TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
BẢN ÁN 35/2021/DS-PT NGÀY 27/09/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM; BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN BỊ XÂM PHẠM
Ngày 27 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 42/2021/TLPT-DS ngày 30 tháng 8 năm 2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm; bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2021/DS-ST ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 102/2021/QĐ-PT ngày 16 tháng 9 năm 2021 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Tấn H – sinh năm 1974. Địa chỉ cư trú: Thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Thiều Quang V – Luật sư Văn phòng luật sư Q, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi (địa chỉ trụ sở làm việc: Phường N1, thành phố Q).
- Bị đơn: Ông Lê Thái T – sinh năm 1982.
Địa chỉ hộ khẩu thường trú: Phường T1, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi. Địa chỉ cư trú: Thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Lê Thái T: Ông Nguyễn G (sinh năm 1959, địa chỉ cư trú: Xã Đ, huyện M, tỉnh Quảng Ngãi), theo văn bản ủy quyền ngày 25/6/2020.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Nguyễn Hoàng Diệu L – sinh năm 1988.
Địa chỉ hộ khẩu thường trú: Phường T1, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi. Địa chỉ cư trú: Thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.
2. Bà Đinh Thị Q1 – sinh năm 1980. Địa chỉ cư trú: Thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi.
- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Tấn H, là nguyên đơn; ông Lê Thái T, là bị đơn trong vụ án.
Tại phiên tòa, ông Nguyễn Tấn H, ông Thiều Quang V, ông Nguyễn G, bà Nguyễn Hoàng Diệu L có mặt; bà Đinh Thị Q1 vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 20/4/2020, đơn khởi kiện bổ sung ngày 08/5/2020, các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Nguyễn Tấn H trình bày:
Vào ngày 03/01/2020, bà Nguyễn Hoàng Diệu L đi ngang qua tiệm bán giày dép của vợ chồng ông Nguyễn Tấn H, bà Đinh Thị Q1 đã va chạm với bà Q1 dẫn đến hai bên cãi nhau. Sau khi sự việc cãi nhau kết thúc, bà L từ nhà bà C1 (thị trấn C) về tiệm bán đồ sắt của bà L (thị trấn C), khi bà L đi ngang qua tiệm giày dép của ông H, bà Q1 thì bị bà Q1 tạt nước lạnh vào người nên bà L đã dùng tay hất đổ một số giày dép của ông H, bà Q1. Lúc này, bà Q1 đã xông vào giằng co, xô xát với bà L, nghe bà L lớn tiếng, bà C1 từ trong nhà chạy qua cùng với bà L xô xát với bà Q1, ông H trên tay cầm một đoạn ống nhựa xông vào giằng co, xô xát với bà C1. Khi đó ông Lê Thái T chạy đến dùng tay đánh nhiều cái vào người ông H, ông T vật ông H té ngã và tiếp tục dùng tay chân đá ông H gây hậu quả ông H bị thương tích tổn hại sức khỏe là 9,79% làm tròn là 10%. Nay ông H yêu cầu ông T phải bồi thường cho ông H các khoản tiền sau:
- Tiền mua thuốc do bác sĩ kê đơn: Ngày 07/01/2020 mua 335.000 đồng; ngày 15/01/2020 mua 335.000 đồng; ngày 25/01/2020 mua 335.000 đồng; ngày 03/02/2020 mua 870.000 đồng. Chi tiền để phẫu thuật 2.894.000 đồng; chi tiền nộp viện phí tại Bệnh viện P 120.000 đồng. Tiền khám tại Bệnh viện Q 35.000 đồng. Tổng cộng là: 4.924.000 đồng - Chi tiền thuê xe taxi đi điều trị: Ngày 03/01/2020: 140.000 đồng; ngày 05/01/2020: 140.000 đồng; ngày 06/01/2020: 140.000 đồng; ngày 08/01/2020: 100.000 đồng; ngày 03/02/2020 thuê 04 chuyến xe taxi 04 x 140.000 đồng = 560.000 đồng. Tiền chở đến Bệnh viện P: 155.000 đồng. Tổng cộng là: 1.235.000 đồng.
- Tiền giám định thương tích 35.000 đồng.
- Tiền bồi dưỡng trong 05 ngày nằm viện là : 05 ngày x 200.000 đồng/ngày = 1.000.000 đồng và tiền bồi dưỡng sau khi ra viện 10 ngày là: 10 ngày x 200.000 đồng = 2.000.000 đồng. Tổng cộng là 3.000.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập của ông H trong 05 ngày nằm viện là: 05 ngày x 700.000 đồng = 3.500.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập sau khi ra viện ông H không đi lao động được là 60 ngày x 700.000 đồng = 42.000.000 đồng.
- Tiền tổn thất tinh thần 30 tháng lương là: 30 tháng x 1.150.000 đồng = 34.500.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập của người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện là: 05 ngày x 400.000 đồng = 2.000.000 đồng.
Tổng cộng các khoản yêu cầu bồi thường là: 91.194.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông H rút yêu cầu về tiền giám định thương tích: 35.000 đồng; đồng thời, ông H nâng số tiền yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần là: 50 tháng x 1.490.000 đồng/tháng = 74.500.000 đồng. Do đó, tại phiên tòa ông H yêu cầu ông T phải bồi thường cho ông H tổng cộng là: 120.959.000 đồng.
