TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
BẢN ÁN 46/2024/DS-PT NGÀY 21/05/2024 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ LÀ QUYỀN VỀ TÀI SẢN
Ngày 21 tháng 5 năm 2024, tại Trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 164/2023/TLPT-DS ngày 28 tháng 12 năm 2023 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền tài sản” do Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 02/10/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An bị kháng cáo; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 77/2024/QĐXXPT-DS ngày 04 tháng 4 năm 2024 và Quyết định hoãn phiên tòa số 56/2024/QĐ-PT ngày 17/5/2024 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: ông Lê Văn C, sinh năm: 1955; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Có mặt).
2. Bị đơn: Ông Lê Văn D, sinh năm 1975; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Có mặt).
3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
3.1 UBND thị trấn H; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Xuân N- Chức vụ Phó Chủ tịch là người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Đề nghị xét xử vắng mặt).
3.2 UBND huyện H; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An do ông Nguyễn Hữu H - Chức vụ: Phó Chủ tịch là người đại diện theo ủy quyền của 1 Chủ tịch UBND huyện H, tỉnh Nghệ An (Đề nghị xét xử vắng mặt).
+ Bà Lê Thị M, sinh năm 1962; địa chỉ: Xóm G, xã H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Có mặt).
+ Bà Lê Thị T, sinh năm 1969; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Có mặt).
+ Ông Lê Văn T1, sinh năm 1971; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Vắng mặt không có lý do).
+ Bà Đặng Thị T2; sinh năm: 1978; địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Quá trình giải quyết vụ án các đương sự trình bày như sau: Nguyên đơn ông Lê Văn C:
Bố mẹ đẻ của ông C là ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G, sinh được 06 người con, một người đã chết còn lại người còn 05 người con gồm: Ông Lê Văn C, sinh năm 1955; ông Lê Văn T1, sinh năm 1971; ông Lê Văn D, sinh năm 1975; bà Lê Thị M, sinh năm 1962; bà Lê Thị T, sinh năm 1968.
Khi còn sống, bà G ở với ông C là con trai cả, ông H1 ở với con trai út là ông D. Ông H1 và bà G làm nông nghiệp được Nhà nước cấp đất theo Nghị định 64 đã chuyển đổi theo Chỉ thị 02 và Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy N1 gồm 02 thửa đất là thửa đất số 1246 xứ Đồng Chung và thửa đất số 891 tờ bản đồ số 4 xứ đồng Nước Thây đều tại địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An. Ông H1 chết năm 2021, bà G chết năm 2014 đều không để lại di chúc. Thực hiện dự án VISIP nên UBND huyện H thu hồi giải phóng mặt bằng và chi trả tiền cho các chủ đất đối với 02 thửa đất do bố mẹ ông C để lại nhưng ông D đã giả mạo di chúc của ông H1, bà G để chiếm đoạt tiền đền bù giá trị hai thửa đất. Tài sản do ông H1 và bà G để lại là tài sản thừa kế nên ông C đề nghị Tòa án chia giá trị tài sản của 02 thửa đất trên theo quy định của pháp luật để các con đều hưởng lộc của bố mẹ. Ông C đề nghị chia di sản là số tiền 109.300.000đ kỷ phần của ông được hưởng là 21.860.000đ.
Bị đơn ông Lê Văn D:
Ông D đồng ý về họ tên cha mẹ và các anh chị em ruột như nguyên đơn trình bày. Tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của ông H1 và bà G gồm: Thửa đất số H062639 được UBND huyện H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/4/1996 mang tên Lê Sĩ H1. Trong đó có 564m2 đất vườn và đất ở, 1.773m2 đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều xứ đồng khác nhau, sau khi chuyển đổi được chính quyền giao các thửa 1246 diện tích 978,8m2 vùng Đ và thửa số 891 diện tích 678,1m2 vùng Nước Thây, tờ bản đồ số 4 tại địa chỉ khối E, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An.
