Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 25/2021/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM SỐ 25/2021/DS-PT NGÀY 31/08/2021

Ngày 31 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 16/2021/TLPT-DS ngày 27 tháng 7 năm 2021 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 20/2021/QĐ-PT ngày 04 tháng 8 năm 2021, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Anh Phạm Quang H, sinh năm 1974;

Địa chỉ: Thôn Â, xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Trần Văn Lý - Luật sư, Văn phòng luật sư số 1, Vĩnh Phúc; địa chỉ: Số 14, đường Nguyễn Tr, phường Liên B, thành phố Vĩnh Y, tỉnh Vĩnh Phúc, có mặt.

* Bị đơn: - Anh Nguyễn Văn H1, sinh năm 1979;

Địa chỉ: Tổ dân phố L, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, có mặt.

- Anh Trần Đình Đ, sinh năm 1984;

Địa chỉ: Thôn C, xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, có mặt.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1982;

- Chị Cao Thị Minh G, sinh năm 1989;

Cùng địa chỉ: Tổ dân phố L, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, anh D và chị G vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện, các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn, người đại diện của nguyên đơn trình bày:

Khoảng đầu tháng 4/2019, anh Phạm Quang H (nguyên đơn), trao đổi mua bán với ông Đoàn Văn T, sinh năm 1950, trú tại thôn Đồng Trôi, xã T, huyện S, theo đó anh H mua đất của ông Thức để múc đất san lấp nền nhà văn hóa thôn Đ, xã T, huyện S (là đất đồi, diện tích khoảng 4000m2, gần nhà ông T). Anh H thuê anh Nguyễn Văn H1 (bị đơn) có máy xúc đào thực hiện (máy đào bánh lốp, nhãn hiệu VOLVO EW145B, chủ máy xúc là anh Nguyễn Văn D và anh Nguyễn Văn H1, do H1 quản lý), giá thuê máy là 37.000.000đ/tháng (Ba mươi bảy triệu đồng một tháng); anh H1 thuê Trần Đình Đ (bị đơn), điều khiển, vận hành máy xúc đào trên để đào đất đồi nhà ông T, thỏa thuận anh H1 trả công lái máy xúc cho anh Đ là 8.000.000đ/tháng (Tám triệu đồng một tháng). Quá trình múc đất, anh H phát hiện có quặng nên thuê người lắp đặt bàn rung để khai thác quặng, H thuê ông T, ông Phạm Ngọc H2, sinh năm 1974, chị Phạm Thị H3, sinh năm 1983, Trần Thị X, sinh năm 1983, cùng trú tại thôn Đ, xã T, huyện S nhặt quặng cho H.

Khoảng 07 giờ ngày 13/4/2019, anh Đ điều khiển máy xúc bắt đầu làm việc (điều khiển máy xúc tiến đến vị trí bàn rung và múc đá, quặng sau đó điều khiển máy xúc đi lùi và đổ gần vị trí ông T, H2, H3, X, H ngồi nhặt quặng). Do trước khi cho máy vận hành, Đ không yêu cầu những người không có phận sự rời khỏi khu vực bán kính làm việc của máy xúc (bán kính đào lớn nhất 7770mm), nên khoảng 09 giờ 30 phút cùng ngày, máy xúc do Đ điều khiển khi lùi đã đè trúng người anh H đang ngồi nhặt quặng ở phía sau máy xúc. Hậu quả anh H phải đi bệnh viện cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang; Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ và Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, Hà Nội.

Tại Kết luận giám định pháp y về thương tích số 170 ngày 25/7/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Tuyên Quang, kết luận thương tích của Phạm Quang H như sau: Tổn thương màng phổi đơn thuần đã dẫn lưu màng phổi không để lại di chứng: 05%; Tổn thương hậu môn trực tràng làm hậu môn nhân tạo: 41%; Tổn thương bàng quang đã phẫu thuật: 26%; Vỡ khung chậu, vỡ ổ cối bên phải, chật khớp mu: 35%; Gẫy đầu trên xương đùi bên phải đã phẫu thuật kết hợp xương: 30%; Mất da bẹn bừu trái đã khâu phục hồi, tinh hoàn trái di động kém: 01%; Các sẹo vết thương và sẹo phẫu thuật: 10%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 83%. Thương tích là do vật tầy tác động trực tiếp gây nên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2019/HSST ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang đã xử phạt Trần Đình Đ 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 139 Bộ luật hình sự.

