà mới yên tâm thuê thầu. Tuy nhiên cụ thể thời điểm ông bà thuê thầu ruộng của nhà ông Đ3 là khi nào thì không nhớ rõ vì do thời gian đã lâu và ông bà cũng làm sản của nhiều nhà không chỉ riêng nhà ông Đ3. Tháng 12/2012 chỉ còn hai năm nữa là hết chương thì ông Đ3 có  nói với ông bà là muốn bán diện tích đất 360m2  đang cho thuê thầu, ông bà có hỏi  ông Đ3 là việc mua bán đất có hỏi ý kiến của vợ con chưa thì ông Đ3 lại khẳng định ông Đ3 là chủ gia đình có toàn quyền quyết định. Do vậy đến ngày 08/10/2012 tại nhà ông bà, ông Đ3 đọc cho ông B viết thỏa thuận chuyển nhượng đất nông nghiệp tại vườn cam có sự chứng kiến của ông Đ.Đ.T và ông Đ.Đ.Th nhưng hai bên không đến Ủy ban nhân dân xã kê khai và làm thủ tục chuyển nhượng. Bà Ph và anh Đ đã nhiều lần đến hỏi về ruộng đều được thông báo là ông Đ3 đã chuyển nhượng đất nhưng đều không có ý kiến. Trong quá trình sử dụng, vợ chồng ông đã bồi đắp đất và kè bờ hết khoảng 100.000.000 đồng, tuy nhiên vợ chồng ông không yêu cầu xem xét mà sau này vợ chồng ông sẽ thỏa thuận với bà Ph sau. Tại lời khai ngày 06 tháng 3 năm 2020 ông B không nhất trí yêu cầu khởi kiện vì đã nhận chuyển nhượng ruộng và gia đình bà Ph biết nhưng không có ý kiến, nếu gia đình bà Ph lấy lại ruộng thì phải trả số tiền 200.000.000 đồng gồm số tiền 60.000.000 đồng đã trả cho ông Đ3, còn lại là tiền vợ chồng ông đã vượt lập, tôn tạo xây kè đối với hai thửa ruộng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ và chị Đ.Th.X cùng người đại diện theo ủy quyền Anh V.X.Th trình bày: Nhất trí với lời khai và quan điểm của bà Phạm Thị Phán  Ông L.Th.T1, bà Đ.Th.T3 trình bày: Vào năm 1993 khi nhà nước thực hiện chia ruộng đất thì gia đình ông, bà cũng được chia 3 thửa ruộng tại khu vườn Cam thuộc thửa 25/8, 25/21. Thửa số 25/8 nhà ông bà giáp với thửa đất của nhà ông Đ3, bà Ph. Khi canh tác trên ruộng ông bà thấy ông B, bà T canh tác trên thửa đất nông nghiệp của nhà bà Ph liền kề với đất nhà ông bà và trên một thửa đất khác cũng của nhà bà Ph nhưng chạy sâu vào trong khoảng hơn 100m. Ông B, bà T nói với ông bà  là đã mua đứt hai thửa đất đó của nhà bà Ph nên ngày 23/11/2018 ông, bà với ông B, bà T đã thỏa thuận đổi ruộng cho nhau. Cụ thể ông bà sẽ canh tác diện tích đất nông nghiệp của nhà bà Ph mà ông B bà T đã mua liền kề với thửa 25/8 của nhà ông bà và diện tích đất nhà ông B, bà T được chia liền kề với diện tích đất nhà bà Ph. Ngược lại ông B, bà T sẽ làm 2 thửa đất 25/21 của nhà ông bà được chia cũng tại khu vườn Cam. Việc đổi đất này chỉ do ông bà quyết định và canh tác trên diện tích đất đổi với ông B, bà T, không liên quan gì đến ai trong gia đình ông bà.

Khi đổi đất hai bên có làm Giấy chứng nhận, ông Toản và ông B đại diện ký vào giấy chứng nhận, ngoài ra còn có xác nhận của ông Tùng trưởng khu 10 và ông Khá trưởng thôn. Ngoài ra hai bên thỏa thuận miệng với nhau là đối với cây cối trên diện tích đất đã đổi cho nhau thì bên nào canh tác trên diện tích đất nào sẽ hoàn toàn  được tiếp quản và toàn quyền định đoạt.