Sau khi chết ông H1 và bà G có để lại di chúc, bản di chúc lập ngày 08/7/2011 với nội dung: Ông Lê Sỹ H2 và bà Nguyễn Thị G tặng cho vợ chồng ông Lê Văn D và bà Đặng Thị T2 được toàn quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nay Nhà nước thu hồi diện tích đất nông nghiệp thì ông D và T2 bàn bạc và có nguyện vọng là sau này nhận được tiền đền bù của Nhà nước thì sử dụng số tiền đó để làm lăng mộ và hương khói cho ông H2 và bà G. Đối với nội dung khởi kiện của nguyên đơn thì ông không đồng ý vì:
- Thứ nhất: Diện tích đất nông nghiệp của ông H2 và bà G nêu trên đã được tặng cho vợ chồng ông Lê Văn D và bà Đặng Thị T2.
- Thứ hai: Kể từ thời điểm ông H2 và bà G lập di chúc thì tất cả diện tích đất nông nghiệp này do ông D và bà T2 trực tiếp quản lý, sử dụng và sản xuất, đóng thuế sản xuất nông nghiệp hàng năm từ đó đến nay đã 11 năm.
Thứ ba: Ông Lê Văn C đã có công ăn việc làm, là cán bộ Nhà nước sau khi học xong phổ thông không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp nên không được cấp đất nông nghiệp. Từ khoảng năm 1990, ông C đã lập gia đình ra ở riêng không chung sống với bố mẹ nữa mà ở cùng vợ con ở xã H, thành phố V. Hơn nữa, ông C không trực tiếp nuôi dưỡng ông H2 và bà G ngày nào, ông H2 và bà G ở chung với ông D đến khi già yếu không có sức lao động thì được ông D chăm sóc, phụng dưỡng cho đến khi qua đời.
Ông D yêu cầu Tòa án công nhận bản di chúc lập ngày 08/7/2011 là hợp pháp và chia di sản thừa kế là đất nông nghiệp theo nội dung di chúc.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Bà Lê Thị M: Đồng ý về họ tên cha mẹ và các anh chị em ruột như nguyên đơn trình bày. Khi chết ông H2 và bà G không để lại di chúc. Khi sống ông H2 và bà G ở với ông D và bà T2, tài sản ông H2 và bà G để lại là thửa đất tại khối E, thị trấn H đất và tài sản trên đất đều để lại cho ông D, bà T2 với diện tích đất ở khoảng 662m2, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà M không nắm rõ. Vào khoảng năm 2002, thì ông H2 và bà G đã tách thửa cho ông Lê Văn C 300m2, có tất cả các người con trong gia đình đều ký.
Ngoài đất ở thì ông H2 và bà G còn để lại 02 thửa đất nông nghiệp như nguyên đơn và bị đơn trình bày nay bà đồng ý chia di sản 02 thửa đất nói trên, và nhận phần thừa kế theo quy định của pháp luật. Bà M không đồng ý bản di chúc do ông D xuất trình, vì di chúc đó ông D tự lập, sau khi bà G đã chết, dấu vân tay trong di chúc là do ông D giả mạo.
- Ông Lê Văn T1: Đồng ý về họ tên cha mẹ và các anh chị em ruột như nguyên đơn trình bày. Trước khi ông H2 và bà G chết không để lại di chúc. Tài sản ông H2 và bà G để lại là thửa đất tại khối E, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An. Diện tích và thửa số bao nhiêu thì ông T1 không nắm được. Diện tích này ông H2 và bà G chưa lập di chúc cho ai cả. Hiện tại thì ông Lê Văn D sử dụng một phần, ông Lê Văn C sử dụng một phần.
