TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN K, TỈNH KON TUM
BẢN ÁN 19/2021/HS-ST NGÀY 29/09/2021 VỀ TỘI XÂM PHẠM MỒ MẢ
Ngày 29 tháng 9 năm 2021, tại Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 20/2021/TLST-HS ngày 15/9/2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 17/2021/QĐXXST - HS ngày 17 tháng 9 năm 2021 đối với các bị cáo:
1. Họ và tên: Nguyễn Hồng K; tên gọi khác: Không; sinh ngày 0x/0x/ 19xx, tại tỉnh Quảng Ngãi.
Nơi cư trú: Làng K, xã Y, huyện C, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hoá (học vấn): 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hồng H, sinh năm: 19xx và bà Phan Thị Kim C, sinh năm: 19xx; bị cáo có vợ: Phạm Thị H, sinh năm: 19xx; bị cáo có 04 người con lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân xấu: Ngày 26/4/2001 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và ngày 09/3/2007 bị cáo bị Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/5/2021 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Nguyễn Hồng Tr; tên gọi khác: Không; sinh ngày 2x/x/ 20xx, tại tỉnh Gia Lai.
Nơi cư trú: Làng K, xã Y, huyện C, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá (học vấn): 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Hồng K và bà Vũ Thị H sinh năm: 198x; bị cáo có 02 anh em, bị cáo là con thứ nhất trong gia đình; tiền án, tiền sự:
Không; nhân thân: Tốt.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/5/2021 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
3. Họ và tên: Đ; tên gọi khác: Không; sinh năm: 199x, tại tỉnh Gia Lai.
Nơi cư trú: Thôn Bi, xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá (học vấn): 02/12; dân tộc: Ba Na; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đư và bà Th; bị cáo có 02 anh em, bị cáo là con thứ hai trong gia đình; bị cáo có vợ: V, sinh năm: 20xx; bị cáo có 01 người con sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/5/2021 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
4. Họ và tên: H; tên gọi khác: Không; sinh ngày 1x/x/199x, tại tỉnh Gia Lai.
Nơi cư trú: Thôn Bi, xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá (học vấn): 6/12; dân tộc: Ba Na; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin Lành; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đư và bà Th; bị cáo có 02 anh em, bị cáo là con thứ nhất trong gia đình; bị cáo có vợ: T, sinh năm: 20xx; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Tốt.
Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 04/5/2021 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
5. Họ và tên: Y; tên gọi khác: Không; sinh ngày 0x/0x/19xx, tại tỉnh Gia Lai.
Nơi cư trú: Thôn Bi, xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 03/12; dân tộc: Ba na; giới tính: Nam; tôn giáo: Tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; con ông: BL, sinh năm 1964 và bà Y, sinh năm 1966; bị cáo có 07 anh em, bị cáo là con thứ 5 trong gia đình; bị cáo có vợ: B, sinh năm: 19xx; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân xấu: Ngày 10/4/2012 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai xử phạt 08 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và ngày 04/3/2014 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai xử phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Bị cáo bị bắt tạm giữ tạm giam từ ngày 08/5/2021 đến nay. Có mặt tại phiên tòa.
