TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
BẢN ÁN 129/2024/DS-PT NGÀY 25/07/2024 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 25 tháng 7 năm 2024 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 44/2024/TLPT-DS ngày 19 tháng 3 năm 2024 về việc “tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 155/2023/DS-ST ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Định, bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 102/2024/QĐXXPT-DS ngày 31 tháng 5 năm 2024, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Anh Võ Phước L, sinh năm 1987; trú tại: Thôn K, xã Â, huyện H, tỉnh Bình Định. Đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn: Bà Trần Thị Hưng Y, sinh năm 1963;
trú tại: Thôn Đ, xã V, huyện V, Bình Định. (có mặt)
- Bị đơn: Anh Võ Thế N, sinh năm 1978; trú tại: Thôn K, xã Â, huyện H, tỉnh Bình Định.
Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn: Ông Võ G, sinh năm 1954; trú tại: K, Â, H, Bình Định. (có đơn xin hoãn phiên tòa)
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Võ G. (có đơn xin hoãn phiên tòa)
2. Chị Phạm Thị Ngọc H. (vắng)
3. Bà Trương Thị Á. (có mặt)
4. Chị Võ Thị Minh H1.(có đơn xin vắng mặt)
5. Chị Võ Thị Phương D. (có đơn xin vắng mặt) Cùng trú tại: Thôn K, xã Â, huyện H, Bình Định.
6. Bà Võ Thị H2; trú tại: Số G đường T, phường G, Q. H, Hà Nội. (vắng mặt)
7. Ông Huỳnh Phương N1; trú tại: Ngõ D H, phường B, Q. H, Hà Nội. (vắng mặt)
8. Bà Đỗ Thị N2 (không xác định được địa chỉ).
- Người kháng cáo: Anh Võ Phước L là nguyên đơn và bà Trương Thị Á là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nguyên đơn anh Võ Phước L trình bày:
Ông, bà nội của anh là cụ Võ S và cụ Võ Thị H3; cụ S và cụ H3 có 02 người con là Võ Q (cha của anh L) và Võ G (là cha của anh Võ Thế N). Năm 1993, UBND huyện H cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ cụ Võ S, tổng diện tích là 2.432m2, trong đó có thửa đất số hiệu 1212 tờ bản đồ 5 diện tích 586m2 (300m2 đất ở, 286m2 đất vườn); tại thời điểm giao quyền, hộ cụ S chỉ có 02 khẩu là cụ S và cụ H3. Ngày 15/12/1996, cụ Võ Sử viết di chúc, cho ông Võ Q được thừa kế thửa đất số hiệu 1212. Năm 1997, cụ S chết; năm 2005 ông Võ Q thống nhất cho vợ chồng anh N về sống chung với cụ H3, chung hộ khẩu với cụ H3. Năm 2011, cụ H3 chuyển về ở cùng nhà ông Võ Q, đến năm 2013 thì cụ H3 chết, không để lại di chúc. Năm 2014, ông Võ Q khởi kiện, yêu cầu anh Võ Thế N trả lại thửa đất số hiệu 1212 cho ông Q, theo di chúc của cụ Võ S, nhưng anh N không trả; đến năm 2016 thì ông Võ Q chết, không để lại di chúc; năm 2017 anh L tiếp tục khởi kiện, yêu cầu anh N phải trả lại thửa đất 1212 cho anh, vì đây là tài sản do cụ Võ S thừa kế lại cho ông Võ Q, nay ông Võ Q chết thì anh được thừa hưởng. Đối với diện tích thửa đất thì anh yêu cầu công nhận diện tích thực tế đã thẩm định là 752m2, anh không yêu cầu thẩm định, định giá lại, vì hiện trạng thửa đất không thay đổi. Nay anh Võ Phước L yêu cầu anh Võ Thế N phải tháo gỡ, di dời nhà cửa và các tài sản trên đất để trả lại thửa đất 1212 cho anh sử dụng làm nơi thờ cúng.
