TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÙ CỪ, TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 13/2024/HS-ST NGÀY 03/04/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Ngày 03 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 06/2024/TLST-HS ngµy 01/02/2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 13/2024/QĐXXST-HS ngày 05/3/2024 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 02/2024/HSST-QĐ ngày 20/3/2024, đối với bị cáo:
Phạm Trung T, sinh năm 1982 tại Đ, H, Thái Bình; nơi cư trú: thôn N, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa: lớp 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn C (đã chết) và bà Lưu Thị V; có vợ là Trần Thị T1 và có 03 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú “có mặt”.
- Bị hại: bà Nguyễn Thị N1, sinh năm 1952 (đã chết).
- Người đại diện hợp pháp của bị hại: anh Nguyễn Văn T3, sinh năm 1981;
Trú tại: thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên “có mặt”.
- Người có quyền lợi liên quan vụ án: bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1950;
Trú tại: thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên “vắng mặt”;
- Người làm chứng: ông Đặng Trọng T4, sinh năm 1974;
Trú tại: thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên “vắng mặt”;
- Người chứng kiến: bà Nguyễn Thị T5, sinh năm 1952;
Trú tại: thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên “vắng mặt”
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Tối ngày 15/10/2023, Phạm Trung T sinh năm 1982 ở thôn N, xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình điều khiển xe mô tô biển số: 33N7- 613x đi trên đường ĐT378 theo hướng từ thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đi qua cầu La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ để về nhà T tại xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày thì T đi đến khu vực thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên.
Lúc này, T phát hiện phía trước đi cùng chiều đường của T có 03 người phụ nữ đang đi bộ là các bà: Nguyễn Thị N1, sinh năm 1952, Nguyễn Thị S, sinh năm 1950 và Nguyễn Thị T5, sinh năm 1952 đều ở thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên. T điều khiển xe để vượt qua những người đi bộ nhưng đã va chạm vào bà S và bà N1, làm bà S và bà N1 ngã ra đường. Hậu quả bà N1 bị thương tích nặng được đưa đi Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Việt Đức Hà Nội cứu chữa, nhưng do vết thương nặng nên bà N1 đã chết vào chiều ngày 16/10/2023. Bà S bị xây xát nhẹ được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên đến ngày 18/10/2023 ra viện. Phạm Trung T bị xây xát nhẹ, xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.
Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: hiện trường nơi xảy ra tai nạn là Km11 + 900 đường ĐT378 địa phận thôn Võng Phan, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; mặt đường được trải nhựa cứng, bằng phẳng có chiều rộng 7,3m được phân chia thành hai phần bằng các vạch sơn kẻ đường màu vàng đứt quãng. Tại vị trí hiện trường là đoạn đường thẳng, thông thoáng, tầm nhìn không bị che khuất. Quá trình khám nghiệm lấy hướng khám nghiệm là hướng từ thôn Võng Phan, xã Tống Trân đi thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ; lấy cột điện số 1.3.5 ở lề đường phía bên phải đường ĐT378 theo hướng khám nghiệm là điểm mốc và chọn mép đường phía bên phải làm mép chuẩn để tiến hành khám nghiệm, khoảng cách từ điểm mốc tới mép đường chuẩn là 6,5m. Tại hiện trường phát hiện vết cà (ký hiệu số 1) có kích thước (0,3 x 0,05)m, vết cà có chiều hướng từ Võng Phan, Tống Trân đi La Tiến, Nguyên Hòa; khoảng cách từ điểm đầu vết cà số 1 đến điểm mốc là 8,6m, đến mép đường chuẩn là 1,3m; khoảng cách từ điểm cuối vết cà số 1 đến mép đường chuẩn là 1,25m. Phát hiện vết cà đứt quãng (ký hiệu số 2) kích thước (1,6 x 0,01)m có chiều hướng từ Võng Phan, Tống Trân đi La Tiến, Nguyên Hòa; khoảng cách từ điểm đầu dấu vết số 2 đến điểm cuối dấu vết số 1 là 2,2m, đến mép đường chuẩn là 1,1m; khoảng cách từ điểm cuối dấu vết số 2 đến mép đường chuẩn là 1m. Mở rộng hiện trường, đứng từ vị trí va chạm quan sát hướng đường đi thôn Võng Phan, xã Tống Trân cách vị trí va chạm khoảng 45m phát hiện một biển báo nguy hiểm được đặt ở mé bên phải theo hướng khám nghiệm (biển báo giao nhau với đường không ưu tiên - đường ĐT378 giao nhau với đường đi vào trong thôn Võng Phan, xã Tống Trân);
tiến hành đo góc mở của đường đi vào trong thôn Võng Phan có chiều rộng là 10,2m. Cơ quan điều tra đã quản lý 01 xe mô tô biển số: 33N7- 613x.
