Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 63/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ A, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 63/2022/DS-ST NGÀY 07/04/2022 VỀ TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 06 tháng 5 năm 2021 và ngày 07 tháng 4 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân thị xã A, xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số: 37/2019/TLST-DS ngày 26 tháng 4 năm 2019, về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 18/2021/QĐXX-DS ngày 02 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự, Quyết định hoãn phiên tòa số 805/2022/ QĐST-DS ngày 28/3/2022.

Nguyên đơn: Bà Lê Thị P, sinh năm 1942 Địa chỉ: Đường T5, khu vực T5, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định.

(Vắng mặt).

Nguyên đơn được ủy quyền: Bà Vũ Thị K2, sinh năm 1967 (Có mặt) Địa chỉ: Đường V, khu vực L3, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định.

Theo giấy ủy quyền số 79 ngày 07/01/2019

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Văn K2 - Luật sư thuộc Chi nhánh Công ty luật TNHH-MTV Sài Gòn - Quy Nhơn.

Địa chỉ: Đường N4, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định. Bị đơn: Bà Lý Thị Kim C, sinh năm 1953 (Có mặt) Địa chỉ: Đường T5, khu vực T5, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Lê Ngọc T, sinh năm 1964 (Có mặt)

2. Bà Nguyễn Thị M, sinh năm: 1970 (Có mặt)

3. Ông Lê Văn H, sinh năm 1975 (Có mặt)

4. Bà Lê Thị Thanh H1, sinh năm 1977 (Có mặt)

5. Ông Lê Văn T1, sinh năm: 1990 (Có mặt)

6. Bà Lê Thị G, sinh năm: 1963 (Có mặt)

7. Bà Trần Thị H2, sinh năm: 1970 (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ: Đường T5, khu vực T5, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định.

8. Ông Lê Văn H3, sinh năm: 1975 (Vắng mặt) Địa chỉ: Đường TX23, khu phố 5, phường T6, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

9. Bà Lê Thị H4, sinh năm: 1981 (Vắng mặt) Địa chỉ: Đường H6, phường N1, thành phố Q, tỉnh Bình Định.

10. Ông Lê Văn H5, sinh năm 1984 (Có mặt) Địa chỉ: Đường T5, khu vực T5, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định.

8. Ông Lê Văn B, sinh năm 1985 (Vắng mặt) Địa chỉ: Đường P1, tổ 15, thị trấn L1, huyện B2, tỉnh Lâm Đồng.

9. Bà Nguyễn Thị Kim N, sinh năm 1964 (Vắng mặt) Địa chỉ: Đường H7, tổ 14, thị trấn L4, huyện B2, tỉnh Lâm Đồng.

10. Bà Lê Thị Mỹ L, sinh năm 1978 (Vắng mặt) Địa chỉ: Xóm V1, xã Đ, huyện H8, tỉnh Thái Bình.

11. Anh Lê T2, sinh năm 1998 (Vắng mặt) 12. Bà Huỳnh Thị S, sinh năm: 1978 (Vắng mặt)

13. Cháu Lê Anh K, sinh năm 2005 Người đại diện theo pháp luật: Bà Huỳnh Thị S, sinh năm: 1978 là mẹ của cháu K (Vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Đường P2, khu vực V3, phường N3, thị xã A, tỉnh Bình Định.

14. Ủy ban nhân dân phường B1.

Địa chỉ: Đường T5, khu vực T5, phường B1, thị xã A, tỉnh Bình Định. (Vắng mặt).

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Anh D Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Phạm Thanh T3 Theo văn bản ủy quyền ngày 27/9/2019 (Ông Lê Văn B, bà Trần Thị H2, bà Huỳnh Thị S, bà Lê Thị Mỹ L, anh Lê T2, Lê Anh K, bà Nguyễn Thị Kim N, ông Lê Văn H3, bà Lê Thị H4 và ông Lê Phạm Thanh T3 có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 23/4/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là ông Lê Văn K2 và nguyên đơn được ủy quyền bà Vũ Thị K2 trình bày: Bà K2 là con dâu của bà Lê Thị P, cha bà P là cụ Lê T10 (chết 1987) và mẹ là cụ Trần Thị X1 (chết 1993), các cụ sinh hạ 05 người con gồm: ông Lê Văn L8 (chết trước cha mẹ), có 01 người con là ông Lê Ngọc T; Bà Lê Thị P; Ông Lê Văn T4 (chết 2010) có vợ là bà Lý Thị Kim C và 05 người con ông Lê Văn H3, ông Lê Văn H, bà Lê Thị Thanh H1, bà Lê Thị H4 và ông Lê Văn H5; Ông Lê Văn Nam (chết 1981) có 02 người con là bà Lê Thị Mỹ L và ông Lê Văn Huệ (chết năm 2006), có vợ là bà Huỳnh Thị S và 02 người con là anh Lê T2 và Lê Anh K; Ông Lê Văn T9 (chết 2016), có vợ tên bà Nguyễn Thị Kim N và ông Lê Văn B, năm 1985 bà N bỏ đi ông T9 sống chung với bà Lê Thị G và 01 người con trai là ông Lê Văn T1. Ngoài ra cụ T10 và cụ X1 không có con nuôi hay con riêng nào khác, cha mẹ các cụ chết trước các cụ.

Nguồn gốc nhà và đất đang tranh chấp thửa đất số 41, tờ bản đồ số 9 diện tích 1079m2 ở phường B1 và trên đất có ngôi nhà cấp 4 mái ngói, tường gạch do cụ T10 - cụ X1 tạo lập, theo sổ mục kê năm 1983 thì thể hiện số thửa là 378 với diện tích 1690 m2 tên chủ sử dụng đất là tên cụ Lê T10 và tên bà Lê Thị P. Đến năm 1993 bà Lý Thị Kim C kê khai và được Uỷ ban nhân dân huyện A (nay là thị xã A), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số sổ 00223/QSDĐ/I9 ngày 15/9/1995. 02 cụ chết không để lại di chúc. Hiện trên thửa đất có đến 05 hộ gia đình đang ở như sau: Ông Lê Ngọc T có vợ là bà Nguyễn Thị M; Ông Lê Văn T9 (chết) hiện con ông là Lê Văn T1 và bà G đang ở; (Ông T và ông T1 ở phần nhà trước đây do hai cụ xây dựng và họ có xây dựng thêm về diện tích); ông H ở 01 gian nhà; bà H1 ở 01 gian nhà, phần nhà ông H, bà H1 ở do ông T4 - bà C xây dựng; Bà P và bà H2 ở phần nhà phía Tây thửa đất do tự xây năm 2011.

