TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
BẢN ÁN 24/2021/DS-PT NGÀY 30/08/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN VÀ TỔN THẤT TINH THẦN
Ngày 30 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 18/2021/TLPT-DS ngày 29/7/2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 25/2021/QĐ-PT ngày 13 tháng 8 năm 2021, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Ông Vũ Đình C, sinh năm 1952.
Địa chỉ: Tổ dân phố Q, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, (Có mặt tại phiên tòa).
* Bị đơn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T.
Địa chỉ: Đường T, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Đình H – Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Hoàng Thị Thu H – Chức vụ: Phó Giám đốc, (Có mặt tại phiên tòa).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
+ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện S, tỉnh Tuyên Quang.
Địa chỉ: Tổ dân phố A, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn B - Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Văn L - Chức vụ: Phó Giám đốc, (Có mặt tại phiên tòa).
+ Bảo hiểm xã hội huyện S, tỉnh Tuyên Quang.
Địa chỉ: Tổ dân phố Đ, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đại T – Chức vụ: Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Bà Hoàng Thị Hồng L – Chức vụ Phó giám đốc, (Có đơn xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn ông Vũ Đình C trình bày:
Ông bắt đầu tham gia công tác từ năm 1974 theo quyết định của Ty Giáo dục tỉnh Tuyên Quang và trực tiếp giảng dạy tại trường Đoàn thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa (nay là trường trung học phổ thông ATK). Năm 1980, ông chuyển về dạy tại trường Cấp III Sơn Dương (nay là trường THPT Sơn Dương). Năm 1995, ông được điều động về Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp huyện S (nay là Trung tâm Dạy nghề huyện S). Ngày 23/7/1996, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành quyết định số: 148/TCCB về việc kỷ luật buộc thôi việc đối với ông. Đến ngày 04/4/1997, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành quyết định số: 64/TCCB về việc tạm thời thu hồi quyết định số 148/TCCB ngày 23/7/1996. Ngày 22/3/2000 Sở giáo dục đào tạo tỉnh T ban hành quyết định số: 119/QĐ - TCHC “về việc hủy bỏ quyết định kỷ luật giáo viên” hủy bỏ quyết định kỷ luật 148/TCCB ngày 23/7/1996 đối với ông. Đến tháng 4/2000, ông mới được bố trí lại công việc tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp huyện S. Trước khi bị nghỉ việc, ông được thanh toán 02 tháng lương và các khoản phụ cấp lương (tháng 8 và tháng 9/1996). Kể từ đó đến hết tháng 3/2000, ông không được hưởng lương và chế độ gì.
Ông xác định việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông là trái pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của ông nên ông yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông. Tuy nhiên, ông không nhất trí với mức bồi thường mà Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T đưa ra là 37.790.000đ nên ông khởi kiện ra Tòa án.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST, ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S và bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT, ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xử buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường cho ông số tiền 182.380.800 đồng, số tiền này sau đó ông đã nhận đủ 182.380.800đ (Một trăm tám hai triệu ba trăm tám mươi nghìn tám trăm đồng). Nhưng ông vẫn không nhất trí với quyết định của Tòa án nên đã khiếu nại đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Tòa án nhân dân Tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định kháng nghị số 99/2019/KN- DS ngày 29/11/2019 kháng nghị đối với bản án số 34/2015/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 59/2020/DS- GĐT, ngày 28/9/2020 đã hủy hai bản án nêu trên. Nay ông yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường các khoản tiền và thực hiện những việc sau:
- Tiền lương và các khoản phụ cấp khác từ 01/10/1996 đến 30/3/2000 là 42 tháng, số tiền 282.360.960 đồng; Tiền chênh lệch lương và các khoản phụ cấp khác từ khi được bố trí lại công tác đến khi về nghỉ hưu là 145 tháng (từ 01/4/2000 đến 30/4/2012), số tiền 136.226.826 đồng; Tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng không được hưởng lương (tính 3% lương), số tiền 6.082.776 đồng (Đối với khoản tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng hiện nay tôi không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ liên quan về chi phí khám chữa bệnh nhưng tôi đề nghị được hưởng tiền đáng ra Sở phải đóng bảo hiểm y tế cho tôi, cụ thể (tính 3% lương), số tiền 6.082.776 đồng); Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do bị ảnh hưởng của quyết định kỷ luật buộc thôi việc (10 tháng lương tối thiểu), số tiền 14.900.000 đồng. - Tiền công đi lại và chi phí giấy mực trong quá trình giải quyết khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền và tại Tòa án các cấp, số tiền 10.000.000 đồng. Tổng cộng: 449.570.562 đồng, được trừ số tiền 182.380.800 đồng ông đã được nhận, ông C yêu cầu bồi thường thêm 267.189.762 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T phải có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, các trường THPT trong tỉnh và địa phương nơi ông C sinh sống về việc đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc không đúng và phải bồi thường thiệt hại cho ông.