Tại biên bản khám nghiệm xe mô tô, biển số: 33N7- 613x thấy: gương chiếu hậu bên trái bị vỡ mất phần gáo gương còn trơ lại phần gọng gương; phần nhựa ốp cụm đèn pha bị bung rời tạo khe hở ở phần đồng hồ contermet khoảng cách 1cm; nhựa ốp đèn xi nhan bên phải bị nứt vỡ kích thước (15 x 5)cm; đầu mỏm tay người lái bên trái có vết mài mòn, trượt xước bám dính chất màu trắng hướng từ dưới lên trên kích thước (2 x 0,5)cm; phần nhựa bảo vệ xi nhan bên trái phía dưới bị nứt kích thước (6 x 1)cm; phần đế chân người lái bên trái bị cong vênh, lệch một góc 30 độ theo hướng từ trước về sau làm rách phần cao su để trơ phần lõi sắt, phần lõi sắt bị mài mòn trượt xước hướng từ trên xuống dưới, từ sau về trước bám dính chất màu trắng kích thước (1 x 1)cm.
Biên bản khám nghiện tử thi bà Nguyễn Thị N1 xác định: vùng đầu mặt hai mắt nhắm, nhãn cầu hai bên không tổn thương, ống tai ngoài hai bên không chảy máu, hai lỗ mũi không chảy máu, miệng ngậm, lưỡi nằm trong cung răng, khoang miệng không chảy máu. Vùng chẩm gáy hai bên nằm trên giữa cách chân tóc gáy 6cm có đám xây xát da sưng nề kích thước (10 x 10)cm. Vùng cổ không phát hiện tổn thương. Vùng ngực bụng, vùng ngực phải cách đường giữa 9cm, cách bờ xương dưới đòn phải 6cm có diện xưng nề bầm tím kích thước (18 x 7)cm; vùng bụng không phát hiện tổn thương. Vùng lưng, chậu, hông: phía sau thắt lưng bên phải cách đường giữa 2cm, cách xương mỏm cụt 9cm có đám xây xát da kích thước (5 x 4)cm, kiểm tra khung chậu hai bên vững. Hai tay, mặt sau ngoài khuỷu tay trái có đám xây xát da bầm tím kích thước (8 x 7)cm, kiểm tra hệ thống xương hai tay vững. Hai chân, mặt trước trong đoạn 1/3 dưới cẳng chân trái có vét bầm tím kích thước (3 x 2)cm, kiểm tra hệ thống hai chân vững.
Tại bản kết luận giám định pháp y số: 221/KLCĐTT-PC09 ngày 23/10/2023 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hưng Yên kết luận: Nguyên nhân chết của bà Nguyễn Thị N1 là do: chấn thương sọ não, vỡ xương hộp sọ.
Đối với thương tích của bà Nguyễn Thị S, cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của bà S. Tuy nhiên bà Nguyễn Thị S từ chối việc giám định thương tích của mình. Cơ quan điều tra đã tiến hành dẫn giải đối với bà Nguyễn Thị S đi giám định nhưng bà S cương quyết từ chối giám định và không đề nghị gì về thương tích.