Nay xác định di sản của cụ T10 - cụ X1 để lại là quyền sử dụng thửa đất số 41, tờ bản đồ số 9 ở phường B1, phần giá trị 02 gian nhà mà ông T và ông T1 đang quản lý và 01 giếng nước ông H quản lý và ½ giếng nước bà H1 đang quản lý, di sản trên chưa phân chia. Nay bà P yêu cầu chia di sản trên cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của các cụ theo quy định pháp luật, bà P được nhận bằng hiện vật là quyền sử dụng đất, phần giá trị tài sản hiện ông T, ông T1, ông H và bà H1 quản lý kỷ phần của bà, bà tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu. Ngoài ra không yêu cầu chia di sản nào khác.

Tại bản tự khai ngày 17/5/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa bị đơn bà Lý Thị Kim C trình bày: Chồng bà là ông Lê Văn T4, bà thống nhất toàn bộ như lời trình bày của nguyên đơn về mối quan hệ huyết thống gia đình chồng, thời điểm chết của cha mẹ chồng và những người thân trong gia đình chồng, và các hộ gia đình đang ở trên thửa đất và tài sản đang tranh chấp. Nhưng xác định di sản thừa kế là không đúng, nguồn gốc nhà và đất đang tranh chấp là của cụ T10 - cụ X1 để lại, do chồng bà ham chơi, nên cụ X1 không tin tưởng mà muốn bà đứng tên giấy tờ đất để lo cho gia đình, còn giấy tờ ký như thế nào là bà không nhớ cụ thể, đến năm 1995 thì nhà nước cấp sổ đỏ tên của bà. Thời điểm giao quyền thì hộ gia đình bà có 06 nhân khẩu gồm bà, các con gồm H, H3, H1, H4, H5.

Trước đây bà cùng các con ở ngôi nhà mà H1, H đang ở nhưng về sau bà và H5 về ở ngôi nhà đường T5, phường B1, 02 gian nhà này giao lại cho Hoa và Hữu ở và 01 gian nhà phía sau giao cho Huyền. Các gian nhà trên là tài sản chung của vợ chồng bà nhưng khi ông T4 còn sống gia đình bà thỏa thuận đã cho phần giá trị nhà cho 03 con H, H1, H4.

Nay bà chấp nhận một phần yêu cầu của bà P, giao phần đất ở mà bà P đang sử dụng còn lại diện tích đất vườn là của các thành viên hộ gia đình bà, bà yêu cầu chia đất vườn theo quy định pháp luật. Phần giá trị tài sản của di sản hiện ông T, ông T1, ông H và bà H1 quản lý, nếu quyền lợi của bà được hưởng thì bà tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu, bà yêu cầu nhận giá trị 02 cây xoài.

Tại bản tự khai ngày 27/5/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Ngọc T trình bày: Ông thống nhất toàn bộ như lời trình bày của nguyên đơn về mối quan hệ gia đình, thời điểm chết của ông bà nội và những người thân trong gia đình. Di sản thừa kế của ông bà nội để lại, số hộ gia đình đang ở. Nguồn gốc nhà và đất đang tranh chấp là của ông bà nội để lại. Ông làm ruộng nên cũng được cấp ruộng canh tác và đã được bồi thường giải tỏa. Tài sản là 02 gian nhà ông bà nội xây để lại hiện ông và em Thiện đang quản lý, ở phía sau gian nhà do ông bà nội xây dựng vợ chồng ông có xây thêm gian nhà sau để ở và có bồi trúc đất.

Nay ông yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật, quyền lợi được hưởng từ kỷ phần của cha Liễn, ông yêu cầu được nhận hiện vật, kỷ phần của ông phải nhiều hơn các người khác vì ông là cháu đích tôn sau này còn thờ cúng, trên thửa đất có 01 cây sanh có ở phía Tây phần nhà ông ở, ông đề nghị giao phần đất có cây sanh và phần đất vợ chồng ông có xây gian nhà và ông yêu cầu tính tiền bồi trúc nâng nền đất ở phía sau. Phần giá trị gian nhà do ông bà nội xây dựng hiện ông đang quản lý ông yêu cầu được sở hữu, còn ông T1, ông H và bà H1 quản lý nhà và giếng, kỷ phần của ông, ông tự nguyện giao cho họ tiếp tục sở hữu.

Tại bản tự khai ngày 27/5/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn T1 trình bày: Ông thống nhất như lời trình bày của nguyên đơn về mối quan hệ gia đình, thời điểm ông bà nội mất, nguồn gốc đất tranh chấp, ông bà nội chết không có để lại di chúc. Cha ông là ông Lê văn T9 (chết năm 2016), trước khi cha sống chung với mẹ Gái thì cha có vợ là bà N có 01 người con là ông B. Còn việc giữa cha T9 và bà N có giấy kết hôn hay ly hôn như thế nào là không biết. Còn mẹ G sống chung với cha thời gian nàovà có giấy kết hôn hay không là không biết. Tài sản phần nhà ở ông bà nội xây để lại hiện ông và ông T đang quản lý. Ngoài ra phía sau gian nhà ông bà nội là cha mẹ của ông có xây dựng thêm. Nay ông yêu cầu di sản của ông bà nội để lại là phần quyền sử dụng đất ở và đất vườn, đề nghị chia thừa kế theo pháp luật, yêu cầu được nhận hiện vật. yêu cầu tính phần bồi trúc nâng nền đất ở phía sau nhà. phần giá trị gian nhà do ông bà nội xây dựng hiện ông đang quản lý ông yêu cầu được sở hữu, còn ông T, ông H và bà H1 quản lý nhà và giếng ông tự nguyện giao cho họ sở hữu.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 29/5/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị G trình bày:

Bà thống nhất toàn bộ như lời trình bày của ông T1 về mối quan hệ gia đình. Bà và ông T9 sống chung năm 1988, không có đăng ký kết hôn. Trước khi sống chung với bà thì ông T9 đã có vợ là bà N giữa họ chỉ sống chung vài tháng, bà N tự bỏ nhà đi, giữa họ có giấy kết hôn hay ly hôn như thế nào là bà không biết. Trong quá trình sống chung ông T9 và bà có xây thêm gian nhà ở phía sau và nâng nền hiện bà và T1 đang ở. Nay có sự tranh chấp di sản thừa kế, bà yêu cầu giao cho T1 phần đất có phần nhà bà xây dựng giao cho con trai là T1 sở hữu. Tài sản của bà được nhận trong vụ án này bà tự nguyện giao lại cho con trai là T1 toàn quyền sở hữu và quyết định mọi vấn đề.

Tại bản tự khai ngày 27/5/2019, các văn bản tố tụng khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê Văn B trình bày: Cha ông tên là Lê văn T9 (chết năm 2016), ông thống nhất như em Thiện về trình bày tất cả các vấn đề trong vụ án, ý kiến của ông như ý kiến ông T1. Nếu Tòa chấp nhận chia di sản thừa kế thì yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vât, quyền lợi của ông được hưởng thì ông tự nguyện giao cho ông T1 sở hữu.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 24/10/2019 và ngày 14/9/2021 bà Nguyễn Thị Kim N trình bày:

Bà và ông T9 kết hôn 1984, có đăng ký kết hôn tại xã C2, huyện P4. Năm 1985 vợ chồng mâu thuẫn bà không sống chung với ông T9 nữa. Năm 1988 bà sống chung với ông Hoàng Kim L5, giữa bà và ông L5 không có đăng ký kết hôn, có 01 người con chung, ông L5 đã chết. Tài sản của cha mẹ chồng bà không biết cụ thể. Nếu ông T9 được hưởng thừa kế theo pháp luật phần di sản cha mẹ ông để lại, nếu bà được hưởng thừa kế có liên quan đến ông T9 thì yêu cầu giải quyết theo pháp luật.

