Bản án về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên số 65/2024/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

BẢN ÁN 65/2024/HS-ST NGÀY 28/09/2024 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC TÀI NGUYÊN

Ngày 28 tháng 9 năm 2024, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 47/2024/TLST-HS ngày 24/7/2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 55/2024/QĐXXST-HS ngày 15/8/2024, đối với bị cáo:

Lê Văn Đ, sinh ngày 10/4/1971 tại Quảng Bình; nơi cư trú: thôn M, xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình; giới tính: nam; trình độ học vấn: lớp 12/12; nghề nghiệp:

kinh doanh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; con ông Lê Văn T và bà Lê Thị H (đều đã chết); có vợ là Võ Thị Đ1; có 05 người con, con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: không; bị cáo áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú; có mặt tại phiên toà.

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Văn Đ: Luật sư Nguyễn Trường T1 - Văn phòng L - Đoàn Luật sư thành phố C; địa chỉ: E H, phường T, quận N, thành phố Cần Thơ; có mặt.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

+ Bà Võ Thị Đ1, sinh năm 1977; nơi cư trú: thôn M, xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình; có mặt.

+ Công ty TNHH X; địa chỉ: thôn M, xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình.

Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn Đ, sinh năm 1971; Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty; có mặt.

- Những người làm chứng:

+ Bà Nguyễn Thị Hồng N; nơi cư trú: xã T, huyện L, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.

+ Ông Võ Văn B; nơi cư trú: thôn T, xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.

+ Ông Nguyễn Thanh H1; nơi cư trú: thôn T, xã H, huyện L, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty TNHH X (viết tắt là Công ty X) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Q cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH hai thành viên trở lên lần đầu ngày 14/02/2006 với mã số doanh nghiệp 31004694xx, do Lê Văn Đ là người đại diện theo pháp luật giữ chức danh Chủ tịch thành viên kiêm Giám đốc và bà Võ Thị Đ1 (vợ của Lê Văn Đ) là thành viên góp vốn. Công ty được cấp phép khai thác cát làm vật liệu thông thường hạt nhỏ đến vừa bằng phương pháp lộ thiên tại thôn T, xã T, huyện L, tỉnh Quảng Bình theo Giấy phép khai thác khoáng sản số: 02/GP-UBND ngày 05/01/2016 của Uỷ ban nhân dân (viết tắtc là UBND) tỉnh Quảng Bình. Ngày 20/5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q đã giao Thanh tra Sở và Phòng khoáng sản thuộc Sở phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L, UBND xã T tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Mỏ cát được cấp phép của Công ty X. Qua kiểm tra thực địa, đo đạc, các đơn vị đã tiến hành lập Bản đồ địa hình hiện trạng khai thác và Bản đồ tính khối lượng cát khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép cũng như quá trình điều tra xác định: từ năm 2019 đến năm 2022 Công ty X đã có hành vi khai thác cát vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác (theo bề mặt) với diện tích 4.669m2, khối lượng cát đã khai thác là 34.215m3. Trong khối lượng cát khai thác trái phép nói trên, Lê Văn Đ đã sử dụng 8.960m3 làm vật liệu san lấp trong quá trình thi công công trình xây dựng trụ sở UBND xã N và phát triển quỹ đất để đấu giá tại khu vực trung tâm xã N, số còn lại 25.255m3 được Đ sử dụng hỗ trợ cho các xã T, Ngư Thủy B, L, C, T thuộc huyện L phục vụ công tác san lấp các điểm sạt lở nhằm khắc phục thiên tai mùa lũ lụt.

Tại Kết luận giám định số: GĐ/16-2023 ngày 27/9/2023 của Trung tâm phân tích và kiểm định địa chất thuộc Cục Đ3 kết luận: 03 mẫu vật giám định được thu mẫu tại khu vực bị khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép đều cho kết quả là C thuỷ tinh (cát làm thuỷ tinh).

Tại Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số: 3315/STC-KLGĐ ngày 06/10/2023 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp tỉnh thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Q kết luận giá cát thuỷ tinh là 250.000 đồng/m3.

