TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐÔNG ANH, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 75/2021/DS-ST NGÀY 30/03/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 30 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 37/2020/TLST-DS ngày 02/3/2020 về việc: Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 12/2021/QĐXXST-DS ngày 12/3/2021, quyết định hoãn phiên tòa số 16/2021/QĐST-DS ngày 16/3/2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1990; nơi cư trú: Xóm Đ, thôn TO, xã TD, huyện ĐA, thành phố Hà Nội.
- Bị đơn: Chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1989; nơi cư trú: Xóm Đ, thôn TO, xã TD, huyện ĐA, thành phố Hà Nội.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Đoàn Thị P, sinh năm 1967.
2. Anh Nguyễn Doãn H, sinh năm 1984.
Cùng nơi cư trú: Xóm Đ, thôn TO, xã TD, huyện ĐA, thành phố Hà Nội. Có mặt: Chị T, bà P.
Vắng mặt: Chị N, anh H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 24/5/2019, đơn khởi kiện bổ sung ngày 30/7/2019, ngày 17/02/2020 cùng các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, các phiên hòa giải và tại phiên tòa, nguyên đơn là chị Nguyễn Thị T trình bày:
Gia đình chị và gia đình chị Nguyễn Thị N là người cùng thôn TO, xã TD;
giữa hai gia đình không có mâu thuẫn, thù oán gì.
Sáng ngày 14/12/2018, khi chị đang điều khiển xe mô tô BKS 29R4-6732 lưu thông trên trục đường đội 2 thôn TO, xã TD đi về hướng đội 4 thôn TO thì bị chị Nguyễn Thị N điều khiển xe mô tô BKS 29Z1-9037 đi từ đường nhánh trong xóm đâm vào hông xe của chị khiến chị bị ngã sang bên trái, văng xa 3, 4 mét. Sau khi va chạm, chị N không có ý kiến gì và tiếp tục đèo con đi học. Lúc đó chị rất đau nhưng vẫn đi xe về nhà. Khi về nhà chị thấy tay trái chị bị tê buốt nên gia đình chị đã đưa chị vào bệnh viện đa khoa Đông Anh kiểm tra và kết luận chị bị “Gãy xương lồi cầu trong cánh tay trái, phải phẫu thuật”. Chị phẫu thuật và nằm điều trị tại bệnh viện đa khoa Đông Anh từ ngày 14/12/2018 đến ngày 21/12/2018. Mặc dù đã được ra viện nhưng tay trái của chị không co duỗi bình thường được nên ngày nào cũng phải đi tập phục hồi chức năng. Đến tháng 10 năm 2019, chị đi khám lại tại bệnh viện đa khoa Đông Anh và được chỉ định mổ rút đinh. Chị nhập viện ngày 13/10/2019 để tiến hành mổ rút đinh, đến ngày 20/10/2019 thì được ra viện. Khi ra viện bác sỹ chỉ định tập phục hồi chức năng 03 tháng. Chị đã vào viện tập phục hồi chức năng 02 tháng sau đó thì về nhà tự tập.
Sau khi mổ lần đầu tiên cơ quan công an đã cho chị đi giám định tại Viện khoa học hình sự - Bộ công an. Theo kết luận giám định thời điểm đó thương tật của chị là 08% nhưng Viện khoa học hình sự cũng yêu cầu chị đi giám định bổ sung sau khi phẫu thuật rút đinh. Sau khi phẫu thuật rút đinh theo yêu cầu của chị, công an huyện Đông Anh đã cho chị đi giám định bổ sung. Theo kết luận giám định bổ sung thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị là 55%.
Từ sau khi tai nạn xảy ra, cũng như thời gian chị nằm viện phẫu thuật 02 lần, tập phục hồi chức năng hàng năm trời nhưng chị N hay gia đình chị N không hỏi han, thăm nom gì, chưa bồi thường gì. Chị cũng đã yêu cầu cơ quan công an điều tra làm rõ vụ tai nạn. Cơ quan công an đã tiến hành các thủ tục điều tra và kết luận về vụ tai nạn giao thông theo thông báo kết quả giải quyết vụ tai nạn giao thông số 1234/TB/CAĐA ngày 14/6/2019. Theo kết luận trên chị cũng có lỗi trong vụ tai nạn trên vì không đi về bên phải theo chiều đi của mình gây tai nạn, ngoài ra chị còn có lỗi hành chính khi không đội mũ bảo hiểm và không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Chị không có ý kiến gì về kết luận trên và đã nộp tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan công an. Sau khi được giám định lại, cơ quan công an cũng đã thông báo kết quả giám định cho chị, chị không có ý kiến gì về kết luận giám định trên.