Tại bản tự khai ngày 17/5/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn H trình bày: Ông là con trai của bà C - ông T4, ông đồng ý như trình bày của nguyên đơn và mẹ C về mối quan hệ huyết thống gia đình, thời điểm chết của ông bà nội và những người thân trong gia đình chồng, nguồn gốc nhà và đất đang tranh chấp, các hộ gia đình đang ở trên thửa đất. Phần nhà ông đang ở là do cha mẹ xây dựng và đã cho ông. Nay ông xác định thửa đất đang tranh chấp nhà nước đã cấp cho hộ gia đình ông gồm 06 nhân khẩu như mẹ C trình bày, nếu chia di sản thừa kế thì yêu cầu chia theo quy định pháp luật và được nhận bằng hiện vật phần đất có gian nhà cha mẹ đã cho ông. Phần giá trị tài sản hiện ông T, ông T1 và bà H1 quản lý, nếu quyền lợi của ông được hưởng từ kỷ phần thừa kế của cha T4 thì ông tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu, ông yêu cầu nhận giếng đào ông đang quản lý.

Tại bản tự khai ngày 22/7/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Thanh H1 trình bày: Bà thống nhất toàn bộ lời trình bày như bà C và ông H. Hiện trên phần đất có một khung xe tải cũ là của bà, bà yêu cầu được nhận phần đất có gian nhà do cha mẹ cho và phần đất để khung xe. Phần đất vườn là của hộ gia đình bà gồm 06 nhân khẩu như mẹ C trình bày. Nếu Tòa chấp nhận chia di sản trên thì yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vật gồm đất ở và đất vườn. Phần giá trị tài sản hiện ông T, ông T1 và ông H quản lý, nếu quyền lợi của bà được hưởng từ kỷ phần thừa kế thì bà tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu, bà yêu cầu nhận ½ giếng đào bà đang quản lý.

Tại bản tự khai ngày 22/7/2019 và các văn bản tố tụng khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị H4 trình bày:

Bà thống nhất toàn bộ lời trình bày của ông H và bà H1 về tất cả các vấn đề trong vụ án. Hiện trên thửa đất có một gian nhà cha mẹ đã phân chia cho bà, Nay bà xác định thửa đất đang tranh chấp nhà nước đã cấp cho hộ gia đình bà, hộ gia đình gồm 06 nhân khẩu như mẹ Cúc trình bày. Nếu chia di sản thừa kế thì yêu cầu chia theo quy định pháp luật và nhận kỷ phần bằng hiện vật. Phần giá trị tài sản các gian nhà và giếng nước hiện ông T, ông T1, ông H và bà H1 quản lý, nếu quyền lợi của bà được hưởng từ kỷ phần thừa kế thì bà tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu.

Tại bản tự khai ngày 12/11/2019 và các văn bản tố tụng khác, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn H3 trình bày:

Ông thống nhất như ông H đã trình bày về các vấn đề trong vụ án. Nếu chia di sản thừa kế thì yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vật, Diện tích đất vườn là của các thành viên gia đình ông, ông yêu cầu chia đất vườn theo quy định pháp luật. Phần giá trị tài sản hiện ông T, ông T1, ông H và bà H1 quản lý, nếu quyền lợi của ông được hưởng thì ông tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu. Còn phần tài sản của ông được hưởng trong vụ án này ông tự nguyện giao toàn bộ cho mẹ C sở hữu.

Tại bản tự khai ngày 19/7/2019, các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn H5 trình bày:

Ông thống nhất như ông H3 vừa trình bày về các vấn đề trong vụ án. Nếu chia di sản thừa kế thì yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vật, anh yêu cầu chia đất vườn theo quy định pháp luật. Phần giá trị tài sản hiện ông T, ông T1, ông H và bà H1 quản lý, nếu quyền lợi của ông được hưởng thì tự nguyện giao cho các chủ sử dụng sở hữu. Toàn bộ phần tài sản của ông được hưởng trong vụ án này ông tự nguyên giao cho mẹ Cúc sở hữu.

Tại biên bản ghi lời khai ngày 05/01/2021,các văn bản tố tụng khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị M trình bày:

Bà là vợ ông T, bà thống nhất toàn bộ lời trình bày của ông T về mối quan hệ huyết thống gia đình phía chồng và tài sản tranh chấp. Trong quá trình ở, bà cùng với ông T có tu sửa xây dựng gian nhà phía sau đã được đo đạc định giá. Nay bà đề nghị giao cho ông T phần đất có nhà vợ chồng xây dựng.

Tại bản tự khai ngày 16/5/2019 và các văn bản tố tụng khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Mỹ L trình bày: Cha bà tên Lê Văn N6 (chết 1981), cha mẹ có 02 người con là là bà và ông Lê Văn H8 (chết năm 2006). Ông H8 có vợ là bà Huỳnh Thị S và 02 người con trai là Lê T2 và Lê Anh K. Bà đồng ý như trình bày của nguyên đơn về tất cả các vấn đề trong vụ án. Nguồn gốc nhà và đất đang tranh chấp là của ông bà nội để lại, chưa phân chia. Nay bà có yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật, yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vật là quyền sử dụng đất, phần giá trị tài sản trên thửa đất nếu quyền lợi được hưởng thì bà không tranh chấp mà để cho chủ quản lý sở hữu.

Tại bản tự khai ngày 24/11/2020 và các văn bản tố tụng khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị S trình bày: Cha chồng bà tên Lê Văn N6 (chết 1981), cha chồng có 02 người con là là bà L và chồng bà là ông Lê Văn H8 (chết năm 2006), ông H8 có vợ là bà và 02 người con trai là anh Lê T2 và Lê Anh K. Bà đồng ý như trình bày của nguyên đơn về các vấn đề trong vụ án. Nay chia di sản thừa kế theo pháp luật, bà được hưởng quyền lợi phần di sản của chồng, yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vật là quyền sử dụng đất. Phần giá trị tài sản nếu được hưởng thì bà không tranh châp tự nguyện giao sở hữu cho chủ sử dụng.

Tại bản tự khai ngày 23/5/2019 và các văn bản tố tụng khác và tại phiên tòa người đại diện theo pháp luật của cháu Lê Anh K là bà Huỳnh Thị S trình bày: Lê Anh K là con trai của bà và chồng Lê Văn H8 (chết 2006) bà thống nhất toàn bộ như lời trình bày và yêu cầu của bà, yêu cầu K được nhận kỷ phần bằng hiện vật là quyền sử dụng đất. Phần giá trị tài sản trên đất nếu được hưởng thì không tranh châp tự nguyện giao sở hữu cho chủ sử dụng.

