Bản án về tranh chấp chia tài sản chung và đòi lại tài sản số 26/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU

BẢN ÁN 26/2023/DS-PT NGÀY 08/03/2023 VỀ TRANH CHẤP CHIA TÀI SẢN CHUNG VÀ ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 03 và 08 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 164/2022/TLPT-DS ngày 11 tháng 11 năm 2022 về “Tranh chấp chia tài sản chung và đòi lại tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 05/2023/QĐ-PT ngày 11 tháng 01 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 17/2023/QĐ-PT ngày 14 tháng 02 năm 2023 và Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng số 27A/2023/QĐPT-DS ngày 03 tháng 3 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Ông Nguyễn Xuân T, sinh năm 1969 và bà Trần Thị H, sinh năm 1970.

Cùng địa chỉ: A42 tổ 3, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

2. Ông Nguyễn Xuân T1, sinh năm 1966 và bà Lê Thị C, sinh năm 1965.

Cùng địa chỉ: A45 tổ 3, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

3. Ông Nguyễn Xuân B, sinh năm 1972 và bà Lâm Thị B, sinh năm 1978.

Cùng địa chỉ: A40 tổ 3, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

4. Ông Nguyễn Xuân T2, sinh năm 1976 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1981.

Cùng địa chỉ: A43 tổ 3, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

5. Ông Trần Minh M, sinh năm 1976 và bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1981.

Cùng địa chỉ: A42 tổ 3, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn: Bà Lê Thị G, sinh năm 1989.

Địa chỉ: 577 P, phường P, thành phố B, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (theo Giấy ủy quyền ngày 22-5-2018 và Giấy ủy quyền ngày 28-5-2018) (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn: Luật sư Bùi Đức Q - Công ty luật TNHH MTV T - Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).

- Bị đơn:

Ông Đỗ Ngọc Đ, sinh năm 1956.

Địa chỉ: Tổ 6, ấp P, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (đã chết ngày 04- 10-2018).

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Đ:

1. Bà Trần Thị D, sinh năm 1956.

Địa chỉ: F66 tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

2. Bà Đỗ Thị T, sinh năm 1987.

Địa chỉ: tổ 7, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

3. Bà Đỗ Thị N, sinh năm 1989.

Địa chỉ: K14, tổ 10, ấp H, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

4. Ông Đỗ Phúc T, sinh năm 1991.

Địa chỉ: F66 tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

5. Ông Đỗ Phúc N, sinh năm 1993.

Địa chỉ: F66 tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

6. Ông Đỗ Tấn L, sinh năm 1995.

Địa chỉ: F66 tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người đại diện theo ủy quyền của bà T, bà N, ông T, ông N, ông L:

Ông Thái Lý D, sinh năm 1985.

Địa chỉ: Q14 tổ 6, ấp K, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (theo Giấy ủy quyền ngày 05-01-2021) (có mặt).

7. Ông Đỗ Duy T, sinh năm 1984.

Địa chỉ: I22 tổ 1, ấp T, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

8. Bà Đỗ Thị C, sinh năm 1979.

Địa chỉ: F66 tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Bà Trần Thị D, sinh năm 1956.

Địa chỉ: F66 tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người đại diện theo ủy quyền của bà D:

1. Ông Thái Lý D, sinh năm 1985.

Địa chỉ: Q14 tổ 6, ấp K, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (có mặt).

2. Ông Lê Quý T, sinh năm 1975.

Địa chỉ: 31 đường 15, khu phố 5, phường H, thành phố T, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

(Theo Giấy ủy quyền ngày 12-9-2018).

- Người làm chứng:

1. Ông Hoàng Xuân T, sinh năm 1971.

Địa chỉ: 32 L, khu phố 5, thị xã L, tỉnh Bình Thuận (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

2. Ông Nguyễn Mạnh H, sinh năm 1980.

Địa chỉ: Trạm dầu nhớt P, cảng P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).

3. Ông Bùi Thanh H, sinh năm 1975.

Địa chỉ: Tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

4. Ông Võ V, sinh năm 1973.

Địa chỉ: Tổ 14, ấp L, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

5. Ông Nguyễn Văn Hổ.

Địa chỉ: Q24 tổ 1, ấp K, xã P, huyện L, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (vắng mặt).

- Người kháng cáo:

1. Bà Lê Thị G - Người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn.

2. Bà Trần Thị D - Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn.

3. Bà Đỗ Thị T - Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn.

4. Bà Đỗ Thị N - Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn.

5. Ông Đỗ Phúc T - Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn.

6. Ông Đỗ Phúc N - Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn.

7. Ông Đỗ Tấn L - Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn các ông, bà: Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B và người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn là bà Lê Thị G trình bày như sau:

Vào năm 2008, các nguyên đơn có hùn chung với ông Đỗ Ngọc Đ, bà Trần Thị D mua 02 chiếc ghe mới mang số hiệu BV-4542-TS và BV- 4532-TS, cả hai chiếc ghe này đều do ông Đ đứng tên sở hữu. Hai chiếc ghe trên chia làm 8 phần hùn, ông Đ, bà D hùn 02 phần, các nguyên đơn hùn 06 phần.

