Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 13/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

BẢN ÁN 13/2022/DS-PT NGÀY 16/02/2022 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong các ngày 15 tháng 02 và 16 tháng 02 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang công khai xét xử phúc thẩm vụ án thụ lý số 01/2021/TLPT-DS ngày 04 tháng 02 năm 2021 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 160/2021/QĐ-PT ngày 28 tháng 12 năm 2021, Thông báo dời phiên tòa dân sự phúc thẩm số 01/TB-TA ngày 21 tháng 01 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Chị Trần Thị Lệ Q.

Địa chỉ: Ấp 03, xã Vĩnh Thuận T, huyện V, tỉnh Hậu Giang.

1.2. Bà O.

Địa chỉ: Ấp Lăng B, xã Phú S, huyện Chợ L, tỉnh B1.

Người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn: Ông Trần Văn Đ.

Địa chỉ: Số 79, đường Hùng V1, Phường 5, thành phố Vị Th, tỉnh Hậu Giang (Theo Văn bản ủy quyền ngày 04/02/2020), có mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N;

Địa chỉ: Tòa nhà VNPT, số 57, đường Huỳnh Thúc Kh, phường Láng H, quận Đống Đ1, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Đức L1 - Tổng Giám đốc. Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Phạm Tấn Trường S1 - Chuyên viên phòng Nhân sự - Tổng hợp Viễn thông Hậu Giang.

Địa chỉ: Khu vực 3, phường 4, thành phố Vị Th, tỉnh Hậu Giang (Theo văn bản ủy quyền số 622/GUQ-VNPT-TCTT ngày 20/02/2020), có mặt - Ông Phạm Đình Ph - Chuyên viên Ban kiểm tra - Pháp chế - Thanh tra thuộc VNPT (Văn bản ủy quyền số 2888/GUQ-VNPT-KTPCTT ngày 03/6/2021).

Địa chỉ: Tòa nhà VNPT, số 57, đường Huỳnh Thúc Kh, phường Láng H, quận Đống Đ1, Thành phố Hà Nội, có mặt.

2.2. Anh Dương Minh Kh1.

Địa chỉ: Ấp 05, xã Vĩnh Thuận T, huyện V, tỉnh Hậu Giang, có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tổng Công ty Điện lực Miền N1 Địa chỉ: Số 72, đường Hai Bà Tr, phường Bến Ngh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Ph Đ - Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn Nh - Giám đốc Điện lực huyện V, tỉnh Hậu Giang; địa chỉ: Ấp 04, thị trấn Nàng M, huyện V, tỉnh Hậu Giang (Theo văn bản ủy quyền số: 1377/UQ-EVN SPC, ngày 21/02/2020), có mặt.

4. Người kháng cáo: Nguyên đơn chị Trần Thị Lệ Q, bà O; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty Điện lực Miền N1

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ thì nội dung vụ án như sau:

Trong đơn khởi kiện và quá trình tố tụng tại Tòa án, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trần Văn Đ trình bày như sau:

Vào ngày 28/12/2018, ông Phạm Hữu Ph đang hái rau gần trụ điện hạ thế trước cửa nhà thuộc ấp 03, xã Vĩnh Thuận T, huyện V thì bị điện giật chết. Tại hiện trường, trụ điện của Điện lực nằm trên phần đất của ông Phạm Hữu Ph không có bất kỳ dây dẫn hay chướng ngại gì ở gốc trụ điện có thể dẫn đến tai nạn; còn trụ Viễn thông của VNPT (có số VNPT/-R-65/2011) nằm trên phần đất của bà Huỳnh Thị Ph1 có hộp tập điểm cáp Viễn Thông, có dây cáp chịu lực quấn quanh thân trụ và quấn vào hàng rào sắt nhà ông Ph (dây chịu lực này có điện do chạm chập với dây dẫn điện sau công tơ của ông Dương Minh Kh1), hậu quả làm cho Ph tử vong do chạm vào phần dây chịu lực này. Ông Ph là lao động chính, chăm lo cuộc sống gia đình, sau khi ông Ph chết thì gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, con gái ông Ph là Phạm Thị Anh Th (sinh năm 2003) đang học lớp 10 phải bỏ học, đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh, con trai ông Ph là Phạm Bá Th1 (sinh năm 2009), bị bệnh câm bẩm sinh, mẹ anh Ph là bà O đã mất sức lao động, không ai chăm sóc. Do đó, các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc các bị đơn phải bồi thường các khoản gồm: Cấp dưỡng cho cháu Th từ ngày 01/01/2019 đến khi đủ 18 tuổi, thời gian là 29 tháng x 1.490.000đ/tháng = 43.210.000đ; cấp dưỡng cho cháu Th1 từ ngày 01/01/2019 đến khi đủ 18 tuổi, thời gian là 112 tháng x 1.490.000đ/tháng = 166.880.000đ; cấp dưỡng cho bà O từ ngày 01/01/2019 cho đến khi bà O chết, theo mức cấp dưỡng 1.490.000đ/tháng; chi phí hòm gương 37.000.000đ; chi phí dàn nhạc lễ 12.000.000đ; chi phí đưa linh cữu từ Hậu Giang về Bến Tre an táng là 7.000.000đ; tổn thất tinh thần 100 tháng x 1.490.000đ/tháng = 149.000.000đ; chi phí vật tư nhân công xây mộ là 15.000.000đ. Tổng cộng là 430.000.000đ.