Thời điểm đổi ruộng thì trên diện tích mà ông B bà T mua của nhà bà Ph (liền kề với thửa 25/8 của nhà ông bà) có trồng một số cây Nhãn, Bưởi Diễn, Đu đủ. Ở hai đầu thửa ruộng thì ông Toản, bà Tuyết có xây tường gạch chỉ cao khoảng 40 cm, trên có căng lưới sắt và đóng cọc sắt. Thời điểm năm 1993 khi nhà nước chia ruộng thì khu ruộng này là khu ruộng cấy nên rất thấp, thửa 25/8 nhà ông bà phải tôn tạo lên khoảng 60 cm - 70 cm mới được như hiện nay, phần đất nhà ông Đ3 liền kề nhà ông bà đã bán cho nhà ông B thấp hơn bề mặt ruộng nhà ông bà khoảng 30 cm. Như vậy so với thời điểm được chia ruộng thì nhà ông B bà T cũng vượt lập bề mặt ruộng lên khoảng 30 cm mới được như hiện nay.

Đối với thửa ruộng nhà bà Ph phía trong mà theo ông B bà T nói là cũng đã mua đứt của nhà bà Ph thì bề mặt ruộng hiện nay cũng phải vượt lập lên khoảng  30cm so với thời điểm được chia ruộng vì thửa 25/21 nhà ông bà cũng gần thửa ruộng này.

Bà Ph khởi kiện đòi nhà ông B, bà T hai thửa đất 25/8 và 25/21 tại khu vườn Cam, trong đó có thửa 25/8 ông bà đã đổi cho ông B, bà T, ông bà đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Còn việc đổi đất và cây cối hoa màu, công trình trên diện tích đất của ông bà đã đổi cho ông B, bà T thì hai bên sẽ tự giải quyết với nhau mà không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Người làm chứng ông Đ.Đ.T1 trình bày: Năm 2012 ông đang làm trưởng thôn M.X, xã T.D. Về nguồn gốc của 2 thửa đất 25/8 và 25/21 tại khu vườn Cam của hộ gia đình ông Đ3 là được nhà nước chia theo Nghị quyết 03 và Luật đất đai năm 1993. Nhưng cụ thể hộ gia đình nhà bà Ph những ai thuộc diện được chia thì ông không nắm được. Trước năm 2012 hộ gia đình bà Ph đã cho ông B, bà T thuê đất hàng năm, đến năm 2012 ông Đ3 đã chuyển nhượng hai thửa đất trên cho ông B, bà T với số tiền chuyển nhượng là 60.000.000 đồng. Ông và ông Đ.Đ.Th cùng chứng kiến việc hai bên viết giấy chuyển nhượng nên đã ký chứng kiến trong đó ông ký với tư cách là đại diện cơ sở thôn.

Ông Ng.V.T2 phụ trách đội sản xuất khu 10 thôn M.X trình bày theo quyển sổ  được ông Tuyển bàn giao thì chỉ ghi hộ ông Đ3 có 05 nhân khẩu được chia ruộng. Ông B, bà T đã canh tác ruộng của ông Đ3, bà Ph và đến tháng 10 năm 2018 đã chuyển đổi ruộng với ông Toản, bà Tuyết cùng ở khu vườn Cam nên ông Toản bà Tuyết là người sử dụng ruộng của gia đình ông Đ3; Khi đổi đất, hai bên có làm văn bản đổi ruộng lấy xác nhận của trưởng khu.

Bà Đ.Th.H trình bày: Năm 1999 khi là trưởng khu 10 phụ trách đội sản xuất đã  chép từ sổ viết tay của ông Đ.Q.X (trưởng khu, đã chết) xác định nhà ông Đ.Đ.Đ3 có  05 nhân khẩu được chia ruộng nhưng không thể hiện người được chia. Năm 2002 bà đã bàn giao sổ cho anh Tuyển và hiện nay anh Tuyển đã bàn giao cho anh Tùng.

Ông Đ.Tr.N, nguyên chủ tịch UBND xã T.D và ông Ng.H.Đ, nguyên cán bộ địa chính xã đều xác định: Vào thời điểm năm 1993 thực hiện nghị quyết 03 ngày  05/4/1988 của Bộ chính trị và nghị quyết 03 của thường vụ tỉnh Hải Hưng về việc giao đất lâu dài cho nhân khẩu địa phương đã tiến hành rà soát các nhân khẩu thuộc diện được chia ruộng, chốt nhân khẩu đến trước ngày 01/4/1993. Theo nghị quyết, cán bộ nghỉ hưu không thuộc diện được chia ruộng, còn cán bộ nghỉ mất sức được  hưởng 50% diện tích ruộng được chia cho một nhân khẩu bình thường. Khi đó ông  Đ3 là cán bộ nghỉ mất sức nên ông Đ3 chỉ được giao 50% diện tích ruộng được chia cho một nhân khẩu bình thường, cụ thể 1 suất ruộng được chia là 0,85 sào đối với đất loại ruộng A, loại ruộng B thì thêm 10% diện tích, loại ruộng C được thêm 20% diện tích, và loại ruộng D được thêm 30% diện tích. Tại khu cánh đồng vườn Cam là đất ruộng loại A nên 1 nhân khẩu được chia đúng diện tích là 0,85 sào/1 suất. Tuy nhiên cụ thể gia đình ông Đ3 bà Ph có bao nhiêu nhân khẩu được chia ruộng và cụ thể là những nhân khẩu nào thì các ông không nắm được.