Đối với thương tích gãy xương bàn V bàn tay phải của ông T, mặc dù ông T cho rằng ông H cầm đoạn ống nhựa giằng co xô xát với bà C1, ông T vào can ngăn thì bị ông H cầm đoạn ống nhựa đánh trúng vào bàn tay gây thương tích gãy xương bàn V bàn tay tổn hại sức khỏe 9%. Tuy nhiên không có cơ sở chứng minh thương tích gãy xương bàn V bàn tay phải của ông T do ông H gây ra nên ông T yêu cầu ông H bồi thường cho ông T số tiền 15.602.795 đồng là không có cơ sở, ông H không đồng ý.
Ngày 06/4/2021, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn G có đơn xin rút yêu cầu về việc yêu cầu ông H bồi thường cho ông T số tiền 15.602.795 đồng, ông H không có ý kiến gì.
Tại đơn yêu cầu phản tố ngày 29/6/2020, các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn ông Lê Thái T (ông T ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Nguyễn G) trình bày:
Vào ngày 03/01/2020, vợ ông Lê Thái T là bà Nguyễn Hoàng Diệu L đi ngang qua tiệm bán giày dép của vợ chồng ông Nguyễn Tấn H; bà Đinh Thị Q1 cố tình va vào người và dùng nước dơ tạt vào người bà L nên đã dẫn đến hai bên cãi vả nhau. Lúc đó bà Q1, ông H đã xông vào giằng co, xô xát với bà L. Khi nghe có tiếng xô xát, bà C1 chạy từ nhà qua can ngăn thì bị ông H trên tay cầm ống cây có gắn nhiều móc sắt đánh vào đầu bà C1. Lúc này, ông T đang ở trong nhà không hề biết sự việc xảy ra. Khi đó, ông P thấy việc xô xát nên gọi ông T đến. Ông T thấy mẹ là bà C1 bị ông H một tay nắm tóc, tay kia dùng cây gậy đánh vào đầu bà C1 nên ông T chạy vào can ngăn thì bị đánh trúng vào tay, ông T đánh lại ông H trúng vào mũi. Sau hai ngày tay ông T sưng to và đau nhứt nên ông T đã đến Bệnh viện Q khám và được bác sĩ chẩn đoán gãy xương bàn V tay phải, điều trị nội trú 10 ngày, tỉ lệ tổn thương là 09%.
Trên cơ sở thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm ngày 21/02/2020 ông T thống nhất với những kết quả giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N, nên tại Đơn yêu cầu phản tố ông T yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm tổng cộng là 60.032.795 đồng, nhưng tại Biên bản hòa giải ngày 10/7/2020 và ngày 19/10/2020, ông T yêu cầu ông H bồi thường tổng cộng là 15.602.795 đồng, bao gồm các khoản tiền chi phí như sau: Tiền viện phí tại Bệnh viện Q điều trị từ ngày 05/01/2020 đến ngày 14/01/2020 là 1.882.795 đồng; tiền thuốc 100.000 đồng; tiền mất thu nhập trong 09 ngày, 500.000 đồng x 09 ngày = 4.500.000 đồng; tiền bồi dưỡng sức khỏe trong 09 ngày, 200.000 đồng 09 ngày = 1.800.000 đồng; tiền công người chăm sóc trong 09 ngày, 300.000 đồng x 09 ngày = 2.700.000 đồng; chi phí xe đi và về là 150.000 đồng; tiền bồi thường tổn thất tinh thần 03 tháng lương, 1.490.000 đồng x 03 tháng = 4.470.000 đồng; tổng cộng: 15.602.795 đồng.
Tại biên bản hòa giải ngày 12/3/2021, Đơn xin rút yêu cầu ngày 06/4/2021 và tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố về buộc ông H bồi thường thiệt hại về sức khỏe như trên.
Bị đơn chỉ chấp nhận bồi thường cho ông H các khoản sau: tiền vé xe chỉ chấp nhận 01 lần đi và về là 280.000 đồng; chi phí tiền phẫu thuật: 2.894.000 đồng; 02 toa thuốc là ngày 07/01/2020 và ngày 15/01/2020 với tổng số tiền 670.000 đồng, lý do nguyên đơn còn đau; tiền nộp viện phí tại Bệnh viện P 120.000 đồng; tái khám tại Bệnh viện Q là 35.000 đồng; Tiền mất thu nhập 05 ngày trong thời gian nằm viện là 05 ngày x 500.000 đồng = 2.500.000 đồng; tiền bồi dưỡng trong 05 ngày nằm viện là 05 ngày x 200.000 đồng = 1.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần bị đơn chỉ chấp nhận 03 tháng x 1.450.000 đồng = 4.470.000 đồng; tiền mất thu nhập của người nuôi là 05 ngày x 300.000 đồng = 1.500.000 đồng; tổng cộng là 13.469.000 đồng.
Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 08/3/2021, các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bà Đinh Thị Q1 (ủy quyền tham gia tố tụng cho ông Nguyễn Tấn H) trình bày:
Bà Đinh Thị Q1 yêu cầu bà Nguyễn Hoàng Diệu L bồi thường về thiệt hại vật chất và tinh thần; do gia đình bà L gây hậu quả cho bà Q1, làm nhục bà Q1 trước đám đông, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và ảnh hưởng đến việc mua bán của bà Q1. Nên bà Q1 yêu cầu bà L phải bồi thường cho bà Q1 thiệt hại vật chất và tinh thần số tiền 26.000.000 đồng. Việc bà L yêu cầu bà Q1 bồi thường về tổn thất tinh thần số tiền 14.900.000 đồng, bà Q1 không đồng ý, vì bà Q1 không tạt nước bẩn vào người bà L và cho rằng bà L là bịa đặt, nêu ra những vấn đề không có.
Bà L đã gây thiệt hại về vật chất cho bà Q1 là giày, dép nam và nữ số lượng khoảng 50 đôi; Mũ bảo hiểm 05 cái, mỗi mũ có trị giá 150.000 đồng; xé 01 cái áo sơ mi; 01 dây chuyền bị đứt. Bà Q1 yêu cầu bà L bồi thường thiệt hại về vật chất tài sản bị hư hỏng do bà L gây ra là 10.000.000 đồng và bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần, danh dự nhân phẩm bị xâm phạm là 16.000.000 đồng, tổng cộng là 26.000.000 đồng.
Ngày 24/3/2021, bà Q1 rút yêu cầu khởi kiện đối với phần yêu cầu buộc bà L bồi thường thiệt hại về vật chất tài sản bị hư hỏng, mất mát là 10.000.000 đồng; giữ nguyên yêu cầu về việc buộc bà L bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm là 16.000.000 đồng.
Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 10/9/2020, đơn yêu cầu độc lập bổ sung ngày 17/10/2020, các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bà Nguyễn Hoàng Diệu L trình bày:
Bà Nguyễn Hoàng Diệu L yêu cầu bà Đinh Thị Q1 bồi thường tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà L bị xâm phạm là 10 tháng lương tối thiểu là 14.900.000 đồng do hành vi của bà Q1 bưng thau nước bẩn tạc vào người bà L làm bà L ướt quần áo; bà Q1 còn nói những lời thô tục nên ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, uy tín của bà L. Sau sự việc xảy ra bà L liên tục bị Công an mời đến để làm việc, làm tư tưởng bà L hoang mang, dao động và không an tâm mua bán được.
Việc bà Q1 yêu cầu bà L bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần số tiền 26.000.000 đồng, bà L không đồng ý, vì bà L không làm thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất cho bà Q1 và cho rằng bà Q1 là bịa đặt nêu ra những vấn đề không có.
Ngày 24/3/2021 bà Q1 rút yêu cầu về bồi thường thiệt hại về hư hỏng mất mát về tài sản và vẫn giữ nguyên về yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm cho bà Q1 16.000.000 đồn, thì bà L không có ý kiến gì, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Bản án dân sự số 27/2021/DS-ST ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn H về việc yêu cầu ông Lê Thái T bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm do ông T gây ra cho ông H vào ngày 03/01/2020.
Buộc ông T phải bồi thường cho ông H các khoản tiền thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Tiền thuốc, tiền chi phí phẫu thuật, tiền viện phí, tiền khám bệnh tổng số tiền là: 4.413.500 đồng; tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian nằm viện: 3.000.000 đồng; tiền thuê ta xi làm phương tiện đi lại trong quá trình điều trị: 560.000 đồng; tiền mất thu nhập của ông H trong thời gian nằm viện và điều trị: 15.000.000 đồng; tiền mất thu nhập của người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện: 2.000.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần: 14.000.000 đồng; tổng cộng là: 39.873.500 đồng.
Không chấp nhận phần yêu cầu khởi kiện của ông H về các khoản chi phí không hợp lý với số tiền là 81.085.500 đồng.
Đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu phản tố của ông T về việc yêu cầu ông H bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm là: 15.602.795 đồng.
Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Nguyễn Hoàng Diệu L về việc yêu cầu bà Đinh Thị Q1 bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho bà L là 10 tháng lương tối thiểu 14.900.000 đồng.
Không chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Đinh Thị Q1 về việc yêu cầu bà Nguyễn Hoàng Diệu L bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho bà Q1 là 16.000.000 đồng.
Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu độc lập của bà Đinh Thị Q1 về việc yêu cầu bà Nguyễn Hoàng Diệu L bồi thường thiệt hại về tài sản cho bà Q1 là 10.000.000 đồng.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Tấn H, bà Nguyễn Hoàng Diệu L, bà Đinh Thị Q1 được miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm. Buộc ông Lê Thái T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Hội đồng xét xử chấp nhận là: 1.993.675 đồng.
Bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo.
Ngày 10 và 24/6/2021, nguyên đơn ông Nguyễn Tấn H kháng cáo với nội dung: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm Sửa Bản án sơ thẩm theo hướng:
- Buộc ông Lê Thái T phải bồi thường 10% thương tật cho ông Nguyễn Tấn H do ông T gây ra với số tiền là 30.000.000 đồng.