Về trách nhiệm dân sự: Sau khi bị phát hiện vi phạm, Công ty X đã chủ động sử dụng cát được cấp phép tại Mỏ cát thôn T , xã T, huyện L, tỉnh Quảng Bình và mỏ cát thôn Đ, xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình hoàn trả đủ khối lượng cát đã khai thác trái phép. Theo kết quả đo đạc ngày 15/8/2024 của Công ty TNHH T3 tại thành phố Đ, tỉnh Quảng Bình và tại Biên bản xác nhận hoàn trả lại mặt bằng giữa Công ty X với Đại diện UBND xã T đã xác nhận việc Công ty X đã san lấp và hoàn trả đầy đủ nguyên hiện trạng mặt bằng với diện tích và khối lượng, chất lượng cát đã khai thác. Tại kết luận giám định số: 147/KLGĐ-ĐCTTB ngày 01/7/2024 của Liên đoàn địa chất Trung bộ thuộc Cục Đ3 đối với các mẫu cát hạt tại mỏ T , xã T, huyện L, tỉnh Quảng Bình và mỏ cát thôn Đ, xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình và khu vực đã khai thác cát trái phép mà Công ty X đã hoàn thổ bù lấp, xác định là cát thạch anh hạt mịn màu trắng, phớt vàng - vàng nhạt, độ chọn lọc tốt. Thành phần khoáng vật chủ yếu thạch anh 96% ít khoáng vật felspat, mica, rất ít khoáng vật quặng. Cát tại 03 khu vực lấy mẫu đều tương đồng về thành phần, màu sắc, tính chất cơ lý, màu sắc, độ hạt. Đồng thời tương đồng với nhau (cùng loại hình khoáng sản, chúng có thể sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau nhưng được sử dụng chúng trong lĩnh vực công nghiệp thuỷ tinh hoặc sử dụng làm nguyên vật liệu để chế tạo khuôn đúc sẽ có giá trị kinh tế cao hơn so với làm vật liệu xây dựng thông thường. Tại phiếu kết quả thử nghiệm ngày 18/9/2024 của Trung tâm K1 thuộc T4 đo lường chất lượng xác định mẫu cát hiện trạng và cát sau khi đã hoàn trả có hàm lượng SiO2 là 99,3% Về vật chứng của của vụ án: Cơ quan Cánh sát điều tra Công an tỉnh Q đã thu giữ mẫu cát tại khu vực khai thác trái phép phục vụ công tác giám định.

Đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án:

- Bà Võ Thị Đ1 là thành viên góp vốn của Công ty X nhưng trong quá trình hoạt động của Công ty, bà Đ1 chỉ tham gia đứng tên góp vốn đăng ký hoạt động còn việc điều hành, quản lý các hoạt động đều do cá nhân Lê Văn Đ thực hiện. Bà Đ1 hoàn toàn không biết và không tham gia vào việc khai thác cát trái phép của Lê Văn Đ, vì vậy, không xem xét xử lý bà Võ Thị Đ1 và Công ty X.

- Đối với Chủ tịch UBND huyện L với vai trò là người chịu trách nhiệm về công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện L. Sau khi nhận được các Quyết định, Kế hoạch, Phương án của UBND tỉnh Q, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Chủ tịch UBND huyện đã chủ động phân công giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L tham mưu, triển khai thực hiện đầy đủ các Phương án, Kế hoạch, triển khai đồng bộ về các đơn vị cấp xã, thị trấn trên địa bàn để thực hiện một cách nghiêm túc. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ cũng như báo cáo kết quả đình kỳ hàng quý, 06 tháng và năm theo nội dung đề ra. Hàng tháng trong các cuộc họp, hội nghị giao ban Chủ tịch UBND huyện đều chủ động đôn đốc, chỉ đạo cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ được giao không có dấu hiệu thiếu trách nhiệm nên không xử lý.

- Đối với Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện L, thực hiện công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch, phương án, theo dõi công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn cho Chủ tịch UBND huyện L. Sau khi nhận được các Quyết định, Kế hoạch, Phương án của UBND tỉnh Q, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Q về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Trưởng phòng T đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện L ban hành các Kế hoạch, Phương án, triển khai thực hiện đầy đủ về các đơn vị cấp xã, thị trấn trên địa bàn để thực hiện nghiêm túc, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ cũng như báo cáo kết quả đình kỳ hàng quý, 06 tháng và năm theo nội dung đề ra. Hàng tháng đã chủ động đôn đốc, chi đạo cấp dưới thực hiện công tác tham mưu, theo dõi, quản lý công tác báo cáo kết quả thực hiện theo các nội dung đã triển khai không có dấu hiệu thiếu trách nhiệm nên không xử lý.