Xác minh tại ban địa chính xã T.D xác định: Nguồn gốc của 2 thửa đất 25/8 và  25/21 tại khu vườn Cam của hộ gia đình ông Đ3 là được nhà nước chia năm 1993, đã  được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1997 cho hộ gia đình ông Đ.V. Đ. Hộ gia đình ông Đ3, bà Ph có 5 nhân khẩu được chia ruộng, nhưng cụ thể những nhân khẩu nào thuộc diện được chia ruộng thì hiện tại không có tài liệu nào lưu trữ thể hiện. Hiện nay trên sổ sách địa chính lưu trữ tại xã thì hai thửa đất trên vẫn đứng  tên chủ sử dụng đất là hộ gia đình ông Đ3 và đều là đất trồng cây hàng năm. Một số  hộ dân canh tác tại khu Vườn Cam nói riêng và trong toàn xã T.D nói chung có phong trào tự chuyển đổi mục đích thành trồng cây lâu năm, trong đó có thửa 25/8 của nhà bà Ph. Việc chuyển đổi này địa phương có nắm được, tuy không nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi nhưng nhằm tăng giá trị sử dụng đất và giá trị kinh tế nên vẫn có thể cho tồn tại.

Thời điểm Nhà nước giao nước giao đất thì hai thửa đất trên là khu đất trồng lúa, trong quá trình sử dụng các hộ dân đã tôn tạo vượt lập lên, tuy nhiên cụ thể vượt lập lên bao nhiêu so với thời điểm giao đất thì địa phương không nắm rõ.

Khi  thực hiện dự án do đạc VLAP thì thửa đất 25/8 được đo gộp vào với thửa  đất của gia đình ông B, bà T liền kề và đất của một số hộ khác liền kề có số thửa là  775, tổng diện tích 669,5m2, đứng tên chủ sử dụng đất là ông B, bà T. Đối với thửa  25/21 thì có số thửa là 714, diện tích là 191,7m2 vẫn đứng tên chủ sử dụng đất là ông  Đ3, sự biến động về diện tích đất là do sai số khi đo.

Việc chuyển đổi, chuyển nhượng đất giữa gia đình ông Đ3, bà Ph với đình ông B, bà T cũng như giữa gia đình ông B, bà T với gia đình ông Toản, bà Tuyết thì xã đều không nắm được vì các bên không ra xã kê khai và làm thủ tục.

Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản xác định: Thửa đất nông nghiệp kê khai đăng ký số 25/8, tờ bản đồ số 11 tại khu vườn Cam thôn Mạn Xuyên tổng diện tích 178,4m2  giá trị 27.255.595 đồng; công bồi đắp nâng lên 30cm giá trị  8.322.360 đồng; phía Đông xây tường bằng gạch cao 40cm, dài 07,51m giá trị  1.427.000 đồng; trên căng lưới sắt B40 cao 1,5m có 02 cọc sắt         giá trị 760.000 đồng; phía Tây xây tường bằng gạch cao 40cm, dài 7,42m giá trị 1.410.000 đồng; trên căng lưới sắt B40 cao 1,5m có hai cọc sắt        giá trị 751.000 đồng. Trên đất có  09 cây nhãn giá trị 33.750.000 đồng, 07 cây Bưởi giá trị 9.660.000 đồng và 04 cây đu đủ giá trị 240.000 đồng; Tổng giá trị công vượt lập, công trình và cây lâu năm trên đất là 56.320.360 đồng.