Chị yêu cầu Tòa án giải quyết buộc chị Nguyễn Thị N phải bồi thường cho chị các khoản tiền sau:
Tiền phẫu thuật lần 1: 23.167.769 đồng.
đồng.
Tiền phục hồi chức năng, vật lý trị liệu sau lần mổ thứ nhất: 4.756.660 Tiền điều trị cứng khớp khuỷu + tiền thuốc: 3.300.116 đồng.
Tiền mổ rút đinh gồm: Tiền viện phí: 2.333.000 đồng; tiền phục hồi chức năng sau rút đinh 1.914.923 đồng.
Tiền mất thu nhập 18 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 90.000.000 đồng. Tiền thuê xe đi lại trong thời gian điều trị: 7.000.000 đồng.
Tiền tổn thất về tinh thần: 40 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng = 59.600.000 đồng.
Tổng cộng: 192.072.468 đồng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên quan điểm như trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, theo đúng hóa đơn chứng từ đã giao nộp cho Tòa án chị xác định lại số tiền cụ thể chị yêu cầu như sau:
Tiền phẫu thuật lần 1: 23.167.769 đồng.
Tiền phục hồi chức năng, vật lý trị liệu sau lần mổ thứ nhất: 4.697.080 đồng.
Tiền điều trị cứng khớp khuỷu + tiền thuốc: 3.300.166 đồng.
Tiền mổ rút đinh gồm: Tiền viện phí: 2.333.000 đồng; tiền phục hồi chức năng sau rút đinh 1.914.923 đồng.
Tiền mất thu nhập 18 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 90.000.000 đồng. Tiền thuê xe đi lại trong thời gian điều trị: 7.000.000 đồng.
Tiền tổn thất về tinh thần: 40 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng = 59.600.000 đồng.
Tổng cộng: 192.012.938 đồng.
Chị tự nguyện rút yêu cầu số tiền mất thu nhập của người chăm sóc của mẹ chị 40 ngày = 6.000.000 đồng.
Về trách nhiệm bồi thường: Trước đây chị làm đơn yêu cầu chị N phải bồi thường. Tuy nhiên theo quy định pháp luật mà anh H cũng phải liên đới bồi thường thì chị đề nghị Tòa án buộc vợ chồng anh H
Tại biên bản lấy lời khai ngày 08/01/2021, bị đơn là chị Nguyễn Thị N trình bày: Gia đình chồng chị và gia đình chị T có quan hệ họ nội tộc, trước khi xảy ra tai nạn hai bên gia đình không có mâu thuẫn gì.
Sáng ngày 14/12/2018, giữa chị và chị T có xảy ra va chạm xe máy tại đường trong thôn TO. Sau khi xảy ra va chạm hai bên thấy không vấn đề gì nên các bên tiếp tục đi làm. Đến buổi trưa, khi chị và chồng chị không có nhà thì gia đình chị T sang nhà chị thông báo chị T bị thương tích và chửi bới gia đình chị. Tối hôm đó, chị và chồng chị sang nhà chị T hỏi thăm nhưng chị T và mẹ chị đang trong bệnh viện, chỉ có bố chị T ở nhà. Đến trưa hôm sau, mẹ chị T là bà P lại tiếp tục sang nhà chị chửi bới và xông vào đánh chị. Chính vì vậy hai bên không thương lượng được với nhau.
