Bản án 719/2022/LĐ-PT về tranh chấp bồi thường thiệt hại, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và tiền lương

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 719/2022/LĐ-PT NGÀY 30/11/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TRỢ CẤP, BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ TIỀN LƯƠNG

Trong các ngày 22 và 30 tháng 11 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 53/2022/TLPT-LĐ ngày 19/10/2022 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và tiền lương”.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 21/2022/LĐ-ST ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 5536/2022/QĐ-PT ngày 03 tháng 11 năm 2022 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 15299/2022/QĐ-PT ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Phạm Trung H, sinh năm 1984 (có mặt).

Địa chỉ thường trú: 4 N, phường T, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ cư trú: 273/29/17 N, Phường A, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Bị đơn: Văn phòng L.

Trụ sở chính: 1411 Tỉnh lộ 10, phường T, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ M .

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Thùy D, sinh năm 1987 (có mặt).

Địa chỉ liên lạc: 1411 Tỉnh lộ 10, phường T, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Thị Bạch Y - Văn phòng L thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt).

Địa chỉ: A Ông Í, Phường E, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người kháng cáo: Ông Phạm Trung H - Nguyên đơn và Văn phòng L - Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các ý kiến trình bày trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn ông Phạm Trung H trình bày:

Ngày 31/5/2016 ông Phạm Trung H được Văn phòng L (sau đây viết tắt là V) đồng ý và Đoàn Luật sư Thành phố H chấp nhận ra quyết định về việc đăng ký tập sự hành nghề Luật sư tại VPLS T với thời gian tập sự là 12 tháng (từ ngày 31/5/2016 đến ngày 31/5/2017). Sau khi hết thời gian tập sự, từ ngày 01/6/2017 ông H tiếp tục làm việc cho V, không ký hợp đồng lao động bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói, mức lương mỗi tháng là 4.000.000 đồng, ngoài ra còn được trả phụ cấp chi phí khi đi công tác. Ông H đã nhận đủ lương và phụ cấp từ ngày 01/6/2017 đến ngày 28/12/2017.

Từ ngày 28/12/2017 đến ngày 02/5/2018, ông H được Văn phòng L điều chuyển về làm việc tại Chi nhánh V - Chi nhánh C (thuộc huyện B), việc điều chuyển này không có văn bản, thời gian này mức lương ông được hưởng là 4.500.000 đồng/tháng, ông đã nhận đủ lương đến tháng 01/2018, sau đó Văn phòng L nợ lương với lý do khó khăn chưa có tiền trả lương.

Ngày 26/4/2018, V và ông ký hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ, loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công việc là nhân viên văn phòng luật sư. Mức lương chính trên hợp đồng là 7.000.000 đồng/tháng, lương được trả vào ngày cuối cùng của mỗi tháng. Ngày 02/5/2018, ông H được điều về trụ sở chính làm việc, ông làm việc đến hết tháng 05/2018 nhưng V vẫn chưa trả lương cho ông với lý do đang khó khăn chưa thu được tiền từ khách hàng. Từ ngày 01/6/2018 đến ngày 31/7/2018, ông H xin nghỉ 02 tháng và được V đồng ý, nhưng trong thời gian đó ông vẫn đến văn phòng để nhận hồ sơ nghiên cứu, đến tòa án và các cơ quan chức năng để thực hiện công việc được giao. Từ ngày 01/8/2018 đến ngày 01/11/2018 ông H trở lại Văn phòng L làm việc nhưng văn phòng vẫn chưa trả lương. Từ ngày 01/11/2018 đến ngày 12/11/2018 ông H xin nghỉ phép năm (08 ngày). Đến ngày 13/11/2018 ông H trở lại làm việc thì Trưởng văn phòng yêu cầu ông nghỉ việc không có lý do, chỉ nói miệng không có văn bản, từ đó ông không đến văn phòng nhưng vẫn phải giải quyết công việc do ông là đại diện của khách hàng.

Ngày 31/12/2018, Văn phòng L yêu cầu ông ký vào biên bản thanh lý hợp đồng để hoàn tất hồ sơ trả sổ bảo hiểm, lúc này có hai biên bản thanh lý hợp đồng, ông có ký vào 01 biên bản, bản này do văn phòng giữ, 01 biên bản còn lại do ông giữ nhưng ông không ký tên, mục đích ký để lấy sổ bảo hiểm xã hội, ý chí của ông không muốn thanh lý hợp đồng, đến tháng 03/2019 văn phòng trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông, còn tiền lương hẹn khi nào kết thúc vụ án mà ông đại diện thì văn phòng sẽ thanh toán đầy đủ tiền lương còn nợ. Ngày 20/6/2019 vụ án đã kết thúc nhưng văn phòng không liên hệ với ông để trả lương và các khoản phụ cấp khác.