Thửa đất nông nghiệp kê khai đăng ký số 25/21, tờ bản đồ số 11 tại khu vườn Cam thôn Mạn Xuyên tổng diện tích 188,6m2 giá trị 28.813.930 đồng; được bồi đắp nâng lên 30cm giá trị 8.798.190 đồng; phía Đông xây tường bằng gạch cao 60cm, dài  5,62m giá trị 1.602.000 đồng; trên có 04 cọc bê tông kích thước (10x20)cm cao 1,5m  giá trị 251.000 đồng; phía Tây xây tường bằng gạch đỏ cao 60cm, dài 6,07m giá trị  1.730.000 đồng; trên có 04 cọc bê tông kích thước (10x20)cm cao 1,5m giá trị  251.000 đồng; Trên đất trồng hoa màu ngắn ngày và gieo hạt giống rau nên không  định giá. Tổng giá trị công bồi đắp và công trình trên đất 12.632.190 đồng.

Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2020/DS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu đã quyết định: Căn cứ các Điều 107, 109, 122, 127,  128, 134, 137, 141, 688, 689, 701 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 128 Luật đất đai năm 2013; Điều 357; Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị quyết số 326/ 2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc  hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí  Tòa án, xử:

Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa ông  Đ.Đ.Đ3 (Đỗ Văn Đãi) với Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T vô hiệu.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Ngô Thị Ph.

Buộc ông B, bà T phải trả lại cho bà Ph, chị Loan, chị X, anh Đoài hai thửa đất nông nghiệp số 25/8 tờ bản đồ số 11 diện tích 188,6m2  và số 25/21 tờ bản đồ số 11  diện tích 178,4m2 tại khu Vườn Cam, thôn Mạn Đường, xã Tứ Dân cùng toàn bộ cây cối hoa màu, công trình xây dựng có trên đất. (Có sơ đồ kèm theo).

Buộc Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, chị Đ.Th.X phải có trách nhiệm trả cho Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T tổng giá trị vượt lập đất, công trình vật kiến trúc và cây cối có trên hai thửa đất nông nghiệp số 25/8 tờ bản đồ số 11 diện tích  188,6m2 và số 25/21 tờ bản đồ số 11 diện tích 178,4m2 tại khu Vườn Cam, thôn Mạn Đường, xã Tứ Dân là 68.952.550 đồng (Sáu mươi tám triệu chín trăm năm mươi hai nghìn năm trăm năm mươi đồng) và 60.000.000 đồng (Sáu mươi triệu đồng) mà ông Đ3 đã nhận tổng bằng 128.952.550 đồng (Một trăm hai mươi tám triệu chín trăm năm mươi hai nghìn năm trăm năm mươi đồng), đối trừ tiền sản mà vợ chồng Ông Đỗ  Đình B, Bà Ngô Thị T phải thanh toán cho Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, chị Đ.Th.X trong 8 năm là 7.200.000 đồng (Bẩy triệu hai trăm nghìn đồng). Bà Ngô  Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, chị Đ.Th.X còn phải trả cho Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T số tiền là 121.752.550 đồng (Một trăm hai mươi mốt triệu bẩy trăm năm mươi hai nghìn năm trăm năm mươi đồng).

Bản án còn quyết định về lãi suất chậm thi hành án, án phí và quyền kháng cáo. Ngày 15 tháng 02 năm 2021 nguyên đơn Bà Ngô Thị Ph kháng cáo toàn bộ  bản án vì bản án không khách quan, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

Tại phiên tòa:

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm, thư ký phiên tòa thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Về đường lối giải quyết vụ án: Cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là Kiện đòi tài sản mà phải xác định quan hệ tranh chấp là Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cấp sơ thẩm buộc ông B, bà T trả bà Phấn và các con tiền hoa lợi, lợi tức là không đúng quy định tại Điệu 137 BLDS năm 2005, khi tuyên hợp đồng vô hiệu không xác định số tiền chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá theo biên bản định giá là không đúng nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp và hậu quả của hợp đồng vô hiệu.

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Bị đơn Ông Đỗ Đình B và Bà Ngô Thị T đã được triệu tập hợp lệ lần thứ  hai và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng người bảo vệ quyền,  lợi ích hợp pháp đều có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nên Tòa án xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả lại quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Đ.Đ.Đ3 (Đỗ Đức Đãi) và vợ chồng Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T do vi phạm về trình tự, thủ tục, đồng thời quá trình giải quyết nguyên đơn không chấp nhận trả số tiền đã nhận theo hợp đồng. Do yêu cầu trả lại đất có liên quan đến giao dịch dân sự nên yêu cầu của nguyên đơn đã bao gồm yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, nguyên đơn không chấp nhận trả lại số tiền đã nhận, là nghĩa vụ của hợp đồng vô hiệu, nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đòi quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp là chưa đầy đủ và không đúng yêu cầu khởi kiện.