Về bồi thường dân sự, anh Trần Đình Đ và anh Nguyễn Văn H1 đã bồi thường số tiền 102.000.000 đồng (trong đó có 55.000.000 đồng do anh Nguyễn Văn H1 đưa cho Đ để bồi thường cho bị hại).

Bên nguyên đơn xác định trong sự việc trên, lỗi của ông H không đáng kể, lỗi là do anh Đ không chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn trong khi vận hành máy xúc. Anh H1 là chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm khi giao phương tiện không đủ điều kiện vận hành (không có gương chiếu hậu) cho anh Đ. Xác định lỗi của anh H chiếm 10%, còn 90% lỗi là do anh Đ và anh H1.

Sau khi kiểm tra, đối chiếu chứng từ thanh toán cho việc khám, điều trị. Bên nguyên đơn xác định tổng thiệt hại là 937.272.000đ (Chín trăm ba mươi bảy triệu, hai trăm bảy mươi hai nghìn đồng). Trừ phần lỗi 10% của ông H và số tiền 102.000.000 đồng đã bồi thường. Nay bên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn anh Nguyễn Văn H1 và anh Trần Đình Đ phải liên đới bồi thường thêm số tiền là 741.544.800đ (Bảy trăm bốn mươi mốt triệu, năm trăm bốn mươi bốn nghìn, tám trăm đồng).

Ngày 22/01/2021, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ là các hóa đơn bán lẻ (mua bỉm) của Đại lý Chín Tiến, có địa chỉ tại Thôn  (Chợ Xoan), xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, gồm:

Hóa đơn ngày 01/6/2019, số tiền 1.000.000 đồng; hóa đơn ngày 01/9/2019, số tiền 3.500.000 đồng; hóa đơn ngày 01/12/2019, số tiền 4.000.000 đồng; hóa đơn ngày 20/01/2020, số tiền 4.000.000 đồng; hóa đơn ngày 01/3/2020, số tiền 4.000.000 đồng; hóa đơn ngày 15/4/2020, số tiền 5.000.000 đồng; hóa đơn ngày 01/5/2020, số tiền 4.500.000 đồng; hóa đơn ngày 01/7/2020, số tiền 4.000.000 đồng; hóa đơn ngày 01/10/2020, số tiền 4.500.000 đồng; hóa đơn ngày 01/12/2020, số tiền 4.500.000 đồng. Tổng tiền mua bỉm là 39.000.000 đồng, trừ 10% lỗi của anh H, còn lại là 35.100.000đ (Ba mươi lăm triệu, một trăm nghìn đồng).

Tổng cộng số tiền thiệt hại bên nguyên đơn xác định: 937.272.000 đồng + 39.000.000 đồng = 976.272.000 đồng, trừ 10% lỗi của nguyên đơn (97.627.200 đồng), còn 878.644.800 đồng và 102.000.000 đồng (đã bồi thường). Số tiền còn lại là 776.644.800đ (Bảy trăm bảy mươi sáu triệu, sáu bốn mươi bốn nghìn, tám trăm đồng) yêu cầu bên bị đơn phải liên đới bồi thường, trong đó bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng một lần là 270.000.000 đồng, nếu anh H1 và anh Đ không nhất trí cấp dưỡng một lần thì yêu cầu bên bị đơn phải cấp dưỡng hàng tháng, mỗi tháng 3.000.000đ (Ba triệu đồng) cho đến khi ông H chết. Mức cấp dưỡng nêu trên là đã trừ phần lỗi của ông H.

Bị đơn anh Trần Đình Đ trình bày:

Bản thân anh có lỗi là vô ý gây thương tích cho anh Phạm Quang H, đã bị Tòa án nhân dân huyện S xét xử bằng bản án hình sự sơ thẩm số 124/2019/HSST ngày 19 tháng 11 năm 2019. Hiện nay anh bị cấm hành nghề lái máy xúc, không có nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định nên không có khả năng thanh toán số tiền mà bên nguyên đơn yêu cầu bồi thường.

Trong quá trình anh H điều trị tai bệnh viện anh và anh H1 đã cùng nhau bồi thường cho anh H số tiền 102.000.000đ (Một trăm linh hai triệu đồng). Trong đó anh H1 bồi thường 55.000.000 đồng; anh bồi thường 47.000.000 đồng.