Sau đó công an mời các bên lên để giải quyết sự việc. Quá trình giải quyết, công an đã dựng lại hiện trường, mời nhân chứng chứng kiến tham gia, tạm giữ các phương tiện liên quan để xem xét dấu vết. Cơ quan công an cũng tiến hành hỏa giải nhưng các bên không thống nhất được mức bồi thường. Sau đó công an thông báo kết thúc việc giải quyết vụ tai nạn và quyết định xử phạt tất cả các bên. Chị không nhớ công an xác định chị có lỗi gì nhưng chị có bị phạt và đã nộp phạt. Chị không có ý kiến gì về việc công an giải quyết vụ tai nạn trên. Công an có thông báo cho chị kết quả thương tích của chị T khi giám định lần đầu tiên nhưng chị không nhớ thương tích bao nhiêu %. Khi chị T đi giám định lại lần thứ 2 thì công an không thông báo tỷ lệ thương tích của chị T cho chị. Chị xác định chị không đâm xe vào chị T nên không có nghĩa vụ bồi thường.
Bị đơn không có yêu cầu phản tố.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Đoàn Thị P trình bày: Bà đã được biết yêu cầu khởi kiện cũng như quan điểm của chị T về việc giải quyết vụ án. Bà hoàn toàn nhất trí với yêu cầu khởi kiện của chị T, đối với khoản tiền mất thu nhập của người chăm sóc chị T trong thời gian nằm viện, bà xác định bà là người chăm sóc chị T trong thời gian nằm viện và thời gian ở nhà sau khi nằm viện, tổng cộng 40 ngày. Theo đơn thì chị T có yêu cầu chị N bồi thường chi phí trên tổng cộng là 6.000.000 đồng. Tuy nhiên đến nay chị T đã xin rút yêu cầu đối với số tiền trên. Bà hoàn toàn nhất trí với quan điểm của chị T. Bà cũng không yêu cầu gì đối với số tiền mất thu nhập của bà trong thời gian chăm sóc chị T tại bệnh viện cũng như tại nhà.
Anh Nguyễn Doãn H trình bày: Việc chị T và chị N va chạm giao thông với nhau như thế nào chị không biết, không chứng kiến. Do gia đình chị T nhiều lần sang đe dọa, chửi bới gia đình anh nên hai bên không thương lượng được với nhau. Khi công an giải quyết vụ tai nạn có mời anh lên làm việc vì anh là người đứng tên chủ sở hữu xe máy BKS 29Z1-9037. Khi công an kết thúc việc giải quyết vụ tai nạn anh bị xử phạt vì giao xe cho người chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô. Anh không có ý kiến gì về việc công an giải quyết vụ tai nạn giao thông và đã nộp phạt theo quyết định của công an. Quan điểm của anh là nhất trí với quan điểm của chị N, vợ chồng anh không phải có trách nhiệm bồi thường cho chị T.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; bị đơn là chị N; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh H không đến Tòa án làm việc, vắng mặt tại các phiên hòa giải, phiên tòa là không chấp hành đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự. Về việc giải quyết vụ án đề nghị Hội đồng xét xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T, buộc chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H liên đới bồi thường cho chị T: Tiền khám chữa bệnh, viện phí, tiền thuốc là 18.000.000 đồng; 06 tháng mất thu nhập x 2.500.000 đồng/tháng = 15.000.000 đồng; tổn thất tinh thần bằng 10 tháng lương cơ sở là 14.900.000 đồng; tiền thuê xe đi lại trong quá trình điều trị là 2.000.000 đồng. Tổng cộng là: 49.900.000 đồng. Về án phí: Chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H chịu án phí theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về quan hệ pháp luật, thời hiệu khởi kiện và quyền khởi kiện: Chị Nguyễn Thị T khởi kiện chị Nguyễn Thị N yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe do tai nạn xảy ra vào ngày 14/12/2018. Vì vậy Tòa án thụ lý vụ án với quan hệ pháp luật “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm” theo khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Sự việc xảy ra ngày 14/12/2018, chị T gửi đơn khởi kiện đến Tòa án ngày 24/5/2019 là trong thời hiệu quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[2] Về tố tụng: Bị đơn là chị Nguyễn Thị N và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Doãn H vắng mặt tại tất cả các buổi làm việc, phiên họp tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải cũng như tại các phiên tòa mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ. Vì vậy Tòa án xét xử vắng mặt họ theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Xét yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường thương tích của nguyên đơn:
Về trách nhiệm bồi thường: Theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn giao thông và Thông báo kết quả giải quyết vụ tai nạn giao thông số 1234/TB/CAĐA ngày 14/6/2019 của Công an huyện Đông Anh nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông là: Chị Thuỷ điều khiển xe môtô không đi về bên phải theo chiều đi của mình; chị N điều khiển xe môtô từ đường nhánh ra đường chính không nhường đường cho xe đi trên đường chính, không có giấy phép lái xe. Ngoài ra các bên còn vi phạm hành chính điều khiển xe không đội mũ bảo hiểm, không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Xe mô tô BKS 29Z1-9037 do chị N điều khiển là của anh Nguyễn Doãn H (chồng chị N). Anh H giao xe cho chị N điều khiển khi chị N không đủ điều kiện điều khiển mô tô, xe máy (không có giấy phép lái xe mô tô). Các bên không có ý kiến gì về kết luận giải quyết vụ tai nạn giao thông trên và chấp hành các quyết định xử phạt của công an huyện Đông Anh. Vì vậy xác định mỗi bên có lỗi 50% trong vụ tai nạn trên. Cả 02 xe mô tô đều không tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Vì vậy, theo quy định của khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chị N và anh H phải liên đới bồi thường cho chị T.
