Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 93/2017/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 93/2017/DS-PT NGÀY 28/08/2017 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 28 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 86/2017/DS-PT ngày 12/7/2017, về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do bản án dân sự sơ thẩm số 15/2017/DSST ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 120/2017/QĐ-PT ngày 16/8/2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Hoàng Thị T. Địa chỉ: Thôn E, xã Đ, huyện N, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Huy H1- Luật sư Văn phòng Luật sư Bình Minh & Cộng sự, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng; Có mặt.

Địa chỉ: số 420 đường A, phường B, thị xã G, tỉnh Đắk Lắk.

2. Bị đơn: Ông Đào Kiến T1. Địa chỉ: Thôn E, xã Đ, huyện N, tỉnh Đắk Lắk;Có mặt.

3.Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Hoàng Thị H sinh năm 1942 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Chị Ma Thị D sinh năm 1994, có mặt.

- Anh Ma Văn V sinh năm 1996, có mặt.

Cùng cư trú tại địa chỉ: Thôn E, xã Đ, huyện N, tỉnh Đắk Lắk.

4. Người làm chứng:

- Ông Trần Văn V1 Địa chỉ: Thôn C, xã Đ, huyện N, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

- Bà Ma Thị M. Địa chỉ: Thôn E, xã Đ, huyện N, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

5. Người kháng cáo: bà Hoàng Thị T, là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Về Yêu cầu khởi kiện, theo trình bày của nguyên đơn bà Hoàng Thị T và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn có nội dung như sau:

Bà Hoàng Thị T và ông Ma Văn B là vợ chồng, thỉnh thoảng ông B có nhận đi đào giếng thuê cho ông Đào Kiến T1 (ông T1 là chồng của bà M và ông B là anh ruột của bà M). Hợp đồng thuê giữa ông B và ông T1 chỉ nói miệng với nhau, không lập thành văn bản, tiền công từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày, không bao gồm tiền ăn. Toàn bộ công cụ, phương tiện phục vụ cho việc đào giếng hoàn toàn của ông T1. Ngày 11/6/2014 khi ông B đang đào giếng thuê cho ông T1 tại nhà ông Trần Văn V1, ở thôn C, xã Đ thì bị điện giật chết. Tại thời điểm ông B chết, bà T không có mặt ở hiện trường và chỉ nghe mọi người nói ông B bị điện giật chết, nhưng bà biết việc đấu nối nguồn điện là do ông T1 trực tiếp làm, còn việc ông T1 đấu nối cẩn thận hay không thì bà T không chứng kiến nên hoàn toàn không biết. Sau khi ông B chết, bà T có làm đơn tố cáo hành vi của ông T1 đến cơ quan Công an huyện N. Ngày 13/01/2015 Công an huyện Krông Năng đã có thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự vì cho rằng nguyên nhân tử vong của ông B là do chính ông B cẩu thả.

Bà Hoàng Thị T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Đào Kiến T1 phải bồi thường cho gia đình bà số tiền 100.000.000 đồng, trong đó: 50.000.000 đồng chi phí mai táng, gồm các khoản: tiền xe 500.000 đồng; tiền khâm liệm: 10.000.000 đồng; tiền hòm 10.000.000 đồng; tiền thuê người đào huyệt và xây mộ 5.000.000 đồng; tiền thuê rạp che tang lễ, bàn ghế, chén bát, nước trà trong những ngày  tang  lễ  3.000.000  đồng;  tiền  thuê  trống  kèn  6.500.000  đồng;  tiền  cúng 15.000.000 đồng và 50.000.000 đồng tiền tổn thất về tinh thần. Quá trình giải quyết vụ án bà T chỉ yêu cầu ông T1 phải bồi thường số tiền 50.000.000 đồng là chi phí mai táng, đối với số tiền tổn thất về tinh thần là 50.000.000 đồng, thì không yêu cầu ông T1 phải bồi thường nữa.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà T yêu cầu ông T1 phải bồi thường tổng số tiền là 131.100.000 đồng, cụ thể: 59.100.000 đồng là chi phí mai táng, gồm các khoản tiền  xe  600.000  đồng;  tiền  khâm  liệm 10.000.000  đồng;  tiền  mua  quan  tài 10.000.000 đồng; tiền thuê người đào huyệt và xây mộ 5.000.000 đồng; tiền thuê rạp che tang lễ, bàn ghế, chén bát, nước trà trong những ngày tang lễ 4.000.000 đồng; tiền thuê trống kèn 6.500.000 đồng; tiền cúng 15.000.000 đồng; tiền khăn tang, áo tang 7.000.000 đồng; tiền dầu xe tang từ nhà đến nghĩa địa 1.000.000 đồng và 72.000.000 đồng tiền bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật (tương đương 60 tháng lương tối thiểu).