Anh không nhất trí bồi thường thêm cho anh Phạm Quang H số tiền 776.644.800đ và tiền cấp dưỡng theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hiện tại anh chỉ có khả năng bồi thường thêm số tiền 60.000.000 đồng.

Bị đơn anh Nguyễn Văn H1 trình bày:

Anh không có trách nhiệm gì đối với sự việc anh Trần Đình Đ vô ý gây thương tích cho anh Phạm Quang H, không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Số tiền 55.000.000 đồng anh đưa cho anh Đ bồi thường cho gia đình anh H là anh hỗ trợ cho anh Đ, không yêu cầu anh Đ trả lại.

Đối với máy xúc đào (máy đào bánh lốp) nhãn hiệu VOLVO EW145B, số khung EW145V10042, số động cơ 00986633, chủ phương tiện là anh Nguyễn Văn D và anh (H1), vì khi mua máy xúc thì anh góp 50.000.000 đồng cùng với anh D để mua, chị G (vợ anh D) không liên quan đến máy xúc. Từ khi anh D đi xuất khẩu lao động vào tháng 12/2017 đến khi xảy ra tai nạn (ngày 13/4/2019) thì chiếc máy xúc này do một mình anh quản lý, khai thác, sử dụng; cụ thể làm những công việc gì đều do mình anh quyết định, giữa anh với anh D không thỏa thuận cụ thể về việc chia lợi nhuận từ máy xúc này, cũng trong thời gian này thì việc khai thác, sử dụng máy xúc không có hiệu quả, không có lợi nhuận nên anh và anh D không có tiền để chia cho nhau.

Khi xảy ra tai nạn thì máy xúc đào không có gương chiếu hậu theo như biên bản kiểm tra phương tiện của cơ quan điều tra là đúng.

Về hợp đồng thuê máy xúc giữa anh với anh Phạm Quang H: Hai bên không lập hợp đồng bằng văn bản, mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau, cụ thể anh H thuê máy xúc thì phải trả cho anh 37.000.000đ/tháng (Ba mươi bảy triệu đồng một tháng); anh thuê Trần Đình Đ, sinh năm 1984, trú tại Thôn C, xã T, huyện S điều khiển máy xúc, anh trả công lái máy xúc cho anh Đ là 8.000.000đ/tháng (Tám triệu đồng một tháng). Còn trong quá trình sử dụng máy xúc thì do bên thuê máy là anh H được toàn quyền sử dụng, hỏng hóc, tiền dầu, mỡ ... cũng do anh H chịu chi phí trong thời gian thuê.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Cao Thị Minh G trình bày:

Chị là vợ anh Nguyễn Văn D, sinh năm 1982 cùng địa chỉ Tổ dân phố L, thị trấn S, huyện S, tỉnh Tuyên Quang. Hiện tại chồng chị đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (đi từ tháng 12/2017 đến nay), về địa chỉ cụ thể của anh D ở Đài Loan thì chị không biết, nhưng vợ chồng vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua Zalo hoặc facebook.

Chị xác định chiếc máy xúc đào (máy đào bánh lốp) nhãn hiệu VOLVO EW145B, số khung EW145V10042, số động cơ 00986633 là tài sản chung của vợ chồng anh chị, nhưng trên thực tế việc mua, quản lý, sử dụng chiếc máy xúc này đều do một mình anh D thực hiện, chị không nắm được; tiền mua máy xúc cũng là tiền của anh D. Sau khi mua máy xúc về làm thì cũng không hiệu quả, nên đến tháng 12/2017 thì anh D đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, giữa anh D với anh H1 thỏa thuận bàn giao chiếc máy xúc trên như thế nào thì chị không nắm được, chỉ biết sau đó thì anh H1 có sử dụng máy xúc để đi làm, cụ thể anh H1 làm cho ai, ở đâu, thuê ai lái máy thì chị không nắm được, cũng không thấy anh H1 thông báo về lợi nhuận có được từ máy xúc, việc sửa chữa hỏng hóc ...Từ ngày anh H1 nhận máy xúc và đi làm chưa thấy anh H1 đưa bất kỳ khoản tiền lợi nhuận nào cho chị.