Về thương tích của chị T: Theo kết luận giám định pháp y thương tích số 894/C09-TT1 ngày 05/3/2019 của Viện khoa học hình sự - Bộ công an tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của chị T tại thời điểm giám định là 08%. Trong kết luận giám định trên cũng đã nêu rõ: Khi chị T đã tháo phương tiện liên kết xương, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh đưa chị T đi giám định bổ sung để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng vận động khớp khuỷu trái….Vì vậy sau khi chị T tháo phương tiện liên kết xương, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh tiếp tục trưng cầu giám định bổ sung. Theo bản kết luận giám định pháp y thương tích số 6773/C09-TT1 ngày 02/12/2019 đã kết luận tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của chị T sau khi giám định bổ sung là 55%. Các bên đương sự đều không có ý kiến gì về kết luận giám định trên, vì vậy xác định tỷ lệ thương tích cơ thể của chị T là 55%.
Về xác định thiệt hại: Chị T yêu cầu bồi thường các khoản tiền sau: Tiền phẫu thuật lần 1: 23.167.769 đồng.
Tiền phục hồi chức năng, vật lý trị liệu sau lần mổ thứ nhất: 4.697.080 đồng.
Tiền điều trị cứng khớp khuỷu + tiền thuốc: 3.300.166 đồng.
Tiền mổ rút đinh gồm: Tiền viện phí: 2.333.000 đồng; tiền phục hồi chức năng sau rút đinh 1.914.923 đồng.
Tiền mất thu nhập 18 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 90.000.000 đồng. Tiền thuê xe đi lại trong thời gian điều trị: 7.000.000 đồng.
Tiền tổn thất về tinh thần: 40 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng = 59.600.000 đồng.
Tổng cộng: 192.012.938 đồng.
Đối với các khoản tiền gồm: Tiền phẫu thuật lần 1: 23.167.769 đồng; tiền phục hồi chức năng, vật lý trị liệu sau lần mổ thứ nhất: 4.756.660 đồng; tiền điều trị cứng khớp khuỷu + tiền thuốc: 3.300.116 đồng; tiền mổ rút đinh gồm: Tiền viện phí: 2.333.000 đồng; tiền phục hồi chức năng sau rút đinh 1.914.923 đồng. Cộng là 35.412.938 đồng. Toàn bộ số tiền trên chị T đều có hóa đơn, chứng từ thể hiện trong hồ sơ vụ án. Đây là các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đối với khoản tiền mất thu nhập 18 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 90.000.000 đồng. Chị T không có công việc ổn định, thu nhập thực tế không có nên chấp nhận một phần yêu cầu mất thu nhập thực tế của chị T. Áp dụng bằng ½ mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã TD là 5.000.000 đồng/tháng = 2.500.000 đồng/tháng. Thời gian chị T yêu cầu 18 tháng mất thu nhập, nhận thấy: Tai nạn xảy ra vào ngày 14/12/2018. Sau khi tai nạn xảy ra, chị T phải phẫu thuật, tập phục hồi chức năng, mổ tháo phương tiện liên kết xương và đi giám định bổ sung vào ngày 02/12/2019. Mặc dù trong hồ sơ bệnh án không có chỉ định của bác sỹ về việc nghỉ trong thời gian bao lâu. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật lần 1 chị T vẫn phải thường xuyên tập phục hồi chức năng và mổ tháo liên kết xương (Thể hiện qua các hóa đơn viện phí từ tháng 01 năm 2019 đến tháng 12 năm 2019). Vì vậy, xác định thời gian chị T không đi làm được bị mất thu nhập là 12 tháng.
Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần bằng 40 tháng lương cơ sở x 1.490.000 đồng/tháng = 59.600.000 đồng, nhận thấy: Theo quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, mức tối đa bồi thưởng tổn thất về tinh thần là 50 tháng lương tối thiểu. Căn cứ vào mức độ thương tích của chị T, xác định khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là 20 tháng lương cơ sở.
Đối với khoản tiền thuê xe đi lại trong thời gian điều trị là 7.000.000 đồng, nhận thấy: Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị quyết số 03/2006/HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chỉ có tiền đưa chị T đi cấp cứu tại cơ sở y tế là những chi phí cần thiết và được chấp nhận. Mặc dù chị T không giao nộp được các biên lai cước phí thuê xe nhưng đó là chi phí thực tế. Vì vậy, chấp nhận một phần yêu cầu của chị T đối với tiền thuê xe đi lại trong thời gian điều trị là 2.000.000 đồng.
Đối với tiền mất thu nhập của người chăm sóc trong thời gian 40 ngày là 6.000.000 đồng. Chị T đã có lời khai về việc rút yêu cầu đối với số tiền trên, bà P – người trực tiếp chăm sóc chị T cũng nhất trí với việc rút yêu cầu của chị T. Việc chị T và bà P không yêu cầu số tiền trên là hoàn toàn tự nguyện nên ghi nhận.
Như vậy, các khoản thiệt hại của chị T gồm: Tiền phẫu thuật lần 1: 23.167.769 đồng; tiền phục hồi chức năng, vật lý trị liệu sau lần mổ thứ nhất: 4.697.080 đồng; tiền điều trị cứng khớp khuỷu + tiền thuốc: 3.300.166 đồng; tiền mổ rút đinh gồm: Tiền viện phí: 2.333.000 đồng; tiền phục hồi chức năng sau rút đinh 1.914.923 đồng. Tổn thất tinh thần 20 tháng lương cơ sở = 29.800.000. Tiền mất thu nhập trong 12 tháng x 2.500.000 đồng/tháng = 30.000.000 đồng. Tiền thuê xe trong quá trình điều trị là 2.000.000 đồng. Tổng cộng là: 97.212.938 đồng. Tuy nhiên, do mỗi bên có lỗi 50% trong vụ tai nạn trên nên buộc chị N và anh H liên đới bồi thường cho chị T số tiền 97.212.938 đồng/2 = 48.606.469 đồng.
[4] Về án phí sơ thẩm: Nguyên đơn thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí theo Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với số tiền phải bồi thường.
[5] Về quyền kháng cáo: Các đương sự đều có quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ:
- Điều 357, 468, 584, 585, 586, 588, 590, 601 Bộ luật Dân sự 2015;
- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Điều 26, 35, 39, 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị T về việc “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm” đối với chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H.
2. Buộc chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H phải bồi thường cho chị Nguyễn Thị N số tiền 48.606.469 đồng (Bốn mươi tám triệu, sáu trăm linh sáu nghìn, bốn trăm sáu mươi chín) đồng.
3. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của chị Nguyễn Thị T cho đến khi thi hành án xong khoản tiền trên, hàng tháng chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10%/năm.
4. Chị Nguyễn Thị N và anh Nguyễn Doãn H phải nộp số tiền 2.430.000 (Hai triệu, bốn trăm ba mươi nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm.
5. Án xử công khai sơ thẩm, các đương sự có mặt tại phiên tòa (chị T, bà P) có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đương sự vắng mặt tại phiên tòa (chị N, anh H) có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định pháp luật.
6. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 75/2021/DS-ST
Số hiệu: | 75/2021/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đông Anh - Hà Nội |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/03/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về