Tại bản tự khai ngày 16/5/2019 và các văn bản tố tụng khác, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lê T2 trình bày: Anh thống nhất như trình bày của nguyên đơn và mẹ Sương về tất cả các vấn đề trong vụ án. Nếu Tòa chấp nhận chia di sản thừa kế thì anh được hưởng quyền lợi phần di sản của cha H8, anh yêu cầu được nhận kỷ phần bằng hiện vật là quyền sử dụng đất. Phần giá trị tài sản khác nếu quyền lợi được hưởng thì anh tự nguyện giao sở hữu cho các chủ sử dụng.

Tại bản tự khai ngày 27/01/2021, các văn bản tố tụng khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân phường B1 do anh Lê Phạm Thanh T3 người đại diện theo ủy quyền trình bày: Theo hồ sơ địa chính 1983 thửa đất có ký hiệu số thửa là 378 với diện tích 1690 m2 người kê khai là cụ Lê T10 và tên bà Lê Thị P. Đến năm 1993, bà Lý Thị Kim C kê khai và thửa đất số 41, tờ bản đồ số 9 diện tích 1079m2 ở phườngBình Định,thửa đất cấp cho hộ gia đình bà C theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP ngày 15/9/1993 của Chính phủ. Qua đo đạc thực tế diện tích thửa đất là 1160,5 m2 tăng 81,5m2 so với GCNQSDĐ, qua kiểm tra xác định quá trình sử dụng các chủ sử dụng đất lấn chiếm ranh giới phía Bắc là đất gò do UBND phường B1 quản lý nên diện tích đất chênh lệch trên không có cơ sở công nhận. Nay yêu cầu Tòa giải quyết theo quy định pháp luật.

Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến phiên tòa hôm nay, tất cả các hoạt động tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký đều tuân theo đúng quy định của pháp luật. Còn về chấp hành pháp luật tất cả các đương sự đều thực hiện nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Vụ án trên quá thời hạn chuẩn bị xét xử.

Về việc giải quyết vụ án:

Đề nghị Hội đồng xét xử, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P. Xác định di sản của cụ T10- cụ X1 là diện tích 200m2 đất ở chia cho 5 kỷ phần, mỗi người con được nhận 01 kỷ phần là 40m2 đất ở. Cụ thể ôngTrúc và bà P mỗi người nhận 01 kỷ phần 40m2; Bà L, anh T2, bà S và cháu K nhận 01 kỷ phần ông Nam 40m2; bà C, ông H, bà H1, ông H3, ông H5 và bà H4, nhận kỷ phần của ông T4 40m2; ông T1 và ông B nhận 01 kỷ phần của ông T9 là 40m2.Về diên tích 879m2 đất vườn là tài sản thuôc hộ gia đình bà Lý Thị Kim C vì được Nhà nước giao quyền theo nhân khẩu.

Về diện tích đất chênh lệch tăng 81,5m2 là chủ đất lấn chiếm ranh giới phía Bắc là đất gò nên diện tích đất trên giao cho UBND phường Bình Định quản lý.

Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản được chia. Riêng bà Lê Thị P và bà Lý Thị Kim C là người cao tuổi nên thuộc trường hợp được miễn án phí.

Về chi phí đo đạc, định giá: Buộc các đương sự phải chịu theo tỷ lệ giá trị tài sản họ được nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền: Bà Lê Thị P yêu cầu về chia di sản thừa kế nên đây là “Tranh chấp về thừa kế tài sản” được quy định tại khoản 5 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự. Bị đơn bà Lý Thị Kim C cư trú tại phường B1 và tài sản tranh chấp là bất động sản ở thị xã A nên theo khoản 1 Điều 35 và Khoản 1 Điều 39 BLTTDS, thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết Tòa án nhân dân thị xã A.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Bà Nguyễn Thị M được tống đạt hợp lệ nhưng cố tình vắng mặt còn ông Lê Văn H3, bà Lê Thị H4, ông Lê Văn B, bà Nguyễn Thị Kim N, bà Lê Thị Mỹ L, anh Lê T2, bà Huỳnh Thị S, anh Lê Anh K, bà Trần Thị H2, UBND phường B1 có đơn đề nghị xét xử vắng mặt, theo quy định tại Điều 227 và Điều 228 BLTTDS thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự trên.

[3] Về thời hiệu khởi kiện: Cụ X1 (chết 1993) mà di sản là bất động sản, nên theo quy định khoản 1 Điều 623 BLDS thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản. Còn cụ T10 (chết 1987) thuộc trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 nên căn cứ tại khoản 4 Điều 36 của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Án lệ số 26/2018/AL thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của các cụ tính đến ngày 23/4/2019 bà P có đơn khởi kiện vẫn còn trong thời hạn luật định.

[4] Xác định người thừa kế: Cụ Lê T10 chết ngày 28/10/1987 và cụ Trần Thị X1 chết ngày 12/11/1993, có 05 người con là ông Lê Văn L8 (chết trước các cụ); bà Lê Thị P; ông Lê Văn T4 (chết 2010), ông Lê Văn Nam (chết 1981); ông Lê Văn T9 (chết 2016), các cụ không có con nuôi hay con riêng, cha mẹ các cụ chết trước các cụ, theo quy định Điều 651 BLDS thì ông L8, bà P, ông T4, ông T9 và ông Nam thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T10 và cụ X1. Ông L8 (chết trước các cụ), các đương sự không nhớ thời điểm chết, ông có 01 người con là ông Lê Ngọc T. Ông N5 (chết 1981) các con của ông là bà Lê Thị Mỹ L và ông Lê Văn H8. Theo quy định Điều 652 BLDS thì ông T là người thừa kế thế vị đối với phần di sản của ông L8 và bà L với ông H8 là người thừa kế thế vị đối với phần di sản của ông N5, nếu còn sống thì ông L8 và ông N5 được hưởng. Ông H8 (chết năm 2006) nên vợ là bà Huỳnh Thị S và 02 người con là anh Lê T2 và Lê Anh K được hưởng quyền lợi phần di sản của ông H8. Ông Lê Văn T4 (chết 2010), hàng thừa kế thứ nhất của ông gồm vợ là bà C và 05 người con H3, H, H1, H4 và H5 được hưởng phần di sản của ông. Ông Lê Văn T9 (chết 2016), có vợ tên bà Nguyễn Thị Kim N và con là ông B, bà N bỏ đi ông T9 sống chung với bà G và 01 người con trai là ông T1. Bà N trình bày: bà và ông T9 có đăng ký kết hôn tại UBND xã C2 nhưng bà không có cung cấp chứng cứ gì. Qua xác minh UBND xã C2 thì xác định hồ sơ lâu quá không có lưu trữ. Bà không còn sống chung với ông T9 từ năm 1985. Theo UBND thị trấn L4 cung cấp bà Nguyễn Thị Kim N và ông Hoàng Kim L5 có giấy đăng ký kết hôn số 150 ngày 23/12/2002 quyển số 02, được lưu tại UBND thị trấn L4. Theo Án lệ 41/2021/AL thì quan hệ hôn nhân thực tế giữa bà N và ông T9 chấm dứt từ lâu không còn nghĩa vụ gì với nhau nên bà N không được hưởng quyền thừa kế của ông T9. Còn giữa ông T9 và bà G sống chung năm 1988, không có đăng ký kết hôn nên bà G cũng không được hưởng thừa kế của ông T9. Vậy kỷ phần thừa kế của ông T9 chỉ có 02 người con của ông là ông B và ông T1 được hưởng.

