TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
BẢN ÁN 03/2024/HNGĐ-PT NGÀY 03/04/2024 VỀ TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG
Ngày 03 tháng 4 năm 2024, Tòa án nhân dân tỉnh T xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 05/2024/TLPT-HNGĐ, ngày 28 tháng 02 năm 2024 về việc “Tranh chấp về cấp dưỡng”.
Do bản án sơ thẩm số 57/2023/HNGĐ-ST ngày 08-8-2023 của Tòa án nhân dân huyện T bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 35/2024/QĐPT-HNGĐ, ngày 18 tháng 3 năm 2024, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Lâm Thị M, sinh năm 1955; cư trú tại ấp N, xã T, huyện T, tỉnh T (vắng mặt).
- Bị đơn: Ông Lâm Văn S, sinh năm 1958; cư trú tại Thôn A, xã B, huyện B, tỉnh Bình Phước (vắng mặt).
- Người kháng cáo: Bà Lâm Thị M là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 29 tháng 11 năm 2022 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Lâm Thị M trình bày: Bà với ông Lâm Văn S là anh em ruột, nhưng do bà là người không có chồng, con và hiện nay đã cao tuổi, không có tài sản để tự nuôi sống bản thân. Còn ông S có điều kiện kinh tế khá giả, nên bà yêu cầu ông S cấp dưỡng nuôi bà hàng tháng, số tiền cấp dưỡng mỗi tháng bằng 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng).
Theo bị đơn ông Lâm Văn S trình bày: Ông thừa nhận ông là em ruột của bà M, nhưng giữa ông với bà M và chị em khác trong gia đình đã xảy ra mâu thuẫn về việc tranh chấp đất đai tại xã T, huyện T, tỉnh T. Hơn nữa, ông cũng là người cao tuổi, không còn lao động để có thu nhập. Bà M, hiện nay đang sống chung với người cháu ruột tên Trần Bảo Q, có chỗ ở ổn định, nên ông không đồng ý cấp dưỡng cho bà M theo yêu cầu của bà M.
Tại bản án sơ thẩm số 57/2023/HNGĐ-ST, ngày 08-8-2023 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 28, Điều 35, Điều 39, Điều 40, Điều 147, Điều 227, Điều 273 và Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 107 và Điều 112 của Luật Hôn nhân và gia đình; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lâm Thị M về việc yêu cầu ông Lâm Văn S có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà Lâm Thị M mỗi tháng bằng 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng).
Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Lâm Thị M.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 21 tháng 9 năm 2023, bà Lâm Thị M làm đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà M.
Ý kiến của Kiểm sát viên: Về tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký đã tiến hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Xét thấy bà M hiện đang sống chung với chị N và anh T, được chị N và anh T nuôi dưỡng, không thuộc trường hợp neo đơn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, bà M còn có diện tích đất tọa lạc tại nơi bà M cư trú nên không thuộc trường hợp không có tài sản để tự nuôi sống bản thân. Bị đơn ông S cũng là người cao tuổi như bà M, không còn đủ sức khỏe để lao động có thu nhập cao. Do đó, Tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M, là có căn cứ. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà M, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không làm đơn gửi cho Tòa án về việc rút đơn khởi kiện và rút đơn kháng cáo. Qua các chứng cứ có trong hồ sơ, ý kiến của Kiểm sát viên; Hội đồng xét xử thấy rằng:
[1] Về tố tụng: Nguyên đơn bà Lâm Thị M và bị đơn ông Lâm Văn S đều làm đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm (BL 135, 139). Căn cứ vào khoản 2 Điều 296 và Điều 238 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng bà M và ông S.
[2] Về nội dung vụ án: Bà M làm đơn khởi kiện gửi Tòa án sơ thẩm cho rằng, giữa bà M và ông S là chị em ruột, nhưng bà M không có chồng, con và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân, thiếu nợ nhiều người nên bà M yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông S có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà M hàng tháng, số tiền cấp dưỡng mỗi tháng bằng 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng).
[3] Xét thấy: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm, bà M và ông S đều có lời khai thống nhất với nhau, bà M và ông S là chị em ruột. Luật Hôn nhân và gia đình, cụ thể là Điều 107 và Điều 112 đều có quy định nghĩa vụ cấp dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em. Đồng thời, Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Tuy nhiên, Điều 112 của Luật Hôn nhân và gia đình không có quy định trường hợp cả chị và em đều là người trên 60 tuổi (Đều là người cao tuổi) có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau.
[4] Qua các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Bà M đang sống chung cùng với chị N và anh T, chị N và anh T đang đi làm công nhân và có mức sống thuộc dạng trung bình tại địa phương, không thuộc dạng khó khăn về tài chính và không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp tại địa phương (BL 38, 39). Bà M đang đứng tên quyền sử dụng đất thửa số 1108, diện tích 590m2, loại đất trồng cây lâu năm và thửa số 1110, diện tích 190m2, loại đất ở nông thôn, cùng tọa lạc tại ấp N, xã T, huyện T, tỉnh T (BL 44, 45).
[5] Mặt khác, bà M còn có người em ruột tên Lâm Thị H, sinh năm 1967; cư trú cùng địa phương với bà M tại ấp N, xã T, huyện T, tỉnh T. Theo Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án số 71/2022/QĐST-DS, ngày 18/4/2022 của Tòa án nhân dân huyện T thể hiện, bà H có số tiền 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) để cho bà M vay (BL 03). Cho nên, bà M cũng có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà H hoặc anh, chị, em ruột khác của bà M để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà M.
[6] Vì vậy, Tòa án sơ thẩm xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà M, là có căn cứ. Bà M kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm xét xử, sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà M, buộc ông S có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà M hàng tháng, số tiền cấp dưỡng mỗi tháng bằng 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng), là không có căn cứ chấp nhận.
[7] Về án phí: Do bà M là người cao tuổi thuộc trường hợp miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí và Tòa án sơ thẩm chấp nhận cho bà M được miễn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, nên Tòa án phúc thẩm không xử lý.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 238, khoản 2 Điều 296 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Lâm Thị M.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 57/2023/HNGĐ-ST, ngày 08-8-2023 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh T.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lâm Thị M về việc yêu cầu ông Lâm Văn S có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bà Lâm Thị M.
2. Về án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm cho bà Lâm Thị M.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 03/2024/HNGĐ-PT về tranh chấp cấp dưỡng
Số hiệu: | 03/2024/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Trà Vinh |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 03/04/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về