Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 22/2019/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

BẢN ÁN 22/2019/HS-ST NGÀY 15/10/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Trong ngày 15 tháng 10 năm 2019 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện P xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 19/2019/HSST ngày 20 tháng 8 năm 2019; Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2019/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 9 năm 2019 đối với bị cáo:

Hoàng Ngọc T; Giới tính: nam, sinh ngày 22/10/2000 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; Nơi đăng ký NKTT và chổ ở: Thôn L, xã Phong M, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Học vấn: 12/12; Tiền án, tiền sự: Không; Con ông Hoàng Ngọc T và bà Hồ Thị H; Gia đình có 03 anh em, bị cáo là con đầu; Chưa có vợ, con. Bị cáo được tại ngoại, có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Ông Đồng H, sinh năm 1955; địa chỉ: Tổ dân phố V, Thị trấn P, huyện P (đã chết).

- Người đại diện hợp pháp của bị hại:

1. Bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1959 (là vợ của bị hại), có mặt;

2. Chị Đồng Thị H, sinh năm 1979 (là con của bị hại), vắng mặt;

3. Chị Đồng Thị H, sinh năm 1980 (là con của bị hai), vắng mặt;

4. Chị Đồng Thị H, sinh năm 1987 (là con của bị hại), vắng mặt;

5. Anh Đồng Hữu H, sinh năm 1988 (là con của ông Hùng), vắng mặt;

6. Anh Đồng Hữu S, sinh ngày 28/3/1991 (là con của bị hai), vắng mặt;

7. Anh Đồng Hữu H, sinh năm 1985 (con bị hại) vắng mặt; 06 người con đã ủy quyền hợp pháp cho mẹ là bà T theo giấy ủy quyền ngày 02/10/2019.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Ông Hoàng Ngọc T, sinh năm 1980 và bà Hồ Thị H sinh năm 1980 (là bố mẹ của bị cáo), đều có mặt; Cùng địa chỉ: Thôn L, xã P, huyện P, TT Huế.

- Người làm chứng: Ông Nguyễn Viết Q, sinh năm 1964 và ông Nguyễn C, sinh năm 1961, cả hai ông có mặt; Cùng địa chỉ: Đội 4, tổ dân phố V, thị trấn P, huyện P, tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Người làm chứng đồng thời là người có quyền lợi liên quan: Cháu Hoàng Thị Ngọc T, sinh năm 2003 (con gái ông Hoàng ngọc T), hai người có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ 25 phút, ngày 22/4/2019, Hoàng Ngọc T (không có giấy phép lái xe hợp lệ) điều khiển xe môtô 75C1-212.23 có dung tích xi lanh 155cm3 chở sau xe là em gái Hoàng Thị Ngọc T, sinh năm 2003 chạy trên TL17 theo hướng Phong Mỹ đi QL1A. Khi đến km (01+350)m (là đoạn đường giao nhau cùng mức tạo thành ngã tư) thuộc tổ dân phố Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền. Do T thiếu chú ý quan sát nên đã để xe mô tô va chạm với ông Đồng Hùng, sinh năm 1955, trú tại Tổ dân phố Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền đang đi bộ qua đường gây tai nạn.

Hậu quả: Ông Đồng Hùng bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng đến 10h ngày 23/4/2019 thì chết; Theo giám định pháp y về tử thi số 100-19/TT ngày 17/5/2019 kết luận: Nguyên nhân ông Đồng Hùng chết là do Đa chấn thương nặng toàn thân do tai nạn giao thông. Cháu Tài bị xây xát nhẹ.

Về vật chứng của vụ án: Cơ quan điều tra đã xử lý trả lại cho chủ sở hữu. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo cùng 2 bên gia đình đã thỏa thuận bồi thường tổng thiệt hại cho bị hại là 57.000.000.đ; Đại diện bị hại đã nhận đủ và có đơn bãi nại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại bản cáo trạng số 19/CT-VKS ngày 19/8/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền kết luận: Nguyên nhân của vụ tai nạn do lỗi hỗn hợp. Lỗi chính, trực tiếp thuộc về Hoàng Ngọc T điều khiển xe mô tô nhưng không có giấy phép lái xe hợp lệ; Đi qua ngã tư đường đồng mức không giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn); Không đi về bên phải theo chiều đi của mình mà lấn sang phần đường bên trái. Hành vi tham gia giao thông của T đã vi phạm khoản 3, khoản 6 Điều 5 Thông tư 91/2015/TT- BGTVT ngày 31/12/2015; Vi phạm khoản 9 Điều 8; Khoản 1 Điều 9; Khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ.

