Bản án về tranh chấp dân sự yêu cầu tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm vô hiệu số 162/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 162/2021/DS-PT NGÀY 29/09/2021 VỀ TRANH CHẤP DÂN SỰ YÊU CẦU TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN KHÔNG CÓ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VÔ HIỆU

Ngày 29 tháng 09 năm 2021 tại Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử công khai phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 94/2021/TLPT-DS, ngày 17 tháng 5 năm 2021 về “Tranh chấp dân sự về yêu cầu tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm vô hiệu”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST, ngày 31/03/2021 của Toà án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 152/2021/QĐ-PT, ngày 23 tháng 06 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 90//2021/QĐ-PT ngày 14 tháng 07 năm 2021, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: bà Phạm Thị B, sinh năm 1954; nơi cư trú: nhà số x, tổ y, ấp R, xã T, huyện G, tỉnh Tây Ninh. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà B: ông Trần Minh T là Luật sư – Văn phòng Luật sư trần M thuộc Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh. Có mặt.

* Bị đơn: chị Phạm Thị N, sinh năm 1975 và anh Lê Văn Đ, sinh năm 1974; cùng nơi cư trú: nhà số 12, tổ 2, ấp R, xã T, huyện G, tỉnh Tây Ninh. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh Đ: ông Nguyễn Hữu L là Luật sư – Chi nhánh Văn phòng Luật sư T Tây Ninh thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Tây Ninh. Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh; địa chỉ: khu phố Rạch Sơn, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh; Người đại diện theo pháp luật: ông Trần Hùng Nghiễm - Chức vụ: Trưởng phòng (có đơn xin xét xử vắng mặt).

* Người kháng cáo:

- Ông Lê Văn Đạt và bà Phạm Thị Nguyệt – là bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 01/09/2020 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa nguyên đơn bà Phạm Thị B trình bày:

Bà Phạm Thị B và chị Phạm Thị N là chị em ruột, sống ở gần nhà nhau; do bà B sống một mình nên chị N có thường xuyên nhờ bà xuống nhà chị N để giúp việc nhà và giữ hộ con cho vợ chồng chị N.

Trong thời gian đó, chị N có nói với bà B đi cùng vợ chồng chị xuống văn phòng công chứng làm giấy tờ giữ đất nếu sau này bà B có bị bệnh thì anh em trong nhà sẽ không ai tranh chấp với nhau về mảnh đất của bà. Ngày 01/11/2018, bà B cùng vợ chồng chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ đến Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh để lập hợp đồng vay tài sản, không có biện pháp bảo đảm. Bản thân bà B là người không biết chữ nên không biết rõ nội dung của bản hợp đồng; do đó, vì tin tưởng vợ chồng chị N, anh Đ nên bà B đã ký vào hồ sơ mà chị N đưa cho tại phòng công chứng. Bà B và chị N có thỏa thuận với nhau tại nhà chị N rằng lúc cha mẹ chung còn sống có cho bà B 01 phần đất, hiện nay bà đã xây dựng nhà trên đất nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bà, lúc này người em trai của bà (anh của chị N) là anh Phạm Thái H (Bơ) có nói với bà B là chỉ cho bà sống trên mảnh đất đến hết đời của bà, sau đó thì anh H sẽ lấy lại đất, từ lý do đó nên bà B đã cùng với chị N, anh Đ đến Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh để lập hợp đồng công chứng với nội dung giữ lại nhà đất cho bà B để anh H không lấy đất lại, nên bà mới đồng ý ký tên vào bản hợp đồng tại Phòng công chứng.

Sáu tháng sau, sau khi ký tên vào bản hợp đồng tại Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh bà B có nghe mọi người trong nhà nói lại và trực tiếp xem bản hợp đồng thì mới biết rằng bà nợ vợ chồng chị N, anh Đ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng. Khi bà B ký tên vào hợp đồng vay tại Phòng công chứng thì bà không được nghe công chứng viên công bố về nội dung của hợp đồng và bà cũng không có nhận số tiền vay là 300.000.000 đồng của chị N, anh Đ theo hợp đồng vay đã công chứng. Lúc này, bà có gặp chị N hỏi lý do “tao không có nợ mày mà nói tao có nợ”, thì chị N mới đưa ra bản hợp đồng, bà có yêu cầu chị N hủy bỏ hợp đồng nhưng chị N không đồng ý. Bà B có bị tai nạn giao thông nhưng tiền chữa trị là do bà tự chi trả và bà có mua bảo hiểm, hiện nay bà vẫn đi lại bình thường. Bà không mượn tiền của chị N để mổ mắt gì cả, chị N trình bày mỗi năm đưa cho bà 50.000.000 đồng để điều trị bệnh và mổ mắt, đóng hụi thời gian là 06 năm kể từ năm 2013 đến năm 2018, với tổng cộng số tiền 300.000.000 đồng là không đúng và hiện nay chị N vẫn còn nợ tiền bà nhưng bà không có yêu cầu. Nay bà yêu cầu tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm ngày 01/11/2018 có công chứng tại Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh là vô hiệu. Ngoài ra, bà không có yêu cầu gì khác.