Ngoài đất ở thì ông H2 và bà G còn để lại 02 thửa đất nông nghiệp gồm: thửa 1246 diện tích 978,8m2 vùng Đ và thửa số 891 diện tích 678,1m2 vùng Nước Thây, tờ bản đồ số 4 thuộc khối E, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An. Nguồn gốc 02 thửa đất này được Nhà nước cấp theo Nghị định 64, cấp lần đầu vào năm 1996. Thời điểm năm 1996 hộ ông H2 và bà G có: Ông H2, bà G, ông Lê Văn T1, bà Lê Thị T3 ông Lê Văn D. Ông Th lập gia đình năm 1992, sau khi lập gia đình ông T1 ở với bố mẹ 01 năm thì ở riêng nhưng không tách khẩu, đến năm 1998 thì ra ở riêng. Ông H2 và bà G có cắt đất nông nghiệp cho ông T1 vào năm 1993 với diện tích khoảng 1.830m2. Diện tích này sau khi chuyển đổi quy chủ cho ông T1 vào năm 2004. Số diện tích còn lại mang tên ông H2 và bà G. Ông T1 xác định di sản thừa kế đất nông nghiệp mà ông H2 và bà G để lại cho ông D là một sào hai thước, còn lại là của ông H2 và bà G. Đối với yêu cầu chia đất nông nghiệp là hai sào tư đất ông T1 không đồng ý. Nếu ai yêu cầu chia thì cứ chia cho người có yêu cầu. Trường hợp phải chia đều thì ông vẫn nhận phần di sản của mình được hưởng mong muốn tiền đền bù giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp phần của ông bà thì để lại xây lăng cho ông bà.
Ông T1 không đồng ý bản di chúc mà ông Lê Văn D cung cấp do đất ở thì ông D được hưởng rồi, còn đất nông nghiệp thì để lại làm lăng mộ cho tổ tiên, ông bà.
- Bà Lê Thị Thu t: Đồng ý về họ tên cha mẹ và các anh chị em ruột như nguyên đơn trình bày. Khi ông H2 và bà G chết có để lại di chúc, tuy nhiên bà không quan tâm đến tài sản bố mẹ để lại nên không nắm rõ được nội dung di chúc. Di sản ông H2 và bà G để lại là đất ở và đất nông nghiệp, diện tích đất ở đã chia cho ông C một nửa và ông D một nửa có lập văn bản khi còn đang sống. Đất nông nghiệp ông H2 và bà G để lại 02 thửa gồm: thửa 1246 diện tích 978,8m2 vùng Đ và thửa số 891 diện tích 678,1m2 vùng Nước Thây, tờ bản đồ số 4 tại khối E, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An. Bà T không đồng ý chia di sản là đất nông nghiệp của ông H2 và bà G do đã lập di chúc cho ông Lê Văn Danh s đất nông nghiệp này nên bà tôn trọng di nguyện của ông H2 và bà G. Trong trường hợp nếu được nhận phần thừa kế của mình thì bà cũng cho vợ chồng ông D bà T2.
- Công văn số 59 ngày 17/3/2023 của UBND thị trấn H thể hiện: Nguồn gốc thửa đất số 1246 diện tích 978,8m2 xứ Đồng Chung và thửa số 891 diện tích 678,1m2 xứ đồng Nước Thây, tờ bản đồ số 04 và thửa số 1981 diện tích 159m2 xử đồng Mạ Cát là nguồn gốc đất được giao theo Nghị Định 64/CP (diện tích 1773m2) cho hộ ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G đã thực hiện chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị số 02 của Tỉnh ủy N1. Đến năm 2011 ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G để lại di chúc tổng diện tích đất nông nghiệp của hộ ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G cho ông Lê Văn D và bà Đặng Thị T2.
Thời điểm giao đất theo Nghị định 64/CP, hộ gia đình ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G có 03 khẩu, mỗi khẩu được 591m2 diện tích đất nông nghiệp. (Gồm: ông Lê Sỹ H2, bà Nguyễn Thị G và ông Lê Văn D) Tại thời điểm hiện tại không có ai sản xuất, lý do: Thửa số 1246 và thửa số 861 nằm trong giải phóng mặt bằng dự án VISIP, xung quanh các thửa đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, nên hai thửa này không có nước tưới tiêu, còn thửa đất số 1981, diện tích 159m2 đã được Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện H cho trả tiền cho hộ ông Lê Văn D.
- Bà Đặng Thị T2 trình bày: Bà thuỷ đồng ý như ý kiến ông D, không bổ sung gì thêm.
Quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm đã trưng cầu giám định đối với dấu vân tay của bà Nguyễn Thị G tại “di chúc” lập ngày 08/7/2011 được UBND thị trấn H chứng thực.
Kết luận giám định số 06/KL-KTHS ngày 12/4/2023 của Phòng K Công an tỉnh N kết luận:
- Dấu vân tay in dưới mục “Vợ” trên bản di chúc ký hiệu A so với dấu vân tay in tại ô “NGÓN TAY TRỎ” trên “GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN” ký hiệu M không phải do cùng một ngón của một người in ra.
- Không đủ cơ sở để kết luận dấu vân tay in dưới mục “Vợ” trên bản di chúc ký hiệu A so với dấu vân tay in tại ô “NGÓN TRỎ TRÁI” trên “GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN” ký hiệu M có phải do cùng một người in ra hay không.
Biên bản xác minh ngày 25/5/2023 của Tòa án; UBND thị trấn H, huyện H xác nhận: Ngày 08/7/201, ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G, địa chỉ khối A, thị trấn H, huyện H đến UBND thị trấn H lập di chúc. Ông Lê Sĩ H1 là người viết tay còn bà Nguyễn Thị G không biết chữ thì điểm chỉ bằng ngón trỏ phải trước mặt ông Ngô Văn Đ là Phó Chủ tịch UBND thị trấn H tại thời điểm đó ký và đóng dấu. Nội dung di chúc: Ông H1 và bà G để lại cho ông Lê Văn D và bà Đặng Thị T2 được thừa kế toàn bộ đất nông nghiệp của ông bà. Bản di chúc được lập thành 02 bản, lưu 01 bản tại UBND thị trấn H tại số C quyển số 01TP/CC-SCt/HĐGD cùng ngày 08/7/2011. Việc không ghi rõ bà Nguyễn Thị G điểm chỉ ngón tay nào dưới bản di chúc là do sơ suất của công chức Tư pháp- Hộ tịch.
Với nội dung trên, Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 02/10/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã quyết định:
Căn cứ Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147 và Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 627, Điều Điều 628, Điều 630 và Điều 635 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14: Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn C về yêu cầu được hưởng di sản thừa kế là giá trị tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chia kỷ phần ông Lê Văn C 21.860.000 đồng đối với hai thửa đất là thửa đất số 1246 xứ Đồng Chung và thửa đất số 891 tờ bản đồ số 4 xứ đồng Nước Thây đều tại địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An.
2. Án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn ông Lê Văn C. Ngoài ra Bản án còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 13/10/2023, ông Lê Văn C làm đơn kháng cáo có nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 02/10/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm huỷ bản án dân sư sơ thẩm nói trên của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên nội dung và phạm vi khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến:
- Việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử phúc thẩm đã tuân theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Riêng ông Lê Văn T1 là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án không thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, Tòa án đã tống đạt hợp lệ lần thứ hai văn bản tố tụng việc mở phiên tòa nên vụ án được giải quuyết theo thủ tục chung.
- Thủ tục kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Văn C kháng cáo trong thời hạn luật định nên được Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, giải quyết.
- Nội dung: Căn cứ kết quả tranh tụng, đánh giá các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 02 tháng 10 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi xem xét các tài liệu có tại hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự đã được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng và ý kiến đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Tố tụng: Quan hệ pháp luật tranh chấp theo nội dung khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu chia di sản thừa kế, kể từ thời điểm mở thừa kế đến lúc nguyên đơn khởi kiện đang trong thời hiệu, người khởi kiện có quyền khởi kiện, bị đơn có địa chỉ cư trú tại thị trấn H, huyện H. Căn cứ khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm là Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Người kháng cáo, nội dung và hình thức đơn kháng cáo, thời hạn kháng cáo đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật tố Tụng dân sự nên kháng cáo hợp lệ. Nguyên đơn giữ nguyên nội dung, phạm vi khởi kiện, giữ nguyên nội dung kháng cáo, Vậy nên Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2]. Xác định quan hệ tranh chấp của Tòa án cấp sơ thẩm: Sau khi thụ lý vụ án các đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ cho thấy di sản là quyền sử dụng đất của các thửa số 1246 diện tích 978,8m2 vùng Đ và thửa số 891 diện tích 678,1m2 vùng Nước Thây, tờ bản đồ số 4 tại khối E, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An. Hai thửa đất này đã được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai thu hồi và số tiền bồi thường bằng tiền tương ứng với giá đất nông nghiệp đang được quản lý tại Ban giải phóng mặt bằng huyện H, tỉnh Nghệ An. Bởi thế nên quan hệ pháp luật tranh chấp là: Tranh chấp di sản thừa kế là quyền về tài sản.