Ông Đồng Hùng sau khi có sử dụng rượu, đi bộ qua đường tại vị trí không có vạch kẻ đường giành cho người đi bộ nhưng không quan sát các xe đang đi tới để xảy ra tai nạn, đã vi phạm khoản 3 Điều 32 Luật giao thông đường bộ.

Kết thúc phần tranh luận, Kiểm sát viên giữ nguyên quyết định đã truy tố Hoàng Ngọc T về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: Điểm a khoản 2 Điều 260; Điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự;

Xử phạt Hoàng Ngọc T từ 21 đến 24 (hai mươi bốn) tháng tù. Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa không có yêu cầu gì nên không xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Khoảng 19 giờ 25 phút, ngày 22/4/2019, Hoàng Ngọc T điều khiển xe môtô 75C1-212.23 có dụng tích xi lanh 155cm3 (nhưng không có giấy phép lái xe hợp lệ) chở em gái mình đi học là cháu Hoàng Thị Ngọc Tài; chạy trên đường TL-17 theo hướng từ xã Phong Mỹ đến QL-1A.

Theo lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa: T điều khiển xe chạy giữa đường với vận tốc khoảng 50km/h. Khi đến gần ngã tư, T phát hiện trên ngã tư có một người đi bộ qua đường từ bên phải qua bên trái (theo hướng di chuyển của T). Khi phát hiện thì người đi bộ đã đi ra ở vị trí cách mép đường bên phải (theo hướng di chuyển của T) là 0,8m và cách đầu xe mô tô của T khoảng 5 đến 6m. Do khoảng cách quá gần, T chỉ kịp bóp phanh và lách sang trái để tránh theo phản xạ. Hậu quả: Xe mô tô đã va vào người đi bộ ngay trên ngã tư và sau đó T không biết gì nữa.

Do trong kết luận điều tra và cáo trạng chỉ xác định vị trí điểm va chạm đầu tiên giữa xe mô tô và người đi bộ là trước vị trí số một trong sơ đồ hiện trường mà chưa nêu cụ thể; Chưa xác định gần khu vực ngã tư có vạch kẻ đường giành cho người đi bộ qua đường hay không nên Hội đồng xét xử đã tạm dừng phiên tòa để cùng Điều tra viên, kiểm sát viên, người làm chứng và bị cáo đến tại hiện trường vụ án để xem xét đối chiếu các số liệu, khoảng cách và các thông tin trong biên bản khám nghiệm và sơ đồ hiện trường với lời khai của người làm chứng và bị cáo. Qua xem xét đối chiếu, Hội đồng xét xử nhận thấy:

- Điểm va chạm đầu tiên giữa xe mô tô và nạn nhân là phía trước vị trí số một như trong kết luận điều tra và cáo trạng, nhưng vị trí này được xác định nằm trong phạm vi ngã tư giao nhau giữa hai đường đồng mức; Sau khi va chạm, theo lực quán tính xe mô tô vẫn chạy thêm một quảng (bằng lốp xe) khoảng từ 02 đến 03m theo hướng di chuyển và ngã nghiêng sang phải, gác chân, cụm tay lái và bộ phận bên ngoài của xe mô tô cà vào mặt đường tại vị trí số 1 và tiếp tục trượt theo quán tính tạo ra vết cà xước trên mặt đường từ vị trí số 1 đến vị trí số 2 dài 7,6m, rộng 1,1m như trong sơ đồ hiện trường. Qua đó cho thấy vận tốc xe mô tô trước khi va chạm phải đạt từ 60km/h trở lên thì mới phát sinh lực quán tính đủ lớn làm cho xe mô tô sau khi va chạm vẫn tiếp tục trượt trên mặt đường và tạo ra vết cà xước trên mặt đường dài 7,6m, rộng 1,1m.