Bị đơn anh Võ Thế N trình bày:
Về quan hệ gia đình, anh thống nhất như anh L trình bày. Nhưng anh N cho rằng, thửa đất đó không phải của cụ Võ S, mà nguồn gốc là của vợ chồng cụ Võ T (anh ruột cụ Võ S) và cụ Võ Thị Y1; năm 1993, cụ Võ S tự ý làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Do vợ chồng cụ T không có con, nên cha của anh là ông Võ G chung sống với vợ chồng cụ Võ T, năm 1985 cụ Võ Tư c; thời gian sau khi anh đi nghĩa vụ về thì ở cùng với cụ Y1 và bà nội là cụ H3, sau đó cụ Y1 chết. Năm 2001, vợ chồng anh phá bỏ nhà tranh, xây dựng nhà trên thửa đất, ở cùng với bà nội là cụ Võ Thị H3, thờ cúng cụ Võ T và cụ Võ Thị Y1 cho đến nay; do vậy anh không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh L. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Trương Thị Á trình bày: Đối với thửa đất số hiệu 1212 được nhà nước cân đối giao QSD cho cha chồng bà là cụ Võ S. Năm 1996, cụ S viết di chúc thừa kế lại cho chồng bà là ông Võ Q để làm nơi thờ tự ông bà; nhưng năm 2008, anh N chiếm dụng xây dựng nhà ở. Nay ông Võ Q chết thì anh N phải giao lại toàn bộ thửa đất đó cho con của ông Võ Q là Võ Ph sử dụng làm nơi thờ cúng.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Võ Thị Phương D, chị Võ Thị Minh H1 trình bày: Thửa đất số hiệu 1212 được nhà nước cân đối giao QSDĐ cho ông nội bà là cụ Võ S. Năm 1996, cụ S viết di chúc thừa kế lại cha các chị là ông Võ Q để làm nơi thờ tự ông bà; nhưng năm 2008, anh N chiếm dụng xây dựng nhà ở. Nay các chị thống nhất như yêu cầu khởi kiện của anh L, các chị không bổ sung gì thêm.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Võ G trình bày: Thửa đất số hiệu 1212 có nguồn gốc là của vợ chồng bác ruột của ông là cụ Võ T và Võ Thị Y1; nhưng cha ông là cụ Võ S tự ý kê khai để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Năm 1996, cụ Võ S viết di chúc giao thửa đất 1212 cho ông Võ Q là không đúng, vì đây không phải là tài sản của cụ Võ S. Năm 2001, con ông là anh Võ Thế N xây dựng nhà trên thửa đất đó, gia đình ông Võ Q không có ý kiến gì, do vậy nay ông không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh L. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị Ngọc H trình bày: Năm 2000, chị kết hôn với anh Võ Thế N, vợ chồng ở nuôi bà nội anh N là cụ Võ Thị H3, tại ngôi nhà trên thửa đất 1212. Năm 2001, vợ chồng xây dựng lại ngôi nhà, chi phí khoảng 70.000.000đ; lúc đó bà Á có đến động viên vợ chồng xây dựng nhà để ở cùng với bà H3; gia đình ông Võ Q cũng không ý kiến gì. Nay anh L yêu cầu vợ chồng chị trả lại đất thì chị không chấp nhận.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Huỳnh Phương N1 trình bày: Lúc thì ông không thừa nhận là con của cụ Võ S, lúc thì ông N1 cho rằng ông là con của cụ Huỳnh N3. Đối với việc anh L khởi kiện, ông N1 cho rằng việc chia thừa kế thì toà án giải quyết theo pháp luật, ông không liên quan gì, nên ông không đến toà án.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đỗ Thị N2 trình bày: Các đương sự không cung cấp thông tin nơi cư trú của bà N2, ông N1 cho rằng năm 2013, bà N2 vào S, nhưng ông không biết ở địa chỉ nào; đồng thời cũng không có tài liệu, chứng cứ nào xác định bà N2 là vợ của ông Võ S, ông N1 là con của cụ S; bà N2 cũng không có yêu cầu độc lập, do vậy toà án không ghi nhận được ý kiến của bà N2 Bản án dân sự sơ thẩm số 155/2023/DS-ST ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Định, tuyên xử:
1. Chấp một phần yêu cầu của nguyên đơn, về việc đòi lại tài sản, là di sản do ông Võ Q được thừa kế của cụ Võ S và Võ Thị H3. - Giao thửa đất số hiệu 1212 tờ bản đồ 5, diện tích theo giấy chứng nhận QSDĐ là 586m2 (300m2 đất ở, 286m2 đất vườn), diện tích đo đạt thực tế là 752m2, tại thôn K, xã Â, huyện H, tỉnh Bình Định, cho vợ chồng anh Võ Thế N và chị Phạm Thị Ngọc H có quyền sử dụng; vợ chồng anh N, chị H có trách nhiệm liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục đăng ký QSDĐ theo quy định.