- Buộc ông T phải bồi thường cho ông H tiền thiệt hại về tinh thần bằng ít nhất 30 tháng lương cơ sở là 1.490.000 đồng x 30 tháng = 44.700.000 đồng.
- Các phần bồi thường khác của Bản án sơ thẩm, ông H đề nghị Tòa án xem xét lại, sửa cho đúng quy định của pháp luật, khỏi gây thiệt hại cho bản thân và gia đình ông H.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông H rút phần nội dung kháng cáo về việc đề nghị Tòa án xem xét lại, sửa cho đúng quy định của pháp luật về các phần bồi thường khác của Bản án sơ thẩm, để khỏi gây thiệt hại cho bản thân và gia đình ông H; các phần nội dung kháng cáo khác ông H vẫn giữ nguyên.
Ngày 22/6/2021, bị đơn ông Lê Thái T kháng cáo với nội dung: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại các khoản sau:
- Tiền thuốc (điều trị nội trú tại bệnh viện và sau khi ra viện), tiền chi phí phẩu thuật, tiền viện phí, tiền khám bệnh tổng số tiền là: 4.413.500 đồng.
- Tiền bồi dưỡng sức khỏe trong thời gian nằm viện: 3.000.000 đồng.
- Tiền thuê taxi làm phương tiện đi lại trong quá trình điều trị: 560.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập của ông H trong thời gian nằm viện và điều trị: 15.000.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập của người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện: 2.000.000 đồng.
- Tiền tổn thất tinh thần: 14.900.000 đồng.
Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn chỉ kháng cáo 02 nội dung là tỷ lệ 10% thương tích và bồi thường tổn thất tinh thần; nội dung kháng cáo còn lại nguyên đơn không yêu cầu. Bản án sơ thẩm nhận định có nhiều chỗ nguyên đơn không đồng ý về bồi thường 10 tháng lương cơ sở. Khi khởi kiện, nguyên đơn không biết nên không vận dụng hết quy định của bồi thường tổn thất tinh thần theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015, và số tiền tháng lương cơ sở tính 1.190.000 đồng là không đúng. Đối với bồi thường tỷ lệ 10% thương tật, thì nguyên đơn thiếu sót không yêu cầu trong đơn khởi kiện, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn có yêu cầu nhưng Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu là chưa phù hợp, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận. Bản án sơ thẩm nhận định bồi thường 10 tháng lương cơ sở là 14.900.000 đồng, nhưng phần quyết định chỉ tuyên buộc 14.000.000 đồng là không đúng, đề nghị Hội đồng xét xử tính toán lại.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Sau khi phân tích, đánh giá các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến công khai tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn; chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn, sửa một phần bản án sơ thẩm về nội dung không chấp nhận hóa đơn thuốc ngày 25/01/2020 và tính lại phần bồi thường thiệt hại tiền mất thu nhập của ông H tính trong 05 ngày nằm viện là 2.500.000 đồng, tiền mất thu nhập của bà Q1, người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện 05 ngày là 1.500.000 đồng; các nội dung khác của Bản án sơ thẩm đề nghị giữ nguyên. Về án phí dân sự sơ thẩm, phúc thẩm đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút phần nội dung kháng cáo về việc đề nghị Tòa án xem xét lại, sửa cho đúng quy định của pháp luật về các phần bồi thường khác của Bản án sơ thẩm, để khỏi gây thiệt hại cho bản thân và gia đình nguyên đơn; các phần nội dung kháng cáo khác nguyên đơn vẫn giữ nguyên. Căn cứ khoản 3 Điều 289, khoản 3 Điều 298 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử chấp nhận việc nguyên đơn rút một phần nội dung kháng cáo và và đình chỉ xét xử đối với nội dung này.
[1.2] Vụ việc đánh nhau gây thương tích giữa ông Nguyễn Tấn H với ông Lê Thái T xảy ra vào ngày 03/01/2020 tại thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi. Theo Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm số 21/CSĐT ngày 21/02/2020 và các Biên bản ghi lời khai của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N đều xác định địa chỉ cư trú của ông T tại “thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi”. Trong quá trình giải quyết vụ án, tại Đơn xin sao chụp tài liệu đề ngày 16/6/2020, ông T xác định “Tôi trước đây có hộ khẩu tại phường T1, Tp. Q nhưng thực tế từ lâu tôi đã không còn sinh sống tại phường T1. Hiện nay tôi sinh sống tại địa chỉ: Thị trấn C, huyện N, tỉnh Quảng Ngãi”. Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12 Luật cư trú sửa đổi, bổ sung năm 2013 “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú” và “Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”. Như vậy, mặc dù đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Q, nhưng ông T không còn sinh sống tại đó và đã chuyển đến thị trấn C, huyện N sinh sống từ lâu, nên nơi cư trú hiện tại của ông T phải được xác định là tại thị trấn C, huyện N. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân; điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự về quyền lựa chọn của nguyên đơn trong trường hợp tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại có thể giải quyết tranh chấp. Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án này phải thuộc về Tòa án nhân dân huyện N. Lẽ ra, sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xác định địa chỉ cư trú của ông T là tại thị trấn C, huyện N và chuyển vụ án cho Tòa án nhân dân huyện N giải quyết theo thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự, nhưng việc Tòa án nhân dân thành phố Q có Quyết định đưa vụ án ra xét xử và ra Bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp là vi phạm thủ tục tố tụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn xác định kể từ khi bị đơn nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án, các văn bản tố tụng khác, kể cả Bản án sơ thẩm thì bị đơn không có ý kiến gì về việc Tòa án nhân dân thành phố Q thụ lý giải quyết vụ án và ra Bản án sơ thẩm; bị đơn chỉ kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại các khoản tiền mà Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn, không yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm để giao về cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết lại vụ án. Nguyên đơn cũng thừa nhận việc khởi kiện đến Tòa án nhân dân thành phố Q là căn cứ theo địa chỉ hộ khẩu thường trú của bị đơn, vì nguyên đơn không biết rõ quy định của pháp luật; nguyên đơn chỉ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại các khoản tiền bồi thường để không gây thiệt hại cho nguyên đơn, không yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm để giao về cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết lại vụ án.