Các nguyên đơn khởi kiện ông Đỗ Ngọc Đ, bà Trần Thị D về việc yêu cầu chia phần hùn ghe. Nguyên đơn thống nhất giá trị 02 chiếc ghe trên là 3.600.000.000 đồng. Ông Đ, bà D đang sử dụng hai chiếc ghe này nên phải trả cho các nguyên đơn 06 phần hùn tương đương với số tiền là 2.700.000.000 đồng. Các nguyên đơn thống nhất yêu cầu được sở hữu chung số tiền trên chứ không chia nhỏ ra từng phần. Hiện nay ông Đỗ Ngọc Đ đã chết, các nguyên đơn yêu cầu bà Trần Thị D cùng những người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đ là các ông, bà Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C có nghĩa vụ trả số tiền trên cho các nguyên đơn.

Ngày 29-11-2021, các nguyên đơn có đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung về việc yêu cầu bà D và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đ phải trả cho các nguyên đơn số tiền 1.800.000.000 đồng là tiền đóng góp để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt bên vùng biển Indonexia vào năm 2010. Các nguyên đơn xác định giao tiền 1.800.000.000 đồng/6 phần hùn (mỗi phần hùn là 300.000.000 đồng) cho ông Đ chứ không phải cho ông V, các nguyên đơn giao toàn bộ cho ông Đ đứng ra ký kết hợp đồng còn việc ông Đ có ký hợp đồng hay không thì các nguyên đơn không biết. Ông Đ bảo đảm việc đánh bắt đó không bị bắt và sẽ giải quyết hậu quả nếu có sự cố gì xảy ra. Các nguyên đơn không biết ông V là ông nào, chỉ biết tại nhà ông Đ có một treo một cái bảng của công ty N, chính vì vậy mà ông Đ mới kêu nguyên đơn đưa tiền cho ông Đ để ký hợp đồng bảo lãnh việc đánh bắt đó (còn thực tế ông Đ có ký hay không thì các nguyên đơn không biết).

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc thanh toán số tiền chuộc ghe thì có 2 phương án như sau: Nếu bên bị đơn rút yêu cầu phản tố thì nguyên đơn cũng sẽ không yêu cầu khởi kiện bổ sung, còn nếu bị đơn giữ nguyên yêu cầu phản tố thì nguyên đơn sẽ đồng ý với yêu cầu phản tố (là yêu cầu nguyên đơn phải trả cho ông Đ số tiền chuộc ghe của 6 phần hùn là 2.243.733.600 đồng) và giữ nguyên yêu cầu khởi kiện bổ sung của mình (yêu cầu bên ông Đ phải trả cho nguyên đơn tiền ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt là 1.800.000.000 đồng).

Bị đơn ông Đỗ Ngọc Đ, người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đ là bà Trần Thị D, bà Đỗ Thị T, bà Đỗ Thị N, ông Đỗ Phúc T, ông Đỗ Phúc N, ông Đỗ Tấn L và người đại diện theo ủy quyền của bà D, bà T, bà N, ông T, ông N, ông L là ông Thái Lý D trình bày:

Ông Đ, bà D thống nhất với bên nguyên đơn về việc ông Đ, bà D có hùn mua chung 02 chiếc ghe mới mang số hiệu BV-4542-TS và BV- 4532-TS, cả hai chiếc ghe này đều do ông Đ đứng tên sở hữu. Hai chiếc ghe trên chia làm 8 phần hùn, ông Đ, bà D hùn 02 phần còn các nguyên đơn hùn 06 phần còn lại. thống nhất giá trị đôi ghe là 3.600.000.000 đồng. Hiện nay hai chiếc ghe trên do ông Đ, bà D đứng tên và đang quản lý sử dụng. Bị đơn đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chia lại giá trị hai chiếc ghe cho nguyên đơn theo 06 phần hùn đã đóng góp là 2.700.000.000 đồng.

Ngày 12-5-2014, ông Đ có đơn yêu cầu phản tố về việc buộc các nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn số tiền chuộc ghe bên Indonexia. Cụ thể, vào năm 2011ghe đi đánh bắt được 01 chuyến trót lọt đến chuyến thứ hai thì bị phía Indonexia bắt giữ. Ông Đ và các nguyên đơn thống nhất ông Đ sẽ bỏ tiền ra chuộc ghe về như sau: chuộc ghe 100.000 USD; chuộc hai tài công 13.000 USD; chi phí qua Indonexia 100.000.000 đồng; tiền nợ dầu của đại lý là 500.000.000 đồng. Quy thành tiền là 2.991.645.000 đồng. Như vậy chia theo tỷ lệ phần hùn thì 06 phần hùn phải thanh toán cho bị đơn số tiền 2.243.733.600 đồng. Hiện nay bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố như đã nêu.

Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn thì bị đơn không đồng ý, vì các nguyên đơn đóng tiền trực tiếp cho ông Nguyễn Ngọc V chứ không phải cho ông Đ và thực tế ghe đã đi đánh bắt trót lọt 1 lần, đến lần thứ 2 thì ghe bị bắt.

Ông Đ chết ngày 04-10-2018, cha mẹ ông Đ tên là Đỗ Minh K (đã chết) và Phạm Thị C (đã chết). Ông Đ có vợ là và Trần Thị D và có 07 người con tên Đỗ Thị C, Đỗ Duy T, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N và Đỗ Tấn L. Ngoài ra ông Đ không còn người con nào khác.

Người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đ là ông Đỗ Duy T và bà Đỗ Thị C đã được Tòa án triệu tập nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, tại phiên tòa ông T, bà C vắng mặt.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị D, người đại diện theo ủy quyền của bà D là ông Lê Quý T và ông Thái Lý D trình bày:

Bà D đồng ý với phần trình bày của ông Đ và những người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đ, bà D không có ý kiến bổ sung gì thêm.

Người làm chứng ông Bùi Thanh H trình bày:

Vào tháng 03-2011, ông Đỗ Ngọc Đ có nói ông H qua Indonexia sửa máy ghe để cho ghe chạy về Việt Nam. Tại nhà ông Đ thì ông Đ có đưa cho ông H 1 xấp tiền USD, ông H không đếm là bao nhiêu nhưng nghe ông Võ V nói là 20.000 USD, cùng lúc đó thì ông Đ cũng đưa cho ông B một sấp tiền ông H không biết là bao nhiêu và sau đó ông H giấu tiền ở trong giày. Ngoài số tiền ông Đ đưa cho ông H thì ông H không biết ông Đ đưa cho ai bao nhiêu cả. Khi đưa tiền thì ông Đ có nói qua chuộc ghe còn việc tiền này của ông Đ hay của ai ông H không biết.

Mọi người qua Indonesia bằng máy bay, khi qua đến Indonexia thì ông H đưa hết tiền trên cho ông V. Ông V cầm tiền và làm gì sau đó ông H không biết. Sau đó ông H và mọi người đi qua đảo khác ở Indonexia ông H sửa ghe xong thì ông H đi về Việt Nam trước, những người khác vẫn còn ở lại. Ông H không nhớ là có bao nhiêu người cùng đi qua Indonexia, ông H chỉ nhớ có ông Nguyễn Xuân B, ông Võ V và ông H.

Người làm chứng ông Võ V trình bày:

Ngày 24-3-2011, ông V qua Indonexia chuộc hai chiếc ghe mang số hiệu BV-4542-TS và BV-4532-TS. Khi đi, bố vợ ông V là ông Đỗ Ngọc Đ có đưa cho ông V 100.000 USD, ông V đưa lại ông H và ông B mỗi người mang dùm 20.000 USD, còn lại ông V mang 60.000 USD. Ngày 25-3-2011, ông V có đưa 100.000 USD cho phía người Indonexia để xin chuộc lại 02 chiếc ghe trên, có sự chứng kiến của ông B và ông H ở Phước Tỉnh.

Khi nhận lại ghe, ông H thợ máy kiểm tra đầy đủ, ông V có nhờ ông B và người bạn ghe chạy về. Còn ông V và ông H về bằng đường máy bay ngày 03-4- 2011. Đồng thời, ông Đ có đưa cho ông V 100.000.000 đồng để chi phí cho 02 lần đi qua lại giao dịch chuộc ghe gồm có chi phí máy bay cho 03 người và dịch vụ khách sạn ăn uống.

Người làm chứng ông Hoàng Xuân T trình bày:

Vào khoảng năm 2011, do có mối quan hệ quen biết từ trước, ông Đ có nói là 02 tài công của ghe ông Đ bị bắt bên Indonexia nên nhờ ông T qua làm thủ tục chuộc họ về nên ông T đồng ý. Khi qua Indonexia ông T có liên hệ với các cơ quan bên đó để bảo lãnh 02 tài công của ông Đ về. Ông Đ đưa cho ông T khoảng 275.000.000 đồng (tương đương 13.000 USD) để làm chi phí đi lại, ăn uống và đóng tiền chuộc. Việc thỏa thuận chuộc tài công chỉ có ông T và ông Đ biết, ngoài ra không còn ai biết. Ông T đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt ông T trong suốt quá trình tố tụng.

Người làm chứng ông Nguyễn Mạnh H trình bày:

Trong thời điểm năm 2010 ông H có bán dầu cho ghe BV-4542-TS và BV- 4532-TS do ông Đỗ Ngọc Đ làm chủ ghe. Trong thời gian buôn bán không phát sinh công nợ, nhưng năm 2010 đôi ghe này có lấy dầu của ông H đi biển và bị Indonexia bắt. Ông Đức gọi cho ông Hà và nói cho ông Đức nợ chuyến hàng lấy dầu đi biển này vì bị rủi ro ghe bị bắt và ông Hà đã đồng ý với số nợ 500.000.000 đồng. Ông H chưa yêu cầu gì về số nợ này và đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt ông H trong suốt quá trình tố tụng.