- Anh Võ Thế N và chị Phạm Thị Ngọc H phải thối lại giá trị kỷ phần thừa kế cho những người được hưởng thừa kế, cụ thể: Giao cho anh Võ Phước L 25.593.600đ, giao cho chị Võ Thị Phương D và chị Võ Thị H2 mỗi người 8.531.200đ; giao cho ông Võ G 10.664.000đ.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các bên đương sự.
- Ngày 08/01/2024 và ngày 11/01/2024 người liên quan bà Trương Thị Á và nguyên đơn anh Võ Phước L, kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại phiên tòa bà Trần Thị Hưng Y là đại diện theo ủy quyền cho nguyên đơn anh Võ Phước L bổ sung yêu cầu kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm vì có nhiều vi phạm tố tụng trong khi xét xử vụ án.
* Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu:
- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Trong quá trình tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng.
- Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Anh Võ Phước L và bà Trương Thị Á. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, sửa Bản án dân sự sơ thẩm theo hướng Tạm giao toàn bộ diện tích thửa đất cho vợ chồng anh N chị H tiếp tục quản lý sử dụng. Buộc vợ chồng anh N chị H có trách nhiệm thối lại ½ giá trị thửa đất cho ông Võ Q, anh Võ Phước L đại diện hàng thừa kế ông Võ Q nhận. Đối với phần di sản của bà H3 tạm giao cho anh N chị H quản lý, sử dụng, khi nào hàng thừa kế của bà H3 yêu cầu chia thừa kế sẽ giải quyết bằng vụ án khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về sự vắng mặt của đương sự: Tại phiên tòa vắng mặt ông Võ G (với tư cách là cá nhân người liên quan và đại diện cho bị đơn anh Võ Thế N), chị Phạm Ngọc H, chị Võ Thị Minh H1, chị Võ Thị Phương D, bà Võ Thị H2, ông Huỳnh Phương N1, bà Đỗ Thị N2. Chị H1, chị D có đơn xin vắng mặt; ông G có đơn xin hoãn phiên tòa với lý do bị tai nạn giao thông điều trị tại bệnh viện Đ. HĐXX không chấp nhận yêu cầu xin hoãn phiên tòa của ông G vì ông G đã điều trị bệnh xong và được bệnh viện cho về nhà nên trường hợp này không phải là sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, ông G (với tư cách cá nhân và đại diện theo ủy quyền anh N) không có yêu cầu kháng cáo và tòa án đã mở phiên tòa lần thứ ba nên theo quy định tại khoản 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự HĐXX vẫn tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.
[2] Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn anh Võ Phước L và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trương Thị Á, HĐXX thấy rằng:
[2.1] Về quan hệ pháp luật: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất” là chưa chính xác. Bởi lẽ, theo đơn khởi kiện anh L yêu cầu anh N phải trả lại thửa đất 1212 cho anh L theo di chúc của cụ Võ S lập ngày 15/12/1996 để lại thửa đất 1212 cho ông Võ Q (cha anh L), ông Võ Q chết năm 2016 nên anh L thuộc hàng thừa kế của ông Võ Q khởi kiện yêu cầu anh N trả lại thửa đất là di sản thừa kế. Trường hợp này cần xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp là “tranh chấp về đòi lại tài sản là di sản thừa kế”.
[2.2] Căn cứ vào lời khai của các đương sự và phần nhận định tại mục [1.2] của Bản án phúc thẩm số 59/2021/DS-PT ngày 26/3/2021 của TAND tỉnh Bình Định thì năm 1954 cụ Võ S tập kết ra M và năm 1965 cụ S kết hôn với cụ Đỗ Thị N2 sinh anh Võ Phương N4 (Huỳnh Phương N1) theo hướng dẫn tại Thông tư 60/TATC ngày 22/02/1978 thì cụ Võ S và cụ Đỗ Thị N2 là vợ chồng nên cụ N2 vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của của một người được thừa kế theo pháp luật mà không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm nhận định ông Võ S đã di chúc cho ông Võ Q 1/2, phần còn lại là di sản của cụ H3 nên không chia thừa kế cho cụ N2 là không phù hợp quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cụ N2. Ngoài ra, bản án phúc thẩm số 59/2021/DS-PT ngày 26/3/2021 của TAND tỉnh Bình Định còn yêu cầu khi xét xử lại vụ án thì cần phải đưa bà Trần Thị H4 vào tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng cấp sơ thẩm không đưa bà H4 vào tham gia tố tụng trong vụ án là bỏ xót người tham gia tố tụng.
