Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 260/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 260/2022/DS-PT NGÀY 30/09/2022 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Trong ngày 30 tháng 8 và các ngày 29, 30 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 152/2022/TLPT-DS ngày 12 tháng 7 năm 2022 về việc tranh chấp “Chia di sản thừa kế”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 108/2022/DS-ST ngày 08 tháng 4 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 189/2022/QĐ-PT ngày 22 tháng 7 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Lương Kim P, sinh năm 1960;

Địa chỉ: Ấp B, xã B, thành phố B, tỉnh Bến Tre.

2. Bà Lương Thị Kim Y, sinh năm 1962;

Địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

3. Bà Lương Kim O, sinh năm 1963;

Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

4. Bà Lương Kim L, sinh năm 1966;

Địa chỉ: Ấp M, xã M, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

5. Bà Lương Thị Bích T, sinh năm 1972;

Địa chỉ: Ấp N, xã X, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Huỳnh N, sinh năm 1988 (theo Văn bản ủy quyền ngày 26/4/2022) (có mặt);

Địa chỉ: Ấp Đ, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Bị đơn: Ông Lương Văn S, sinh năm 1971; Địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện ủy quyền của bị đơn: Ông Phạm Ngọc D, sinh năm 1972 (theo Văn bản ủy quyền ngày 20/01/2022) (có mặt);

Địa chỉ: Ấp H, xã M, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1971 (có mặt);

2. Anh Lương Hữu L1, sinh năm 1990 (vắng mặt);

3. Chị Lương Thị Diễm T1, sinh năm 1996 (có mặt);

4. Cháu Lương Hữu P1, sinh năm 2013;

Người đại diện theo pháp luật của cháu P1: Anh Lương Hữu L1, sinh năm 1990 (vắng mặt);

Cùng địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Người làm chứng:

1. Bà Nguyễn Thị Tân T2, sinh năm 1958 (vắng mặt);

2. Ông Nguyễn Văn L2, sinh năm 1958 (có mặt);

Cùng địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Người kháng cáo: Bị đơn ông Lương Văn S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm;

* Nguyên đơn bà Lương Kim P, bà Lương Thị Kim Y, bà Lương Thị Bích T, bà Lương Kim O và bà Lương Kim L trình bày:

Bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1938, chết ngày 30/4/2015 (theo giấy Trích lục khai tử ngày 10/7/2020 của Ủy ban nhân dân xã H) và ông Lương Văn H1, sinh năm 1937, chết ngày 17/11/2020 (theo giấy Trích lục khai tử ngày 18/11/2020 của Ủy ban nhân dân xã H). Bà H và ông H1 có 07 người con tên:

1/ Lương Kim P, sinh năm 1960;

2/ Lương Thị Kim Y, sinh năm 1962;

3/ Lương Kim O, sinh năm 1963;

4/ Lương Kim L, sinh năm 1966;

5/ Lương Thị Bích T, sinh năm 1972;

6/ Lương Văn S, sinh năm 1971;

7/ Lương Kim H2, sinh năm 1968 (chị H2 chết năm 1986, chị H2 không chồng không con).

Ngoài ra, bà H ông H1 không có con riêng hay con nuôi nào nữa. Cha mẹ của bà H là bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1912 và ông Nguyễn Văn S1, sinh năm 1909 cả hai đều đã chết từ rất lâu. Cha mẹ của ông H1 là ông Lương Văn C và bà Nguyễn Thị N đều đã chết rất lâu.

Trong thời gian chung sống, bà H ông H1 có tạo dựng tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 3.264m2 gồm: đất ở (300m2) và đất trồng cây lâu năm, thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang. Trên phần đất này có ngôi nhà kiên cố: nhà trệt, cột bê tông, vách tường, mái ngói. Diện tích đất và ngôi nhà trên bà H ông H1 chết không để lại di chúc và chưa chia thừa kế cho ai.

Nay bà P, bà Y, bà T, bà O, bà L chỉ yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất 3.264m2 qua đo đạc thực tế còn diện tích là 2.984,1m2 (trong đó có 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm), không có ý kiến gì đối với phần đất bị giảm hơn so với trong giấy.

Bà P, bà Y, bà O, bà T, bà L, ông S thống nhất trừ phần đất làm đường đi chung T-3, phần đất nhà mộ T-5, T-6 ra trước khi chia di sản thừa kế.

Bà P, bà Y, bà O, bà T yêu cầu chia diện tích đất là 2.871,9m2 ra làm 06 phần, mỗi người được hưởng 478,65m2 (trong đó mỗi phần có 50m2 thổ cư). Bà O yêu cầu được nhận đất và cùng đứng chung giấy đất với bà P, bà T, bà Y. Riêng bà L có ý kiến rằng trước đây bà định nhường kỷ phần của mình cho ông S nhưng nay bà thay đổi ý kiến xin được nhận thừa kế, nhận bằng giá trị.