Quá trình giải quyết vụ án, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T trình bày:
Xác định việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành 02 quyết định số 148/TCCB, ngày 23/7/1996 về việc kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình C và quyết định số 64/TCCB, ngày 04/4/1997 về việc tạm thời thu hồi quyết định số 148/TCCB, ngày 23/7/1996 như ông C khai là đúng. Song, bản thân ông Vũ Đình C, nguyên giáo viên Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S) có khuyết điểm là sử dụng trái phép chất ma túy, nên mới có quyết định kỷ luật của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T. Tuy nhiên, sai phạm của ông Vũ Đình C chưa đến mức phải buộc thôi việc nên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T đã ban hành quyết định số 119/QĐ - TCHC “về việc hủy bỏ quyết định kỷ luật giáo viên” hủy bỏ quyết định kỷ luật 148/TCCB ngày 23/7/1996 đối với ông Vũ Đình C.
Vụ án đã được xét xử sơ thẩm, phúc thẩm nhiều lần. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST, ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S và bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT, ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xử buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường cho ông C số tiền 182.380.800 đồng. Sở giáo dục đã thanh toán đầy đủ khoản tiền 182.380.800 đồng, lãi suất chậm thanh toán 4.285.949 đồng cho ông C và đã nộp đủ số tiền án phí dân sự có giá ngạch là 9.119.000 đồng. Nhưng ông C vẫn không nhất trí với quyết định của Tòa án nên đã khiếu nại đến Tòa án nhân dân tối cao. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 59/2020/DS-GĐT, ngày 28/9/2020 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã hủy hai bản án nêu trên đối với phần tính phụ cấp ưu đãi khu vực của ông Vũ Đình C. Nay Tòa án tiếp tục giải quyết, quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T như sau:
- Nhất trí với bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST, ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S và bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT, ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Quyết định giám đốc thẩm số 59/2020/DS-GĐT, ngày 28/9/2020 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội về việc bồi thường thiệt hại 42 tháng lương, phụ cấp ưu đãi khu vực cho ông C và có trách nhiệm đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người sử dụng lao động đóng cho người lao động).
- Không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Đình C đối với các khoản: Tiền chênh lệch lương và các khoản phụ cấp khác từ khi được bố trí lại công tác đến khi về nghỉ hưu là 145 tháng (từ 01/4/2000 đến 30/4/2012), số tiền 136.226.826 đồng; Tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng không được hưởng lương (tính 3% lương), số tiền 6.082.776 đồng; Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do bị ảnh hưởng của quyết định kỷ luật buộc thôi việc (10 tháng lương tối thiểu), số tiền 14.900.000 đồng. Tiền công đi lại và chi phí giấy mực trong quá trình giải quyết khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền và tại Tòa án các cấp, số tiền 10.000.000 đồng. Và không nhất trí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, các trường THPT trong tỉnh và địa phương nơi ông C sinh sống về việc đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc không đúng và phải bồi thường thiệt hại cho ông C.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S, do ông Hoàng Văn L làm đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ông Vũ Đình C nguyên là giáo viên của Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S) và đã nghỉ hưu từ 30/4/2012. Trong thời gian công tác tại Trung tâm, ông C có một khoảng thời gian không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cụ thể là từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000. Nay, ông C có yêu cầu được truy đóng bảo hiểm, đại diện cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S (là đơn vị sử dụng lao động thời điểm ông C đang công tác) có quan điểm như sau: Hiện tại, vụ án ông Vũ Đình C yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần do bị thôi việc từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000 đang được Tòa án nhân dân huyện S giải quyết, nên chưa có mức bồi thường cụ thể. Vì vậy, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S phải đợi phán quyết có hiệu lực của Tòa án mới có căn cứ làm thủ tục đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Bảo hiểm xã hội huyện S, tỉnh Tuyên Quang, do bà Hoàng Thị Hồng L làm đại diện theo ủy quyền trình bày:
Theo hồ sơ lưu trữ quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì ông Vũ Đình C (thuộc đơn vị Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S) có 33 năm 11 tháng đóng bảo hiểm xã hội (từ tháng 9/1974 đến tháng 4/2012, không bao gồm thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000). Nay, ông C đề nghị truy đóng bảo hiểm, đại diện Bảo hiểm xã hội huyện S có quan điểm như sau: Nhất trí với quan điểm của đại diện Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S, Bảo hiểm xã hội huyện S sẽ thực hiện đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định về việc truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sau khi có hồ sơ đề nghị của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST, ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S và bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT, ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường cho ông C số tiền 42 tháng lương là 182.380.800 đồng và có trách nhiệm đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người sử dụng lao động đóng cho người lao động), nhưng hiện nay Bảo hiểm xã hội huyện S chưa nhận được hồ sơ đề nghị truy đóng bảo hiểm của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T chưa đóng khoản tiền bảo hiểm nêu trên cho ông Vũ Đình C.
Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không thoả thuận được. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang, đã quyết định:
Căn cứ khoản 6 Điều 26, Điều 35; 39, 40, 147, 235, 266, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 609, 610, 612, 623 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015; các Điều 14, 23, 46, 64, 66 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Đình C. Buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 3/2000 (42 tháng) cho ông Vũ Đình C với tổng số tiền là 208.133.960đ (Hai trăm linh tám triệu, một trăm ba mươi ba nghìn, chín trăm sáu mươi đồng). Trừ số tiền ông C đã nhận bồi thường là 182.380.800 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T còn phải bồi thường thêm cho ông Vũ Đình C khoản tiền phụ cấp ưu đãi khu vực từ 01/11/1997 đến 30/3/2000 là 25.753.160đ (Hai mươi lăm triệu, bảy trăm năm mươi ba nghìn, một trăm sáu mươi đồng).
Khoản tiền phải thanh toán kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của nguyên đơn, nếu bị đơn chậm thanh toán thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S, Bảo hiểm xã hội huyện S có trách nhiệm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C theo các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C (phần người sử dụng lao động đóng cho người lao động); ông Vũ Đình C có trách nhiệm đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người lao động phải đóng) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000, sau khi có ý kiến của Bảo hiểm xã hội về việc nhất trí truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C.
2. Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện sau của ông Vũ Đình C:
Tiền lương và các khoản phụ cấp khác từ 01/10/1996 đến 30/3/2000 là 42 tháng, số tiền 74.227.000 đồng (282.360.960đ – 208.133.960đ = 74.227.000đ); Yêu cầu bồi thường khoản tiền chênh lệch lương và các khoản phụ cấp khác từ khi được bố trí lại công tác đến khi về nghỉ hưu là 145 tháng (từ 01/4/2000 đến 30/4/2012), số tiền 136.226.826 đồng; Yêu cầu bồi thường khoản tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng không được hưởng lương (tính 3% lương), số tiền 6.082.776 đồng; Yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do bị ảnh hưởng của quyết định kỷ luật buộc thôi việc (10 tháng lương tối thiểu), số tiền 14.900.000 đồng. Yêu cầu bồi thường tiền công đi lại và chi phí giấy mực trong quá trình giải quyết khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền và tại Tòa án các cấp, số tiền 10.000.000 đồng. Yêu cầu thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, các trường THPT trong tỉnh và địa phương nơi ông C sinh sống về việc đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc không đúng và phải bồi thường thiệt hại cho ông C. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với khoản tiền còn phải bồi thường là 1.287.600đ (Một triệu, hai trăm tám mươi bảy nghìn, sáu trăm đồng). Ngoài ra bản án còn tuyên lãi suất chậm thi hành án, quyền kháng cáo bản án của các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 08/7/2021 ông Vũ Đình C có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang, đề nghị xem xét các nội dung đã nêu trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 99/2019/KN-DS ngày 29/11/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; đề nghị buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường thiệt hại cho ông C trong suốt thời gian ông bị nghỉ chờ công việc từ ngày 23/7/1996 đến ngày 30/3/2000 theo đúng quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông Vũ Đình C rút một phần yêu cầu kháng cáo về việc đề nghị xem xét lại bản án dân sự sơ thẩm về yêu cầu bồi thường khoản tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng không được hưởng lương (tính 3% lương), số tiền 6.082.776 đồng; Yêu cầu bồi thường tiền công đi lại và chi phí giấy mực trong quá trình giải quyết khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền và tại Tòa án các cấp số tiền 10.000.000 đồng và giữ nguyên các nội dung kháng cáo khác.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T không nhất trí với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên các ý kiến đã trình bày trong quá trình giải quyết vụ án.
Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S giữ nguyên các ý kiến đã trình bày trong quá trình giải quyết vụ án.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm:
Về tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử: Đình chỉ giải quyết và hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 đối với phần bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang và bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết và có hiệu lực pháp luật. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Đình C. Buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (thu nhập thực tế bị mất từ phụ cấp ưu đãi theo lương) cho ông Vũ Đình C số tiền 51.506.320 đồng nhưng trừ đi số tiền thu nhập thực tế bị mất từ phụ cấp ưu đãi theo lương ông C đã được nhận là 19.876.600 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ bồi thường tiếp số tiền là 31.629.720đ (Ba mươi mốt triệu, sáu trăm hai mươi chín nghìn, bảy trăm hai mươi đồng).
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S, Bảo hiểm xã hội huyện S có trách nhiệm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C theo các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu chậm chấp hành sẽ phải chịu lãi suất theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C (phần người sử dụng lao động đóng cho người lao động); ông Vũ Đình C có trách nhiệm đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người lao động phải đóng) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000, sau khi có ý kiến của Bảo hiểm xã hội về việc nhất trí truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm sửa bản án dân sự sơ thẩm nên ông Vũ Đình C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Ngày 08/7/2021 ông Vũ Đình C có đơn kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST, ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang. Việc kháng cáo được thực hiện trong thời hạn luật định. Ông Vũ Đình C được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm. Do đó đơn kháng cáo của bị đơn là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Nội dung kháng cáo: Xét kháng cáo của ông Vũ Đình C, Hội đồng xét xử thấy rằng:
[2.1] Quyết định giám đốc thẩm số 59/2020/DS-GĐT ngày 28/9/2020 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội chỉ quyết định Hủy bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang và bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang về vụ án “Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần” giữa nguyên đơn ông Vũ Đình C với bị đơn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T đối với phần tính phụ cấp ưu đãi khu vực của ông Vũ Đình C. Tuy nhiên khi thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm theo quyết định giám đốc thẩm, Tòa án nhân dân huyện S đã thụ lý giải quyết lại toàn bộ vụ án theo yêu cầu của nguyên đơn ông Vũ Đình C là không đúng quy định. Do đó cần đình chỉ giải quyết và hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 đối với phần bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang và bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết và có hiệu lực pháp luật. Cụ thể đình chỉ và hủy về phần giải quyết yêu cầu của ông Vũ Đình C yêu cầu tính tiền lương và các khoản phụ cấp khác từ 01/10/1996 đến 30/3/2000 là 42 tháng, số tiền 74.227.000 đồng (282.360.960đ – 208.133.960đ = 74.227.000đ); Yêu cầu bồi thường khoản tiền chênh lệch lương và các khoản phụ cấp khác từ khi được bố trí lại công tác đến khi về nghỉ hưu là 145 tháng (từ 01/4/2000 đến 30/4/2012), số tiền 136.226.826 đồng; Yêu cầu bồi thường khoản tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng không được hưởng lương (tính 3% lương) số tiền 6.082.776 đồng; Yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do bị ảnh hưởng của quyết định kỷ luật buộc thôi việc (10 tháng lương tối thiểu) số tiền 14.900.000 đồng. Yêu cầu bồi thường tiền công đi lại và chi phí giấy mực trong quá trình giải quyết khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền và tại Tòa án các cấp, số tiền 10.000.000 đồng; Yêu cầu thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, các trường THPT trong tỉnh và địa phương nơi ông C sinh sống về việc đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc không đúng và phải bồi thường thiệt hại cho ông C.