[3] Nguyên đơn và người có quyền lợi liên quan đều công nhận ông Đ.Đ.Đ3 và chị Đ.Th.X không được chia đất nông nghiệp phù hợp với cung cấp của Ủy ban nhân dân xã Tứ Dân và người làm chứng nên theo Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự là tình tiết không phải chứng minh.

[4] Ông Đ.Đ.Đ3, chết ngày 03 tháng 3  năm 2019 và Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 2012, các bên đều thừa nhận hợp đồng chưa được công chứng, chứng thực nên theo Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 pháp luật áp dụng là Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Đất đai năm 2003, Nghị  quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Bộ luật Dân sự năm 2015.

[5] Nguyên đơn và người liên quan đứng về phía nguyên đơn đều công nhận Bà Ngô Thị Ph và ông Đ.Đ.Đ3 có 05 con là chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, anh Đ.Đ.Đ, anh Đ.Đ.Đ2, và chị Đ.Th.X; anh Đ.Đ.Đ3, chết năm 2004 và anh Đ.Đ.Đ4, chết năm 2007 đều không có vợ con, di sản của ông Đ.Đ.Đ3 chưa chia thừa kế nên theo Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2015 bà Ph, chị Loan, anh Đoài và chị X là người thừa kế của ông Đ3 có các quyền, nghĩa vụ vụ tài sản do người chết để lại.

[6] Nguyên đơn, luật sư xác định giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa ông Đ.Đ.Đ3 và Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T là Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất tuy nhiên chính nguyên đơn thừa nhận đã chụp lại và in văn bản thỏa thuận giữa ông Đ3 với ông B, bà T để cung cấp cho Tòa án, sự thừa nhận của nguyên đơn cùng  người liên quan đứng về phía nguyên đơn phù hợp với lời khai của người làm chứng Đ.Đ.T, Đ.Đ.Th đã có đủ căn cứ xác định ngày 08 tháng 10 năm 2012 ông Đ.Đ.Đ3 thỏa thuận bằng văn bản với vợ chồng Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T nội dung “1  xào ruộng diện tích là hai nơi ở vườn cam... tôi đã chuyển nhượng bán cho vợ chồng anh Đ.Đ.B Tấm vĩnh cửu lâu dài với số tiền là sáu mươi triệu đồng vậy số tiền này anh Đ.Đ.B đã giao trả đủ cho chú Đ.Đ.Đ... Kể từ ngày 8/10/2012 vợ chồng anh  Đ.Đ.B được quyền sở hữu số ruộng đó và khi luật đất đai thay đổi chia lại gia đình chú Đãi phải trả đủ số diện tích trên cho vợ chồng anh Bích” nên theo Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005 giao dịch giữa ông Đ3 và ông B, bà T ghi ngày 08/10/2012 có sự chứng kiến của ông Đ.Đ.T, Đ.Đ.Th là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp do đó không có căn cứ chấp nhận quan điểm của nguyên đơn và luật  sư, cấp sơ thẩm xác định ông Đ3 chuyển nhượng đất nông nghiệp cho ông B, bà T là  có căn cứ, đúng pháp luật.

[7] Theo nội dung văn bản ghi ngày 08 tháng 10 năm 2012 ông Đ3 chuyển nhượng cho ông B, bà T “01 xào ruộng diện tích là hai nơi ở Vườn Cam” tuy không xác định diện tích và vị trí đất chuyển nhượng nhưng sự thừa nhận của các đương sự phù hợp với cung cấp của Ủy ban nhân dân xã Tứ Dân có đủ căn cứ xác định đất nông nghiệp ông Đ3 chuyển nhượng cho ông B, bà T là thửa đất kê khai đăng ký số  25/8, đo thực tế diện tích 178,4m2  giá trị 27.255.595 đồng đang do vợ chồng ông  Toản, bà Tuyết sử dụng và thửa đất kê khai, đăng ký số 25/21, đo thực tế diện tích  188,6m2  giá trị 28.813.930 đồng đều thuộc tờ bản đồ số 11, địa chỉ th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên.

[8] Đánh giá hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấy mặc dù hợp đồng được lập thành văn bản nhưng các bên không thỏa thuận về diện tích, vị trí, ranh giới đất, hai bên chưa làm thủ tục chuyển nhượng đất theo quy định đồng thời ông B, bà T thừa nhận khi trao đổi về việc chuyển nhượng đất đã hỏi ông Đ3 về ý kiến của vợ con thì được ông Đ3 trao ông là chủ gia đình nên có quyền quyết định chứng tỏ khi hai bên thỏa thuận chuyển nhượng đất bà Ph và các con không biết trong khi ông Đ3, là chủ hộ nhưng không được chia đất nông nghiệp nên theo khoản 2 Điều  109, Điều 122, Điều 124, Điều 127, Điều 128; Điều 689 và Điều 694 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 127 Luật Đất đai năm 2003 là hợp đồng vô hiệu do vi phạm về nội dung và hình thức. Cấp sơ thẩm xử hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Đ3 và vợ chồng ông B, bà T vô hiệu là đúng pháp luật.