Ngày 13/4/2019 tại thôn Đồng Trôi, xã T, huyện S, tỉnh Tuyên Quang, anh Trần Đình Đ, sinh năm 1984, trú tại Thôn C, xã T, huyện S điều khiển chiếc máy xúc đào (máy đào bánh lốp) nhãn hiệu VOLVO EW145B, số khung EW145V10042, số động cơ 00986633 gây tại nạn cho anh Phạm Quang H thì chị cũng chỉ biết qua việc anh H1 thông báo lại. Sau đó chị có thông báo cho anh D đang ở bên Đài Loan biết sự việc, và anh D có ủy quyền cho anh H1 để giải quyết (Giấy ủy quyền ngày 23/6/2019).

Việc bồi thường dân sự trong vụ tai nạn do Trần Đình Đ gây ra: Bản thân anh H1 đã đưa cho Đ số tiền 55.000.000đ (Năm mươi lăm triệu đồng) để Đ bồi thường cho anh H. Tổng số tiền Đ đã bồi thường cho anh H được 102.000.000đ (Một trăm linh hai triệu đồng). Nay bên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn anh Nguyễn Văn H1 và anh Trần Đình Đ phải liên đới bồi thường thêm thì vợ chồng chị (D, Gi) xác định anh chị không liên quan đến nghĩa vụ bồi thường; trách nhiệm bồi thường thuộc anh H1 với anh Đ, còn mức bồi thường bao nhiêu do các bên thương lượng, thỏa thuận.

Vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ nhưng không thoả thuận được. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 18/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang, đã quyết định:

Căn cứ khoản 6 Điều 26, Điều 35; 39; 147, 266, 471, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 590, 288, 587 và Điều 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễm, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc bị đơn anh Nguyễn Văn H1, Trần Đình Đ phải liên đới bồi thường cho anh Phạm Quang H số tiền 350.656.262 đồng, trừ 102.000.000 đồng đã bồi thường. Anh H1 và anh Đ còn phải liên đới bồi thường số tiền 248.656.262đ (Hai trăm bốn mươi tám triệu, sáu trăm năm mươi sáu nghìn, hai trăm sáu mươi hai đồng).

Trong đó: Anh Trần Đình Đ phải bồi thường 198.459.400đ (Một trăm chín mươi tám triệu, bốn trăm năm mươi chín nghìn, bốn trăm đồng); anh Nguyễn Văn H1 phải bồi thường 50.197.000đ (Năm mươi triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn đồng).

Khoản tiền phải bồi thường kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của nguyên đơn, nếu bị đơn chậm trả thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với khoản yêu cầu cấp dưỡng 3.000.000 đồng/tháng và khoản yêu cầu còn lại 377.707.283 đồng, trong đó bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng một lần là 270.000.000 đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên án phí, lãi suất chậm thi hành án, quyền kháng cáo bản án của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/5/2021, anh Phạm Quang H có đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 18/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang. Đề nghị buộc anh Nguyễn Văn H1 là chủ sử dụng lao động, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chịu trách nhiệm bồi thường cho anh H; Buộc anh H1 và anh Trần Đình Đ phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng đến khi anh H chết và đề nghị xác định lại tỉ lệ lỗi của anh H1 và anh Đ là 90%.

Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo với ba nội dung cụ thể:

- Về người bồi thường: Anh H1 là người sử dụng lao động đối với anh Đ, chủ sở hữu máy xúc là nguồn nguy hiểm cao độ, nên anh H1 phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh H.

- Về tỷ lệ lỗi: Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thừa nhận anh H nhận công trình mua đất đào xúc để san lấp mặt bằng, nhưng anh H1 là người chủ trì việc thi công, sử dụng lao động. Lỗi của anh H không đáng kể, lỗi là do anh Đ không chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn trong khi vận hành máy xúc. Anh H1 là chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm khi giao phương tiện không đủ điều kiện vận hành (không có gương chiếu hậu) cho anh Đ. Do đó, lỗi của anh H chiếm 10%, còn 90% lỗi là do anh Đ và anh H1.

- Về tiền cấp dưỡng, đề nghị anh H1 và anh Đ cấp dưỡng cho anh H một lần là 270.000.000 đồng hoặc 3.000.000 đồng/01 tháng cho đến khi anh H chết.

Ngoài ra, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn còn bổ sung thêm yêu cầu kháng cáo về khoản tiền bồi thường tổn thất về sức khỏe. Cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận 42 tháng lương tối thiều là thấp so với mức tổn thất về sức khỏe (83%) anh H phải chịu, đề nghị tăng tiền bồi thường lên mức cao nhất là 50 tháng lương tối thiểu theo quy định tại Điều 590 BLDS, như vậy số tiền bồi thường sẽ tăng lên là 11.920.000 đồng.