[3]. Tại phiên tòa phúc thẩm những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND thị trấn H và Chủ tịch UBND huyện H đề nghị xét xử vắng mặt, ông Lê Văn T1 đã được tống đạt hợp lệ lần thứ hai văn bản tố tụng về việc mở phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 2, 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án.
[4]. Nội dung vụ án:
[4.1]. Diện thừa kế: Ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G có 06 người con gồm: Ông Lê Văn C; bà Lê Thị M; bà Lê Thị V (Chết khi còn trẻ trước ông H1, bà G, chưa có chồng, con); bà Lê Thị T; ông Lê Văn T1 và ông Lê Văn D ngoài ra không có con riêng hoặc ngoài giá thú.
[4.2]. Quyền sử dụng đất nông nghiệp đã bị thu hồi được bồi thường bằng tiền là di sản tranh chấp: Hộ ông Lê Sĩ H1 được cấp đất theo Nghị định 64/CP (1773m2) sau khi chuyển đổi gồm các thửa: Thửa đất số 1246 diện tích 978,8m2 xứ Đồng Chung; thửa số 891 diện tích 678,1m2 xứ đồng Nước Thây, tờ bản đồ số 04 và thửa số 1981 diện tích 159m2 xứ đồng Mạ Cát. Những người được thụ hưởng đất nông nghiệp tại thời điểm cấp gồm 03 khẩu là: Ông Lê Sĩ H1, bà Nguyễn Thị G và ông Lê Văn D; tiêu chuẩn mỗi khẩu là 591m2. Diện tích thực tế của ba thửa đất nêu trên là 1.815,9m2 là phù hợp với các tài liệu do cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cung cấp tại các bút lục số 153; 222; 223. Như vậy ông H1, bà G chỉ có quyền định đoạt quyền sử dụng đất là 1.815,9m2 : 3 suất x 2 = 1.210,6m2; ông Lê Văn D có quyền định đoạt là 603,3m2 trong số diện tích này này Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã bồi thường quyền sử dụng đất bằng tiền cho ông D thửa số 1981 diện tích 159m2 (BL 153) [4.3]. Thời điểm mở thừa kế và tính hợp pháp của di chúc của ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G: Ông H1 chết vào ngày 06/12/2021; bà G chết ngày 05/4/2014. Trước đó ngày 08/7/2011 ông H1 và bà G đến UBND thị trấn H yêu cầu chứng thực di chúc và được công chức Tư pháp tiếp nhận. Nội dung di chúc: Ông H1 và bà G định đoạt 1773m2 quyền sử dụng đất nông nghiệp được cấp ngày 10/4/1996 cho người thừa kế là ông Lê Văn D và bà Đặng Thị T2 (vợ ông D), nếu Nhà nước thu hồi thì ông D và bà T2 được nhận số tiền đền bù đó. Sau khi công bố di chúc trước người có thẩm quyền chứng thực thì ông H1 trực tiếp ký, bà G không biết chữ nên điểm chỉ vào di chúc nhưng không ghi rõ vân tay ngón nào trước mặt người thực hiện chứng thực (BL 210, 211, 221). Hiện nay bản di chúc đang lưu 01 bản tại UBND thị trấn H thứ tự số 03 quyển số 01 TP/CC-SCt/HĐGĐ.