[9] Nguyên đơn và luật sư xác định yêu cầu của bị đơn buộc nguyên đơn phải trả số tiền 200.000.000 đồng nếu lấy lại ruộng là yêu cầu phản tố nhưng được đưa ra sau phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải nên không được xem xét trong vụ án theo khoản 1 Điều 200 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử thấy yêu cầu của ông B, bà T là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu vô hiệu theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xác định thiệt hại khi giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nên được xác định là ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do đó không có căn cứ chấp nhận quan điểm của nguyên đơn và luật sư, cấp sơ thẩm xem xét, giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu trong vụ án là phù hợp quy định của pháp luật.

[10] Xét kháng cáo cấp sơ thẩm buộc ông B, bà T phải trả đất nông nghiệp đã chuyển đổi với vợ chồng ông L.Th.T1, bà Đ.Th.T3 là không đúng và chưa xác định tài sản trên đất là của ông B, bà T với tài sản của ông Toản, bà Tuyết nhưng lại trả ông B, bà T giá trị tài sản trên đất thấy ông Toản và bà Tuyết (bút lục 88, 89) xác định “ Do ông B, bà Ph nói là đã mua đứt thửa đất này của nhà bà Ph thì vợ chồng tôi mới đổi do vậy tôi đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật còn việc đổi đất và cây cối hoa màu, công trình trên diện tích đất của gia đình tôi đổi cho ông B, bà T làm thì giữa chúng tôi sẽ tự giải quyết với nhau, tôi không yêu cầu Tòa án giải quyết, khi nào cần tôi sẽ đề nghị Tòa án giải quyết bằng 1 vụ án khác” đồng thời diện tích đất kê khai, đăng ký thửa số 25/8, tờ bản đồ số 11 theo cung cấp của Ủy ban nhân dân xã Tứ Dân khi đo đạc theo dự án VLAP được đo gộp vào thửa của ông B, bà T nên cấp sơ thẩm buộc ông B, bà T hoàn trả tài sản đã nhận đồng thời giao ông B, bà T được nhận tiền bồi thường thiệt hại là phù hợp quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên do ông T, T1 đang quản lý, sử dụng đất nên sẽ sửa án sơ thẩm buộc ông Toản, bà Tuyết liên đới ông B, bà T trả thửa đất kê khai đăng ký thửa đất số 25/8, tờ bản đồ số 11.

[11] Xét kháng cáo không chấp nhận trả số tiền 60.000.000 đồng,  và bồi thường thiệt hại vì ông B, bà T không xuất trình hợp đồng đã ký cùng chứng cứ chứng minh thiệt hại thấy nguyên đơn thừa nhận bản phô tô hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất xuất trình cho Toà án là do nguyên đơn chụp lại hợp đồng giữa ông Đ3 với vợ chồng ông B, sự thừa nhận của nguyên đơn phù hợp với lời khai của người làm chứng ông Đ.Đ.T, trưởng thôn và ông Đ.Đ.Th là người ký chứng kiến trong hợp đồng đã có căn cứ xác định ông Phán đã nhận đủ số tiền chuyển nhượng đất 60.000.000 đồng như thỏa thuận. Mặt khác bà Ph thừa nhận đã cùng các con nhiều lần đến yêu cầu nhận lại ruộng để sử dụng nhưng ông B, bà T đều nói chưa hết thời hạn thuê đất trong khi bà đang sống cùng ông Đ3 nên nếu ông Đ3 chỉ cho thuê đất thì bà có đủ điều kiện để biết thời hạn cho thuê đất không phải đòi nhiều lần . Do đó có căn cứ xác định bà Ph biết ông Đ3 đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận đủ tiền theo thỏa thuận, cấp sơ thẩm buộc các thừa kế của ông Đ3 hoàn trả số tiền 60.000.000 đồng ông Đ3 thừa nhận trong hợp đồng đã nhận đủ và bồi thường thiệt hại là phù hợp Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10 tháng 8 năm  2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Ph.