- Đối với Chủ tịch UBND xã T (ông Hoàng Quang Đ2- Chủ tịch UBND xã T từ giai đoạn năm 2019 đến tháng 7 năm 2022, ông Trần Trung K - Chủ tịch UBND xã từ giai đoạn tháng 7 năm 2020 đến năm 2023) và bà Nguyễn Thị H2 cán bộ Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường UBND xã T. Với tư cách là người được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn. Sau khi nhận được các chỉ đạo của UBND huyện L về việc triển khai các Kế hoạch, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn xã T, Chủ tịch UBND xã T đã chủ động giao nhiệm vụ cho cán bộ có chuyên môn thực hiện. Hàng tháng trong các cuộc họp đã chủ động đôn đốc, chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, thành lập tổ kiểm tra xử lý sai phạm về khai thác khoáng sản trên địa bàn xã T và trực tiếp tham gia công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm về khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy nhiên do khu vực khai thác trái phép có vị trí tiếp giáp với mỏ được cấp phép của Công ty X có các phương tiện khai thác, vận chuyển thường xuyên di chuyển, khu vực bị khai thác trái phép bị khuất sau bởi các đồi cát cao và do hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, thiết bị máy móc chuyên dụng để đo đạc nên không thể xác định hành vi vi phạm qua quan sát bằng mắt thường không có dấu hiệu thiếu trách nhiệm nên không xử lý.

- Đối với anh Võ Văn B, anh Nguyễn Thanh H1, chị Nguyễn Thị Hồng N là Công nhân, Kế toán của Công ty X không biết việc Lê Văn Đ khai thác cát trái phép nên không xử lý.

- Đối với UBND xã N và Trung tâm phát triển quỹ đất huyện L (đơn vị chủ đầu tư); Công ty TNHH X1 và Công ty TNHH X2 (đơn vị giám sát thi công) không biết việc Lê Văn Đ thực hiện hành vi khai thác cát trái phép và sử dụng 8.960m³ để thi công san lấp thi công công trình xây dựng trụ sở UBND xã N và công trình phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại khu vực trung tâm xã N Bắc nên không xem xét xử lý.

Cáo trạng số: 707/CT-VKS-P3 ngày 19/7/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã truy tố bị cáo Lê Văn Đ về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Lê Văn Đ phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 227; các điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự: xử phạt Lê Văn Đ từ 30 - 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Phạt bổ sung Lê văn Đ số tiền từ 100.000.00 đồng đến 150.000.000 đồng. Về trách nhiệm dân sự: bị cáo đã khắc phục xong thiệt hại nên không xem xét. Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định.

Tranh tụng tại phiên toà, bị cáo Lê Văn Đ thừa nhận hành vi phạm tội và nhất trí với tội danh, khung hình phạt mà Viện kiển sát nhân dân tỉnh Q đã truy tố đối với bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng nhất trí tội danh, khung hình phạt mà đã truy tố đối với bị cáo Lê Văn Đ. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo có quá trình nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; trong quá trình điều hành doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp cho địa phương, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong lao động được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; trong quá trình giải quyết vụ án đã tích cực hợp tác với Cơ quan Điều tra Công an huyện L bằng việc tố giác đối tượng Trần Đình H3 đã có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, hiện Cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng này về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” theo khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự; sau khi gây án bị cáo đã chủ động khắc phục hậu quả bằng việc san lấp hoàn trả lại nguyên trạng diện tích, khối lượng, chủng loại cát đã khai thác trái phép. Mặt khác cần xem xét cho bị cáo, trong số khối lượng cát khai thác trái phép có 25.255m3 bị cáo sử dụng hỗ trợ cho các xã T, Ngư Thủy B, L, C, T thuộc huyện L phục vụ công tác san lấp mặt bằng nhằm khắc phục thiên tai mùa lũ lụt. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt qua đó có thể áp dụng hình phạt chính là phạt tiền đối với bị cáo hoặc phạt bị cáo từ 12 đến 18 tháng cải tạo không giam giữ.

Tại lời nói sau cùng, bị cáo Lê Văn Đ trình bày đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình là sai trái, bị cáo rất ăn năn hối hận về hành vi đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được học tập, cải tạo tại địa phương như đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Q, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên toà vắng mặt những người làm chứng nhưng trước đó đã được Toà án triệu tập hợp lệ; bị cáo, người bào chữa và kiểm sát viên đề nghị tiếp tục xét xử vụ án, xét thấy sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng này không gây trở ngại cho việc xét xử. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự xét xử vụ án vắng mặt họ.