[2.2] Đối với yêu cầu của ông Vũ Đình C yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường thiệt hại về tài sản là tiền phụ cấp ưu đãi khu vực mà ông được hưởng theo quy định tại Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17/11/1997 của Thủ tưởng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trong thời gian ông bị nghỉ việc do quyết định buộc thôi việc trái pháp luật của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T từ ngày 01/11/1997 đến ngày 30/03/2000. Hội đồng xét xử xét thấy:
Ngày 23/7/1996, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành Quyết định số: 148/TCCB “kỷ luật giáo viên” buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình C (bút lục số 108); ngày 04/4/1997, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành Quyết định số: 64/TCCB “về việc thu hồi quyết định kỷ luật giáo viên” (bút lục số 109); ngày 22/3/2000 ban hành Quyết định số: 119/QĐ - TCHC “về việc hủy bỏ quyết định kỷ luật giáo viên” (bút lục số 80); ngày 05/4/2000, Uỷ ban nhân dân huyện S ban hành Quyết định số: 1044/QĐ-UB, “về việc tiếp tục bố trí công tác đối với cán bộ” (bút lục số 82), tiếp tục phân công công tác cho ông Vũ Đình C tại Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề huyện S (nay gọi là Trung tâm Dạy nghề huyện S theo Quyết định số: 462/QĐ-UB, ngày 20/12/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang “V/v sáp nhập Trung tâm Dạy nghề huyện S và Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp huyện S”).
Tại kết luận thanh tra số 01/KL-TTr ngày 17/01/2008 “Kết luận việc kiểm tra hồ sơ kỷ luật ông Vũ Đình C - Giáo viên Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp Sơn Dương, huyện S, tỉnh Tuyên Quang” (bút lục số 128, 129) và xác định việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Vũ Đình C là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số: 53/CP, ngày 28/6/1994 của Chính phủ “Về các biện pháp xử lý đối với cán bộ, viên chức nhà nước và những người có hành vi liên quan đến mại dâm, ma túy, cờ bạc và say rượu bê tha”. Đồng thời kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang thành lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Vũ Đình C theo Nghị định số: 47/CP, ngày 03/5/1997 của Chính phủ “quy định về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra”.
Ông Vũ Đình C xác định, sau khi có quyết định kỷ luật buộc thôi việc, ông được nhận 02 tháng lương (tháng 8 và tháng 9/1996) và kể từ tháng 10/1996 đến tháng 3/2000 (42 tháng), ông không được hưởng lương và chế độ phụ cấp nào khác, do vậy ông đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T phải bồi thường tiền lương và các khoản phụ cấp khác từ tháng 10/1996 đến tháng 3/2000 cho ông (lương phải được tính tăng theo niên hạn và mức lương được tính tại thời điểm giải quyết vụ án). Qua kết quả điều tra, xác minh cũng đã xác định được trong khoảng thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 3/2000, ông Vũ Đình C không được nhận lương và chế độ phụ cấp gì, vì vậy đây là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm do quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T gây ra nên việc ông C yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường tiền lương và các khoản phụ cấp khác từ tháng 10/1996 đến tháng 3/2000 là có căn cứ.