Ngày 16/12/2019, Hòa giải viên lao động quận B, Thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản hòa giải không thành về việc tranh chấp tiền lương giữa ông và V và đề nghị ông khởi kiện tại Tòa án.

Nay ông H khởi kiện yêu cầu V phải thanh toán cho ông các khoản như sau:

- Tiền lương, phụ cấp các tháng còn thiếu và phải chịu lãi suất 9%/năm, tạm tính từ tháng 02/2018 đến ngày 25/4/2022 với số tiền là 70.011.147 đồng, trong đó tiền lương là 52.366.464 đồng, tiền lãi là 17.644.683 đồng.

- Tiền lương những ngày chưa nghỉ và lãi suất tương đương 11 ngày với số tiền là 4.576.250 đồng, trong đó tiền lương những ngày chưa nghỉ là 3.500.000 đồng, lãi là 1.076.250 đồng.

- Hủy Biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 31/12/2018 và xem xét nghĩa vụ của V khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

- Tiền lương những ngày không làm việc là 41 tháng (từ 13/11/2018 đến ngày 25/4/2022) với số tiền 287.000.000 đồng (7.000.000 đồng x 41 tháng); tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế những ngày không làm việc là 41 tháng (từ ngày 31/12/2018 đến ngày 25/4/2022) với số tiền là 61.705.000 đồng và 05 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là 35.000.000 đồng. Tổng cộng là 383.705.000 đồng.

- Trả tiền trợ cấp thôi việc với số tiền là 3.500.000 đồng.

- Phải nhận ông H trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký, nếu không nhận lại làm việc thì phải bồi thường 02 tháng tiền lương là 14.000.000 đồng để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Bồi thường một khoản tiền tương ứng với những ngày không báo trước là 45 ngày với số tiền 14.318.190 đồng.

- Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về vật chất do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật dẫn đến việc không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư theo quy định của Luật Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng, tiền thuê trụ sở với số tiền 720.000.000 đồng.

- Bồi thường thiệt hại về tinh thần do thời gian nghỉ việc quá lâu nên uy tín nghề nghiệp bị giảm sút, đời sống cá nhân nhiều âu lo muộn phiền với số tiền bồi thường là 14.900.000 đồng.

Tổng cộng các khoản ông H yêu cầu VPLS phải thanh toán là 1.554.010.587 đồng, trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn Văn phòng L do bà Nguyễn Thị Thùy D đại diện trình bày:

Ông Phạm Trung H là người tập sự hành nghề Luật sư của V theo Quyết định tập sự số 36/QĐ-ĐLSTPHCM ngày 31/5/2016, thời gian tập sự là 12 tháng. Công việc cụ thể của ông H là sắp xếp hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ theo sự chỉ dẫn của Luật sư hướng dẫn. Trong quá trình học việc, người tập sự hành nghề Luật sư sẽ không được nhận lương. Tuy nhiên, ông H than vãn hoàn cảnh khó khăn nên Luật sư Võ M - Trưởng văn phòng đã hỗ trợ cho ông H mỗi tháng 4.000.000 đồng. Sau khi hết thời gian tập sự, ông H không qua được kỳ thi kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư nên ông H tiếp tục xin ở lại làm việc cho văn phòng để chờ đợt thi sau, Luật sư Võ M cũng chấp nhận cho ông H tiếp tục học việc và vẫn hỗ trợ 4.000.000 đồng/tháng để ông H có chi phí đi lại, sinh hoạt, đây là tiền hỗ trợ không phải là tiền lương vì hai bên không xác lập hợp đồng lao động. Văn phòng L chỉ ký hợp đồng lao động với người đã có thẻ Luật sư và chứng chỉ hành nghề Luật sư. Thời gian này ông H chủ y là học việc lấy kinh nghiệm mục đích thi lấy thẻ Luật sư vì lợi ích của ông H mà đòi hỏi Văn phòng L phải ký hợp đồng và trả lương là vô lý. Việc ông H cung cấp bảng kê các công việc đã làm chỉ là sổ ghi chép cá nhân không có sự xác nhận của Văn phòng L nên không có cơ sở xem xét.