- Những người đại diện hợp pháp của bị hại:
1/ Chị Y N, sinh năm 1979; nơi cư trú: Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
2/ Ông A Đr, sinh năm 1967; nơi cư trú: Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
3/ Bà Y Ri, sinh năm 1954; nơi cư trú: Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
4/ Ông A Đ, sinh năm 1933; nơi cư trú: Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
5/ Ông A R, sinh năm: 1961; nơi cư trú: Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1/ Anh Trần Hoàng Đ; nơi cư trú: Số 4xx/1xx/3x, khu phố x, phường H, Quận 1x, thành phố Hồ Chí Minh. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
2/ Anh Nguyễn Văn Tr, sinh năm: 197x; nơi cư trú: Số 17x/H1, ấp T, xã T, huyện Ch, tỉnh Bến Tre. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
3/ Anh Dương Minh Ch, sinh năm: 197x; nơi cư trú: Số 2x H, phường X, thị xã S, tỉnh Phú Yên. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
4/ Anh Phạm Văn S, sinh năm 19xx; nơi cư trú: Làng K, xã Y, huyện C, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
5/ Chị Nguyễn Thị Tuyết Tr, sinh năm 19xx; nơi cư trú: Làng K, xã Y, huyện C, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
6/ Ông Trương Văn Th, sinh năm 19xx; nơi cư trú: Làng Bi, xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
7/ Anh Lê Tấn Kh, sinh năm 19xx; nơi cư trú: Làng Blo, xã D, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin xét xử vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Chiều ngày 04/5/2021, qua công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, tổ công tác của Công an huyện K phát hiện có một số đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi trộm cắp tài sản tại nghĩa địa nên tổ chức mai phục. Đến khoảng 19 giờ ngày 04/5/2021, phát hiện một ô tô tải BKS: 51C-136.72 đi từ khu nghĩa địa làng K, thị trấn M, huyện K ra nên yêu cầu dừng xe, kiểm tra thì phát hiện ô tô chở theo một số ghè (chum) cũ, đi cùng là xe mô tô do Nguyễn Hồng Tr điều khiển chở H ngồi sau, xe mô tô Y điều khiển chở Đ ngồi sau. Các đối tượng khai nhận lấy 11 ghè chôn theo người chết tại các ngôi mộ ở nghĩa địa Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum nên tổ công tác lập biên bản bắt giữ cùng tang vật đưa về công an huyện K.
Quá trình điều tra các đối tượng khai nhận: Vào ngày 01/5/2021, Đ, Y, H cùng trú tại Thôn Bi, xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai đến nhà Nguyễn Hồng Tr (HKTT: Làng Kó, xã Chư Đăng Ya, tỉnh Gia Lai) chơi, lúc này có bố của Tr là Nguyễn Hồng K ở nhà. Trong lúc ngồi chơi, nói chuyện, Y, Đ, H có nói về việc ở xã D có người thu mua ghè (chum) rượu cũ với giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ghè. Đ, Y còn cho biết theo phong tục của người dân tộc thiểu số, khi làm đám ma cho người chết thường chôn theo ghè (chum) cho người chết và làm tục bỏ mả (tức là người thân không quay lại thăm nom, quản lý nữa). Đồng thời khi mai táng người chết, những ngôi mộ được đắp bằng phẳng với nền đất, những chiếc ghè được chôn theo những ngôi mộ nhưng để lộ một phần miệng ghè để những người khác không chôn trùng với người chết trước. Nghe mọi người nói như vậy nên Nguyễn Hồng K rủ mọi người đi tìm ghè (chum) cũ ở các nghĩa địa của người dân tộc thiểu số, đào lấy đem về bán kiếm tiền tiêu xài cá nhân. K cũng cho biết, thỉnh thoảng có về quê ở Quảng Ngãi, trên đường đi về K thấy ở tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều làng của người dân tộc thiểu số sinh sống nên K rủ tất cả cùng đi đến tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi tìm ghè (chum) cũ để lấy về bán, chia đều tiền bán được, tất cả mọi người đồng ý và hẹn ngày hôm sau sẽ đi.