[12] Nguyên đơn và người liên quan đứng về phía nguyên đơn không công nhận ông B, bà T tôn cao đất trong quá trình sử dụng nhưng sau khi Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nguyên đơn, và người liên quan cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh, thực tế theo cung cấp của Ủy ban nhân dân xã Tứ Dân diện tích đất chuyển đổi là khu đất trồng lúa, quá trình sử dụng các hộ dân có tôn tạo, tu bổ để chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với lời khai của ông Toản, bà Tuyết và thực tế đất đã được trồng cây lâu năm nên cấp sơ thẩm xác định đất chuyển  nhượng đã được tôn tạo tu bổ, nâng cao lên 30cm là có căn cứ, nên cấp sơ thẩm xác định số tiền ông B, bà T chi phí để nâng cao giá trị đất tương ứng với công sức nâng cao đất nông nghiệp 30cm, tài sản trên đất và giá trị cây lâu năm trên đất tổng số tiền  68.952.550 đồng là phù hợp thực tế nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bà  Ph và quan điểm của luật sư.

[13] Về thiệt hại, Hội đồng xét xử thấy theo Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thiệt hại do hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Đ3 với ông B, bà T vô hiệu đối với ông B, bà T là khoản tiền đã đầu tư để cải tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình, tài sản, cây lâu năm trên đất tổng giá trị 68.952.550 đồng và thiệt hại của các thừa kế của ông Đ3 là khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất theo thỏa thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm là 3.930.475 đồng (60.000.000 đồng - 56.069.525 đồng). Cấp sơ thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu nhưng lại xác định thiệt hại của bà Ph là số tiền cho thuê ruộng trong thời gian ông B, bà T sử dụng ruộng tương ứng số tiền 7.200.000 đồng là không có căn cứ.

[14] Ông B, bà T công nhận khi thoả thuận nhận chuyển nhượng đất bà Ph và các con không biết, hợp đồng chuyển nhượng chưa được công chứng chứng thực và sau khi nhận chuyển nhượng các bên chưa làm thủ tục đăng ký, kê khai theo quy định nên theo điểm a và điểm b mục 2.4 điểm a và điểm b tiểu mục 2.4 mục 2 Phần I của Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao các bên đều có lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu, cấp sơ thẩm xác định mỗi bên phải chịu thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi 50% của mình là chưa đúng vì ông Đ3 không được chia đất nông nghiệp nhưng đã tự quyết định chuyển nhượng đất, khi ông Đ3 còn sống gia đình bà Ph cũng không có ý kiến đối với việc ông Đ3 chuyển nhượng đất nên lỗi chính phải thuộc về ông Đ3 ty nhiên do ông B, bà T không kháng cáo nên sẽ giữ nguyên mức độ lỗi của các bên như cấp sơ thẩm xác định, do đó sẽ buộc bà Ph, chị Loan, anh Đoài và chị X liên đới bồi thường ông B, bà T số tiền 32.511.000 đồng [(68.952.550 đồng - 3.930.475 đồng) : 2].

[15] Do đất được chia chung cho hộ gia đình, các đương sự không yêu cầu xác định phần tài sản trong khối tài sản chung và di sản của ông Đ3 chưa chia thừa kế nên sẽ chia theo phần buộc bà Ph, chị L, anh Đ và chị X mỗi người bồi thường số tiền  8.127.750  đồng  (32.511.000  đồng  :  4)  và  hoàn  trả  số  tiền  15.000.000  đồng  (60.000.000 đồng : 4), tổng cộng 23.127.750 đồng.

[16] Án phí: Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án cấp sơ thẩm miễn án phí dân sự sơ thẩm đối với bà Ph là đúng khoản 3 Điều 12 nhưng không buộc anh Đ, chị L và chị X phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là không phù hợp điểm b khoản 7 Điều 17 nên sẽ buộc anh Đ, chị  L và chị X mỗi người phải chịu 1.156.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm [5% x (15.000.000 + 83127.750) đồng]. Cấp sơ thẩm buộc Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T phải chịu án phí không có giá ngạch đối với yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và yêu cầu đòi tài sản được chấp nhận của bà Ph là đúng pháp luật. Do sửa án sơ thẩm và bà Ph được miễn án phí nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[17] Quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên toà chưa phù hợp nên không được chấp nhận.