Sau khi ông H được cấp thẻ Luật sư và chứng chỉ hành nghề, ông H có nguyện vọng được ký hợp đồng lao động chính thức với VPLS T để đảm bảo điều kiện sau này có thể mở văn phòng riêng. Ngày 26/4/2018 hai bên đã ký hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ với mức lương 7.000.000 đồng/tháng. Mức lương này do ông H yêu cầu nhằm bảo đảm mức đóng bảo hiểm của ông như ở công ty cũ (mức lương của các nhân viên V tại thời điểm tháng 4/2018 là 4.258.600 đồng/tháng), thực tế hàng tháng ông H chỉ nhận lương 4.000.000 đồng. Ngoài ra, hai bên còn thỏa thuận Văn phòng L chỉ đóng bảo hiểm bằng với mức đóng của các nhân viên khác tại văn phòng, phần chênh lệch ông H phải tự đóng đủ. Hợp đồng được lập thành 02 bản mỗi bên giữ 01 bản. Sau đó với mức lương thực nhận so với số tiền phải đóng bảo hiểm chênh lệch quá cao nên ông H yêu cầu điều chỉnh lại mức lương trong hợp đồng là 5.970.000 đồng bằng với mức lương của công ty cũ nơi ông H làm việc. Văn phòng L chỉ điều chỉnh mức lương trên hợp đồng mà văn phòng giữ để nộp cho bảo hiểm xã hội quận B và yêu cầu ông H mang hợp đồng 01/2018/HĐLĐ mà ông giữ để điều chỉnh lại mức lương nhưng ông H chỉ hứa hẹn và đã giữ làm căn cứ để khởi kiện.

Tổng thời gian mà ông H làm việc cho văn phòng theo hợp đồng lao động là 08 tháng, nhưng ông H chỉ đi làm 2,5 tháng, ông H làm được vài buổi thì nghỉ rồi lại đi làm. Do đó, ngày 31/12/2018 Văn phòng L và ông H cùng thỏa thuận thanh lý Hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018. Biên bản thanh lý hợp đồng lao động có chữ ký của ông H chứ không phải biên bản thanh lý hợp đồng không có chữ ký mà ông H đã nộp cho Tòa án. Trong thời gian ông H làm việc, Văn phòng L đã đóng bảo hiểm cho ông H đầy đủ kể cả những tháng ông H không đi làm. Từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2018, V đã tạm ứng số tiền 12.536.403 đồng để đóng bảo hiểm cho ông H. Sau khi ký biên bản thanh lý hợp đồng lao động, V đã yêu cầu ông H đến văn phòng để chốt lại tiền lương và tiền bảo hiểm nhưng ông H không đến và cho rằng Văn phòng L đơn phương chấm dứt hợp đồng là không có căn cứ. Vì vậy, Văn phòng L không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Trung H. Căn cứ theo hợp đồng lao động thì hiện nay Văn phòng L chỉ phải trả ông H số tiền là 2.324.400 đồng. Cụ thể: Tháng 5/2018 lương là 5.970.000 đồng trừ tiền bảo hiểm 626.850 đồng (10,5%), tiền lương còn lại là 5.343.000 đồng, ông H chưa nhận, V còn giữ. Tháng 6 và tháng 7/2018 ông H không đi làm nhưng mỗi tháng bị đơn phải đóng bảo hiểm cho ông H là 1.910.000 đồng (số tiền này lấy từ tiền lương tháng 5/2018 của ông H chưa nhận). Tháng 8/2018 ông H đi làm 11 ngày tương đương tiền lương là 2.855.215 đồng, sau khi trừ bảo hiểm lương còn lại là 2.228.365 đồng. Tháng 9/2018 ông H đi làm 15 ngày tương đương tiền lương là 3.893.475 đồng, sau khi trừ bảo hiểm lương còn lại là 3.266.625 đồng. Về số tiền bảo hiểm tháng nào ông H đi làm thì VPLS đóng 21,5%, ông H đóng 10,5%, còn những tháng ông H không đi làm thì ông H phải chịu toàn bộ tiền bảo hiểm là 32%. Hiện nay, Văn phòng L chỉ phải trả ông H số tiền như trên sau khi trừ tiền bảo hiểm mà ông H phải đóng.