Bị đơn anh Nguyễn Văn H1 có ý kiến: Anh và anh H có thỏa thuận với nhau (thỏa thuận bằng miệng không lập thành văn bản), anh cho anh H thuê máy xúc để san lấp mặt bằng nhà văn hóa thôn Đồng Trôi. Công việc cụ thể như thế nào anh không rõ, anh H tự chịu chi phí bảo quản và sắp xếp quy trình đào, đổ, vận chuyển đến nơi san lấp, giá thuê là 37.000.000đ/ 01 tháng. Anh có thuê anh Đ lái máy xúc, anh trả lương cho anh Đ là 8.000.000đ/01 tháng trong số tiền 37.000.000 đồng. Khi giao máy xúc và người vận hành máy (anh Đ) cho anh H, anh Đ làm việc theo sự quản lý, chỉ đạo của anh H (chủ công trình). Anh H1 không biết việc anh H thuê lắp đặt bàn rung đào quặng, không biết việc anh H và anh Đ thỏa thuận đào đất để lấy quặng, nên khi tai nạn xảy ra anh không có mặt tại hiện trường, chỉ khi anh Đ thông báo cho anh anh mới biết được. Qua kết quả điều tra của Công an huyện S trong vụ án hình sự thì tai nạn lao động xảy ra là trong quá trình anh Đ đào đất để thu quặng cho anh H, việc đào đất thu quặng là ngoài phạm vi thỏa thuận ban đầu (đào đất san lấp mặt bằng) giữa anh H1 và anh H. Do đó, anh H1 không nhất trí bồi thường với mức độ lỗi 90% như ý kiến của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, sau sự việc xảy ra bản thân anh H1 cũng đã hỗ trợ cho anh H 55.000.000 đồng.

Bị đơn anh Trần Đình Đ có ý kiến: Anh Đ được anh H1 thuê vận hành máy xúc để đào đất san lấp mặt bằng cho anh H, công việc thực hiện theo sự quản lý, chỉ đạo của anh H (chủ công trình). Công việc của anh Đ là đào đất xúc lên xe ôtô (ôtô do anh H thuê) để chuyển đến nơi san lấp mặt bằng, mọi sinh hoạt, ăn trưa hay chi phí phát sinh khác đều do anh H chi trả. Sau khi đào đất được khoảng 10 ngày thì khu vực đào đất phát hiện có quặng nên anh H đã bảo anh Đ đào đất để lắp đặt bàn rung thu nhặt quặng, việc thu nhặt quặng là phát sinh thêm trong quá trình làm việc. Đến ngày 13/4/2019, vào lúc hơn 09 giờ khi anh Đ đang múc đất đào quặng và cho xe lùi ra khoảng 2m để quay gầu đổ đất, việc múc đất và lùi lại 2m đã được anh Đ thực hiện nhiều lần lặp đi lặp lại (2m là mức an toàn để quay một vòng gầu) thì đè trúng vào người anh H ngồi phía sau máy xúc. Anh Đ xác định khi đó anh H chỉ ngồi sau máy xúc anh đang hoạt động khoảng hơn 1m (rơi vào điểm mù) nếu có gương chiếu hậu anh cũng không nhìn thấy được. Việc anh H chỉ đạo anh đào đất để nhặt quặng có thỏa thuận trước với anh H1 hay không thì anh không biết, anh chỉ làm việc theo sự chỉ đạo của anh H. Cấp sơ thẩm buộc anh và anh H1 liên đới bồi thường với mức lỗi 70% anh không nhất trí, tuy nhiên anh thấy anh H bị tổn thất về sức khỏe 83% nên anh không không kháng cáo. Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị anh và anh H1 phải liên đới chịu 90% lỗi anh không nhất trí.

Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên toà phúc thẩm:

Về tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của nguyên đơn anh Phạm Quang H trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm nên được công nhận là hợp lệ.

Về nội dung vụ án: Việc thỏa thuận giữa anh H và anh H1, anh H thuê máy xúc của anh H1 là thuê theo tháng (thuê toàn bộ máy), anh H1 là chủ sở hữu máy xúc nhưng anh H1 đã giao máy xúc cho anh H chiếm hữu, sử dụng. Khi thực hiện công việc, theo thỏa thuận giữa anh H và anh H1 là đào đất san lấp mặt bằng nhưng khi đào đất phát hiện có quặng, anh H đã chỉ đạo anh Đ (người vận hành máy xúc) đào đất thu nhặt quặng là công việc mới phát sinh thêm. Vì vậy, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị áp dụng Điều 601 BLDS buộc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ anh H1 chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho anh H với mức độ lỗi 90% là không có căn cứ.