Bị đơn, chị Phạm Thị N trình bày: do bà B sống một mình, không có chồng con, lúc cha mẹ còn sống có cho bà B 01 phần đất để xây dựng nhà ở, nhưng chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho bà B, hiện nay trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên của cha mẹ. Do anh Phạm Thái H (Bơ) em ruột bà B (anh ruột chị) thường xuyên đuổi bà B, lúc này bà B có đến nhà chị để ở, do bà B bị tai nạn giao thông bị đau ở đầu gối nên cần tiền để chữa trị, nên chị có giao cho bà B một năm là 50.000.000 đồng, giao trong thời gian là 06 năm kể từ năm 2013 đến năm 2018, với số tiền 300.000.000 đồng, trong số tiền 300.000.000 đồng này ngoài trị bệnh ra bà B còn mổ mắt và sinh hoạt cá nhân, lúc chị giao tiền cho bà B chồng chị anh Lê Văn Đ không biết, đến ngày 01/11/2018 giữa bà B và vợ chồng chị có đến Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh để lập hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm, với nội dung là bà B có mượn của vợ chồng chị số tiền 300.000.000 đồng. Lúc chị giao tiền cho bà B sáu lần, mỗi lần 50.000.000 đồng đều không làm giấy tờ mượn tiền do bà B ký tên gì cả. Trước khi bà B ký tên vào hợp đồng vay tiền không có biện pháp bảo đảm thì anh Nghiễm – Trưởng phòng công chứng có công bố nội dung hợp đồng này cho bà B nghe. Nay chị không đồng ý theo yêu cầu của bà B là tuyên bố hợp đồng vô hiệu, chị yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm ngày 01-11-2018 có công chứng của Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, chị không có yêu cầu gì khác.

Bị đơn, anh Lê Văn Đ trình bày: anh thống nhất như lời trình bày của vợ anh là chị N. Anh trình bày bổ sung lý do ký hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm ngày 01-11-2018 nhằm mục đích sau này bà B chết để lại nhà đất của bà B cho vợ chồng anh. Nay, anh thống nhất như yêu cầu của chị N. Ngoài ra, anh không có yêu cầu gì khác.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh (ông Trần Hùng Nghiễm là người đại diện):

Tại văn bản trình bày ý kiến ngày 28/10/2020 Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh, có chứng nhận hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm ngày 01/11/2018, số công chứng 3358, quyển số 11TP/CC-SCC/HĐGD, giữa chị N, anh Đ và bà B là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục công chứng và các văn bản luật khác liên quan. Việc người khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh không có yêu cầu gì khác và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Người làm chứng bà Phạm Thị Nga trình bày: ngày 01/11/2019 bà có cùng chị N, anh Đ và bà B đến Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh để làm hợp đồng; tuy nhiên, sau đó bà có việc bận nên đi về trước, còn chị N anh Đ và bà B ở lại làm hợp đồng sau, nội dung của hợp đồng như thế nào thì bà không biết. Bà cho rằng, chị N và anh Đ không cho bà B vay tiền mà ngược lại chị N và anh Đ thường xuyên vay tiền của bà B để đóng tiền hụi.

Bản án sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 31/03/2021 của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, quyết định:

Căn cứ vào Điều 147, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 127 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị B đối với chị Phạm Thị N, anh Lê Văn Đ về việc “Tranh chấp dân sự về yêu cầu tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm vô hiệu”.

Tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm giữa bà Phạm Thị B và chị Phạm Thị N, anh Lê Văn Đ công chứng ngày 01/11/2018, số công chứng 3358, quyển số 11TP/CC-SCC/HĐGD, đối với số tiền vay 300.000.000 đồng là vô hiệu.

- Về hậu quả của hợp đồng vô hiệu: không giải quyết.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/04/2021, bị đơn – chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, tính hợp pháp của hợp đồng và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ giữ nguyên yêu cầu kháng cáo không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị B.