Tại văn bản ngày 23/7/2020, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N do ông Phạm Tấn Trường S1 đại diện trình bày: Phía VNPT thống nhất với kết quả điều tra của Cơ quan điều tra huyện V, dây cáp Viễn thông và trụ cột đều đảm bảo an toàn về khoảng cách theo quy định, đồng thời dây trợ lực cáp Viễn thông không có nguồn nguy hiểm cao độ, mà của bên Điện lực. Do đường dây hạ thế của anh Dương Minh Kh1 dẫn qua kênh bị tuột sứ rơi xuống cọ sát vào dây trợ lực cáp Viễn thông, từ đó dây điện bị bong tróc vỏ cách điện và chạm vào dây trợ lực, nên dây trợ lực dẫn điện đến điểm gây tai nạn cho ông Phạm Hữu Ph. Chúng tôi xác định không có lỗi làm chết ông Ph, nên không đồng ý bồi thường, quá trình mai táng đơn vị đã đưa trước số tiền 5.000.000đ, các bên cùng có trách nhiệm bồi thường, do mức bồi thường quá cao, hiện tại đồng ý bồi thường 10% thiệt hại cho phía nguyên đơn.

Tại văn bản ngày 13/7/2020, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn anh Dương Minh Kh1 trình bày: Tôi là người mua điện của Nhà nước và đóng đủ tiền điện hàng tháng, nguyên nhân ông Phạm Hữu Ph chết không liên quan đến tôi, nên tôi không có lỗi làm ông Ph bị chết nên không đồng ý bồi thường. Kinh Bảy Hấu còn có tên khác là kênh Giải Phóng; việc lắp đặt đồng hồ và kéo dây đến nhà sử dụng là do Điện lực thực hiện. Do đó, tôi chỉ đồng ý bồi thường từ 01 đến 02 triệu đồng.

Tại văn bản ngày 26/02/2010 và ngày 17/7/2020, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam do ông Trần Văn Nh đại diện trình bày: (i) Khu vực lưới điện tuyến kênh Bảy Hấu, ấp 03, xã Vĩnh Thuận T (là nhánh hạ thế độc lập thuộc trạm biến áp Giải phóng 1, trụ số 50/65/15 tuyến 473VT), thì hệ thống dẫn điện của Điện lực và dây thông tin của Viễn thông không đi chung cột với nhau; (ii) Dây chịu lực của cáp Viễn thông kéo dọc tuyến theo dọc kênh Bảy Hấu chạm chập vào phần dây dẫn điện sau công tơ của khách hàng là ông Dương Minh Kh1 (cách hiện trường 03 trụ hạ áp), căn cứ điểm i khoản 2 Điều 46 của Luật Điện lực, khoản 3 Điều 27 của Thông tư số 39/2015/TT-BTC, khoản 6 Điều 7 của phụ lục Hợp đồng số 15/000807 thì Điện lực không chịu trách nhiệm; (iii) Tại hiện trường, trụ điện của Điện lực nằm trên phần đất của ông Phạm Hữu Ph không có bất kỳ dây dẫn, hay chướng ngại vật gì nằm ở gốc trụ để có thể dẫn đến tai nạn, còn trụ của Viễn thông số VNPT/-R- 65/2011 nằm trên đất bà Huỳnh Thị Ph1 có tập điểm cáp viễn thông và cáp chịu lực quấn xung quanh thân trụ và quấn vào hàng rào sắt nhà ông Ph (dây này có điện chạm chập vào dây dẫn điện của ông Dương Minh Kh1, làm cho ông Ph tử vong do chạm vào phần dây chịu lực này. Tại nạn xảy ra sau đồng hồ điện, do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nên Điện lực không có trách nhiệm bồi thường.