Theo sơ đồ hiện trường, vị trí số 1 cách mép đường nhựa bên phải theo hướng di chuyển của T là 3,03m; Mặt đường nhựa rộng 3,5m suy ra điểm va chạm đầu tiên giữa xe mô tô và người đi bộ cách mép đường nhựa bên trái theo hướng di chuyển của T là 0,47m. Như vậy, khi va chạm thì người đi bộ đã ở vị trí sát lề bên trái theo hướng di chuyển của T và hoàn toàn thuộc phần đường của người và phương tiện tham gia giao thông ngược chiều.

- Tại nơi đường giao nhau có đèn chiếu sáng; Không có vòng xuyến và không có vạch kẻ ngang giành cho người đi bộ. Người bị hại đang đi bộ qua ngã tư từ bên phải qua bên trái để về nhà (theo hướng di chuyển của T).

Từ những căn cứ đã nêu trên và các tài liệu trong hồ sơ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa: Xét hành vi điều khiển xe mô tô tham gia giao thông của Hoàng Ngọc T đã vi phạm các lỗi sau:

+ T điều khiển xe mô tô tham gia giao thông nhưng không đi về bên phải theo chiều đi của mình. Đã vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ.

+ Khi đến gần đường giao nhau đồng mức (không có vòng xuyến), T đã không giảm tốc độ và không chủ động để nhường đường cho phương tiện giao thông từ bên phải tới. Đã vi phạm khỏan 1 Điều 24 Luật giao thông đường bộ.

+ Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, T đã thấy người đi bộ đang đi ngang qua đường (người đi bộ đã ở vị trí cách mép đường nhựa bên phải theo hướng di chuyển của T là 0,8m) nhưng T không giảm tốc độ; Không nhường đường cho người đi bộ qua đường bảo đảm an toàn mà T lại lách xe sang trái nên đã va vào người đi bộ tại vị trí sát mép đường bên trái (cách mép đường nhựa bên trái là 0,47m theo hướng di chuyển của T). Hành vi của T đã vi phạm đoạn 2 khoản 4 Điều 11 Luật giao thông đường bộ.

+ T còn điều khiển xe mô tô vi phạm quy định về vận tốc, đã vượt quá 40m/h là tốc độ tối đa cho phép; Vi phạm quy định khi qua nơi đường giao nhau đồng mức hoặc khi có người đi bộ qua đường “phải giảm tốc độ dưới mức tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn)” quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 5 và Điều 8 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015.

Xét hành vi đi bộ qua đường của người bị hại (đã chết) thấy rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật giao thông đường bộ quy định: “Trường hợp nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm giành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường”.

Như vậy, Để thực hiện và áp dụng đúng quy phạm pháp luật này thì trước hết Luật buộc hai chủ thể là “người đi bộ” và chủ thể “người điều khiển các xe đang đi tới” phải tuân thủ đúng quy định của Luật giao thông đường bộ. Nếu chỉ một trong hai chủ thể vi phạm thì tai nạn có thể xảy ra. Vì vậy, khi xem xét người đi bộ qua đường có lỗi hay không theo quy định “… chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và phải chịu trách nhiệm bảo đảm án toàn khi qua đường” thì phải xem xét trong điều kiện “người điều khiển các xe đang đi tới” phải chấp hành đúng Luật giao thông đường bộ. Đây chính là cơ sở là căn cứ để người đi bộ phán đoán, can, chỉnh để qua đường bảo đảm an toàn.

Trong vụ tai nạn nạn này, ngay từ đầu người điều điều khiển xe mô tô đã vi phạm các lỗi: Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định “nơi không có biển báo quy định tốc độ, thì vận tốc tối đa của xe mô tô là 40km/h” nhưng bị cáo khai điều khiển xe mô tô với vận tốc 50km/h. Nếu căn cứ vào dấu vết do xe mô tô trượt đã cà xước trên mặt đường dài 7,6m, rộng 1,1m tại hiện trường thì vận tốc xe mô tô khi xảy ra tai nạn phải trên 60km/h.