Bà P, bà Y, bà O, bà T thống nhất cùng nhận chung phần đất T-11 + T-12. Còn thiếu bao nhiêu thì ông S phải hoàn giá trị lại cho bốn chị em đó là bà P, bà Y, bà O, bà T.

Bà P, bà Y, bà O, bà T đồng ý hoàn cây trồng, các công trình trên đất và tài sản trên đất cho ông S là 01 cây cầu, 01 chuồng bò, 01 kho, 07 cây dừa B1, 12 cây dừa B2, 10 cây dừa loại C, 06 bụi chuối loại B, 25 cây mít loại B1, 10 cây mít loại C, 08 cây bưởi da xanh B1, 10 cây bưởi da xanh B2, 01 cây bưởi da xanh loại C, 01 cây đu đủ loại A, 01 cây ca cao B1 theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty Thẩm định giá S2.

Bà P, bà Y, bà O, bà T, bà L, ông S thống nhất không tranh chấp căn nhà trên đất, căn nhà có kết cấu: nhà trệt, cột bê tông, vách tường mái ngói. Các nguyên đơn đồng ý cho ông S căn nhà trên và yêu cầu Tòa án ghi nhận.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Lương Kim L và đại diện ủy quyền của bà Lương Kim P, Lương Thị Kim Y, Lương Thị Bích T, bà Lương Kim O thống nhất không tranh chấp căn nhà trên đất, đồng ý cho ông S và yêu cầu Tòa án ghi nhận. Đối với phần diện tích đất qua đo đạc thực tế giảm còn 2.984,1m2, các nguyên đơn không có ý kiến gì về diện tích đất giảm. Các nguyên đơn và ông S thống nhất trừ phần đất T-3 (phần đất chừa làm lối đi) + T-5 (phần đất có mộ) + T-6 (phần đất có mộ) = 87,7m2 + 4,8m2 + 19,7m2 = 112,2m2 trước khi chia thừa kế. Các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất còn lại là: 2.984,1m2 – 112,2m2 = 2.871,9m2. Các nguyên đơn yêu cầu chia diện tích 2.871,9m2 ra làm 06 phần bằng nhau, mỗi người được hưởng 478,65m2. Tuy nhiên, bà P, bà Y, bà T, bà O, bà L tự nguyện cho ông S thêm phần đất T-1 + T-2 = 27,7m2 + 102,0m2 = 129,7m2 để ông S thờ cúng cũng như công sức bảo quản, giữ gìn di sản. Như vậy, phần di sản còn lại là 2.742,2m2, chia làm 06 phần, mỗi phần 457,03m2. Bà P, bà Y, bà T, bà O chỉ xin nhận phần đất T-11 + T-12 = 26,8m2 + 1.734,7m2 = 1.761,5m2 (trong đó: 150m2 đất ở và còn lại là đất cây lâu năm) theo Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất ngày 04/5/2021 của Công ty Đo đạc Đ1. Bà O cùng bà P, bà Y, bà T xin nhận hiện vật và cùng đứng tên giấy đất; bà L xin nhận giá trị bằng tiền đối với diện tích 457,03m2 đất cây lâu năm, nhường đất ở cho ông S tương đương số tiền là 457,03m2 x 353.000 đồng = 161.331.500 đồng. Bà P, bà Y, bà T, bà O đồng ý hoàn trả giá trị cây trồng, các công trình và tài sản gắn liền trên đất theo chứng thư thẩm định giá của Công ty Thẩm định giá S2.

* Bị đơn ông Lương Văn S trình bày:

Bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1938, chết ngày 30/4/2015 (theo giấy Trích lục khai tử ngày 10/7/2020 của Ủy ban nhân dân xã H) và ông Lương Văn H1, sinh năm 1937, chết ngày 17/11/2020 (theo giấy Trích lục khai tử ngày 18/11/2020 của Ủy ban nhân dân xã H). Bà H và ông H1 có 07 người con tên:

1/ Lương Kim P, sinh năm 1960;

2/ Lương Thị Kim Y, sinh năm 1962;

3/ Lương Kim O, sinh năm 1963;

4/ Lương Kim L, sinh năm 1966;

5/ Lương Thị Bích T, sinh năm 1972;

6/ Lương Văn S, sinh năm 1971;

7/ Lương Kim H2, sinh năm 1968 (chị H2 chết năm 1986, chị H2 không chồng không con).