[2.3] Theo đơn khởi kiện anh L chỉ yêu cầu anh N phải trả lại thửa đất 1212 cho anh L theo di chúc của cụ Võ S lập ngày 15/12/1996, không yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Võ Q1 và cụ Võ Thị H3, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng không yêu cầu độc lập chia thừa kế. Nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn chia thừa kế toàn bộ thửa đất 2012 và giao thửa đất 1212 cho vợ chồng anh Võ Thế N, chị Phạm Thị Ngọc H quản lý sử dụng và buộc anh N chị H thối lại giá trị kỷ phần cho những người được hưởng thừa kế anh L, chị D, chị H2, ông G là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Lẽ ra, cấp sơ thẩm chỉ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn đòi lại phần tài sản ông Võ Q được hưởng theo di chúc là ½ thửa đất 1212 và giao cho các đồng thừa kế của ông Võ Q cùng quản lý mà không chia thừa kế; phần còn lại ½ thửa đất 1212 là phần di sản của cụ H3 tòa án không chia thừa kế vì các đương sự không yêu cầu.
[2.4] Thửa đất số hiệu 1212, tờ bản đồ 5, diện tích 586m2 (300m2 đất ở, 286m2 đất vườn) thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cụ Võ S và cụ Võ Thị H3. Năm 1996 cụ Võ S lập di chúc để lại cho ông Võ Q đối với tài sản của cụ Võ S là ½ diện tích thửa đất 1212 nên ông Võ Q được hưởng thừa kế theo di chúc là ½ thửa đất 1212. Sau khi ông Võ Q chết năm 2016 thì hàng thừa kế thứ nhất của ông Võ Q có yêu cầu đòi lại di sản của cụ Võ Q hiện nay do vợ chồng anh N chị H đang sử dụng. Vợ chồng anh N, chị H không phải là hàng thừa kế thứ nhất của cụ S và cụ H3, vợ chồng anh N, chị H chỉ là người ở nhờ trên thửa đất của cụ S và cụ H3, nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại giao quyền sử dụng đất toàn bộ thửa đất cho vợ chồng anh N chị H và anh N chị H thối lại giá trị cho hàng thừa kế ông Võ Q, và hàng thừa kế cụ H3 là không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015 quy định ông Võ Q được nhận hiện vật theo di chúc và việc giao quyền sử dụng đất cho người ở nhờ anh N chị H là xâm phạm đến quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản.
[2.5] Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản tranh chấp là thửa đất 1212 và tài sản trên đất để xác định chính xác vị trí, kích thước, tình trạng tài sản cụ Võ S để lại theo di chúc là phần nào (phần đang tranh chấp)?, phần tài sản cụ Võ Thị H3 để lại chưa chia thừa kế là phần nào? tài tài sản trên đất thuộc sở hữu của vợ chồng anh N chị H gồm những tài sản gì để làm cơ sở chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, như vậy cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[2.6] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm có cơ sở khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ, chứng minh, bỏ xót người tham gia tố tụng, thiếu xót trong việc đánh giá chứng cứ và việc giải quyết vụ án vượt quá yêu cầu khởi kiện dẫn đến việc ra bản án không đúng quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được. Vì vậy, để giải quyết toàn diện vụ án, đảm bảo chế độ hai cấp xét xử theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự, thì cần thiết phải huỷ Bản án dân sự sơ thẩm số 155/2023/DS-ST ngày 29/12/2023 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Định để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[3] Về án phí:
[3.1] Án phí dân sự sơ thẩm: Sẽ được giải quyết khi giải quyết lại vụ án.
[3.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Theo quy định khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì anh Võ Phước L không phải chịu.
[4] Chi phí tố tụng: Chi phí định giá tài sản tại cấp sơ thẩm sẽ được giải quyết khi giải quyết lại vụ án.
[5] Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà Trương Thị Á và anh Võ Phước L. Áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, sửa một phần bản án sơ thẩm là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Căn cứ vào khoản 3 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số: 155/2023/DS-ST ngày 29/12/2023 của Toà án nhân dân huyện H, tỉnh Bình Định.
2. Về án phí:
2.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Sẽ được giải quyết khi giải quyết lại vụ án.
2.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Anh Võ Phước L và bà Trương Thị Á không phải chịu. Hoàn trả cho anh L 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 00589 ngày 30/01/2024 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện H.
3. Về chi phí tố tụng: Chi phí định giá tài sản tại cấp sơ thẩm sẽ được giải quyết khi giải quyết lại vụ án.
4. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện H giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất số 129/2024/DS-PT
Số hiệu: | 129/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Định |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/07/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về