Hội đồng xét xử nhận thấy: Đây là vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; bị đơn cũng thừa nhận đã có hành vi trái pháp luật gây ra thương tích cho nguyên đơn; Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn một khoản tiền; nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm xem xét lại các khoản tiền bồi thường, không yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm để giao về cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết lại vụ án. Như vậy, bản chất, nội dung của tranh chấp đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết, nên Hội đồng xét xử thấy rằng việc hủy Bản án sơ thẩm để giao về cho Tòa án nhân dân huyện N giải quyết theo thẩm quyền là không cần thiết, vì việc giải quyết lại cũng không làm thay đổi bản chất, nội dung của vụ án, nếu có cũng chỉ thay đổi về số tiền bồi thường, nhưng sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tốn thêm công sức, tiền của đi lại của các đương sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét, đánh giá về số tiền bồi thường theo từng nội dung kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn theo đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm đối với Thẩm phán giải quyết vụ án về vi phạm tố tụng nêu trên.
[1.3] Theo đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn có yêu cầu bị đơn phải bồi thường đối với số tiền giám định thương tích 35.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với số tiền này. Căn cứ khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải đình chỉ xét xử đối với yêu cầu này của nguyên đơn, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đình chỉ xét xử và cũng không nhận định đối với số tiền 35.000 đồng này là không đúng, vi phạm thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện và đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường số tiền giám định thương tích 35.000 đồng.
[1.4] Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải bồi thường tổng cộng số tiền 91.194.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thay đổi yêu cầu đối với số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, tăng từ 34.500.000 đồng lên 74.500.000 đồng; Tòa án cấp sơ thẩm xác định việc thay đổi này của nguyên đơn là vượt quá phạm quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu là chính xác. Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ phải xem xét đối với số tiền mà nguyên đơn khởi kiện ban đầu là 91.159.000 đồng (đã trừ đi 35.000 đồng tiền giám định thương tích mà nguyên đơn đã rút), nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại tuyên không chấp nhận đối với về các khoản chi phí không hợp lý, số tiền là 81.085.500 đồng, bao gồm luôn cả phần yêu cầu khởi kiện vượt quá là không đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[1.5] Theo số liệu về các khoản chi phí mà nguyên đơn yêu cầu tại Tòa án cấp sơ thẩm, gồm các khoản: Chi phí điều trị 4.924.000 đồng; chi phí đi lại 1.235.000 đồng; tiền bồi dưỡng sức khỏe 3.000.000 đồng; tiền mất thu nhập của ông H trong thời gian điều trị 3.500.000 đồng; tiền mất thu nhập của ông H sau khi xuất viện là 42.000.000 đồng; tiền mất thu nhập của người chăm sóc ông H trong thời gian điều trị là 2.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần là 74.500.000 đồng; như vậy, tổng số tiền mà ông H yêu cầu ông T bồi thường là 131.159.000 đồng. Tuy nhiên, số liệu mà người khởi kiện đưa ra tại phiên tòa sơ thẩm tổng cộng là 120.959.000 đồng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu nguyên đơn phải tính toán lại cho chính xác, mà lấy luôn số liệu 120.959.000 đồng để xem xét, đánh giá, từ đó tuyên không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, số tiền 81.085.500 đồng, là không chính xác, thiếu cẩn trọng.
Ngoài ra, trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm thể hiện Hội đồng xét xử sơ thẩm có đánh giá và buộc ông T phải bồi thường cho ông H tiền tổn thất về tinh thần 10 tháng lương cơ sở là 14.900.000 đồng, nhưng trong phần quyết định của Bản án, lại ghi buộc bồi thường số tiền 14.000.000 đồng là không chính xác. Sau khi tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm có Quyết định sửa chữa, bổ sung Bản án sơ thẩm nhưng không sửa chữa đối với số liệu này là thiếu sót.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cần phải rút kinh nghiệm đối với các sai phạm mà Hội đồng xét xử đã phân tích nêu trên.