Người làm chứng ông Nguyễn Văn H đã được triệu tập làm việc hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt, tại phiên tòa ông H vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn ông, bà Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T1, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B về việc “Tranh chấp chia tài sản chung và đòi lại tài sản”:

- Buộc bà Trần Thị D và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đỗ Ngọc Đ là các ông, bà Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C phải trả lại cho các nguyên đơn là các ông, bà Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B số tiền hùn đóng 02 chiếc ghe BV-4542-TS và BV- 4532-TS là 2.700.000.000 (hai tỷ bảy trăm triệu) đồng.

- Buộc bà Trần Thị D và những người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đỗ Ngọc Đ là các ông, bà Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C phải trả lại cho các nguyên đơn là các ông, bà Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B số tiền đã nhận là 1.800.000.000 (một tỷ tám trăm triệu) đồng.

2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông Đỗ Ngọc Đ, buộc các nguyên đơn là các ông, bà Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B phải thanh toán cho bà Trần Thị D và những người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đỗ Ngọc Đ là các ông, bà Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C số tiền chuộc ghe, chuộc tài công, chi phí đi lại chuộc ghe và tiền dầu tổng cộng là 2.243.733.600 (hai tỷ hai trăm bốn mươi ba triệu bảy trăm ba mươi ba ngàn sáu trăm) đồng.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ do chậm thi hành án và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 8-9-2022, đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn là bà Lê Thị G có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Ngày 09-9-2022, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn là bà Trần Thị D, bà Đỗ Thị T, bà ĐỗThị N, ông Đỗ Phúc T, ông Đỗ Phúc N và ông Đỗ Phúc L có đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm về việc buộc các bị đơn phải trả lại cho các nguyên đơn số tiền 1.800.000.000 đồng, là tiền đóng góp để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá trên vùng biển Indonesia.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Các nguyên đơn (do bà Lê Thị G đại diện) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu khởi kiện bổ sung nhưng thay đổi yêu cầu kháng cáo như sau: Đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn đối với các khoản tiền sau: Chi phí chuộc tài công là 13.000 USD, chi phí đi sang Indonesia chuộc ghe là 100.000.000 đồng và chi phí mua dầu là 500.000.000 đồng. Riêng khoản tiền chi phí chuộc ghe 100.000 USD thì phía nguyên đơn đề nghị cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần là 60.000 USD, còn 40.000 USD còn lại đề nghị không chấp nhận. Đối với các phần khác của bản án sơ thẩm thì các nguyên đơn đồng ý nên không kháng cáo.

- Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị D (do ông Thái Lý D và ông Lê Quý T đại diện) giữ nguyên yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn về việc buộc các bị đơn phải trả lại cho các nguyên đơn số tiền 1.800.000.000 đồng, là tiền góp để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá trên vùng biển Indonesia. Đối với các phần khác của bản án sơ thẩm thì các bị đơn đồng ý nên không kháng cáo.

Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ nào khác .

- Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Đơn kháng cáo của các nguyên đơn và các bị đơn nộp trong thời hạn luật định. Những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Các đương sự đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung:

Xét kháng cáo của của các ông bà: Trần Thị D, bà Đỗ Thị T, bà ĐỗThị N, ông Đỗ Phúc T, ông Đỗ Phúc N và ông Đỗ Phúc L không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả lại cho các nguyên đơn số tiền 1.800.000.000 đồng, là tiền góp để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá trên vùng biển Indonesia:

Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm, các nguyên đơn đều xác nhận: Vào năm 2010, ông Đ có nói với các nguyên đơn về việc hùn tiền, mỗi phần hùn 300.000.000 đồng để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá trên vùng biển Indonesia. Do tin tưởng ông Đ nên các nguyên đơn chỉ hùn tiền đưa cho ông Đ mà không biết ông Đ ký hợp đồng với ai và đưa tiền cho ai, các nguyên đơn không biết ông V, chỉ thấy tại nhà ông Đ có treo bảng tên Công ty TNHH N. Nhưng ngoài lời khai của mình, các nguyên đơn không có chứng cứ nào khác về việc giao tiền hùn ký hợp đồng bảo lãnh cho ông Đ, ông Đ không thừa nhận việc này.