Trung tâm Viễn thông A do ông Phạm Tấn Trường S1 đại diện tại phiên tòa trình bày: Trung tâm là đơn vị phụ thuộc của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N, Trung tâm không có tư cách pháp nhân, mọi vấn đề do pháp nhân quyết định.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang tuyên xử như sau:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Trần Thị Lệ Q (do anh Trần Văn Đ đại diện), về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và cấp dưỡng cho cháu Phạm Bá Th1.

1. Buộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho chị Trần Thị Lệ Q số tiền 55.075.000đ (Năm mươi lăm triệu không trăm bảy mươi lăm ngàn đồng).

Buộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N có trách nhiệm cấp dưỡng một phần cho cháu Phạm Bá Th1 với số tiền là 670.500đ (Sáu trăm bảy mươi ngàn năm trăm đồng), phương thức cấp dưỡng là hàng tháng, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi chấm dứt việc cấp dưỡng theo quy định tại Điều 118 của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Buộc Tổng Công ty Điện lực miền N1 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho chị Trần Thị Lệ Q số tiền 60.075.000đ (Sáu mươi triệu không trăm bảy mươi lăm ngàn đồng).

Buộc Tổng Công ty Điện lực miền N1 có trách nhiệm cấp dưỡng một phần cho cháu Phạm Bá Th1 với số tiền là 670.500đ (Sáu trăm bảy mươi ngàn năm trăm đồng), phương thức cấp dưỡng là hàng tháng, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi chấm dứt việc cấp dưỡng theo quy định tại Điều 118 của Luật Hôn nhân và gia đình.

3. Buộc anh Dương Minh Kh1 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho chị Trần Thị Lệ Q số tiền 13.350.000đ (Mười ba triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng).

Buộc anh Dương Minh Kh1 có trách nhiệm cấp dưỡng một phần cho cháu Phạm Bá Th1 với số tiền là 149.000đ (Một trăm bốn mươi chín ngàn đồng), phương thức cấp dưỡng là hàng tháng, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày xét xử sơ thẩm, cho đến khi chấm dứt việc cấp dưỡng theo quy định tại Điều 118 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí dân sự sơ thẩm, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 07 tháng 9 năm 2020, nguyên đơn bà Trần Thị Lệ Q và bà O kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang. Yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét giải quyết sửa bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang theo hướng chấp nhận yêu cầu kháng cáo, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty Điện lực Miền N1 kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm. Yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang. Lý do kháng cáo: Không đồng ý đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm và trách nhiệm cấp dưỡng theo bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Các nguyên đơn chị Trần Thị Lệ Q, bà O; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty Điện lực Miền N1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Trần Thị Lệ Q và O trình bày: Nguyên nhân tử vong của ông Ph là do dây điện của ông Dương Minh Kh1 chạm chập với đường dây trợ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N (VNPT). Lỗi thuộc về Tổng công ty điện lực Miền N1, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N và ông Dương Minh Kh1 trong việc thiếu trách nhiệm kiểm tra, không đảm bảo an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng nên phải bồi thường tổn thất tinh thần là 100 lần mức lương cơ sở, cấp dưỡng cho cháu Th và cháu Th1 từ ngày 01/01/2019 đến khi hai cháu đủ 18 tuổi. Cấp dưỡng cho bà O cho đến khi bà O chết, chi phí hợp lý cho việc mai táng kể cả chi phí nhạc lễ. Bà O có tổng cộng 4 người con, bà O không sống cùng ông Ph mà sống cùng con gái ở Bến tre. Trước đây theo đơn khởi kiện ban đầu, nguyên đơn có khởi kiện yêu cầu Tổng công ty điện lực Miền N1 bồi thường thiệt hại nhưng Tòa án cấp sơ thẩm hướng dẫn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không kiện Tổng công ty điện lực Miền N1 với tư cách bị đơn.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N (VNPT) ông Phạm Đình Ph trình bày: Chúng tôi không có kháng cáo. Tuy nhiên, có một số ý kiến là trường hợp ông Ph chết không phải lỗi do VNPT. Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Mặc dù, tại vị trí tai nạn trụ cột có dây trợ lực của VNPT thực hiện không đúng quy chuẩn do lỗi của cán bộ kỷ thuật, nguyên tắc dây trợ lực phải dừng trên cột, không được quấn nhiều vòng như hình ảnh tại hiện trường. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường dây của VNPT là dòng điện một chiều 48V, không thể gây tai nạn chết người. Dây trợ lực là dây bằng đồng, không có vỏ bọc. Điện lực không đảm bảo an toàn lưới điện. Về nguyên tắc phải gắn aptomat khi có bất thường về dòng điện thì điện sẽ tự ngắt. Trong trường hợp này, aptomat của Điện lực khi xảy ra tai nạn cũng không hoạt động chế độ tự ngắt, theo lời trình bày của ông Kha là điện vẫn sử dụng bình thường, cho thấy vi phạm về tiêu chuẩn kỷ thuật. Đề nghị hội đồng xét xử xem xét.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N (VNPT) ông Phạm Tấn Trường S1 trình bày: Thống nhất ý kiến của ông Phạm Đình Ph.