Bị cáo lại thiếu chú ý quan sát để khi đến nơi có đường giao nhau phải giảm tốc độ để chủ động nhường đường theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật giao thông đường bộ, đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn. Bị cáo mắc các lỗi này do không am hiểu quy định của Luật giao thông đường bộ nên không thao tác đúng trình tự mà Luật quy định.

Qua đó chứng tỏ: Tuy trước khi về nhà, bị hại có dùng cơm - rượu tại nhà người làm chứng cùng xóm, bị hại đã chết nên không trình bày được. Nhưng qua sơ đồ hiện trường vụ án đã cho thấy: Khi đi bộ qua đường bị hại đã quan sát xe đang đi tới, đồng thời tính toán được nếu người điều khiển xe mô tô đang đi tới chạy đúng vận tốc quy định và chú ý quan sát để khi đến nơi có đường giao nhau phải giảm tốc độ theo Luật định thì chắc chắn người đi bộ qua đường bảo đảm an toàn và thực tế bị hại đã qua sát mép đường bên trái mới bị va chạm. Như vậy, rõ ràng người đi bộ (bị hại) trong vụ tai nạn không vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật giao thông đường bộ và lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo.

[2] Xét thấy: Bị cáo Hoàng Ngọc T là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự; Bị cáo nhận thức được việc điều khiển xe mô tô tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe hợp lệ là không nắm vững luật giao thông đường bộ, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Nhưng do bị cáo quá tự tin và chủ quan nên hậu quả đã xảy ra làm chết một người. Hội đồng xét xử đã có đủ cơ sở để kết luận Hoàng Ngọc T phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự.

[3] Căn cứ tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về vi phạm Luật giao thông đường bộ, Hội đồng xét thấy: Bị cáo điều khiển xe mô tô loại 155cm3 nhưng không có giấy phép lái xe hợp lệ nên không nắm được Luật và đã vi phạm các lỗi: Điều khiển xe không đi về bên phải; Vượt quá vận tốc tối đa quy định; Khi điều khiển xe mô tô thiếu chú ý quan sát; Khi đến nơi giao nhau của đường đồng mức không giảm tốc độ dưới mức tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) và không nhường đường cho người đi bộ. Hậu quả làm chết một người, lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Vì vậy cần áp dụng một mức phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, nhằm cải tạo giáo dục riêng đồng thời để cảnh cáo răn đe phòng ngừa chung như đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có cơ sở.

Tuy nhiên, Hội đồng cũng xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ để giảm hình phạt cho bị cáo, cụ thể: Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Bị cáo cùng gia đình đã bồi thường đủ. Đại diện hợp pháp của bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo theo điểm b, s, khoản 1, khoản 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự. Bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng.

Đối với chủ sở hữu của phương tiện đã gây ra tai nạn là bố của bị cáo; Việc bị cáo lấy xe mô tô đi là tự ý, chủ phương tiện hoàn toàn không biết nên không có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ phương tiện.

Về vật chứng: Cơ quan điều tra đã xử lý là đúng quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Trong quá trình điều tra, các bên đương sự đã thỏa thuận bồi thường và đã giao nhận đủ. Tại phiên tòa, các đương sự không có yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Về án phí sơ thẩm: Buộc bị cáo phải chịu án phí theo luật định. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điểm a khoản 2 Điều 260; Điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 và khoản 1 Điều 54 Bộ luật hình sự.

Tuyên bố: Bị cáo Hoàng Ngọc T phạm tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Xử phạt bị cáo Hoàng Ngọc T 21 (Hai mươi mốt) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt giam thi hành án.

- Về trách nhiệm dân sự: Trong giai đoạn điều tra, các bên đã thỏa thuận bồi thường và đã giao nhận đủ. Tại phiên tòa không có yêu cầu nên không xét.

Về án phí hình sự sơ thẩm: Buộc bị cáo Hoàng Ngọc T phải nộp 200.000.đ (hai trăm nghìn đồng).

Báo cho bị cáo, các đại diện của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

33
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ số 22/2019/HS-ST

Số hiệu:22/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;