Còn theo bị đơn và những người thừa kế của bị đơn thì chỉ thừa nhận việc các nguyên đơn và ông Đ thống nhất thỏa thuận hùn tiền ký hợp đồng bảo lãnh với Công ty TNHH dịch vụ khai thác hải sản N và đưa tiền trực tiếp cho ông Nguyễn Ngọc V – Giám đốc Công ty này. Ông Đ chỉ đại diện ký hợp đồng bảo lãnh vì ông đứng tên chủ ghe. Bị đơn cung cấp được cho Tòa án 01 bản hợp đồng cung cấp dịch vụ hồ sơ khai thác hải sản vùng biển Indonesia ngày 18-9-2010 giữa bên cung cấp dịch vụ là ông Nguyễn Ngọc V và bên chủ tàu là ông Đ, trong đó có thỏa thuận việc giao nhận tiền để được đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia. Cả nguyên đơn và bị đơn không cung cấp được địa chỉ chính xác của ông V để Tòa án triệu tập làm rõ sự liên quan của ông V đối với thỏa thuận nêu trên. Do các nguyên đơn không chứng minh được đã giao số tiền 1.800.000.000 đồng cho ông Đ nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung này của các nguyên đơn là không có căn cứ. Kháng cáo của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn là có cơ sở.

Xét kháng cáo của các nguyên đơn: Trong suốt quá trình tố tụng tại cấp sơ thẩm, các nguyên đơn đều đồng ý với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc buộc các nguyên đơn phải trả cho bị đơn khoản chi phí chuộc ghe mà bị đơn đã bỏ ra. Sau khi có bản án sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho kháng cáo của mình. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện nguyên đơn xác nhận: Do bị đơn kháng cáo nên nguyên đơn mới kháng cáo, nguyên đơn không có chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu kháng cáo. Do vậy, kháng cáo của các nguyên đơn là không có cơ sở.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn, không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo của đại diện nguyên đơn và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn nộp trong thời hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Các nguyên đơn và bị đơn đều vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có người đại diện theo ủy quyền tham gia phiên tòa; riêng ông Đỗ Duy T và bà Đỗ Thị C đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai những vẫn vắng mặt không rõ lý do. Do vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự, xử vắng mặt các đương sự trên.

[2] Đối với yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải trả lại giá trị 06 phần hùn của 02 chiếc ghe mang số hiệu BV-4542-TS và BV-4532-TS, thành tiền là 2.700.000.000 đồng: Do các đương sự đều đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm về nội dung này và không kháng cáo nên cấp phúc thẩm không xem xét lại.

[3] Xét yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn đối với việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn:

[3.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của các nguyên đơn bà Lê Thị G xác nhận: Yêu cầu kháng cáo của các nguyên đơn là đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu các nguyên đơn phải hoàn trả cho bị đơn 2.243.733.600 đồng chi phí chuộc ghe và tài công, gồm: Chi phí chuộc 02 tài công là 275.145.000 đồng (tương đương 13.000 USD), tiền chi phí đi qua Indonesia là 100.000.000 đồng, tiền dầu là 500.000.000 đồng. Riêng khoản tiền chuộc 02 chiếc ghe là 2.116.500.000 đồng (tương đương 100.000 USD), nguyên đơn chỉ chấp nhận thanh toán số tiền 1.269.900.000 đồng (tương đương 60.000 USD), số tiền còn lại 846.600.000 USD (tương đương 40.000 USD) các nguyên đơn không thừa nhận vì bị đơn không chứng minh được nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận phần yêu cầu này của bị đơn.

[3.2] Xét yêu cầu kháng cáo nêu trên của các nguyên đơn thì thấy: Trong suốt quá trình giải quyết lại vụ án ở cấp sơ thẩm (sau khi có bản án giám đốc thẩm) và tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, các nguyên đơn đều đồng ý thanh toán cho bị đơn toàn bộ các khoản chi phí mà bị đơn ông Đ đã bỏ ra để chuộc 02 chiếc ghe mang số hiệu BV- 4542-TS và BV-4532-TS và 02 tài công vào năm 2011 là 2.243.733.600 đồng như bị đơn yêu cầu. Do yêu cầu phản tố của bị đơn được các nguyên đơn thừa nhận nên bị đơn không cần chứng minh. Vì vậy, cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc các nguyên đơn phải thanh toán cho bị đơn 2.243.733.600 đồng là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện các nguyên đơn yêu cầu không chấp nhận một phần khoản tiền chuộc ghe là 40.000 USD nhưng không xuất trình được chứng cứ mới để phản bác yêu cầu này. Mặt khác, người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn cũng khẳng định tại phiên tòa phúc thẩm: Mặc dù phía bị đơn không đưa ra được chứng cứ cụ thể chứng minh các khoản chi phí chuộc ghe và tài công vào năm 2011, nhưng các nguyên đơn vẫn có thiện chí thừa nhận các khoản chi phí này và đồng ý thanh toán cho bị đơn. Sở dĩ các nguyên đơn kháng cáo là vì phía bị đơn kháng cáo nên các nguyên đơn cũng kháng cáo để làm rõ thêm ý kiến và quan điểm của mình. Như vậy, các nguyên đơn vẫn thừa nhận và đồng ý thanh toán các chi phí chuộc ghe cho bị đơn như bản án sơ thẩm đã tuyên nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của các nguyên đơn, giữ nguyên quyết định này của bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[4] Xét yêu cầu kháng cáo của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn đối với việc giải quyết yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn đối với khoản tiền 1.800.000.000 đồng:

[4.1] Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn cho rằng cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của các nguyên đơn là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật, vì các nguyên đơn không có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh đã giao cho ông Đ khoản tiền 1.800.000.000 đồng để ký hợp đồng bảo lãnh việc đánh bắt cá trên vùng biển Indonesia, vì vậy yêu cầu cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu này của các nguyên đơn.