Bị đơn ông Dương Minh Kh1 trình bày: Tôi chỉ là người dân sử dụng điện, khi lập hợp đồng tôi không đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, có điện thì tôi sử dụng, các vấn đề khác về điện thì tôi không biết. Tôi không có khả năng phát hiện sự cố về điện, do điện của tôi vẫn sử dụng bình thường, không hề bị cắt đột ngột. Việc kéo dây diện vào nhà tôi là do bên điện lực thực hiện, tôi chỉ thực hiện việc kéo điện trong nhà để sử dụng.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công Ty điện lực Miền N1 trình bày: Nguyên nhân tử vong của ông Ph là do bị điện giật. Căn cứ Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 thì trách nhiệm bồi thường thuộc về người sử dụng điện. Trong trường hợp này, lỗi thuộc về VNPT và ông Dương Minh Kh1. Hệ thống dây trợ lực của VNPT tại vị trí gây tai nạn được thi công không đúng quy chuẩn. Về nguyên tắc, đối với dây trợ lực phải dừng ngay trên đầu cột nhưng tại hiện trường, dây trợ lực được quấn nhiều vòng xung quanh cột xuống phía dưới hàng rào sắt của ông Ph, nên khi dây điện của ông Kh1 bị bong tróc vỏ, chạm vào dây trợ lực không có vỏ bọc cách điện, là nguyên nhân gây ra cái chết cho ông Ph. Thời điểm trước khi xảy ra tại nạn thì việc sử dụng điện của ông Kh1 có bất thường, vì bình thường gia đình ông Kh1 chỉ sử dụng khoảng hơn 150.000đồng/tháng nhưng thời điểm đó bị tăng vọt lên 700- 800.000đồng/tháng. Tổng công ty điện lực Miền N1 có cử nhân viên hàng tháng kiểm tra định kỳ hai lần. Trước thời điểm xảy ra tai nạn có kiểm tra nhưng không phát hiện sự cố. Đường dây dẫn điện kênh giải phóng được thi công và đưa vào sử dụng từ năm 1998, có trước đường dây của VNPT. Khi thực hiện công trình Viễn thông thì bên VNPT không hề có thỏa thuận nào với bên điện lực. Tổng công ty điện lực Miền N1 không đồng ý bồi thường cho nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu quan điể m:

Về tố tụng: Quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử và các đương sự đã thực hiện đúng quy định.

Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua thẩm tra tại phiên tòa, qua kết quả tranh luận, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự xác định quan hệ Tranh chấp là Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là đúng quy định.