Ngoài ra, bà H ông H1 không có con riêng hay con nuôi nào nữa. Cha mẹ của bà H là bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1912 và ông Nguyễn Văn S1, sinh năm 1909 cả hai đều đã chết từ rất lâu. Cha mẹ của ông H1 là ông Lương Văn C và bà Nguyễn Thị N đều đã chết rất lâu.

Trong thời gian chung sống, bà H ông H1 có tạo dựng tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 3.264m2 gồm: đất ở (300m2) và đất trồng cây lâu năm, thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang. Trên phần đất này có ngôi nhà kiên cố: nhà trệt, cột bê tông, vách tường, mái ngói. Diện tích đất và ngôi nhà trên bà H ông H1 chết không để lại di chúc và chưa chia thừa kế cho ai.

Ông thống nhất diện tích đất 3.264m2 qua đo đạc thực tế còn diện tích là 2.984,1m2 (trong đó có 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm), không có ý kiến gì đối với phần đất bị giảm hơn so với trong giấy.

Ông thống nhất trừ phần đất làm đường đi chung T-3, phần đất nhà mộ T-5, T-6 ra trước khi chia di sản thừa kế. Vậy phần đất còn lại là 2.871,9m2.

Ông yêu cầu được hưởng ½ di sản đó là 1.435,95m2 theo biên bản hòa giải ở xã và ½ diện tích đất còn lại chia làm 06 phần, ông xin nhận thêm một phần nữa là 239,325m2. Tổng cộng ông xin nhận 1.675,275m2.

Đối với phần đất mà bà L được hưởng, nếu bà L không nhận đất thì ông xin nhận đất và hoàn giá trị lại cho bà L.

Bà P, bà Y, bà O, bà T, bà L thống nhất không tranh chấp căn nhà trên đất, các bên đồng ý để lại cho ông căn nhà trên đất thì ông xin nhận và ông yêu cầu Tòa án ghi nhận.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Lương Văn S và đại diện theo ủy quyền của ông trình bày: Đối với căn nhà, các nguyên đơn không tranh chấp và tự nguyện cho ông thì ông xin nhận. Đối với diện tích đất, qua đo đạc thực tế giảm còn 2.984,1m2, ông không có ý kiến gì về diện tích đất giảm. Ông cùng các nguyên đơn thống nhất trừ phần đất T-3 (phần đất chừa làm lối đi) + T-5 (phần đất có mộ) + T-6 (phần đất có mộ) = 87,7m2 + 4,8m2 + 19,7m2 = 112,2m2 trước khi chia thừa kế. Ông cùng các nguyên đơn thống nhất phần diện tích đất còn lại là:

2.984,1m2 – 112,2m2 = 2.871,9m2. Tại biên bản hòa giải ở Ủy ban nhân dân xã H ngày 13 tháng 8 năm 2020 thì ông H1, bà P, bà Y, bà T, bà L (không có mặt bà O nhưng bà O có nói miệng) thống nhất cho ông ½ diện tích đất (phần di sản của bà H) nên nay ông yêu cầu được hưởng ½ diện tích 2.871,9m2 tương đương 1.435,95m2 và ½ diện tích đất còn lại thì chia đều 06 phần cho các anh chị em, mỗi người được 239,325m2. Như vậy, ông yêu cầu được nhận diện tích là:

1.435,95m2 + 239,325m2 = 1.675,275m2, ông xin nhận hiện vật kỷ phần của ông được hưởng. Đối với kỷ phần mà bà P, bà Y, bà O, bà T được nhận thì ông đồng ý để cho họ nhận đất và yêu cầu họ hoàn giá trị cây trồng, các tài sản và các công trình khác gắn liền trên đất cho ông theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty Thẩm định giá S2. Riêng đối với kỷ phần bà L được hưởng thì ông xin nhận đất và hoàn giá trị cho bà L. Ông không yêu cầu công sức đóng góp trong việc tôn tạo, bảo quản, giữ gìn di sản nhưng ông yêu cầu được nhận phần diện tích mà bà H chết để lại và 1/6 phần diện tích mà ông H1 chết để lại, tổng cộng ông yêu cầu được nhận 1.675,275m2, ông yêu cầu nhận đất nhưng ông không yêu cầu đo đạc lại. Vợ ông là bà Đ thì bà Đ là dâu trong nhà, về làm dâu cũng đã lâu nên việc bà Đ yêu cầu công sức đóng góp trong việc tôn tạo, giữ gìn, bảo quản di sản thì mong Tòa xem xét.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Đ trình bày:

Bà là vợ ông S. Bà và ông S sống trên phần đất và căn nhà do cha mẹ chồng để lại. Bà đã làm dâu gần 30 năm nên bà yêu cầu Tòa án xem xét công sức đóng góp của bà trong việc bảo quản, giữ gìn di sản mà cha mẹ bà để lại. Nếu bà được hưởng thì bà xin nhập phần của bà vào phần thừa kế của ông S.

