TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 204/2024/HS-PT NGÀY 12/08/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN
Ngày 12 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 147/2024/TLPT-HS ngày 14 tháng 6 năm 2024 đối với bị cáo Hồ Văn L, do có kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2024/HS-ST ngày 07 tháng 5 năm 2024 của Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Bị cáo có kháng cáo: Hồ Văn L, sinh ngày 04 tháng 8 năm 1989, tại Nam Trà My, Quảng Nam; nơi thường trú: Thôn 3, xã Trà C, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; nghề nghiệp: làm nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Mơ nông; quốc tịch: Việt Nam; giới tính: Nam; tôn giáo: không; con ông Hồ Văn Đ và bà Hồ Thị X; vợ Nguyễn Thị T; có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2014, con nhỏ nhất sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: không;
Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt.
Ngoài ra còn có 03 bị cáo khác không có kháng cáo và không bị kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 31-7-2019, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Trà My phát hiện vụ việc “Khai thác gỗ trái phép”. Sau khi tiến hành xác minh, kiểm tra hiện trường theo thủ tục tố giác, tin báo về tội phạm, ngày 30-10-2019 Hạt Kiểm lâm huyện ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Nam Trà My để điều tra theo thẩm quyền, nội dung như sau:
Vào ngày 25-7-2019, ông Trần Đình Thảo tham gia chứng kiến việc Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Trà My nghiệm thu đếm cây rừng tại khu vực mà Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (thường gọi tắt là Công ty HTX) - nơi Ông T làm thuê, đang làm thủ tục thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh thuộc khu vực Thôn 3, xã Trà C, huyện Nam Trà My. Sau đó, Ông T nghe tin ông Trần Xuân Mố (Chủ tịch UBND xã Trà C) đi làm đường bị cây ngã đè nên đi đến nhà thăm. Hai bên nói chuyện với nhau và Ông M có hỏi công việc trồng sâm thế nào, Ông T trả lời là công việc đi lên, xuống khó khăn, mưa gió vất vã và bày tỏ muốn làm một lán trại để có nơi ở, đi lại cho thuận tiện. Ông M nói xung quanh chỗ Công ty thuê đất có nhiều cây ngã đổ nên tận dụng để làm lán trại. Ông T nhờ chỉ giúp người địa phương tin tưởng được và biết làm thì Ông M đồng ý. Sau đó, Ông M nói với Hồ Văn C sắp xếp đi làm lán trại cho Công ty HTX và tìm thêm người. C gặp rủ A Đức Thu rồi Thu gặp rủ Hồ Văn L; sáng hôm sau khi đến tập trung tại nhà Ông M thì Thu có nói A Rít Th đi cùng. Tối ngày 26-7-2019, Ông M điện thoại hỏi Hồ Văn K có nhận làm lán trại cho Công ty Hợp tác xã không, bên nóc Tu Chân đã có sẵn 04 người, tìm thêm 02 người nữa thì K đồng ý, Ông M nói K sáng mai xuống sớm.