Trình tự thu thập mẫu vân tay trên chứng minh nhân dân của bà G để trưng cầu giám định là đúng quy định. Kết luận giám định số 06/KL-KTHS ngày 12/4/2023 của Phòng K Công an tỉnh N kết luận dấu vân tay in dưới mục “Vợ” trên bản di chúc so với dấu vân tay in tại ô ngón tay trỏ trên giấy chứng minh nhân dân không phải do cùng một ngón của một người in ra. Không đủ cơ sở để kết luận dấu vân tay in dưới mục “Vợ” trên bản di chúc so với dấu vân tay in tại ô ngón trỏ trái trên giấy chứng minh nhân dân có phải do cùng một người in ra hay không.
Như vậy có đủ căn cứ để khẳng định: Ngày 08/7/2011 ông H1 và bà G đến UBND thị trấn H yêu cầu chứng thực di chúc, hình thức di chúc thể hiện bằng văn bản ông H1 là người trực tiếp ký trên bản di chúc và bà G là người điểm chỉ nhưng không rõ dấu vân tay ngón nào, những người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, nội dung di chúc không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, trình tự chứng thực di chúc đúng quy định. Căn cứ vào các Điều 625; 626; 627; 630;
636 thì di chúc của ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G được UBND thị trấn H chứng thực ngày 08/7/2011 là hợp pháp.
Như phân tích tại mục [4.2] thì việc ông H1 và bà G định đoạt 1773m2 quyền sử dụng đất nông nghiệp (tiền được bồi thường quyền sử dụng đất) trong bản di chúc là vượt quá phạm vi quyền tài sản của mình, tuy nhiên các đương sự có quyền trong vụ án không tranh chấp việc định đoạt vượt quá đó nên không làm thay đổi bản chất vụ án.
Từ những phân tích trên đây Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn C như đề nghị của kiểm sát viên là có căn cứ.
[5]. Chi phí tố tụng và xử lý Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn C không được chấp nhận nên ông C phải chịu chi phí tố tụng.
Để các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai có thẩm quyền của UBND huyện H, tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ công vụ, vì vậy cần hủy bỏ Quyết định Áp biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2022/QĐ-BPKCTT ngày 24/10/2022 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tại thời điểm bản án có hiệu lực thi hành.
Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2023/DS-ST ngày 02/10/2023 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An không tuyên nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng và xử lý Quyết định Áp biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng nêu trên là thiếu sót, cần phải rút kinh nghiệm, tuy nhiên tại cấp phúc thẩm khắc phục được nên Hội đồng xét xử sửa cách tuyên.
[6] Án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm: Yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn C không được chấp nhận nhưng ông là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn C, giữ nguyên bản án sơ thẩm, sửa cách tuyên.
2. Áp dụng: Khoản 5 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; khoản 2, 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 626; 627; khoản 2 Điều 628 và Điều 630 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Xử:
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn C được hưởng kỷ phần 21.860.000đ (Hai mốt triệu, tám trăm sáu mươi nghìn đồng) trong số di sản thừa kế là quyền về tài sản đối với số tiền đền bù quyền sử dụng đất nông nghiệp của ông Lê Sĩ H1 và bà Nguyễn Thị G gồm hai thửa đất số 1246 xứ Đồng Chung và thửa đất số 891 xứ đồng Nước Thây tờ bản đồ số 04, địa chỉ: K, thị trấn H, huyện H, tỉnh Nghệ An.
4. Nguyên đơn ông Lê Văn C phải chịu 1.920.000đ (Một triệu chín trăm hai mươi nghìn đồng) tiền chi phí tố tụng, ông C đã thực hiện xong nghĩa vụ.
5. Hủy bỏ Quyết định Áp biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2022/QĐ- BPKCTT ngày 24/10/2022 của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An tại thời điểm bản án dân sự pgúc thẩm có hiệu lực thi hành.
6. Án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm cho ông Lê Văn C.
7. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp chia di sản thừa kế là quyền về tài sản số 46/2024/DS-PT
Số hiệu: | 46/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Nghệ An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/05/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về