[1.2]. Về xác định tư cách tham gia tố tụng và đưa người tham gia tố tụng:

Tòa án cấp sơ thẩm đưa Trung Tâm Viễn Thông A và Điện Lực huyện V, tỉnh Hậu Giang vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là chưa đúng. Căn cứ vào Điều 84 Bộ luật dân sự thì Trung tâm Viễn Thông A và Điện lực huyện V không có tư cách pháp nhân.

Mọi vấn đề do Tập đoàn Viễn Thông Việt N và Tổng công ty điện lực Miền N1 quyết định nên Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh phần này, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 591 của Bộ luật tố tụng dân sự thì sau khi ông Ph chết hàng thừa kế thứ nhất của ông Ph là những người có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do tính mạng của ông Ph bị xâm phạm. Cấp sơ thẩm không đưa con ông Ph là cháu Phạm Thị Anh Th và cháu Phạm Bá Th1 tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, cháu Th và cháu Th1 có mẹ là nguyên đơn bà Q đại diện theo pháp luật nên quyền lợi của cháu Th và cháu Th1 không bị ảnh hưởng, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm tránh những sai sót tương tự.

[1.3]. Sau khi xét xử sơ thẩm, các nguyên đơn chị Trần Thị Lệ Q, bà O;

người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng công ty điện lực Miền N1 kháng cáo trong thời hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Xét kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Hội đồng xét xử nhận thấy: Tổng Công ty điện lực Miền Nam cho rằng không có lỗi trong việc làm ông Ph chết nên kháng cáo không đồng ý bồi thường. Cho rằng lỗi thuộc về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N và ông Dương Minh Kh1. Tuy nhiên, Tổng công ty điện lực Miền N1 là cơ quan cung ứng điện cho người dân sử dụng thì phải đảm bảo an toàn khi mắc điện và quá trình sử dụng điện cho người dân. Theo Quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật điện lực năm 2004 thì bên truyền tải điện phải bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy; Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 thì đơn vị phân phối điện có các nghĩa vụ bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị phân phối điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy; Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện…; Điều 48 Luật Điện lực năm 2004 quy định trách nhiệm bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện theo đó “Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện...”. Tại Điều 55 và 58 cũng quy định về đảm bảo an toàn trong truyền tải điện, phân phối điện, an toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ. Đối chiếu với các quy định của Luật điện lực, đối với vụ án này khi dây trợ lực của VNPT quấn nhiều vòng xung quanh trụ xuống phía dưới hàng rào sắt của ông Ph, là không đảm bảo tiêu chuẩn kỷ thuật, nhưng khi kiểm tra định kỳ hàng tháng thì phải phát hiện vấn đề này, để thông báo cho VNPT hoặc người sử dụng điện biết. Phía điện lực mặc dù có kiểm tra định kỳ hàng tháng nhưng không phát hiện được, đường dây điện của ông Dương Minh Kh1 bị bong tróc vỏ. Ngoài ra, phía điện lực còn cho rằng, nếu có bong tróc vỏ thì ở độ cao 6-7m cũng khó nhìn thấy trong khi là cơ quan chuyên môn về điện. Trong khi ông Dương Minh Kh1 chỉ là người dân bình thường sử dụng điện thì càng khó phát hiện vấn đề này. Mặt khác, theo lời trình bày của người đại diện theo ủy quyền của Tổng công ty điện lực Miền N1 thì thời điểm trước khi xảy ra tai nạn làm ông Ph chết, gia đình ông Dương Minh Kh1 sử dụng điện tăng đột ngột từ 150 lên 700-800.000đồng tiền điện, khi có sự cố aptomat cũng không nhảy là lỗi kỷ thuật nhưng phía điện lực đã không kịp thời xuống kiểm tra tình trạng điện, để dẫn đến sự cố điện, gây ra tai nạn chết người nên điện lực có phần lỗi trong vụ án này.