Tại phiên tòa sơ thẩm: Nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc bị đơn thanh toán tiền lương và tiền lãi từ ngày 01/02/2018 đến ngày 25/4/2018; thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ và lãi suất tương đương 11 ngày với số tiền là 4.576.250 đồng; giữ nguyên những yêu cầu khởi kiện còn lại và yêu cầu trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Căn cứ theo Hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018, hiện nay Văn phòng L chỉ phải trả ông H số tiền là 2.324.400 đồng.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 21/2022/LĐ-ST ngày 18/7/2022 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Trung H, buộc Văn phòng L phải trả cho ông Phạm Trung H tiền lương và tiền do chậm trả lương tính từ ngày 26/4/2018 đến ngày 31/12/2018 với số tiền là 44.694.334 (bốn mươi bốn triệu sáu trăm chín mươi bốn nghìn ba trăm ba mươi bốn) đồng, trong đó: tiền lương là 43.635.725 (bốn mươi ba triệu sáu trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm hai mươi lăm) đồng và tiền do chậm trả lương là 1.058.609 đồng (một triệu không trăm năm mươi tám nghìn sáu trăm lẻ chín) đồng. Trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Trung H về việc buộc Văn phòng L phải trả: Tiền lương những ngày không làm việc, tiền BHXH, BHYT những ngày không làm việc tính từ ngày 01/01/2019 đến nay; 05 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 383.705.000 đồng.

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông H về việc buộc Văn phòng L phải: Bồi thường 02 tháng tiền lương là 14.000.000 đồng để chấm dứt hợp đồng lao động; bồi thường khoản tiền tương ứng những ngày không báo trước với số tiền là 14.318.190 đồng; bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng, tiền thuê trụ sở là 720.000.000 đồng; bồi thường về tổn thất tinh thần với số tiền là 14.900.000 đồng và không chấp nhận yêu cầu hủy Biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 31/12/2018.

4. Đình chỉ xét xử đối với một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán tiền lương và tiền lãi từ ngày 01/02/2018 đến 25/4/2018 và phần yêu cầu thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ và lãi tương đương 11 ngày với số tiền là 4.576.250 đồng, do nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền và nghĩa vụ của đương sự trong giai đoạn thi hành án, quyền kháng cáo, thời hạn thi hành án.

Ngày 18/7/2022, nguyên đơn ông Phạm Trung H nộp Đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án lao động sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.

Ngày 28/7/2022, bị đơn Văn phòng L nộp Đơn kháng cáo một phần nội dung bản án lao động sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng: Văn phòng L chỉ phải trả cho ông Phạm Trung H số tiền lương trên tổng thời gian 2,5 tháng mà ông H có đi làm thực tế, sau khi trừ đi khoản tiền bảo hiểm mà Văn phòng đã tạm ứng ra để đóng bảo hiểm xã hội cho ông H, số tiền còn lại ông H được nhận là 2.324.400 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn ông Phạm Trung H xác định từ ngày 26/4/2018 đến khi chấm dứt hợp đồng lao động, V chưa thực hiện nghĩa vụ trả lương cho ông. Trong thời gian làm việc, các tháng 6, 7 và 10 năm 2018 ông có xin Văn phòng L nghỉ không hưởng lương và được T văn phòng đồng ý. Ông H xác nhận trong thời gian ông làm việc, Văn phòng L có nộp thay cho ông bảo hiểm xã hội tổng số tiền 12.536.403 đồng và ông có đưa tiền mặt cho T Văn phòng hơn 3.000.000 đồng để nộp tiền bảo hiểm xã hội cho ông nhưng ông không nhớ chính xác thời gian và số tiền cụ thể. Đối với các yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng, tiền thuê trụ sở là 720.000.000 đồng; bồi thường về tổn thất tinh thần với số tiền là 14.900.000 đồng không được Tòa án sơ thẩm chấp nhận, nguyên đơn xin rút lại yêu cầu khởi kiện đối với các yêu cầu này. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên kháng cáo các nội dung còn lại tại phần quyết định của bản án sơ thẩm; không đồng ý toàn bộ kháng cáo của bị đơn, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, hủy toàn bộ bản án lao động sơ thẩm.