[5] Theo giấy chứng tử, các số liệu trên bia mộ, tất cả các đương sự trong vụ án đều xác định Cụ Lê T10 (chết 1987) và cụ X1 (chết 1993), bà Lê Thị P là người thuộc diện hàng thừa kế thứ nhất, các cụ chết không để lại di chúc, nên bà P yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật thỏa mãn quy định tại Điều 650 BLDS.

[6] Xác định di sản: Theo lời khai của các đương sự, các sổ mục kê, tài liệu xác minh, thể hiện nguồn gốc đất là của cụ T10 và cụ X1 tạo lập, di sản chưa chia gồm nhà và đất. Theo sổ mục kê năm 1983 thì thể hiện số thửa là 378 với diện tích 1690 m2 người kê khai tên cụ Lê T10 và tên bà Lê Thị P. Đến năm 1993 bà Lý Thị Kim C kê khai và được Uỷ ban nhân dân huyện A (nay là thị xã A), cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số sổ 00223/QSDĐ/I9 ngày 15/9/1995 số thửa đất số 41, tờ bản đồ số 9 diện tích 1079m2 ở phường B1. Qua công văn của UBND thị xã A và UBND phường B1 đều xác định: Thời điểm 1993, theo quy định tại Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993, của Chính phủ, triển khai việc cấp giấy chứng nhận QSD đất lâu dài cho hộ nông dân, thì hộ bà Lý Thị Kim C là hộ sản xuất nông nghiệp, có hộ khẩu thường trú tại địa phương, kê khai đăng ký do bà C chủ hộ, thời điểm giao quyền có 06 nhân khẩu gồm bà C, ông H, ông H3, bà H1, bà H4 và ông H5. Việc cấp GCNQSD trên là đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật, qua kiểm tra sổ sách không có ai khiếu nại hay tranh chấp gì về việc cấp sổ đỏ trên. Thời điểm kê khai 1993, thì ông T và cụ X1 được cấp phần ruộng có GCNQSD đất riêng. Còn bà P là không thuộc diện hộ nông nghiệp. Theo quy định Điều 2 Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ quy định “ Đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân bao gồm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm,......đất vườn...” Qua trên, HĐXX xác định phần đất vườn là đất cấp cho hộ bà Lý Thị Kim C, giao quyền có 06 nhân khẩu như trên. Qua sơ đồ đo đạc, biên bản thẩm định và biên bản đo đạc định giá thì thực tế thửa đất có diện tích là 1160,5 m2 tăng 81,5m2 so với GCNQSDD. Theo công văn UBND thị xã A và UBND phường B1 xác định quá trình sử dụng các chủ đất lấn chiếm ranh giới phía Bắc là đất gò do UBND phường B1 quản lý nên không có cơ sở xem xét công nhận về diện tích 81,5m2. Từ những viện dẫn quy định pháp luật và các chứng cứ phân tích trên theo quy định tại Điều 612 BLDS, HĐXX xác định di sản của cụ T10 - cụ X1 là diện tích 200m2 đất ở và giá trị 02 gian nhà do ông T, ông T1 đang quản lý, 01 cái giếng đào ông H quản lý và 1/2 cái giếng đào bà H1 đang quản lý. Hiện tất cả các đương sự không tranh chấp di sản nào khác.

[7] Xác định 879m2 đất vườn là đất cấp cho hộ bà Lý Thị Kim C, giao quyền có 06 nhân khẩu gồm bà C, ông H, ông H3, bà H1, bà H4 và ông H5.

[8] Về phân chia di sản: Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa tất cả các đương sự trong vụ án đều tự nguyện giao phần giá trị 02 gian nhà và các giếng đào để lại cho người quản lý, sử dụng tiếp tục sở hữu. Cụ thể gian nhà ông T được sở hữu có giá trị là 38.649.920đ và gian nhà ông T1 được sở hữu có giá trị là 16.096.000đ, ông H được sở hữu 01 cái giếng đào giá trị là 3.588.000đ và bà H1 được sở hữu 1/2 cái giếng đào giá trị là 1.794.000đ. Theo quy định Điều 5 của BLTTDS thì HĐXX ghi nhận sự thỏa thuận trên. Tương tự cũng ghi nhận sự thỏa thuận của bà C, ông H, ông H3, bà H1, bà H4 và ông H5 không tranh chấp về giá trị 03 gian nhà, thống nhất cho ông H sở hữu gian nhà có giá trị là 22.247.520đ, bà H1 được sở hữu gian nhà có giá trị là 35.041.040đ và bà H4 được sở hữu gian nhà có giá trị là 20.164.000đ. Theo biên bản xác định giá đất, hiện nay giá thị trường chuyển nhượng đất ở là 3.500.000đ/1m2 và đất vườn là 1.800.000đ/1m2. Theo quy định tại Điều 660 BLDS thì xác định di sản của cụ T10- cụ X1 là quyền sử dụng đất còn lại chưa chia là 200m2 đất ở, được chia 05 kỷ phần, mỗi người con được nhận 01 kỷ phần là 40m2 đất ở giá trị là 40 m2 x 3.500.000đ/m2 = 140.000.000đ. Cụ thể ông T và bà P mỗi người nhận 01 kỷ phần; bà L, anh T2, bà S và anh K nhận kỷ phần ông Nam; bà C, ông H, bà H1, ông H3, ông H5 và bà H4, nhận kỷ phần của ông T4; ông T1 và ông B nhận kỷ phần của ông T9. Về diện tích đất vườn cấp theo hộ gia đình 879m2 chia cho 06 thành viên gồm bà C, ông H, ông H3, bà H1, bà H4 và ông H5 mỗi người đười được hưởng là 876 m2: 6 = 146,5m2 giá trị mỗi thành viên được hưởng là 263.700.000đ.