Tại Điều 612 của Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm, thì thiệt hại được bồi thường bao gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”; điểm a, tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết số: 01/2004/NQ-HĐTP, ngày 28/4/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” hướng dẫn: “Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 613 Bộ luật Dân sự; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 614 Bộ luật Dân sự; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 615 Bộ luật Dân sự”. Trong trường hợp này, ông Vũ Đình C đã bị thiệt hại về vật chất do tài sản bị xâm phạm và được xác định là thiệt hại do thu nhập thực tế (lương và các khoản khác theo lương) bị mất.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang và Bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Đình C. Buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm cụ thể là các khoản lương, phụ cấp trong thời gian từ tháng 10/1996 đến tháng 3/2000 (42 tháng) cho ông Vũ Đình C với tổng số tiền là 182.380.800đ (Một trăm tám mươi hai triệu, ba trăm tám mươi nghìn, tám trăm đồng). Cụ thể thiệt hại tài sản (thu nhập thực tế bị mất từ lương và các khoản theo lương) mà ông Vũ Đình C được bồi thường là: 3,776 (hệ số lương 2,98 + 0,2 khu vực + 0,596 phụ cấp ưu đãi) x 1.150.000đ = 4.342.400đ x 42 tháng = 182.380.800đ (Một trăm tám mươi hai triệu, ba trăm tám mươi nghìn, tám trăm đồng). Như vậy số tiền phụ cấp ưu đãi ông C đã được hưởng là 0,596 (hệ số lương 2,98 x 20%) x 1.150.000đ = 19.876.600đ. Tuy nhiên theo quy định tại quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17/11/1997 của Thủ tưởng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên có hiệu lực từ ngày 01/11/1997 thì trong thời gian ông C bị nghỉ việc do quyết định buộc thôi việc trái pháp luật của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T từ 01/11/1997 đến 30/03/2000 hệ số phụ cấp ưu đãi được nâng từ 20% lên 40% song tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang và Bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mới chấp nhận buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường cho ông C số tiền theo mức phụ cấp ưu đãi là 20% là chưa đảm bảo quyền lợi cho ông C. Quyết định giám đốc thẩm số 59/2020/DS-GĐT ngày 28/9/2020 của Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định Hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang về vụ án “Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần” giữa nguyên đơn ông Vũ Đình C với bị đơn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T đối với phần tính phụ cấp ưu đãi khu vực của ông Vũ Đình C. Do đó, cần tính lại phần phụ cấp ưu đãi của ông C được hưởng trong thời gian bị nghỉ việc từ 01/11/1997 đến 30/3/2000 (29 tháng). Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số: 38/2019/NĐ- CP, ngày 09/5/2019 của Chính phủ “Quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang” thì mức lương cơ sở (mức lương tối thiểu) hiện nay là 1.490.000đ/tháng. Do vậy, thiệt hại tài sản (thu nhập thực tế bị mất từ phụ cấp ưu đãi theo lương) mà ông Vũ Đình C phải được bồi thường như sau:
Hệ số lương ông C được hưởng là 1,192 (hệ số lương 2,98 x 40%) x 1.490.000đ = 1.776.080đ x 29 tháng = 51.506.320đ. Do ông C đã được nhận số tiền lương và phụ cấp 182.380.800 đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường trong đó có số tiền phụ cấp ưu đãi là 19.876.600 đồng nên cần buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường tiếp số tiền là 31.629.720 đồng.
[2.3] Quá trình xác minh tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang đã xác định được thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của ông Vũ Đình C là 33 năm 11 tháng không bao gồm thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000, tại danh sách lao động và quỹ tiền lương trích nộp bảo hiểm xã hội năm 1996 của đơn vị sử dụng lao động đã báo giảm ông C thuộc Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp huyện S với lý do ghi buộc thôi việc từ 01/7/1996 (bút lục số 324-325).
Việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chính là các chế độ, quyền lợi hợp pháp khác của người lao động khi được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ông Vũ Đình C không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong khoảng thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông C là trái pháp luật, vì vậy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T không chỉ phải bồi thường thiệt hại tài sản (thu nhập thực tế bị mất từ tiền lương và các khoản theo lương) mà phải có nghĩa vụ bồi thường về các chế độ, quyền lợi hợp pháp khác cho ông Vũ Đình C trong thời gian trên.
Tại Công văn số: 99/BHXH-BT, ngày 13/01/2015 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn: Trong trường hợp người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại về tiền lương và các chế độ, quyền lợi hợp pháp khác đối với lao động, người lao động được truy lĩnh tiền lương thì được truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế làm căn cứ tính lại chế độ bảo hiểm xã hội (bút lục số 339).
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Đình C buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000 cho ông C là đúng quy định. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang quyết định giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S nhưng tại phần quyết định của bản án không trích dẫn phần buộc Sở giáo dục phải đóng Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho ông C như bản án sơ thẩm làm khó khăn cho việc thi hành án và không đảm bảo quyền lợi cho ông C.
Khi thụ lý giải quyết vụ án theo quyết định giám đốc thẩm, tại Bản án dân sự số 09/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 Tòa án cấp sơ thẩm cũng có giải quyết về yêu cầu của ông C, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có trách nhiệm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S, Bảo hiểm xã hội huyện S có trách nhiệm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C theo các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C (phần người sử dụng lao động đóng cho người lao động), ông Vũ Đình C có trách nhiệm đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người lao động phải đóng) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000 sau khi có ý kiến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc nhất trí truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy cần giữ nguyên mà không đình chỉ giải quyết và hủy phần bản án đã tuyên đối với nội dung này.