Ngày 02/5/2021, Nguyễn Hồng K điều khiển xe ô tô tải BKS 51C-136.72 (thuê của Phạm Văn S) chở theo Nguyễn Hồng Tr và Y, trên xe ô tô còn chở theo 01 xe mô tô của Đ mang BKS 78H7-4633; còn Đ điều khiển xe mô tô của K mang BKS 81B2-243.79 chở H đi theo sau. Khi đi Tr có mang theo 02 con dao nhọn để đào đất và một số bao tải. Khi lên đến khu vực thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum, K nói với Tr, H, Y, Đ đi xe máy vào các nghĩa địa cũ của người đồng bào dân tộc thiểu số tìm, đào lấy các ghè (chum) ở các ngôi mộ của người đã chết mang ra đường lớn để tập kết rồi K sẽ đến để chở. Tất cả đều đồng ý. Thực hiện ý định trên, Tr dùng xe mô tô BKS 81B2-243.79 của K chở H, còn Y điều khiển xe mô tô BKS 78H7- 4633 chở Đ đi từ thị trấn M theo hướng xã H, xã Ng về hướng huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi để tìm nghĩa địa, K điều khiển xe ô tô đi sau. Khi đi Tr đưa cho Đ 01 con dao, còn Tr và Y cầm 01 con dao để đào đất. Tr, H đi đến nghĩa địa thôn Be, xã S, thôn Ra , xã S; Y, Đ đi đến nghĩa địa thôn Đă, thôn G, xã S cùng thuộc huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi. Các bị cáo đi vào các ngôi mộ chôn người chết của đồng bào dân tộc Ca Dong dùng dao nhọn đào bới đất quanh ghè (chum) chôn theo người chết ở các ngôi mộ, phần mộ để lấy. Trong ngày 02 và 03 tháng 5 năm 2021, tại địa bàn huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi các bị cáo Tr, Y, H, Đ lấy được tổng cộng 28 ghè (chum). Tr, Y, H, Đ dùng xe máy vận chuyển toàn bộ số ghè lấy được đưa ra đường lớn cùng đưa lên xe ô tô do K điều khiển. Ngày 04/5/2021, K, Tr, H, Y, Đ quay lại địa bàn thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum. Tại đây, Tr, H, Y, Đ vào khu vực nghĩa địa Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum dùng dao đào bới đất xung quanh ghè chôn theo người chết ở các ngôi mộ lấy được tổng cộng 11 ghè (chum) rồi vận chuyển ra đường lớn đưa lên xe ô tô tải do K điều khiển. Sau đó, cả nhóm di chuyển theo Quốc lộ 24 để về địa bàn tỉnh Gia Lai tiêu thụ. Khi đi đến gần Tr tâm thị trấn M, huyện K thì bị lực lượng công an huyện K phát hiện bắt giữ, đưa Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, H, Đ cùng tang vật về làm việc, còn Y điều khiển mô tô bỏ chạy về tỉnh Gia Lai. Đến ngày 08/5/2021, Y đến Công an huyện K đầu thú. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội nêu trên.
Ngày 28/6/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K ra quyết định trưng cầu giám định đối với 39 ghè (chum) mà các bị cáo đã chiếm đoạt, xác định có giá trị về văn hóa, lịch sử hay không.
Tại kết luận giám định ngày 08/7/2021 của Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum kết luận: 39 chiếc ghè được trưng cầu giám định là đồ tùy táng được chia cho người đã chết theo phong tục của dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm ở huyện K cũng như văn hóa của các dân tộc trong vùng. Căn cứ kiểu dáng, xương gốm, màu men, hoa văn, họa tiết, đề tài trang trí, chữ viết và các dấu hiệu cách thức chế tác của đối tượng giám định, kết luận 39 chiếc ghè có giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân tộc.
Tại Cáo trạng số: 18/CT-VKS ngày 14 tháng 9 năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện huyện K, tỉnh Kon Tum đã truy tố bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y về tội “Xâm phạm mồ mả” theo điểm b khoản 2 Điều 319 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện K luận tội và xác định hành vi phạm tội của các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Y, H, Đ như cáo trạng đã truy tố về tội danh và điều luật. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; các bị cáo là đồng phạm, phạm tội có tổ chức nên đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 02 lần trở lên” theo quy định tại điểm a, g khoản 1 Điều 52; điểm b khoản 2 Điều 319; Điều 38; Điều 17; Điều 58 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo.
Đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng K từ 03 (Ba) năm đến 03 (Ba) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (04/5/2021).
Đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng Tr từ 02 (Hai) năm đến 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (04/5/2021).
Đề nghị xử phạt bị cáo Đ từ 02 (Hai) năm đến 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (04/5/2021).
Đề nghị xử phạt bị cáo H từ 02 (Hai) năm đến 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (04/5/2021).
Đề nghị xử phạt bị cáo Y từ từ 02 (Hai) năm đến 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giam (08/5/2021).