Về yêu cầu của ông B giao kỷ phần được hưởng cho ông T1 cũng như ông H3 và ông H5 tự nguyện giao kỷ phần được hưởng cho bà C thỏa mãn theo quy định tại Điều 5 của BLTTDS nên HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự trên. Trên thửa đất có các đồng thừa kế đang quản lý sử dụng gồm: Ông T và ông T1 ở phần nhà trước đây do các cụ xây dựng và họ có xây dựng thêm về diện tích; ông H ở 01 gian nhà; bà H1 ở 01 gian nhà, 02 gian nhà này do ông T4 - bà C xây dựng. Bà P và bà H2 ở gian nhà phía Tây thửa đất do họ tự xây. Qua xem xét những người đang quản lý di sản, nhu cầu nơi ở thực tế và quy định về diện tích tách thửa cũng như ranh giới giải phóng mặt bằng thì HĐXX thống nhất giao các chủ sử dụng đất được chia theo hiện trạng mà họ đang quản lý, đảm bảo mức đất ở diện tích được tách thửa, và đất vườn đang sử dụng. Trường hợp bà P, ông T, ôngThiện là đảm bảo diện tích đất ở, còn ông H, bà H1 sẽ xem xét giao 40m2 đất ở kỷ phần của ông T4 giao cho ông H còn kỷ phần ông Nam 40m2 đất ở giao cho bà H1 và họ sẽ thối lại giá trị cho các thừa kế khác. Theo hiện trạng thì bà P, ông T, ông T1 nhận diện tích đất vườn tương ứng theo ranh giới phân chia sẽ thối lại giá trị cho các thành viên hộ gia đình bà C. Riêng bà H1 nhận đất vườn nhiều hơn so diện tích bà được cấp nên phải thối lại giá trị cho bà H4. Về cách chia hiện vật đảm bảo, hơp lý, giao phần đất giải tỏa phù hợp theo quy định pháp luật. Cụ thể được phân chia như sau:

Bà P được giao 243,7m2 phần đất có gian nhà do bà và bà H2 (con gái của bà P) xây dựng trong đó 40m2 đất ở và 203,7m2 đất vườn, bà P có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất vườn cho bà C với số tiền là 203,7m2 x 1.800.000đ = 366.660.000đ. Trên phần đất được giao này có 02 cây xoài và 01 cây sanh bà P được quyền sở hữu, bà có nghiã vụ thanh toán cho bà C giá trị 02 cây xoài là 2.772.000đ và có nghiã vụ thanh toán cho ông T giá trị cây Sanh là 662.000đ.

Ông T được giao 265,4m2 phần đất có gian nhà do 02 cụ xây dựng có giá trị là 38.649.920 đ và phần nhà do vợ chồng ông xây dựng, trong đó 40m2 đất ở và 225,4m2 đất vườn, ông T có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất vườn cho bà C, ông H, bà H4 225,4m2 x 1.800.000đ = 405.720.000đ. Cụ thể: Thanh toán cho cho bà H4 88 m2 x 1.800.000đ = 158.400.000đ; thanh toán cho ông H 66,2 m2 x 1.800.000đ = 119.160.000đ; thanh toán cho bà C 71,2 m2 x 1.800.000đ = 128.160.000đ. Tổng giá trị tài sản ông T hưởng là 140.000.000đ + 38.649.920đ = 178.650.000đ.

Ông T1 được giao 204,6m2 phần đất có gian nhà do 02 cụ xây dựng có giá trị là 16.096.000 đ và phần nhà do cha mẹ ông xây dựng, trong đó 40m2 đất ở và 164,6m2 đất vườn, ông T1 có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất vườn cho bà C 164,6m2 x 1.800.000đ = 296.280.000đ. Tổng giá trị tài sản ông hưởng là 140.000.000đ + 16.096.000  156.096.000đ.

Ông H được giao 120,3m2 phần đất có gian nhà do bà C, ông T4 xây dựng cho anh có giá trị 22.247.520đ, và phần gian nhà cho bà H4 có giá là 20.164.000đ trong đó 40m2 đất ở và 80,3m2 đất vườn, 01 cái giếng đào giá trị là 3.588.000đ, phần đất vườn của ông còn thiếu 66,2 m2, ông T sẽ thối lại cho ông. Giao đất ở là kỷ phần thừa kế của ông T4 nên ông có nghĩa vụ thối lại giá trị cho bà C, bà H1, ông H3, ông H5 và bà H4 mỗi người là (40m2 x 3500.000đ): 6 = 23.333.000đ. Và ông phải giao cho bà H4 giá trị gian nhà 20.164.000đ. Tổng só tiền ông được hưởng là 263.700.000đ +23.333.000đ + 22.247.520đ +3.588.000đ  312.868.000đ.

Bà H1 được giao 245m2 phần đất có gian nhà do cha mẹ xây dựng cho bà có giá trị 35.041.040đ, trong đó 40m2 đất ở và 205m2 đất vườn, 1/2 cái giếng đào giá trị là 1.794.000đ(trên phần đất có khung xe) diện tích đất vườn còn dư 205m2 – 146,5 m2 = 58,5m2, chị sẽ thối lại cho bà H4 58,5 m2 x1800000đ = 105.300.000đ. Phần đất ở là kỷ phần thừa kế của ông N8 nên bà có nghĩa vụ thối lại cho bà L 70.000.000đ, bà S, anh T2, anh K mỗi người 23.333.000đ. Bà được hưởng là (263.700.000đ +23.333.000đ+ 35.041.040đ + 1.794.000đ)= 323.

868.000đ Bà H4 được nhận từ ông T thanh toán 158.400.000đ; bà H1 thanh toán là 105.300.000đ, ông H thanh toán 43.497.000 đ.Tổng số tiền là 158.400.000đ +105.300.000đ + 20.164.000đ + 23.333.000đ = 307.197.000đ.

Ông H3, ông H5 và bà C mỗi người được hưởng là 287.033.000đ. Bà C được nhận cả 03 kỷ phần do ông H3 và ông H5 tự nguyện giao cho bà nên ông T sẽ thanh toán tiền đất vườn 128.160.000đ, bà P thanh toán tiền đất vườn cho bà 366.660.000đ, ông T1 thanh toán cho bà 296.280.000đ và ông H thanh toán cho bà là 70.000.000đ, tổng cộng là 861.100.000đ.

Bà L được nhận kỷ phần thừa kế bằng giá trị do bà H1 thanh toán là 70.000.000đ. Bà S, anh T2 và anh K được nhận bằng giá trị do bà H1 thanh toán 23.333.000đ.

[9] Đối với diện tích đất chênh lệch 81,5m2 là đất gò thuộc UBND phường B1 quản lý nên không có cơ sở xem xét công nhận về diện tích trên, hiện theo phân chia hiện trạng thì phần đất này ở phía sau cụ thể bà P đang sử dụng 10,2m2, ông T sử dụng là 35,2 m2, ông T1 đang sử dụng là 36,1m2, phần đất lấn chiếm này không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án.

[10] Về công sức duy trì, bảo quản di sản các đương sự không yêu cầu, phần lớn các đồng thừa kế, cụ thể bà P, ông T, ông T1, gia đình ông T4 đều ở và quản lý thửa đất từ trước đến nay nên HĐXX không xem xét về vấn đề này.