[4.2] Xét yêu cầu kháng cáo này của phía bị đơn thì thấy: Quá trình giải quyết vụ án qua nhiều cấp xét xử cũng như tại phiên tòa phúc thẩm ngày 03-3-2023, các nguyên đơn đều thừa nhận: Sau khi hùn tiền đóng cặp ghe BV-4542-TS và BV- 4532-TS, do đánh bắt cá ở vùng biển Việt Nam không hiệu quả nên giữa ông Đ và các nguyên đơn thống nhất thỏa thuận cùng góp tiền để ký hợp đồng bảo lãnh nhằm đảm bảo hai chiếc ghe này được đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia mà không bị bắt giữ. Số tiền mỗi phần hùn phải góp tương đương 300.000.000 đồng. Điều này cũng được phía bị đơn thừa nhận tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm. Do vậy, Hội đồng xét xử có căn cứ để kết luận việc các nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận cùng góp số tiền trên để ký hợp đồng bảo lãnh trên là có thật và đã được các bên thực hiện trên thực tế.

[4.3] Tuy nhiên, phía nguyên đơn cho rằng họ góp tiền trực tiếp cho ông Đ vì tại nhà ông Đ có treo bảng Công ty N, họ không biết ông V là ai và không giao tiền cho ông V; ông Đ có ký hợp đồng với người nào khác hay không và có giao tiền cho ai hay không thì các nguyên đơn không biết. Ông Đ đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm nếu ghe bị bắt nên sau khi ghe bị bắt, ông Đ phải bỏ tiền ra chuộc ghe về. Nay ông Đ yêu cầu các nguyên đơn trả lại chi phí chuộc ghe thì ông Đ phải trả lại số tiền các nguyên đơn đã góp để ký hợp đồng bảo lãnh.

Còn phía bị đơn thì khẳng định các nguyên đơn và bị đơn cùng góp tiền và giao trực tiếp cho ông Nguyễn Ngọc V – là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ thủy sản N tại nhà ông Đ, chứ không giao cho ông Đ. Ông Đ cũng khai với tư cách chủ ghe, ông đã đứng ra đại diện cho các phần hùn ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hồ sơ khai thác hải sản vùng biển Indonesia vào ngày 18- 9-2010 với bên cung cấp dịch vụ do ông Nguyễn Ngọc V đại diện. Ông V cam kết việc đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia của hai chiếc ghe trên là hợp pháp và sẽ không bị bắt giữ. Nếu ghe bị bắt giữ thì ông V sẽ chịu trách nhiệm bồi thường và hoàn trả chi phí cho các phần hùn. Số tiền ghi trong hợp đồng này là do các nguyên đơn và ông Đ cùng góp và giao trực tiếp cho ông V. Sau khi 02 chiếc ghe trên bị phía Indonesia bắt giữ, ông Đ đã nhiều lần yêu cầu nhưng ông V không bồi thường thiệt hại cho ông Đ và các nguyên đơn như đã cam kết trong hợp đồng, do vậy ông Đ cũng là người bị thiệt hại như các nguyên đơn. Do các nguyên đơn đều thống nhất thỏa thuận và góp tiền để ký hợp đồng bảo lãnh với Công ty của ông V nên nếu đi đánh bắt cá ở Indonesia có lời thì cùng hưởng, còn nếu bị thua lỗ, thiệt hại thì phải cùng gánh chịu với bị đơn. Thực tế, chuyến đi đánh bắt cá đầu tiên ở vùng biển Indonesia thuận lợi và các nguyên đơn đã được chia tiền lời theo phần hùn, đến chuyến thứ hai bị bắt thì phải cùng góp tiền để chuộc ghe theo phần hùn chứ không thể bắt một mình bị đơn gánh chịu thiệt hại. Đồng thời, các nguyên đơn cũng phải hợp tác với bị đơn để yêu cầu ông V bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký kết, số tiền thu được sẽ chia theo phần hùn.