Tại cơ quan điều tra Phạm Trung T khai có thi và được Sở Giao thông vận tại thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 nhưng đã bị mất, ngoài ra bị cáo T khai không học và không được đơn vị nào khác cấp giấy phép lái xe mô tô. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Cừ đã xác minh tại Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, kết quả Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh có văn bản trả lời về việc không cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho Phạm Trung T. Như vậy, không có căn cứ chứng minh T có giấy phép lái xe mô tô hạng A1 theo quy định phù hợp với loại phương tiện do T điều khiển.
Vật chứng thu giữ: 01 xe mô tô biển số 33N7- 613x nhãn hiệu SYM Smash, hiện đang quản lý tại kho vật chứng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Cừ.
Về trách nhiệm dân sự: sau vụ tai nạn, Phạm Trung T và gia đình bị hại đã tự thỏa thuận và T đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 70.000.000 đồng; đại diện hợp pháp của bị hại là anh Nguyễn Văn T3 đã nhận đủ số tiền bồi thường trên, có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với Phạm Trung T và không yêu cầu T phải bồi thường thiệt hại gì thêm. Phạm Trung T đã tự nguyện bồi thường cho bà Nguyễn Thị S số tiền 1.000.000 đồng, bà S không yêu cầu, đề nghị gì khác.
Tại Cáo trạng số: 06/CT-VKSPC ngày 01/02/2024, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên truy tố Phạm Trung T về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên luận tội, phát biểu quan điểm giữ nguyên quyết định truy tố hành vi phạm tội của bị cáo T theo nội dung cáo trạng; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng: điểm a khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, 2, 5 Điều 65; khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm Trung T 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án. Về trách nhiệm dân sự do các bên đã tự thỏa thuận bồi thường xong, đại diện hợp pháp của bị hại không yêu cầu giải quyết nên không xem xét. Biện pháp tư pháp: đề nghị giao trả 01 xe mô tô biển số 33N7- 613x nhãn hiệu SYM Smash cũ cho bị cáo T. Bị cáo Phạm Trung T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Bị cáo Phạm Trung T nhận tội, khai báo thành khẩn diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo phù hợp với hành vi của bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ truy tố theo nội dung cáo trạng. Đến nay, bị cáo T đã nhận thức rõ sai phạm của bản thân gây ra cái chết của bị hại, đã tích cực bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất và cho bị cáo được cải tạo tại địa phương để có điều kiện cải tạo, lao động sản xuất giúp đỡ gia đình đang rất khó khăn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phù Cừ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng, đầy đủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại và người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và tài liệu chứng cứ thu thập trong hồ sơ vụ án là hợp pháp.
[2]. Lời khai nhận tội của Phạm Trung T tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trước cơ quan điều tra có trong hồ sơ vụ án; đồng thời phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Các chứng cứ đó là: các dấu vết để lại tại hiện trường trong vụ tai nạn được thể hiện trong biên bản khám nghiệm, sơ đồ, bản ảnh hiện trường (bl 19- 20, 20A, 21- 33); dấu vết để lại trên tử thi bà Nguyễn Thị N1 được thể hiện tại biên bản khám nghiệm, bản ảnh tử thi và kết luận giám định pháp y về nguyên nhân chết của bị hại (bl 49- 50, 53- 57, 51- 52); các dấu vết để lại trên phương tiện giao thông là chiếc xe mô tô nhãn hiệu SYM Samsh biển số: 33N7- 613x do Phạm Trung T điều khiển va chạm với bà N1 gây tử vong, được thể hiện trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh phương tiện xe mô tô; phù hợp lời khai của người làm chứng là ông Đặng Trọng T4, lời khai người chứng kiến bà Nguyễn Thị T5 và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: vào khoảng 21 giờ ngày 15/10/2023, Phạm Trung T điều khiển xe mô tô nhãn hiệu SYM Samsh biển số 33N7- 613x có dung tích xilanh 109,7cm3 đi trên đường ĐT378 theo hướng từ thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên đi cầu La Tiến, Nguyên Hòa, Phù Cừ, Hưng Yên. Khi T đi đến khu vực thôn V1, xã T2, huyện P, tỉnh Hưng Yên do T điều khiển xe mô tô không chú ý quan sát người, phương tiện đi cùng chiều phía trước, tránh, vượt các người đi bộ phía trước sai quy định nên đã va chạm từ phía sau vào người bà Nguyễn Thị N1 và bà Nguyễn Thị S đang đi bộ phía trước cùng chiều. Hậu quả làm bà Nguyễn Thị N1 ngã xuống đường bị chấn thương sọ não, vỡ xương hộp sọ và chết vào ngày hôm sau. Bà Nguyễn Thị S ngã xuống đường bị thương nhẹ, xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.