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Đại diện các gia đình có phần mộ bị xâm hại tại thôn K, thị trấn M gồm: ông AĐrinh, bà Y N, ông A Đ, bà Y Ri, ông A R, yêu cầu các bị cáo bồi thường cho mỗi gia đình số tiền 1.000.000 đồng để các gia đình làm thủ tục cúng tế theo phong tục địa phương, không nhận lại ghè. Các bị cáo đã tác động gia đình thực hiện việc bồi thường và chị Nguyễn Thị Tuyết Tr đã bồi thường cho mỗi gia đình 1.000.000 đồng (Tổng cộng 5.000.000 đồng). Đại diện các gia đình nêu trên có đơn xin xét xử vắng mặt, không yêu cầu các bị cáo bồi thường gì. Đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Trần Hoàng Đ; anh Nguyễn Văn Tr; anh Dương Minh Ch, anh Phạm Văn S; chị Nguyễn Thị Tuyết Tr; anh Trương Văn Th; anh Lê Tấn Kh đều có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa và không có yêu cầu bồi thường gì. Đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Về xử lý vật chứng của vụ án:
- Đối với 39 chiếc ghè (chum) đã cũ, dính nhiều bùn đất xét thấy còn giá trị sử dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục giao bảo quản tại kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K. Trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày 06/5/2021, mà người đại diện hợp pháp của các phần mộ bị xâm phạm có yêu cầu thì xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn này mà vẫn không tìm được đại diện hợp pháp thì tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
- 01 xe máy nhãn hiệu Yamaha Sirius, màu đỏ đen, BKS 81B2-243.79, đã qua sử dụng giấy tờ mang tên Nguyễn Hồng K và bị cáo K sử dụng chiếc xe này làm phương tiện phạm tội, còn giá trị sử dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
- 01 xe máy BKS 78H7-4633 nhãn hiệu Yamaha, màu xanh đã qua sử dụng giấy tờ mang tên Dương Minh Ch. Quá trình điều tra anh Chung xác nhận đã bán chiếc xe mô tô này cho Đ từ năm 2018, không làm thủ tục sang tên. Chung không liên quan gì đến chiếc xe máy và bị cáo Đ sử dụng chiếc xe này làm phương tiện phạm tội, còn giá trị sử dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
+ 01 con dao do Đ và Y sử dụng để đào lấy ghè, có tổng chiều dài 45,5 cm; lưỡi dao bằng kim loại dài 32 cm được gắn với cán bằng gỗ bọc kim loại dài 13,5 cm, mũi dao nhọn, cán dao được bo tròn các bị cáo dùng làm công cụ phạm tội, không còn giá trị sử dụng. Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu hủy.
+ Đối với 01 xe ô tô tải BKS 51C-136.72, đã qua sử dụng. Quá trình điều tra, xác định được đây là tài sản của anh Phạm Văn S (SN 199x, HKTT: Làng K, xã Y, huyện C, tỉnh Gia Lai). Sang làm hợp đồng cho Nguyễn Hồng K thuê xe để vận chuyển hàng hóa. Sang không biết việc K dùng vào việc đi chiếm đoạt các ghè nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả lại cho anh Phạm Văn S theo quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
+ Đối với 01 con dao nhọn do Tr và H sử dụng để đào đất và một số bao tải dùng để đựng ghè, trong lúc bị bắt giữ Tr đã vứt dao vào rừng ven đường. Đối với các bao tải, sau khi đưa ghè lên xe xong thì trong quá trình đi về hường Tr tâm huyện K, các bị cáo đã vứt ở dọc bìa rừng sát đường Quốc lộ 24. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm con dao và các bao tải nhưng không thu giữ được. Đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Đối với anh Lê Tấn Kh và Trương Văn Th là người sưu tầm ghè cũ ở xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai nhưng anh Khoang và anh Th không biết việc các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y đi lấy ghè chôn theo người chết ở các ngôi mộ của người đồng bào dân tộc thiểu số và cũng không có hứa hẹn gì về việc mua bán ghè nên không có cơ sở để xử lý.
Về án phí: Đề nghị Hội đồng xét xử buộc các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Y, H, Đ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y thừa nhận về hành vi phạm tội của mình, các bị cáo không có khiếu nại gì, không tự bào chữa cho hành vi phạm tội của mình và không có ý kiến tranh luận gì với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát.
Các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y nhận thức hành vi của các bị cáo là sai là vi phạm pháp luật, các bị cáo rất hối hận về hành vi xâm phạm mồ mả. Xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Những người đại diện của những ngôi mộ bị xâm phạm tại thôn K, thị trấn M gồm: ông A Đr, bà Y N, ông A Đ, bà Y Ri, ông A R có đơn xét xử vắng mặt, không yêu cầu các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Y, H, Đ bồi thường gì và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Trần Hoàng Đ; anh Nguyễn Văn Tr; anh Dương Minh Ch, anh Phạm Văn S; chị Nguyễn Thị Tuyết Tr; anh Trương Văn Th; anh Lê Tấn Kh đều có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa và không có yêu cầu bồi thường gì.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của các bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa những người đại diện hợp pháp của bị hại: ông A Đr, bà Y N, ông A Đ, bà Y Ri, ông A R và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Anh Trần Hoàng Đ; anh Nguyễn Văn Tr; anh Dương Minh Ch, anh Phạm Văn S; chị Nguyễn Thị Tuyết Tr; ông Trương Văn Th; anh Lê Tấn Kh đều vắng mặt. Xét thấy, những người đại diện hợp pháp và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều có đơn xin xét xử vắng mặt nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt đối với những người nêu trên.