Về yêu cầu tăng mức bồi thường tổn thất về sức khỏe bằng 50 tháng lương cơ sở do anh H bị thương tích 83%. Xét thấy, 50 tháng lương cơ sở là mức bồi thường tối đa theo quy dịnh của pháp luật, cấp sơ thẩm đã căn cứ vào mức độ lỗi của các bên để xác định mức bồi thường tương đương với mức độ lỗi. Thực tế anh H bị tổn hại về sức khỏe 83% không thuộc trường hợp tổn thất vĩnh viễn nên không có căn cứ chấp nhận bồi thường 50 tháng lương cơ sở như đề nghị của người đại diện theo ủy quyền.

Về yêu cầu anh H1 và anh Đ cấp dưỡng cho anh H một lần là 270.000.000 đồng hoặc cấp dưỡng theo tháng 3.000.000 đồng/01 tháng. Xét thấy, anh H sau khi điều trị không thuộc trường hợp mất khả năng lao động vĩnh viễn vẫn có thể tự sinh hoạt cá nhân và làm những công việc nhẹ được nên không chấp nhận yêu cầu này.

Về nội dung nguyên đơn đề nghị xác định mức lỗi của anh H 10%, anh H1 và anh Đ 90%. Thấy rằng, anh H thuê máy xúc của anh H1, anh H1 thuê anh Đ là người vận hành máy xúc, anh Đ làm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu và sắp xếp công việc của anh H (chủ công trình), cấp sơ thẩm xác định trách nhiệm và lỗi anh H phải chịu 30% là có lợi cho anh H.

Ngoài ra anh H1 và anh Đ cho rằng mức bồi thường như án sơ thẩm đã tuyên là quá cao, nhưng vì anh H bị tai nạn nặng nên không kháng cáo và chấp nhận cố gắng bù đắp cho anh H, do đó không đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn anh Phạm Quang H do ông Trần Văn Lý làm đại diện theo ủy quyền, giữ nguyên nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS - ST, ngày 18/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang.

Về án phí dân sự phúc thẩm: Anh Phạm Quang H yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm nên được miễn nộp toàn bộ án phí theo quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Ngày 28/5/2021 anh Phạm Quang H có đơn kháng cáo đối với bản án dân sự số 07/2021/DS-ST, ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang. Việc kháng cáo được thực hiện trong thời hạn luật định, nội dung kháng cáo và quyền kháng cáo phù hợp với quy định của pháp luật, đơn kháng cáo của anh H là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

Quá trình giải quyết vụ án do xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Văn D sử dụng hộ chiếu C4030025 xuất cảnh sang Đài Loan hiện nay anh D chưa nhập cảnh về Việt Nam. Chị Cao Thị Minh G (vợ anh D) xác định anh chị không quản lý, sử dụng chiếc máy xúc này mà do một mình anh H1 quyết định, khi anh H1 cho anh H thuê lại máy xúc anh D và chị G cũng không nắm được. Vì vậy, xét thấy anh D, chị G không tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm, việc vắng mặt được các đương sự đồng ý là hợp lý, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người liên quan anh D, chị G.

[2] Về nội dung vụ án:

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 124/2019/HSST ngày 19/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên quang: Căn cứ kết luận giám định pháp y về thương tích số 170/2019/TgT ngày 25/7/2019 của trung tâm pháp y tỉnh Tuyên Quang, kết quả Điều tra vụ án hình sự, đủ cơ sơ xác định vào khoảng 09 giờ 30 phút ngày 13/4/2019, anh Trần Đình Đ điều khiển máy xúc tiến đến vị trí bàn rung múc đá, quặng sau đó điều khiển máy xúc đi lùi đã đè trúng người anh H đang ngồi nhặt quặng ở phía sau máy xúc. Hậu quả làm anh H bị tổn thương màng phổi, tổn thương hậu môn, tổn thương bàng quang, vỡ khung chậu, gẫy đầu xương đùi..., tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 83%, đã xử phạt anh Trần Đình Đ 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng cải tạo không giam giữ về tội “Vô ý gây thương tích do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 139 Bộ luật hình sự. Trong vụ án hình sự đã xác định anh Trần Đình Đ đã bồi thường cho anh Phạm Quang H số tiền 102.000.000đ (Một trăm linh hai triệu đồng) nhưng nguyên đơn đề nghị tách phần dân sự giải quyết riêng nên chưa giải quyết. Sau khi Bản án hình sự số 124/2019/HSST ngày 19/11/2019 nêu trên có hiệu lực thi hành, anh Phạm Quang H thu thập, thêm tài liệu mới, khởi kiện yêu cầu bồi thường và đề nghị trừ số tiền đã nhận trước 102.000.000 đồng. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe là đúng đối tượng, thẩm quyền quy định của pháp luật.