Bị đơn Văn phòng L do bà Nguyễn Thị Thùy D đại diện theo ủy quyền đồng ý việc nguyên đơn rút các yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng, tiền thuê trụ sở là 720.000.000 đồng; bồi thường về tổn thất tinh thần với số tiền là 14.900.000 đồng; bị đơn không đồng ý toàn bộ các nội dung kháng cáo còn lại của bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án lao động sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là Luật sư Lê Thị Bạch Y trình bày: Thời điểm ông H ký hợp đồng lao động với VPLS T, ông H chưa được L1 công nhận là Luật sư và chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật. Trong hợp đồng lao động, hai bên không thỏa thuận các nội dung Văn phòng L có liên quan đến việc ông H thuê địa điểm mở Văn phòng Luật sư riêng. Bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tổng số tiền 44.694.334 đồng là chưa phù hợp. ông H là người có hiểu biết, có kiến thức về pháp luật nhưng ông lại trình bày ông không biết mức lương ông tham gia bảo hiểm xã hội là bao nhiêu và cho rằng ông có trực tiếp giao cho T Văn phòng L tiền để nộp bảo hiểm xã hội nhưng không nhớ chính xác số tiền và thời gian giao nhận là điều vô lý và không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho lời trình bày này. Căn cứ bảng thanh toán tiền lương từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2018, V chỉ xác nhận chưa trả ông H 2,5 tháng lương, sau khi trừ khoản tiền 12.536.403 đồng mà Văn phòng đã tạm ứng ra để đóng bảo hiểm xã hội cho ông H, Văn phòng chỉ đồng ý trả cho ông H số tiền còn lại 2.324.400 đồng. Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ kháng cáo của bị đơn.

Kiểm sát viên - Viện kiểm sát nhân dân Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về tố tụng: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý vụ án đúng thẩm quyền. Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án: Có thông báo bằng văn bản cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án, quyết định xét xử cùng hồ sơ vụ án chuyển Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn quy định tại Điều 292 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án thực hiện đúng trình tự, thủ tục xét xử phúc thẩm; người tham gia tố tụng đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung vụ án: Căn cứ những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời trình bày của các đương sự, kết quả tranh luận tại phiên tòa, xét thấy: Trong thời gian làm việc tại VPLS T, từ ngày 26/4/2018 đến 31/12/2018, hai bên thỏa thuận tiền lương 5.970.000 đồng/tháng. Ông H xác nhận có xin người đại diện theo pháp luật của Văn phòng L nghỉ không hưởng lương các tháng 6, 7 và tháng 10 năm 2018 và Văn phòng L đã nộp thay ông H bảo hiểm xã hội với số tiền 12.536.403 đồng, chưa thực hiện trả lương cho ông H. Do đó, có cơ sở xác định VPLS T chưa thực hiện nghĩa vụ trả lương cho ông H với thời gian 05 tháng 05 ngày nên buộc Văn phòng L trả cho ông H tiền lương với số tiền 18.308.597 đồng. Về tiền lãi do chậm trả lương: Theo quy định tại Điều 96 BLLĐ 2012, được hướng dẫn bởi Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015, có cơ sở buộc Văn phòng L trả cho ông H tiền lãi do chậm thanh toán lương với số tiền 4.979.701 đồng. Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn; sửa một phần Bản án lao động sơ thẩm số 21/2022/LĐ-ST ngày 18/7/2022 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh buộc Văn phòng L trả cho ông H tiền lương và tiền lãi do chậm trả lương với tổng số tiền 23.288.298 đồng. Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về vật chất do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật dẫn đến việc không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư theo quy định của Luật Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng, tiền thuê trụ sở với số tiền 720.000.000 đồng; bồi thường thiệt hại về tinh thần do thời gian nghỉ việc quá lâu nên uy tín nghề nghiệp bị giảm sút, đời sống cá nhân nhiều âu lo muộn phiền với số tiền 14.900.000 đồng. Bị đơn đồng ý với việc rút yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện này.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và kết luận của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc chấp hành pháp luật tố tụng và nội dung của vụ án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo đề ngày 18/7/2022 của nguyên đơn ông Phạm Trung H và Đơn kháng cáo đề ngày 28/7/2022 của bị đơn Văn phòng L thực hiện trong thời hạn luật định nên được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

[1.2] Việc xác định thẩm quyền, quan hệ pháp luật tranh chấp vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nên được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận.

[1.3] Về thời hiệu khởi kiện: Ngày 31/12/2018, ông Phạm Trung H và Văn phòng L thanh lý Hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018. Đến ngày 01/11/2019, ông H nộp đơn khởi kiện Văn phòng L tại Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012, việc khởi kiện của nguyên đơn vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện nên được chấp nhận.