Về phía anh Dương Minh Kh1, quá trình sử dụng điện không kiểm tra đường dây điện từ sau đồng hồ đến nơi tiêu thụ điện nên khi đường dây có sự cố đã không phát hiện kịp thời báo cho cơ quan quản lý, dẫn đến tai nạn; theo điểm đ khoản 2 Điều 46 của Luật Điện lực quy định về nghĩa vụ người sử dụng điện thì: “Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản”. Tại thời điểm xảy ra tại nạn, hợp đồng mua bán điện sinh hoạt giữa anh Dương Minh Kh1 với Điện lực Vị Thủy đang được thực hiện. Do đó anh Kh1 cũng có phần lỗi nên phải có trách nhiệm bồi thường.

Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N (VNPT): Hệ thống dây trợ lực của VNPT tại vị trí gây tai nạn thi công không đúng quy chuẩn kỷ thuật. Về nguyên tắc, đối với dây trợ lực phải dừng ngay trên đầu cột, nhưng tại hiện trường dây trợ lực được quấn nhiều vòng xung quanh cột xuống phía dưới hàng rào sắt của ông Ph nên khi dây điện của ông Kh1 bị bong tróc vỏ chạm vào dây trợ lực không có vỏ bọc cách điện là nguyên nhân gây ra cái chết cho ông Ph. Nên VNPT cũng có lỗi trong việc gây tai nạn làm ông Ph chết.

Như vậy, căn cứ biên bản hiện trường, quy định của pháp luật nêu trên thì EVN, VNPT và anh Dương Minh Kh1 cùng có lỗi và cùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng của ông Ph bị xâm phạm, do đó người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng công ty điện lực Miền N1 kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21/8/2020 và bác đơn khởi kiện của nguyên đơn đối với trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan của Tổng Công ty Điện lực Miền N1 là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận. Mặc dù, theo đơn khởi kiện bổ sung người khởi kiện không yêu cầu Tổng Công ty điện lực Miền N1 bồi thường, tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án xét thấy Tổng công ty Điện lực Miền N1 có lỗi trong việc thiếu trách nhiệm gây ra cái chết cho ông Ph, đồng thời tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tức là có quyền và nghĩa vụ đối với nguyên đơn và bị đơn nên buộc Tổng Công ty điện lực Miền N1 bồi thường đối với phần lỗi của điện lực mới giải quyết triệt để vụ án. Tuy nhiên, Cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về xác định tư cách người tham gia tố tụng.

[3]. Đối với kháng cáo của các nguyên đơn chị Trần Thị Lệ Q, bà O, Hội đồng xét xử xét thấy:

[3.1]. Phần chi phí nhạc lễ, các nguyên đơn kháng cáo yêu cầu bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bồi thường số tiền 12.000.000 đồng. Xét thấy, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 591 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 2 mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định “Chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống...”. Do đó, chi phí nhạc lễ là chi phí không hợp lý cho việc mai táng và không được xem xét chấp nhận bồi thường là phù hợp.