[3] Về nội dung kháng cáo:

[3.1] Nguyên đơn anh Phạm Quang H và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị anh Nguyễn Văn H là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho anh H, Hội đồng xét xử xét thấy:

Anh Phạm Quang H thuê máy xúc (thuê toàn bộ máy) của anh Nguyễn Văn H1 theo tháng với giá thuê 37.000.000 đồng/01 tháng, anh H1 thuê anh Trần Đình Đ là người vận hành máy xúc với tiền công là 8.000.000 đồng/01 tháng trong số tiền 37.000.000 đồng, anh Đ trực tiếp thực hiện nội dung công việc do anh H giao cho. Quá trình thực hiện công việc phát hiện trong đất có quặng, anh H đã cho người lắp đặt bàn rung, chỉ đạo anh Đ đào múc đất thu nhặt quặng và thuê thêm nhiều người nhặt quặng. Như vậy, tuy anh H1 là chủ sở hữu máy xúc nhưng anh H mới là người trực tiếp chiếm hữu và sử dụng máy xúc để thực hiện công việc đào đất san lấp mặt bằng.Tại giai đoạn điều tra vụ án hình sự và tại các phiên tòa, nguyên đơn và các bị đơn cũng đều thừa nhận việc thuê đào đất để thu nhặt quặng là công việc mới phát sinh thêm không có trong thỏa thuận ban đầu (múc đất san lấp mặt bằng) giữa anh H1 (chủ phương tiện) và anh H (chủ công trình). Mặt khác, trong ngày xảy ra sự việc anh H1 cũng không có mặt tại hiện trường, không tác động đến công việc giữa anh Đ và anh H, việc tai nạn xảy ra là do anh Đ (người điều khiển máy xúc) trực tiếp gây ra. Vì vậy, anh H và người đại diện theo ủy quyền của anh H đề nghị anh Nguyễn Văn H1 là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ cho anh H là không có có sở.

[3.2] Về nội dung đề nghị buộc anh Nguyễn Văn H và anh Trần Đình Đ phải liên đới chịu trách nhiệm cấp dưỡng đến khi anh H chết, xét thấy:

Tại biên bản xác minh ngày 09/9/2020 (bút lục 358), tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xác minh tại nơi cư trú của anh H (Thôn Â, xã T, huyện S) xác định: Thời điểm anh H bị tai nạn anh không lao động được nhưng sau khi điều trị một thời gian hiện nay anh H có thể đi lại trong nhà, những việc vệ sinh cá nhân anh tự làm được. Tại khoản 1 Điều 593 BLDS quy định về thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm “Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Bản thân anh H sau điều trị không thuộc trường hợp bị mất hoàn toàn khả năng lao động và cần có người chăm sóc vĩnh viễn. Vì vậy, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu cấp dưỡng của anh H đến khi chết là có căn cứ.

[3.3] Về nội dung đề nghị: Xác định tỉ lệ lỗi của anh Nguyễn Văn H1 và anh Trần Đình Đ là 90%, xét thấy:

Anh H là người thuê máy xúc (thuê theo tháng) và người vận hành máy xúc của anh Nguyễn Văn H1 để san lấp mặt bằng. Khi phát hiện trong đất có quặng, anh H đã thống nhất với anh Đ việc đào đất đổ ra vị trí khác để thu nhặt quặng. Mặc dù việc thuê máy không lập thành văn bản, không có hợp đồng thuê máy chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng nhưng việc thỏa thuận này đã được các bên thừa nhận và được coi là giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 119 BLDS.