[2] Trong quá trình giải quyết vụ án, do nguyên đơn cung cấp Hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018 thể hiện mức lương chính trên hợp đồng là 7.000.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, bị đơn cung cấp Hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018 thể hiện mức lương chính trên hợp đồng là 5.970.00 đồng/tháng. Ngoài sự khác biệt về mức lương chính, các đương sự xác nhận những nội dung thể hiện tại hai hợp đồng do nguyên đơn, bị đơn cung cấp là đúng. Căn cứ Thông báo số 01/2018/VPLSTT ngày 02/5/2018 của V, Phiếu đối chiếu quá trình đóng bảo hiểm; Tổng hợp danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và danh sách giao nhận sổ bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội quận B, Thành phố Hồ Chí Minh và xác nhận quá trình đóng bảo hiểm của ông H, có cơ sở để Hội đồng xét xử xác định mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 5/2018 đến tháng 12/2018 của ông Phạm Trung H là 5.970.000 đồng là phù hợp.

[3] Xét Biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 31/12/2018 do nguyên đơn cung cấp kèm theo đơn khởi kiện, tại mục người lao động ông H không ký ghi họ tên. Tuy nhiên, Biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 31/12/2018 do bị đơn cung cấp thì ông H đã ký ghi họ tên của mình. Ông H thừa nhận có ký vào biên bản thanh lý hợp đồng lao động do bị đơn cung cấp nhưng ông cho rằng mục đích ký chỉ nhằm lấy lại sổ bảo hiểm xã hội, ý chí ông không muốn thanh lý hợp đồng và cho rằng Văn phòng L đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Xét lời trình bày của ông H là không có cở sở bởi lẽ Biên bản thanh lý hợp đồng lao động là do hai bên thỏa thuận thống nhất thanh lý, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012, ngoài ra trong biên bản này không có nội dung nào thể hiện ý chí của ông H là ký để nhằm mục đích nhận lại sổ bảo hiểm xã hội và ông H cũng không có ý kiến gì về nội dung của biên bản. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018 đã được hai bên thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng vào ngày 31/12/2018 là phù hợp.

[4] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Trung H:

[4.1] Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc bị đơn thanh toán tiền lương và tiền lãi do chậm trả lương từ ngày 01/02/2018 đến 25/4/2018; rút phần yêu cầu thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ và lãi suất tương đương 11 ngày với số tiền là 4.576.250 đồng, trong đó tiền lương những ngày chưa nghỉ là 3.500.000 đồng, lãi là 1.076.250 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là phù hợp nên cấp phúc thẩm giữ nguyên.

[4.2] Căn cứ hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018 giữa ông H và V, như nhận định tại mục [2] và [3] của bản án, quan hệ lao động giữa ông H và V phát sinh từ ngày 26/4/2018 đến ngày 31/12/2018, mức lương chính trên hợp đồng là 5.970.000 đồng/tháng nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền lương còn thiếu với mức lương 7.000.000 đồng/tháng. Ngày 31/12/2018, ông H và V thống nhất thanh lý hợp đồng lao động số 01/2018/HĐLĐ ngày 26/4/2018 là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012. Ông H không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông không tự nguyện, bị lừa dối, ép buộc khi thanh lý hợp đồng lao động nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu hủy Biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 31/12/2018 và xem xét nghĩa vụ do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của nguyên đơn là phù hợp nên Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên.

[4.3] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận ông H không đến Văn phòng L làm việc và xin nghỉ không hưởng lương các tháng 6, 7 và tháng 10 năm 2018; bị đơn đã nộp bảo hiểm thay cho nguyên đơn các khoản bảo hiểm bắt buộc từ tháng 5 đến tháng 12/2018 với tổng số tiền 12.536.403 đồng nên có cơ sở buộc Văn phòng L trả tiền lương cho ông H là 05 tháng 05 ngày với mức lương 5.970.000 đồng/tháng tương đương số tiền 30.845.000 đồng. Sau khi trừ số tiền bảo hiểm xã hội mà V đã nộp thay cho ông H là 12.536.403 đồng, V còn phải trả cho ông H 18.308.597 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định tổng thời gian ông H làm việc tại VPLS T từ khi ký hợp đồng lao động đến khi thanh lý hợp đồng là 08 tháng 05 ngày và buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền lương 43.635.725 đồng là chưa phù hợp.

[4.4] Nguyên đơn trình bày có 03 lần đến giao trực tiếp số tiền khoảng hơn 3.000.000 đồng cho T Văn phòng L để đóng bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn các tháng 6, 7, và tháng 8/2018 nhưng không nhớ cụ thể thời gian và số tiền đã giao, không có tài liệu, chứng cứ chứng minh cho lời trình bày này theo quy định tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét.