Các nguyên đơn yêu cầu nhận đất nhưng trên đất có cây trồng và các công trình trên đất, nếu như Tòa giao đất cho các nguyên đơn thì bà yêu cầu họ hoàn lại giá trị cây trồng cho vợ chồng bà. Bà đồng ý giao cho chồng bà số tiền mà các nguyên đơn hoàn trả. Việc tài sản chung trên đất giữa bà và ông S thì ông bà sẽ tự giải quyết với nhau và bà không khiếu nại hay ý kiến gì trong vụ án này.

Bà thống nhất với ý kiến của ông S, bà để chồng bà là ông S hoàn toàn quyết định.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Đ trình bày vẫn giữ nguyên ý kiến trước đây, không thay đổi, bổ sung gì thêm.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Lương Hữu L1 và chị Lương Thị Diễm T1 thống nhất trình bày:

Anh chị là con ông S bà Đ, bà H ông H1 là ông bà nội anh chị. Anh chị thừa nhận phần đất mà nguyên đơn bị đơn đang tranh chấp là di sản thừa kế của ông bà nội anh chị chết để lại, đây là tài sản chung của ông bà nội lúc còn sống. Nay các nguyên đơn tranh chấp phần diện tích đất trên thì anh chị không có ý kiến gì, không trình bày gì thêm.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cháu Lương Hữu P1 (có cha là anh Lương Hữu L1 đại diện theo pháp luật) trình bày:

Cháu là cháu nội ông S, là cháu cố ông H1 bà H, là con của anh Hữu L1.

Cháu thống nhất với lời trình bày của ông nội cháu, không trình bày gì thêm.

* Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 108/2022/DS-ST ngày 08 tháng 4 năm 2022 và Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm số 147/2022/QĐ- SCBSBA ngày 14 tháng 4 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã căn cứ khoản 5 Điều 26, Điều 147, Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Điều 613, Điều 651, Điều 612, Điều 614, Điều 623, Điều 649 và Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; điểm 10 Mục IV Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất 3.264m2 qua đo đạc thực tế diện tích 2.984,1m2 (trong đó: 300m2 đất ở, còn lại đất trồng cây lâu năm), thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.

3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đ về việc yêu cầu xem xét xét công sức đóng góp trong việc tôn tạo, giữ gìn, bảo quản di sản thừa kế.

4. Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T về việc giao cho ông S sở hữu căn nhà kết cấu: nhà trệt, cột bê tông, vách tường, mái ngói, diện tích 138m2 gắn liền trên phần đất T-7;

Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T và ông S trừ phần đất T-3 có diện tích 87,7m2 làm lối đi chung và phần đất mộ T-5 + T-6 = 24,5m2 ra trước khi chia thừa kế.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T để cho ông S tiếp tục quản lý phần đất mộ T-5 + T-6 = 24,5m2 ;

Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T về việc cho ông S phần đất T-1 + T-2 = 129,7m2 (đất trồng cây lâu năm);

Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà T cho ông S thêm diện tích 66,62m2 (trong đó có 50m2 đất thổ cư và 16,62m2 đất trồng cây lâu năm);

5. Giao cho bà P, bà Y, bà O, bà T quản lý, sử dụng phần đất diện tích T-11 + T-12 = 1.761,5m2 (trong đó có 150m2 đất thổ cư, còn lại đất trồng cây lâu năm) và sở hữu toàn bộ cây trồng, tài sản, công trình gắn liền trên phần đất T-11 + T-12, có tứ cận như sau:

- Phía Bắc giáp với phần đất chia cho ông S và phần đất chừa làm lối đi (T-3);

- Phía Nam giáp với đất Nguyễn Hoàng M1;

- Phía Đông giáp đất Nguyễn Hữu T3 và đất Nguyễn Ngọc L3;

- Phía Tây giáp đất Lê Thanh H3.

(Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Công ty Đo đạc Đ1 ngày 04/5/2021) Buộc ông S, bà Đ, anh L1, chị Diễm T1, cháu P1 (đại diện theo pháp luật là anh L1) phải có nghĩa vụ giao phần đất T-11 + T-12 = 1.761,5m2 cho bà P, bà Y, bà O, bà T; thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

6. Giao cho ông S quản lý, sử dụng phần đất T-1 + T-2 = 129,7m2 đất trồng cây lâu năm, có tứ cận như sau:

- Phía Bắc giáp đất Lương Văn S và đất Nguyễn Thành L4;

- Phía Nam giáp với phần đất chừa làm lối đi (T-3);

- Phía Đông giáp đất Nguyễn Hữu T3;

- Phía Tây giáp đất Lê Thanh H3.

(Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Công ty Đo đạc Đ1 ngày 04/5/2021) Giao cho ông S quản lý, sử dụng phần đất T-4 + T-7 +T-8 + T-9 + T-10 = 980,7m2 (trong đó có 150m2 đất thổ cư, còn lại đất trồng cây lâu năm), có tứ cận như sau:

- Phía Bắc giáp với phần đất chừa làm lối đi (T-3);

- Phía Nam giáp với phần đất T-12;

- Phía Đông giáp đất Nguyễn Hữu T3;

- Phía Tây giáp với phần đất T-12.

(Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Công ty Đo đạc Đ1 ngày 04/5/2021) 7. Các đương sự có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký, sang tên theo quy định pháp luật.

8. Ông Lương Văn S có nghĩa vụ hoàn giá trị cho bà Lương Kim L số tiền 161.331.500 đồng, thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

9. Bà P, bà Y, bà O, bà T có nghĩa vụ hoàn trả giá trị cây trồng, tài sản và công trình gắn liền trên phần đất T-11 và T-12 cho ông S với số tiền 97.769.500 đồng, thực hiện khi án có hiệu lực.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

* Ngày 14/4/2022, bị đơn ông Lương Văn S có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông, cho ông được hưởng ½ di sản, tương đương diện tích 1.435,95m2 và 1/6 diện tích còn lại tương đương diện tích 239,325m2, tổng cộng ông xin nhận 1.675,275m2. Các phần khác của bản án ông yêu cầu được giữ nguyên.

Tại phiên tòa phúc thẩm;

Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố và yêu cầu kháng cáo; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung kháng cáo: Ông S kháng cáo yêu cầu được hưởng ½ di sản của ông H1 đã cho ông là không có cứ chấp nhận, vì sau khi hòa giải thì ông H1 đã thay đổi và đã khởi kiện ông S ra Tòa để yêu cầu đòi lại ½ tài sản của ông H1. Đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế do người chết để lại do đó Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Chia di sản thừa kế” theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do bị đơn ông S có hộ khẩu thường trú tại: ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang nên căn cứ vào Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

[2] Anh L1 có đơn xin xét xử vắng mặt nên căn cứ vào Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt anh L1.

[3] Đơn kháng cáo của ông Lương Văn S đúng quy định tại Điều 272 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Về nội dung: Bị đơn ông Lương Văn S có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông, cho ông được hưởng ½ di sản của ông Lương Văn H1 đã tặng cho ông theo biên bản hòa giải ngày 13/8/2020, ½ di sản của bà H chia thừa kế làm 07 kỷ phần trong đó ông yêu cầu được nhận 02 kỷ phần gồm kỷ phần của ông và kỷ phần gìn giữ, thờ cúng.

[5] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Lương Văn S.

[5.1] Các nguyên đơn, bị đơn cùng trình bày thống nhất: Bà H ông H1 có 07 người con tên: Lương Kim P, Lương Thị Kim Y, Lương Kim O, Lương Kim L, Lương Thị Bích T, Lương Văn S, Lương Kim H2 (đã chết, không chồng, không con) Bà H ông H1 không có con riêng hay con nuôi. Cha mẹ của bà H là bà Nguyễn Thị M, ông Nguyễn Văn S1 và cha mẹ của ông H1 là ông Lương Văn C, bà Nguyễn Thị N tất cả đều đã chết rất lâu. Căn cứ vào Điều 613, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất của bà H ông H1 là 06 người con: Lương Kim P, Lương Thị Kim Y, Lương Kim O, Lương Kim L, Lương Thị Bích T, Lương Văn S.

[5.2] Về di sản thừa kế mà bà H ông H1 chết để lại theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm: Diện tích 3.264m2 qua đo đạc thực tế diện tích 2.984,1m2 (trong đó: 300m2 đất ở, còn lại đất trồng cây lâu năm), thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang. Trên phần đất này có ngôi nhà kết cấu: nhà trệt, cột bê tông, vách tường, mái ngói. Các nguyên đơn và bị đơn thống nhất không tranh chấp căn nhà có diện tích 138,0m2, kết cấu: nhà trệt, cột bê tông, vách tường, mái ngói. Bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T tự nguyện cho ông S căn nhà trên và ông S không từ chối nhận nên Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của các đương sự.