[2] Về tội danh “Xâm phạm mồ mà” của các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại phiên tòa các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Xét lời khai của các bị cáo tại phiên tòa hoàn toàn phù hợp với hiện trường vụ án, biên bản phạm tội quả tang, lời khai tại cơ quan điều tra cùng với vật chứng đã thu giữ, phù hợp với kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện K, phù hợp với cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện K và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở khẳng định:
Để có tiền tiêu xài cá nhân, bị cáo Nguyễn Hồng K đã nảy sinh ý định chiếm đoạt các ghè (chum) trên các ngôi mộ tại các nghĩa địa người dân tộc thiểu số. Bị cáo Nguyễn Hồng K đã rủ và bàn bạc với Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y đi đến khu vực thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum và huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi, trên đường đi tìm các khu nghĩa địa người dân tộc để thực hiện hành vi phạm tội. Trước khi đi, bị cáo K thuê 01 xe ô tô tải BKS 51C-136.72 của anh Phạm Th Sang, chuẩn bị 01 nhãn hiệu Yamaha Sirius, màu đỏ đen, BKS 81B2-243.79, đã qua sử dụng giấy tờ mang tên Nguyễn Hồng K; bị cáo Đ chuẩn bị 01 xe mô tô BKS 78H7-4633 nhãn hiệu Yamaha, màu xanh đã qua sử dụng giấy tờ mang tên Dương Minh Ch, bị cáo Tr chuẩn bị 02 con dao và một số bao tải để đựng ghè (chum) .
Vào ngày 02 và 03 tháng 5 năm 2021, tại các nghĩa địa thuộc huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi các bị cáo Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y dùng dao nhọn đào bới các ghè (chum) ở trên mộ chôn theo người chết của người đồng bào dân tộc thiểu số xâm phạm 28 ngôi mộ, chiếm đoạt 28 ghè (cụ thể: tại nghĩa địa thôn Be, xã S các bị cáo xâm phạm 06 ngôi mộ; thôn Ra , xã S xâm phạm 04 ngôi mộ; thôn Đă, xã S xâm phạm 06 ngôi mộ; thôn G, xã S xâm phạm 12 ngôi mộ).
Ngày 04 tháng 5 năm 2021, tại nghĩa địa Thôn K, thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum, Tr, Đ, H, Y dùng dao nhọn đào bới các ghè (chum) ở trên mộ chôn theo người chết của người đồng bào dân tộc thiểu số xâm phạm 11 ngôi mộ, chiếm đoạt 11 ghè (chum).
Các bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng 39 ghè (chum) trên các phần mộ. Theo kết luận giám định ngày 08/7/2021 của Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum thể hiện những ghè (chum) có giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Như vậy, đã đủ cơ sở kết luận hành vi của các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y đã phạm vào tội: “Xâm phạm mồ mả” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 như Viện kiểm sát nhân dân huyện Kôn Plông đã truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật, nên cần được chấp nhận.
[3] Xét tính chất, mức độ tội phạm: Tội phạm các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y thực hiện thuộc trường hợp nghiêm trọng. Các bị cáo có hành vi đào phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để trên mộ, xâm phạm mồ mả của người chết. Hành vi phạm tội do các bị cáo gây ra là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến trật tự công cộng, đồng thời xâm phạm phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của cộng đồng dân cư của dân tộc mà nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đối với việc an táng người chết và nếp sống văn hóa của xã hội; đã chiếm đoạt tài sản trên phần mộ người chết có giá trị về mặt văn hóa; thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, hoàn toàn nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi mình thực hiện, hiểu biết pháp luật. Các bị cáo vì muốn có tiền tiêu xài cá nhân đã tổ chức thuê xe ô tô của anh Phạm Văn S, chuẩn bị công cụ, phương tiện để đi đến những nghĩa địa của người dân tộc thiểu số tại huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi và thị trấn M, huyện K, tỉnh Kon Tum để đào phá mồ mả của người dân tộc thiểu số chiếm đoạt 39 ghè (chum) để nhằm mục đích bán lấy tiền chia nhau tiêu xài cá nhân. Do đó, Hội đồng xét xử xét thấy cần phải xử phạt các bị cáo một mức án thật nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi của các bị cáo gây ra.