Tại phiên tòa phúc thẩm bà T khai bà có làm đơn khiếu nại việc Công an huyện N không khởi tố vụ án hình sự nhưng Công an huyện N không trả lời đơn.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005 buộc ông Đào Kiến T1 phải bồi thường cho bà Hoàng Thị T số tiền 131.100.000 đồng, vì công cụ phương tiện đào giếng là nguồn nguy hiểm cao độ thuộc quyền sở hữu của ông Đào Kiến T1. Do đó, khi xảy ra tai nạn kể cả trường hợp ông T1 không có lỗi thì ông T1 cũng phải bồi thường.

Ý kiến trình bày của bị đơn ông Đào Kiến T1 có nội dung như sau: 

Ông Đào Kiến T1 với gia đình ông Ma Văn B có quan hệ là họ hàng với nhau (ông B là anh trai của vợ ông T1), nên ông T1 và ông B cùng nhau nhận đào giếng cho các hộ dân trên địa bàn xã Đ, huyện N từ tháng 02 năm 2014, tiền công thì chia theo ngày làm, ai làm nhiều công thì lấy nhiều tiền và hoàn toàn không có việc ông T1 thuê ông B làm công cho mình.

Khoảng tháng 6 tháng 2014 ông T1 và ông B nhận đào giếng cho nhà ông Trần Văn V1, tại thôn C, xã Đ, huyện N. Toàn bộ dụng cụ, phương tiện phục vụ cho việc đào giếng là của ông T1. Trong quá trình làm, nếu ông T1 và ông B cùng đi làm, thì ông T1 là người đấu nối nguồn điện, còn ngày nào mà ông T1 không đi làm thì do ông B đấu nối nguồn điện để phục vụ cho việc đào giếng. Chiều ngày 10/6/2014, sau khi đưa dụng cụ đến đấu nối điện và thử bơm nước, trước khi ra về ông T1 đã tháo rời nguồn điện để đảm bảo an toàn và tránh không cho bơm bị ngập nước có sự chứng kiến của chủ nhà là ông V1. Vào sáng ngày 11/6/2014, do ông T1 có công việc gia đình nên không đi đào giếng cùng ông B, mà bà Ma Thị M (là vợ ông T1 và là em ruột của ông B) đi làm cùng với ông B, nên ông B là người đấu nối lại nguồn điện để phục vụ cho việc đào giếng, buổi chiều ngày 11/6/2014, khi ông T1 đi làm thì nguồn điện đã được đấu nối sẵn. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, khi ông B đang ở dưới giếng, có linh tính xảy ra việc chập điện, nên ông T1 đã ngắt cầu dao điện và xuống giếng đưa ông B lên đưa đi cấp cứu nhưng ông B không qua khỏi. Sau khi ông B chết, ông T1 đã hỗ trợ cho bà T (vợ ông B) số tiền 5.000.000 đồng (bà T đã nhận) nhưng bà T yêu cầu phải bồi thường cho gia đình bà số tiền 70.000.000 đồng, ông T1 không đồng ý vì ông không có lỗi dẫn đến cái chết của ông B.

Bà T làm đơn tố cáo gởi Công an huyện N cho rằng ông T1 đã có hành vi “vô ý làm chết người”. Ngày 13/01/2015, Công an huyện Krông Năng đã có Thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự vì nguyên nhân tử vong của ông B là do chính ông B cẩu thả. Sau đó bà T đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông T1 phải bồi thường thiệt hại số tiền 100.000.000 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà T chỉ yêu cầu bồi thường 50.000.000 đồng là chi phí mai táng, không yêu cầu bồi thường 50.000.000 đồng tiền tổn thất tinh thần. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm bà T lại yêu cầu bồi thường số tiền 131.100.000 đồng, trong đó 59.100.000 đồng là chi phí mai táng và 72.000.000 đồng là tiền bồi thường tổn thất tinh thần.

Ông Đào Kiến T1 xác định, ông không đồng ý bồi thường các khoản theo như bà T yêu cầu vì ông không có lỗi dẫn đến cái chết của ông B, mà nguyên nhân ông B chết là do lỗi của ông B cẩu thả khi đấu nối nguồn điện gây nên. Quá trình giải quyết, ông T1 có đồng ý tự nguyện hỗ trợ cho bà Hoàng Thị T số tiền 25.000.000 đồng (ngoài khoản tiền đã hổ trợ trước 5.000.000đ), tuy nhiên nay ông không đồng ý hỗ trợ cho bà T khoản tiền nào cả.