Bị cáo Phạm Trung T điều khiển xe mô tô SYM Smash biển số: 33N7- 613x có dung tích xilanh 109,7cm3 nhưng không có giấy phép lái xe hạng A1 theo quy định, khi tham gia giao thông đã không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, tránh vượt trái phép va chạm vào bà Nguyễn Thị N1 và bà Nguyễn Thị S là người đi bộ phía trước cùng chiều, hậu quả làm bà N1 chết do bị chấn thương sọ não, vỡ xương hộp sọ, còn bà S bị thương nhẹ từ chối giám định thương tích. Bị cáo Phạm Trung T là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi của bị cáo T điều khiển xe mô tô tham gia giao thông đã vi phạm khoản 4 Điều 11; khoản 4 Điều 14 của Luật giao thông đường bộ; khoản 1, khoản 6 Điều 5 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ giao thông vận tải làm chết một người. Hành vi của Phạm Trung T như phân tích đã có đủ dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo T điều khiển xe mô tô có dung tích xilanh 109,7cm3 nhưng không có giấy phép lái xe hạng A1 phù hợp với loại xe điều khiển, nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung hình phạt là “Không có giấy phép lái xe theo quy định”, theo điểm a khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên truy tố Phạm Trung T về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo điểm a khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Hình sự là chính xác, có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai.
[3]. Xét hành vi phạm tội của Phạm Trung T là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự công cộng và các quy định của Nhà nước về an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, gây ra cái chết thương tâm cho bị hại và gây tổn thất về tinh thần cho thân nhân của bị hại. Bị cáo T là người điều khiển xe mô tô, không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật phù hợp với loại xe bị cáo điều khiển. Khi tham gia giao thông, bị cáo chủ quan cho rằng tham giao giao thông vào ban đêm, trời tối, đường vắng, không chú ý quan sát, khi gặp 03 người già đang đi bộ phía trước về phần đường bên phải cùng chiều đi với bị cáo T, nhưng bị cáo đã không xử lý phanh để giảm tốc độ hoặc dừng lại để tránh các người đang đi bộ đảm bảo an toàn, mà bị cáo lại vượt về phía bên phải của các người đi bộ và đã va chạm với bà N1, bà S, làm bà N1 bị ngã xuống đường bị thương tích nặng được đưa đi các bệnh viện cấp cứu và cứu chữa nhưng bà N1 đã chết, bà S bị đau nhẹ. Vì vậy, cần phải xét xử nghiêm minh, áp dụng cho bị cáo một mức hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội bị cáo gây ra để cải tạo, giáo dục riêng đối với bị cáo và làm bài học răn đe, phòng ngừa tội phạm chung.