[4] Về tính chất của đồng phạm, mức độ tham gia của từng đồng phạm:
Đây là vụ án đồng phạm, có tổ chức, giữa các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, trong đó: Nguyễn Hồng K là người nảy sinh ý định lấy ghè trên các phần mộ bán lấy tiền và thống nhất sau khi bán được cùng chia đều nhau để tiêu xài cá nhân, nên đã rủ các bị cáo Tr, Đ, Y, H đi đào các ghè (chum) trên các phần mộ của người dân tộc về bán, những người này đều tiếp nhận và đồng ý cùng thực hiện. Sau khi bàn bạc thống nhất, bị cáo Nguyễn Hồng K trực tiếp chuẩn bị 01 xe ô tô (thuê của Phạm Văn S) để nhằm mục đích vận chuyển các ghè (chum), chuẩn bị 01 xe mô tô cho bị cáo Tr và H dùng làm phương tiện đi vào các nghĩa địa. Bị cáo K biết những địa điểm làng người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Sơn T tỉnh Quảng Ngãi, và huyện K, tỉnh Kon Tum nên chỉ địa điểm, phân công nhiệm vụ cho Tr, H, Y, Đ dùng 02 xe mô tô đi đến các nghĩa địa của người đồng bào dân tộc thiểu số tìm ghè để đào lấy rồi tập kết lại ở một điểm, còn K sẽ điều khiển xe ô tô vận chuyển các ghè mà các bị cáo khác đã tập kết. Do vậy, bị cáo Nguyễn Hồng K tham gia với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án nên bị cáo K phải chịu trách nhiệm cao hơn các bị cáo Tr, Đ, Y, H.
Đối với các bị cáo Tr, Đ, Y, H theo sự phân công nhiệm vụ của bị cáo K thì điều khiển xe máy, trực tiếp đi vào nghĩa địa các làng đồng bào dân tộc thiểu số, tìm ghè chôn theo mộ người chết, dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước, đào lấy ghè rồi vận chuyển ra tập kết và báo cho K đến chở đi. Vì vậy, các bị cáo Tr, Đ, Y, H tham gia với vai trò cùng là người thực hành trong vụ án và chịu trách nhiệm ngang nhau.
[5] Về đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
- Về đặc điểm nhân thân:
Bị cáo Nguyễn Hồng K có nhân thân xấu: Ngày 26/4/2001 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai xử phạt 06 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và ngày 09/3/2007 bị cáo bị Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai xử phạt 15 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” .
Bị cáo Y có nhân thân xấu: Ngày 10/4/2012 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai xử phạt 08 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và ngày 04/3/2014 bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Gia Lai xử phạt 02 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Các bị cáo Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, có nhân thân tốt.
- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo “Phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm a, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện bồi thường một phần hậu quả cho 05 người đại diện hợp pháp của bị hại với tổng số tiền 5.000.000 đồng và được người đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Hồng K có bố, mẹ là thương binh hạng A; bị cáo Y sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã ra đầu thú khai nhận hành vi phạm tội của mình nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khi quyết định hình phạt.
Sau khi xem xét đầy đủ, toàn diện hành vi, hậu quả, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải áp dụng hình phạt tù và cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm để răn đe, giáo dục, cải tạo các bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.