[2] Theo Đơn khởi kiện đề ngày 20/4/2020 (Bút lục 40), Đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 08/5/2020 (Bút lục 11, 12), Biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 10/7/2020 (Bút lục 206, 207), các Biên bản hòa giải ngày 10/7/2020, ngày 19/10/2020 và ngày 12/3/2021 (Bút lục 192, 193, 197, 198, 199, 204, 205) đều thể hiện nội dung ông H yêu cầu ông Lê Thái T bồi thường tiền thuốc, tiền thuê xe Taxi, tiền giám định thương tật, tiền bồi dưỡng khi nằm ở bệnh viện và khi xuất viện, tiền mất thu nhập của ông H và của người chăm sóc ông H, tiền tổn thất tinh thần; không có nội dung nào thể hiện ông H yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông T bồi thường 10% tỷ lệ thương tật cho ông H; tại phiên tòa sơ thẩm, ông H rút một phần yêu cầu đối với tiền giám định thương tật, đồng thời nâng tiền bồi thường tổn thất về tinh thần từ 30 tháng lên 50 tháng lương cơ sở; hoàn toàn không đề cập đến nội dung yêu cầu buộc ông T bồi thường 10% tỷ lệ thương tật cho ông H, như khai nại của H trong đơn kháng cáo. Do ông H không khởi kiện yêu cầu buộc ông T bồi thường 10% tỷ lệ thương tật, nên Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý giải quyết đối với nội dung này là đúng quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông T phải bồi thường cho ông H các khoản tiền về chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe của người bị hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015. Vì vậy, việc ông H kháng cáo với nội dung yêu cầu buộc ông T phải bồi thường 10% thương tật, số tiền 30.000.000 đồng là không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Việc ông H cho rằng theo quy định tại khoản 2 Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015, mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa 50 tháng lương cơ sở, nên ông H yêu cầu buộc ông T phải bồi thường tiền thiệt hại về tinh thần cho ông H ít nhất 30 tháng lương cơ sở, là không có căn cứ. Bởi lẽ, mức bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm, được đánh giá dựa trên tỷ lệ thiệt hại về sức khỏe từ 1% trở lên, nên không thể đánh đồng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần của người bị tổn hại 10% tương đương với người bị tổn hại 60% hay 70% sức khỏe được. Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá dựa trên tỷ lệ thương tật 10% mà ông T gây ra cho ông H, đồng thời xác định vết thương gây ra trên mặt (mũi), ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ, từ đó buộc ông T phải bồi thường 10 tháng lương cơ sở để bù đắp tổn thất về tinh thần mà ông H phải chịu, là hợp lý và đúng quy định của pháp luật. Do đó, nội dung kháng cáo của ông H về việc buộc ông T bồi thường cho ông tổn thất về tinh thần là 30 tháng lương cơ sở, số tiền 44.700.000 đồng và nội dung kháng cáo của ông T về việc xem xét lại tiền bồi thường tổn thất tinh thần không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Đối với chi phí về tiền thuốc, tiền phẫu thuật, tiền viện phí, tiền khám bệnh 4.413.500 đồng Hội đồng xét xử thấy rằng:
[4.1] Theo Đơn thuốc ngày 07/01/2020 của Bệnh viện Q (Bút lục 28), thì ông H được kê 04 loại thuốc và liều lượng thuốc như sau: Loại thuốc thứ nhất 10 viên, sáng 01 viên, tối 01 viên; loại thuốc thứ hai 30 viên, sáng 03 viên, tối 03 viên; loại thuốc thứ ba 10 viên, sáng 01 viên, tối 01 viên; loại thuốc thứ tư 20 viên, sáng 01 viên, trưa 01 viên. Như vậy, 03 loại thuốc đầu tiên được kê sử dụng trong 05 ngày và loại thứ tư được kê sử dụng trong 10 ngày. Ông H chỉ cung cấp được cho Tòa án Đơn thuốc ngày 07/01/2020, không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh vào các ngày 15/01/2020, ngày 25/01/2020 và ngày 03/02/2020, ông mua thuốc theo Đơn thuốc chỉ định của Bác sĩ; đồng thời, tại phiên tòa sơ thẩm (Bút lục 249), cũng như tại phiên tòa phúc thẩm, ông H cũng thừa nhận ông mua không có đơn thuốc vào các ngày 15/01/2020, 25/01/2020 và ngày 03/02/2020. Như vậy, có đủ cơ sở để Hội đồng xét xử xác định việc ông H mua thuốc theo các Hóa đơn bán lẻ vào các ngày 15/01/2020, 25/01/2020 và ngày 03/02/2020 (Bút lục 29, 30, 31), là ông H tự mua uống, không theo chỉ định của Bác sĩ, nên không thuộc chi phí hợp lý cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe.