Đến khoảng 06 giờ sáng ngày 27-7-2019, K nói anh vợ mình là Hồ Văn Th và Hồ Văn N, cùng trú nóc Lâng L đi làm trại cho Công ty HTX. Khi hai người này đồng ý thì K nói chờ ở nhà còn mình đi xuống nhà Ông M. Tại đây, Ông M nói với K, C, Thu, Th, L sắp xếp làm trại cho Công ty HTX, còn việc làm như thế nào, bao nhiêu tiền thì mọi người tự bàn bạc với nhau chứ Ông M không biết. Ông M gọi điện thoại cho Ông T nói là đã tìm được người, cứ đi lên Thôn 3, Trà C có người đợi sẵn rồi nói lại với mọi người là Ông T đang lên và đưa số điện thoại cho K đi đón. Sau đó, K dẫn 04 người C, Thu, Th, L lên nhà mình chờ (N và Thị cũng đang có mặt ở đây) rồi gọi điện và đi đón Ông T tại đoạn đường bê tông Thôn 3, Trà C. Lúc gặp, K nói mình là người được Ông M giới thiệu để làm lán trại rồi dẫn Ông T lên nhà gặp những người còn lại. Ông T nói với mọi người đi theo để lên rừng cúng đất và chỉ chỗ làm lán trại luôn. Sau đó, tất cả đi lên khu vực rừng thuộc Thôn 3, Trà C, khi đi K có mang theo 01 cái cưa lốc. Lúc đến nơi, mọi người giúp Ông T làm gà, che bạt, chuẩn bị đồ cúng. Trong thời gian này, Ông T có chỉ cho K 01 cây ngã đổ do thiên tai, cách chỗ dự kiến làm trại khoảng 10m và nói tận dụng luôn cả bìa để mà làm, chỉ được tận dụng cây ngã đổ. Sau khi cúng xong thì tất cả cùng ăn uống rồi dọn dẹp đi về, trước khi về K có đem cưa lốc cất tại rừng để sau khỏi đem lên lại. Khi về đến nhà K, cả 07 người cùng ngồi ăn cơm và nói chuyện. Ông T nói cả nhóm làm lán trại trọn gói với diện tích 50m2, riêng về phần đinh và tôn phía Ông T sẽ cung cấp, còn giá tiền thì tự bàn bạc với nhau. Sau khi tự bàn bạc, cả nhóm thống nhất sẽ nhận làm với giá 50.000.000 đồng. K nói với Ông T về số tiền này, Ông T đồng ý và nói ngày mai tiến hành làm luôn. K ứng trước 5.000.000 đồng để mua đồ đi làm và viết giấy nhận tiền, Ông T giữ giấy rồi rời đi. Sau đó, K nói C mai đi cùng mình xuống Tăk pỏ, xã Trà Mai mua các dụng cụ cần thiết để lên làm, những người còn lại sáng mai tập trung tại nhà K, ai có cưa, rựa thì đem thêm để làm cho nhanh.
Sáng ngày 28-7-2019, K cùng C xuống Tắkpỏ mua 30 lít xăng, 20 lít luyn thải, 03 bình nhớt pha, 09 cây dũa, 03 sên cưa, 01 bao gạo 25kg, 01 tấm bạt 6m x 4m, 01 con gà, 03 cái nồi, 10 ly, 10 chén, 10 đôi đũa, 07 cái tô, lương thực, thực phẩm...Đến khoảng 10 giờ K và C về lại, nhóm đã tập trung đầy đủ, C và L mỗi người mang theo 01 cái cưa, 01 cái rựa. Mọi người bắt đầu chia đồ đạc ra để cõng lên khu vực làm lán trại, còn lại một số đồ đạc như cuốc, xẻng, xà ben, nhớt và rượu chưa cõng hết thì để lại mai về cõng tiếp. Khoảng 12 giờ cùng ngày nhóm tới nơi, Thu làm gà để cúng, Thị chuẩn bị thêm trầu, cau và là người trực tiếp cúng rừng, những người còn lại đi kiếm củi, dọn bìa cây, che bạt làm trại. Cúng xong, cả nhóm ăn nhậu đến tối và ngủ lại trại bạt.
Đến khoảng 06 giờ sáng ngày 29-7-2019, lúc mọi người đã dậy, K hỏi ai về cõng đồ thì Thu, N xung phong đi về. Nhóm 05 người còn lại cùng ăn sáng, K nói với mọi người là K, C, Th sẽ cắt lóng cây ngã đổ; Thị, L phụ giúp xách xăng, nước uống, đến trưa cả hai sẽ dọn dẹp, rửa chén, nấu ăn. Sau đó, K và Th tiến hành cắt cây ngã đổ thành 05 lóng còn C, L, Thị phụ giúp. Khi kiểm tra thấy không đủ gỗ để làm lán trại, K nói mọi người chia ra tìm thêm cây đứng, cây nào đẹp, thẳng thì chọn, xong anh em tập trung lại để bắt đầu cưa hạ. Nhóm 05 người gồm K, C, Th, L, Thị đã tìm được và cưa hạ 03 cây gỗ đứng gồm:
Cây thứ nhất (Bời Lời Vàng): K là người hạ, cùng với Th cắt (K cắt 01 lóng, Th cắt 05 lóng); C phát xung quanh gốc và phát cành, kê đà; Thị phụ kê đà và đo lóng cắt; L xách xăng và nước uống cho nhóm cưa.