[4.4] Hội đồng xét xử nhận thấy: Phía các nguyên đơn khai thỏa thuận ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia với ông Đ, giao số tiền 1.800.000.000 đồng trực tiếp cho ông Đ và ông Đ cam kết là sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cặp ghe BV-4542-TS và BV-4532-TS bị phía Indonesia bắt giữ. Tuy nhiên, các nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh giữa các nguyên đơn và ông Đ có giao kết với nhau hợp đồng bảo lãnh việc đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia là hợp pháp, không bị bắt giữ và ông Đ phải chịu trách nhiệm chuộc ghe và bồi thường nếu ghe bị bắt. Các nguyên đơn cũng không có chứng cứ chứng minh đã giao số tiền 1.800.000.000 đồng cho ông Đ. Trong khi đó, ông Đ và những người thừa kế của ông Đ không thừa nhận việc ông Đ có thỏa thuận bảo lãnh và nhận số tiền 1.800.000.000 đồng như các nguyên đơn khai. Vì vậy, lời khai trên của các nguyên đơn là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[4.5] Còn lời khai của phía bị đơn phù hợp với chứng cứ phía bị đơn cung là bản chính Hợp đồng cung cấp dịch vụ hồ sơ khai thác hải sản vùng biển Indonesia vào ngày 18-9-2010 (Bl 742-744), giữa bên cung cấp dịch vụ đại diện là ông Nguyễn Ngọc V (Bên A) và bên chủ tàu đại diện là ông Đỗ Ngọc Đ (Bên B). Nội dung hợp đồng thể hiện: “Bên A đồng ý cung cấp cho bên B toàn bộ hồ sơ hợp lệ cho phép khai thác trên vùng biển thuộc Indonesia cho các đôi tàu của bên B, trong đó có đôi tàu BV-4542-TS và BV-4532-TS được phép khai thác hải sản trên vùng biển thuộc Indonesia 12 tháng kể từ ngày được phép khai thác …”; “Bên A cam kết hoàn trả lại số tiền mà bên B đã đưa cho bên A nếu hợp đồng khai thác không được phép chấp nhận của Indonesia sau khi trừ cho những tháng đã hoạt động”. Hợp đồng này có chữ ký của ông Nguyễn Ngọc V là đại diện bên A. Lời khai và chứng cứ nêu trên của bị đơn cũng phù hợp với lời khai của các nguyên đơn trong “Đơn xin tường trình và giúp đỡ” ngày 14-02-2014 (Bl 29) và “Đơn đề nghị xin giải quyết” (Bl 27-28) là trong lúc 02 tài công bị bắt giữ ở Indonesia thì có một người lạ nói tên là V đến thăm và nói: Anh và chú Đ đã lo chuộc ghe về, em cố gắng chú và anh đang lo chuộc em về.

Như vậy, đủ căn cứ kết luận có việc ông Đ với tư cách chủ ghe đại diện cho các phần hùn đứng ra ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ hồ sơ khai thác hải sản vùng biển Indonesia với ông Nguyễn Ngọc V để đảm bảo cho cặp ghe là tài sản chung của các nguyên đơn và bị đơn được đánh bắt hải sản trên biên Indonesia hợp pháp. Nhưng do hiện nay, các bị đơn xác nhận ông V không còn cư trú tại địa chỉ ghi trong Hợp đồng ngày 18-9-2010 và cũng không cung cấp được địa chỉ chính xác hiện nay của ông Nguyễn Ngọc V và Công ty N nên Tòa án không có căn cứ xác minh, làm rõ lời khai của bị đơn về sự liên quan của ông V hoặc Công ty N trong vụ án này. Các đương sự cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết quan hệ hợp đồng bảo lãnh nêu trên giữa ông Đ (đại diện chủ tàu) với ông V nên cấp sơ thẩm không giải quyết quan hệ hợp đồng này là phù hợp. Trường hợp các nguyên đơn và những người thừa kế của ông Đức có tranh chấp với ông Nguyễn Ngọc V hoặc Công ty mà ông V đại diện thì có quyền khởi kiện vụ án khác theo quy định của pháp luật.

[4.6] Do các nguyên đơn không chứng minh được có ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia với ông Đ, không chứng minh được việc giao số tiền 1.800.000.000 đồng cho ông Đ nên Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn về việc buộc ông Đ (nay là những người thừa kế của ông Đ) trả lại số tiền trên.

[4.7] Từ những căn cứ và phân tích như trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ kết luận việc các nguyên đơn yêu cầu bị đơn ông Đ (nay là những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đ) trả lại số tiền 1.800.000.000 đồng đã góp để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia là không có căn cứ nên cần sửa phần này của bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của các nguyên đơn như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[5] Về án phí:

[5.1] Về án phí dân sự sơ thẩm:

Các nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch trên giá trị tài sản chung được chia là 2.700.000.000 đồng, tính thành tiền là 86.000.000 đồng. Ngoài ra, các nguyên đơn còn phải chịu án phí trên số tiền chi phí chuộc ghe phải trả cho bị đơn là 2.243.733.600 đồng, tính thành tiền là 76.875.472 đồng và chịu án phí trên số tiền 1.800.000.000 đồng yêu cầu bị đơn trả nhưng không được chấp nhận, tính thành tiền là 66.000.000 đồng. Tổng cộng, các nguyên đơn phải chịu số tiền án phí sơ thẩm có giá ngạch là 86.000.000 đồng + 76.857.472 đồng + 66.000.000 đồng = 228.857.472 đồng, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn phải chịu án phí trên giá trị tài sản chung được chia là 900.000.000 đồng, tính thành tiền là 39.000.000 đồng. Cấp sơ thẩm không buộc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn chịu số tiền án phí trên là sai sót nên cần sửa phần này.