[6] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Đại diện các gia đình có phần mộ bị xâm hại tại thôn Kon Leang, gồm: ông AĐrinh, bà Y N, ông A Đ, bà Y Ri, ông A R, yêu cầu các bị cáo bồi thường cho mỗi gia đình số tiền 1.000.000 đồng để các gia đình làm thủ tục cúng tế theo phong tục địa phương, không nhận lại ghè. Các bị cáo đã tác động gia đình, thực hiện việc bồi thường và chị Nguyễn Thị Tuyết Tr đã bồi thường cho mỗi gia đình 1.000.000 đồng (Tổng cộng 5.000.000 đồng). Đại diện các gia đình nêu trên có đơn xin xét xử vắng mặt, không yêu cầu các bị cáo bồi thường gì. Hội đồng xét xử không xem xét.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Anh Trần Hoàng Đ; anh Nguyễn Văn Tr; anh Dương Minh Ch, anh Phạm Văn S; chị Nguyễn Thị Tuyết Tr; ông Trương Văn Th; anh Lê Tấn Kh đều có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa và không có yêu cầu các bị cáo bồi thường gì. Hội đồng xét xử không xem xét.
[7] Về xử lý vật chứng vụ án:
Đối với 28 ghè các bị cáo chiếm đoạt địa bàn huyện Sơn T, tỉnh Quảng Ngãi, quá trình điều tra, đã làm việc với các thôn có ghè bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, chưa xác định được danh tính, nhân thân các phần mộ bị xâm hại (do tục bỏ mã của người dân tộc thiểu số, sau khi chôn cất thì người thân không quay lại thăm nom, quản lý, bảo vệ nên không xác định được nhân thân). Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra thông báo truy tìm đại diện hợp pháp nhưng chưa có kết quả.
Đối với 11 ghè ở thôn K, thị trấn M, huyện K đã xác định được danh tính của 05 phần mộ và thân nhân của 05 gia đình có mộ bị xâm hại tuy nhiên các gia đình này không nhớ đặc điểm của ghè đã chôn theo người chết. Các hộ gia đình này không có nhu cầu nhận lại mà giao cho cơ quan chức năng xử lý. Các bị cáo không nhớ từng ghè chiếm đoạt ở vị trí ngôi mộ nào. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra thông báo truy tìm người đại diện hợp pháp, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của 06 ghè còn lại nhưng đến nay chưa có kết quả.
Hội đồng xét xử xét thấy theo kết luận giám định ngày 08/7/2021 của Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Kon Tum kết luận: 39 chiếc ghè có giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân tộc trong khu vực này và hiện nay đã xác định được 05 gia đình có mộ bị xâm hại tuy nhiên các gia đình này không nhớ đặc điểm của ghè đã chôn theo người chết và không có nhu cầu nhận lại ghè mà giao cho cơ quan chức năng xử lý. Còn lại chưa tìm được người đại diện hợp pháp của 34 ngôi mộ bị xâm phạm thì ngày 06/5/2021, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện K đã thông báo tìm người đại diện hợp pháp nhưng đến nay chưa có kết quả. Hội đồng xét xử thấy cần tiếp tục bảo quản tại kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K đồng thời cần áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật hình sự, Điều 228 Bộ luật dân sự để tuyên như sau: Trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày 06/5/2021 mà người đại diện hợp pháp của các phần mộ bị xâm phạm có yêu cầu thì xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn này mà vẫn không tìm được đại diện hợp pháp thì tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
- 01 xe máy nhãn hiệu Yamaha Sirius, màu đỏ đen, BKS 81B2-243.79, đã qua sử dụng giấy tờ mang tên Nguyễn Hồng K và bị cáo K sử dụng chiếc xe này làm phương tiện phạm tội, còn giá trị sử dụng nên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
- 01 xe máy BKS 78H7-4633 nhãn hiệu Yamaha, màu xanh đã qua sử dụng giấy tờ mang tên Dương Minh Ch. Quá trình điều tra anh Chung xác nhận đã bán chiếc xe mô tô này cho Đ từ năm 2018, không làm thủ tục sang tên. Chung không liên quan gì đến chiếc xe máy và bị cáo Đ sử dụng chiếc xe này làm phương tiện phạm tội, còn giá trị sử dụng nên tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
+ 01 con dao do Đ và Y sử dụng để đào lấy ghè, có tổng chiều dài 45,5 cm; lưỡi dao bằng kim loại dài 32 cm được gắn với cán bằng gỗ bọc kim loại dài 13,5 cm, mũi dao nhọn, cán dao được bo tròn các bị cáo dùng làm công cụ phạm tội không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.