[3] Về án phí :
Về án phí sơ thẩm: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với khoản tiền phải bồi thường là 51.506.320đ x 5% = 2.575.316đ. Tuy nhiên tại Bản án dân sự sơ thẩm số 19/2015/DS-ST ngày 20/5/2015 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang và Bản án dân sự phúc thẩm số 34/2015/DS-PT ngày 28/9/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T bồi thường cho ông C số tiền theo mức phụ cấp ưu đãi là 20% là 19.876.600 đồng và phải chịu án phí đối với số tiền phụ cấp ưu đãi phải bồi thường là 19.876.600 đồng x 5% = 993.830đ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T đã thi hành nộp toàn bộ án phí trong đó có phần án phí số tiền phụ cấp ưu đãi là 993.830đ nên cần buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T nộp tiếp số tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 1.581.486 đồng làm tròn là 1.581.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phải chịu số tiền án phí là 1.287.600đ là không chính xác. Do đó cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần án phí sơ thẩm.
Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo của ông Vũ Đình C được chấp nhận một phần nên ông C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Vì các l trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2, khoản 4 Điều 308; Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nghị định số 47-CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ quy định về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Các Điều 609, 610, 612, 623 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Vũ Đình C. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST, ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang như sau:
Tuyên xử:
1. Đình chỉ giải quyết và hủy một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 24/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang về “Kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần” giữa nguyên đơn ông Vũ Đình C với bị đơn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T đối với nội dung giải quyết yêu cầu bồi thường tiền lương và các khoản phụ cấp khác từ 01/10/1996 đến 30/3/2000 là 42 tháng; Yêu cầu bồi thường khoản tiền chênh lệch lương và các khoản phụ cấp khác từ khi được bố trí lại công tác đến khi về nghỉ hưu là 145 tháng (từ 01/4/2000 đến 30/4/2012); Yêu cầu bồi thường khoản tiền khám chữa bệnh trong 42 tháng không được hưởng lương (tính 3% lương); Yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do bị ảnh hưởng của quyết định kỷ luật buộc thôi việc (10 tháng lương tối thiểu); Yêu cầu bồi thường tiền công đi lại và chi phí giấy mực trong quá trình giải quyết khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền và tại Tòa án các cấp; Yêu cầu thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, các trường THPT trong tỉnh và địa phương nơi ông C sinh sống về việc đã ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc không đúng và phải bồi thường thiệt hại cho ông C.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Vũ Đình C.
- Buộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (phần thu nhập thực tế bị mất từ phụ cấp ưu đãi theo lương) cho ông Vũ Đình C số tiền 51.506.320 đồng, nhưng trừ đi số tiền thu nhập thực tế bị mất từ phụ cấp ưu đãi theo lương ông C đã được nhận là 19.876.600 đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ bồi thường tiếp số tiền là 31.629.720 đồng (Ba mươi mốt triệu, sáu trăm hai mươi chín nghìn, bảy trăm hai mươi đồng).
Khoản tiền phải thanh toán kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của nguyên đơn, nếu bị đơn chậm thanh toán thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện S, Bảo hiểm xã hội huyện S có trách nhiệm lập hồ sơ, thủ tục đề nghị truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C theo các quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T có nghĩa vụ đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C (phần người sử dụng lao động đóng cho người lao động); ông Vũ Đình C có trách nhiệm đóng khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (phần người lao động phải đóng) trong thời gian từ tháng 7/1996 đến tháng 3/2000, sau khi có ý kiến của Bảo hiểm xã hội về việc nhất trí truy thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho ông Vũ Đình C.
3. Về án phí:
Án phí dân sự sơ thẩm: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là 2.575.616đ nhưng trừ đi số tiền đã nộp là 993.830đ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh T còn phải nộp tiếp số tiền là 1.581.000đ. (Một triệu, năm trăm tám mươi mốt nghìn đồng).
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông Vũ Đình C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (30/8/2021).
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyên thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản và tổn thất tinh thần số 24/2021/DS-PT
Số hiệu: | 24/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tuyên Quang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/08/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về