[5.2] Về án phí dân sự phúc thẩm:

Kháng cáo của các nguyên đơn không được chấp nhận nên các nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Kháng cáo của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn được chấp nhận nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả cho các đương sự này số tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; chấp nhận kháng cáo của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn, không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào khoản 2, khoản 3 Điều 26; khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 227, Điều 228, Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015; Điều 105, 106, 166, 207, 208, 209, 216, 217, 218, 219 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 5, Điều 27, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B về việc tranh chấp chia tài sản chung:

- Buộc bà Trần Thị D và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đỗ Ngọc Đ là các ông, bà Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C phải trả lại cho các nguyên đơn là các ông, bà Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B giá trị 06 phần hùn của 02 chiếc ghe mang số hiệu BV-4542-TS và BV-4532-TS là 2.700.000.000 (hai tỷ bảy trăm triệu) đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung của các nguyên đơn Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B về việc yêu cầu bà Trần Thị D và những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đỗ Ngọc Đ phải trả lại cho các nguyên đơn số tiền đã nhận là 1.800.000.000 (một tỷ tám trăm triệu) đồng để ký hợp đồng bảo lãnh đánh bắt cá ở vùng biển Indonesia.

3. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông Đỗ Ngọc Đ (nay là những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Đ), buộc các nguyên đơn là các ông, bà Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B phải trả lại cho bà Trần Thị D và những người thừa kế quyền nghĩa vụ tố tụng của ông Đỗ Ngọc Đ là các ông, bà Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C số tiền chuộc ghe, chuộc tài công, chi phí đi lại chuộc ghe và tiền dầu tổng cộng là 2.243.733.600 (hai tỷ hai trăm bốn mươi ba triệu bảy trăm ba mươi ba ngàn sáu trăm) đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, nếu người phải thi hành án không chịu trả số tiền nêu trên thì còn phải chịu thêm tiền lãi tính trên số tiền chậm trả, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Các nguyên đơn Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B phải nộp tổng số tiền 228.875.472 (hai trăm hai mươi tám triệu tám trăm bảy mươi lăm ngàn bốn trăm bảy mươi hai) đồng án phí dân sự có giá ngạch, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 43.687.500 đồng, gồm: 42.187.500 (bốn mươi hai triệu một trăm tám mươi bảy ngàn năm trăm) đồng theo biên lai thu tiền số 024142 ngày 22-5-2014; 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền số 0008625 ngày 03-12-2021; 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền số 0008626 ngày 03-12-2021; 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền số 0008624 ngày 03-12-2021; 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền số 0008627 ngày 03-12-2021; 300.000 (ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền số 0008628 ngày 03-12-2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các nguyên đơn có tên nêu trên còn phải nộp tiếp số tiền 185.187.972 (một trăm tám mươi lăm triệu một trăm tám mươi bảy ngàn chín trăm bảy mươi hai) đồng án phí sơ thẩm.

- Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Đỗ Ngọc Đ là các ông, bà TTrần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L, Đỗ Duy T, Đỗ Thị C phải nộp 39.000.000 (ba mươi chín triệu) đồng án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 34.297.500 (ba mươi tư triệu, hai trăm chín mươi bảy ngàn năm trăm) đồng theo biên lai thu tiền số 024148 ngày 27-5-2014 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, còn phải nộp tiếp số tiền 4.702.500 (bốn triệu bảy trăm lẻ hai ngàn năm trăm) đồng.

5. Án phí dân sự phúc thẩm:

Các nguyên đơn Nguyễn Xuân T, Trần Thị H, Nguyễn Xuân T1, Lê Thị C, Nguyễn Xuân B, Lâm Thị B, Nguyễn Xuân T2, Nguyễn Thị T, Trần Minh M, Nguyễn Thị B phải nộp số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009039 ngày 16-9-2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn Trần Thị D, Đỗ Thị T, Đỗ Thị N, Đỗ Phúc T, Đỗ Phúc N, Đỗ Tấn L không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Hoàn trả cho bà Đỗ Thị T 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009037 ngày 12-9-2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

Hoàn trả cho ông Đỗ Tấn L 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009036 ngày 12-9-2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

Hoàn trả cho ông Đỗ Phúc N 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009035 ngày 12-9-2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

Hoàn trả cho ông Đỗ Phúc T 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009034 ngày 12-9-2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

Hoàn trả cho bà Đỗ Thị N 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0009033 ngày 12-9-2022 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu.

6. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (08-3-2023). Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

221
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp chia tài sản chung và đòi lại tài sản số 26/2023/DS-PT

Số hiệu:26/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;