[4.2] Tại phiên tòa sơ thẩm (Bút lục 246, 248), người đại diện theo ủy quyền bị đơn xác định đồng ý bồi thường cho ông H đối với 02 Hóa đơn bán lẻ thuốc ngày 07/01/2020 và 15/01/2020; chi phí phẫu thuật; tiền nộp viện phí tại Bệnh viện P và tái khám tại Bệnh viện Q cùng ngày 21/01/2020. Vì vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận các Hóa đơn bán lẻ thuốc ngày 07/01/2020 và 15/01/2020 để tính tiền bồi thường cho ông H là phù hợp, đúng quy định. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông T phải bồi thường cho ông H số tiền 335.000 đồng mua thuốc ngày 25/01/2020 và 360.000 đồng mua 60 viên thuốc Calsiumstada vào ngày 03/02/2021 là không đúng.
[4.3] Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo này của ông T, sửa Bản án sơ thẩm về phần buộc ông T phải bồi thường cho ông H các khoản tiền mua thuốc các ngày 07/01/2020 và 15/01/2020 là 670.000 đồng; tiền chi phí điều trị nội trú từ ngày 03 – 07/01/2020 là 2.894.000 đồng; tiền viện phí ngày 21/01/2020 tại Bệnh viện Q là 34.500 đồng; tiền viện phí ngày 21/01/2020 tại Bệnh viện P là 120.000 đồng; tổng cộng là 3.718.500 đồng.
[5] Đối với chi phí tiền bồi dưỡng sức khỏe của ông H trong thời gian nằm viện 05 ngày và sau khi xuất viện 10 ngày, với mức chi mỗi ngày là 200.000 đồng (tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thống nhất với cách tính số tiền bồi dưỡng 200.000 đồng/ngày), tổng cộng là 3.000.000 đồng; tiền thuê taxi đi lại trong quá trình nhập viện, xuất viện và tái khám tổng cộng 04 lần là 560.000 đồng, đã được Tòa án cấp sơ thẩm phân tích, đánh giá theo các tài liệu, chứng cứ mà các bên đương sự đã cung cấp trong quá trình giải quyết vụ án, và quyết định buộc ông T phải bồi thường cho ông H toàn bộ các khoản tiền nêu trên là phù hợp, đúng quy định pháp luật. Ông T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét đối với các khoản tiền bồi thường nêu trên, nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho nội dung kháng cáo này, nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[6] Đối với tiền mất thu nhập của ông H trong thời gian điều trị và sau khi xuất viện; tiền mất thu nhập của người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện và thời gian tính mất thu nhập, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[6.1] Theo Bản án sơ thẩm, thu nhập 01 ngày của ông H được tính là 500.000 đồng/ngày và của bà Q1 là 400.000 đồng/ngày. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thống nhất với mức tính thu nhập 01 ngày của ông H là 500.000 đồng và của bà Q1 là 300.000 đồng. Do đó, Hội đồng xét xử tính lại tiền mất thu nhập của ông H theo mức thu nhập 01 ngày là 500.000 đồng và của người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện (bà Q1) là 300.000 đồng.
[6.2] Đối với số ngày mất thu nhập của ông H, Tòa án cấp sơ thẩm xác định 30 ngày (gồm 05 ngày nằm viện và 25 ngày sau khi xuất viện) là chưa phù hợp. Bởi lẽ, vết thương mà ông H phải chịu là tại vùng mũi, các bộ phận còn lại của cơ thể đều không bị ảnh hưởng; công việc kinh doanh của ông H là “Bán lẻ giày dép trong cửa hàng chuyên doanh” (theo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh K ngày 20/11/2019 – Bút lục 225), nên nếu cho rằng vì vết thương trên mũi, làm cho ông H sau khi xuất viện, không kinh doanh, buôn bán trong thời gian 25 ngày là không hợp lý, ông H vẫn có thể lấy hàng và giao hàng cho khách tại cửa hàng bình thường. Ông H khai nại cho rằng ông đi bỏ sỉ giày dép, nhưng vì có vết thương trên mặt nên ông không thể đi được dẫn đến mất thu nhập là chưa hợp lý, vì thực tế, Hộ kinh doanh K là do vợ chồng ông H, bà Q1 cùng kinh doanh, buôn bán, nên nếu ông H không đi giao hàng được thì bà Q1 sẽ đi giao và ông H sẽ đứng bán tại cửa hàng; đồng thời, ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh K là “Bán lẻ giày dép trong cửa hàng chuyên doanh”, không có nội dung “Bán sỉ giày dép” như ông H khai nại. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận thời gian mất thu nhập của ông H là 05 ngày nằm viện.
[6.3] Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo này ông T, tính lại số tiền mà ông T phải bồi thường tiền mất thu nhập của ông H trong thời gian điều trị trong bệnh viện; tiền mất thu nhập của người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện, cụ thể như sau:
Tiền mất thu nhập của ông H trong 05 ngày nằm viện là: 500.000 đồng x 05 ngày = 2.500.000 đồng.
Tiền mất thu nhập của bà Q1, người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện 05 ngày: 300.000 đồng x 05 ngày = 1.500.000 đồng.