[3.2]. Đối với yêu cầu cấp dưỡng cháu Phạm Thị Anh Th với số tiền 43.210.000 đồng. Xét thấy, qua đơn xin xác nhận ngày 25/5/2021 và Công văn số 63/CV-THPT ngày 08/6/2021 của Trường trung học phổ thông V, sau khi ông Ph chết cháu Th học hết lớp 10A8, năm học 2018-2019 thì cháu Th nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 593 của Bộ luật dân sự “trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây: Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi, trừ trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập nuôi sống bản thân”. Cấp sơ thẩm nhận định và cho rằng cháu Th đã trên 15 tuổi, đã tham gia lao động và có thu nhập nuôi sống bản thân nên không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn là chưa phù hợp. Bởi lẽ, khi ông Ph chết, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên cháu Th mới nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, do đó yêu cầu của các nguyên đơn buộc bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu Phạm Thị Anh Th đến khi đủ 18 tuổi là có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3.3]. Đối với yêu cầu cấp dưỡng bà O, cấp dưỡng từ ngày 01/01/2019 đến khi bà O chết, mức cấp dưỡng hàng tháng 1.490.000 đồng/tháng. Xét thấy, Ông Ph không trực tiếp sống chung với bà O, bà O vẫn còn ba người con khác và hiện tại sống chung với người con gái ở B. Do đó yêu cầu này của các nguyên đơn không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3.4]. Đối với cháu Phạm Bá Th1 cấp sơ thẩm buộc bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng Công ty điện lực Miền N1 cấp dưỡng cho cháu Phạm Bá Th1 kể từ ngày xét xử sơ thẩm là chưa phù hợp. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 593 của Bộ luật dân sự “trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết...”, do đó thời điểm cấp dưỡng phải tính từ ngày ông Ph chết ngày 28/12/2018, các nguyên đơn yêu cầu cấp dưỡng tính từ ngày 01/01/2019 là có lợi cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3.5]. Đối với kháng cáo yêu cầu bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần bằng 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Điều 591 BLDS quy định “trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”. Xét về lỗi thì lỗi hoàn toàn thuộc về Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N, Tổng công ty điện lực Miền N1 và ông Dương Minh Kh1. Ông Ph là lao động chính trong gia đình, có mẹ già hết tuổi lao động, vợ và hai con chưa thành niên, đặc biệt là cháu Phạm Bá Th1 bị hội chứng Down, bộ phận thần kinh chậm phát triển, bị câm bẩm sinh, không có khả năng lao động. Ông Ph chết là sự mất mát, tổn hại về đời sống, tinh thần cho người thân mà không gì bù đắp được. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bồi thường tổn thất tinh thần bằng 50 lần mức lương cơ sở là chưa thỏa đáng để bù đắp tổn thất cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Ph. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh mức bồi thường tổn thất tinh thần cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Ph gồm bà O, chị Trần Thị Lệ Q, cháu Phạm Thị Anh Th, cháu Phạm Bá Th1 bằng 100 lần mức lương cơ sở 1.490.000đồng/tháng là 149.000.000đồng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (tổn thất tinh thần, chi phí hợp lý cho việc mai táng) cho chị Trần Thị Lệ Q là chưa đủ, phải là hàng thừa kế thứ nhất của ông Ph. Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh phần này, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định EVN, VNPT là các doanh nghiệp kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận, còn anh Dương Minh Kh1 là bên mua điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt, căn cứ vào luật bảo vệ người tiêu dùng thì mức độ lỗi của EVN và VNPT cao hơn anh Kh1. Do đó, trách nhiệm bồi thường của các doanh nghiệp cao hơn cá nhân, mỗi doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ 45% và cá nhân là 10% mức thiệt hại, cũng như tỷ lệ cấp dưỡng là phù hợp.

[4]. Về án phí dân sự sơ thẩm:

[4.1]. Buộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N phải nộp án phí bồi thường thiệt hại số tiền là 4.430.000đồng, và án phí cấp dưỡng là 300.000đồng. Tổng cộng án phí phải nộp là: 4.730.000đồng (Bốn triệu bảy trăm ba mươi nghìn đồng).

[4.2]. Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền N1 phải nộp án phí bồi thường thiệt hại số tiền là 4.680.000đồng, và án phí cấp dưỡng là 300.000đồng. Tổng cộng án phí phải nộp là: 4.980.000đồng (Bốn triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng).

[4.3]. Buộc anh Dương Minh Kh1 phải nộp án phí bồi thường thiệt hại số tiền là 1.040.000đồng và án phí cấp dưỡng là 300.000đồng. Tổng cộng án phí phải nộp là: 1.340.000đồng (Một triệu ba trăm bốn mươi nghìn đồng).

[5]. Xét thấy quan điểm của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử phúc thẩm nên được chấp nhận.

[6]. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Do không chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Điện lực Miền N1 nên Tổng công ty điện lực miền nam phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định.

Do chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 26, 35, 39, các khoản 1, 2 và 4 Điều 85, Điều 91, 92, 93, 271, 272, 273, Khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Áp dụng các điều 84, 85, 87, 97, 99, 351, 360, 364, 584, 585, 587, 591, 593, 601 của Bộ luật Dân sự; Điều 3 và khoản 8 và 9 Điều 8, Điều 45 của Luật Doanh nghiệp; các Điều 7, 19, 27, 39, 46, 47, 48, 51, 55 của Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012); các điểm a và h khoản 1 Điều 16 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các Điều 57, 59 và 60 của Luật Viễn thông; các Điều 10, 11, 13 và 17 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực; Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tổng công ty điện lực Miền Nam.

Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Trần Thị Lê Quyên, O.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 105/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hậu Giang.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chị Trần Thị Lệ Q, bà O (do anh Trần Văn Đ đại diện), về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm và cấp dưỡng cho cháu Phạm Thị Anh Th, cháu Phạm Bá Th1, chi phí hợp lý cho việc mai táng.

1. Buộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm (tổn thất tinh thần, chi phí hợp lý cho việc mai táng) cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Phạm Hữu Ph là chị Trần Thị Lệ Q, bà O, cháu Phạm Thị Anh Th, cháu Phạm Bá Th1 số tiền 93.600.000đồng, khấu trừ số tiền Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N đã đưa trước 5.000.000đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N có trách nhiệm bồi thường số tiền là 88.600.000đ (Tám mươi tám triệu sáu trăm nghìn đồng).

Buộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N có trách nhiệm cấp dưỡng một phần cho cháu Phạm Thị Anh Th và cháu Phạm Bá Th1 mỗi cháu số tiền là 670.500đồng/tháng (Sáu trăm bảy mươi nghìn năm trăm đồng), phương thức cấp dưỡng hàng tháng, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày 01/01/2019 cho đến khi cháu Th và cháu Th1 đủ 18 tuổi.

2. Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền N1 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm (tổn thất tinh thần, chi phí hợp lý cho việc mai táng) cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Phạm Hữu Ph là chị Trần Thị Lệ Q, bà O, cháu Phạm Thị Anh Th, cháu Phạm Bá Th1 số tiền 93.600.000đồng (Chín mươi ba triệu sáu trăm nghìn đồng).

Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền N1 có trách nhiệm cấp dưỡng một phần cho cháu Phạm Thị Anh Th và cháu Phạm Bá Th1 mỗi cháu số tiền là 670.500đồng/tháng (Sáu trăm bảy mươi nghìn năm trăm đồng), phương thức cấp dưỡng hàng tháng, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày 01/01/2019 cho đến khi cháu Th, cháu Th1 đủ 18 tuổi.

3. Buộc anh Dương Minh Kh1 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm (tổn thất tinh thần, chi phí hợp lý cho việc mai táng) cho hàng thừa kế thứ nhất của ông Phạm Hữu Ph là chị Trần Thị Lệ Q, bà O, cháu Phạm Thị Anh Th và cháu Phạm Bá Th1, số tiền 20.800.000đồng (Hai mươi triệu tám trăm nghìn đồng).

Buộc anh Dương Minh Kh1 có trách nhiệm cấp dưỡng một phần cho cháu Phạm Thị Anh Th và cháu Phạm Bá Th1 mỗi cháu số tiền là 149.000đồng/tháng (Một trăm bốn mươi chín nghìn đồng), phương thức cấp dưỡng hàng tháng, thời điểm cấp dưỡng tính từ ngày 01/01/2019 cho đến khi cháu Th, cháu Th1 đủ 18 tuổi.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Về án phí dân sự sơ thẩm:

4.1. Buộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt N phải nộp án phí bồi thường thiệt hại số tiền là 4.430.000đồng, và án phí cấp dưỡng là 300.000đồng. Tổng cộng án phí phải nộp là: 4.730.000đồng (Bốn triệu bảy trăm ba mươi nghìn đồng).

4.2. Buộc Tổng Công ty Điện lực Miền N1 phải nộp án phí bồi thường thiệt hại số tiền là 4.680.000đồng, và án phí cấp dưỡng là 300.000đồng. Tổng cộng án phí phải nộp là: 4.980.000đồng (Bốn triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng).

4.3. Buộc anh Dương Minh Kh1 phải nộp án phí bồi thường thiệt hại số tiền là 1.040.000đồng và án phí cấp dưỡng là 300.000đồng. Tổng cộng án phí phải nộp là: 1.340.000đồng (Một triệu ba trăm bốn mươi nghìn đồng).

5. Về án phí dân sự phúc thẩm:

Tổng Công ty Điện lực Miền N1 phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định là 300.000đồng (Ba trăm nghìn đồng). Được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000đồng theo biên lai thu số 00016 ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chi cụ thi hành án dân sự huyện V thành án phí.

Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, ngày 16/02/2022.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1473
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 13/2022/DS-PT

Số hiệu:13/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hậu Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/02/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;