Cây thứ hai (Giẻ Gai): K là người hạ, cùng với Th cắt (K cắt 03 lóng, Th cắt 01 lóng); C phát gốc, phát cành và kê đà; Thị phụ đo, kê đà; L xách xăng, nước uống.
Cây thứ ba (Giẻ Trắng): Th là người hạ, cùng với C đo và cắt (Th cắt 04 lóng, C cắt 01 lóng), L phụ xách nước và cùng với Thị ở trại bạt dọn dẹp, chuẩn bị nấu cơm, rửa chén. Vì sên máy cưa lúc này bị hư nên K chỉ phụ phát và kê đà cùng C.
Đến trưa, nhóm 05 người về trại bạt để ăn cơm, lúc này Thu và N vừa lên tới và nhìn thấy ngọn của cây Bời Lời Vàng bị hạ ngã nằm xuống sát đường đi vào. Lúc ngồi ăn cơm, K có nói với Thu, N về việc nhóm hạ thêm 03 cây đứng để làm trại cho đủ nhưng cả hai không có ý kiến gì. Sau khi nghỉ trưa, K nói với mọi người dọn dẹp khu đất làm trại và xẻ cây ngã đổ. K tiến hành xẻ 03 lóng cây ngã đổ thành đà, cột; N, Thị phụ giúp như đo, bấm mực, kê đà, lật gỗ, đổ xăng, nhớt còn C, Thu, Th, L cùng nhau dọn dẹp khu đất, vác đà, cột để tập trung tại khu đất làm lán trại. Đến khoảng 14 giờ 30 phút, Ông T đi lên thấy K đang xẻ đà, cột từ cây ngã đổ mà mình chỉ thì nói tận dụng cho hết bìa cây ngã đổ đó rồi tiếp tục đi kiểm tra xung quanh. Ngay sau khi phát hiện có 02 cây mới bị hạ, Ông T liền quay lại hỏi K tại sao bọn cháu hạ cây đứng? K trả lời là đà dài, cây ngã đổ không đủ và không đủ gỗ làm nên phải hạ cây đứng. Nghe vậy, Ông T nói cả nhóm dọn dẹp hết đồ đạc đi về nghỉ vì ngày mai có Kiểm lâm lên kiểm tra cây để bàn giao đất rồi Ông T đi về. Nhóm của K tiếp tục xẻ xong lóng thứ 03 của cây ngã đổ, lúc này được tổng cộng 10 cây đà, cột/03 lóng, còn lại 02 lóng để nguyên rồi thu dọn đồ đạc đi về nhà K.
Ngày 30-3-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Trà My yêu cầu định giá tài sản số 09/YC-CSĐT yêu cầu Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự xác định giá trị thiệt hại bằng tiền về lâm sản là gỗ bị khai thác trái phép tại thời điểm bị cưa hạ.
Ngày 03-4-2020, Hội đồng định giá tài sản có Kết luận số 09/KL-ĐGTTHS xác định giá trị thiệt hại về lâm sản đối với số gỗ trên như sau: khối lượng 9,878m3 gỗ tròn, thiệt hại là 25.808.000 đồng và khối lượng 0,686m3 gỗ xẻ, thiệt hại là 3.430.000 đồng. Tổng thiệt hại lâm sản là 29.238.000 đồng.
Ngày 13-4-2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Trà My tiếp tục có yêu cầu định giá số 10/YC-CSĐT yêu cầu Hội đồng định giá tài sản huyện Nam Trà My định giá tổng giá trị thiệt hại bằng tiền VNĐ (giá trị về lâm sản và giá trị thiệt hại, giá trị phải bồi thường) tại khu vực hiện trường khai thác gỗ vào thời gian nói trên.
Ngày 21-4-2020, Hội đồng định giá tài sản có Công văn số 02/CV-HĐĐG trả lời định giá như sau: với các tài liệu, hồ sơ mà CQĐT cung cấp thì Hội đồng định giá tài sản không thể thực hiện được việc xác định giá trị thiệt hại phải bồi thường đối với rừng tự nhiên theo khoản 3 Điều 14 Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2024/HS-ST ngày 07/5/2024 của Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Hồ Văn L phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.