[7] Từ những phân tích, nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông H; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông T, quyết định sửa Bản án dân sự sơ thẩm, chỉ buộc ông T phải bồi thường thiệt hại cho ông H các khoản tiền sau đây: các khoản tiền mua thuốc ngày 07/01/2020 và 15/01/2020, tiền chi phí điều trị nội trú, tiền viện phí ngày 21/01/2020, tổng cộng là 3.718.500 đồng; chi phí tiền bồi dưỡng sức khỏe của ông H trong thời gian nằm viện 05 ngày và sau khi xuất viện 10 ngày, là 3.000.000 đồng; tiền thuê taxi đi lại trong quá trình nhập viện, xuất viện, đi và về trong lần tái khám tổng cộng 04 lần là 560.000 đồng; tiền mất thu nhập của ông H trong 05 ngày nằm viện là 2.500.000 đồng; tiền mất thu nhập của bà Q1, người chăm sóc ông H trong thời gian ông H nằm viện 05 ngày là 1.500.000 đồng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà ông H phải chịu của 10 tháng lương cơ sở là 14.900.000 đồng; tổng cộng 26.178.500 đồng.
[8] Do tính lại số tiền bồi thường, nên án phí dân sự sơ thẩm mà ông T phải chịu cũng được tính lại như sau: 26.178.500 đồng x 5% = 1.308.925 đồng (làm tròn số 1.309.000 đồng).
[9] Về án phí phúc thẩm: Do sửa Bản án sơ thẩm, nên ông H và ông T không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.
[10] Các phần khác của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[11] Ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa không có cơ sở, không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
[11] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tại phiên tòa được Hội đồng xét xử chấp nhận vì có căn cứ và đúng pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 148; khoản 3 Điều 289, Điều 293, khoản 3 Điều 298, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 588, 590 và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015; Điểm d, khoản 1 Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chấp nhận việc rút một phần nội dung kháng cáo của ông Nguyễn Tấn H. Đình chỉ xét xử phần kháng cáo của ông H về việc đề nghị Tòa án xem xét lại, sửa cho đúng quy định của pháp luật về các phần bồi thường khác của Bản án sơ thẩm, để khỏi gây thiệt hại cho bản thân và gia đình ông H.
- Không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Nguyễn Tấn H;
- Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông Lê Thái T;
- Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 27/2021/DS-ST ngày 09 tháng 6 năm 2021 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.
Tuyên xử:
1. Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Tấn H về việc yêu cầu ông Lê Thái T phải bồi thường chi phí giám định thương tích, số tiền 35.000 đồng (Ba mươi lăm ngàn đồng) cho ông H.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Tấn H. Buộc ông Lê Thái T phải bồi thường thiệt hại cho ông H số tiền 26.178.500 đồng (Hai mươi sáu triệu, một trăm bảy mươi tám ngàn, năm trăm đồng), bao gồm các khoản tiền sau đây:
- Các khoản tiền mua thuốc ngày 07/01/2020 và 15/01/2020, tiền chi phí điều trị nội trú, tiền viện phí ngày 21/01/2020, tổng cộng là 3.718.500 đồng.
- Chi phí tiền bồi dưỡng sức khỏe của ông Nguyễn Tấn H trong thời gian nằm viện 05 ngày và sau khi xuất viện 10 ngày, tổng cộng là 3.000.000 đồng.
- Tiền thuê taxi đi lại trong quá trình nhập viện, xuất viện, đi và về của lần tái khám ngày 21/01/2020 tổng cộng 04 lần là 560.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập của ông Nguyễn Tấn H trong 05 ngày nằm viện là 2.500.000 đồng.
- Tiền mất thu nhập của bà Đinh Thị Q1, là người chăm sóc ông Nguyễn Tấn H trong thời gian ông H nằm viện 05 ngày là 1.500.000 đồng.
- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà ông Nguyễn Tấn H phải chịu là 14.900.000 đồng.
3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Tấn H về việc yêu cầu ông Lê Thái T phải bồi thường số tiền 64.980.500 đồng (Sáu mươi bốn triệu, chín trăm tám mươi ngàn, năm trăm đồng).
4. Đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn ông Lê Thái T về việc yêu cầu ông Nguyễn Tấn H bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, số tiền 15.602.795 đồng (Mười lăm triệu, sáu trăm lẻ hai ngàn, bảy trăm chín mươi lăm đồng) cho ông T.
5. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đinh Thị Q1 về việc yêu cầu bà Nguyễn Hoàng Diệu L bồi thường thiệt hại về tài sản, số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng) cho bà Q1.
6. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đinh Thị Q1 về việc yêu cầu bà Nguyễn Hoàng Diệu L bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, số tiền 16.000.000 đồng (Mười sáu triệu đồng) cho bà Q1.
7. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Hoàng Diệu L về việc yêu cầu bà Đinh Thị Q1 bồi thường tổn thất tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, số tiền 14.900.000 đồng (Mười bốn triệu, chín trăm ngàn đồng) cho bà L.
8. Về án phí dân sự:
8.1. Ông Lê Thái T phải chịu 1.309.000 đồng (Một triệu, ba trăm lẻ chín ngàn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.
8.2. Ông Nguyễn Tấn H, bà Đinh Thị Q1, bà Nguyễn Hoàng Diệu L được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm.
9. Về án phí phúc thẩm: Ông Nguyễn Tấn H, ông Lê Thái T không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm; bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm số 35/2021/DS-PT
Số hiệu: | 35/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Ngãi |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về