[5.3] Ông S kháng cáo yêu cầu cho ông được hưởng ½ di sản của cha ông chết để lại cho ông, tương đương diện tích 1.435,95m2 và 2/7 diện tích còn lại. Ông S thừa nhận bà H ông H1 chết để lại diện tích 3.264m2 qua đo đạc thực tế diện tích 2.984,1m2 (trong đó: 300m2 đất ở, còn lại đất trồng cây lâu năm), thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang. Ông S cung cấp cho Tòa án Biên bản hòa giải ngày 13/8/2020 tại Ủy ban nhân dân xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang cho rằng ông H1 đồng ý cho ông S ½ diện tích đất trong phần tài sản chung của bà H và ông H1 và căn nhà gắn liền trên đất. Tuy nhiên, sau khi hòa giải xong thì ông H1 đã thay đổi ý chí không đồng ý cho ông S ½ diện tích của ông và có đơn khởi kiện, được Tòa án nhân dân huyện C thụ lý tranh chấp chia di sản thừa kế vào ngày 12/10/2020, đến ngày 17/11/2020 thì ông H1 chết, sau khi thụ lý thì ông H1 chết nên các đồng nguyên đơn bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T đã rút đơn để khởi kiện lại chứ không phải là đồng ý cho ông S ½ diện tích đất (phần đất của bà H), ông H1 đã thay đổi ý kiến là khởi kiện đòi ½ tài sản của mình. Việc tặng cho quyền sử dụng đất phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất, ông S cũng chưa được đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Biên bản hòa giải của Ủy ban nhân xã không phải là di chúc, hay là Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, sau khi hòa giải thì các bên đã thay đổi ý kiến. Từ đó cho thấy ý chí của ông H1 (khi còn sống), bà P, bà Y, bà L, bà T đã thay đổi. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông S có yêu cầu triệu tập hai người làm chứng là bà Tân T2, ông L2, theo hai người làm chứng trình bày họ chỉ nghe nói là ông H1 cùng các anh chị em của ông S cho ông S phần di sản mà bà H chết để lại nhưng đây chỉ là chứng cứ gián tiếp, không cơ sở. Ông S cũng không có cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh rằng ông H1, bà P, bà Y, bà L, bà T cho ông ½ diện tích đất (phần di sản của bà H cũng như của ông H1). Do đó, yêu cầu kháng cáo của ông S yêu cầu xác định ½ di sản của ông H1 là của ông không có căn cứ chấp chấp nhận.

[5.4] Đối với yêu cầu chia cho ông một kỷ phần gìn giữ, thờ cúng. Ông S là con trai duy nhất của ông H1 bà H và chung sống trực tiếp với bà H ông H1. Sau khi bà H chết thì ông S là người trực tiếp quản lý canh tác phần diện tích đất đang tranh chấp, đã có công quản lý gìn giữ khối tài sản trên; đồng thời theo phong tục tập quán của người Việt Nam thì con trai có nghĩa vụ lo thờ cúng cha mẹ ông bà. Mặc dù giai đoạn sơ thẩm ông S không có yêu cầu công sức gìn giữ, thờ cúng vì ông S yêu cầu chia cho ông ½ di sản của ông H1, đối với yêu cầu trên của ông S lớn hơn yêu cầu gìn giữ thờ cúng, theo quy định tại Án lệ số 05/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Do đó đối với yêu cầu kháng cáo của ông S yêu cầu xét chia cho ông một kỷ phần quản lý, gìn giữ, thờ cúng là có căn cứ chấp nhận.

[5.5] Ông H1, bà H chết không để lại di chúc nên án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn chia di sản thừa kế của ông H1, bà H theo pháp luật là có căn cứ vào Điều 649 và Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của các nguyên đơn đối với diện tích 3.264m2 qua đo đạc thực tế diện tích 2.984,1m2 (trong đó: 300m2 đất ở, còn lại đất trồng cây lâu năm), thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang. Sau khi trừ phần đất T-3 (phần đất chừa làm lối đi) + T-5 (phần đất có mộ) + T-6 (phần đất có mộ) = 87,7m2 + 4,8m2 + 19,7m2 = 112,2m2 thì diện tích các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật là 2.871,9m2. Phần đất có mộ T-5 + T-6 = 24,5m2 các nguyên đơn tự nguyện giao cho ông S tiếp tục quản lý. Các nguyên đơn tự nguyện cho ông S diện tích đất T- 1 + T-2 = 27,7m2 + 102,0m2 =129,7m2, Hội đồng xét xử xét thấy sự tự nguyện của các nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật nên được Hội đồng xét xử ghi nhận.

Như vậy, diện tích đất còn lại để chia thừa kế là 2.871,9m2 - 129,7m2 = 2.742,2m2, căn cứ vào Điều 649 và Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chia đều làm 07 phần bằng nhau, mỗi phần 391,7m2 (trong đó có 50m2 đất thổ cư, 341,7m2 đất trồng cây lâu năm).