Quá trình giải quyết vụ án các đương sự đều xác định anh H là người mua đất của ông Đoàn Văn T rồi mới thuê máy xúc của anh H1 để thực hiện việc múc đất san lấp mặt bằng, anh H là chủ công trình thi công, là người quản lý, xác định phạm vi múc đất và vận chuyển đất đến nơi san lấp mặt bằng. Khi phát hiện trong đất có quặng anh H đã chủ động bố trí vị trí, khoảng cách, phương thức vận hành máy để thu quặng, tuyển quặng và nhặt quặng. Tuy nhiên, anh H là chủ công trình nhưng đã không tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động (cắm biển báo, căng dây khu vực nguy hiểm…), mà ngồi vào đúng vị trí phía sau máy xúc anh Đ đang hoạt động đi lại trùng lặp nhiều lần, dẫn đến tai nạn xảy ra cho chính bản thân anh H. Như vậy cấp sơ thẩm xác định lỗi của anh H 30% là đã có lợi cho anh H.

Đối với anh H1 là chủ sở hữu phương tiện nhưng có lỗi là không kiểm tra máy xúc không có gương chiếu hậu mà đã cho anh H thuê máy và giao máy xúc cho anh Đ vận hành; còn đối với anh Trần Đình Đ có lỗi là khi nhận máy xúc không có gương chiếu hậu nhưng vẫn cho máy vận hành, quá trình vận hành theo yêu cầu của anh H không có quy ước rõ ràng, chặt chẽ về điều kiện an toàn lao động. Do vậy, cấp sơ thẩm xác định lỗi của anh H1 và anh Đ là 70%, trong đó chia ra: anh Đ là người có lỗi chính, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của anh H là 70%, phần lỗi của anh H1 là 30% là phù hợp.

[3.4] Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đề nghị tăng mức bồi thường tổn thất về sức khỏe lên mức tối đa 50 tháng lương cơ sở theo quy định tại Điều 590 BLDS. Xét thấy, đây là nội dung kháng cáo mới được bổ sung thêm tại phiên tòa, ngoài nội dung kháng cáo ban đầu, hơn nữa trong vụ án này còn có một phần lỗi của nguyên đơn nên không có căn cứ chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn anh Phạm Quang H không có tài liệu, chứng cứ nộp bổ sung so với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập tại giai đoạn giải quyết sơ thẩm để chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn anh Phạm Quang H, cần giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của anh Phạm Quang H nên anh H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Tuy nhiên, anh H yêu cầu về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm nên không phải chịu án phí theo quy định tại Điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Các phần khác của Bản án dân sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ Luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn anh Phạm Quang H, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 07/2021/DS-ST ngày 18/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện S, tỉnh Tuyên Quang như sau:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc bị đơn anh Nguyễn Văn H1, anh Trần Đình Đ phải liên đới bồi thường cho anh Phạm Quang H số tiền 350.656.262 đồng, trừ 102.000.000 đồng đã bồi thường. Anh H1 và anh Đ còn phải liên đới bồi thường số tiền 248.656.262đ (Hai trăm bốn mươi tám triệu, sáu trăm năm mươi sáu nghìn, hai trăm sáu mươi hai đồng).

Trong đó: Anh Trần Đình Đ phải bồi thường 198.459.400đ (Một trăm chín mươi tám triệu, bốn trăm năm mươi chín nghìn, bốn trăm đồng); anh Nguyễn Văn H1 phải bồi thường 50.197.000đ (Năm mươi triệu, một trăm chín mươi bảy nghìn đồng). Khoản tiền phải bồi thường kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của nguyên đơn, nếu bị đơn chậm trả thì hàng tháng còn phải chịu thêm khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015

2. Bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với khoản yêu cầu cấp dưỡng 3.000.000 đồng/tháng và khoản yêu cầu còn lại 377.707.283 đồng, trong đó bao gồm cả khoản tiền cấp dưỡng một lần là 270.000.000 đồng.

3. Về án phí:

Anh Trần Đình Đ phải nộp 9.922.900đ (Chín triệu, chín trăm hai mươi hai nghìn chín trăm đồng) án phí dân sự có giá ngạch.

Anh Nguyễn Văn H1 phải nộp 2.509.800đ (Hai triệu, năm trăm linh chín nghìn tám trăm đồng) án phí dân sự có giá ngạch.

Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 31/8/2021).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

685
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm số 25/2021/DS-PT

Số hiệu:25/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/08/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;