Đối với 01 xe ô tô tải BKS 51C-136.72, đã qua sử dụng. Quá trình điều tra, xác định được đây là tài sản của anh Phạm Văn S (SN 1990, HKTT: Làng K, xã Y, huyện C, tỉnh Gia Lai). Sang làm hợp đồng cho Nguyễn Hồng K thuê xe để vận chuyển hàng hóa. Sang không biết việc bị cáo K dùng vào việc đi chiếm đoạt các ghè nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trả lại cho anh Phạm Văn S theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử không xem xét.
Đối với 01 con dao nhọn do Tr và H sử dụng để đào đất và một số bao tải dùng để đựng ghè, trong lúc bị bắt giữ Tr đã vứt dao vào rừng ven đường. Đối với các bao tải, sau khi đưa ghè lên xe xong thì trong quá trình đi về hướng Tr tâm huyện K, các bị cáo đã vứt ở dọc bìa rừng sát đường Quốc lộ 24. Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm con dao và các bao tải nhưng không thu giữ được. Hội đồng xét xử không xem xét.
[8] Trong vụ án này còn có Lê Tấn Kh và Trương Văn Th là người sưu tầm ghè cũ ở xã D, huyện Đ, tỉnh Gia Lai nhưng anh Khoang và anh Th không biết việc các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y đi lấy ghè chôn theo người chết ở các ngôi mộ của người đồng bào dân tộc thiểu số và cũng không có hứa hẹn gì về việc mua bán ghè nên không có cơ sở để xem xét.
[9] Về án phí: Buộc các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y phạm tội “Xâm phạm mồ mả”.
- Áp dụng: điểm b khoản 2 Điều 319; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm a, g khoản 1 Điều 52; Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật hình sự;
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng K 36 (Ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 04/5/2021).
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Hồng Tr 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 04/5/2021).
- Xử phạt bị cáo Đ 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 04/5/2021).
- Xử phạt bị cáo H 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 04/5/2021).
- Xử phạt bị cáo Y 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam (ngày 08/5/2021).
2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 46; điểm a, điểm b khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; khoản 2, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 228 Bộ luật dân sự 2015.
- Tịch thu nộp ngân sách Nhà nước các vật chứng sau:
+ 05 chiếc ghè (chum) đã cũ, dính nhiều bùn đất.
+ 34 chiếc ghè còn lại thì trong thời hạn 01 (một) năm kể từ ngày 06/5/2021, mà người đại diện hợp pháp của 34 chiếc ghè trên các phần mộ bị xâm phạm có yêu cầu thì xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn này mà không có ai có yêu cầu thì tịch thu nộp ngân sách Nhà nước.
+ 01 (một) xe máy nhãn hiệu Yamaha Sirius, màu đỏ đen, BKS 81B2-243.79, đã qua sử dụng, (kèm theo chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 085689 mang tên Nguyễn Hồng K do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai cấp ngày 17/10/2017).
+ 01 (một) xe máy BKS 78H7 - 4633 nhãn hiệu Yamaha, màu xanh đã qua sử dụng (kèm theo đăng ký mô tô, xe máy số 0082970 mang tên Dương Minh Ch do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên cấp ngày 09/01/2006).
- Tịch thu tiêu hủy vật chứng:
+ 01 (một) con dao do Đ và Y sử dụng để đào lấy ghè, có tổng chiều dài 45,5cm; lưỡi dao bằng kim loại dài 32cm được gắn với cán bằng gỗ bọc kim loại dài 13,5cm, mũi dao nhọn, cán dao được bo tròn.
(Theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 15/9/2021 của Công an huyện K với Chi cục thi hành án dân sự huyện K và biên bản giao nhận ngày 17/9/2021).
3. Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21; khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án kèm theo danh mục án phí, lệ phí Tòa án.
Các bị cáo Nguyễn Hồng K, Nguyễn Hồng Tr, Đ, H, Y mỗi bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).
4. Quyền kháng cáo: Căn cứ Điều 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự, trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (29/9/2021) các bị cáo có quyền làm đơn kháng cáo bản án để xin xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm. Riêng người đại diện theo pháp luật cho bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết./.
Trong trường hợp bản án, quyết định được quy định theo điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6 điều 7 và điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự
Bản án về tội xâm phạm mồ mả số 19/2021/HS-ST
Số hiệu: | 19/2021/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Kon Plông - Kon Tum |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 29/09/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về