Bà P, bà Y, bà O, bà T được nhận 04 phần tương đương diện tích 391,7m2 x 4 = 1.566,8m2 (trong đó có 150m2 đất thổ cư), nhận tại phần ký hiệu T-12 có diện tích 1.515,3m2. Do đó ông S hoàn giá trị diện tích đất chênh lệch 51,5m2 cho bà P, bà Y, bà O, bà T với số tiền 51,5m2 x 353.000 đồng = 18.179.500 đồng.

Đối với ông S thì ông được chia với diện tích: 783,4m2 (kỷ phần của ông S và kỷ phần thờ cúng) + 391,7m2 (kỷ phần của bà L) + 129,7m2 (phần các nguyên đơn không yêu cầu chia) + 51,5m2 (diện tích đất hoàn tiền cho nguyên đơn) như sau: T-1 + T-2 + T-4 + T-7 +T-8 + T-9 + T-10 + T-11 = 783,4m2 + 391,7m2 + 129,7m2 + 51.5m2 = 1.356,7m2.

Về việc hoàn giá trị cây trồng, tài sản và công trình trên đất đối với phần đất T-12. Theo Chứng thư thẩm định giá cây trồng ngày 21/9/2022 của Công ty Cổ phần Thẩm định giá S2 có giá trị là 74.537.000 đồng. Do đó, cần phải buộc bà P, bà Y, bà O, bà T hoàn giá trị cây trồng, trên đất đối với phần đất T-12 tương đương số tiền 74.537.000 đồng cho ông S.

[5.6] Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà L, bà L được hưởng 391,7m2 nhưng bà L xin nhận đất trồng cây lâu năm, nhường đất thổ cư cho ông S, bà L tự nguyện nhận giá trị và ông S cũng tự nguyện nhận phần đất mà bà L được hưởng, ông S tự nguyện hoàn giá trị bằng tiền cho bà L nên Hội đồng xét xử ghi nhận. Như vậy, ông S có nghĩa vụ hoàn cho bà L số tiền tương đương 391,7m2 x 353.000 đồng = 138.270.100 đồng.

[6] Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

Bà P, bà Y là người cao tuổi và có đơn xin miễn án phí nên căn cứ vào Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội miễn án phí cho bà P, bà P. Bà O, bà T phải chịu án phí đối với kỷ phần mình được chia là 783,4m2 (trong đó có 100m2 đất thổ cư, 683,4m2 đất trồng cây lâu năm) + 37.268.500 đồng mà hai bà phải hoàn giá trị cây trồng trên đất tương đương với số tiền là: (683,4m2 x 353.000 đồng) + (100m2 x 463.000 đồng) + 37.268.500 đồng = 324.808.700 đồng x 5% = 16.240.435 đồng : 2 = 8.120.217 đồng. Làm tròn bà O, bà T mỗi người phải chịu 8.120.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bà L phải chịu 138.270.100 đồng x 5% = 6.913.505 đồng án phí dân sự sơ thẩm, làm tròn là 6.913.000 đồng.

Ông S phải chịu án phí đối với kỷ phần mình được chia là 783,4m2 (trong đó có 100m2 đất thổ cư, 683,4m2 đất trồng cây lâu năm) tương đương với số tiền là (683,4m2 x 353.000 đồng) + (100m2 x 463.000 đồng) = 287.540.200 đồng x 5% = 14.377.010 đồng, làm tròn là 14.377.000 đồng.

Bà Đ có yêu cầu độc lập nhưng không được Toàn án chấp nhận nên phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông S không phải chịu.

[7] Các phần khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên đã phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[8] Đối với ý kiến đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, Hội đồng xét xử có xem xét khi nghị án.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 và Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Lương Văn S.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm 108/2022/DS-ST ngày 08 tháng 4 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 147, Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Áp dụng Điều 613, Điều 651, Điều 612, Điều 614, Điều 623, Điều 649 và Điều 660 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất 3.264m2 qua đo đạc thực tế diện tích 2.984,1m2 (trong đó: 300m2 đất ở, còn lại đất trồng cây lâu năm), thửa đất số 117, tờ bản đồ số 9 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00272 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 01/4/2011 cho bà Nguyễn Thị Kim H đứng tên, đất tọa lạc tại Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn.

3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Đ về việc yêu cầu xem xét xét công sức đóng góp trong việc tôn tạo, giữ gìn, bảo quản di sản thừa kế.

4. - Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T về việc giao cho ông S sở hữu căn nhà kết cấu: nhà trệt, cột bê tông, vách tường, mái ngói, diện tích 138m2 gắn liền trên phần đất T-7;

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T và ông S trừ phần đất T-3 có diện tích 87,7m2 làm lối đi chung và phần đất mộ T-5 + T-6 = 24,5m2 ra trước khi chia thừa kế.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T để cho ông S tiếp tục quản lý phần đất mộ T-5 + T-6 = 24,5m2 ;

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T về việc cho ông S phần đất T-1 + T-2 = 129,7m2 (đất trồng cây lâu năm);

5. Giao cho bà P, bà Y, bà O, bà T quản lý, sở hữu, sử dụng phần đất diện tích T-12 = 1.515,3m2 (trong đó có 150m2 đất thổ cư, còn lại đất trồng cây lâu năm) và sở hữu toàn bộ cây trồng gắn liền trên phần đất T-12, có tứ cận như sau:

Phía Bắc giáp với phần đất chia cho ông S và phần đất chừa làm lối đi (T-3);

Phía Nam giáp với đất Nguyễn Hoàng M1;

Phía Đông giáp đất Nguyễn Hữu T3 và đất Nguyễn Ngọc L3;

Phía Tây giáp đất Lê Thanh H3.

(Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Công ty Đo đạc Đ1 ngày 20/9/2022) Buộc ông S, bà Đ, anh L1, chị Diễm T1, cháu P1 (đại diện theo pháp luật là anh L1) phải có nghĩa vụ giao phần đất T-12 = 1.515,3m2 cho bà P, bà Y, bà O, bà T, thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

6. Giao cho ông S quản lý, sở hữu, sử dụng phần đất T-1 + T-2 = 129,7m2 đất trồng cây lâu năm, có tứ cận như sau:

Phía Bắc giáp đất Lương Văn S và đất Nguyễn Thành L4;

Phía Nam giáp với phần đất chừa làm lối đi (T-3);

Phía Đông giáp đất Nguyễn Hữu T3;

Phía Tây giáp đất Lê Thanh H3.

(Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Công ty Đo đạc Đ1 ngày 20/9/2022) - Giao cho ông S quản lý, sở hữu, sử dụng phần đất T-4 + T-7 +T-8 + T-9 + T-10 + T-11 = 1.227m2 (trong đó có 150m2 đất thổ cư, còn lại đất trồng cây lâu năm), có tứ cận như sau:

Phía Bắc giáp với phần đất chừa làm lối đi (T-3);

Phía Nam giáp với phần đất T-12; Phía Đông giáp đất Nguyễn Hữu T3; Phía Tây giáp với phần đất T -12.

(Kèm theo phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất của Công ty Đo đạc Đ1 ngày 20/9/2022) 7. Các đương sự có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thủ tục đăng ký, sang tên theo quy định pháp luật.

8. Ông Lương Văn S có nghĩa vụ hoàn giá trị 391,7m2 đất cho bà Lương Kim L với số tiền 138.270.000 đồng, thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày bà L có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông S chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng còn phải trả lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

9. Bà P, bà Y, bà O, bà T có nghĩa vụ hoàn trả giá trị cây trồng, tài sản và công trình gắn liền trên phần đất T-12 cho ông S với số tiền 74.537.000 đồng, thực hiện khi án có hiệu lực.

Kể từ ngày ông S có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bà P, bà Y, bà O, bà T chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng còn phải trả lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

10. Ông Lương Văn S có nghĩa vụ hoàn trả giá trị diện tích đất chênh lệch 51,5m2 cho bà P, bà Y, bà O, bà T với số tiền 18.179.500 đồng.

Kể từ ngày bà P, bà Y, bà O, bà T có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông S chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng còn phải trả lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

11. Về án phí:

- Bà Lương Kim P, bà Lương Thị Kim Y được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn lại bà Lương Thị Kim Y số tiền 680.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004528 ngày 21/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Bà Lương Kim O chịu 8.120.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 680.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0004526 ngày 21/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang. Như vậy bà O còn phải nộp thêm 7.440.000 đồng.

- Bà Lương Thị Bích T chịu 8.120.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 680.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0004527 ngày 21/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang. Như vậy bà T còn phải nộp thêm 7.440.000 đồng.

- Bà Lương Kim L phải chịu 6.913.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 680.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0004525 ngày 21/12/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang. Như vậy bà L còn phải nộp thêm 6.233.000 đồng.

- Ông Lương Văn S phải chịu 14.377.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0005301 ngày 20/12/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang. Như vậy ông S còn phải nộp thêm 14.077.000 đồng.

- Bà Nguyễn Thị Đ phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0005382 ngày 17/01/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang; xem như bà Đ đã thực hiện xong phần án phí.

- Hoàn lại ông Lương Văn S 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo biên lai thu số 0005630 ngày 11/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang.

12. Về chi phí tố tụng: Ông S có nghĩa vụ hoàn lại cho bà P, bà Y, bà O, bà L, bà T số tiền 3.600.000 đồng, thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

294
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế số 260/2022/DS-PT

Số hiệu:260/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;