[2]. Về tội danh, khung hình phạt: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Lê Văn Đ đều thống nhất khai nhận: Từ năm 2019 đến năm 2022, Lê Văn Đ là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty X, trong quá trình điều hành doanh nghiệp này đã có hành vi lợi dụng việc được cấp phép khai thác mỏ cát tại thôn T, xã T, huyện L, tỉnh Quảng Bình để khai thác cát vượt ra ngoài phạm vi ranh giới khu vực mỏ cát được cấp phép với diện tích 4,669m2, tổng khối lượng cát thuỷ tinh khai thác trái phép là 34.215m3, trị giá 8.553.750.000 đồng. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với hiện trường khai thác cát trái phép, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập tại hồ sơ vụ án. Theo kết luận giám định tư pháp của Liên đoàn Địa chất T5 Trung bộ thuộc Cục Đ3 thì cát tại khu vực mà Lê Văn Đ đã khai thác trái phép là khoáng sản tồn tại ở thể rắn, sử dụng trong lĩnh vực bông sợi thuỷ tinh phục vụ xây dựng, làm nguyên liệu khuôn đúc, chế tạo bê tông cấp từ B15 đến B25 hoặc chế tạo vữa mác nhỏ hơn và bằng M5 (cát xây, tô, trát). Như vậy, có cơ sở để kết luận: bị cáo Lê Văn Đ đã phạm vào tộiVi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự. Cáo trạng số: 707/CT-VKS-P3 ngày 19/7/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã truy tố và quan điểm luận tội của Kiểm sát viên đối với bị cáo tại phiên toà là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

[3]. Xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện:

Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, vừa xâm phạm quy định của Nhà nước trong quản lý tài nguyên khoáng sản vừa gây ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh môi trường trên địa bàn. Bị cáo là người có đủ khả năng để nhận thức được tài nguyên khoáng sản là tài sản quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý, mọi hoạt động khai thác đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi bị cáo đã bất chấp tất cả để thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, cần xét xử nghiêm đối với bị cáo để giáo dục cải tạo đối với bị cáo vừa răn đe, phòng ngừa chung.

[4]. Về nhân thân của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Bị cáo Lê Văn Đ có quá trình nhân thân tốt, mới phạm tội lần đầu. Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

Quá trình điều tra và tại phiên toà đều thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năm hối cải; sau khi phạm tội đã tự nguyện khắc phục hậu quả, hoàn trả đầy đủ khối lượng cát đã khai thác trái phép; quá trình công tác Lê Văn Đ được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ trên địa bàn tỉnh; trong quá trình giải quyết vụ án đã tích cực hợp tác với Cơ quan Điều tra Công an huyện L bằng việc tố giác đối tượng Trần Đình H3 đã có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, hiện Cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng này về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” theo khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự; Công ty X do bị cáo điều hành trong quá trình hoạt động trên địa bàn được Chủ tịch UBND huyện L và Chủ tịch UBND xã C tặng nhiều giấy khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, cần xem xét cho bị cáo, trong số khối lượng cát khai thác trái phép bị cáo đã sử dụng có 25.255m3 để hỗ trợ cho các xã T, Ngư Thủy B, L, C, Thanh T2 phục vụ công tác khắc phục thiên tai do lũ lụt gây ra. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần được áp dụng để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[5] Về hình phạt áp dụng:

Căn cứ vào tính chất, mức độ hậu quả của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, quá trình nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, Hội đồng xét xử ấn định hình phạt tù nghiêm khắc đối với bị cáo. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có quá trình nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng cải tạo tại địa phương, vì vậy, chưa cần thiết phải cách ly để cải tạo mà áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho bị cáo được hưởng án treo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhằm đảm bảo tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật.

Ngoài hình phạt chính, cần áp dụng khoản 3 Điều 227 Bộ luật Hình sự phạt bổ sung bị cáo một khoản tiền như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

[6]. Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo đã khắc phục hoàn trả đầy đủ khối lượng cát đã khai thác trái phép, mẫu cát sau khi hoàn trả có hàm lượng SiO2 từ trên 96% đến 99,3% phù hợp với mẫu cát bị cáo đã khai thác trái phép (cát thuỷ tinh tỉ lệ SiO2 từ 97% - 99%). Do đó, không buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại nữa.

[7]. Về án phí: Buộc bị cáo Lê Văn Đ phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 227; các điểm b, s, t, v khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án, xử:

1. Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Lê Văn Đ phạm tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

2. Về hình phạt: Phạt bị cáo Lê Văn Đ 30 (ba mươi) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Lê Văn Đ cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện L, tỉnh Quảng Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách của án treo.

Trong thời gian thử thách của án treo, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc các bị cáo phải chấp hành hình phạt tù. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc các bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án này và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 3 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự.

Phạt bổ sung bị cáo Lê Văn Đ số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng) để sung vào ngân sách Nhà nước.

3. Về án phí: Bị cáo Lê Văn Đ phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước.

4. Về quyền kháng cáo: Án xử sơ thẩm, bị cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (đối với người có mặt) hoặc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Bản án hoặc kể từ ngày Bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

40
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án về tội vi phạm quy định khai thác tài nguyên số 65/2024/HS-ST

Số hiệu:65/2024/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/09/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: [email protected]
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;