[11] Về yêu cầu của ông T, ông T1 yêu cầu tính tiền bồi trúc đất ở phía sau nhà, yêu cầu này HĐXX không chấp nhận vì theo sơ đồ thì diện tích bồi trúc thuộc phần đất lấn chiếm, còn phần diện tích đất vườn lại tiếp tục giao cho ông T và ông T1, suốt thời gian qua các ông đã hưởng hoa lợi nên không xem xét.

[12] Về án phí: Bà P và bà C có đơn xin miễn tiền án phí theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Bà C và bà P không phải chịu án phí.

Theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 7 Điều 27 tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm cụ thể bà H1 phải chịu là 323.868.000đ x 5% = 16.193.000đ, tương tự ông H chịu là 15.643.000đ, bà H4 chịu 15.360.000đ, ông H3 và ông H5 mỗi người chịu 14.351.000đ (do bà C nhận 02 kỷ phần này nên bà C chịu 28.702.000đ), ông T chịu 8.932.000đ, ông T1 chịu 7.805.000đ, bà L chịu 3.500.000đ, bà S, anh T2 và anh K mỗi người chịu 1.167.000đ.

[13] Về chi phí tố tụng: Lệ phí đo đạc, định giá tài sản là 6.000.000đ trong đó bà P nộp 4.000.000đ, bà H1 nộp 500.000đ, ông H nộp 500.000đ, ông T nộp 500.000đ, ông T1 nộp 500.000đ, theo quy định tại khoản 2 Điều 157 BLTTDS các đương sự chịu lệ phí theo tỷ lệ giá trị tài sản được nhận và khấu trừ số tiền tương ứng đã nộp. Qua tính toán tổng giá trị là 2.414.052.000đ và giá trị được hưởng cụ thể là bà H1 được là 323.868.000đ phải chịu chi phí là 805.000đ, tương tự ông H hưởng 312.868.000đ phải chịu là 778.000đ, ông T hưởng là 178.650.000đ phải chịu 444.000đ, ông T1 hưởng là 156.096.000đ phải chịu 388.000đ, ông H5, ông H3, bà C mỗi người hưởng là 287.033.000đ nên mỗi người phải chịu 713.000đ, do bà C hưởng 03 kỷ phần nên chi phí bà C phải chịu 2.139.000đ, bà H4 hưởng là 307.197.000đ phải chịu tố tụng là 764.000đ, bà P hưởng là 140.000.000đ phải chịu 348.000đ, bà L hưởng là 70.000.000đ phải chịu 174.000đ, bà S, anh T2, anh K mỗi người hưởng là 23.333.000đ nên mỗi người phải chịu 58.000đ. Số tiền chi phí đo đạc của bà H4, bà L, bà S, anh T2, anh K chịu thì phải thanh toán toàn bộ cho bà P. Bà H1 và ông H sau khi đã nôp thì số tiền chênh lệch còn phải chịu thanh toán cho bà P, cụ thể bà H1 thanh toán là 305.000đ, ông H thanh toán là 278.000đ còn ông T và ông T1 nộp dư thì bà C sẽ thanh toán chênh lệch cụ thể cho ông T là 56.000đ, cho ông T1 là 112.000đ, còn thanh toán cho bà P là 1.971.000đ.

[14] Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn ông Lê Văn K2 đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P về việc tranh chấp chia di sản thừa kế, chia diện tích đất ở và đất vườn của thửa đất số 41, tờ bản đồ số 9 diện tích 1079m2 ở phường B1, kỷ phần của bà P diện tích đất ở và đất vườn là 215,8m2. Bà P không yêu cầu chia giá trị tài sản tự nguyện giao cho các chủ quản lý sở hữu. Ý kiến của ông K2 phù hợp với một phần nhận định HĐXX về chia phần diện tích đất ở và ghi nhận không tranh chấp giá trị tài sản còn phần diện tích 879m2 đất vườn là đất hộ sản xuất nông nghiệp nên đề nghị chia đất vườn là không chấp nhận.

[15] Qua đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã A phù hợp với nhận định trên nên HĐXX chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào Điều 5, khoản 5 Điều 26, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39,147, 157, 158, 227,228, 259, 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng các Điều 611, 612, 623, 649, 651, 652 và Điều 688 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

- Áp dụng Án lệ số 26/2018/AL và Án lệ 41/2021/AL.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị P về chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản của cụ T10 và cụ X1. Xác định di sản của cụ Lê T10 và cụ Nguyễn Thị X1 là diện tích 200m2 đất ở thuộc thửa 41, tờ bản đồ số 9 ở phường B1, 01 gian nhà do ông T quản lý, sử dụng; 01 gian nhà do ông T1 đang quản lý, sử dụng; 01 cái giếng đào do ông H sử dụng và 1/2 giếng đào do bà H1 sử dụng.

Ghi nhận sự tự nguyện các đương sự giao giá trị gian nhà có ký hiệu A1 cho ông T được sở hữu là 38.649.920đ (Ba mươi tám triệu sáu trăm bốn mươi chín nghìn chín trăm hai mươi đồng) và giao giá trị gian nhà có ký hiệu A4 cho ông T1 sở hữu có giá trị là 16.096.000đ (Mười sáu triệu không trăm chín mươi sáu nghìn đồng, giao cho ông H được sở hữu 01 cái giếng đào giá trị là 3.588.000đ (Ba triệu năm trăm tám mươi tám nghìn đồng) và bà H1 được sở hữu 1/2 cái giếng đào giá trị là 1.794.000đ (Một triệu bảy trăm chín mươi bốn nghìn đồng).

Bà Lê Thị P được giao phần đất có ký hiệu S1 với diện tích là 243,7m2 trong đó 40m2 đất ở và 203,7m2 đất vườn. Trên phần đất có gian nhà do bà và bà H2 xây dựng. Có tứ cận Phía Đông giáp phần nhà và đất phân chia cho ông T; Phía Tây giáp phần nhà của ông Thành; Phía Nam giáp phần đất phân chia cho bà H1; Phía Bắc giáp phần đất lấn chiếm. (Có sơ đồ kèm theo).

Bà được sở hữu 02 cây xoài và 01 cây sanh. Buộc bà có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất vườn cho bà C 366.600.000đ (Ba trăm sáu mươi sáu triệu sáu trăm nghìn đồng) và giá trị 02 cây xoài 2.772.000đ (Hai triệu bảy trăm bảy mươi hai nghìn đồng) và thanh toán cho ông T giá trị cây Sanh là 662.000đ (Sáu trăm sáu mươi hai nghìn đồng). (Có sơ đồ kèm theo).

Ông Lê Ngọc T được giao phần đất có ký hiệu S2 với diện tích 265,4m2, trong đó 40m2 đất ở và 225,4m2 đất vườn, trên phần đất có gian nhà do cụ X1 - cụ T10 xây dựng và gian nhà do ông xây dựng. Phần Có tứ cận Phía Đông giáp phần nhà và đất chia cho ông T1; Phía Tây giáp phần đất chia cho bà P; Phía Nam giáp đất phân chia cho bà H1; Phía Bắc giáp phần đất lấn chiếm. (Có sơ đồ kèm theo).