Ý kiến của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày có nội dung như sau:

- Ý kiến bà Hoàng Thị H: Bà H là mẹ ruột của ông Ma Văn B, tháng 6 năm 2014 anh B đi đào giếng cùng con rể của bà H là ông Đào Kiến T1 và bị điện giật chết là do lỗi ông T1 nên bà H đồng ý việc bà Hoàng Thị T (vợ của ông B) khởi kiện, đồng thời nhất trí để bà T thay mặt gia đình, thay mặt bà H khởi kiện nhưng số tiền cụ thể do bà T quyết định và do Tòa án giải quyết. Vì lý do sức khỏe, bà H từ chối tham gia tố tụng và yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật

- Ý kiến của chị Ma Thị D và anh Ma Văn V: anh chị là con ruột của ông Ma Văn B và bà Hoàng Thị T, anh chị đồng ý với nội dung đơn khởi kiện của bà T và không có ý kiến gì khác.

Người làm chứng ông Trần Văn V1 trình bày có nội dung như sau:

Do giếng nước sinh hoạt của gia đình bị cạn nên tháng 6 năm 2014, ông V1 có thuê ông Đào Kiến T1 đến đào giếng, giá hai bên thỏa thuận là 800.000 đồng/m, mọi dụng cụ phục vụ cho việc đào giếng là của ông T1. Chiều ngày 10/6/2014 sau khi đưa dụng cụ đến lắp ráp phục vụ cho việc nạo vét giếng nhưng do đá cứng, giếng sâu nên ông V1 và ông T1 thỏa thuận lại giá 1.300.000 đồng/m. Sau khi đấu nối nguồn điện và thử máy bơm, trước khi ra về, để đảm bảo an toàn và tránh máy bơm nước bị ngập nên ông T1 đã tháo rời nguồn điện ra khỏi dụng cụ đào giếng. Sáng ngày xảy ra tai nạn (ngày 11/6/2014) thì ông Ma Văn B và bà M (vợ ông T1) đến đào giếng, không có ông T1. Đến chiều thì có ông T1 đi làm thay cho bà M, còn bà M đi về. Khoảng 4 đến 5 giờ chiều, ông V1 nghe thấy tiếng ông T1 gọi, sau đó ông T1 chạy đi tìm người giúp đưa ông B đi bệnh viện cấp cứu thì ông B chết.

Người làm chứng bà Ma Thị M trình bày nội dung như sau:

Bà M là vợ của ông T1 và là em ruột của ông B, nên ông T1 và ông B cùng nhau đi đào giếng thuê lấy tiền công từ tháng 02 năm 2014. Tháng 6 năm 2014 ông T1 và ông B nhận đào giếng cho nhà ông Trần Văn V1. Sau khi thỏa thuận giá cả với ông V1, ông T1, và ông B đưa dụng cụ đến để đấu nối nguồn điện phục vụ việc đào giếng. Sáng ngày 11/6/2014 do ông T1 bận công việc nên bà M và ông B cùng làm. Do không có ông T1 nên ông Ma Văn B là người trực tiếp đấu nối các nguồn điện để phục vụ việc đào giếng, buổi chiều ông T1 mới đến làm và bà M về. Đến khoảng 4 giờ chiều, bà M nghe tin ông B bị điện giật nên chạy đến nhà ông V1 thì thấy mọi người đang đưa ông B đi cấp cứu nhưng ông B chết trên đường đi cấp cứu. Nay bà T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông T1 phải bồi thường số tiền 131.100.000 đồng, bà M không đồng ý với yêu cầu của bà T, vì ông B chết là do lỗi của ông B, ông T1 không có lỗi.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2017/DS-ST ngày 24-5-2017, của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng quyết định:

Căn cứ khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147, Điều 184; khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Điều 307, Điều 604, Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2005; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nghị quyết số 326/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Hoàng Thị T về việc buộc ông Đào Kiến T1 phải bồi thường số tiền 100.000.000 đồng, bao gồm: 50.000.000 đồng chi phí mai táng và 50.000.000 đồng bồi thường tổn thất về tinh thần.

2. Về án phí: Bà Hoàng Thị T được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, bản án còn tuyên quyền kháng cáo cho các bên đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 08/6/2017, nguyên đơn bà Hoàng Thị T có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo tòan bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa bản án sơ thẩm để buộc ông Đào Kiến T1 bồi thường cho gia đình bà như đơn yêu cầu khởi kiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm , nguyên đơn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa trình bày ý kiến: Trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán cũng như tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Hoàng Thị T

- Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện N.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, Luật sư, ý kiến của Kiểm sát viên.