[4.5] Về yêu cầu bị đơn trả lãi suất do chậm trả lương từ ngày 26/4/2018 đến ngày xét xử sơ thẩm: Xét thấy nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả lương theo mức lãi suất 9%/năm là chưa phù hợp. Như nhận định tại phần trên của bản án, Tòa án cấp phúc thẩm xác định bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền lương những ngày làm việc là 05 tháng 05 ngày. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn trả cho nguyên đơn tiền lãi do chậm trả lương với số tiền 1.058.609 đồng là chưa phù hợp. Căn cứ Điều 96 Bộ Luật Lao động 2012 và Điều 24 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động; các Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014, Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019, Quyết định số 419/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020, Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 và Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Ngân hàng N, bị đơn có nghĩa vụ phải trả cho nguyên đơn trả tiền lãi do chậm trả lương là 4.979.701 đồng.

[4.6] Như phân tích tại mục [4.3] và mục [4.5] của bản án, bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền lương và tiền lãi do chậm trả lương là: 18.308.597 đồng + 4.979.701 đồng = 23.288.298 đồng nên có cơ sở chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn.

[4.7] Xét các yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn: Nhận nguyên đơn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký; thanh toán tiền lương những ngày không làm việc và phải trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 25/4/2022 và 05 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; trường hợp không nhận nguyên đơn trở lại làm việc phải bồi thường 02 tháng tiền lương là 14.000.000 đồng để chấm dứt hợp đồng lao động; bồi thường khoản tiền tương ứng những ngày không báo trước là 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn với số tiền là 14.318.190 đồng. Như đã phân tích tại phần trên của bản án, ngày 31/12/2018 hai bên đã thỏa thuận thanh lý hợp đồng lao động và việc chấm dứt hợp đồng lao đông là phù hợp với quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012, không thuộc trường hợp ông H bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Nguyên đơn không chứng minh được bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là phù hợp nên Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên.

[4.8] Xét yêu cầu trả trợ cấp thôi việc với số tiền là 3.500.000 đồng. Căn cứ khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012, xét thấy thời gian ông H làm việc tại Văn phòng L là 05 tháng 05 ngày, chưa đủ 12 tháng theo quy định và thời gian này ông H đã được đóng bảo hiểm thất nghiệp nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

[4.9] Xét ý kiến của nguyên đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án không khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án lao động sơ thẩm là không có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận ý kiến này của nguyên đơn.

[4.10] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút các yêu cầu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư theo quy định của Luật Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng, tiền thuê trụ sở là 720.000.000 đồng và bồi thường về tổn thất tinh thần với số tiền là 14.900.000 đồng và được bị đơn đồng ý. Hội đồng xét xử xét thấy việc nguyên đơn rút các yêu cầu khởi kiện này là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội và được bị đơn đồng ý. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện này.

[5] Xét kháng cáo của bị đơn Văn phòng L và ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Theo bị đơn cho rằng từ khi ký hợp đồng lao động đến khi thỏa thuận thanh lý hợp đồng, ông H đi làm không thường xuyên nhưng Văn phòng L vẫn đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho ông H nên Văn phòng L chỉ đồng ý trả ông H số tiền 2.324.400 đồng sau khi đã trừ số tiền đóng bảo hiểm xã hội. Hội đồng xét xử xét thấy, nguyên đơn và bị đơn cùng xác định các tháng 6, 7 và tháng 10/2018 nguyên đơn xin nghỉ không hưởng lương, được bị đơn đồng ý. Ngoài thời gian này, V là người sử dụng lao động, khi ông H không đi làm thường xuyên nhưng V không xem xét xử lý kỷ luật đối với người lao động mà vẫn tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho ông H là mặc nhiên thừa nhận ông H vẫn đi làm đầy đủ đến ngày thanh lý hợp đồng lao động. Việc các bên tham gia đóng bảo hiểm xã hội là thực hiện nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Văn phòng L chỉ đồng ý trả ông H số tiền 2.324.400 đồng (sau khi đã trừ số tiền đóng bảo hiểm xã hội) là chưa phù hợp nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn.

[6] Xét đề nghị của Kiểm sát viên - Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có cơ sở nên Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn: Sửa một phần; hủy một phần Bản án lao động sơ thẩm số 21/2022/LĐ-ST ngày 18/7/2022 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh và đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện nguyên đơn đã rút tại phiên tòa phúc thẩm.