Buộc ông T có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất vườn cho bà H4 158.400.000đ (Một trăm năm mươi tám triệu bốn trăm nghìn đồng), thanh toán cho ông H là 119.160.000đ (Một trăm mười chín triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng) và ông thanh toán cho bà C 128.160.000đ (Một trăm hai mươi tám triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Ông Lê Văn T1 được giao phần đất có ký hiệu S3, có diện tích 204,6m2 trong đó 40m2 đất ở và 164,6m2 đất vườn, phần đất có gian nhà do cụ X1 - cụ T10 xây dựng và phần nhà do ông T9 xây dựng. Phần đất có tứ cận Phía Đông giáp phần nhà và đất bà Nhụy; Phía Tây giáp phần đất chia cho ông T; Phía Nam giáp phần đất phân chia cho bà H1, ông H; Phía Bắc giáp phần đất lấn chiếm. (Có sơ đồ kèm theo).

Buộc ông T1 có nghĩa vụ thanh toán giá trị đất vườn cho bà C 128.160.000đ (Một trăm hai mươi tám triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Ông Lê Văn H được giao phần đất có ký hiệu S4 với diện tích 120,3m2, trong đó 40m2 đất ở và 80,3m2 đất vườn, phần đất có gian nhà do bà C, ông T4 xây dựng cho ông và phần gian nhà cho bà H4, 01 cái giếng đào giá trị là 3.588.000đ (Ba triệu năm trăm tám mươi tám nghìn đồng). Phần đất có tứ cận Phía Đông giáp phần đất của bà Nhụy,ông Minh; phía Tây giáp phần đất chia cho ông T1, bà H1; Phía Nam giáp đất ông Anh và nhà đất phân chia cho bà H1,; phía Bắc giáp phần đất chia cho ông T1, (Có sơ đồ kèm theo).

Buộc ông H có nghĩa vụ thối lại cho bà C bà H1, ông H3, ông H5 và bà H4 mỗi người giá trị đất ở là 23.333.000đ (Hai mươi ba triệu ba trăm ba mươi ba nghìn đồng). Và ông phải thanh toán cho bà H4 giá trị gian nhà 20.164.000đ (Hai mươi triệu một trăm sáu mươi bốn nghìn đồng).

Bà Lê Thi Thanh Hoa được giao phần đất có ký hiệu S5 với diện tích được giao 245m2 phần đất có gian nhà do bà C, ông T4 xây dựng cho bà trong đó 40m2 đất ở và 205m2 đất vườn, 1/2 cái giếng đào giá trị là 1.794.000đ (Một triệu bảy trăm chín mươi bốn nghìn đồng). Phần đất có tứ cận; Phía Đông giáp phần đất của bà Tâm, ông Anh và ông H; Phía Tây giáp nhà ông Thành; phía Nam giáp đường đi; Phía Bắc giáp phần đất phân chia cho bà P và ông T (Có sơ đồ kèm theo).

Buộc bà H1 thanh toán cho bà H4 105.300.000đ (Một trăm linh năm triệu ba trăm nghìn đồng), thanh toán cho bà L 70.000.000đ (Ba mươi triệu đồng), thanh toán cho bà S, anh T2, anh K mỗi người 23.333.000đ (Hai mươi ba triệu ba trăm ba mươi ba nghìn đồng).

2. Về diện tích đất chênh lệch 81,5m2, bà P đang sử dụng 10,2m2, ông T đang sử dụng là 35,2 m2, ông T1 đang sử dụng là 36,1m2, không có cơ sở xem xét công nhận và không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này.

3. Về công sức duy trì, bảo quản di sản và chăm sóc người để lại di sản các đương sự không yêu cầu và thực tế các đồng thừa kế cùng ở quản lý di sản trên nên không xem xét. Không chấp nhận yêu cầu của ông T và ông T1 về yêu cầu tính tiền bồi trúc đất ở phía sau.

4. Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Lý Thị Kim C và bà Lê Thị P không phải chịu án phí. Bà H1 phải chịu án phí là 16.193.000đ (Mười sáu triệu một trăm chín mươi ba nghìn đồng), ông H chịu án phí là 15.643.000đ (Mười lăm triệu sáu trăm bốn mươi ba nghìn đồng), bà H4 chịu 15.360.000đ (Mười lăm triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng), bà C phải chịu án phí (phần được hưởng của ông H3 và ông H5) là 28.702.000đ (Hai mươi tám triệu bảy trăm linh hai nghìn đồng), ông T chịu 8.933.000đ (Tám triệu chín trăm ba mươi ba nghìn đồng), ông T1 chịu 7.805.000đ (Bảy triệu tám trăm linh năm nghìn đồng), bà L chịu 3.500.000đ (Ba triệu năm trăm nghìn đồng), bà S, anh T2, anh K mỗi người chịu 1.167.000đ (Một triệu một trăm sáu mươi bảy nghìn đồng).

5. Về chi phí tố tụng: Lệ phí đo đạc, định giá tài sản là 6.000.000đ (Sáu triệu đồng), cụ thể thanh toán như sau: Bà P phải chịu 348.000đ (Ba trăm bốn mươi tám nghìn đồng) (đã nộp xong), bà H1 chịu chi phí là 805.000đ (Tám trăm linh năm nghìn đồng), đã tạm ứng 500.000đ còn buộc bà phải thanh toán cho bà P 305.000đ (Ba trăm linh năm nghìn đồng), tương tự buộc ông H phải thanh toán cho bà P là 228.000đ (Hai trăm hai mươi tám nghìn đồng), buộc bà H4 phải thanh toán cho bà P là 764.000đ (Bảy trăm sáu mươi bốn nghìn đồng), buộc bà L thanh toán cho bà P là 174.000đ (Một trăm bảy mươi bốn nghìn đồng), buộc bà S, anh T2 và anh K mỗi người thanh toán cho bà P là 58.000đ (Năm mươi tám nghìn đồng), buộc Bà C phải chịu chi phí là 2.139.000đ (Hai triệu một trăm ba mươi chín nghìn đồng), số tiền này buộc bà C sẽ thanh toán cho ông T là 56.000đ (Năm mươi sáu nghìn đồng), buộc bà cho ông T1 là 112.000đ (Một trăm mười hai triệu đồng), còn buộc bà thanh toán cho bà P là 1.971.000đ (Một triệu chín trăm bảy mươi mốt nghìn đồng).

6. Quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt tại phiên tòa quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, các đương sự vắng mặt tại phiên tòa, thì thời hạn kháng cáo 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

7. Quyền, nghĩa vụ thi thành án:

Kê từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

253
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp di sản thừa kế số 63/2022/DS-ST

Số hiệu:63/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã An Nhơn - Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;