Áp dụng điểm e, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt Hồ Văn L 12 (Mười hai) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày đi thi hành án.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với các bị cáo khác trong vụ án, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 13/5/2024, bị cáo Hồ Văn L có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Hồ Văn L về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm e, m khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ và đúng pháp luật. Đồng thời, đã xem xét áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để làm căn cứ xử phạt bị cáo 12 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tại cấp phúc thẩm, không phát sinh tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo Hồ Văn L.
Bị cáo không tranh luận, xin giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Hồ Văn L có đơn kháng cáo theo đúng quy định tại các Điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự nên kháng cáo của bị cáo là hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hồ Văn L đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết và xin giảm nhẹ hình phạt.
Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với biên bản phạm tội quả tang, lời khai của các bị cáo khác trong vụ án, lời khai của người có quyền L, nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ cơ sở kết luận nội dung vụ án nêu trên là đúng với thực tế khách quan, cụ thể: Sau khi Trần Đình Thảo nói chuyện với ông Trần Xuân Mố về việc muốn làm lán trại để có nơi ở và thuận tiện cho việc trồng sâm Ngọc Linh tại khu vực mà Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (gọi tắt là Công ty HTX) - nơi Ông T làm thuê thuộc Thôn 3, Trà C, Nam Trà My và được Ông M nói xung quanh chỗ Công ty thuê đất có nhiều cây ngã đổ nên tận dụng để làm lán trại. Ngày 27-7-2019, Thảo đã thuê nhóm gồm 07 người: K, C, L, Thị, Th, Thu, N làm lán trại trọn gói với diện tích 50m2, tiền công 50.000.000 đồng; riêng về phần đinh và tôn phía Ông T sẽ cung cấp. Thảo chỉ cho K 01 cây ngã đổ do thiên tai và nói tận dụng luôn cả bìa để làm và chỉ tận dụng cây ngã đổ. Ngày 29-7-2019, K, C, Th, Thị, L tiến hành cắt lóng 01 cây ngã đổ; lúc này Thu, N đang đi về cõng đồ lên. Khi kiểm tra thấy không đủ gỗ để làm lán trại, K nói mọi người chia ra tìm thêm cây đứng, cây nào đẹp, thẳng thì chọn, xong anh em tập trung lại để bắt đầu cưa hạ thì được cả nhóm đồng ý. K, C, Th, L, Thị tìm và cưa hạ 03 cây gỗ đứng gồm Bời Lời Vàng, Giẻ gai, Giẻ trắng. Tổng số lượng gỗ bị khai thác trái phép là 04 cây (gồm 03 cây đứng và 01 cây ngã đổ), có tổng khối lượng 10,975m3 gỗ tròn, thiệt hại về lâm sản là 29.238.000 (hai mươi chín triệu, hai trăm ba mươi tám nghìn) đồng.
Do đó, Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2024/HS-ST ngày 07/5/2024 của Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã kết án bị cáo Hồ Văn L về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm e, m khoản 2 Điều 232 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Hồ Văn L, thì thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất của vụ án, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra; đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xử phạt bị cáo Hồ Văn L mức hình phạt 12 tháng tù là có căn cứ pháp luật và không nặng. Sau khi xét xử sơ thẩm, không phát sinh tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt theo như đề nghị của Kiểm sát viên.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Hồ Văn L là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn án phí nên bị cáo được miễn án phí hình sự phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[5] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6] Kiến nghị: Cáo trạng và Bản án cấp sơ thẩm đều không kết luận các bị cáo khai thác nhóm gỗ thuộc danh mục thực vật thông thường hay quý hiếm, tại loại rừng nào để xác định cấu thành cơ bản của hành vi và quy kết chính xác tội danh; tuy nhiên các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đủ cơ sở để quy kết hành vi phạm tội của các bị cáo, những thiếu sót này cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Văn L, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2024/HS-ST ngày 07 tháng 5 năm 2024 của Tòa án nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam về hình phạt.
Căn cứ vào điểm e, m khoản 2 Điều 232; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xử phạt bị cáo Hồ Văn L 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.
2. Bị cáo Hồ Văn L được miễn toàn bộ án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (12/8/2024).
Bản án về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản số 204/2024/HS-PT
Số hiệu: | 204/2024/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/08/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về