- Bà Phạm Thị B giữ nguyên yêu cầu khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm ngày 01/11/2018 có công chứng tại Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh là vô hiệu.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tham gia phiên tòa:

- Về tố tụng: việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về tố tụng: đơn kháng cáo của chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ làm trong thời hạn luật định, nội dung kháng cáo thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm phù hợp với quy định tại Điều 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ:

[2.1] Chị N xác nhận việc xác lập hợp đồng vay tài sản ngày 01/11/2018 tại Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh với nội dung bà B có vay của chị N, anh Đ số tiền 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng là nhằm để sau này khi bà B chết sẽ để lại tài sản cho chị N, anh Đ và làm bằng chứng để đối phó với các anh em sau này nếu xảy ra tranh chấp (bút lục 40 - lời khai của chị N). Thực ra là, khi ký hợp đồng vay tài sản các bên không có giao nhận tiền như lời trình bày của ông Trần Hùng Nghiễm - Trưởng Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh; tại Biên bản lấy lời khai ngày 10/3/2021 (bút lục 42) thể hiện: “Tuy nội dung của hợp đồng công chứng là chị N, anh Đ có cho bà B vay số tiền 300.000.000 đồng, không có lãi suất, thời hạn vay là 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Nhưng Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh chỉ công chứng hợp đồng giữa 02 (hai) bên, còn việc giao nhận tiền giữa chị N, anh Đ với bà B là sự thỏa thuận của các bên, không thực hiện việc giao nhận tiền tại Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh. Việc chị N, anh Đ có giao nhận tiền với bà B hay không thì Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh không biết”.

[2.2] Như vậy, tại thời điểm ký xác nhận hợp đồng vay, bà B không có nhận tiền và trong hợp đồng cũng không có ghi rõ là số tiền bà B đã vay nhiều lần trước đó. Do đó, có cơ sở xác nhận rằng nội dung của hợp đồng vay tài sản là không có thật, chị N và anh Đ đã lừa dối đối với Công chứng viên và bà B để xác lập hợp đồng vay.

[2.3] Việc chị N và anh Đ trình bày đã đưa tiền cho bà B từ cuối năm 2013 với số tiền mỗi năm là 50.000.000 đồng/năm và giao liên tục đến năm 2018, tổng cộng là 06 lần với số tiền là 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng là không có cơ sở chấp nhận. Bởi vì bà B không thừa nhận là đã nhận số tiền này, chị N và anh Đ cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh rằng có giao cho bà B số tiền nêu trên. Căn cứ quy định tại Điều 464 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Quyền sở hữu đối với tài sản vay” thì: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó”. Như vậy, hợp đồng vay đã được xác lập trên thực tế và phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên khi bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản, đó là thời điểm bên vay đã nhận được tài sản. Như vậy, nếu bà B chưa nhận số tiền vay trên thực tế thì chị N, anh Đ vẫn là chủ sở hữu tài sản; do đó, mặc dù hợp đồng giữa chị N, anh Đ với bà B đã được xác lập nhưng những thoả thuận về quyền và nghĩa vụ giữa các bên chưa phát sinh trên thực tế. Vì vậy, xác định không có việc bà B đã nhận tiền của chị N, anh Đ.

[3] Từ những phân tích trên cho thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá các chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, phù hợp với quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự nên đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà B là có căn cứ. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo chị N, anh Đ; cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

[4] Về án phí phúc thẩm:

- Anh Lê Văn Đ kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định. Tuy nhiên, anh Đ là người khuyết tật nên được miễn tiền án phí phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Chị Phạm Thị N kháng cáo nhưng không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Dân sự và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 127 của Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ.

2. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2021/DS-ST, ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị B đối với chị Phạm Thị N và anh Lê Văn Đ.

Tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm lập ngày 01- 11- 2018 được công chứng tại Phòng Công chứng số x tỉnh Tây Ninh là vô hiệu.

4. Về hậu quả của hợp đồng vô hiệu: không giải quyết.

5. Về án phí:

5.1. Án phí sơ thẩm:

- Chị N, anh Đ phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền án phí sơ thẩm.

5.2. Án phí phúc thẩm:

- Anh Lê Văn Đ được miễn án phí phúc thẩm.

- Chị Phạm Thị N phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền án phí phúc thẩm. Khấu trừ số tiền 300.000 (ba trăm nghìn) đồng chị N đã tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm số 0012892 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ghi nhận chị N đã nộp xong.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

402
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp dân sự yêu cầu tuyên bố hợp đồng vay tài sản không có biện pháp bảo đảm vô hiệu số 162/2021/DS-PT

Số hiệu:162/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;