[4]. Về tình tiết tăng nặng: bị cáo Phạm Trung T không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
[5]. Về tình tiết giảm nhẹ: sau khi tai nạn xảy ra, mặc dù bị cáo T cũng bị ngã đau nhưng đã tích cực cùng người dân đưa các nạn nhân đến các bệnh viên để cứu chữa; việc bà N1 bị chết là lỗi vô ý do tự tin của bị cáo. Khi bà N1 chết, bị cáo và gia đình đã đến thăm viếng, đưa tang và tích cực tự nguyện thỏa thuận bồi thường toàn bộ thiệt hại một lần cho gia đình bị hại và đã thực hiện bồi thường xong để khắc phục hậu quả do bị cáo gây ra, thể hiện sự ăn năn, hối hận thật sự. Người đại diện hợp pháp của bị hại ghi nhận sự xử sự của bị cáo và có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo, tại phiên tòa anh Nguyễn Văn T3 đại diện hợp pháp của bị hại vẫn giữ nguyên ý kiến. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đều khai báo thành khẩn, ân hận, nhận rõ sai phạm của bản thân; bố đẻ bị cáo là bệnh binh và được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Bị cáo có đơn trình bày hoàn cảnh gia đình rất khó khăn được chính quyền địa phương xác nhận; bị cáo xin phải chịu mức án nhẹ nhất và được cải tạo tại địa phương để có điều kiện cải tạo tốt và giúp đỡ gia đình khắc phục hậu quả về kinh tế do bị cáo gây ra; nên bị cáo được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự để giảm một phần hình phạt cho bị cáo, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Xét bị cáo T có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân tốt, phạm tội với lỗi vô ý, có nơi cư trú rõ ràng nên không cần thiết phải cách ly khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được hưởng án treo theo quy định của Điều 65 Bộ luật Hình sự, chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, chính quyền địa phương nơi cư trú cũng đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục bị cáo thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa có căn cứ được chấp nhận.
[5]. Về trách nhiệm dân sự: bị cáo Phạm Trung T đã tự nguyện thỏa thuận và bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại xong, được người đại diện hợp pháp của bị hại ghi nhận và không yêu cầu giải quyết về bồi thường dân sự, nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết trong bản án này.
[6]. Biện pháp tư pháp:
- 01 xe mô tô nhãn hiệu SYM Smash, biển số: 33N7-613x, xe hư hỏng sau tai nạn giao thông. Kết quả điều tra xác định chiếc xe này do Phạm Trung T mua và sử dụng từ lâu, qua xác minh thì xe không có trong cơ sở dữ liệu xe vật chứng; bị cáo đã thực hiện xong trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại, nên giao trả lại cho bị cáo T.
[7]. Về án phí: bị cáo Phạm Trung T là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào: điểm a khoản 2 Điều 260; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, 2, 5 Điều 65; khoản 2 Điều 47 của Bộ luật Hình sự; điểm a khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên bố: bị cáo Phạm Trung T phạm Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Xử phạt bị cáo Phạm Trung T 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 03/4/2024.
Giao Phạm Trung T cho Ủy ban nhân dân xã Đ, huyện H, tỉnh Thái Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại Điều 92 của Luật thi hành án hình sự.
“Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”.
Biện pháp tư pháp:
- Giao trả lại cho bị cáo Phạm Trung T 01 xe mô tô nhãn hiệu SYM Smash biển số: 33N7- 613x (xe cũ, hư hỏng do tai nạn giao thông, không có gương).
(Chi tiết về số lượng, chất lượng, đặc điểm, tình trạng vật chứng được mô tả cụ thể theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 20/02/2024 giữa Công an huyện Phù Cừ và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Cừ).
Án phí: bị cáo Phạm Trung T phải chịu 200.000đ, (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm xét xử công khai có mặt bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại, vắng mặt người có quyền lợi liên quan vụ án; đã báo cho bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại biết được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; báo cho người có quyền lợi liên quan biết được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Bản án 13/2024/HS-ST về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ
Số hiệu: | 13/2024/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phù Cừ - Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 03/04/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về