[7] Án phí lao động sơ thẩm:

[7.1] Nguyên đơn ông Phạm Trung H được miễn án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm theo quy định tại a khoản 1 Điều 12, Điều 16 và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

[7.2] Bị đơn V phải chịu 698.648 đồng án phí lao động sơ thẩm đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[8] Án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn ông Phạm Trung H và bị đơn V không phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. V được nhận lại toàn bộ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 32, khoản 2 Điều 148, Điều 293, khoản 2 Điều 296, điểm b khoản 1 Điều 299, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Áp dụng:

Các Điều 36, 90, 96, 186, 201, 202 của Bộ luật Lao động năm 2012; Các Điều 19, 21, 85 và Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Các Điều 13, 15 Luật Bảo hiểm y tế năm 2014;

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tuyên xử:

Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn ông Phạm Trung H; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn Văn phòng L. Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 21/2022/LĐ-ST ngày 18/7/2022 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Trung H, buộc Văn phòng L phải trả cho ông Phạm Trung H tiền lương và tiền lãi do chậm trả lương tính từ ngày 26/4/2018 đến ngày 31/12/2018 với số tiền là 23.288.298 đồng (hai mươi ba triệu hai trăm tám mươi tám nghìn hai trăm chín mươi tám đồng), trong đó: Tiền lương là 18.308.597 đồng (mười tám triệu ba trăm lẻ tám nghìn năm trăm chín mươi bảy đồng) và tiền lãi do chậm trả lương là 4.979.701 đồng (bốn triệu chín trăm bảy mươi chín nghìn bảy trăm lẻ một đồng). Trả một lần khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán tiền lương và tiền lãi do chậm trả lương như trên, thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm tiền lãi được tính theo mức lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng N công bố. Khi Ngân hàng N không quy định trần lãi suất, thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của Ngân hàng thương mại, nơi bị đơn mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Trung H về việc buộc Văn phòng L phải trả: Tiền lương những ngày không làm việc, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế những ngày không làm việc tính từ ngày 01/01/2019 đến ngày 25/4/2022; 05 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động với số tiền 383.705.000 đồng (ba trăm tám mươi ba triệu bảy trăm lẻ năm nghìn đồng) và tiền trợ cấp thôi việc với số tiền 3.500.000 đồng (ba triệu năm trăm nghìn đồng).

3. Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông H về việc buộc Văn phòng L phải: Bồi thường 02 tháng tiền lương là 14.000.000 đồng (mười bốn triệu đồng) để chấm dứt hợp đồng lao động; bồi thường khoản tiền tương ứng những ngày không báo trước với số tiền là 14.318.190 đồng (mười bốn triệu ba trăm mười tám nghìn một trăm chín mươi đồng) và không chấp nhận yêu cầu hủy Biên bản thanh lý hợp đồng lao động ngày 31/12/2018.

4. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả tiền lương và tiền lãi do chậm trả lương từ ngày 01/02/2018 đến 25/4/2018; trả tiền lương những ngày chưa nghỉ và tiền lãi do chậm trả lương tương đương 11 ngày với số tiền là 4.576.250 đồng (bốn triệu năm trăm bảy mươi sáu nghìn hai trăm năm mươi đồng) do nguyên đơn rút các yêu cầu khởi kiện này tại phiên tòa sơ thẩm.

5. Hủy một phần bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do không đủ điều kiện thành lập Văn phòng Luật sư với số tiền là 329.000.000 đồng (ba trăm hai mươi chín triệu đồng), tiền thuê trụ sở là 720.000.000 đồng (bảy trăm hai mươi triệu đồng); bồi thường về tổn thất tinh thần với số tiền là 14.900.000 đồng (mười bốn triệu chín trăm nghìn đồng) do nguyên đơn rút các yêu cầu khởi kiện này tại phiên tòa phúc thẩm.

6. Về án phí lao động sơ thẩm:

6.1 Ông Phạm Trung H được miễn nộp tiền án phí lao động sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

6.2 Văn phòng L phải chịu 698.648 đồng (sáu trăm chín mươi tám nghìn sáu trăm bốn mươi tám đồng) án phí lao động sơ thẩm.

7. Án phí lao động phúc thẩm:

7.1 Ông Phạm Trung H không phải chịu án phí lao động phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

7.2 Văn phòng L không phải chịu án phí lao động phúc thẩm, được nhận lại toàn bộ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2022/0009349 ngày 15/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

257
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 719/2022/LĐ-PT về tranh chấp bồi thường thiệt hại, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và tiền lương

Số hiệu:719/2022/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 30/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;