[18] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị  nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Bà Ngô Thị Ph, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2021/DS-ST ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, xử:

Căn cứ Điều 147, Điều 148, và khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự. Khoản 2 Điều 109, Điều 122, Điều 124, Điều 127, Điều 128; Điều 689; Điều 694 và Điều 697 Bộ luật Dân sự năm 2005. Điều 357, Điều 468, Điều 614 và Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 127 Luật Đất đai năm 2003.  Nghị quyết số 01/2003/NQ- HĐTP ngày tháng năm 2003, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP và Nghị quyết số  01/2019/NQ-HĐTP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nghị quyết số 326/2016/QH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban  Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị Ph.

Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất kê khai đăng ký số 25/8 và thửa đất kê khai, đăng ký số 25/11 đều thuộc tờ bản đồ số 11, địa chỉ th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên ghi ngày 08 tháng 10 năm 2012 giữa ông Đ.Đ.Đ3 (tên gọi khác Đỗ Đức Đãi) và vợ chồng Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T vô hiệu.

Buộc Ông Đỗ Đình B, và Bà Ngô Thị T trả Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh  Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X quyền sử dụng thửa đất kê khai, đăng ký số 25/11, tờ bản đồ số  11, địa chỉ thửa đất: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên đo thực tế diện tích  188,6m2  đồng vị trí phía Đông giáp đường đất kích thước 6,07m; phía Bắc giáp đất hộ ông Nguyễn Quốc Huy kích thước 32,25m; phía Tây giáp đường đất kích thước  5,62m và phía Nam giáp đất hộ gia đình bà Đỗ Thị Trụ kích thước 32,70m giá trị  28.813.930 đồng  Buộc Ông Đỗ Đình B, và Bà Ngô Thị T liên đới ông L.Th.T1, và bà Đ.Th.T3 trả Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X quyền sử dụng thửa đất kê khai, đăng ký số 25/8, tờ bản đồ số 11, địa chỉ thửa đất: th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên đo thực tế diện tích 178,4m2  vị trí phía Đông giáp đường đất kích thước  7,51m; phía Bắc giáp đất hộ Ông Đỗ Đình B, Bà Ngô Thị T kích thước 24,25m; phía  Tây giáp đất hộ ông Thúy, bà Độ kích thước 5,62m và phía Nam giáp đất hộ  ông  L.Th.T1, bà Đ.Th.T3 kích thước 23,61m giá trị 27.255.595 đồng.

Giao Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X sở hữu khối lượng đất bồi đắp nâng cao thửa đất kê khai, đăng ký số 25/21, tờ bản đồ số 11; địa chỉ thửa đất th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên và tài sản trên đất gồm một tường bằng gạch cao 60cm, dài 5,62m trên có 04 cọc bê tông kích thước (10x20)cm cao 1,5m; một tường bằng gạch đỏ cao 60cm, dài 6,07m trên có 04 cọc bê tông kích thước (10x20)cm cao 1,5m được tổng giá trị 12.632.190 đồng.

Giao Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X sở hữu khối lượng đất bồi đắp nâng cao thửa đất kê khai, đăng ký số 25/8, tờ bản đồ số 11; địa chỉ thửa đất th.M.X, x.T.D, h.K.C, tỉnh Hưng Yên và tài sản trên đất gồm một tường bằng gạch cao 40cm, dài 7,51m trên căng lưới sắt B40 cao 1,5m có 02 cọc sắt        ; một tường bằng gạch cao 40cm, dài 7,42m trên căng lưới sắt B40 cao 1,5m có hai cọc sắt       ; cây lâu năm trên đất là 09 cây nhãn, 07 cây Bưởi và 04 cây Đu đủ được tổng giá trị 56.320.360 đồng.

Buộc Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X liên đới hoàn trả Ông Đỗ Đình B, và Bà Ngô Thị T số tiền 60.000.000 đồng và bồi thường thiệt hại số tiền 32.511.750 đồng; tổng cộng số tiền 92.511.750 đồng, chia theo phần mỗi người bồi thường số tiền 23.127.750 đồng (hai mươi ba triệu một trăm hai mươi bẩy nghìn bẩy trăm năm mươi đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(Vị trí, kích thước và ranh giới đất Đ.Đ.B, Bà Ngô Thị T, ông L.Th.T1, và bà Đ.Th.T3 trả Bà Ngô Thị Ph, chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X xác định theo sơ đồ kèm theo Bản án và là phần không tách rời của Bản án)  2. Về án phí: Bà Ngô Thị Ph không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Chị Đ.Th.L, anh Đ.Đ.Đ, và chị Đ.Th.X mỗi người phải chịu 1.156.000 đồng phí dân sự sơ thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị  kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự. Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

467
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất, yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu số 22/2021/DS-PT

Số hiệu:22/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hưng Yên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;