[1] Về nội dung: Ông Đào Kiến T1 và ông Ma Văn B cùng nhau nhận đào giếng thuê cho các hộ dân trên địa bàn xã Đ, huyện N, tiền công thì chia theo ngày làm, ai làm nhiều công thì hưởng nhiều tiền. Vào ngày 10/6/2014 ông T1 và ông B nhận đào giếng cho nhà ông Trần Văn V1 tại thôn C, xã Đ, huyện N. Toàn bộ dụng cụ, máy móc phục vụ cho việc đào giếng là của ông T1. Vào khoảng 16 giờ ngày 11/6/2014, trong lúc ông B đang ở dưới giếng để đào đất, còn ông T1 đang ở trên miệng giếng để tời đất lên, thì xảy ra chập điện làm ông B chết trên đường đưa đi cấp cứu. Bà Hoàng Thị T, là vợ ông B đã khởi kiện yêu cầu ông T1 phải bồi thường cho gia đình bà số tiền chi phí mai táng và tổn thất tinh thần là 100.000.000 đồng.[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Hoàng Thị T, Hội đồng xét xử xét thấy: Ông Đào Kiến T1 và ông Ma Văn B cùng nhau đào giếng thuê và tiền công thì chia theo ngày làm. Sau khi thỏa thuận nhận đào giếng cho ông Trần Văn V1 vào ngày 10/6/2014, ông T1 đã đưa các dụng cụ phục vụ cho việc đào giếng đến nhà ông V1 để thực hiện công việc. Đến sáng ngày 11/6/2014, do bận công việc nên ông T1 không đi đào giếng mà vợ ông T1 là bà Ma Thị M đi đào giếng cùng ông B và ông B là người trực tiếp đấu nối nguồn điện vào máy đào và các T1 bị để phục vụ cho việc đào giếng, lời khai của bà M và ông Trần Văn V1 đã xác nhận việc này. Bà T không có mặt khi tại nạn chập điện xảy ra, bà cũng không biết và không chứng kiến ai là người đấu nối nguồn điện. Do đó, ý kiến của bà Hoàng Thị T cho rằng ông T1 là người nhận khoán và thuê ông B đến để làm công, việc đưa nguồn điện, lắp đặt, đấu nối để phục vụ việc đào giếng là do ông T1 phụ trách và lỗi dẫn đến cái chết của ông B là do ông T1 gây ra là không có căn cứ. Đồng thời trên cơ sở kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông  Nắng đã kết luận nguyên nhân tử vong của ông Ma Văn B là do điện giật trong quá trình đào giếng (tai nạn lao động) không có dấu hiệu của tội “vô ý làm chết người”, lỗi là do ông B cẩu thả khi đấu nối mạch điện và đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, việc ông Ma Văn B chết là tai nạn lao động khi đào giếng và nguyên nhân hoàn toàn do lỗi của ông B cẩu thả khi đấu nối nguồn điện không đảm bảo kỹ thuật, an toàn, nên dẫn đến bị rò rỉ, gây chập điện, ông Đào Kiến T1 không có lỗi gây nên cái chết của ông B. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của bà T là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, tại phiên tòa phúc thẩm, bà Hoàng Thị T không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc ông Ma Văn B chết là do lỗi của ông Đào Kiến T1 gây ra. Do đó, không có căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, do vậy cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[3] Đối với ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005 buộc ông Đào Kiến T1 phải bồi thường cho bà Hoàng Thị T số tiền 131.100.000 đồng, vì công cụ phương tiện đào giếng là nguồn nguy hiểm cao độ thuộc quyền sở hữu của ông Đào Kiến T1. Do đó, khi xảy ra tai nạn kể cả trường hợp ông T1 không có lỗi thì ông T1 cũng phải bồi thường là không có căn cứ. Bởi lẽ: Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Ma Văn B, là do chính ông B bất cẩn khi đấu nối nguồn điện, nên gây rò rỉ và chập điện. Còn các dụng cụ, máy móc phục vụ cho việc đào giếng không phải nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông B, cụ thể tại biên bản xác định (BL số 15) điểm đấu nối điện có cán bộ Điện lực huyện N tham gia thể hiện máy đào hiệu Knakita không bị rò rỉ điện ra ngoài và võ máy, dây điện cũng không bị rò rỉ điện ra ngoài.

Ngoài ra, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung, vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng do không giải quyết đơn xin thay đổi Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, thì thấy: Ngày 04/4/2017 Tòa án nhân dân huyện N đã có Thông báo số 02/2017/TB-TA về việc không chấp nhận yêu cầu thay đổi Thẩm phán của nguyên đơn nên không có cơ sở chấp nhận ý kiến của Luật sư.

Xét quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên cần chấp nhận.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận, nhưng do yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị T thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên bà T không phải nộp.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Áp dụng Điều 604, Điều 610, Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Hoàng Thị T, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2017/DSST ngày 24/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyên xử: Bác đơn khởi kiện của nguyên đơn bà Hoàng Thị T về việc yêu cầu   ông Đào Kiến T1 phải bồi thường số tiền 100.000.000 đồng, bao gồm: 50.000.000 đồng chi phí mai táng và 50.000.000 đồng bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

- Về án phí: Bà Hoàng Thị T được miễn nộp án phí dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1961
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 93/2017/DS-PT

Số hiệu:93/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;